Có lẽ không đề tài nào được tranh cãi rộng rãi trên nhiều diễn đàn ngày nay hơn vấn đề con người khởi nguồn thế nào. Đêm trước hôm tôi viết những dòng chữ này, bản tin truyền hình địa phương chúng tôi dành nhiều phút tường trình trực tiếp hai nhân vật theo Thuyết Sáng Tạo đang tìm cách chứng tỏ sự khám phá một số hài cốt con người đã khiến thuyết tiến hóa tự nhiên không thể xảy ra được. Những vụ kiện tụng việc dạy “thuyết Sáng Thế khoa học” (scientific creationism) trong các trường công lập đã khiến đề tài này phổ biến rộng khắp quốc gia. Cuộc tranh luận về tính không sai lạc của Kinh Thánh đã xứng đáng bao gồm phần thảo luận sử tính của bản ký thuật Sự Sáng Thế trong Sáng Thế Ký. Thậm chí giữa vòng những người Tin Lành thuần túy cũng có rất nhiều quan điểm đang tranh nhau để được chấp nhận.

I. CÁC QUAN ĐIỂM VỀ NGUỒN GỐC

A. Thuyết Tiến Hóa

Tiến hóa đơn giản có nghĩa là thay đổi theo bất kỳ chiều hướng nào. Dĩ nhiên có cách sử dụng hoàn toàn hợp pháp từ ngữ này,ví dụ như trong câu: “Đã có sự tiến hóa đáng kể trong lĩnh vực truyền thông của thế kỷ này.” Nhưng khi từ ngữ “tiến hóa” được dùng liên quan đến các nguồn gốc thì không chỉ có nghĩa là thay đổi hay phát triển. Nó bao gồm ý nói về nguồn gốc bởi những tiến trình tự nhiên, cả nguồn gốc của chất nguyên sinh đầu tiên cũng như nguồn gốc của những chủng loại mới. Nó đề xướng lý thuyết cho rằng rất nhiều tỉ năm về trước, các hóa chất dưới biển bị tác động bởi ánh sáng mặt trời và năng lực trong vũ trụ, chúng đã ngẫu nhiên tự hình thành một hay nhiều sinh vật đơn bào, rồi từ đó thông qua những đột biến có ích và sự chọn lọc tự nhiên để phát triển thành mọi thực vật, động vật và con người có sự sống.

Không ai phủ nhận đã có sự thay đổi và phát triển trong nhiều lãnh vực của tạo vật. Tuy nhiên, đối với người theo thuyết tiến hóa thì sự phát triển này còn bao gồm cả sự sản sinh ra những chủng loại mới mang những hình thức phức tạp hơn rắc rối hơn từ những chất kém phức tạp hơn.Điều này không hề đòi hỏi ý niệm về hoặc hành động của Đức Chúa Trời. Charles Darwin nói: “Tôi sẽ tuyệt đối không hy sinh bất cứ điều gì để đổi lấy thuyết chọn lọc tự nhiên nếu thuyết ấy đòi hỏi những phép lạ bổ sung ở bất cứ giai đoạn lưu truyền nào.” (R.E. D. Clark, Darwin: Before and After [London: Paternoster Press, 1948, trang 86]). Julian Huxley cũng khẳng định: “Vừa không cần thiết lại vừa phi lý khi giả định có sự can thiệp nào đó của Đức Chúa Trời vào những sự trao đổi vật chất và năng lượng này ở một khoảnh khắc nào đó trong lịch sử địa cầu.” (Evolution in Action [New York: New American Library, 1964, trang 20]).

Về nguồn gốc con người, thuyết tiến hóa dạy rằng con người đã tiến hóa suốt những khoảng thời gian rất dài qua hành động đột biến và chọn lọc tự nhiên từ những hình thức thú tính, đơn giản hơn, đến lượt những hình thức đơn giản hơn ấy lại đã tiến hóa từ những hình thức khác mà rốt cuộc chúng ra từ một sinh vật đơn bào nguyên thủy.

Hiển nhiên những cơ sở của thuyết tiến hóa tự nhiên là khoa học và đức tin.

B. Thuyết Tiến Hóa Hữu Thần

Thuyết tiến hóa hữu thần tin rằng Đức Chúa Trời đã điều khiển, sử dụng và kiểm soát những tiến trình tiến hóa tự nhiên để “sáng tạo” thế giới và mọi sự ở trong đó. Quan điểm này thường bao gồm ý kiến xem những ngày trong Sáng Thế Ký 1 là các thời đại, những tiến trình tiến hóa liên quan đến “sự sáng tạo” Ađam, và địa cầu và những hình thức tiền nhân loại thuộc về thời hết sức cổ xưa.

Darwin tuyên bố không cần phải có yếu tố siêu nhiên trong lý thuyết của ông. Người theo thuyết sáng thế lại nhấn mạnh thuyết tiến hóa tự nhiên bị loại khỏi quan điểm này. Như vậy, thuyết tiến hóa hữu thần đang cố gắng cưỡi cùng một lúc hai con ngựa (thuyết tiến hóa và Thuyết Sáng Thế) đang chạy về hai hướng ngược chiều.

Sự sáng tạo Êva đưa ra một nan đề đặc biệt cho người dạy thuyết tiến hóa hữu thần. Thuyết này tuyên bố Ađam tiến hóa ra từ một hình thức hiện hữu từ trước mà Đức Chúa Trời hà hơi sống vào hình thức đó,nhưng Êva không ra từ hình thức sự sống đã có từ trước nào đó. Êva đã là một hành động sáng tạo đặc biệt. Vậy nếu Êva đã là một hành động sáng tạo đặc biệt,tại sao Ađam lại không phải?

Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955), một linh mục Công Giáo Lamã dòng Jesuit kiêm nhà cổ sinh vật học, chủ trương tổng hợp thuyết tiến hóa và thần học Cơ đốc truyền thống. Thuyết tiến hóa là chủ đề trọng tâm của ông, dù vậy những ý tưởng của ông cũng tương tự với những lãnh vực của triết học tiến trình.

Nói nghiêm túc, toàn bộ mọi điều thuyết tiến hóa hữu thần cần công nhận để trở thành hữu thần đó là đã có một Hữu Thể siêu nhiên, Đấng đó là sức mạnh vô hình đã khởi sự quá trình tiến hóa lâu dài này.Điển hình, có thể thấy quan điểm này giữa vòng những nhà tư tưởng của Công Giáo Lamã, của thần học Cơ đốc tự do, và của Tân Chánh Thống. Nhưng rất nhiều người thuộc phạm trù tổng quát của phái tiến hóa hữu thần xem Đức Chúa Trời dự phần không những từ lúc bắt đầu tiến trình mà còn tại những điểm khác nhau trên suốt tiến trình. Ngài đã can thiệp để sáng tạo tại những giai đoạn chủ yếu của sự sống xuyên suốt lịch sử địa chất (ví dụ như các động vật có xương sống, các loài chim, động vật có vú và con người). Nhưng Ngài cũng cho phép và sử dụng những tiến trình tiến hóa tự nhiên suốt những khoảng thời gian dài của lịch sử. Quan điểm này được gọi là thuyết sáng thế tiệm tiến hay thuyết tiến hóa ngưỡng (threshold evolution) và thường được liên kết với quan điểm ngày-thời đại của Sáng Thế Ký 1. Dầu tôi muốn xếp thuyết sáng tạo tiệm tiến vào phạm trù tổng quát của thuyết tiến hóa hữu thần, nhưng một số người Tin Lành thuần túy ủng hộ thuyết sáng thế tiệm tiến sẽ phản đối, vì họ tuyên bố nó thật sự thuộc thuyết sáng thế. Tuy nhiên, loại tiến hóa trong thuyết sáng thế tiệm tiến là tiến hóa tự nhiên, và phạm vi tiến hóa diễn ra thật rộng lớn; vì vậy, theo nhận định của tôi, quan điểm này bị gọi sai tên, và nó là một dạng của thuyết tiến hóa hữu thần.

Nền tảng của thuyết tiến hóa hữu thần là Thánh Kinh và khoa học.

C. Sự Sáng Tạo

Dầu có nhiều biến thể trong phạm trù rộng lớn của thuyết sáng thế, đặc trưng chính của quan điểm nầy là: Kinh Thánh là nền tảng duy nhất của thuyết. Khoa học có thể góp phần vào hiểu biết của chúng ta, nhưng không bao giờ được phép kiểm soát, điều khiển hoặc thay đổi lối giải nghĩa Kinh Thánh của chúng ta để điều chỉnh cho thích nghi với những khám phá khoa học. Về phần con người, Sự Sáng tạo dạy rằng Đức Chúa Trời dựng nên con người đầu tiên theo hình ảnh của Ngài từ trong bụi đất và từ hơi sống của chính Ngài (Sa 1:27 và 2:7). Không hề có sinh vật người cấp thấp nào tham dự vào, cũng không có tiến trình tiến hóa nào.

Những người theo thuyết sáng thế giữ nhiều quan điểm khác nhau về những ngày trong Sự Sáng Thế, nhưng để là người theo thuyết sáng thế thì phải tin phần ký thuật trong Kinh Thánh là bản ký thuật lịch sử đúng theo sự kiện và Ađam là con người đầu tiên.

Có một quan điểm dạy rằng câu chuyện Kinh Thánh về sự sáng tạo Ađam - Êva chỉ thuật lại những điều đã diễn ra khá gần đây trong Vườn Êđen và thực sự không cho chúng ta biết gì về những điều đang diễn ra lúc đó trên khắp phần còn lại của địa cầu. Do đó, tuy Ađam là kết quả sự sáng tạo đặc biệt của Đức Chúa Trời, nhưng tại các nơi khác trên địa cầu, sinh vật đã tiến hóa trải nhiều khoảng thời gian dài. Nói cách khác, Ađam đã là một hòn đảo của sự sáng tạo giữa một đại dương của sự tiến hóa. Tôi sẽ không kể quan điểm nầy thuộc vào phạm trù tổng quát của thuyết sáng thế, vì họ không xem Ađam là người đầu tiên để từ đó ra cả loài người.

II. ĐỀ XUẤT CỦA THUYẾT TIẾN HÓA

Chúng ta cần xem xét chi tiết hơn về đề xuất của thuyết tiến hóa để trả lời vấn đề các nguồn gốc và một số vấn nạn của đề xuất đó. Có nhiều tác phẩm hay về đề tài nầy để có thể tham khảo thêm chi tiết hơn.Tôi muốn giới thiệu một số tác phẩm như của Henry M. Morris, Bolton Davidheiser (rất nhiều tác phẩm), Evolution and Christian Faith (Philadelphia: Presbyterian and Reformed, 1969), và A. E. Wilder Smith (Man’s Origin, Man’s Destiny [Wheaton, Ill.: Harold Shaw, 1968]), và những tác phẩm mới đây của Phillip E.Johnson (chẳng hạn như Darwin on Trial và Reason in the Balance [Downers Grove,Ill.: InterVasity, 1991 và 1995]), và Michael J. Behe (Darwin’s Black Box (New York: Free Press, 1996).

A. Những Nguyên Tắc Của Thuyết Tiến Hóa

Thuyết tiến hóa dựa trên nhiều nguyên tắc căn bản. Các lý thuyết khác nhau, sau đây là một số những tiền đề chung.

(1) Các hành tinh và ngôi sao đã ra từ một vụ nổ lớn (big-bang explosion) của các điện tích dương và các trung hòa tử xoay vần bị nén. Khối lượng bị nén dày đặc này tiếp tục bành trướng ra khỏi những hạt nhân nguyên thủy với vận tốc kinh hồn. Một thuyết khác nữa của nguyên tắc này còn gọi là thuyết trạng thái ổn định (steady-state theory) tin rằng vật chất được tạo ra liên tục ở ngoài không gian và tiến trình này vẫn tiếp diễn trong thời gian vô hạn định.

(2) Sự sống đã bắt đầu hoàn toàn bởi ngẫu nhiên khi một đơn bào xuất hiện từ vật chất vô cơ.

(3) Sau khi đã bắt đầu bởi ngẫu nhiên, mọi sinh vật sống khác đã phát triển từ những dạng sự sống đầu tiên đó và những dạng sự sống đơn giản hơn tiếp sau đó, rồi dần dần gia tăng tính phức tạp. Sự phát triển này cũng đã sản sinh ra con người.

B. Tiến Trình Tiến Hóa

Nếu phải rút gọn tiến trình này thành một công thức thì sẽ như sau: Đ(ột biến) + C(họn lọc) T(ự nhiên) x T(hời gian) = Sự tiến hóa (M (utations) + N(atural) S(election) x T(ime) = Evolution). Công thức này trình bày cơ chế của sự tiến hóa.

Những sự đột biến tạo thành lối giải thích duy nhất nầy cho sự tiến hóa. Những đột biến đều là những thay đổi nhỏ và bất ngờ trong mã DNA của các gien, được truyền sang cho con cháu khiến chúng khác với bố mẹ chúng trong những đặc trưng rõ rệt. Nói cách khác, những biến đổi nhỏ trong một sinh vật được truyền lại cho con cháu. Cuối cùng, một sự thay đổi nhỏ khác nữa xuất hiện bởi ngẫu nhiên, v.v.... Nếu đủ những thay đổi thế này diễn ra và được bảo tồn, thì sinh vật đó sẽ trở nên phức tạp hơn và tiến hóa thành một sinh vật khác, v.v.... Đây là phương cách mà mọi hình thức sự sống hiện có đã được sản sinh ra từ một đơn bào đơn giản lúc ban đầu. Theo như lối giải thích này về cách xuất hiện sự tiến hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của đột biến đến đâu đi nữa cũng vẫn chưa đủ. Julian Huxley viết: “… Nó không chỉ là một nhân tố hữu hiệu của sự tiến hóa, nhưng là chính nhân tố hữu hiệu duy nhất của sự tiến hóa” (Evolution in Action, trang 35).

Sự chọn lọc tự nhiên là cơ chế bảo tồn những thay đổi gây nên do đột biến. Khi một thay đổi xuất hiện có lợi cho sinh vật,thì sự chọn lọc tự nhiên sẽ gìn giữ thay đổi đó, đơn giản chỉ vì nó có lợi. Bất cứ thay đổi có hại nào đều sẽ không được duy trì, vì sự chọn lọc tự nhiên sẽ tống khứ chúng ra khỏi dòng giống vì là vô dụng. (Một đột biến có ích là đột biến làm tăng tính phức tạp của sinh vật đó.) Điều quan trọng phải nhớ ấy là: sự chọn lọc tự nhiên chỉ có thế mà thôi – thuộc về tự nhiên. Nó không phải là sự chọn lọc trong phòng thí nghiệm hay trong nhà kính; nó nói đến tiến trình chọn lựa trong thiên nhiên, xem như loại trừ những đột biến có hại và giữ lại những đột biến có lợi. Bằng tiến trình nầy, dòng giống của những sinh vật dần dần được cải thiện,nếu có đủ thời gian.

Do đó, thời gian - và những khoảng thời gian dài - là cần thiết cho sự tiến hóa. Vì những đột biến không diễn ra thường xuyên, nên sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới xảy ra đủ những đột biến có ích,rồi được bảo tồn nhờ sự chọn lọc tự nhiên, để bởi đó thay đổi hữu hiệu những sinh vật đó trở thành những sinh vật ngày càng phức tạp hơn. Nhằm giảm bớt thời gian cần phải có, một số người theo thuyết tiến hóa gơi ý có “những bùng nổ” đột biến đã diễn ra đồng thời, chúng tạo ra hàng loạt thay đổi có ích trong một sinh vật hầu như ngay lập tức, như thế rút ngắn khoảng thời gian đòi hỏi cần phải có cho để xảy ra những thay đổi cần thiết.

III. NHỮNG NAN ĐỀ TRONG THUYẾT TIẾN HÓA

A. Những Nan Đề Trong Sự Đột biến

Những đột biến có thực sự làm nổi mọi điều được xem như chúng phải làm không? Hãy suy nghĩ những điều sau đây:

1. Những đột biến thường hiếm hoi và hầu như luôn luôn có hại.

Trong cuộc thí nghiệm giống ruồi giấm (fruit fly) có những đột biến được tạo ra bởi những phương tiện nhân tạo, người ta ước tính chỉ có 1 con ruồi trong số 1 triệu con sẽ biểu lộ một đột biến. Hơn nữa, Theodosius Dobzhansky, người đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm với giống ruồi giấm, đã công nhận “hầu hết những sinh vật đột biến… đều ít nhiều ở trong tình trạng bất lợi” và rằng “đặc tính có hại của hầu hết những đột biến có vẻ là một khó khăn rất nghiêm trọng” (Evolution, Genetics, and Man (New York: John Wiley and Sons,1955, trang 150).

2. Những gien mới từ đâu đến ?

Chưa từng có đột biến nào sản sinh ra được một loài mới, hay thậm chí đến một cơ quan mới hoặc hệ thống mới, nào cả trong một loài hiện đang tồn tại. Tuy nhiên, nếu thuyết tiến hóa có giá trị thì điều nầy phải diễn ra. Ví dụ: động vật nguyên sinh không có răng, vậy thì những gien sản sinh ra răng đã đến từ đâu nếu chúng ta đã tiến hóa ra từ động vật nguyên sinh? Những đột biến có liên quan đến những thay đổi trong các sinh vật đang hiện hữu; chứ chúng không sản sinh ra những sinh vật mới.Vậy mà tại một nơi nào và bằng một cách nào đó trên tuyến tiến hóa, buộc phải sản sinh ra những chủng loài mới, và thậm chí đã phải sinh ra những hệ thống mới (như hệ thống tuần hoàn hoặc hệ thống thính giác) bên trong những chủng loại đang tồn tại.

Đây là một ví dụ về cách thuyết tiến hóa vật lộn với vấn nạn nầy.

“Nếu đột biến, là hình thức duy nhất của sự thay đổi di truyền mà chúng ta đã có chứng cứ rõ ràng của thay đổi đó rồi, luôn luôn là thay đổi trong các gien đã có mặt rồi, thì thoạt nhìn, ở đây có vẻ chúng ta không hề có cơ sở nào để hiểu sự tiến hóa của những điều mới lạ trong sự tổ chức của cơ thể ấy. Để chúng tiến hóa, chúng ta chắc chắn phải cần những yếu tố di truyền mới, chứ không phải là sự thay đổi trong cái hiện có rồi.Nhưng phải nhớ, những điều kiện trong cơ thể đó và trong vật chất di truyền là vô cùng phức tạp. Nếu bằng cách nào đó xảy ra những thay đổi trong sự phân phối các enzymes (men) trong cơ thể, có lẽ chúng sẽ gây ra nhiều khác biệt mới trong mức độ phát triển của các bộ phận, ví dụ: khác biệt mới trong một phần những xương trước của sọ dẫn đến sự tiến hóa thời kỳ đầu của những chiếc sừng. Thật khó thấy được làm thế nào bởi đột biến của một gien mà diễn ra sự tái phân phối enzymes của nó, nhưng khi xét đến tính phức tạp của những điều kiện trong cơ thể,có lẽ điều này vẫn có thể diễn ra được. Cũng vậy, không phải không có khả năng những gien mới có thể được tiến hóa. Chúng ta biết các gien có lẽ được nhân đôi bên trong các nhiễm sắc thể, và khi điều đó diễn, một phần tử của một cặp như thế sẽ được thay đổi bởi đột biến để cho chúng ta một thứ xét về chức năng là một gien mới.

Những gợi ý này hoàn toàn thuần giả thuyết.Vì hiện tại, chúng ta không thể nói gì khác hơn những điều sau: rõ ràng những điều mới lạ trong cấu trúc đã xảy ra trong sự tiến hóa; chúng là thiết yếu để tăng tính phức tạp vốn gắn liền với sự tiến triển trong tiến hóa; chúng ta không biết chính xác về những chi tiết tiến hóa của chúng” (G.S. Carter, A Hundred Years Of Evolution (New York: Macmillan, 1958, trang 184-5).

Đây có vẻ là sự vận dụng đức tin hơn là sự kiện thực tế!

B. Những Vấn Nạn Trong Sự Chọn Lọc Tự Nhiên

1. Phải chăng chọn lọc tự nhiên thật sự bảo đảm cho sự cải tiến?

Dĩ nhiên phải bảo đảm cải tiến như thế; chứ nếu không, nếu một nòi giống phụ và yếu mà phát triển, nó sẽ chết sớm và không thể có tiến hóa chi cả. Nhưng nan đề là: Sự chọn lọc tự nhiên có đem lại những cải thiện không?Sự chọn lọc trong phòng thí nghiệm thì có lẽ được, nhưng sự chọn lọc tự nhiên có đem được không? Một người theo thuyết tiến hóa công nhận nan đề này: “Thật ra lâu nay chỉ quan sát được sự chọn lọc tự nhiên có kèm những kết quả tiến hóa ở nơi nào con người đã tạo ra quyết liệt những điều kiện mới để dồn nén áp lực chọn lọc nặng nề.” (J.B.S. Haldane, Nature, 14-3-1959, trang 51).

2. Những đột biến riêng lẻ.

Liệu sự chọn lọc tự nhiên có công nhận giá trị của một đột biến riêng lẻ trong khi chờ đợi xảy ra những đột biến khác cần thiết để sản sinh một hệ thống mới trong sinh vật ấy không? Ví dụ như trong sự tiến hóa của con mắt, nếu đột biến tạo tuyến lệ diễn ra trước tiên, liệu sự chọn lọc tự nhiên có giữ nó trong sinh vật đó cho đến khi những đột biến khác diễn ra để sản sinh lông mi, mí mắt, giác mạc, thủy tinh thể, v.v…? Hay sự chọn lọc tự nhiên sẽ đào thải sinh vật có tuyến lệ nhưng không có những thành tố khác của một hệ thống thị giác đơn giản chỉ vì nó không hữu dụng riêng một mình nó?

3. Lập luận vòng vo:

Phản ứng hỗ tương giữa những đột biến và sự chọn lọc tự nhiên để giải thích cho thuyết tiến hóa là một lập luận vòng vo. Julian Huxley đã thừa nhận điều nầy thật rõ ràng: “Dựa trên kiến thức hiện nay của chúng ta, sự chọn lọc tự nhiên chắc chắn sản sinh ra những thích nghi mang tính di truyền; và như thế những thích nghi mang tính di truyền là chứng cứ có lý cho sự chọn lọc tự nhiên.” (Evolution in Action, trang 43).

C. Những Nan Đề Về Độ Dài Thời Gian Cần Phải Có

Dù những đột biến là hiếm và thường có hại,dù sự chọn lọc tự nhiên rất có thể sẽ đào thải một sinh vật đột biến khỏi nòi giống đi chăng nữa, nhưng dường như đối với người không chuyên, có vẻ rất hợp lý rằng nếu có đủ thời gian thì mọi sự đều có thể xảy ra, kể cả sự tiến hóa.Huxley giải thích: “Mọi vật sống đều có tuổi bằng nhau – chúng đều có thể truy ngược về tổ tiên của mình khoảng 2.000 triệu năm trước. Có được khoảng thời gian dài ấy, có thể thực hiện dễ dàng những điều chỉnh nhỏ để tăng lên đến những thích nghi kỳ diệu; và những sự chuyển tiếp nhỏ về tần số gien giữa thế hệ này và thế hệ kế tiếp có thể nhân lên để sản sinh những cải thiện triệt để và những chủng loại sinh vật hoàn toàn mới” (Evolution in Action, trang 41).

Nhưng có thể thách thức một lời tuyên bố như thế bằng cách kiểm tra.

“Tỉ lệ xác suất là 10 lũy thừa 161 (10161)trên 1 cho trường hợp không tạo ra một protein hữu dụng bởi ngẫu nhiên trong toàn bộ lịch sử của địa cầu, có quyền dùng mọi nguyên tử thích hợp trên trái đất ở tỷ lệ phi thường đã mô tả. Đây là một con số chứa đựng 161 số 0. Có lẽ cần nhắc rằng dẫu như có được một phân tử, nó cũng không hề giúp sắp xếp cho phân tử protein thứ hai trừ phi có một tiến trình nhân đôi chính xác. Thậm chí nếu có một tiến trình như thế đi nữa, thì vẫn cần phải có rất nhiều loại protein khác nữa trước khi có thể có một sinh vật sống. Trong tế bào tối thiểu của Morowitz, 239 phân tử protein cần phải có cho tế bào đó bao gồm ít nhất 124 chủng loại protein khác” (phần in nghiêng là trong nguyên tác) (James F. Coppedge, Evolution:Possible or Impossible? (Grand Rapids: Zondervan, 1973, trang 109-10).

Nhiều người khác rút ra những kết luận tương tự về xác suất ngẫu nhiên hình thành một phân tử protein. Khoa học gia người Pháp Lecomte du Nouy đã nói đó là một cơ may trong số 10243. Nhà toán học Thụy Sĩ Charles E. Guye đã tính toán đó là một cơ may trong số 10160 (10 lũy thừa 160). Murray Eden thuộc Viện MIT và Marcel Schutzenberger thuộc Viện Đại Học Paris đều kết luận rằng máy vi tính kỹ thuật số của họ chứng tỏ thuyết tiến hóa không thể có được. (Mathematical Challenges to the Neo-Darwinian Interpretation of Evolution, đồng soạn giả P.S. Moorhead và M.M. Kaplan [Philadelphia: Wistar Institute Press, 1967]; và Lecomte du Nouy, Human Destiny (London: Longmans,Green and Co., 1947], trang 34).

Trong khi xác suất được diễn tả bằng một phân số (ví dụ như 1 trong 5 triệu lần), và khi phân số ấy nhỏ như thế này cho sự sản sinh ngẫu nhiên một phân tử protein, thì nhà toán học sẽ tuyên bố rằng xác suất xảy ra điều đó là số không. Những người theo thuyết tiến hóa rất có thể nói rằng vẫn còn một cơ may, bất luận nhỏ vô cùng đến đâu đi nữa, để sự tiến hóa diễn ra vì cớ có đến hàng tỷ năm trôi qua. Tuy nhiên, ngay cả khi có hàng tỷ năm cũng sẽ không giảm được xác suất đủ để đặt nó vào trong tầm phạm vi xác suất hợp lý. Davidheiser đã kiểm tra lời phát biểu nổi tiếng rằng nếu một triệu con khỉ được phép đánh trên bàn phím của một triệu máy đánh chữ trong vòng một triệu năm, thì chúng có thể do ngẫu nhiên đánh ra một bản sao vở kịch của Shakespeare. Lập nên một thí nghiệm có kiểm soát chỉ với những chữ hoa mà thôi,liên tục đánh máy theo tốc độ không thay đổi, và chỉ với yêu cầu câu đầu tiên của Sáng Thế Ký, ông đã chứng tỏ trong hàng tỷ năm một triệu con khỉ sẽ chẳng bao giờ đánh được Sa 1:1, chứ đừng nói đến một vở kịch của Shakespeare (Evolution and Christian Faith, trang 362-3). Ngay cả để đánh một dòng đầu của vở Hamlet (“Ber: Who’s There?”) cũng sẽ đòi hỏi phải có trung bình số thí nghiệm lập đi lập lại trong 284 tỷ tỷ năm, một thời gian lâu hơn đáng kể so với thời gian mà thuyết tiến hóa phải cần để làm toàn bộ việc xem như nó đã làm.

Kết luận hiển nhiên của điều nầy đơn giản là đòi hỏi phải có một lượng đức tin phi thường để tin rằng có thể sự tiến hóa đã ngẫu nhiên phát sinh ra toàn bộ sự sống đã hoặc đang tồn tại hiện nay.

Phải chăng có thể sự sống đã tiến hóa nhờ ngẫu nhiên? Xác suất hình thành một phân tử protein do ngẫu nhiên là một phần 10243,là một con số gồm số 1 và 243 số không tiếp theo. Phân số nầy quá nhỏ đến nỗi có thể nói xác suất nầy là số không.

1 cơ may trong 1.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.

000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.

000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.

000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.

000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.

000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.

000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.

000.000.000.000 lần

D. Nan Đề Đối Với Định Luật Thứ Hai của Nhiệt Động Lực Học

Định luật thứ hai nầy của nhiệt động lực học phát biểu rằng dù năng lượng trong vũ trụ vẫn là hằng số, lượng năng lượng có sẵn để thực hiện những công hữu ích vẫn luôn luôn giảm (và entropy, tức lượng năng lực không sẵn dùng được, thì lại gia tăng). Như thế, mọi vật đang tiến đến chỗ kém trật tự hơn hoặc hỗn loạn hơn. Dĩ nhiên, điều nầy hoạt động trái ngược trực tiếp với những lời dạy của thuyết tiến hóa. Thật ra, trong một cuộc tranh luận tôi có tham dự, tôi được nghe một người theo thuyết tiến hóa bình luận lém lỉnh rằng thuyết tiến hóa đã là “một ngoại lệ lớn lao đối với định luật thứ nhì nầy.”

Người theo thuyết tiến hóa làm sao đối phó với nan đề dường như không thể giải quyết được do định luật thứ hai đưa ra?

Có người nói rằng thời gian dài lâu từ buổi Sáng Thế cho phép mọi sự xảy ra, đặc biệt là sự tiến hóa. Nhưng nên nhớ, trong hàng tỉ năm đó, entropy cũng gia tăng; định luật này không tạm dừng.

Có người nói dường như có những ngoại lệ đối với luật này. Điều này có thể đúng, nhưng chúng chỉ có thể là tạm thời và làm hại đến sự gia tăng entropy ở một nơi nào khác trong môi trường rồi.

Có người cho rằng trái đất là một hệ thống mở và lấy năng lượng từ mặt trời. Nhưng sự truyền năng lượng mặt trời là vô dụng,trừ phi có một kiểu động cơ nào đó bên trong những yếu tố được năng lượng mặt trời chiếu vào để có thể chuyển hóa năng lượng để đảo ngược định luật thứ nhì.Ví dụ như mặt trời có thể chiếu vào những khối bêtông hàng ngàn năm mà không sản sinh những khối bêtông tăng thêm hoặc những khối bêtông đột biến bởi vì bên trong những khối bêtông không có cơ chế nào chuyển đổi năng lượng đó. Phải có một thứ tiến trình chuyển hóa năng lượng phù hợp cùng với một khuôn mẫu đã được lập trình trước để hành động theo đó trước khi năng lượng mặt trời có thể đảo ngược định luật thứ nhì. Hoặc như một người theo thuyết tiến hóa đã hỏi: “Khi chưa có sự sống hiện hữu, các chất đã xuất hiện bằng cách nào, là những chất mà hiện nay tuyệt đối thiết yếu cho những hệ thống sự sống, thế nhưng chúng chỉ có thể được hình thành bởi những hệ thống đó?” (Harold F. Blum, Time’s Arrow and Evolution (Princeton: Princeton University Press, 1968, trang 170).

IV. BỨC TRANH CỦA THUYẾT TIẾN HÓA

Người ta tuyên bố di tích hóa thạch cung ứng chứng cứ cho tiến trình tiến hóa. Những vật hóa thạch không giải thích cho cách chúng xuất hiện thế nào; chúng miêu tả điều đã thực sự diễn ra qua những đột biến và sự chọn lọc tự nhiên xuyên suốt những khoảng thời gian dài. Người theo thuyết tiến hóa cho rằng bởi vì những hình thức đơn giản hơn của sự sống đã được tìm thấy trong các lớp đá ở sâu hơn và các hình thức phức tạp được tìm thấy hơn ở những lớp cao hơn, nên điều này chứng tỏ những hình thức thức phức tạp hơn đã phát sinh từ những dạng đơn giản hơn.

Nói nghiêm túc, lập luận hóa thạch là một lập luận lẩn quẩn. Địa tầng được định tuổi bởi những vật hóa thạch chứa trong chúng và những vật hóa thạch được định tuổi nhờ địa tầng mà chúng được tìm thấy trong đó. Tuy nhiên, người theo thuyết tiến hóa phát biểu rằng vòng lẩn quẩn này bị phá vỡ bởi những phương thức định tuổi từ bên ngoài. Tuy nhiên, những phương thức định tuổi đều dựa vào một nhịp độ suy tàn giống nhau của yếu tố đó. Một ngọn nến sẽ cháy theo một nhịp độ giống nhau trừ phi cửa sổ mở ra và một ngọn gió khiến nó cháy nhanh hơn trong một lúc. Sự tiêu biến của một vòm hơi nước bao phủ trên trái đất hoặc những áp suất cực lớn của một trận lụt có thể đã giống như cánh cửa sổ mở rộng để thay đổi nhịp độ đó trong vòng lịch sử trái đất. Nếu vậy thì những niên đại thu được sẽ có thể rất sai. Phương pháp định tuổi bằng carbon 14 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi những biến cố đó. Phương pháp định tuổi bằng potassium-argon thừa nhận các mẫu đá xét nghiệm không có argon-40 khi chúng được hình thành, và đó là một giả định đáng ngờ. Một số đá đen basalt (có nguồn gốc núi lửa) ngầm dưới nước từ ngọn núi lửa Kilauea tại Hawaii được biết cao lắm cũng chỉ vài ngàn năm là tối đa lại được phương pháp nầy định tuổi khoảng từ 100.000 năm đến 40 triệu năm tuổi, cho thấy rằng có lẽ đã bị làm cho giống ở tuổi đó bởi áp lực thủy tĩnh cùng với những nhân tố khác (Science, 1968,161:1132,cũng xem Journal of Geophysical Research, 1968,73:4603).

Một nan đề lớn trong bức tranh của vật hóa thạch đó là sự thiếu những hình thức chuyển tiếp, không hề tìm thấy hình thức chuyển tiếp nào giữa vòng hàng triệu những vật hóa thạch hiện có. Ắt chắc chắn phải có một hình thức chuyển tiếp được khám phá ra ở đâu đó Trên thực tế, những vật hóa thạch sớm nhất của mỗi nhóm phơi bày mọi đặc điểm của nhóm đó rồi,không hề gợi ý sự chuyển dần từ một dạng nầy đến dạng khác. Một số người theo thuyết tiến hóa cho rằng loài chim sơ khai Archaeornis (giống như loài bò sát,thuộc kỷ thượng Jura, đuôi có lông dài - tự điển) hay Archaeopteryx (loài chim sơ khai giống như loài bò sát, thuộc kỷ thượng Jura ở Âu châu - tự điển) là một ví dụ về mối nối kết còn thiếu (missing link) vì trông có phần giống loài chim vừa có phần giống loài bò sát. Nhưng nó có lẽ được xem là hoàn toàn thuộc loài chim, dẫu là bất thường. Dù sao đi nữa, nó xuất hiện bất chợt và vì do đó không có tổ tiên chuyển tiếp nào.

Một nan đề khác nữa là có nhiều dạng sự sống đơn giản lại được tìm thấy ở những lớp địa tầng bên trên những dạng thức sự sống phức tạp hơn. Đã biết được hàng trăm trường hợp như thế, và dĩ nhiên toàn bộ những điều nầy đi ngược lại với bức tranh mà thuyết tiến hóa muốn cung cấp.

Hiển nhiên còn rất nhiều điều nữa có thể viết về đề tài nầy. Tôi cố gắng chỉ tập trung vào những lập luận chủ yếu của thuyết tiến hóa và chỉ nêu những nhược điểm chính của chúng. Không ai có thể ghi nhớ hết mọi lập luận này. Vì vậy tôi đề nghị hãy biết và phơi bày những kẽ hở trong thuyết nầy – những sự đột biến hiếm thấy và có hại, sự chọn lọc tự nhiên sẽ đào thải những thay đổi có hại ấy, gần như không đủ thời gian cho mọi sự diễn ra bởi ngẫu nhiên, đi ngược lại với định luật thứ hai của nhiệt động lực học, những khoảng trống gây lúng túng trong mẫu di tích hóa thạch.

Cuối cùng, chúng ta cần phải nhấn mạnh điều chủ yếu của thuyết tiến hóa, ấy là đức tin. Phân tích cho tường tận, người ta buộc phải tin thuyết tiến hóa, cũng giống y như người ta phải tin Sự Sáng Tạo.Hai khoa học gia phát biểu điều này thật công bằng khi viết:

“Thật ra các nhà sinh vật học vẫn còn cách rất xa đích như xưa nay vẫn vậy trong những cố gắng để giải thích chất nguyên sinh đầu tiên đã phát xuất như thế nào. Chứng cứ của những người muốn giải thích nguồn gốc sự sống trên nền tảng sự kết hợp ngẫu nhiên của các nguyên tố hóa học thích hợp không còn hữu hình hơn chứng cứ của những người đặt đức tin nơi sự Sáng Tạo Thiên Thượng với tư cách lời giải thích cho sự phát triển của sự sống. Hiển nhiên, nhóm thứ nhì có lý lẽ chứng minh niềm tin của họ cũng nhiều bằng nhóm thứ nhất” (Harry J. Fuller và Oswald Tippo, College Botany [New York: Holt,Rinehart & Winston, 1961], trang 25).