Khi khảo cứu lời Chúa chúng ta dạy về tội lỗi,có ít nhất hai vấn đề nổi bật. Một là, số lượng rất lớn những câu Ngài nói về đề tài này, cả trong lời dạy trực tiếp của Chúa cũng như trong những ẩn dụ của Ngài. Dầu vậy, chúng ta thường không nghĩ một trong những điểm nhấn mạnh chính yếu của Chúa là tội lỗi. Nhưng đấy đúng là một điểm nhấn mạnh chính của Ngài.Hai là, lời Ngài dạy về tội lỗi rất cụ thể, như sẽ thấy khi khai triển lời dạy nầy. Nói cách khác, Đấng Christ nói rất nhiều điều về đề tài tội lỗi, và Ngài đã nói cách chi tiết và cụ thể về đề tài tội lỗi.

I. MỘT SỐ TỘI CỤ THỂ

Chúa chúng ta đã dùng toàn bộ những từ ngữ chỉ về tội lỗi và khi dùng như vậy, Ngài nêu cụ thể rất nhiều tội lỗi. Sau đây là một bản liệt kê từng tội lỗi riêng biệt được Ngài nhắc đến trong khi dạy dỗ.

A. Tội Phạm Đến Vật Thánh (Mac 11:15-18)

Khi dẹp sạch những người đổi bạc khỏi đền thờ,Ngài lên án tội phạm thánh của họ (tức là phạm đến đền thờ đã được biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời và tỏ ra bất kính đối với những điều thiêng liêng).Đấng Christ đã dẹp sạch đền thờ khi khởi đầu và kết thúc chức vụ của Ngài (cũng xem Gi 2:12-16).

B. Giả Hình (Mat 23:1-36)

Khi nghiêm khắc lên án tội giả hình của những người Sađusê, các thầy dạy luật và người Pharisi, Chúa chúng ta đã vạch trần rất nhiều cách bày tỏ cụ thể tội giả hình đó của họ.

(1) Họ không thực hành điều mình dạy dỗ (1-4).

(2) Họ tìm cách tôn cao mình bằng cách kích thích sự tâng bốc của dân chúng (5-12).

(3) Họ trốn tránh thực hiện những lời thề hứa của mình bằng cách cố phân biệt giữa lời thề chỉ đền thờ mà thề với lời thề chỉ vàng của đền thờ (16-22).

(4) Họ dâng phần mười cực kỳ cẩn thận nhưng bỏ bê không phát triển sự công bình (câu 23).

(5) Bề ngoài họ có vẻ công chính, nhưng bề trong họ là người giả hình (câu 25).

C. Tội Tham Lam (Lu 12:15)

Biết đây là nan đề cội rễ của người muốn Chúa giúp xử kiện giữa mình với anh mình, Chúa cảnh cáo dân chúng về tội tham lam.

D. Lời Nói Phạm Thượng (Mat 12:22-37)

Khi quy những phép lạ của Đấng Christ cho quyền phép của Satan, người Pharisi đã phạm tội nói phạm thượng. Tuy nhiên, họ đã có thể sửa lại tình thế này bằng lời tuyên xưng đúng về Đấng Christ (câu 30-37; xem phần luận đầy đủ về vấn đề này ở trang 433-435).

E. Tội Vi Phạm Luật Pháp (Mat 15:3-6)

Để khỏi chăm sóc cha mẹ già cả của mình, các thầy dạy luật đã nghĩ ra một cách lấy số tiền đáng lẽ phải dùng chăm sóc cha mẹ già, đem dâng cho đền thờ, để cuối cùng nhận lại số tiền đó. Chúa phán điều này là vi phạm trực tiếp đến điều răn truyền hiếu kính cha mẹ.

F. Tội Kiêu Ngạo (Mat 20:20-28; Lu 14:7-11)

Kiêu hãnh về địa vị hoặc tìm những địa vị tôn trọng vinh hiển là điều không có chỗ đứng trong nếp sống của một tôi tớ thật.

G. Tội Gây Cớ Vấp Phạm (Mat 18:6)

Làm điều gì khiến người khác phạm tội thì đó chính là tội.

H. Tội Bất Trung (Mat 8:19-22)

Đặt những sự an nhàn hoặc ngay cả những bổn phận chính đáng lên trên lòng trung thành với Đấng Christ tức là phạm tội.

I. Tội Gian Dâm (Mat 5:27-32)

Tội nầy có thể phạm trong thân thể, trong tấm lòng hoặc trong hôn nhân.

J. Không Kết Quả (Gi 15:16)

Vì Cơ đốc nhân được chọn để sinh kết quả cho Chúa, nên nếu không sinh kết quả tức là trái với mục đích của Đức Chúa Trời.

K. Tức Giận (Mat 5:22)

Chúa cảnh cáo rằng tội nóng giận có thể dẫn đến giết người.

L. Những Tội Của Lời Nói (Mat 5:33; 12:36)

Chúa cảnh cáo tội tự phản bội lời thề nguyện vì không giữ một lời hứa đã có lời thề đi kèm. Ngài cũng nói chúng ta sẽ phải khai trình mọi lời hư không của mình.

M. Tội Khoe Khoang (Mat 6:1-18)

Phô trương điều được cho là lòng sùng đạo của mình tức là phạm tội. Tội này có thể phạm khi làm những điều tốt như bố thí, cầu nguyện và kiêng ăn, nhưng làm với mục đích thu hút sự khen ngợi từ con người thay vì mong được Đức Chúa Trời chấp nhận.

N. Tội Thiếu Đức Tin (Mat 6:25)

Lo lắng về những nhu cầu của mình tức là tỏ ra thiếu đức tin nơi sự chu cấp của Đức Chúa Trời.

O. Tội Quản Lý Thiếu Trách Nhiệm (Mat 25:14-30; Lu 19:11-27)

Cả hai ẩn dụ đều minh họa môn đồ của Đấng Christ cần phải quản lý cách có trách nhiệm. Talâng tượng trưng các khả năng khác nhau được ban cho những con người khác nhau, còn các nén bạc được chia đồng đều tượng trưng cho cơ hội đồng đều của chính sự sống. Các đầy tớ nào không sử dụng những năng lực và cơ hội của họ đều bị kết tội vì lối cư xử thiếu trách nhiệm của họ.

P. Tội Không Cầu Nguyện (Lu 18:1-8)

Chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện và đừng bao giờ nản lòng.

Tôi biết chắc danh sách này có thể còn dài nữa,nhưng chắc chắn nó cho thấy Chúa chúng ta đã nhắc đến biết bao nhiêu tội cụ thể.

II. MỘT VÀI THỂ LOẠI CỦA TỘI LỖI.

Có thể xếp những tội cụ thể này vào những thể loại nhất định.

A. Những Sự Vi Phạm Luật Môise

“Corban” minh họa rõ phạm trù này (Mac 7:9-13). Coban là một lối chuyển tự một chữ Hêbơrơ mang nghĩa là một “lễ vật.”Nếu người con trai tuyên bố rằng phần cần để giúp đỡ cho cha mẹ của mình đã là Coban, thì những thầy dạy luật nói người đó được miễn bổn phận chăm sóc cha mẹ,là nhiệm vụ mà Luật Pháp Môise đòi hỏi. Dường như người đó thực sự không bị buộc phải dâng cho đền thờ khoản lễ vật đó nhưng có thể tự sử dụng.

B. Những Tội Công Khai

Dầu mọi tội đều là tội, nhưng không phải tất cả đều nặng tội như nhau. Một số tội bị kể là nặng hơn một số khác. Chúa khẳng định điều này trong lời Ngài dạy về hạt bụi và cây đà (Mat 7:1-5) và khi Ngài phán rằng tội lỗi của Caiphe nộp Đấng Christ cho nhà cầm quyền là lớn hơn tội của Philát (Gi 19:11).

Một số ví dụ về tội công khai mà chúng thường là tội nặng hơn bao gồm tội về lời nói, đặc biệt là những tội bày tỏ tinh thần thách thức những lời tuyên bố của Đấng Christ (Mat 12:22-37) và sự chống đối công khai và khước từ công khai các sứ giả của Đức Chúa Trời (21:33-46).

C. Những Thái Độ Sai Lầm Ở Bề Trong

Những hành động bề ngoài cho thấy những thái độ và tính cách bề trong, và Chúa thường vạch rõ cội rễ bề trong của tội lỗi.Xem Lu 12:13-15 và Mat 20:20-22.

D. Men

Trong cả Kinh Thánh, men đều làm hình bóng cho hiện diện của điều ô uế hay sự ác (mặc dù một số người hiểu Mat 13:33 là một ngoại lệ, trong đoạn đó men nói lên sự lớn mạnh của vương quốc nhờ quyền năng của Phúc Âm). Tuy nhiên, rõ ràng khi Chúa Jesus cảnh báo về men của người Pharisi hay Sađusê hay những người thuộc đảng Hêrốt, thì Ngài muốn nói đến điều gì đó tội lỗi.

1. Men của người Pharisi.

Men của người Pharisi là chủ nghĩa phô trương. Dù bề ngoài họ là người công bình (Mat 5:20),thông biết Kinh Thánh (23:2), dâng phần mười (Lu 18:12), là những người kiêng ăn (Mat 9:14) và cầu nguyện (Lu 18:11), nhưng bề trong của họ là ô uế, và Chúa chúng ta đã lên án men giả hình của họ (Mat 23:14,26,29; Mac 8:15; Lu 12:1).

2. Men của người Sađusê.

Men của họ là việc phổ biến những giáo lý sai lầm. Niềm tin của họ bắt nguồn từ các giác quan; do đó họ không tin sự thực hữu của các thiên sứ hoặc sự sống lại. Chúa của chúng ta không tố cáo điều này thường xuyên như điều trên, bởi vì sự dạy dỗ sai lạc tự nó có vẻ hiển nhiên hơn vì cớ khó giấu hơn (Mat 16:6).

3. Men của những người theo đảng Hêrốt.

Men của họ là chủ nghĩa thế tục và bắt chước thế gian. Là một đảng phái, họ hậu thuẫn cho Hêrốt và luật lệ của người Lamã là thứ đem lại quyền uy cho Hêrốt. Như vậy họ tìm cách dùng quyền lực đời này để hậu thuẫn những mục đích “thiêng liêng,”và Đấng Christ đã cảnh cáo điều này (Mac 8:15).

Cũng chính những tội này – là chủ nghĩa phô trương, giáo lý sai lạc và những phương pháp của thế gian – đang hết sức hiển nhiên trong một số nhóm, nhánh ngày nay. Và lời Chúa chúng ta cảnh cáo những tội ấy thật rất thích ứng.

III. MỘT SỐ NGUỒN GỐC CỦA TỘI LỖI

A. Satan.

Đấng Christ đã nhận biết sâu sắc quyền uy,chương trình và những phương thức của Satan. Có người cố gợi ý rằng Chúa thật sự đã không tin Satan thực hữu, nhưng đang điều chỉnh cho thích nghi với sự thiếu hiểu biết của dân chúng khi Ngài giảng dạy về Satan. Tuy nhiên, Ngài đã nói về Satan trong những trường hợp không cần phải nói nếu Ngài không tin Satan thực hữu (ví dụ như trong Lu 10:18). Chúa chúng ta công nhận Satan là kẻ cầm quyền thế giới này (Gi 12:31), kẻ cầm đầu vương quốc của nó (Mat 12:26), cha của những người chống nghịch (Gi 8:44), cha của kẻ nói dối (c. 44), là quỷ dữ chống lại sự tiếp nhận Phúc Âm (Mat 13:19), là kẻ thù đã gieo cỏ lùng vào giữa giống lúa tốt (c. 39), và như vậy hắn là kẻ khiến cho con người làm theo những điều mà hắn đã khởi xướng này.

B. Thế Gian

Thế giới của Satan chống nghịch với dân sự Đức Chúa Trời và còn đẩy mạnh những mục đích của Satan nữa. Cho nên hệ thống của thế gian này là một nguồn của tội lỗi khi bất cứ ai rập khuôn theo nó (Gi 15:18-19).

C. Tấm Lòng

Chúa thường nhấn mạnh rằng những việc người ta làm ở bề ngoài là sự phản ánh điều chất chứa trong lòng người ấy (Mat 15:19).

IV. TÍNH PHỔ QUÁT CỦA TỘI LỖI

Với câu tuyên bố trực tiếp, Chúa phán rằng chỉ có Đức Chúa Trời là tốt lành, và không có con người nào tốt cả (Mat 19:17).Ngài nói rằng những môn đồ được chọn của Ngài là người xấu (Lu 11:13), dù Ngài công nhận họ có thể làm những điều tốt. Tội lỗi khiến cho con người xa cách Đức Chúa Trời, và mọi người đều là tội nhân.

V. MỘT VÀI HẬU QUẢ CỦA TỘI LỖI

A. Tội Ảnh Hưởng Đến Số Phận

Tội lỗi khiến con người bị lạc mất (Mat 18:11; Lu 15:4,8,24). Nếu không được tha, tội ấy khiến họ bị hư mất (Gi 3:16).Tội đưa con người đến chỗ khổ hình (Lu 12:20).

B. Tội Ảnh Hưởng Đến Ý Chí

Chúa đã nói rõ người Pharisi là nô lệ cho những ham muốn của ma quỷ (Gi 8:44). Khi loan báo sứ mạng của Ngài trong nhà hội tại Naxarét, Chúa nói rõ rằng một việc mà Ngài đã phải đến để thực hiện chính là giải phóng cho những kẻ phu tù (Lu 4:18), dường như nói đến những phu tù thuộc linh,vì Chúa đã không thực hiện việc giải thoát những kẻ đang bị tù. (Lẽ ra Ngài đã có thể giải thoát như thế cho Giăng Báptít.)

C. Tội Ảnh Hưởng Đến Thân Thể

Dĩ nhiên không phải mọi bệnh tật đều là hậu quả của tội lỗi (Gi 9:3), nhưng hiển nhiên là có một số bệnh là do tội. Chúa cho thấy điều này trong trường hợp người được chữa lành tại ao Bêtếtđa (5:14).Cũng xem Mat 8:17.

D. Tội Ảnh Hưởng Đến Những Người Khác

Tội của các thầy dạy luật đã ảnh hưởng đến những góa phụ và những người tuân thủ những truyền thống của họ (Lu 20:46,47).Rõ ràng tội của người con trai hoang đàng ảnh hưởng đến cha chàng (15:20). Thêm vào đó, những tội đã được cảnh báo trong Bài Giảng Trên Núi đều để lại ảnh hưởng nhất định của chúng trên những người khác. Không ai có thể phạm tội trong sự biệt lập hoàn toàn.

VI. SỰ THA TỘI

A. Cơ Sở Để Tha Tội.

Ngay từ đầu chức vụ của Đấng Christ, Giăng Báp tít đã tuyên bố mục đích của chức vụ đó khi ông giới thiệu Chúa Jesus là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi (Gi 1:29). Chính Chúa đã nói rõ rằng sự chết của Ngài là nền tảng cho sự tha tội (Mat 20:28; 26:28).

B. Hệ Quả Của Sự Tha Tội

Người được tha tội phải tha thứ cho người khác. Đây là chủ đề lập lại liên tục trong sự dạy dỗ của Chúa (6:14-15;18:21-35; Lu 17:3-4).

VII. LAI THẾ HỌC VỀ TỘI LỖI

Trong bài giảng lai thế học vĩ đại của Chúa,Ngài trình bày chi tiết về tiến trình hoàn tất trong tương lai của tội lỗi trong thời kỳ Cơn Đại Nạn sẽ đến trên địa cầu này (Mat 24:1-28).

A. Trong Những Vấn Đề Quốc Tế

Tội lỗi sẽ là nguyên nhân của các trận chiến trong Thời Đại Nạn (c.6-7).

B. Trong Những Vấn Đề Của Con Người

Tội lỗi sẽ khiến con người phản bội nhau và ghét nhau (c.10,12).

C. Trong Những Vấn Đề Thuộc Linh

Thời Kỳ Đại Nạn sẽ là một thời kỳ dối gạt thuộc linh kinh khủng. Nhiều nhà lãnh đạo tà giáo sẽ lừa dối người ta bằng những phép kỳ dấu lạ mà họ sẽ được ban cho năng quyền để thực hiện (các câu 5,11,24),và Antichrist sẽ đem đạo giả dối lên đến đỉnh cao của nó khi hắn ngồi trong đền thờ tại Giêrusalem đòi người ta thờ lạy hắn (15-21). Trong thời này, sự gian ác sẽ càng công khai và càng tàn hại hơn bất cứ thời đại nào khác của lịch sử.

Tóm lại: Lời dạy của Chúa chúng ta bao trùm nhiều lãnh vực của tội lỗi, nhấn mạnh cả tính đa dạng lẫn những chi tiết cụ thể của tội lỗi. Ngài luôn luôn nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân của con người đối với tội lỗi, và sự dạy dỗ của Ngài cũng bao gồm cả những hệ quả thực tiễn của tội lỗi nữa.