Dầu Kinh Thánh thực sự không phải sách giáo khoa về khoa học, điều nầy không có nghĩa Kinh Thánh không chính xác khi giải tỏ những chân lý thuộc về lĩnh vực khoa học. Thật ra, bất cứ điều gì Kinh Thánh bày tỏ trong bất cứ lĩnh vực tri thức nào cũng đều đúng, chính xác và đáng tin.Thánh Kinh không trả lời mọi câu hỏi mà chúng ta muốn có câu trả lời trong lĩnh vực những nguồn gốc, nhưng điều gì Kinh Thánh có bày tỏ thì phải được công nhận là chân lý. Và Kinh Thánh nói về đề tài này nhiều hơn một số người tưởng.

I. MỘT VÀI TIỀN GIẢ ĐỊNH CẦN THIẾT

A. Đức Tin

Trước giả thư Hêbơrơ nhắc chúng ta rằng bởi đức tin, chúng ta hiểu các thời đại (Bản Việt Ngữ ghi là “thế gian”) đã được dựng nên bởi Lời Đức Chúa Trời và những sự chúng ta thấy đã không làm nên từ những sự thấy được (He 11:3). Các thời đại nói đến mọi khoảng thời gian cũng như mọi sự chứa đựng trong đó. Vì hiển nhiên không có người nào quan sát Sự Sáng Thế, và vì con người đầu tiên đã được đặt trong một vũ trụ đã hiện hữu rồi, nên chúng ta phải lấy đức tin chấp nhận mọi điều Đức Chúa Trời bày tỏ về Sự Sáng Tạo. Nếu không, chúng ta sẽ không biết chắc chắn điều gì về Sự Sáng Tạo cả.

Ngược lại, những người theo thuyết tiến hóa sẽ phải thay đổi He 11:3 thành ra như vầy: “Bởi đức tin, chúng tôi là những người theo thuyết tiến hóa hiểu rằng thế giới đã không được dựng nên bởi lời của thần nào cả, nên những gì thấy được thật ra đã được làm nên từ những vật thấy được kém phức tạp hơn và hiện hữu trước chúng, bởi những tiến trình thuần tự nhiên,trải qua hàng tỉ năm.” (John C. Whitcomb, The Early Earth (Grand Rapids: Baker,1972, trang 42).

B. Những Sự Kiện

Chân lý về Sự Sáng Tạo chỉ tìm thấy trong Thánh Kinh. Bất cứ chân lý nào khoa học có thể khám phá ra đều không bao giờ có thể được chấp nhận như là chân lý tuyệt đối. Những sự kiện Đức Chúa Trời đã bày tỏ trong Kinh Thánh là những sự kiện đáng tin cậy, bao gồm những sự kiện trong các chương mở đầu Sáng Thế Ký. Nói vậy có nghĩa những biến cố đó thật sự diễn ra trong cõi thời gian và không gian một khi cõi thời gian và không gian đã được tạo dựng. Nói cách khác, những hành động liên tiếp của Sự Sáng Tạo và những biến cố về sự cám dỗ và tội lỗi của Ađam Êva đã diễn ra trong cõi thời gian và không gian; tức là người ta đã có thể đánh dấu chúng trên cuốn lịch và trên bản đồ.Sáng Thế Ký ghi chép những sự kiện, chứ không phải những chuyện truyền thuyết hay thần thoại. Nhiều phân đoạn Kinh Thánh khác xác nhận điều này (Ví dụ như Xu 20:9-11; Mat 19:4-6).

Những sự kiện này đã được Môise viết ra. Bất luận ông dùng nguồn nào về công tác coi sóc và năng quyền khải thị của Đức Chúa Trời khi viết tác phẩm của ông, ông vẫn là người được huấn luyện và có học vấn cao. Có người ám chỉ sự bày tỏ về các sự kiện trong một thời kỳ ban đầu nào đó không thể nào mang tính sự kiện được vì chúng đến thông qua “những con người nguyên thủy hoang dã man rợ.” Điều này khiến cho sơ khai trở thành đồng nghĩa với hoang dã man rợ và phản đối năng quyền hành động của sự linh cảm. Nếu những lời của Môise không nói lên đúng như nghĩa của chúng, dù chúng nói về thời kỳ ban đầu của lịch sử, thì làm sao chúng ta tin cậy được những lời nói của Đấng Christ? (Gi 5:47) (xem W.H. Griffith Thomas, The Principles of Theology (London: Church Book Room Press, 1945, trang 19.)

II. ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA SỰ SÁNG TẠO

Sa 1:1 xác định Elohim là Đấng Tạo Hóa.Elohim là một từ ngữ tổng quát chỉ về Thần (Deity) cũng như là một tên riêng của Đức Chúa Trời chân thần. Chữ này nói đến một Đấng mạnh mẽ, Đấng lãnh đạo oai quyền, Thần tối cao. Dạng số nhiều này của từ ngữ cho thấy tính phong phú dồi dào của quyền năng và oai nghiêm của Ngài. Việc xác định Elohim là Đấng Tạo Hóa ở đây bác bỏ nhiều tà giáo nghiêm trọng.

(1) Nó bác bỏ thuyết vô thần. (2) Nó bác bỏ thuyết đa thần, vì động từ theo sau ở số ít. (3) Nó phủ nhận phiếm thần thuyết,vì trình bày Đức Chúa Trời là Đấng tách biệt khỏi tạo vật của Ngài.

III. CREATIO EX NIHILO (SÁNG TẠO TỪ CHỖ KHÔNG CÓ)

Cụm từ này có nghĩa là trong Sự Sáng Tạo, Đức Chúa Trời đã không sử dụng bất cứ vật liệu nào có sẵn từ trước. He 11:3 nói rõ điều này, ý chính của bản ký thuật Sáng Thế Ký 1 cũng vậy. Trước khi có lệnh sáng tạo, không có sự hiện hữu mang tính hiện tượng nào cả. Điều này loại bỏ ý tưởng cho rằng vật chất là vĩnh cửu, và vô hiệu hóa khái niệm của thuyết nhị nguyên.

Động từ bara được dùng trong Sa 1:1,21, và 27 tự nó không trừ bỏ việc dùng chất liệu có sẵn từ trước (xem Es 65:18), dù trong bản ký thuật không hề phát biểu rõ hay ám chỉ đến chất liệu có sẵn. Về cơ bản, chữ này mang cùng nghĩa với asa, “làm hoặc tạo ra” (Sa 1:25; Xu 20:11; Ne 9:6). Một từ thứ ba cho hoạt động sáng tạo của Đức Chúa Trời là yatsar, “đã nắn nên hình,” xuất hiện trong Sa 2:7.

Creatio ex nihilo (sáng tạo từ chỗ không có)là một khái niệm hữu ích “nếu chúng ta hiểu nó nói đến những thực thể vật chất đã được sáng tạo nên từ những nguồn cung ứng phi vật chất bởi quyền toàn năng của Đức Chúa Trời. Đúng theo ý nghĩa của từ ngữ, cụm từ nầy chỉ có thể áp dụng cho sự sáng tạo những chất vô cơ mà thôi, vì Đức Chúa Trời thực sự đã dùng những chất liệu vô cơ được tạo dựng trước đó để nắn nên hình cơ thể của những vật sống.”(Whitcomb, The Early Earth, trang 42).

IV. THỜI ĐIỂM CỦA CUỘC SÁNG THẾ

Cụm từ “ban đầu” của Sa 1:1 dường như nói đến khi khởi đầu của Công Cuộc Sáng Tạo thế giới nầy. Câu đầu là một câu tuyên bố độc lập, không phải một mệnh đề lệ thuộc vào câu 2 (xem phần thảo luận trong John J. Davis, Paradise to Prison [Grand Rapids: Baker, 1975], trang 39-40). Dầu vậy,câu nầy không xác định thời điểm hành động sáng tạo của Đức Chúa Trời. Ussher xác định thời điểm là 4004 T.C., trong khi những người theo thuyết tiến hóa đưa ra thời điểm 4.500.000.000 T.C.

(1) Một số người tin thuyết sáng thế cho rằng Sự Sáng Thế diễn ra gần đây, cho cả địa cầu lẫn con người.

(2) Một số người cho rằng loài người được sáng tạo gần đây, nhưng địa cầu thì không gần đây. Thuyết Khoảng Trống và ý niệm ngày-thời-đại thường đi cặp theo quan điểm này.

(3) Một số người phân biệt rõ rệt giữa loài người được đại diện bởi các vật hóa thạch - là loài người rất xưa, đã sống và chết trước Ađam - với chính Ađam là sinh vật thọ tạo mới gần đây..

(4) Có người hiểu Ađam hẳn phải là một hòn đảo của sự sáng tạo ở giữa biển cả mênh mông của sự tiến hóa đương thời bao gồm cả những dạng cấp thấp hơn loài người.

(5) Người theo thuyết tiến hóa hữu thần xem loài người là cổ xưa và là kết quả của những tiến trình tiến hóa bởi đó dạng tiền thân của con người và dạng người cấp thấp sau rốt đã sản sinh ra con người.

(6) Một số ít hiểu câu 1 không mô tả “Sự Sáng Tạo ex nihilo (từ chỗ không có) nguyên thủy, được các thiên sứ ca ngợi (Giop 38:7; Es 45:18), mà là sự tái lập rất lâu về sau cho một địa cầu bị đoán phạt để chuẩn bị cho một tầng lớp mới của con người được sáng tạo.” (Merril F. Unger,“Rethingking the Genesis Account of Creation,” Bibliotheca Sacra, tháng Giêng 1958, trang 28). Theo quan điểm này, Sự Sáng Tạo nguyên thủy đã diễn ra trước Sa 1:1.

Hiển nhiên không hề có sự nhất trí về thời điểm Sự Sáng Thế. Tuy vậy, dường như rõ ràng sự xzuất hiện mới đây của loài người được xác lập rõ trong bản ký thuật Thánh Kinh. Thậm chí khi thừa nhận ngày-là-những-thời-đại, thì Ađam đã được sáng tạo theo ngày-thời-đại thứ sáu,là thời điểm tương đối gần đây. Bảng gia phổ trong Sáng Thế Ký 5 và 11 (thậm chí có một số khoảng trống bên trong chúng) cũng bênh vực cho sự sáng tạo Ađam gần đây. Để rút ra được một vài quyết định về chứng cứ của Kinh Thánh, chúng ta cần phải khảo sát một số cách giải nghĩa và nhận định thích hợp.

V. KHÁI NIỆM KHOẢNG TRỐNG

A. Mô Tả Khái Niệm

Khái niệm về khoảng trống (cũng được gọi là thuyết tái lập tàn tích (ruin-reconstruction theory) và thuyết phục hồi (restitution theory)) đề xướng phương thức để dung hòa bản ký thuật của Sáng Thế Ký với những khoảng thời gian dài mà dường như địa chất học (bộ môn khoa học xuất hiện ở thế kỷ thứ 19) đòi hỏi. Được phổ biến lần đầu tiên bởi Thomas Chalmers xứ Tô Cách Lan vào năm 1814, rồi được triển khai chi tiết bởi George H. Pember (Earth’s Earliest Ages [Grand Rapids: Kregel, 1974]), rồi được đưa vào phần chú thích của quyển Kinh Thánh Scofield Reference Bible (1909), và được bênh vực bởi Eric Sauer (The King of the Earth (London: Paternoster Press, 1962) và Arthur C. Custance (Without Form and Void (Brockville, Canada: Aurthor, 1970) cùng nhiều người khác.

Theo khái niệm này, Sự Sáng Tạo nguyên thủy của Sa 1:1 không những toàn hảo và tuyệt đẹp, mà còn có cây cối và muông thú sinh sống nữa (có người còn nói có lẽ có cả những con người tiền Ađam nữa). Rồi sau đó trong khoảng trống giữa câu 1 và 2, Satan đã nổi loạn chống Đức Chúa Trời,đem tội lỗi vào trong vũ trụ. Sự đoán phạt của Đức Chúa Trời bao gồm một trận lụt toàn cầu, tiếp đó bằng sự tối tăm và Thời Đại Băng Giá (Ice Age) trong đó mọi sự sống của thực vật, động vật và con người (nếu đã hiện hữu) đều bị hủy diệt. Như thế, những vật hóa thạch được tìm thấy ngày nay đến từ sự đoán phạt này cho Sự Sáng Tạo nguyên thủy này vì tội của Satan. Câu thứ 2 mô tả tình trạng của sự vật do sự đoán phạt nầy. Như thế, sáu ngày của Sự Sáng Tạo mô tả một sự tái sáng tạo,phục hồi, tái lập chứ không phải Sự Sáng Tạo nguyên thủy.

B. Lập Luận Ủng Hộ Thuyết Nầy

(1) Cụm từ trong Sa 1:2 có thể dịch là “trái đất đã trở thành vô hình và trống không.” Có nghĩa là nó đã trở thành như thế bởi vì sự đoán phạt thảm khốc giáng trên Satan.

(2) “Vô hình và trống không” mô tả một trạng thái xấu mà không thể nào là một phần của Sự Sáng Tạo nguyên thủy bởi Đức Chúa Trời, vì Ngài không khi nào tạo nên một địa cầu mà lại không có hình dạng (Es 45:18).

(3) Tối tăm không thể là tốt lành; do đó, Sa 1:2 không thể nào diễn tả Sự Sáng Tạo nguyên thủy của Đức Chúa Trời.

(4) Mạng lệnh Chúa truyền Ađam phải làm cho đất đầy dẫy trở lại (replenish) nói lên trái đất chắc hẳn đã có cư dân trước đó.

(5) Cách dùng động từ bara trong câu 1 báo hiệu một sự sáng tạo khác với những gì theo sau đó.

C. Những Nhược Điểm Của Thuyết Nầy

(1) Câu 2 bắt đầu với điều mà thuật ngữ chuyên môn gọi là liên từ phân cách “waw” (“vả lại” chứ không phải là “và”) và là từ giới thiệu một cụm từ miêu tả thêm chi tiết (circumstantial phrase), theo nghĩa quá khứ chưa hoàn thành của động từ, được dịch là “vả lại trái đất đã…”Khi dịch là “trái đất đã trở nên vô hình và trống không,” thì sẽ đòi hỏi sẽ có một waw liên tiếp (điều này sẽ chỉ ra một mệnh đề chỉ trình tự và được dịch là “và”) với nghĩa quá khứ hoàn thành của động từ. Đúng là ngữ pháp cho phép có ý nghĩa quá khứ hoàn thành “trước đó đã trở nên” và cách dùng cho thấy động từ “là” có thể hiểu là “trở nên” (như trong Sa 19:26; Cac 11:39; IIVua 17:3).Nhưng động từ nầy thông thường giữ vai trò là một động từ liên kết, (“là” chứ không phải “trở nên”), như trong Sa 2:25 và 3:1 là nơi không thể hiểu là “trở nên.” Hơn nữa, có vẻ đòi hỏi phải có cách dùng liên từ phân cách waw này vì dường như trước giả đang kêu gọi độc giả chú ý đến một quan trọng về trái đất – “vả lại về phần trái đất, nó đã là…” Hơn thế nữa, những cấu trúc câu song song vớISa 1:2 được tìm thấy trong Gion 3:3 và Xa 3:1-3, nơi mà waw nầy là liên từ phân cách (được dịch là “vả,” “đoạn”) và không thể dịch động từ nầy là “trở thành.”(Để biết lập luận hậu thuẫn chi tiết cho điều này, xem Weston W. Fields,Unformed and Unfilled (Nutley, N.J.: Presbyterian and Reformed, 1976, trang 81-6.)

Thực ra, cách chọn ngữ pháp và lối dịch như vậy là lập luận hậu thuẫn chính yếu cho khái niệm khoảng trống nầy; và vì ưu ái lắm thì lập luận nầy cũng vẫn yếu, nên chúng ta buộc phải kết luận thuyết nầy thiếu nền tảng giải kinh vững chắc trong đoạn Kinh Thánh này.

Còn có thêm nan đề luận lý cho cấu trúc mà thuyết Khoảng Trống gán cho câu nầy. Nếu động từ này mang nghĩa “đã trở thành”(hàm ý quá khứ hoàn thành), thì Sa 1:2 đang nói trái đất đã trở thành vô hình và trống không trước cả Sự Sáng Tạo của câu 1. Nhưng thuyết Khoảng Trống đòi hỏi sự trở thành phải diễn ra sau sự sáng tạo.

(2) “Vô hình và trống không” không nhất thiết hàm ý sự đoán phạt và trạng thái xấu xa. Tohu (vô hình) xuất hiện trong Cựu Ước để nói đến khoảng không gian (Giop 26:7) và đồng vắng (Phu 32:10) mà không hề mang hàm ý xấu. Tuy nhiên, theo những người đề xướng thuyết Khoảng Trống, tình trạng vô hình của trái đất ắt không thể là tình trạng nguyên thủy được vì Es 45:18 nói Đức Chúa Trời đã không sáng tạo nó vô hình. Vì cớ đó, họ kết luận trái đất đã trở thành vô hình như thế sau khi có Sự Sáng Tạo nguyên thủy. Nhưng lập luận nầy không hề thuyết phục dứt khoát, vì Es 45:18 nói ý định tối hậu của Đức Chúa Trời không phải là để cho đất vô hình và trống không. Nói cách khác,ban đầu Đức Chúa Trời thật đã sáng tạo thế giới vô hình và trống không, nhưng vì đây không phải là mong muốn tối hậu của Ngài cho nó, nên Ngài tiếp tục làm đất đầy dẫy những vật sống, gồm cả loài người nữa.

(3) Dầu đúng là sự tối tăm được dùng làm biểu tượng về sự đoán phạt và điều xấu, nhưng có phải tất nhiên sự tối tăm vốn đã mang bản chất xấu? Tôi nghĩ là không. Nó đã được dựng nên để làm ích lợi cho cõi tạo vật cũng như ánh sáng vậy (Thi 104:19-24). Dầu đúng là Đức Chúa Trời đã gọi sự sáng là tốt lành mà không nói gì về sự tối tăm (Sa 1:4), nhưng có phải tất nhiên sự tối tăm là không tốt? Tôi không nghĩ vậy. Nếu đúng vậy, chúng ta ắt phải kết luận rằng khoảng không do Ngài dựng nên nhưng Ngài không gọi cụ thể là tốt lành thì khoảng không đó là xấu (các câu 6-8).

(4) Về lệnh Đức Chúa Trời truyền Ađam phải làm cho đất đầy dẫy trở lại (c.28, KJV) để ám chỉ trước kia nó đã có cư dân ở trong Sự Sáng Tạo nguyên thủy, thì trong nguyên văn lệnh truyền này là một mạng lệnh truyền phải làm đầy dẫy trái đất, chứ không phải là đầy dẫy trở lại. “Làm cho đầy lại” và “đổ đầy lại” là những lối dịch sai từ ngữ Hêbơrơ này.

(5) Không thể xây dựng lập luận nào trên cách dùng từ bara trong câu 1, như thảo luận trước đây ở mục III.

(6) Phải nhắc đến một nhược điểm nữa. Không có bằng chứng Thánh Kinh nào chứng minh sự sa ngã của Satan dẫn đến sự đoán phạt địa cầu. Sự sa ngã của Ađam thì có (3:17-19).

Tóm lại, khái niệm khoảng trống không căn cứ trên những nền tảng giải kinh vững chắc. Sự kiện khái niệm này trở nên được mến mộ trong khoảng cùng thời xuất hiện địa chất học khiến người ta nghi nó được chấp nhận vì nó dễ dàng điều chỉnh cho thích nghi với những khám phá về địa chất học đồng dạng (uniformitarian geology).

VI. CÁC NGÀY TÍNH THEO MẶT TRỜI HAY CÁC THỜI ĐẠI?

Trên thực tế, có bốn quan điểm trong vấn đề đang thảo luận nầy. (1) Quan điểm ngày-mặt-trời theo nghĩa đen trong đó những ngày của Cuộc Sáng Tạo được hiểu là các ngày tính theo mặt trời (chúng ta ngày nay tính là 24 giờ). (2) Quan điểm ngày-thời đại hiểu những ngày này là những thời đại dài. Dĩ nhiên quan điểm này dung hòa cách dễ dàng với các thời đại địa chất. (3) Ngày tính theo mặt trời kèm với những khoảng trống thời gian gián đoạn dài xen giữa. Các ngày trong Sáng Thế Ký 1 là những ngày tính theo mặt trời,nhưng chúng không tiếp nối nhau ngay tức khắc, mà đúng hơn chúng đã được phân cách bằng những thời đại lâu dài. Quan điểm này cũng sẽ dung hợp được với địa chất học đồng dạng. (4) Quan điểm ngày-khải-thị cho rằng các ngày này không liên quan đến công tác sáng tạo của Đức Chúa Trời nhưng liên hệ đến sự mặc khải của Ngài về những vấn đề này cho Môise. Nói cách khác, chúng là các ngày mà những vấn đề nào đó được mặc khải, chứ không phải được làm ra (xem Bernard Ramm, The Christian View of Science and Scripture (Grand Rapids: Eerdmans, 1954, các trang 214 trở đi).

Dẫu có nhiều quan điểm khác nhau, sự thảo luận chính vẫn tập trung xét các ngày này là ngày theo mặt trời hay là thời đại lâu dài.

A. Các Lập Luận Ủng Hộ Ngày Tính Theo Mặt Trời

(1) Trong Ngũ Kinh, từ ngữ “ngày” khi được sử dụng kèm với một tính từ chỉ số luôn luôn biểu thị ngày tính theo mặt trời. Tại sao Sáng Thế Ký 1 lại là một ngoại lệ? Thật ra điều này đúng cho mọi lần dùng từ “ngày” đi kèm với một số đếm hay số thứ tự trong toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước. Những ngoại lệ khả dĩ cho điều này có lẽ là IISửKý 21:19 và Os 6:2, dù vậy có lẽ cả hai phân đoạn Kinh Thánh đều có thể giải thích ổn thỏa theo cách hiểu ngày tính theo mặt trời. Đúng là chữ “ngày” được dùng theo rất nhiều nghĩa, nhưng đi kèm với tính từ chỉ số đếm hoặc số thứ tự thì nó chỉ có nghĩa là một ngày tính theo mặt trời (Sa 1:5,8,13,19,23,31). Trong các câu 5,14,16,18 chữ này nói đến khoảng thời gian ban ngày để phân biệt với ban đêm. Nhưng dĩ nhiên, cách dùng thứ nhì này cho chữ ngày là thời gian ban ngày có liên quan đến ngày tính theo mặt trời.Sẽ không có nghĩa khi nói về ngày của một thời đại để phân biệt với đêm của một thời đại.

(2) Cụm từ bổ nghĩa “buổi chiều và buổi mai”đính kèm với mỗi một ngày trong Sự Sáng Tạo hậu thuẫn ý nghĩa của các ngày là những khoảng thời gian 24 giờ. Những người đề xuất ý niệm ngày-thời đại đáp lại rằng buổi chiều và buổi mai là một biện pháp tu từ để nói lên khởi đầu và kết thúc. Mỗi chữ “buổi chiều” cho nhìn thấy sự hoàn tất của công việc trong thời đại đó, và tiếp nối bằng “buổi mai” của một hoạt động mới. Nhưng trong suốt hơn 100 lần được dùng trong Cựu Ước, “buổi chiều” và “buổi mai” chưa từng được dùng với ý nghĩa nào khác hơn là buổi chiều và buổi mai theo nghĩa đen, kết thúc và bắt đầu ngày tính theo mặt trời. Hãy để ý cụm từ trong Da 8:26 về những ngày tính theo mặt trời.

(3) Xu 20:11 và 31:17 phát biểu rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên mọi sự trong sáu ngày, ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ, và khuôn mẫu này đã làm cơ sở cho chu kỳ tuần lễ của con người. Trong cả hai phân đoạn này, đây là những lời Đức Chúa Trời đã phán trực tiếp cho Môise. Nếu Chúa muốn nói đến các thời đại thay vì các ngày, tại sao Ngài đã không dùng chữ dor hoặc olam, có nghĩa là thời đại, hoặc đính kèm chữ “ngày” một tĩnh từ như rab,có nghĩa là “dài”?

B. Các Lập luận Bênh Vực Những Ngày-Thời Đại

1. Từ ngữ “ngày” đôi khi nói đến một khoảng thời gian dài hơn và không xác định rõ. Trong Sa 2:4, chữ này nói đến toàn bộ thời kỳ sáng tạo, trong Giop 20:28 nói đến thời điểm thạnh nộ của Đức Chúa Trời,và trong Thi 20:1 nhắc đến một ngày hoặc một thời gian gặp khó khăn. Số nhiều đôi khi được dùng theo nghĩa “trong thời của” (Sa 26:18). Lập luận này tập trung đặc biệt vào 2:4, là câu có vẻ cho thấy Đức Chúa Trời đã làm công việc sáng tạo của Ngài trong một khoảng thời gian dài nhưng không xác định rõ, chắc chắn phải dài hơn sáu ngày mặt trời. “Vì đoạn trước đã nói rằng có ít nhất sáu ngày sáng tạo nên các từng trời và trái đất, nên dư dật bằng chứng cho thấy yom trong câu 4 không thể nào mang nghĩa ngày 24 giờ – trừ phi Kinh Thánh có thể tự mâu thuẫn!” (Gleason L. Archer, Encyclopedia of Bible Difficulties (Grand Rapids: Zondervan, 1982, trang 63) Nhưng lập luận này đã không nhận ra được “trong ngày mà” chỉ là một thành ngữ sinh động của tiếng Hêbơrơ chỉ về “tại thời điểm này mà.” Không có mạo từ nào đứng trước chữ “ngày”–như trong một ngày nào đó, tại thời điểm này.

(2) Vì mãi đến ngày thứ tư mặt trời mới được sáng tạo, chúng ta có thể cho rằng ba ngày đầu tiên là một khoảng thời gian dài không xác định được. Phải chăng nói vậy là thừa nhận bốn ngày cuối mới là những ngày tính theo hệ mặt trời? Người chủ trương ngày mặt trời trả lời rằng: Đức Chúa Trời chắc đã tạo một nguồn sáng nào đó trong ngày đầu tiên chỉ vì bản văn Kinh Thánh nói đã có sự sáng; và sự xoay vần của trái đất đối với nguồn sáng đó đã đem lại chu kỳ ngày/đêm, buổi chiều/buổi mai được nhắc đến trong ba ngày đầu tiên này.

(3) Ngày thứ bảy mà Đức Chúa Trời nghỉ là dài hơn 24 giờ; vì thế, sáu ngày đầu cũng vậy. Cách dùng sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời trong Hêbơrơ 4 củng cố kết luận này. Phierơ cũng nói đối với Chúa một ngày như là ngàn năm (IIPhi 3:8).

Trước khi chấp nhận kết luận này, hãy quan sát điều sau đây. Dầu sự “yên nghỉ” của đời sống Cơ đốc nhân trong Hêbơrơ 4 được ví với sự yên nghỉ thỏa mãn của Đức Chúa Trời trong ngày thứ bảy của tuần Sáng Tạo, trước giả thư Hêbơrơ không có chỗ nào nói ngày thứ bảy đối với Đức Chúa Trời là khác với độ dài của sáu ngày kia trong tuần lễ Sáng Tạo. Nếu chúng là những thời kỳ, thì tất cả đều là những thời kỳ; nếu là ngày, tất cả đều đã là ngày.Nhưng nói nghiêm túc, thư Hêbơrơ không nói gì khác hơn Đức Chúa Trời đã yên nghỉ trong ngày thứ bảy. Thư này nêu lên Ngài đa yên nghỉ, chứ không phải là Ngài hiện yên nghỉ. Dĩ nhiên, Phierơ không nói một ngày là một ngàn năm, chẳng khác gì ông không nói một ngàn năm là một ngày. Nếu có thể dùng phân đoạn này chứng minh “những ngày” trong Sáng Thế Ký là hàng ngàn (triệu) năm, thì cũng có thể chứng minh hàng ngàn (triệu) năm rất được xem như có trong Sự Sáng Tạo trên thực tế chỉ là vài ngày!

Tóm lại: Về mặt giải kinh, những ai muốn hiểu các ngày trong Sáng Thế Ký như là các thời kỳ thì có nhiệm vụ phải chứng minh lời khẳng định bị tranh luận này. Cách giải nghĩa bình thường phân đoạn đó, cách dùng của chữ ngày với những con số, các cụm từ đi kèm “buổi chiều và buổi mai,”và hai phân đoạn trong Xuất Êdíptô Ký thiết lập chứng cứ mạnh mẽ từ chính bản văn Kinh Thánh rằng những ngày đó đã là ngày tính theo mặt trời. Nếu Đức Chúa Trời muốn truyền đạt ý niệm về những ngày theo hệ mặt trời, Ngài còn nói cách nào rõ hơn thế nữa?

VII. DẤU HIỆU BỀ NGOÀI CỦA LỊCH SỬ

Bất cứ hành động sáng tạo nào đều sẽ nhất thiết mang kèm theo nó dấu hiệu bề ngoài của lịch sử. Dầu ban đầu Đức Chúa Trời chỉ sáng tạo chỉ những hình thức đơn giản nhất, thì ắt chúng bắt buộc phải có dấu hiệu bề ngoài của một lịch sử nào đó. Nguồn ánh sáng đầu tiên, các dòng nước,thực vật đầu tiên (cho dù chỉ là những hạt giống), mặt trời và mặt trăng, các sinh vật, Ađam và Êva, tất cả đều đã có dấu hiệu bề ngoài của lịch sử khi mới xuất hiện.

Thực ra, điều này thật bình thường đối với những phép lạ. Nhiều phép lạ của Chúa chúng ta liên quan đến lịch sử rõ ràng.Rượu được hóa từ nước ở tiệc cưới Cana đã có dấu hiệu bề ngoài đã trải qua hết những tiến trình tự nhiên để làm ra rượu, nhưng trong thực tế thì không trải qua (Gi 2:1-11). Thức ăn nuôi 5000 người trong một trường hợp cũng như lần nuôi 4000 người sau đó có dấu hiệu bề ngoài là đã được trồng và gặt hái, trong khi trên thực tế nó lại không có lịch sử diễn tiến theo thời gian như vậy.

Dường như không thể phản bác được vấn đề Đức Chúa Trời đã tạo dựng với dấu hiệu bề ngoài của lịch sử trong quá khứ. Thắc mắc duy nhất là: Ngài đã tạo dựng như vậy đến mức nào? Không nhiều hơn mức cần thiết và không phải điều nào cũng có khuynh hướng lừa dối chúng ta. Sự đánh giá của chính Đức Chúa Trời về công tác sáng tạo của Ngài đó là chúng đều tốt lành. Những phép lạ của Đấng Christ đã được thực hiện để bày tỏ ra vinh hiển của Ngài (Gi 2:11). Sự tốt lành và vinh hiển không có chỗ dành cho sự lừa dối.

VIII. MỘT VÀI QUAN SÁT ĐÚC KẾT

(1) Đã có một Sự Sáng Thế thực tế lịch sử,đúng sự kiện, chân thật, siêu nhiên bởi Đức Chúa Trời để dựng nên các từng trời,địa cầu, và con người. Phủ nhận, điều chỉnh, hoặc thỏa hiệp điều này bằng cách gieo nghi ngờ tính đáng tin của Sáng Thế Ký cũng không xóa bỏ được sự thật này,vì hành động sáng tạo nguyên thủy của Đức Chúa Trời được đề cập đến những chỗ khác trong Kinh Thánh (Xu 20:11; 31:17; ISu 1:1; Giop 38:4-7; Mat 19:4-5; ICo 11:7-8). Nếu Sáng Thế Ký không đáng tin cậy thì mọi phần khác của Kinh Thánh cũng thế.

(2) Một trận lụt toàn cầu trong thời Nôê đã thực sự diễn ra. Tính toàn cầu của nó đã được xác chứng khoảng hàng chục lần trong Sáng Thế Ký 6-11 cũng như IIPhi 2:5 và 3:6. Chúa đã khẳng định sự thực hữu của Trận Lụt này trong Mat 24:38-39 (Lu 17:26-27). Cho nên một lần nữa, nếu chân lý về trận Đại Hồng Thủy bị chối bỏ hoặc phạm vi của nó bị thu hẹp đến mức địa phương, thì người ta cũng sẽ phải chối bỏ lời chứng của Chúa và của Phierơ (cũng hãy xem He 11:7). Không thể bảo phần ký thuật trận Đại Hồng Thủy cũng như Sự Sáng Tạo là sự cường điệu hoặc sự thêm bớt do sự khải thị “sơ khai” của Sáng Thế Ký.

Những hệ quả của chân lý về một trận Đại Hồng Thủy toàn cầu bao gồm những điều sau. Nước dự phần có lẽ nói lên sự hiện hữu một vòm hơi nước đã ngưng tụ lúc có trận Đại Hồng Thủy, gây ra bốn mươi ngày mưa như trút (Sa 1:6-8; cũng xem 7:11-12). Có lẽ điều này đã gây thay đổi mạnh mẽ khí hậu của thế giới sau Trận Lụt và một số kết quả khác (xem Joseph C. Dillow,The Waters Above (Chicago: Moody, 1980). Dĩ nhiên, thuyết đồng dạng mà các phương pháp định tuổi dùng đang dựa vào ắt đã ảnh hưởng bởi điều này.

Trận Đại Hồng Thủy đã hủy diệt toàn bộ sự sống ở bên ngoài tàu của Nôê, và giải thích cho các di tích hóa thạch trên trái đất.

(3) Một Sự Sáng Tạo nguyên thủy đến trước đoạn 1:1 có lẽ là khả dĩ, nhưng tôi thấy dường như không chắc có. Nếu như có, và nếu nó có chứa sự sống thực vật và động vật, thì có lẽ các vật hóa thạch ắt đã đến từ thời đại đó.

(4) Khái niệm khoảng trống giữa câu 1-2 không có hậu thuẫn giải kinh vững chắc.

(5) Những ngày-thời-đại trong đoạn 1 cũng không có đủ chứng cứ để được chấp nhận. Đòi hỏi phải có những ngày tính theo mặt trời. Câu 3 ghi lại khởi đầu của những sự kiện trong ngày một (bởi vì cụm từ “và rồi Đức Chúa Trời phán, 'Phải có…’” là điều cũng diễn ra tại lúc bắt đầu những ngày tiếp sau đó). Điều này có nghĩa chúng ta không biết tình trạng vô hình và trống không của trái đất trong câu 2 kéo dài bao lâu trước khi các ngày này bắt đầu. Nhưng dù dài hay ngắn, tình trạng đó đã không gòm sự sống của cây cối, thú vật hoặc loài người tiền Ađam (Mat 19:4; ICo 15:45). Như vậy địa cầu vô hình trống không lúc ban đầu có lẽ đã xưa cũ; nhưng địa cầu đã định hình, thực vật, động vật,và con người, tất cả mọi thứ được tạo dựng trong vòng sáu ngày Sáng Thế này, không thể nào xưa hơn những ngày tính theo mặt trời và những bảng gia phổ cho phép.

Tóm lại: Sau cùng, chúng ta phải tin điều Đức Chúa Trời đã bày tỏ về Sự Sáng Tạo. Không con người nào có mặt khi những điều đó xảy ra. Nhưng sự khải thị điều đó đã được Đức Chúa Trời - là Đấng chân thật - ban cho Môise, một trước giả có học vấn cao và đáng tin cậy. Mặc dù không phải mọi chi tiết đều được đưa vào bản ký thuật, nhưng nhiều sự kiện được đưa vào,và phải giải nghĩa chúng theo cùng một cách giải nghĩa những phần Kinh Thánh khác. Hơn nữa, những chân lý được bày tỏ trong Sáng Thế Ký đã được xác nhận trong những phần khác của Kinh Thánh và được xác nhận bởi Chúa chúng ta.