Khi những lãnh vực thần học bị xem nhẹ, thì giáo lý này rất có thể thuộc trong số đó. Chỉ cần để ý lượng không gian dành cho môn thiên sứ học trong các nền thần học tiêu chuẩn là chứng minh được điều này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây của thế kỷ hai mươi, người ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến đề tài này cũng như Satan và ma quỷ. Các bài xã luận,sách vở và chương trình truyền hình đều có vai của thiên sứ dầu thường “sôi nổi và mờ nhạt” hơn là chính xác về thần học, nhưng đã giúp tạo sự quan tâm đến môn thiên sứ học. Dầu vậy, chỉ có Kinh Thánh mới cho chúng ta thông tin hoàn toàn chính xác về thiên sứ.

Ngay cả Calvin cũng thận trọng khi luận về đề tài này (Institutes, I, xiv, 3). Hơn nữa, sự phủ nhận thiên sứ thực hữu khách quan của Tân Chánh Thống đã vấp phải sự quảng bá rộng rãi cho các quỉ sứ và công việc của chúng. Dầu về mặt thần học, người ta có thể phủ nhận sự thực hữu của đẳng cấp tạo vật được gọi là thiên sứ (và quỉ sứ), nhưng trên thực tế, hoạt động của họ theo như đã báo cáo dường như khiến không thể phủ nhận sự thực hữu của chúng. Như vậy, một mặt, thiên kiến con người muốn chống lại mọi điều nào mang tính siêu nhiên đã loại trừ khỏi tâm trí họ sự thực hữu của thiên sứ; đồng thời mặt khác, hoạt động mà con người không thể giải thích được bằng lý trí khiến sự thực hữu của thiên sứ dường như buộc phải có.

I. HIỂU BIẾT CỦA CON NGƯỜI

Con người thực sự không có kiến thức để đoán định thành phần hợp thành vũ trụ vạn vật gồm những gì. Họ không có phương cách tiên nghiệm (a priori) nào để biết thành phần đó có bao gồm hệ thống tạo vật như các thiên sứ hay không. Hơn nữa, họ không có tư chất bẩm sinh để thừa nhận thành phần ấy bao gồm thiên sứ, vì bẩm chất tự nhiên của họ là chống lại điều siêu nhiên. Thêm vào đó, kinh nghiệm con người sẽ không khiến họ khảo sát khả năng có thiên sứ, và đức tin nơi trí năng sẽ thôi thúc họ tìm kiếm những lời giải thích khác cho những hiện tượng mà họ không thể dễ dàng hiểu được.

Ramm đã chỉ ra những giới hạn của kiến thức con người thật khéo léo như sau. “Loài người không có cuốn cẩm nang nào với tựa đề Sách Hướng Dẫn Về Mọi Tạo Vật Có Thể Có. Họ không có thông tin nào về sự sáng tạo ngoại trừ những dữ liệu được cung cấp bởi chính sự sáng tạo này”(Bernard Ramm, “Angels,” Basic Christian Doctrines, Carl F. H. Henry, chủ biên (N.Y.: Holt, Rinehart, and Winston, 1962, trang 64). Nói cách khác, tri thức hữu hạn của con người không cho phép họ kết luận không có những hữu thể như các thiên sứ.

II. MẠC KHẢI CỦA THÁNH KINH

Nếu chấp nhận mặc khải của Thánh Kinh thì không thể còn thắc mắc nào về sự thực hữu của thiên sứ. Có ba đặc điểm quan trọng về sự mạc khải đó. Trước hết, mạc khải đó rất rộng. Kinh Thánh Cựu Ước nói đến các thiên sứ hơn 100 lần, còn Tân Ước nhắc đến khoảng 165 lần. Dĩ nhiên, bất cứ lẽ thật nào chỉ cần được phát biểu một lần duy nhất trong Kinh Thánh là đủ cho chúng ta công nhận đó là lẽ thật rồi, nhưng một đề tài được đề cập đến thường xuyên như đề tài các thiên sứ, thì lại càng khó phủ nhận bội phần.

Thứ nhì, các thiên sứ được nhắc đến trong suốt Kinh Thánh. Chân lý về họ không bị giới hạn vào một thời đại lịch sử, hoặc một phần của Kinh Thánh, hoặc với một vài trước giả mà thôi. Họ không thuộc về một kỷ nguyên sơ khai nào đó. Sự thực hữu của thiên sứ được đề cập trong 34 sách của Kinh Thánh từ các sách trước nhất (hoặc Sáng Thế Ký hoặc Gióp) cho đến sách cuối cùng.

Thứ ba, lời dạy của Chúa chúng ta bao gồm rất nhiều câu nói các thiên sứ là những hữu thể thực hữu. Cho nên phủ nhận sự thực hữu của thiên sứ tức là nghi ngờ tính chân thật của Ngài.

Những chi tiết thực tế của mạc khải Thánh Kinh dĩ nhiên là quan trọng, nhưng khi quan sát , nhất thiết phải nhớ ba đặc điểm này về bản chất của mặc khải đó.

Chúng ta sẽ nghiên cứu trước tiên về số lượng và sự sự đa dạng của các sự kiện Thánh Kinh, rồi đến những lời dạy của Đấng Christ.

A. Trong Thời Cựu Ước

Thánh Kinh Cựu Ước luôn luôn trình bày các thiên sứ là những tạo vật thực hữu, khách quan và đang tồn tại. Họ không hề bị kể là những ảo giác hay là sản phẩm của trí tưởng tượng. Trong 34 lần xuất hiện từ ngữ này trong các tác phẩm của Môise, những thiên sứ luôn luôn xuất hiện như các tạo vật thực hữu, làm những việc cụ thể tiêu biểu cho sự phục vụ của họ với tư cách sứ giả (dĩ nhiên, đây là ý nghĩa của cả từ ngữ Hêbơrơ lẫn Hy Lạp chỉ về các thiên sứ). Ví dụ: Ápraham đã ăn uống và trò chuyện với các thiên sứ (Sáng Thế Ký 18). Nhiều câu Kinh Thánh trong Ngũ Kinh và Các Quan Xét nói đến Thiên Sứ của Đức Giêhôva, một Đấng dường như là Đức Chúa Trời. Một thiên sứ đã thi hành sự đoán phạt Ysơraên sau khi Đavít sai lầm tu bộ dân sự (IISa 24:16 – hầu như không thể là ảo ảnh). Êsai nhắc đến sêraphin (6:2), và Êxêchiên nói đến chêrubin (10:1-3). Đaniên nhắc đến Gápriên (9:20-27) và Micaên (10:13; 12:1).Xachari thường xuyên nói các thiên sứ là những đại sứ của Đức Chúa Trời (đoạn 1) và là người giải nghĩa khải tượng (đoạn 1-6). Trong Thi thiên, thiên sứ được mô tả là các tôi tớ của Đức Chúa Trời, thờ phượng Ngài và giải cứu dân sự Đức Chúa Trời khỏi bị tổn hại (34:7; 91:11; 103:20)

B. Trong Thời Tân Ước

Ngoài những điều Chúa chúng ta dạy về các thiên sứ, những trước giả Tân Ước cũng khẳng định sự thực hữu của thiên sứ. Các trước giả sách Phúc Âm liên hệ chức vụ của thiên sứ với sự Giáng sinh, đời sống,sự phục sinh và sự thăng thiên của Đấng Christ (Mat 2:19; Mac 1:13; Lu 2:13; Gi 20:12; Cong 1:10-11).

Trong bản ký thuật sách Công Vụ Các Sứ Đồ,các thiên sứ đã dự phần giúp đỡ những tôi tớ của Đức Chúa Trời, mở toang cửa ngục cho các sứ đồ (5:19; 12:5-11), hướng dẫn Philíp và Cọtnây trong chức vụ (8:26;10:1-7), và khích lệ Phaolô đang khi gặp cơn bão trong hành trình đến Rôma (27:23-25).

Phaolô (Ga 3:19; ITi 5:21), trước giả của thư Hêbơrơ (1:4), Phierơ (IPhi 1:12) và Giuđe (câu 6) thảy đều thừa nhận sự hiện hữu của thiên sứ trong những tác phẩm của họ. Trong sách Khải Huyền, khoảng 65 lần nói rõ đến các thiên sứ, nhiều hơn bất cứ sách nào khác của Kinh Thánh. Rõ ràng Thánh Kinh Tân Ước cung cấp chứng cứ minh bạch, phong phú, không phủ nhận được về sự thực của các thiên sứ.

C. Trong Sự Dạy Dỗ Của Đấng Christ

Các thiên sứ đã hầu việc Đấng Christ tại đồng vắng sau khi Ngài chịu cám dỗ bởi Satan (và dĩ nhiên không có phóng viên nào hiện diện trong sự cám dỗ đó, nên cho thấy tính đáng tin cậy của Ngài đàng sau câu chuyện này). Ngài dạy rằng tình trạng của con người trong sự phục sinh sẽ giống như thiên sứ vậy; có nghĩa là không sinh sản (Mat 22:30). Các thiên sứ sẽ tách người công bình ra khỏi kẻ ác trong thời đại cuối cùng (13:39) và sẽ đi cùng với Chúa trong lần đến thứ hai của Ngài (25:31). Thậm chí khỏi cần nói thêm hoạt động của Đấng Christ đối với các quỉ, cũng đủ bằng chứng cho thấy Ngài đã tin nơi sự thực hữu của các thiên sứ.

Thông thường, điều cuối cùng mà các nhà phê bình Kinh Thánh thường ước muốn bác bỏ là những lời phán của Đấng Christ. Vậy thì họ giải quyết thế nào với bằng chứng này là Đấng Christ đã tin sự hiện hữu của các thiên sứ?

Có người nói Ngài đã thực sự bị lừa dối.Ngài tin có thiên sứ, nhưng thật sự thì thiên sứ không thực hữu. Người khác khẳng định Ngài đã điều chỉnh sự dạy dỗ của Ngài cho phù hợp với những niềm tin thiếu hiểu biết của con người đương thời của Ngài. Nói cách khác, vì họ tin thiên sứ (và ma quỉ) nên Ngài dạy dỗ theo cùng phong cách ấy, dầu Ngài thật sự biết thiên sứ không thực hữu. Nhưng không thể giải thích như thế cho một số câu nói của Ngài về thiên sứ (xem Mat 18:10 và 26:53). Hoặc đôi khi người ta nói các trước giả sách Phúc Âm đã chèn thêm những câu nói về thiên sứ này vào bởi vì họ tin có thiên sứ. Không có gì cản trở phép phê bình văn chương kiểu ấy đừng tước đoạt của chúng ta những sự dạy dỗ khác (thậm chí là tất cả sự dạy dỗ) của Đấng Christ.

Dĩ nhiên, còn một phương án chọn lựa khác,và đấy là phương án đơn giản nhất và hiển nhiên nhất. Đấng Christ đã biết các thiên sứ thực hữu và đã phản ánh hiểu biết đó trong sự dạy dỗ của Ngài.