I. TIÊU CHUẨN CHO TÍN ĐỒ

Việc trở thành Cơ đốc nhân không miễn cho người ấy khỏi phạm tội, cũng không miễn việc vâng giữ luật pháp Đấng Christ. Bảo rằng Cơ đốc nhân được miễn trừ tức đã sa vào một hoặc cả hai sai lầm phổ thông liên quan đến Cơ đốc nhân và tội lỗi. Một đàng là chủ nghĩa trọn lành (perfectionism) và đàng kia là chủ nghĩa bài luật pháp.

Chủ nghĩa duy trọn lành phi Kinh Thánh dạy rằng tín đồ không hề phạm tội, bởi vì người ấy đã loại bỏ tận gốc rễ nguyên tắc của tội lỗi. Không một tín đồ nào có thể kinh nghiệm sự trọn lành vô tội này mãi đến khi được sống lại, là lúc sẽ được thoát khỏi nguyên tắc tội lỗi ở bên trong mình. Hình thức cải tiến của thuyết trọn lành vô tội vẫn không loại bỏ bản chất tội lỗi, nhưng dạy rằng Cơ đốc nhân có thể sống mà không phạm tội trong một khoảng thời gian nào đó. Nhưng không phạm tội không những có nghĩa không phạm tội, mà còn là phải thực hành và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời nữa. Sự trọn lành vô tội đòi hỏi còn nhiều hơn cả việc không phạm tội. Trong thực tế, giáo lý Kinh Thánh về sự trọn lành nói đến tình trạng chín chắn, trưởng thành, sự đầy dẫy, sự hoàn chỉnh. Sự toàn hảo đúng theo Kinh Thánh không tương phản với sự không phạm tội, nhưng tương phản với tình trạng không trưởng thành, và sự toàn hảo của Kinh Thánh là một điều đòi hỏi phải có nơi tín đồ ở trên đất này. (Phần bàn luận xuất sắc về giáo lý Kinh Thánh này có trong “The Biblical Teaching Concerning Perfection,” của W. H. Griffith Thomas, trong The Sunday School Times, 22 tháng 7,1944, trang 515-6.)

Chủ nghĩa bài luật pháp dạy rằng Cơ đốc nhân không bị luật pháp ràng buộc. Khái niệm buông tha khỏi luật pháp của thuyết bài luật pháp thường dẫn đến sự buông tuồng. Thuyết bài luật pháp đôi khi được xem là một với sự tự do Cơ đốc, một sự đánh đồng sai lạc. Trái với sự tự do là ách nô lệ, và tín đồ đã được đem ra khỏi ách nô lệ cho tội lỗi để đến địa vị tự do trong Đấng Christ. Đối lập với thuyết bài luật pháp chính là sự vâng giữ luật pháp. Như vậy thì luật pháp nào, vì đã có rất nhiều luật pháp trong suốt lịch sử Kinh Thánh? Đối với với tín đồ ngày nay, đó chính là luật của Đấng Christ (Ga 6:2).

Vậy đâu là tiêu chuẩn Kinh Thánh cho Cơ đốc nhân? Tiêu chuẩn đó không phải là sự toàn hảo vô tội, cũng không phải là tinh thần bài luật pháp. Tiêu chuẩn đó chính là bước đi trong sự sáng (IGi 1:7). Đức Chúa Trời là sự sáng hay sự thánh khiết. Tiêu chuẩn tuyệt đối này luôn luôn ở trước mặt tín đồ. Tuy nhiên trong đời này, không tín đồ nào có thể sống mà không phạm tội như Đức Chúa Trời được. Như vậy, có phải Đức Chúa Trời giễu cợt chúng ta không? Không hề. Trái lại, Ngài đã khiến đòi hỏi của Ngài thích hợp với giai đoạn phát triển thuộc linh mỗi một chúng ta, và quy định đã được điều chỉnh đó chính là bước đi trong sự sáng của đức thánh khiết Ngài. Nếu nói mình không còn nguyên tắc của tội lỗi (như thuyết trọn lành vô tội tuyên bố) thì chúng ta nói dối (c. 8). Tương tự, nếu nói mình không phạm tội trong khoảng thời gian nào đó bất kỳ (như thuyết trọn lành cải tiến đã dạy) thì chúng ta biến Chúa thành kẻ nói dối (c. 10). Nếu bước đi trong sự sáng, chúng ta sẽ không sa vào sai lầm của thuyết bài luật pháp, vì chúng ta sẽ giữ các điều răn Ngài (2:4,6;3:24).

Mỗi tín đồ có thể đáp ứng điều kiện đòi hỏi bước đi trong sự sáng. Lượng sự sáng mỗi người có sẽ khác nhau, nhưng điều kiện đòi hỏi để phải đáp ứng với lượng sự sáng đó thì giống nhau cho mọi người. Khi chúng ta tăng trưởng, phạm vi sự sáng đó sẽ mở rộng ra. Và khi đáp ứng với sự sáng ngày càng gia tăng đó, chúng ta sẽ càng nhận sự sáng nhiều hơn, và cứ tiếp tục như vậy. Nhưng tại mỗi giai đoạn, đòi hỏi này đều y như nhau - bước đi trong sự sáng.

Tóm lại: tiêu chuẩn chính là đức thánh khiết của Đức Chúa Trời. Điều kiện đòi hỏi chính là: bước đi trong sự sáng. Từng trải của chúng ta phải luôn luôn là từng trải ngày càng tăng trưởng, tăng trưởng đến mức trưởng thành. Đó là chủ nghĩa trọn lành thật của Kinh Thánh.

II. NHỮNG KẺ THÙ CỦA TÍN HỮU

Tín hữu liên tục bị chống đối bởi thế gian,xác thịt, và ma quỷ.

A. Thế Gian.

Chúng ta đã luận chi tiết khái niệm về hệ thống thế gian trong phần Quỷ Sứ Học. Ở đây ôn lại và chỉ thêm vài chi tiết là đủ rồi.

1. Mô tả.

Satan là thủ lĩnh và kiểm soát hệ thống này. Đặc trưng chính của nó là giả mạo, mặc dầu Satan sẽ sử dụng bất cứ chiến thuật nào có thể dùng để đánh bại tín đồ. Thường các vấn đề sát ngoài biên thì khó phân biệt và khó xác định nhất.

2. Cách phòng thủ của chúng ta.

Có rất nhiều điều giúp tín hữu phòng thủ trước sự giả mạo của thế gian - binh giáp của Đức Chúa Trời (Eph 6:13-18), hiểu biết các chiến lược của Satan (IICo 2:11), tiết độ,tỉnh thức (IPhi 5:8). Có lẽ, nên đặt đức tin ở đầu hoặc gần đầu danh sách này.Đức tin của chúng ta chính là sự chiến thắng để thắng hơn thế gian (IGi 5:4-5),và đó là đức tin để hiệp nhất chúng ta với công tác của Đấng Christ trên thập tự giá. Vì mỗi tín hữu đều có đức tin đó, nên tín hữu ấy được phòng vệ đầy đủ trước thế gian. Tuy nhiên cần vận dụng đức tin ấy luôn luôn để biến chiến thắng thành hiện thực (ITi 6:12).

B. Xác Thịt

1. Khái Niệm.

Xác thịt chính là nguyên tắc của tội ở trong hết thảy chúng ta. Có người đánh đồng bản chất tội lỗi với xác thịt.Xác thịt sanh ra các việc làm (Ga 5:19), được đặc trưng bởi các tham muốn và các đam mê (c. 24; IGi 2:16) và có thể bắt tín đồ phục dưới ách nô lệ (Ro 7:25). Trong xác thịt không có gì tốt lành cả (c. 18), vì hiện diện của sự sống mới trong Đấng Christ khiến mọi điều liên hệ với xác thịt đều trở nên cũ và vô dụng. Điều này bao gồm những điều ác trắng trợn, cũng như những điều vô đạo đức,và đôi khi là những điều mà tự bản thân nó có thể tốt nhưng lại không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời vì cớ chúng là các công việc của xác thịt.

2. Kiểm Soát.

Chỉ có thể kiểm soát xác thịt bằng cách phải thực hiện việc đồng đóng đinh chúng ta với Đấng Christ. Chúng ta đã đóng đinh xác thịt, có nghĩa được phân cách khỏi quyền thống trị của nó nhờ chúng ta liên hiệp với sự chết của Đấng Christ đối với tội lỗi (Ga 5:24). Chúng ta có thể kinh nghiệm chiến thắng, không phải bởi loại bỏ xác thịt, nhưng bởi bước đi trong sự nương cậy Thánh Linh để kiểm soát xác thịt (c. 16).

C. Ma Quỷ

Vì đã thảo luận về Satan rồi, nên ở đây chúng ta chỉ nhắc nhở đôi điều về công việc của Satan khi tấn công tín đồ.

1. Chiến lược của hắn có hoạch định. Satan vạch ra các phương pháp, sử dụng các chiến lược, và dùng mọi mánh khóe của một tạo vật siêu phàm để bẫy tín đồ (IICo 2:11; Eph 6:11).

2. Chiến lược của hắn rất kiên trì. Hắn tấn công tín đồ không ngừng, chờ đợi đúng thời điểm để tấn công (IPhi 5:8).

3. Chiến lược của hắn đầy quyền lực. Tín đồ phải đánh xáp lá cà với Satan, nên đừng bao giờ đánh giá thấp quyền lực của hắn (Eph 6:12; IGi 4:4; Giuđe 9).

III. CÁC HÌNH PHẠT CHO TỘI LỖI

A. Đối Với Người Chưa Tin Chúa

Người chưa tin Chúa nào qua đời mà chưa được tha thứ tội lỗi mình thì phải chịu sự đau đớn đời đời nơi hồ lửa (Kh 20:15).

B. Đối Với Tín Đồ Phạm Tội

1. Mất Sự Tương Giao. Tội lỗi làm gián đoạn sự tương giao trong lãnh vực đã phạm tội (IGi 1:3,6-7).

2. Mất Sự Vui Mừng. Tội lỗi khiến mất vui mừng (Gi 15:11; Ga 5:22).

3. Bước Đường Đi Đen Tối. Tội lỗi khiến tín đồ bước đi trong sự tối tăm (IGi 1:6; 2:10).

4. Cầu Nguyện Yếu Ớt. Tội lỗi khiến thiếu tin quyết khi cầu nguyện (IGi 3:19-22).

C. Đối Với Tín Đồ Phạm Tội Miệt Mài

Nếu tín đồ cứ miệt mài phạm một tội nào đó,thì có thể dẫn đến các hậu quả khác.

1. Sự Hình Phạt. Hình phạt dưới hình thức nào đó có thể đến cho người này (He 12:5-11). Bệnh tật có thể là một dạng hình phạt (ICo 11:30).

2. Dứt Phép Thông Công. Có thể cần phải dứt phép thông công khỏi hội thánh địa phương (Mat 18:17; ICôrinhtô 5).

3. Sự Chết Thuộc Thể. Có trường hợp, sự chết thuộc thể có thể là hình phạt cho tội miệt mài phạm (11:30; IGi 5:16).

Cha thiên thượng đầy lòng thương xót của chúng ta thường rất kiên nhẫn khi chúng ta phạm tội, không giáng những hình phạt nghiêm khắc. Nhưng đừng bao giờ quên tội lỗi thực sự gây thiệt hại nhiều cách,cả bề trong lẫn bề ngoài, dầu chưa thấy hình phạt hiển nhiên nào. Và tại Ngai Đoán Xét của Đấng Christ, hết thảy mọi việc làm của chúng ta đều sẽ được Đấng Christ tra xét (IICo 5:10).

IV. NHỮNG BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA TỘI LỖI

Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, và Chúa đã dự bị nhiều phương cách cho chúng ta ngăn ngừa tội lỗi. Những phương cách này giống như các liều thuốc tiêm chủng để chúng ta khỏi mắc bệnh đó.

A. Lời Đức Chúa Trời.

Lời Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta sẽ giúp ngăn ngừa tội lỗi, vì Lời đó sẽ cảnh cáo, nhắc nhở, động viên, làm vững mạnh,và dẫn dắt chúng ta khi bị cám dỗ phạm tội (Thi 119:11).

B. Sự Cầu Thay Của Đấng Christ

Chúa chúng ta hằng sống để cầu thay cho chúng ta (He 7:25). Một trong những điều Ngài cầu thay là để chúng ta có thể không phạm tội. Xem minh họa điều này trong trường hợp của Phierơ ở Lu 22:32,cũng như qua lời tuyên bố trực tiếp trong Gi 17:15. Rõ ràng, chúng ta sẽ không bao giờ biết sự cầu thay này bao gồm những gì mãi đến khi lên thiên đàng, thậm chí lúc đó cũng chưa chắc chúng ta được biết hết nữa.

C. Đức Thánh Linh Cư Trú Trong Lòng.

Đa số chức vụ của Thánh Linh trong tín đồ ngày nay liên quan đến việc ngăn ngừa tội lỗi trong đời sống, nhưng dường như có một số điều nổi bật sau đây:

1. Làm Thành Hiện Thực Các Phương Diện Của Địa Vị Chúng Ta Trong Đấng Christ.

Ví dụ, chúng ta đã làm cho chết xác thịt của mình cùng những ưa thích và tham muốn của nó, nhưng chúng ta cần phải bước đi trong Thánh Linh để biến điều này thành hiện thực trong từng trải của mình (Ga 5:16-24).

2. Dạy Dỗ.

Việc dạy chúng ta những điều sâu nhiệm trong Lời Chúa sẽ giúp chúng ta biết phân biệt điều thiện và điều ác (ICo 2:10; He 5:14). Hiểu biết nông cạn bề ngoài có thể ngăn ngừa những tội dễ thấy ở bề ngoài, nhưng hiểu biết sâu nhiệm hơn thì có thể ngăn ngừa nhiều tội lỗi hơn.

3. Dẫn Dắt Trong Sự Cầu Nguyện.

Khi dẫn dắt chúng ta trong những lời cầu nguyện, Thánh Linh có thể dẫn dắt chúng ta suy nghĩ những phương cách có thể ngăn ngừa tội lỗi trong đời sống mình (Mat 6:13; Ro 8:34; Eph 6:18).

4. Ban Quyền Năng Để Hầu Việc.

Việc ban quyền năng cho chúng ta hầu việc (Gi 7:37-39) có thể ngăn chúng ta khỏi dùng thì giờ,tiền bạc và sức lực để phạm tội (Kh 12:11).

VI. GIẢI PHÁP CHO CÁC TỘI ĐÃ PHẠM

Phương thuốc cho các tội đã phạm của tín đồ có thể tóm tắt bằng hai chữ: Xưng tội (IGi 1:9). Xưng tội không chỉ là lời nói suông trên môi miệng hay thuật lại các tội đã phạm. Xưng tội có nghĩa nhìn xem các tội lỗi đó đúng như cách Đức Chúa Trời nhìn xem chúng. Việc này chắc chắn sẽ đưa đến ăn năn và khao khát nhiệt thành mong được thay đổi. Nhưng nếu những tội lỗi đó tái diễn, thì phương thuốc vẫn y nguyên như vậy.

VI. SUY GẪM KẾT LUẬN

Khi suy gẫm về tội của người chưa tin Chúa,dường như không quá khó cho chúng ta hiểu được quy mô to lớn của tội lỗi, vì biết hình phạt sẽ là bị phân cách khỏi Chúa đời đời. Nhưng không biết sao khi xét đến những tội đã phạm của tín đồ, chúng ta lại làm nhẹ đi tính nghiêm trọng của chúng. Nhưng đừng bao giờ mắc sai lầm ấy. Mọi tội đều làm Chúa buồn. Đấng Christ đã phải chết thay các tội chúng ta đã phạm trước cũng như sau khi chúng ta được cứu. Sự chết của Ngài đã là hình phạt cho tất cả mọi tội. Là thành viên trong gia đình Đức Chúa Trời mà phạm tội, điều đó có thể khiến Cha Thiên Thượng của chúng ta càng buồn hơn. Chúng ta có bổn phận phải biết rõ hơn. Chúng ta phải sử dụng quyền năng Ngài đã ban cho. Chúng ta phải muốn làm đẹp lòng Chúa. Chúng ta phải tranh đấu và chiến trận mạnh mẽ hơn và dùng mọi vũ khí Ngài ban. Nhưng trên hết, chúng ta phải luôn đang tiến bộ và thể hiện sự tăng trưởng trong đời sống.

“Chúng ta có thể được yên ủi về linh hồn mình nếu biết cuộc chiến và xung đột ở bề trong. Đó là bạn đồng hành không thể thiếu cho sự thánh khiết thật của Cơ đốc nhân.... Chúng ta có thấy chiến trận thuộc linh ở tận thâm sâu lòng mình? Chúng ta có cảm thấy tham muốn xác thịt chống lại với Thánh Linh và Thánh Linh nghịch lại cùng xác thịt, đến nỗi chúng ta không làm được điều mình muốn làm? Chúng ta có ý thức được hai nguyên tắc ở trong chúng ta, đang tranh giành quyền làm chủ? Chúng ta có cảm nhận được chút chi của cuộc chiến nơi con người bề trong chúng ta? Ồ, hãy cảm tạ Đức Chúa Trời về điều đó! Đó là một dấu hiệu tốt. Đấy là bằng chứng vững chắc về công tác vĩ đại của sự nên thánh.... Bất cứ là điều gì cũng vẫn tốt hơn sự lãnh đạm, bế tắc,trì trệ, chết lặng và thờ ơ” (R. C. Ryle, Holiness, (London: Hunt, 1839, trang 82).

Hỡi những thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời: Hãy tiến tới sự trưởng thành (He 6:1)!