- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Thần Học Căn Bản của Charles C. Ryrie
Sự phủ nhận tính thực hữu của Satan thường mang hình thức xem ý niệm về Satan là sự nhân cách hóa điều ác chứ không thực sự nghĩ Satan là một hữu thể có sự hiện hữu độc lập. Ý niệm “Satan” là một thân vị được khai triển nhiều hơn trong thời Tân Ước, và người ta bảo rằng bắt buộc phải có những sự giải nghĩa lại những “truyền thuyết” trong Cựu Ước, vì tuyên bố chúng không chứa đựng ý niệm về một nhân vật ma quỉ quái đặc trưng. Thêm vào đó, người ta nói rằng nhị nguyên luận của người Iran cũng góp phần vào ý niệm của người Do thái về một Satan có thân vị trong thời đại Hy-La (xem T. H. Gaster,“Satan,” The Interpreter’s Dictionary of the Bible (New York: Abingdon, 1976,4:224-8).
I. CHỨNG CỨ TỪ BẢN VĂN KINH THÁNH
Nếu chấp nhận Thánh Kinh là mặc khải từ Đức Chúa Trời, chứ không chỉ là bản ký thuật những suy nghĩ của con người về Ngài,thì không thể phủ nhận được sự thực hữu của Satan. Satan đã không tiến hóa trong tư cách một hữu thể có thân vị; hắn đã tồn tại và hành động từ sách đầu tiên nhất cho đến sách cuối cùng chép khải thị của Chúa. Bảy sách trong Cựu Ước dạy sự thực hữu của hắn (Sáng Thế Ký, ISử Ký, Gióp, Thi Thiên, Êsai, Êxêchiên,Xachari). Mỗi trước giả Tân Ước đều xác nhận sự thực hữu và hoạt động của Satan. Lời dạy của Đấng Christ cũng thừa nhận và khẳng định sự hiện hữu và hoạt động của Satan. Trong số 29 phân đoạn của các sách Phúc Âm nói về Satan, thì 25 phân đoạn do Chúa chúng ta nói. Một vài phân đoạn trong số đó tuyệt nhiên không hề có chuyện Đấng Christ điều chỉnh sự dạy dỗ của Ngài cho thích nghi với tình trạng xem như sự thiếu hiểu biết của đoàn dân hay xem như những khái niệm sai lầm của đám đông về Satan do nhị nguyên luận của Batư. Hãy đặc biệt để ý những phân đoạn như Mat 13:39; Lu 10:18; và 11:18.
II. CHỨNG CỨ VỀ THÂN VỊ TÍNH (PERSONALITY)
A. Những Đặc Trưng Về Thân Vị Tính
Giống như các thiên sứ, Kinh Thánh nói Satan có những đặc điểm của thân vị. Hắn bày tỏ trí thông minh (IICo 11:3); hắn bày tỏ những tình cảm (giận dữ: Kh 12:17; thèm muốn: Lu 22:31); Hắn bày tỏ hắn có ý chí (Es 14:12-14; IITi 2:26).
B. Những Đại Danh Từ Nói Lên Thân Vị Tính
Satan được nhắc đến như một thân vị trong cả Cựu và Tân Ước (Gióp 1; Mat 4:1-12). Hãy để ý rằng những dữ liệu trong phân đoạn sau (Đấng Christ chịu cám dỗ) phải đến từ Chúa; vì vậy khi dùng những đại danh từ nhân xưng, chính Ngài đã qui thân vị tính cho Satan.
C. Trách Nhiệm Đạo Đức Của Thân Vị
Nếu Satan chỉ là một sự nhân cách hóa mà người ta nghĩ ra để diễn tả ý niệm của họ về điều ác, thì sự nhân cách hóa như thế hầu như không thể bị quy trách nhiệm đạo đức về những hành động của nó, bởi vì trong thực tế đâu có hữu thể nào để có thể quy trách nhiệm khai trình. Nhưng Satan bị Chúa buộc phải khai trình trách nhiệm (Mat 25:41), và phân đoạn này nhắc chúng ta rằng: phủ nhận sự thực hữu của Satan đòi hỏi chúng ta phải phủ nhận tính xác thực của những lời Đấng Christ đã phán.
III. BẢN CHẤT CỦA SATAN
A. Satan Là Một Tạo Vật.
Giả sử Exe 28:11-19 nói đến Satan (sẽ được bàn đến sau), thì phân đoạn đó nói rõ ràng Satan đã được dựng nên (c. 18). Điều này có nghĩa Satan không có những thuộc tính mà chỉ thuộc về một mình Đức Chúa Trời, ví dụ như toàn tại, toàn năng và toàn tri. Dù là một hữu thể quyền năng,Satan có những giới hạn của loài thọ tạo. Và là tạo vật, Satan buộc phải khai trình với Đấng Tạo Dựng mình.
B. Satan Là Một Hữu Thể Thuộc Linh
Satan thuộc về hàng ngũ các thiên sứ được gọi là chêrubin (Exe 28:14). Dường như hắn đã là một thiên sứ thọ tạo cao cả nhất (c. 12). Rõ ràng đây là lý do khiến thiên sứ trưởng Micaên không tranh cãi với Satan về xác Môise (Giuđe 9). Có lẽ Satan được gọi là thiên sứ trưởng của toàn bộ thiên sứ ác. Ngay cả trong tình trạng sa ngã hiện nay, Satan vẫn có rất nhiều quyền lực (dù vậy dưới sự cho phép của Đức Chúa Trời). Vậy Satan được gọi là chúa của đời này và là vua cầm quyền chốn không trung (IICo 4:4; Eph 2:2).
IV. NHỮNG TÊN GỌI CỦA SATAN
Số lượng và tính đa dạng của tên gọi dành cho Satan cũng hậu thuẫn thêm cho sự thực hữu của Satan.
Satan (được dùng khoảng 52 lần) ra từ satan trong tiếng Hêbơrơ, có nghĩa là “kẻ chống đối” hay “kẻ thù địch” (Xa 3:1; Mat 4:10; Kh 12:9; 20:2).
Ma quỉ (được dùng khoảng 35 lần) từ chữ Hylạp,diabolos, có nghĩa là “kẻ vu cáo” (Mat 4:1; Eph 4:27; Kh 12:9,20:2).
Giăng ghi hắn là một kẻ gian ác (Gi 17:15; IGi 5:18-19). Như được nêu lên trong danh hiệu này, bản tánh gian ác của hắn thâm nhập khắp cả thế giới vốn đang dưới quyền kiểm soát của hắn. Tuy nhiên, các tín hữu không thể bị Satan chiếm hữu tối hậu được.
Con rắn là cách đầu tiên Satan đã hiện ra cho loài người (Sa 3:1). Đặc trưng này cũng gắn liền với Satan trong Tân Ước (IICo 11:3; Kh 12:9), và cho thấy mưu mẹo và tính xảo quyệt của hắn.
Satan cũng được mô tả là một con rồng đỏ rất lớn (c.3,7, 9). Điều này nhấn mạnh bản chất hung dữ của Satan, đặc biệt là trong khi xung đột. Để ý con rồng có một cái đuôi; theo cách đó, biếm họa về Satan trong lễ Halloween của chúng ta (trong tập tục của tác giả) không xa hắn bao nhiêu! Ví dụ: Khi được một học sinh nhỏ tuổi hơn hỏi thầy giáo nọ thuộc hạng người thế nào, một học sinh lớn tuổi có thể trả lời: “Ô, ông đó là con gấu!” Ý nghĩa thật rõ ràng: ông thầy đó khó lắm. Satan là một con rồng. Ý nghĩa cũng thật rõ: Hắn thật hung dữ trong những cuộc tấn công các tín hữu.
Một trong những hoạt động của Satan là làm kẻ kiện cáo anh em tín hữu (câu 10). Hắn làm điều nầy ngày đêm không ngưng nghỉ. Hắn kiện cáo chúng ta điều gì? Về những tội lỗi chúng ta đã phạm. Và dĩ nhiên, hắn có lý cớ xác đáng, vì các tín hữu có phạm tội, và tội lỗi nào cũng có thể vô hiệu hóa sự cứu rỗi của chúng ta. Tuy nhiên, Chúa chúng ta, là Đấng Biện Hộ cho chúng ta, bênh vực chúng ta trên một nền tảng duy nhất, đó là mọi tội lỗi của chúng ta đã được đền trả xong nhờ sự chết của Ngài (IGi 2:1-2). Một số người,có lẽ vô tình, đã phân biệt giữa những tội có thể vô hiệu hóa sự cứu chuộc của chúng ta với những tội sẽ không vô hiệu hóa được – là những tội “nhỏ.” Nhưng bất cứ tội nào cũng có đủ khả năng khiến chúng ta mất sự cứu rỗi nếu không nhờ sự cầu thay bền đỗ của Chúa chúng ta cản trở những lời kiện cáo ngày đêm của kẻ nghịch lại chúng ta là Satan.
Nhiều năm trước đây, tôi học với một vị thầy là H.A. Ironside. Thầy luôn luôn gọi chúng tôi là “quí ông trẻ tuổi.” Khi thầy nhắc đến câu Kinh Thánh này, chắc chắn thầy không tránh khỏi câu nói: “Quí ông trẻ tuổi ơi, Satan là kẻ kiện cáo anh em. Hãy giao hết công việc nhơ bẩn này cho hắn.”
Satan cũng là kẻ cám dỗ (Mat 4:3; ITe 3:5).Đây là công việc của hắn kể từ lần gặp gỡ đầu tiên với con người (Sa 3:1). Sự cám dỗ của Satan dành cho Êva đó là cám dỗ bà chấp nhận chương trình giả mạo do hắn chào mời vốn không bao gồm lệnh cấm ăn trái cây biết điều thiện điều ác trong đó. Cám dỗ của Satan đối với Đấng Christ đó là được vinh hiển xứng đáng cho Ngài mà không phải chịu khổ hình Thập Tự Giá. Hắn đã cám dỗ Anania nói dối không kể đủ số tiền bán đất mà ông đã nhận lãnh được (Cong 5:3). Hắn cũng cám dỗ các tín hữu bằng sự vô luân (ICo 7:5).
Địa vị của Satan trên thế giới này được nhìn thấy qua nhiều danh hiệu gán cho hắn. Satan là “vua chúa” của thế gian này (Gi 12:31). Hắn là “chúa của đời này” (IICo 4:4). Hắn là “vua cầm quyền chốn không trung” (Eph 2:2), và “thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch” (c.2). Hắn cũng lừa dối cả thế gian (Kh 12:9; 20:3). Hắn cư ngụ trong không trung (tương đương với “các miền trên trời” trong Eph 6:12) và cầm quyền vũ trụ này cũng như thời đại này. Vũ trụ hay thế gian (cosmos) là cơ cấu tổ chức của sự vật mà loài người sống động và di chuyển trong đó, và cơ cấu tổ chức chống nghịch lại với Đức Chúa Trời bằng cách loại trừ và giả mạo Ngài. Đời nầy (do Satan làm chúa) có nghĩa là “toàn thể lượng vô định của các tư tưởng, ý niệm, châm ngôn,suy đoán, hi vọng, thôi thúc, mục tiêu, khát vọng luôn dời đổi trong bất cứ thời khắc nào trên thế giới nầy, mà có lẽ không thể nào nắm bắt được hay định nghĩa được một cách chính xác, nhưng lập thành một quyền lực thực tế và hữu hiệu nhất,là bầu không khí đạo đức hoặc vô đạo đức - mà mỗi giây phút trong đời chúng ta hít vào, và một lần nữa không thể tránh khỏi thở ra – tất cả điều này được gồm tóm trong aion (đời) này, là. . . tinh thần định hình khôn khéo của kosmos, hay thế giới của những con người đang sống xa cách Đức Chúa Trời” (R.C. Trench,Synonyms of the New Testament (London: Kegan Paul, 1889, trang 218). Một thế lực cai trị trên thế giới và bầu khí quyển chúng ta đang sống như thế thật đáng sợ và kinh khủng. Nhưng thật tạ ơn Chúa, Đấng ngự trong chúng ta là lớn hơn kẻ ở trong thế gian (IGi 4:4).
Danh hiệu Bêênxêbun nói lên Satan là chúa của các quỉ (Lu 11:15). Khi kẻ thù của Chúa Jesus cho rằng Ngài bị ám bởi Bêênxêbun, họ đã khiến chính họ phạm vào tội phạm thượng tệ hại nhất.
Phaolô dùng Bêlian làm tên gọi Satan trong IICo 6:15. Từ ngữ này có nghĩa là sự vô giá trị hay sự gian ác và mô tả thật thích hợp bản tánh của Satan.
Những danh xưng và tên gọi khác nhau dành cho Satan không chỉ khẳng định sự thực hữu của Satan mà còn bày tỏ bản tánh muôn mặt cũng như những khía cạnh của việc hắn làm. Mỗi tên gọi thường bày tỏ một điều gì đó về bối cảnh (“Scotty”- thuộc Tô-cách-lan) hay dáng vẻ, phong cách (“Red”- đỏ) hoặc đặc điểm (“Lover”- đáng mến mộ) hoặc hoạt động (“Gopher”- đào hang trú ẩn) của con người đó. Với Satan cũng vậy: Bối cảnh (kẻ đối nghịch, kẻ kiện cáo, kẻ cám dỗ), vẻ bề ngoài, phong cách (con rồng, con rắn), đặc điểm (kẻ lừa dối, kẻ giết người, kẻ cầm quyền cai trị), và hoạt động của hắn (kẻ kiện cáo, kẻ cám dỗ). Hắn là một tạo vật quyền năng, khôn ngoan, khéo léo, và chúng ta không bao giờ được phép quên hoặc đánh giá thấp thực trạng của kẻ thù chúng ta.