Thế kỷ thứ hai mươi chứng kiến một bước ngoặt gần như hoàn toàn trong thái độ đối với sự thực hữu của ma quỷ. Trong nửa đầu thế kỷ hai mươi, sự thực hữu của ma quỷ thường bị phủ nhận; trong nửa thế kỷ sau, sự thực hữu của chúng lại được khẳng định dễ dàng và phổ thông hơn. Rõ ràng sự gia tăng số lượng phù thủy và chiêm tinh gia cũng như doanh số tăng vọt của những vật dụng đi kèm (kể cả các tạp chí thương mại) đã góp phần tạo ra thay đổi nầy. Phim ảnh và sách báo nói về những sự việc ngoài trái đất đã tạo bầu không khí thuận lợi hơn để chấp nhận ma quỷ.

I. LỜI CHỨNG CỦA THÁNH KINH

Thánh Kinh khẳng định không lập lờ về sự thực hữu của ma quỷ, dầu vậy không phải mọi người tự xưng thuộc Cơ đốc giáo đều thừa nhận tính hiệu lực của bằng chứng này. Hãy lưu ý kiểu tránh né sức mạnh của một số lời dạy dỗ của Thánh Kinh: “Ma quỷ thường sống sót như những hình thái tu từ (ví dụ như “gremlins”: “quỷ lùn phá máy móc,” là sinh vật giả tưởng và thường bị qui là thủ phạm phá hỏng máy móc) mãi rất lâu sau khi chúng không còn là những nhân vật của tín ngưỡng. Do vậy, việc nhắc tên của ma quỷ trong một bản văn Thánh Kinh không phải là lời chứng tất nhiên cho niềm tin hiện còn hiệu lực nơi ma quỷ.” (T.H. Gaster, “Demon,” The Interpreter’s Dictionary of the Bible [New York: Abingdon, 1976], 1:818).

A. Lời Chứng Của Đấng Christ

Nhiều lần trong thời gian thi hành chức vụ tại thế, Chúa chúng ta đã đuổi quỷ ra khỏi nhiều người khác nhau. Những trường hợp này dĩ nhiên khẳng định niềm tin của Ngài nơi sự thực hữu của ma quỷ (Mat 12:22-29; 15:22-28; 17:14-20; Mac 5:1-16). Ngài cũng ban cho môn đồ quyền đuổi quỉ trong một bối cảnh không đòi hỏi phải có sự điều chỉnh cho thích nghi với niềm tin thiếu hiểu biết của họ về ma quỉ (Mat 10:1) - như có người đã đề xướng.Chúa chúng ta cũng không hề sửa sai bất cứ ai vì cớ họ chấp nhận sự thực hữu của ma quỉ (Lu 10:17).

Nếu không thể chấp nhận sự chứng thực của Chúa Jesus, thì chúng ta sẽ phải kết luận hoặc: (a) Ngài đã dối trá, hoặc (b)Ngài đang điều chỉnh sự dạy dỗ của Ngài cho thích nghi với sự thiếu hiểu biết của những người nghe Ngài (trên thực tế điều này khiến Ngài phạm tội truyền bá điều dối giả), hoặc (c) Những người biên tập của Hội Thánh đầu tiên đã thêm vào bản văn Kinh Thánh những phần nói đến sự dạy dỗ của Ngài về ma quỉ.

B. Lời Chứng Của Những Phần Khác Trong Tân Ước

Mọi trước giả Tân Ước (ngoại trừ trước giả thơ Hêbơrơ) đều nhắc đến ma quỉ, tổng cộng có trên 100 phân đoạn Kinh Thánh. Ví dụ hãy xem: ICo 10:20-21; Gia 2:19; Kh 9:20. Những phần Kinh Thánh này đều dùng từ ngữ daimonion. Những câu Kinh Thánh khác nói đến ma quỉ thì dùng từ “thiên sứ”và “linh.” Cũng hãy để ý rằng ma quỉ được nhắc đến trong sách đã được viết ra đầu tiên (Giacơ) và cuối cùng (Khải Huyền).

C. Lời Chứng Của Cựu Ước

Cựu Ước ít nhắc đến ma quỉ hơn nhiều.Shedhim trong Phu 32:17 và Thi 106:37 đã là những thần tượng chủ tể mà người Hêbơrơ xem như các biểu tượng thấy được của ma quỉ. Seirim trong Le 17:7; IISu 11:15; Es 13:21 và 34:14 cũng là những khái niệm về ma quỉ.

Muốn chối bỏ sự thực hữu của ma quỉ đòi hỏi phớt lờ hay phủ nhận chân lý của rất nhiều phân đoạn trong Kinh Thánh.

II. NGUỒN GỐC CỦA MA QUỈ

Có nhiều gợi ý khác nhau về nguồn gốc của ma quỉ.

A. Chúng Là Linh Hồn Của Những Người Gian Ác Đã Chết

Quan điểm này dường như đến từ niềm tin Hy lạp cổ xưa, tin ma quỉ là những linh hồn đã lìa khỏi xác của người đã chết, đặc biệt là những người ác độc khi còn sống. Điều này không hề có hậu thuẫn nào từ Kinh Thánh, vì Kinh Thánh luôn luôn đặt người chết chưa được cứu như thể bị giam trong nơi đau khổ, không thể trở về để lang thang trên đất này (Thi 9:17; Lu 16:23; Kh 20:13).

B. Chúng Là Linh Hồn Lìa Khỏi Xác Của Chủng Tộc Trước Ađam

Quan điểm này xem Satan lúc đầu cai trị trên một địa cầu hoàn hảo và một giống người thời trước Ađam. Khi Satan phạm tội nghịch với Đức Chúa Trời, chủng tộc người này bằng cách nào đó đã dự phần phản loạn với hắn. Họ mất thân thể và trở thành những linh hồn không có thân xác hay là ma quỉ (G. H. Pember, Earth’s Earliest Ages (New York: Revell, ca. 1900, trang 72-3).Quan niệm này phân biệt giữa mọi thiên sứ, thiện cũng như xấu, và ma quỉ. Quan niệm nêu hậu thuẫn của mình là: ma quỉ luôn tìm kiếm sự hiện thân, vì vậy nói lên chúng là những linh hồn không có thân xác. Nhưng sự kiện đơn giản phản đối quan điểm này là: Thánh Kinh không có nơi nào ám chỉ sự hiện hữu của một dòng giống trước Ađam. Thật ra, Chúa tuyên bố Ađam là con người đầu tiên (Mat 19:4).Kinh Thánh cũng không chỗ nào nói người đã qua đời được tự do để trở lại thế giới này.

C. Chúng Là Dòng Dõi Của Sự Kết Hiệp Được Nêu Trong Sa 6:1-4

Để gợi ý này có giá trị thì phải có ít nhất hai giả định sau: (a) Các con trai của Đức Chúa Trời là những thiên sứ, và (b)Dòng dõi được sinh ra này không phải là loài người. Nói các con trai của Đức Chúa Trời là thiên sứ, thì đấy là quan điểm khả dĩ, nhưng nói dòng dõi ấy là ma quỉ thì không chắc. Nói như vậy tức là sẽ phải bảo rằng hậu tự đã là người lai:nửa người và nửa thiên sứ (hoặc là người Nêphilim (cao lớn) hoặc những người mạnh dạn có danh của câu 4), là những kẻ bị hủy diệt trong trận Đại Hồng Thủy và bấy giờ những linh hồn không có thân xác của họ trở thành ma quỉ.

D. Chúng Là Những Thiên Sứ Sa Ngã

Quan điểm này cho rằng ma quỉ là những thiên sứ cùng phản loạn với Satan. Có những nhận định sau hậu thuẫn quan điểm này.

Satan được gọi là chúa của các quỉ (Mat 12:24), nói lên rằng bởi vì Satan kẻ lãnh đạo của chúng là một thiên sứ, ma quỉ cũng phải là những thiên sứ, nhưng đã sa ngã cũng như Satan.

Chúng ta biết Satan đã tổ chức tốt những cấp bậc thiên sứ, và các thiên sứ ấy tiến hành các mục đích của hắn. Hai trong số những cấp bậc này được gọi là các kẻ cầm quyền và các thế lực, tức là mang cùng danh hiệu với hai trong số hàng ngũ các thiên sứ thiện (Eph 3:10; 6:12). Điều này có vẻ cho thấy cùng một dòng giống các hữu thể hợp nên thành viên của những hàng ngũ này, và vì thế các hữu thể gian ác là những thiên sứ sa ngã.

Có rất nhiều chỗ gọi ma quỉ là các linh (dù là những linh ô uế), điều nầy liên hệ chúng với thế giới linh của các thiên sứ chứ không phải con người. Ví dụ như con quỉ được nhắc đến trong Mat 17:18 được gọi là một tà linh trong câu chuyện tương đồng ở Mac 9:25. Sự kể là bình đẳng tương tự về ma quỷ và các linh được thấy ở Lu 10:17-20. Cũng vậy, theo Mat 8:16, Chúa đã chữa lành nhiều người bị tà ma ám bằng cách đuổi những tà linh ra khỏi họ.

Chúng ta phải công nhận không chỗ nào trong Kinh Thánh trực tiếp gọi ma quỷ là các thiên sứ sa ngã, nhưng những chứng cứ vừa nêu dường như kết luận rằng đấy là các thiên sứ sa ngã.

III. SỰ GIAM CẦM MỘT SỐ THIÊN SỨ SA NGÃ

Kinh Thánh nêu rõ hai nhóm thiên sứ sa ngã,một nhóm gồm những thiên sứ được tự do để thực hiện chương trình của Satan, một số khác bị giam cầm. Trong số thiên sứ bị giam, một số bị giam tạm thời, còn một số khác bị giam vĩnh viễn trong Tartarus (IIPhi 2:4 và Giuđe 6). Người Hy lạp cho rằng Tartarus là nơi hình phạt sâu hơn âm phủ (hades). Những thiên sứ bị giam tạm thời thì ở trong vực sâu (Lu 8:31; Kh 9:1-3,11), một số dường như bị giam ở đó chờ sự phán xét sau cùng còn một số khác được thả để hoạt động trên đất (các câu 1-3,11,14; 16:14).

Tại sao có một số phải ở Tartarus? Nếu là hậu quả của tội phản loạn lúc ban đầu của chúng cùng với Satan, thì tại sao không phải là toàn thể thiên sứ sa ngã đều ở đây? Và tại sao không có chính Satan ở đó nữa? Sự giam cầm một số thiên sứ sa ngã tại Tartarus chắc phải là hình phạt cho một số tội nào khác hơn tội nguyên thủy, và là một tội độc đáo. Một số người gợi ý đó là tội trái lẽ tự nhiên trong Sa 6:2-4 của một số thiên sứ sa ngã (được gọi là “các con trai Đức Chúa Trời” trong đoạn này) khiến họ phải bị giam ở Tartarus.

Dầu các thiên sứ không sinh sản thêm các thiên sứ khác (có nghĩa không sinh ra các thiên sứ con), nhưng có lẽ đã được phép ăn ở với các người nữ như trong một trường hợp nầy để sinh ra dòng dõi loài người. Tuy nhiên, tính chất ngoại lệ của sự cho phép nầy - là điều trái ngược với tất cả những gì chúng ta biết về thiên sứ và hôn nhân - tạo thành một nhược điểm trong quan điểm nầy. Nhưng nếu việc ấy được cho phép trong duy nhất một trường hợp nầy, thì nó chỉ nhấn mạnh tính độc nhất vô nhị của tội lỗi ghê gớm phi thường này, và hậu quả là các thiên sứ dự phần phải bị giam vĩnh viễn trong ngục Tartarus. Và dĩ nhiên, những người can dự vào tội đó bị chết mất trong trận Đại Hồng Thủy. Những quan điểm khác về “các con trai của Đức Chúa Trời” bao gồm (a) dòng dõi thánh của Sết đã cùng ăn ở với những người nữ không thờ kính Chúa thuộc dòng dõi Cain, và (b) những vị vua trong dòng dõi Cain. Nhược điểm của (a) là ở chỗ cần phải tin dòng dõi thánh và dòng dõi gian ác đã được giữ riêng biệt trải biết bao năm trước khi biến cố trong Sáng Thế Ký đoạn 6 diễn ra. Nhược điểm của (b) (quan điểm được gợi ý trong sách giải nghĩa Targum tiếng Aram) là không có chứng cứ chứng minh ở thời điểm này đã có một hệ thống các nhà cai trị theo thể chế quân chủ trong dòng dõi Cain. Dầu cá nhân tôi thiên về quan điểm thiên sứ sa ngã, nhưng đây là nan đề giải nghĩa mà chúng ta không giải quyết được.

Cho dù ai phạm tội đó đi nữa, thì tội cụ thể được kể ở đây là gì? Có ba câu trả lời khả dĩ: (1) Nếu các thiên sứ can dự, thì đây là tội thiên sứ ăn ở với loài người. (2) Nếu các con trai Đức Chúa Trời là loài người, thì đây là tội cưới gả bừa bãi bất kể tình trạng thuộc linh (nếu là dòng dõi Sết) hoặc thân phận vương tôn (nếu các vua có can dự). (3) Đây là tội đa thê vì câu 2 có thể hiểu theo nghĩa là họ (dù là ai đi nữa) đã cưới mọi người vợ nào vừa ý mình (xem thêm 4:19). Dòng dõi sinh ra là những người mạnh khỏe và tinh thông trận mạc (người nêphilim có lẽ đã sống trên đất trước những cuộc hôn nhân nầy và không phải là kết quả của dòng dõi đó).

Để tóm tắt dữ kiện về sự thực hữu, nguồn gốc và sự giam cầm của một số thiên sứ sa ngã, có thể lập biểu đồ các khái niệm này như sau: