I. ĐỐI VỚI SATAN

Ma quỷ thường hành động như phái viên hay sứ thần của Satan để phát triển mạnh mục tiêu cản trở chương trình của Đức Chúa Trời.Dầu Satan chịu những giới hạn của loài thọ tạo, nhưng ma quỷ mở rộng quyền lực và những hoạt động của Satan thật lớn lao. Thật ra, nhiều khi có vẻ Satan được hưởng quyền vô sở bất tại và vô sở bất tri, dầu trong thực tế thì không. Đó chỉ là những quỷ sứ mở rộng hoạt động của Satan nhiều đến nỗi có lẽ người ta nghĩ chính Satan đang làm mọi điều đó (Eph 6:11-12).

II. ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

A. Chúng Chống Lại Chương Trình Của Đức Chúa Trời

Khi đã chọn cùng Satan chống Đức Chúa Trời rồi,ma quỷ tiếp tục chống lại những mục đích của Đức Chúa Trời trên thế gian nầy (Da 10:10-14; Kh 16:13-16).

B. Chúng Có Thể Được Đức Chúa Trời Dùng Để Thực Hiện Những Mục Tiêu Của Ngài

Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời có thể dùng ma quỷ để tiến hành các mục đích của Ngài. Ngài đã sai một ác thần đến khuấy động dân Sichem chống Abimêléc (Cac 9:23). Ngài dùng một ác thần hành phạt Saulơ bị loạn tâm trí đến độ gần như điên (ISa 16:14). Ngài sai một thần lừa dối đến để khống chế các tiên tri và cho Aháp lời khuyên sai (IVua 22:22). Ngài dùng một quỷ sứ làm khổ Phaolô để ông khỏi trở nên quá kiêu ngạo (IICo 12:7). Vì ma quỷ là loài thọ tạo, chúng phải khai trình với Đức Chúa Trời, và vì thế chúng có thể được Chúa sử dụng khi Ngài muốn.

III. ĐỐI VỚI TÔN GIÁO

A. Chúng Đẩy Mạnh Sự Thờ Hình Tượng

Để chống nghịch Đức Chúa Trời, ma quỷ tích cực cố hướng con người đến sự thờ hình tượng. Điều nầy thật đúng trong thời Cựu Ước (Le 17:7; Phu 32:17; Thi 106:36-38). Ngày nay điều đó cũng đúng (ICo 10:20), và thờ lạy ma quỷ hiển nhiên sẽ trở nên lan tràn trong thời Đại Nạn sắp đến (Kh 9:20).

B. Chúng Đẩy Mạnh Những Tôn Giáo Giả

1. Chúng dạy dỗ về một đấng cứu tinh vô giá trị:

Giăng cảnh báo độc giả phải thử các thần, vì ma quỷ tác động trên những tiên tri giả (IGi 4:1-4). Một phương pháp thử nghiệm chủ yếu về giáo lý chính thống (dù vậy không phải là phương pháp thử nghiệm duy nhất) là sự khẳng định thực tại về Sự Nhập Thể; vì nếu Đấng Christ đã không tự mang lấy một thân thể con người thì Ngài không thể chịu chết và không thể làm Cứu Chúa của chúng ta được.

Phaolô cũng cảnh báo cuộc công kích Sự Nhập Thể nầy trong những sự dạy dỗ về ma quỷ (ITi 3:16-4:3). Nếu 3:16 là lời tóm tắt chân lý chứa đựng trong phần có thể là thánh ca của những Cơ đốc nhân đầu tiên,thì chúng ta có thể cho rằng ma quỷ không những chỉ công kích Sự Nhập Thể, mà còn tấn công sự phục sinh và thăng thiên lịch sử của Chúa chúng ta.

2. Chúng Dạy Sự Cứu Rỗi Bởi Việc Làm:

Đây có vẻ là ý chính của 4:3-4. Bằng cách quảng bá chủ nghĩa khổ hạnh như một việc lành, chúng thay thế ân điển của Đức Chúa Trời bằng một chương trình làm việc lành để được cứu rỗi.

3. Chúng Dạy Một Nền Đạo Đức Trụy Lạc:

Không lạ gì “những điều sâu hiểm của quỷ Satan” được các quỷ sứ của hắn cổ súy, chủ yếu cố dạy rằng điều sai là đúng (Kh 2:20-24).

IV. ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC

Da 10:13 thuật lại vua nước Pherơsơ chống cự sự hiện ra của một thiên sứ thiện để đem sứ điệp đến cho Đaniên. Đến lượt vua đó bị thiên sứ trưởng Micaên chống cự, điều đó nói lên vị vua này hẳn phải là một quỷ sứ đầy quyền lực. Ngay trước trận Hamaghêđôn, ma quỷ sẽ xúi giục các lãnh đạo của các nước chuẩn bị chiến dịch quân sự đó (Kh 16:13-16). Dường như có trận chiến giữa các thiên sứ và ma quỷ liên quan đến vấn đề của các nước trên địa cầu này. Lừa dối các quốc gia là một phần trong kế hoạch chính của Satan, và hắn sử dụng ma quỷ để tiến hành. Ý nghĩa của điều này trên chính trường quốc tế làm choáng váng trí tưởng tượng mọi người, vì không có cớ gì để không tin chuyện ấy vẫn đang tiếp diễn ngày nay.

V. ĐỐI VỚI CON NGƯỜI

A. Làm Đau Khổ

Ma quỷ có thể gây ra những bệnh tật trên cơ thể (Mat 9:33, chứng câm; 12:22, mù và câm; 17:15-18: chứng động kinh). Chúng cũng có thể khiến cho rối loạn tâm trí (Mac 5:4-5; 9:22; Lu 8:27-29; 9:37-42).Chúng có thể dự phần giết chết người ta (Kh 9:14-19). Dĩ nhiên không phải mọi bệnh tật trong cơ thể hoặc tâm trí đều do ma quỷ làm; Thánh Kinh thật sự phân biệt những bệnh tự nhiên với những bệnh do ma quỷ (Mat 4:24; Mac 1:32,34; Lu 7:21;9:1).

B. Làm Bại Hoại

Ma quỷ còn được gọi là các tà linh, sự kiện này chứng tỏ mọi công việc của chúng đều làm bại hoại những điều trong sạch,đáng tôn quí và đúng đắn. Ma quỷ muốn làm bại hoại con người bằng cách khiến họ bỏ kế hoạch của Đức Chúa Trời để đến với kế hoạch của Satan. Đôi khi ma quỷ làm việc này bằng cách đẩy mạnh hệ thống giáo lý và nếp sống bại hoại nhưng có vẻ như tốt đẹp cho con người (ITi 4:1-3). Đôi khi chúng thực hiện bằng cách quảng bá và đẩy mạnh những hoạt động xấu xa ô uế (Phu 32:17; Thi 106:37-39). Sự gian dâm vô luân của người Canaan có vẻ bắt nguồn từ hoạt động của ma quỷ (Le 18:6-30; Phu 18:9-14).

C. Ám Vào Người

1. Định nghĩa:

Quỷ ám là tình trạng một người bị một (hay nhiều) quỷ điều khiển trực tiếp bằng cách quỷ ở trong người đó. Mọi người, cả người tin Chúa lẫn chưa tin, đều chịu ảnh hưởng và bị tác động bởi hoạt động của ma quỷ, nhưng không phải mọi người đều bị quỷ ám. Để so sánh, ảnh hưởng của ma quỷ so với quỷ ám cũng giống như ơn quan phòng tổng quát so với những phép lạ đặc biệt. Những cá nhân bị quỷ ám không thể tự dứt mình khỏi quyền kiểm soát của ma quỉ.

Cụm từ “bị quỷ ám” hay “bị quỷ chiếm hữu” xuất hiện 13 lần trong Tân Ước, tất cả đều ở trong các sách Phúc Âm (ví dụ như Mat 4:24; 12:22; Mac 5:15-18; Lu 8:36; Gi 10:21). Chính hiện tượng này cũng được mô tả bằng những từ ngữ như “đuổi ra” hoặc “ra khỏi” (Mac 1:25-26; 9:25). Sau Ngày Lễ Ngũ Tuần, tình trạng bị quỷ ám và đuổi quỷ chỉ được nhắc đến trong Cong 5:16; 8:7; 16:16-18; 19:12. Ân tứ thuộc linh để phân biệt các thần (ICo 12:10)rất có thể nói đến ơn tứ phân biệt nguồn gốc đúng hay sai của sự khải thị siêu nhiên khi sự khải thị đó được ban cho dưới dạng lời nói, chứ không phải là khả năng đuổi quỷ ra khỏi con người.

2. Những Đặc Điểm:

Đặc điểm của tình trạng bị quỷ ám có thể đa dạng như các hoạt động của ma quỷ, từ chỗ dịu đến hung dữ và thậm chí kỳ quái nữa. Trong các bản ký thuật không mô tả nhiều về hiện những triệu chứng cụ thể của quỷ ám, nhưng chúng gồm những điều sau: những tình trạng bất thường của cơ thể như câm, mù và co giật dữ dội (Mat 9:32; 12:22; Lu 9:39);những khuynh hướng tự hủy hoại mình (Mac 5:5; Lu 9:42); tình trạng điên dại (ít nhất dân chúng cũng đã tin ma quỉ có thể gây ra điều này, Gi 10:20); sức mạnh siêu phàm (Mac 5:3-4); và những quyền lực của tà thuật (Cong 16:16-18). Mặc dù ma quỷ có thể làm những điều nầy trong con người, nhưng không phải mọi thứ bệnh đều do công việc của ma quỷ. Bác sĩ Luca phân biệt rõ ràng những bệnh do ma quỷ gây ra với những bệnh tật do những nguyên nhân khác tự nhiên hơn (Cong 5:16).

Dưới đây là phần mô tả tình trạng quỷ ám voodoo tại nước Haiti.

“Đối tượng lâm vào tình trạng xuất thần (thường là sau những cơn co giật), trong trạng thái này, một trong những loa nhập vào cơ thể người ấy và 'cưỡi’ cơ thể ấy. Cá tánh người bị thay thế bằng cá tánh siêu phàm, những đặc điểm của người đó thay bằng những đặc tính của thần linh (giống cái hay giống đực, thiện hoặc ác, già hoặc trẻ, xảo quyệt hay thành thật),và cổ họng của người đó thốt lên những lời của loa, một số tiếng nói ấy bằng 'những ngôn ngữ lạ’ hoàn toàn không hiểu được. Tình trạng bị ám có thể kéo dài nhiều phút, nhiều giờ hoặc có đôi khi nhiều ngày, trong thời gian đó người bị linh này ám được nuôi bằng những thức ăn thức uống mà linh đó ưa thích (thường là hoàn toàn không thể tiêu hóa được đối với những người không bị ám) và được dâng những thú tiêu khiển của thần linh ấy. Sau đó, người này không còn nhớ gì về hành vi như một vị thần của mình.” (Carter Harman, “The West Indies,” Life World Library (New York: Time, Inc., 1963, trang 53- 4).

3. Trách Nhiệm:

Thánh Kinh có rất ít lời giải thích về điểm này. Những lời cảnh báo phải luôn tỉnh thức canh giữ và chống lại những tấn công của ma quỷ hàm ý nếu không làm như vậy sẽ khiến người ấy có khả năng bị kiểm soát bởi Satan và những quỷ sứ của nó. Như vậy, một cá nhân có lẽ chịu trách nhiệm về điều đưa đến hậu quả bị quỷ ám vì mở đường cho những tấn công khởi đầu của Satan.

Tuy nhiên, trường hợp của đứa bé trai bị quỷ ám từ lúc còn nhỏ có vẻ cho thấy đây là tình trạng mà cậu không kiểm soát được (Mac 9:21). Và chắc chắn cái giằm xóc trong xác thịt của Phaolô không phải là điều ông tự đem đến cho mình, mà do Đức Chúa Trời dùng ma quỷ để gây ra (IICo 12:7).

4. Phạm vi:

Tình trạng quỷ ám giới hạn cho người chưa tin, hay cũng có thể mở rộng ra cho cả tín hữu? Nói cách khác, ngày nay Cơ đốc nhân có thể bị quỷ ám không? Lập luận phản đối tình trạng tín hữu có thể bị quỷ ám thường dựa trên sự kiện có Thánh Linh ngự trị trong lòng tín hữu đó. Nói cách khác, vì Thánh Linh ngự trong tín hữu, nên không thể nào Satan hay ma quỷ cũng đồng thời cư trú và ám tín hữu đó được. Nhưng chẳng phải Thánh Linh và xác thịt tranh chiến với nhau bên trong tín hữu sao? (Ga 5:16-17). Nếu lập luận rằng con người cũ đã bị đoán xét rồi (Ro 6:6), thì cũng có thể nói Satan cũng đã bị đoán xét nữa (Gi 12:31). Cho nên nếu Thánh Linh và xác thịt, người mới và người cũ có thể đồng thời hiện diện trong tín hữu, tại sao Thánh Linh và Satan (hay ma quỷ) lại không thể đồng thời hiện diện?

Những câu Kinh Thánh được trưng dẫn để hậu thuẫn quan điểm cho rằng tín hữu có thể bị quỷ ám thường là: ISa 16:13-14; Lu 13:11-16; Cong 5:3; ICo 5:5; IICo 11:14; và 12:7. Nhưng khi khảo sát những câu này thì chúng không chứng minh tín hữu có thể bị quỷ ám. Có lẽ cần phải đặt lại câu hỏi. Thay vì hỏi: Tín hữu có thể bị quỷ ám không? chúng ta cần phải hỏi:Satan hay ma quỷ có thể hành động từ trong lòng cũng như từ bên ngoài tín hữu hay không. Nói cách khác, căn cứ hoạt động của Satan hay ma quỷ có thể là nằm bên trong cũng như bên ngoài một tín hữu được không?

Câu Kinh Thánh trong ISamuên nói một ác thần đã khuấy phá Saulơ, nhưng không nói ra căn cứ hoạt động. Chúng ta cũng không biết đích xác tình trạng thuộc linh của Saulơ trước mặt Đức Chúa Trời. Luca qui dị tật của người nữ này cho ma quỷ, và Chúa đã gọi bà là “con gái của Ápraham.” Một số người hiểu rằng đây là một trường hợp rõ ràng về ma quỷ hành động trong một tín hữu. Tuy nhiên, không chắc “con gái Ápraham” có ám chỉ tín hữu hay không, hay chỉ nói lên rằng bà là một người trong tuyển dân của Đức Chúa Trời, là dân Ysơraên. Rõ ràng bà không phải là Cơ đốc nhân theo nghĩa hậu Lễ Ngũ Tuần của từ ngữ này.

Hình phạt cho người anh em phạm tội trong ICôrinhtô 5 liên quan việc phó người cho Satan (cũng xem ITi 1:20). Nhưng người ta vẫn còn tranh cãi xem liệu điều nầy có nghĩa Satan và các quỷ hành động trong đời sống người ấy, hoặc người ấy hiện đang bị đặt ra ngoài vòng thông công và bảo vệ của hội thánh để bị phó vào địa hạt của Satan và thế gian. Một “linh khác” trong IICo 11:4 không phải là một quỷ sứ, chẳng khác nào “một Jesus khác” trong câu này cũng không phải là ma quỷ vậy. Đây là một Phúc Âm khác chỉ đem đến ách nô lệ. 12:7 không nói đến căn cứ hoạt động cho sứ giả của Satan (một quỷ sứ) mà Chúa sai đến làm khổ Phaolô. Dù kết quả là giằm xóc trong xác thịt,điều nầy vẫn không có nghĩa ma quỷ phải cư ngụ trong Phaolô.

Cong 5:3 rõ nói Satan đầy dẫy trong lòng Anania để khiến ông nói dối Đức Thánh Linh. Từ ngữ “đầy dẫy” là từ cũng được dùng trong Eph 5:18 về sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Vì không có cớ nào để đừng tin Anania là Cơ đốc nhân, nên đây là câu tuyên bố rõ ràng Satan thật sự đã đầy dẫy trong lòng Cơ đốc nhân. Tại đây không thấy nói gì về ma quỷ, tuy vậy, có thể cho rằng nếu Satan đầy dẫy lòng ông thì các quỉ hẳn cũng đầy dẫy được.

Làm sao đánh giá được chứng cứ này? Sau đây có hai gợi ý: Trước hết, chúng ta cần phải loại bỏ những cụm từ như “quỷ ám,”“quỷ nhập” và “quỷ cư ngụ trong” khi đưa ra những khái niệm cho tín hữu, vì chúng ta có khuynh hướng lý giải thêm vào những từ này chính ý tưởng chúng ta có về việc Thánh Linh ngự trong lòng (tức là sự cư trú lâu dài trong tín hữu).Cả Satan lẫn ma quỷ đều không thể ngự vĩnh viễn trong tín hữu hay chiến thắng tối hậu trên người đó, dầu chúng có thể thống trị hoặc điều khiển đời sống tín hữu một thời gian. Một tín hữu có thể bị phó cho quỷ Satan để hủy hoại phần xác thịt,nhưng linh hồn sẽ được cứu trong Ngày của Chúa Jesus (ICo 5:5). Bất luận Satan hay ma quỷ có làm gì được một tín hữu, và bất luận căn cứ hoạt động của chúng từ bên trong hay từ bên ngoài đi nữa, sự kiểm soát của chúng không thể lâu dài và vĩnh viễn được. Giăng tuyên bố rõ ràng quỷ dữ không thể “đụng đến ” người sanh bởi Đức Chúa Trời (Bản Việt ngữ: “làm hại” - IGi 5:18). Từ ngữ “đụng đến ” ở đây liên quan đến mục đích làm hại – Satan không thể làm hại tín hữu được. Từ ngữ này chỉ được Giăng sử dụng ở một chỗ khác nữa thôi là Gi 20:17, không có nghĩa một đụng chạm siêu nhiên, mà là một sự nắm lấy, bám vào, hoặc tiếp tục giữ lấy một người nào. Satan không bao giờ có thể cứ giữ lấy tín hữu nhằm mục đích làm hại người ấy, vì người ấy thuộc về Đức Chúa Trời vĩnh viễn và không thể thay đổi được. Satan (hay ma quỷ) có thể làm đau khổ và thậm chí có thể kiểm soát một thời gian, nhưng không thể đến lâu dài hoặc vĩnh viễn được.

Thứ nhì, tình trạng Tân Ước không xác định căn cứ hoạt động của ma quỷ đối với Cơ đốc nhân kèm theo tình trạng thiếu những mạng lệnh trực tiếp (sau Lễ Ngũ Tuần) truyền đuổi quỷ có thể cho chúng ta manh mối về cách chiến đấu chống kẻ thù nầy. Thông thường, đừng nên chăm vào đuổi quỷ như phương cách tấn công ma quỷ, nhưng trái lại, phải sử dụng những khí giới bình thường dành cho chiến trận của chúng ta với Satan và những quỷ sứ của nó.Cơ đốc nhân cần phải xử lý sự quấy nhiễu của ma quỷ cũng giống như cách chống cự với sự cám dỗ hay chiến đấu chống những hoạt động của xác thịt mình vậy. Nên tự tra xét chính mình để xem có lãnh vực nào phản loạn nghịch lại với luật pháp hay ý chỉ của Đức Chúa Trời không, phải xưng ra hết mọi tội mình đã biết, nương cậy quyền năng Thánh Linh đang ngự trong mình - là Đấng lớn hơn Satan (IGi 4:4), và sử dụng mọi thứ khí giới của Đức Chúa Trời (Eph 6:13-18).

Ngay cả khi nếu cần phải đuổi quỷ trong một số trường hợp tột cùng, việc đuổi quỷ không thể cản ma quỷ tấn công nữa vào người đã được đuổi quỷ, vì không con người nào có thể bảo đảm trói buộc ma quỷ hoặc ném chúng vào vực sâu của địa ngục được. Phaolô nhắc nhở rằng chúng ta đánh trận cùng những thế lực tối tăm suốt đời mình. Vậy nên, Cơ đốc nhân phải tỉnh thức (IPhi 5:8), phải mặc lấy binh giáp của Đức Chúa Trời, và sử dụng tất cả mọi điều nào góp phần cho nếp sống thuộc linh mạnh khỏe (Ro 12:2; IICo 10:5; Phi 4:8). Cần lưu ý: không phải mọi nan đề, không phải mọi bệnh tật ốm đau thể xác, mọi nan đề tình cảm, mọi tội lỗi, đều phát xuất từ ma quỷ. Một số xuất phát từ những nguyên nhân tự nhiên, một số đến từ xác thịt. Đuổi quỷ sẽ không ích gì trong những trường hợp như thế, nhưng đánh trận đức tin cách tốt lành sẽ đem lại lợi ích mọi đàng.