Giáo lý về Đấng Christ sẽ bao gồm môn nghiên cứu cả thân vị lẫn về công việc của Ngài. Tuy nhiên, vì công tác chủ yếu của Đấng Christ là Chuộc Tội, nên Cứu Thục Học (soteriology) thường được tách riêng khỏi môn Cơđốc Luận (Christology – bộ môn về Đấng Christ). Những công việc khác của Ngài thường được xem là thuộc về Cơđốc luận.

Giáo lý nầy có thể sắp xếp tương đối theo thứ tự thời gian. Đầu tiên là phần nghiên cứu về Đấng Christ trước khi nhập thể, tiếp sau đó là phần nghiên cứu Đấng Christ trong sự hạ mình của Ngài, có nghĩa trong thời gian Ngài sống trên đất. (Sẽ là sai nếu gọi phần nầy là Đấng Christ Nhập Thể, bởi vì Sự Nhập Thể vẫn tiếp tục vượt qua khỏi thời gian Ngài sống trên đất.)Rồi đến phần nghiên cứu về những chức vụ hiện tại và tương lai của Ngài. Những vấn nạn lớn của thần học xuất hiện trong thời kỳ hạ mình của Đấng Christ đang khi ở trong một thân xác trên trần gian này, là các vấn nạn như ý nghĩa của kenosis, mối liên hệ giữa hai bản tánh, và tính không thể phạm tội được của Ngài.

Giáo lý về thân vị của Đấng Christ là hết sức quan trọng cho đức tin Cơ đốc. Nó là nền tảng cho môn Cứu thục học (soteriology), bởi vì nếu Chúa chúng ta không đúng là Đấng có phẩm chất như chính Ngài tuyên bố, thì sự chuộc tội của Ngài là một sự đền tội thiếu sót và không thỏa đáng.

I. SỰ TIỀN TẠI CỦA ĐẤNG CHRIST TIỀN NHẬP THỂ

A. Ý Nghĩa Sự Tiền Tại

Sự tiền tại của Đấng Christ có nghĩa là Ngài đã hiện hữu trước khi giáng sinh. Đối với một số tác giả, sự tiền tại có nghĩa Ngài hiện hữu trước Sự Sáng Tạo và trước cõi thời gian. Nhưng nói chính xác thì sự tiền tại không đồng nghĩa với sự hằng hữu. Thật ra, chúng đại diện cho một khái niệm tương tự, vì phủ nhận sự tiền tại hầu như luôn luôn bao gồm phủ nhận cả sự hằng hữu và ngược lại.

B. Tầm Quan Trọng Của Sự Tiền Tại

1. Tại sự giáng sinh: Nếu Đấng Christ bắt đầu hiện hữu kể từ khi Ngài giáng sinh, thì không hề có Ba Ngôi hằng hữu.

2. Không phải là Đức Chúa Trời: Nếu Đấng Christ đã không tiền tại thì Ngài không thể là Đức Chúa Trời, bởi vì cùng với những thuộc tính khác, Đức Chúa Trời là hằng hữu.

3. Người nói dối: Nếu Đấng Christ không tiền tại thì Ngài nói dối, vì Ngài đã tuyên bố Ngài tiền tại. Vậy thì nảy sinh thêm thắc mắc: Ngài còn nói dối thêm những điều nào khác nữa?

C. Bằng Chứng Của Sự Tiền Tại

1. Nguồn gốc thiên thượng của Ngài: Các câu Kinh Thánh bày tỏ nguồn gốc thiên thượng của Đấng Christ khẳng định sự tiền tại trước khi giáng sinh. Đặc biệt lưu ý Gi 3:13 và 31.

2. Công tác của Ngài với tư cách Đấng Tạo Hóa: Nếu Đấng Christ dự phần vào Sự Sáng Thế thì dĩ nhiên Ngài đã phải hiện hữu trước Sự Sáng Tạo. Xem Gi 1:3; Co 1:16, và He 1:2.

3. Mối quan hệ của Ngài với Đức Chúa Trời: Ngài đã tuyên bố Ngài bình đẳng về bản tánh với Đức Chúa Trời (Gi 10:30). Ngài tuyên bố có vinh hiển bình đẳng với Đức Chúa Cha trước khi thế giới khởi đầu (17:5). Phaolô cũng tuyên bố Đấng Christ có đồng một bản tánh như Đức Chúa Trời (Phi 2:6). Những phân đoạn Kinh Thánh này cũng là chứng cứ về sự vĩnh hằng.

4. Những thuộc tánh của Ngài: Ngài tuyên bố Ngài có thần tánh trọn vẹn và những người khác cũng khẳng định điều đó. Những lời tuyên bố này sẽ được xem xét về sau, nhưng lúc này Co 2:9 cũng đủ – Chúa Cứu Thế là hiện thân của tất cả bản chất thần linh của Thượng Đế (BHĐ).

5. Mối liên hệ của Ngài với Giăng Báptít: Mặc dù sanh ra trước Chúa Jesus, Giăng đã công nhận Jesus đã hiện hữu trước ông (IGi 1:15,30, trong nguyên văn là “trước ta” nhưng nói đến sự tiền tại là cơ sở để Đấng Christ cao trọng hơn Giăng).

II. SỰ VĨNH HẰNG CỦA ĐẤNG CHRIST TIỀN NHẬP THỂ

A. Ý Nghĩa Sự Vĩnh Hằng

Vĩnh hằng có nghĩa không những Đấng Christ hiện hữu trước khi Ngài giáng sinh hoặc thậm chí trước Sự Sáng Tạo, mà còn có nghĩa Ngài đã luôn luôn hiện hữu, hiện hữu đời đời. Sự hiện hữu và sự tiền tại thường hay cùng đứng hoặc cùng ngã chung với nhau, dù vậy Arius dạy về sự tiền hiện hữu của Con nhưng không dạy sự vĩnh hằng của Ngài. Ông quả quyết nếu Đấng Christ đã là Con Độc Sanh thì Ngài chắc chắn phải có một khởi đầu. Chứng Nhân Giêhôva ngày nay có Cơđốc Luận giống của Arius, phủ nhận tính vĩnh hằng của Ngôi Lời.

B. Tầm Quan Trọng Của Tính Vĩnh Hằng

Nếu phủ nhận tính vĩnh hằng thì (a) không có Ba Ngôi Hiệp Một, (b) Đấng Christ không có Thần tánh trọn vẹn, và (c) Ngài đã nói dối.

C. Chứng Cứ Về Tính Vĩnh Hằng

Mối liên hệ của Đấng Christ với Đức Chúa Trời như có cùng một bản thể chứng minh tính vĩnh hằng, vì Đức Chúa Trời là vĩnh hằng.Lưu ý chữ charakter trong He 1:3, nói lên Đấng Christ là đại diện chính xác về bản tánh hay bản thể của Đức Chúa Trời.

Sự sở hữu các thuộc tánh thiên thượng bao gồm cả thuộc tánh vĩnh hằng.

Các tiên tri thời Cựu Ước đã tuyên bố tính vĩnh hằng của Đấng Mêsia. Michê nói sự xuất hiện của Ngài là đến từ các ngày của cõi đời đời (5:2; xem Ha 1:12). Mặc dù những từ ngữ nầy có thể mang ý nghĩa “từ những ngày xa xưa,” có nghĩa là từ những thời xa xưa nhất, nhưng cũng có nghĩa từ cõi vĩnh hằng. Tương tự, cụm từ “Cha Đời Đời” trong Es 9:5 rất có thể nói Đấng Christ là Cha của dân sự Ngài luôn luôn (và như thế chỉ hướng tới, chứ không nhìn lui về cõi vĩnh hằng trong quá khứ).

Đấng Christ đã tuyên bố Ngài vĩnh hằng khi Ngài phán: “Trước khi chưa có Ápraham, CÓ TA” (Gi 8:58). Điều nầy còn trổi hơn cả sự hiện hữu giới hạn trước khi Ápraham sinh ra, bởi vì Ngài phán “CÓ TA”(trong Anh ngữ: “I AM”). “Ta đã có” (“I was”) có lẽ chỉ nói lên Ngài đã hiện hữu trước Ápraham nhiều thế kỷ, còn “có ta” (“I am”) (eimi) tuyên bố tính vĩnh hằng.

Giăng phát biểu rõ ràng rằng Đấng Christ là Đức Chúa Trời (Gi 1:1). “Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.” Không nói rằng Ngôi Lời đã là thần (như trong Kinh Thánh của Moffatt và Goodspeed) bởi vì hẳn nó phải đòi hỏi chữ theios (như trong Cong 17:29 và IIPhi 1:3). Giăng cũng không nói Ngôi Lời nầy đã là một thần linh nào đó (như Chứng Nhân Giêhôva đã dịch như thế). Những danh từ xác định đứng trước động từ, như trong trường hợp nầy, thường thiếu mạo từ xác định. (Xem Leon Morris. Commentary on the Gospel of John (Grand Rapids:Eerdmans, 1971, chú thích 77).

III. HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẤNG CHRIST TIỀN NHẬP THỂ

A. Hoạt Động Với Tư Cách Đấng Tạo Hóa

1. Phạm vi hoạt động này:

Ngài đã dự phần trong Sự Sáng Tạo vạn vật (Gi 1:3; Co 1:16; He 1:2). Điều nầy bày tỏ năng quyền của Ngài (có khả năng tạo dựng muôn vật).

2. Mục đích hoạt động này:

Mọi sự đã được sáng tạo vì Ngài (Co 1:16), có nghĩa là nhằm mục đích hoàn thành những mục địch của Ngài trong tạo vật. Điều nầy chứng minh đặc quyền của Ngài (được Tạo Vật phục vụ những mục đích của Ngài).

3. Sự Tiếp Nối Hoạt Động Này:

Hiện nay Ngài vẫn duy trì tạo vật của Ngài, vì trong Ngài mọi vật được đứng vững (c. 17). Điều nầy cho thấy hiện diện của Ngài (vẫn tiếp tục nâng đỡ tạo vật).

B. Hoạt Động Của Ngài Với Tư Cách Thiên Sứ

1. Sự nhận diện Ngài là Thiên Sứ của Đức Giêhôva.

Rõ ràng Thiên sứ của Đức Giêhôva là sự tự biểu hiện chính Đức Giêhôva,vì Thiên Sứ nầy phán truyền như Đức Chúa Trời, đồng nhất Chính Mình với Đức Chúa Trời, và tuyên bố thực thi những đặc quyền của Đức Chúa Trời (Sa 16:7-14;21:17-18; 22:11-18; 31:11-13, Xu 3:2; Cac 2:1-4; 5:23; 6:11-22; 13:3-22; ISa 24:16; Xa 1:12; 3:1; 12:8). Tuy nhiên, Ngài được phân biệt với Đức Giêhôva (Sa 24:7; Xa 1:12-13). Sự kiện Ngài là Thành Viên của Ba Ngôi Đức Chúa Trời được cho thấy qua sự kiện những lần hiện ra của Thiên sứ Đức Giêhôva chấm dứt sau Sự Nhập Thể. Điều nầy được khẳng định bởi câu Cựu Ước tuyên bố Thiên Sứ của Đức Chúa Trời đã đồng hành với dân Ysơraên khi họ ra khỏi Aicập (Xu 14:19; đối chiếu 23:20) và câu Tân Ước tuyên bố Hòn Đá theo sau dân Ysơraên là Đấng Christ (ICo 10:4).

2. Những Chức Vụ Của Ngài trong tư cách Thiên Sứ Đức Giêhôva

(1) Ngài thường hoạt động như là sứ giả đến với nhiều người khác nhau (Sa 16:7-14; 22:11-18; 31:11-13). (2) Ngài dẫn dắt và bảo vệ Ysơraên (Xu 14:19; 23:20; IIVua 19:35). (3) Ngài đã là công cụ đoán phạt Ysơraên khi Đức Chúa Trời khiến bệnh dịch đến trên dân sự (ISu 21:1-27). (4) Ngài đã là tác nhân làm tươi tỉnh hồi sức Êli (IVua 19:5-7).

C. Những Hoạt Động Khác của Ngài

Kinh Thánh không bày tỏ những hoạt động mang tính lịch sử nào khác của Đấng Christ trong giai đoạn tiền nhập thể của Ngài.Công tác Đấng Mêsia của Ngài đòi hỏi Sự Nhập Thể, dù vậy điều nầy đã được tiên tri trong Cựu Ước. Tương tự, công tác của Ngài với tư cách Cứu Chúa buộc phải có Sự Nhập Thể. Cựu Ước không cung cấp mạc khải cụ thể về Ngôi thứ hai này là Cứu Chúa, chỉ Đức Chúa Trời là Cứu Chúa. Làm như thế hẳn phải đòi hỏi một mạc khải Cựu Ước về Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Đúng hơn, giai đoạn đó được gọi là “các đời ngu muội” (Cong 17:30).

Dầu Chúa chúng ta không phải là không hoạt động trong giai đoạn Tiền Nhập Thể, nhưng những công tác lớn lao nhất của Ngài đòi hỏi phải có Sự Nhập Thể. Tuy nhiên, Ngài vẫn oai nghiêm trong thân vị của Ngài là Đức Chúa Trời hằng hữu, nhưng có thể nói Ngài vẫn đứng trong bóng tối chờ đợi ánh đèn pha chói rạng của Sự Nhập Thể để bày tỏ vinh hiển và ân điển của Ngài (Gi 1:17; Tit 2:11).