I. Ý NGHĨA SỰ NHẬP THỂ

Dù chữ nầy không xuất hiện trong Kinh Thánh,những thành tố của chữ (“trong” và “xác thịt” - “in” và “carnation” từ chữ “incarnation” trong Anh Ngữ)) thì có. Giăng viết rằng Ngôi Lời đã trở nên xác thịt (Gi 1:14). Ông cũng viết Chúa Jesus lấy xác thịt mà đến (IGi 4:2; IIGiăng 7). Qua câu nầy ông muốn nói Ngôi Hai đời đời này của Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã tự mặc lấy nhân tánh. Ngài đã không có nhân tánh cho đến khi được sinh ra, vì Đức Chúa Trời đã trở thành xác thịt (egeneto, Gi 1:14, để phân biệt với bốn lần xuất hiện của từ en (có, ở cùng, là, ở cùng trong các câu 1-2). Tuy nhiên, nhân tánh của Ngài vô tội, là một sự kiện mà Phaolô bảo vệ khi viết rằng Ngài đã đến “lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta” (Ro 8:3).

II. NHỮNG LỜI TIÊN TRI VỀ SỰ NHẬP THỂ

A. Lời Tiên Tri Về Đấng Thần-Nhân

Trong lời tiên tri về Đấng Mêsia của Es 9:6,Êsai báo trước sự liên hiệp thần tánh và nhân tánh trong Ngài. Ông nói một con trẻ sẽ được sanh ra (nói đến đến nhân tánh) và tánh cách của Ngài sẽ xứng đáng để Ngài được gọi là Đức Chúa Trời Quyền Năng (el gibbor, một câu nói đến Thần Tánh). Êsai sử dụng danh xưng el để nói đến Đức Chúa Trời (xem 31:3); gibbor có nghĩa là anh hùng. Như vậy cụm từ nầy nói đến một anh hùng có đặc điểm chính ấy là Anh Hùng đó là Đức Chúa Trời. Vậy trong chỉ nội một câu này đã báo trước cả nhân tánh và thần tánh của Chúa chúng ta. (Xem Edward J. Young, The Book of Isaiah (Grand Rapids; Eerdmans, 1964,1:335-8.)

Danh xưng Emanuên bày tỏ cùng một chân lý này về Chúa (7:14). Ý nghĩa danh xưng này còn trổi hơn cả sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong những lần chu cấp bảo vệ của Ngài đối với dân sự Ngài. Trong phần Kinh Thánh này, danh xưng ấy có nghĩa là chính sự hiện diện của Con Trẻ được sanh bởi trinh nữ này đem Đức Chúa Trời đến cho dân sự Ngài (xem Young,1:289-91).

B. Lời Tiên Tri Về Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ (Es 7:14)

Trong lời tiên tri này Êsai đã báo trước ý nghĩa của sự nhập thể là một sự giáng sinh bởi trinh nữ. Phái thần học tự do không chịu chấp nhận dịch chữ Hêbơrơ almah cho “trinh nữ,” nói rằng đáng ra phải dùng chữ bethulah nếu Êsai muốn hàm ý chính xác là trinh nữ. Đúng là chữ almah có nghĩa một thiếu nữ trưởng thành về tính dục, có thể kết hôn, và bethulah có nghĩa là một người phụ nữ riêng biệt nào đó, thường là trinh nữ nhưng không phải luôn như thế (Et 2:17; Exe 23:3; Gio 1:8). Như vậy thật không đúng khi bảo rằng nếu Êsai muốn nói rõ đến một trinh nữ thì lẽ ra phải dùng chữ chính xác hơn là bethulah - như cách nói của những nhà phê bình nầy.

Dường như almah không phải là từ ngữ chuyên môn để nói về trinh nữ, nhưng nói đến một phụ nữ trẻ, mà một trong những đặc tính của người đó là đồng trinh (Sa 24:43). Không có trường hợp nào để có thể chứng minh almah nói đến thiếu nữ trẻ không đồng trinh. Bản Bảy Mươi dịch từ này bằng từ parthenos hai lần trong số bảy lần xuất hiện, như trong Mat 1:23. Như vậy từ ngữ này có nghĩa một phụ nữ trẻ trong độ tuổi kết hôn mà một trong những đặc điểm của cô là đồng trinh, và nhất thiết phải như thế trong trường hợp ứng nghiệm lời tiên tri này về sự giáng sinh của Đấng Christ.

Trinh nữ được nhắc đến trong lời tiên tri này là ai? Có ba lối giải thích căn bản sau. (1) Lối giải thích không liên quan đến Đấng Mêsia hiểu lời tiên tri nầy đã được ứng nghiệm cho một phụ nữ vô danh nào đó trong quá khứ, là người có thể đồng trinh hoặc không đồng trinh. Vậy làm sao giải thích câu 23? (2) Lối giải thích hoàn toàn liên quan đến Đấng Mêsia thấy rằng lời tiên tri này chỉ nói đến Mari chứ không đề cập đến thiếu nữ nào khác trong thời Êsai. Không nghi ngờ gì nữa, nó có nói đến Mari (c.23), nhưng liệu có phải chỉ nói đến bà mà thôi? Nếu không nói đến ai đó trong thời Êsai thì dấu hiệu này có giá trị nào đối với Acha? (3) Lời tiên tri này vừa nói đến người trong thời Êsai vừa nói đến Mari trong tương lai.

Theo lối giải thích thứ ba này, ai sẽ là người nữ trong thời Êsai? Một lần nữa, cũng có ba cách trả lời: (a) vợ của Acha; (b)một thiếu nữ nào đó trong Ysơraên; (c) người vợ thứ nhì mà Êsai chưa cưới khi lời tiên tri này được ban cho. Nếu (a) đúng, thì con trai này là Êxêchia. Nếu (b)đúng, thì ta không biết người con trai này. Nếu (c) đúng, thì người con trai này có thể là Mahesalahátbát (Es 8:3) hoặc một con trai nào đó của Êsai mà không được nhắc đến. Theo quan điểm này thì người vợ đầu của Êsai, tức mẹ của Sêagiasúp (7:3) đã qua đời.

Mathiơ thấy rõ Đấng Christ là sự ứng nghiệm lời tiên tri Êsai. Không còn nghi ngờ gì nữa. Và cả quan điểm nói đến một mình Đấng Mêsia lẫn quan điểm ứng nghiệm kép đều công nhận điều đó.

III. PHƯƠNG TIỆN CỦA SỰ NHẬP THỂ

A. Bằng Chứng

Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ là phương tiện của sự Nhập Thể. Sự Nhập Thể, một khi hoàn tất, là một trạng thái lâu dài của Chúa chúng ta. Nó bắt đầu ở thời điểm giáng sinh của Ngài và tiếp tục (dầu hiện nay trong thân thể phục sinh) cho đến đời đời. Trái với Sự Nhập Thể, Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ là sự kiện chỉ kéo dài trong khoảng chừng vài tiếng đồng hồ mà thôi.

Khi Gápriên báo cho Mari biết nàng sẽ thọ thai Đấng Cứu Thế, nàng đã phản kháng rằng mình cần có một người chồng. Về cơ bản,câu trả lời của thiên sứ là: ngươi sẽ không cần người chồng, bởi vì Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi và quyền phép Đấng rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình (Lu 1:35). Câu nói nầy nhấn mạnh nhiều về sự kiện sinh ra thiên thượng của Con Trẻ hơn là về phương thức.

Mathiơ cẩn thận bảo vệ sự kiện Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ trong bảng gia phả của Chúa chúng ta (Mat 1:16). Ông ghi Giôsép là chồng của Mari, nhưng lại nói Jesus được sinh ra chỉ bởi Mari mà thôi. Đại danh từ “người sanh” là số ít giống cái, bày tỏ rằng Jesus được sinh ra chỉ bởi Mari chứ không phải bởi Mari và Giôsép.

Không rõ Ga 4:4, “bởi một người nữ sanh ra,”có nói đến Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ không. Có thể câu này chỉ đơn giản hàm ý Đấng Christ đã mang lấy nhân tánh cũng giống như Ngài nhận lấy địa vị ở dưới Luật Pháp, như cụm từ tiếp theo nêu lên. Cũng có thể nói đến Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ vì động từ dùng ở đây không phải là động từ thông thường nói đến việc “được sinh ra” mà dùng cùng động từ trong Gi 1:14 nhắc đến Sự Nhập Thể, dầu không nói đến Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ theo đúng nghĩa của từ. Tuy nhiên, các phần Kinh Thánh trong Êsai, Mathiơ và Luca đều nói rõ.

Mục đích Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ là gì?Không nhất thiết đây phải là phương tiện bắt buộc để giữ cho Đấng Christ được vô tội, vì Đức Chúa Trời có thể phủ che bóng trên cha mẹ để bảo vệ tính vô tội của hài nhi này nếu Ngài muốn thế. Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ nhằm làm dấu hiệu cho tính độc nhất vô nhị của Đấng được sinh ra. Chúng ta không thể nói sự kiện nầy đã được biết đến giữa vòng những người đương thời của Đấng Christ sớm đến độ nào và lan rộng đến mức nào. Dĩ nhiên, khi Phúc Âm Mathiơ và Luca được viết ra thì sự kiện nầy được biết đến, và từ đó về sau Hội Thánh đầu tiên đã xem đấy là một giáo lý hết sức quan trọng, và đến đầu thế kỷ thứ nhì đã là một giáo lý xác lập vững chắc rồi (chẳng hạn xem Ignatius, Smyrna, I, 1; cũng xem Hnas von Campenhausen, The Virgin Birth in the Theology of the Ancient Church, Studies in Historical Theology (Naperville: Allenson, 1964,2:10-20).

B. Các Bảng Gia Phổ

Mathiơ và Luca đều trình bày bảng gia phổ của Con Trai sinh bởi nữ đồng trinh này. Phúc Âm Mathiơ chứa đựng bốn mươi mốt tên nhân vật chọn lọc, trong khi Luca đưa vào đến bảy mươi bảy tên. Mathiơ truy dòng dõi vị Vua nầy đến Ápraham; Luca đi ngược lên đến Ađam. Danh sách của Mathiơ thường được xem là dòng dõi của Giôsép, và Luca ghi dòng dõi của Mari.

Đã có nhiều tranh luận, đặc biệt về vấn đề có phải bảng gia phổ của Luca là gia phổ của Jesus thông qua Mari mẹ Ngài không. Alfred Plummer phản đối quan điểm đó như sau: “Chắc giải pháp hiển nhiên đến thế - tức cho rằng một bảng gia phổ này là lịch sử gia đình của Giôsép còn bảng kia là của Mari - ắt sẽ được tán thành chóng vánh nếu như có chút lý do nào (bất kể có khó khăn đến đâu đi nữa) để chấp nhận nó. Nhưng không có ai đề xuất giải pháp nầy mãi cho đến khi Amnnius ở Viterbo đề xướng vào khoảng năm 1490 S. C.” (A Critical and Exegetical Commentary on the Gospel according to Luke, (ICC, Edinburgh: T. & T. Clark, 1910, trang 103).

Mặt khác, F. Godet bênh vực hữu hiệu cho dòng dõi của Mari trong Luca dựa trên cơ sở không có mạo từ đứng trước Giôsép (3:23), điều này nối kết Jesus trực tiếp với Hêli và dường như hoàn toàn đặt Giôsép ra ngoài dòng dõi của bảng gia phổ. (A Commentary on the Gospel of St,Luke [Edinburgh; T. &. T. Clark, 1910,1:195-204]).

Người ta nêu nhiều cách khác nhau để giải thích cả hai bảng gia phổ đều là dòng dõi của Giôsép. Một lối giải thích cho rằng Mathan và Máttát là cùng một người, dẫn đến Giacốp và Hêli là anh em và khiến cho Giôsép là con của Hêli và là cháu của Giacốp. Nếu Giacốp chết mà không có người thừa kế thì Giôsép cháu ông chắc sẽ trở nên người thừa kế, hoặc có thể Giôsép trở thành người thừa kế Giacốp bởi vì Hêli (được xem như vợ ông qua đời)đã cưới vợ góa của Giacốp theo tập quán lấy anh em trai của chồng góa phụ. (Xem J. G. Machen, The Virgin Birth of Christ (New York: Harper, 1930, trang 207-9).

Một lý lẽ mạnh mẽ bênh vực gia phổ trong Luca là của Mari liên quan đến lời rủa sả Giêhôgiakin (Giêcônia, Giêchônia)trong Gie 22:30. Ông được gọi là “không có con cái,” được giải thích trong câu này nghĩa là không hậu tự thuộc thể nào của ông sẽ cai trị thạnh vượng trên ngai Đavít. (Vua dường như có bảy con, dù vậy có lẽ là con nuôi, ISửký 3:17-18). Như vậy Jesus đừng mong làm vị vua trị vì (dù Ngài có quyền hợp pháp)nếu thuộc dòng dõi huyết thống của Giôsép, là hậu tự của Giêcônia. Vì thế sự giáng sinh do nữ đồng trinh là cần thiết để đem Ngài ra khỏi dòng dõi bị rủa sả (xem Robert Gromacki, The Virgin Birth of Christ [Grand Rapids: Baker, 1981],trang 150-9). Tuy nhiên, cũng có thể thực hiện được điều nầy nếu Jesus được liên kết với Giôsép (dĩ nhiên, không phải là người cha tự nhiên của Ngài) thông qua Nathan thay vì qua Salômôn (như Luca có lẽ đang cho thấy).

Người ta cũng gợi ý sự rủa sả trên Giêcônia được chấm dứt bởi việc Chúa chọn lựa và cất nhắc Xôrôbabên (Ag 2:23). Việc khiến ông trở nên “như ấn tín” đã cất ông lên địa vị uy quyền, và việc chọn lựa ông đã chuyển lời hứa về Đấng Mêsia sang cho Xôrôbabên và gia đình ông giữa vòng dòng dõi Đavít. Tên Xôrôbabên đều xuất hiện trong cả bảng gia phổ của Mathiơ và Luca.

Dù sao Luca vẫn cẩn thận tránh tạo ấn tượng Jesus là con phần xác của Giôsép: tuy vậy, ông vẫn bảo vệ quyền làm vua của Ngài bằng cách không chỉ kết nối Ngài với một mình mẹ Ngài (vì quyền nầy chỉ truyền qua những thành viên nam giới). Trong cuộc đời Chúa Jesus, chưa hề có ai tranh cãi quyền nối ngôi vua Đavít của Ngài.

IV. NHỮNG MỤC ĐÍCH CỦA SỰ NHẬP THỂ

Tại sao Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến trong hình trạng xác thịt tội lỗi? Thánh Kinh chu cấp nhiều câu trả lời cho vấn đề nầy.

A. Để Bày Tỏ Đức Chúa Trời Cho chúng Ta

Mặc dù Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài qua rất nhiều cách, gồm những sự uy nghiêm trong thiên nhiên quanh ta, nhưng chỉ Sự Nhập Thể bày tỏ bản chất cốt yếu của Đức Chúa Trời, dù vẫn còn che khuất (Gi 1:18;14:7-11). Cách duy nhất con người có thể thấy Cha là phải biết về Con, và cách duy nhất chúng ta ngày nay có thể biết Con là học hỏi câu chuyện cuộc đời Ngài trong Kinh Thánh. Vì Ngài đã trở thành người, nên mạc khải của Đức Chúa Trời đã được cá nhân hóa; vì Ngài là Đức Chúa Trời, nên mạc khải đó hoàn toàn đúng.

B. Để Chu Cấp Tấm Gương Cho Đời Sống Chúng Ta

Cuộc đời trên đất của Chúa chúng ta được nêu ra như một mẫu mực cho nếp sống chúng ta hôm nay (IPhi 2:21; IGi 2:6). Không có Sự Nhập Thể, chúng ta sẽ không có gương mẫu đó. Là người, Ngài đã kinh nghiệm những hoàn cảnh thăng trầm của cuộc sống và trang bị cho chúng ta một gương mẫu đầy kinh nghiệm; là Đức Chúa Trời, Ngài ban cho chúng ta năng lực để noi theo gương mẫu của Ngài.

C. Để Chu Cấp Một Sinh Tế Chuộc Tội Lỗi Hữu Hiệu

Không có Sự Nhập Thể, chúng ta đã không có Đấng Cứu Thế. Tội lỗi đòi hỏi phải có sự chết để đền tội. Đức Chúa Trời không hề chết.Vì vậy Đấng Cứu Thế phải là con người để có thể chết. Nhưng cái chết của một con người bình thường sẽ không thể đền tội đời đời, nên Cứu Chúa cũng phải là Đức Chúa Trời. Phải có một Cứu Chúa Thần-Nhân, và ta có Đấng ấy trong Chúa chúng ta (He 10:1-10).

D. Để Có Thể Hoàn Thành Giao Ước Với Dòng Dõi Đavít

Thiên sứ Gápriên loan báo cho Mari biết con trai nàng sẽ được ban ngôi Đavít (Lu 1:31-33). Điều này được ứng nghiệm không bởi Đức Chúa Trời vô hình cai trị trên những công việc của con người (đương nhiên Ngài đang cai trị như thế rồi). Có người ở trên ngôi Đavít thì đòi hỏi phải có một con người. Vì thế Đấng Mêsia phải là một người. Nhưng để ngồi trên ngôi đó đời đời thì đòi hỏi người ngự trên ngôi phải không bao giờ chết. Và chỉ có Đức Chúa Trời mới hội đủ tư cách. Vậy nên Đấng làm ứng nghiệm tối hậu lời hứa cho dòng dõi Đavít phải là một Đấng Thần-Nhân.

E. Để Hủy Phá Công Việc Của Ma Quỉ (IGi 3:8)

Lưu ý điều này đã được thực hiện qua sự hiện ra của Đấng Christ. Trọng điểm là sự đến của Ngài, chứ không phải là sự Phục Sinh của Chúa như người ta nghĩ. Tại sao cần có Sự Nhập Thể để đánh hạ Satan?Vì Satan phải bị triệt hạ trong chính đấu trường mà hắn đang thống trị, là thế gian này. Vì vậy Đấng Christ đã được sai vào thế gian này để hủy phá công việc của Satan.

F. Để Có Thể Làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Biết Cảm Thông (He 4:14-16)

Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta có thể cảm nhận những yếu đuối của chúng ta vì Ngài đã bị thử thách như chúng ta. Nhưng Đức Chúa Trời không hề bị thử thách, nên Ngài cần phải trở nên con người để có thể chịu thử thách hầu trở nên Thầy Tế Lễ cảm thông.

G. Để Có Thể Là Quan Án Xứng Đáng

Dầu hầu hết mọi người nghĩ Đức Chúa Trời là Quan Án mà mọi người sẽ phải ứng hầu trước Ngài, nhưng sự thật Chúa Jesus sẽ là Quan Án đó (Gi 5:22,27). Mọi sự xét đoán sẽ được thực thi bởi Chúa chúng ta “vì Ngài là Con Người.” Đây là danh xưng liên kết Ngài với trần gian này và với chức vụ của Ngài trên đất. Tại sao Quan Án này cần phải trở nên con người và phải sống trên đất? Để Ngài có thể triệt hạ mọi cớ bào chữa mà người ta cố nêu nêu lên. Tại sao Đấng Quan Án này cũng phải là Đức Chúa Trời? Để sự đoán xét của Ngài sẽ đúng và công chính.

Như vậy Sự Nhập Thể có nhiều hệ quả đối với hiểu biết của chúng ta về Đức Chúa Trời, với sự cứu rỗi chúng ta, nếp sống hằng ngày của chúng ta, những nhu cầu cấp thiết của chúng ta và với tương lai chúng ta. Sự Nhập Thể thật là sự kiện trung tâm của lịch sử.