I. SỰ TẠO DỰNG SATAN

A. Thời Điểm Tạo Dựng

Nếu Satan không là một hữu thể thọ tạo thì hắn phải là tự hữu hay hằng hữu, là một nhị nguyên luận không thích hợp với độc thần luận. Kinh Thánh tuyên bố mọi sự đã được tạo dựng bởi Đức Chúa Trời thông qua Đấng Christ, và không có vật gì mà không do Ngài dựng nên (Gi 1:3; Co 1:16-17). Thời điểm sáng tạo Satan không được nêu rõ. Nếu Exe 28:13 nói đến Satan và nói đến vườn địa đàng Êđen, thì dĩ nhiên Satan phải được dựng nên trước khi Đức Chúa Trời lập Vườn Êđen (Sa 2:8).

B. Những Đặc Điểm Của Sự Tạo Dựng Satan

Nhiều người tranh luận không biết có phải Exe 28:11-19 nói về Satan không, nhưng nếu có, thì phần Kinh Thánh này cung cấp cho chúng ta hàng loạt chi tiết mô tả cũng như đặc điểm về tình trạng nguyên thủy của Satan khi được tạo dựng. Mọi người đều đồng ý đề tài của các câu 1-19 là sự đoán xét Tyrơ và người lãnh đạo của thành này. Nhưng thắc mắc là: Liệu câu 11-19 có vượt ra ngoài phạm vi người lãnh đạo này để bày tỏ về một điều nào khác hay về một người nào khác? Một sự vật hoặc một con người nào đó được gọi là vua của Tyrơ có thể là: (a) Một biểu tượng bắt nguồn từ thần thoại của dân ngoại; (b) Một hữu thể ban sơ đã sống trong Vườn Êđen và đã bị đuổi ra khỏi vườn vì sự kiêu ngạo; (c) Một hữu thể thần thoại không có thật được trình bày trong thần thoại của người Phênixi, rồi được kết hợp và áp dụng trong câu chuyện này cho vua Tyrơ; (d) Một nhân vật “lý tưởng,” dù vậy không có thật; (e) Một con người lý tưởng, cũng y như con người đầu tiên trong lịch sử, là Ađam, và là người có lịch sử (có những đặc quyền khởi đầu và tội lỗi tiếp sau đó) tương tự; (f) Hữu thể Satan hung ác; (g) Kiệt tác của Satan: Antichrist.

Các quan điểm từ (a) đến (d) là không phù hợp với những nguyên tắc giải nghĩa bình thường, bởi vì không có lý lẽ chứng minh cho sự giới thiệu một thần thoại như thế trong bản văn Kinh Thánh này. Quan điểm (e) dù khả dĩ, nhưng dường như không đủ thỏa mãn cho toàn bộ bản chất độc ác của nhân vật đàng sau vua Tyrơ. Có thể kết hợp quan điểm (f) và (g); tức là Satan đứng đàng sau mọi điều nầy kể cả việc đứng sau lưng Antichrist, nhân vật sẽ là đỉnh điểm của mọi con người mà Satan đã ở trong họ suốt dòng lịch sử. Vua Tyrơ đã là người được Satan ngự trị trong quá khứ, Antichrist sẽ là con người sau cùng Satan ngự trị trong tương lai.

Hiểu lời tiên tri bao gồm những câu nói đến Satan, như vậy không có nghĩa Êxêchiên đã không nghĩ đến một nhân vật lịch sử lãnh đạo Tyrơ khi ông lên án những lời nầy. Vấn đề là: Liệu Êxêchiên chỉ nghĩ đến người lãnh đạo lịch sử đó, hay còn nghĩ đến một hữu thể vĩ đại hơn - là Satan?Ngôn ngữ hoa mỹ và hình tượng cao độ này có thể bênh vực cho cả hai kết luận.Những người nghĩ chỉ có người lãnh đạo lịch sử ấy thì hiểu lời nói này là phương cách cường điệu và mang tính hình bóng mà người ta có thể dùng để nói đến một vua phương Đông. Những ai còn nhìn thấy Satan trong phân đoạn Kinh Thánh nầy lập luận rằng ngôn ngữ như thế bao gồm quá nhiều từ so sánh bậc nhất và những hình bóng đến nỗi không thể đúng cho một vị vua trần gian nầy, dù là vị vua đó có vĩ đại đến đâu đi nữa. Chẳng hạn, dường như khó áp dụng các câu 14 và 15 cho bất cứ vị vua trần gian nào (xem phần luận đầy đủ trong Charles L. Feinberg,The Prophecy of Ezekiel (Chicago: Moody, 1969, trang 158-63).

Dĩ nhiên, sẽ không có gì bất thường khi một phân đoạn Kinh Thánh vừa nói đến một nhân vật quan trọng tại địa phương vừa nói đến một người khác nữa làm ứng nghiệm hoàn toàn lời tiên tri đó. Điều nầy đúng với nhiều phân đoạn Kinh Thánh vừa nói đến Vua Đavít vừa nói đến Chúa Jesus Christ nữa. Điều này cũng đúng với phần Kinh Thánh nói về vua nước Pherơsơ trong Da 10:13, là một phần chắn chắn phải bao hàm một người siêu phàm có liên quan đến vương quốc Pherơsơ. Cho nên, Exe 28 vừa nói đến vị vua trị vì Tyrơ thời bấy giờ vừa nói đến Satan sẽ không phải là một kết luận giải nghĩa độc nhất vô nhị. Thật ra, đấy có vẻ là kết luận đúng: Vị vua trong lịch sử của Tyrơ đơn giản là một công cụ của Satan, có thể bị Satan nhập. Và khi mô tả vị vua nầy,Êxêchiên cũng đã cho chúng ta những nét nhìn thoáng qua về một tạo vật siêu phàm, tức Satan, là nhân vật đang sử dụng - nếu không nói là đang ở trong - vua Tyrơ.

Như vậy, nếu cho rằng Satan ở trong bức tranh của những câu Kinh Thánh nầy, chúng ta học được gì về những đặc tánh nguyên thủy của Satan khi mới được sáng tạo? Dầu những câu Kinh Thánh này dạy những điểm cụ thể nào đi nữa, chúng đều truyền tải ý niệm rõ ràng rằng Satan đã được hưởng đặc ân cao cả, hình ảnh thu nhỏ Sự Sáng Thế của Đức Chúa Trời, là kẻ được có một địa vị vô song trong vũ trụ.

1. Satan đã có sự khôn ngoan và vẻ đẹp không gì sánh được (c. 12). Satan đứng ở tột đỉnh giữa vòng các tạo vật của Đức Chúa Trời, đầy sự khôn ngoan và vẻ đẹp hoàn hảo.

2. Satan đã có một chỗ cư trú không gì sánh được (c. 13). Điều này có lẽ nói đến một vườn Êđen trên thiên đàng, hoặc vườn Êđen trên đất. Dầu nơi nào đi nữa, đó là nơi độc nhất vô nhị trước khi tội lỗi vào thế gian.

3. Satan đã có tấm che thân không gì so sánh được (c. 13). Sự mô tả chói lòa về áo hay áo choàng của Satan cho thấy đôi điều về vinh hiển được ban cho Satan.

4. Satan đã có chức năng không chi sánh được (c. 14). Satan thuộc về hàng ngũ thiên sứ thọ tạo gọi là chêrubin. Các chêrubin này liên quan đến việc bảo vệ sự thánh khiết của Đức Chúa Trời (Sa 3:24), liên quan đến ngai của Đức Chúa Trời (Exe 1:5) và tại đây (c. 14) dường như có liên quan đến hiện diện thật của Đức Chúa Trời. Satan đã ở trên núi thánh của Đức Chúa Trời và được đi lại giữa các hòn ngọc sáng như lửa, rất có thể là cách nói đến hiện diện của chính Đức Chúa Trời. Dường như Satan đã là trưởng đội bảo vệ sự thánh khiết và sự oai nghiêm của Đức Chúa Trời.

5. Satan đã có sự hoàn hảo không chi so sánh được (Exe 28:15) Satan đã trọn vẹn theo ý nghĩa của sự tốt lành hoàn toàn và được hoàn toàn trung thực về đạo đức. Ở đây cũng như trong câu 13, chúng ta được nhắc lại rằng Satan đã được tạo dựng, và là một tạo vật, một ngày kia Satan phải trả lời với Đấng Tạo Hóa.

Trên mọi mặt, Satan đã là hình ảnh thu nhỏ Sự Sáng Thế của Đức Chúa Trời.

“Trong giây phút đầu tiên hiện hữu, Satan thức dậy trong vẻ đẹp đẽ và năng quyền trọn vẹn của địa vị được tôn cao; được vây giữa tất cả vẻ lộng lẫy do Đức Chúa Trời đã ban cho. Hắn thấy mình đứng trên hết đoàn đông này trong quyền năng, khôn ngoan và vẻ đẹp. Chỉ trên ngai của chính Đức Chúa Trời, hắn mới thấy vượt trổi những điều hắn sở hữu, và có lẽ thậm chí trên phương diện nào đó, trên ngai ấy còn có cả điều mà đôi mắt của tạo vật này không thể thấy hết. . . . Trước khi sa ngã, có lẽ Satan được truyền giữ chức thủ tướng của Đức Chúa Trời, chắc cai trị trên vũ trụ, nhưng chắc chắn là cai trị trên cả thế giới này” (Donald Grey Barnhouse, The Invisible War (Grand Rapids:Zondervan, 1965, trang 26-7).

II. TỘI LỖI CỦA SATAN

A. Nguồn Gốc Tội Lỗi Của Satan

Tội lỗi đã được nhìn thấy ở trong Satan (Exe 28:15). Đây thực sự là câu duy nhất trong Kinh Thánh nói lên chính xác nguồn gốc của tội lỗi. Những chi tiết về tội của Satan được nói rõ ở nơi khác, nhưng nguồn gốc tội ấy chỉ nói ở đây. Barnhouse gọi đấy là “điều tự phát sinh trong lòng của tạo vật này, mà quyền năng và vẻ đẹp sáng chói đến như thế đã kết hợp trong tạo vật ấy, một tạo vật đã được ban uy quyền và đặc ân tuyệt vời đến như thế”(Ibid., trang 30).

Tội lỗi này chắc phải được bao gồm trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không hề gánh trách nhiệm về bất cứ sự phạm tội nào, kể cả sự phạm tội của Satan. J. O.Buswell gợi ý cách giải quyết cẩn thận về vấn đề này:

“Theo Thánh Kinh, tội lỗi đã phát sinh từ một hành động của ý chí tự do, trong đó, tạo vật ấy có chủ tâm, có trách nhiệm, và có hiểu biết đầy đủ về những vấn đề đó, đã chọn làm hư hoại bản tánh thánh khiết của sự tin kính mà Đức Chúa Trời đã phú cho tạo vật của Ngài. . . . Satan tất yếu phải phạm tội. Đức Chúa Trời đã nổi thạnh nộ cách công chính với mọi tội lỗi. .. . Sự phủ nhận ý chí tự do sẽ có vẻ là chủ nghĩa giáo điều triết học thuần võ đoán, trái ngược lại với quan điểm Thánh Kinh. Nếu Đức Chúa Trời nổi thạnh nộ công chính đối với tội lỗi, thì suy ra ra rằng tội nhân ấy bị quở trách – cực kỳ lớn lao, tối hậu và tuyệt đối. . . . Tội lỗi phải ở trong nguyên chỉ đời đời của Thượng Đế theo một nghĩa nào đó mà Ngài không phải là tác giả của nó. . . .Trong những ý chỉ của Đức Chúa Trời, có những ý chỉ thuận cho phép những điều mà chính Đức Chúa Trời không phải là tác giả. Đây không phải là sự cho phép suông điều không thể tránh khỏi.” (“Nguồn Gốc Và Bản Chất Của Tội Lỗi,” Basic Christian Doctrines, Chủ biên: Carl F.H. Henry. (New York: Holt, Rinehart and Winston, 1962, trang 107-9).

Đã thấy có tội lỗi trong Satan, thế nhưng Satan đã được dựng nên cách trọn lành. Đức Chúa Trời không phải là nguyên nhân đáng trách về tội lỗi của Satan; dầu vậy, điều này được bao gồm trong chương trình của Ngài.

B. Bản Chất Tội Lỗi Của Satan

Tân Ước nêu rõ tội lỗi cụ thể của Satan là ngạo mạn, tự cao, khoe khoang (ITi 3:6). Điều này được ví với sự tự cao mà một tân tín hữu có thể mắc phải khi họ được đề cao hay tự khẳng định mình quá chóng vánh để rồi bắt đầu giành lấy cho mình vinh hiển vốn thuộc về Đức Chúa Trời. Exe 28:16 quy nguyên nhân thất bại của Satan cho sự mua bán thạnh lợi của hắn. Nói cách khác, Satan đã lợi dụng địa vị của mình để kiếm tư lợi – để buôn bán sự tự cất nhắc mình lên.

Êsai cho thêm chi tiết về tội của Satan (14:12-17). Cũng như trong phân đoạn Exe 28:11-19, có thắc mắc liệu đoạn này có đề cập đến Satan không. (1) Có người cho rằng phân đoạn Êsai chỉ nói đến sự sa ngã của vua Babylôn như được nhắc đến trong câu 4 mà thôi. (2) Người khác lại hiểu phân đoạn chỉ nói đến sự sa ngã của Satan thôi. (3) Những người theo cả quan điểm (1) và (2) có lẽ cũng thấy vua Babylôn hoặc Satan là hình bóng nói trước về sự sa ngã sắp đến của Antichrist. (4) Rất có thể sự thật bao gồm mọi ý nói đến trên đây; tức là sự sụp đổ của vua Babylôn là một thực thể cho hình bóng về sự sụp đổ trước kia của Satan và là hình bóng cho sự sụp đổ của Antichrist trong tương lai. Delitzsch nói thật súc tích: “Giờ đây là ánh nhìn thoáng hồi tưởng về sự tự tôn lên thành thần của vua Babylôn, qua đó vua đã làm thực thể cho hình bóng cho tên quỉ này và làm hình bóng cho Antichrist. . . .”(Franz Delitzsch, Biblical Commentary on the Prophecies of Isaiah [Edinburgh:T. & T. Clark, 1875,1:312]). Phân đoạn Kinh Thánh này vượt trổi hơn mọi điều nào có thể nói về một vị vua trần thế, và từ những buổi đầu tiên đã được hiểu là nói đến sự sụp đổ của Satan như được mô tả trong Lu 10:18.

Satan được gọi là sao mai trong Es 14:12. Từ ngữ Latin tương đương là Luxiphe (Lucifer), và dựa trên phân đoạn này, từ ngữ đó đã trở thành tên của Satan. Tuy nhiên cách dùng chữ “sao mai” để chỉ về Satan báo hiệu cho chúng ta tính cách cơ bản trong âm mưu của Satan chống nghịch Đức Chúa Trời. Bởi vì chính danh hiệu này được dùng trong Kh 22:16 cho Đấng Christ, chúng ta được cảnh báo rằng chương trình của Satan là nhằm giả mạo chương trình của Đức Chúa Trời, và thật ra đã và đang nhằm mục đích ấy. Cách Satan đã khởi đầu chương trình đó đã được nêu chi tiết trong năm cụm từ “ta sẽ”của Es 14:13-14.

1. Ta sẽ lên trời: Là nhân vật bảo vệ sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, Satan đã được quyền lên trời, nhưng cụm từ này diễn tả khát vọng chiếm và định cư trên thiên đàng để được bình đẳng với Đức Chúa Trời.

2. Ta sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời: Ý nghĩa của cụm tuừ này tùy thuộc vào cách hiểu cụm từ “các ngôi sao.” Nếu chúng nói đến các thiên sứ (Giop 38:7; Giuđe 13; Kh 12:3-4; 22:16),thì Satan đã ước ao cai trị trên mọi thiên sứ. Nếu nói đến những thiên thể sáng chói, thì hắn ao ước cai trị trên các từng trời.

3. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc: Điều này chứng tỏ tham vọng của Satan muốn cai trị vũ trụ như cách người ta cho là hội của các thần Babylôn đã từng làm.

4. Ta sẽ lên trên cao những đám mây: Hắn đã mong muốn vinh hiển thuộc về Đức Chúa Trời (các đám mây thường được liên tưởng với hiện diện của Đức Chúa Trời, xem Xu 16:10; Kh 19:1).

5.Ta sẽ làm ra mình bằng Đấng Rất Cao: Ở đây sự giả mạo của Satan rõ ràng như pha lê. Satan muốn trở nên giống, chứ không khác Đức Chúa Trời. Danh xưng Elyon dành cho Đức Chúa Trời nhấn mạnh đến quyền tể trị và sức lực của Đức Chúa Trời (Sa 14:18). Satan muốn có quyền năng như Đức Chúa Trời. Hắn muốn thực thi thẩm quyền và quyền kiểm soát thế giới này, là quyền uy hoàn toàn thuộc về một mình Đức Chúa Trời. Tội của Satan đã là sự thách thức trực tiếp quyền năng và uy quyền của Đức Chúa Trời.

Tội của Satan càng trở nên cực kỳ tàn ác vì những đặc ân lớn lao, sự khôn sáng và địa vị tuyệt vời hắn đã có. Tội của hắn lại càng nguy hiểm tàn hại bởi tầm ảnh hưởng rộng lớn của nó. Nó đã ảnh hưởng những thiên sứ khác (Kh 12:7); nó ảnh hưởng trên mọi người (Eph 2:2); nó đưa Satan lên địa vị vua của cả thế giới này (Gi 16:11); nó ảnh hưởng đến tất cả các nước trên thế giới vì Satan hành động để lừa dối họ (Kh 20:3).

Mọi tội lỗi đều nghiêm trọng và mọi tội đều ảnh hưởng đến người khác. Nhưng tội lỗi trên các nơi cao thì càng nghiêm trọng và những hệ quả của nó càng lan rộng hơn. Tội lỗi của Satan đáng phải là một dấu nhắc nhở và cảnh báo thường xuyên cho chúng ta.