Chúng ta đã thấy Satan vừa được gọi là chúa đời này (aion, IICo 4:4) và vua chúa của thế gian này (cosmos, Gi 12:31). Đề tài của chương này là mối liên hệ của Satan và Cơ đốc nhân đối với thế gian (cosmos).

I. Ý NGHĨA CỦA THẾ GIAN (COSMOS)

Từ ngữ “thế gian” (cosmos) được dùng 185 lần trong Kinh Thánh Tân Ước, 105 lần trong số đó xuất hiện trong các tác phẩm của Giăng. Về cơ bản, từ ngữ này nói lên một sự trang hoàng hay trật tự, từ ngữ “cosmos” là phản nghĩa với “hỗn độn.” Ý niệm này được dùng đến ở IPhi 3:3, và trong từ ngữ hiện đại của chúng ta “đồ trang điểm” hay “mỹ phẩm.” Vũ trụ (là trời và đất) được gọi là cosmos bởi vì đó là đồ trang trí của những mối liên hệ hòa hợp (Cong 17:24). Trái đất có người ở cũng được gọi là “thế gian” (Ro 1:8), con người sống trên trái đất (Gi 3:16; 12:19) cũng được gọi như vậy. Đức Chúa Trời yêu thương và chết thay cho chính con người của thế gian này (Gi 3:16; IGi 2:2).

Nhưng Tân Ước thường xem thế gian là hệ thống trật tự hoạt động không cần Đức Chúa Trời. Khái niệm thế gian này chống nghịch với Đấng Christ là một cách dùng mới mà từ ngữ này đã nhận thêm trong Tân Ước,ngược lại với cách thường dùng trong các tác phẩm Hylạp để nói đến điều thật lôi cuốn hấp dẫn. B.F. Westcott tóm tắt như sau: “Thật dễ thấy ý tưởng về một tổng thể trật tự có liên hệ với con người và được xem là tách rời khỏi con người,chuyển thế nào thành ý tưởng về một tổng thể trật tự tách biệt khỏi Đức Chúa Trời.Con người sa ngã ghi khắc tính cách của mình trên trật tự vốn chính là môi trường hoạt động của họ.... Thay vì vẫn cứ là biểu hiện thật về ý chỉ của Đức Chúa Trời trong những tình trạng đã được tạo dựng, thế gian lại trở thành kẻ thù địch của Ngài.” (The Gospel According to St. John [London: John Murray, 1908], 1:64-5).Đặc điểm duy nhất còn thiếu trong lời phát biểu của Westcott là địa vị của Satan trong tư cách thủ lãnh của hệ thống thế gian nầy. Như vậy, phải có ba khía cạnh trong bất cứ định nghĩa nào về thế gian: ý niệm về một hệ thống có trật tự, mối liên hệ của Satan với hệ thống đó, và khái niệm về sự thù địch của thế gian ấy với Đức Chúa Trời. Sau đây là định nghĩa gợi ý: Thế gian nầy là hệ thống được Satan tổ chức, do Satan cầm đầu và vận hành, là hệ thống loại Đức Chúa Trời ra ngoài và là hệ thống kình địch với Ngài.

II. SATAN VÀ THẾ GIAN

A. Uy Quyền Của Satan Trên Thế Gian

Kinh Thánh dạy rõ rằng Satan nắm uy quyền cao nhất trên thế gian. Dĩ nhiên, điều này nằm trong mục đích tể trị tối thượng của Đức Chúa Trời và có sự cho phép của Ngài. Tuy nhiên, quyền bính Satan chiếm hữu được trên thế gian nầy là tối cao. Chúa chúng ta công nhận điều nầy khi Ngài gọi Satan là vua chúa của thế gian này (Gi 12:31; 16:11) và khi Ngài không tranh luận về đặc quyền của Satan khi đề nghị dâng tặng Ngài các nước thế gian lúc hắn cám dỗ Ngài (Mat 4:8-9). Sứ đồ Giăng cũng công nhận sự thật này khi viết rằng toàn thế gian phục dưới quyền của ma quỉ (IGi 5:19).

B. Mục Tiêu Của Satan Trong Thế Gian

Mục đích của Satan là tạo ra hệ thống chống nghịch với vương quốc Đức Chúa Trời và loại trừ Ngài ra. Mục đích là đề xướng một trật tự giả mạo. Trên căn bản, thế gian này là gian ác vì không tùy thuộc Đức Chúa Trời. Nó có thể gồm những khía cạnh tốt cũng như những khía cạnh gian ác công khai, nhưng sự gian ác cố hữu của nó cốt ở thái độ bất cần Đức Chúa Trời và kình địch với Ngài. Sự thù địch gay gắt này nổi bật trong những câu Kinh Thánh như trong Gia 1:27, là câu khuyên tín hữu phải giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian; trong 4:4, cho biết kết bạn với thế gian bị xem là thù nghịch với Đức Chúa Trời; và trong IGi 2:16, Sứ đồ Giăng tuyên bố mọi sự thuộc về thế gian thì không đến từ Đức Chúa Cha.

Để đạt mục tiêu này, Satan phải cố gắng làm cho những giá trị của hệ thống vô thần của hắn có vẻ hấp dẫn. Như vậy, hắn hành động để khiến người ta dành ưu tiên trên hết cho chính bản thân và cho những cái trước mắt như là điều quan trọng nhất. Khi Giăng viết mọi sự trong thế gian thì không đến từ Cha, ông giải thích điều ông muốn nói qua chữ “mọi sự” bằng ba mệnh đề giãi bày tiếp theo trong IGi 2:16. Tất cả các câu nói đó đều nhấn mạnh cái tôi là số một. Satan bảo hãy làm cho thỏa mãn sự mê tham của xác thịt. Những ham muốn quá quắt của mắt khiến ngươi tham muốn điều gì thì hãy lấy điều ấy. Và hãy xây dựng một thái độ tự mãn, ngạo mạn phát xuất từ sự khoe khoang của cải mình có được trong đời. Dĩ nhiên, tính ích kỷ này là triết lý thịnh hành của thế gian, và đến từ Satan là kẻ đã tự tôn cao hắn ngay từ ban đầu.

Satan cũng tìm cách thu hút chú ý của con người vào hiện tại thay vì vào cõi vĩnh hằng. Đó là lý do Giăng nhắc nhở chúng ta trong câu 17 rằng thế gian qua đi, duy chỉ những ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời mới tồn tại đời đời. Như vậy, Satan tìm cách đạt cho được những mục tiêu của hắn bằng cách cố gắng thay đổi những điều ưu tiên của chúng ta (cái tôi trước hết) và tầm nhìn của chúng ta (hiện tại là quan trọng hơn). Trong thực tế, sự thật là: Đức Chúa Trời là trên hết và cõi vĩnh hằng là quan trọng nhất.

III. ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ THẾ GIAN

A. Kết Cuộc Đã Hoạch Định

Đức Chúa Trời tuyên bố thế gian này sẽ chịu đoán xét và kết thúc. Hệ thống chống nghịch của Satan rồi sẽ chấm dứt. Nêbucátnếtsa đã thấy điều đó trong giấc mơ được Đaniên giải nghĩa, khi hòn đá (vương quốc Đấng Christ) đập vào pho tượng và đầy khắp đất (Da 2:34-35,44). Biến cố nầy được mô tả trong Khải Huyền 17–19 và được tóm tắt trong IGi 2:17.

Khi Chúa chúng ta trở lại, vương quốc thế gian của Satan sẽ bị thay thế bằng vương quốc Đấng Christ, là Đấng sẽ trị vì trên đất nầy. Thật quan trọng khi thấy phạm vi chiến thắng của Đấng Christ sẽ chính là vương quốc của Satan, tức thế gian này. Đấng Christ sẽ chiến thắng trên cùng một phạm vi mà Satan đã cai trị.

B. Sự Khoan Dung Do Thuận Cho Phép

Trong lúc này, Đức Chúa Trời cho phép sự phản loạn cứ tiếp diễn và thế gian cứ tiếp tục phát triển. Chương trình của Ngài cho phép sự gian ác được hoạt động bình thường, và sự nhịn nhục lâu dài của Chúa cho phép nhiều người được đến với lẽ thật (Ro 2:4).

IV. CƠ ĐỐC NHÂN VÀ THẾ GIAN

A. Được Phân Rẽ Khỏi Thế Gian

Giacơ viết sự tin đạo thanh sạch ấy là giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian (Gia 1:27). Cùng một từ ngữ “khỏi sự ô uế” hoặc “không lỗi không vết” cũng đã được dùng cho Đấng Christ trong IPhi 1:19. Như thế,sự phân rẽ của các Cơ đốc nhân ra khỏi thế gian có nghĩa là giống như Đấng Christ trong thế gian này. Điều này bao gồm có những cái nhìn của Chúa, những tiêu chuẩn của Chúa, mục đích của Chúa (làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha), những công việc của Chúa trong khi sống ở thế gian này. Phân rẽ khỏi thế gian có nghĩa là chúng ta có thể nói mình luôn luôn làm những việc vui lòng Cha (Gi 8:29). Đây mới là sự phân rẽ thật theo tinh thần Kinh Thánh.

B. Được Đặt Trong Thế Gian

Dĩ nhiên, dù phân rẽ khỏi thế gian, nhưng các tín hữu phải sống trong thế gian. Như thế, chúng ta phải tiếp xúc với những điều gian ác và những con người gian ác xấu xa. Cách duy nhất để tránh những sự tiếp xúc như vậy là phải “lìa khỏi thế gian” (ICo 5:10). “Phân rẽ bằng cách tự sát” kiểu đó, Phaolô không hề khuyên!

Như vậy làm thế nào chúng ta có thể liên hệ phải lẽ với thế gian mà chúng ta đang được đặt trong đó? Có hai nguyên tắc:

(1) Sử dụng nhưng không lạm dụng thế gian (7:31). Câu tóm tắt này ở trong mạch văn Phaolô đề cập đến hôn nhân và sự độc thân, khóc lóc và vui mừng, có và không có của cải. Lẽ chính đáng là: Dùng mọi điều này nhưng không lạm dụng hoặc dùng quá mức. Đừng để hôn nhân chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu; đừng khóc lóc quá lâu; đừng quá vui mừng đến nỗi không thể nghiêm trang; đừng để lòng tin cậy những vật bạn mua cách chính đáng. Làm như vậy là lạm dụng thế gian. Cách dùng đúng đắn là có một thái độ “một là chấp nhận,hai là khước từ” trong khi sử dụng những điều này.

(2) Thưởng thức nhưng đừng yêu mến những sự thuộc thế gian này (ITi 6:17; IGi 2:15). Dầu đây dường như là những nguyên tắc đối lập, nhưng không thể đối lập được, bởi vì cả hai đều được tuyên bố rõ ràng.Điều Chúa ban cho chúng ta trong thế gian này, chúng ta có thể vui hưởng cách phải lẽ, miễn chúng ta nhận thức rằng mọi sự đều là không chắc chắn và sự nương cậy của chúng ta là vào nơi Đức Chúa Trời dù Ngài ban cho chúng ta nhiều hay ít đi nữa (Phi 4:12; ITi 6:17).

Khi nào thì sự thưởng thức chính đáng trở thành lòng yêu mến không chính đáng? Không thể nói cách chung chung được. Mỗi tín hữu sẽ phải xem xét những trường hợp riêng của mình. Rõ ràng, nếu chúng ta xem bất cứ điều gì là thần tượng của mình, thì chúng ta đang yêu mến điều đó một cách không chính đáng. Và hình tượng là bất cứ điều gì trong bất cứ lúc nào án ngữ giữa tín hữu và lòng yêu mến Chúa của người ấy.

C. Được Trang Bị Đủ Cho Thế Gian

Các tín hữu có thể sống đắc thắng trong thế gian của Satan nhờ đức tin nơi Đấng Christ, là Đấng đã đắc thắng Satan (IGi 5:4-5). Không có sự tình cờ nào gắn liền với lời hứa trong những câu này. Mọi tín hữu, dù là tín hữu mới hay đã trưởng thành, đều được đắc thắng chỉ vì người ấy là tín hữu.

“Cách dùng từ của Giăng ngăn ngừa được rất nhiều sai lầm. Mệnh đề đầu tiên trong IGi 5:4 cho thấy sự đắc thắng này không phải là điều đến sau ơn cứu rỗi, bởi vì 'ai được sinh ra (gegennemenon, một thì hoàn thành bày tỏ một điều kiện sẵn có dựa trên một hành động đã hoàn tất bởi Đức Chúa Trời’ là kẻ 'đắc thắng (nika, một thì hiện tại nói đến một khuôn mẫu đang diễn tiến của đời sống thế gian’ (bản dịch của tác giả). Theo cách dùng hình thức quá khứ bất định (aorist) nikçsasa (đã đắc thắng), mệnh đề thứ hai chứng tỏ rằng chiến thắng hôm nay dựa trên chiến thắng hôm qua; nghĩa là chiến thắng của chúng ta dựa trên chiến thắng của Ngài. Cuối cùng, Giăng đối phó với sai lầm cho rằng đức tin trừu tượng (đức tin không có đối tượng thích đáng) là đức tin hiệu năng.... Đức tin đắc thắng được là đức tin bao gồm lòng tin cậy nơi Chúa Jesus (con người này), là Con của Đức Chúa Trời.” (W. Robert Cook, The Theology of John (Chicago: Moody, 1979, chú thích 115).

Chiến thắng đó sẽ đến trên cả những thói quen, những thói che giấu khuyết điểm, những sinh hoạt, nhưng chính đức tin của chúng ta nơi Đấng Christ mới khiến chúng ta là những tín hữu và nhờ đó trở thành những người chiến thắng, đủ để sống giống như Đấng Christ trong thế gian thuộc về Satan nầy.