I. CÁC NGUYÊN TẮC CỦA GIẢI KINH HỌC

A. Định Nghĩa Giải Kinh Học

Giải kinh học (Hermeneutics) là môn nghiên cứu những nguyên tắc giải nghĩa. Chú giải kinh (exegesis) bao gồm cốt yếu là công tác thực sự giải nghĩa Kinh Thánh, đem ra ý nghĩa của Kinh Thánh, còn môn giải kinh học thiết lập những nguyên tắc để thực hành chú giải Kinh Thánh.

Trong thực tế, cho dù có ý thức hay không, mỗi người giải nghĩa Kinh Thánh đều có một hệ thống giải kinh học. Khi thực hiện việc chú giải kinh thì người ấy biểu lộ giải kinh học của mình, mặc dù có lẽ hầu hết các nhà bình giải chưa hề hệ thống hóa môn giải kinh học của họ. Có vài người giải nghĩa - nếu như có - bắt đầu bằng cách đặt ra khoa giải kinh học của mình trước khi tiến hành bắt tay vào chú giải Kinh Thánh. Hầu hết dường như chỉ nghĩ về giải kinh học sau khi họ đã bình giải Kinh Thánh nhiều năm trường. Nhưng suy nghĩ đến giải kinh học có một mục đích quan trọng, vì thúc đẩy một người phải xem xét nền tảng bình giải Kinh Thánh và tính nhất quán trong những thói quen giải nghĩa Kinh Thánh của người đó.

B. Một Vài Hệ Thống Giải Kinh Học

Tôi tin (vì những lý do sẽ nói sau) rằng hệ thống giải kinh học chính xác đó là hệ thống có thể được gọi là bình thường,đơn giản hoặc theo nghĩa đen. Tuy nhiên, có thể dùng các ví dụ về những hệ thống khác không ủng hộ (ít ra cũng không ủng hộ cách nhất quán) lối giải nghĩa bình thường hoặc đơn giản để làm rõ ý nghĩa của lối giải nghĩa bình thường và các nguyên tắc giải kinh dùng làm nền tảng cho lối giải nghĩa bình thường ấy. Phải nói rằng hầu như không ai có một hệ thống giải kinh học “thuần túy.” Hầu hết đều liên kết nhiều yếu tố của nhiều hệ thống khác nhau.

1. Giải kinh học ngụ ngôn (Allegorical hermeneutics):

Một câu chuyện ngụ ngôn là sự trình bày có tính cách biểu tượng.Giải kinh học theo lối ngụ ngôn trái ngược với giải kinh học theo nghĩa đen (literal hermeneutics) và thường được dùng đến khi người giải nghĩa thấy có vẻ khó chấp nhận được ý tưởng theo nghĩa đen. Lúc ấy các từ ngữ thực sự không còn hiểu theo nghĩa bình thường của chúng nhưng hiểu theo nghĩa biểu tượng, và điều này đem lại cho bản văn một ý nghĩa khác, một ý nghĩa mà xét nghiêm túc nhất thì bản văn chưa hề có ý định truyền đạt.

Nếu được dùng cách nhất quán, giải kinh học ngụ ngôn sẽ hạ thấp giá trị của Thánh Kinh đến chỗ gần như tiểu thuyết hư cấu,bởi vì ý nghĩa bình thường của các từ ngữ sẽ không thích ứng và sẽ được thay thế bởi bất kỳ ý nghĩa nào mà người giải nghĩa muốn gán cho các biểu tượng. Tuy nhiên, hầu hết giải kinh học ngụ ngôn không được thực hành nhất quán hay thấu đáo. Những người Tin Lành thuần túy nào dùng hệ thống này thì thường dùng trong lãnh vực lời tiên tri, trong khi vẫn sử dụng giải kinh học bình thường hay giải kinh học theo nghĩa đen khi giải nghĩa những lãnh vực khác của Kinh Thánh.

F. W. Farrar trong quyển sách History of Interpretation của ông (London: Macmillan, 1886) cho biết phương pháp theo nghĩa bóng này phát xuất từ đâu. Ông nói:

“Ngụ ngôn không hề xuất phát từ lòng mộ đạo tự phát, mà là đứa con của chủ nghĩa duy lý ra đời từ những lý thuyết ngoại giáo của Plato. Nó thật xứng với tên gọi của mình, vì đã bắt Thánh Kinh nói ra điều khác với ý Thánh Kinh thực sự muốn nói…. Origen vay mượn từ phái Plato ngoại giáo và từ các triết gia Do thái một phương pháp chuyển đổi toàn bộ Thánh Kinh,cả Tân cũng như Cựu Ước, trở thành một chuỗi những điều bí ẩn vụng về, hay thay đổi và không thể tin nổi. Ngụ ngôn giúp ông tống khứ thiên niên thuyết (chiliasm) và lối giải nghĩa đen đầy mê tín cùng những 'phản đề’ của phái Trí huệ, nhưng lại mở cửa cho những điều ác còn chết người hơn.” (Trang 193-4,196)

2. Giải Kinh theo nghĩa đen.

Ở thái cực ngược lại với lối giải kinh theo nghĩa ngụ ngôn “thuần túy” hoặc nhất quán là lối giải kinh theo nghĩa đen. Bởi vì chữ “theo nghĩa đen” mang nhiều hàm ý bị hiểu lầm hoặc hiểu chủ quan, nên các tên gọi như “đơn giản” hay “bình thường” dễ chấp nhận hơn. Người ta xem “theo nghĩa đen” tức là loại bỏ những hình thái tu từ, v.v…(nhưng đấy không phải là trường hợp nầy).

Thông thường lối giải kinh theo nghĩa đen được cho là đi song song với niềm tin vào sự soi dẫn toàn phần và từng chữ. Không nhất thiết phải như vậy, bởi vì có những nhà giải kinh thực hành giải kinh học theo nghĩa đen nhưng lại không tin quan điểm cao cả nhất này về sự soi dẫn.

Sau nầy sẽ nói thêm về các nguyên tắc giải kinh theo nghĩa đen. Ở đây, tôi chỉ muốn trình bày nó như là phương pháp tương phản với lối giải kinh theo nghĩa bóng.

3. Giải kinh theo lối nửa ngụ ngôn hoặc nửa nghĩa đen:

Trong vòng những người Tin Lành thuần túy, ít nhất cũng là thế, hiếm có ai thuần theo lối ngụ ngôn. Do đó có một phương thức giải kinh có thể gọi là bán ngụ ngôn. Mặt khác, cũng có thể gọi đó là “nửa nghĩa đen,” đặc biệt nếu có sự nhấn mạnh vào lối giải kinh theo nghĩa đen trong hầu hết các lãnh vực thần học.

Như đã nói, thông thường lối giải kinh theo nghĩa đen bị loại bỏ trong lãnh vực giải nghĩa các lời tiên tri. Robert Mounce trong sách giải nghĩa nhan đề Sách Khải Huyền (Grand Rapids: Eerdmans, 1977)phô bày lối giải kinh nửa nghĩa đen. Ông tuyên bố cần phải xem trọng Hạtmaghêđôn nhưng đừng hiểu theo nghĩa đen. Nó “mô tả sự thất bại của Anti-Christ trong thời sau rốt. . . nhưng không đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận theo kiểu nghĩa đen ngôn ngữ hình tượng cụ thể đã mô tả sự kiện ấy” (trang 349). Về Thiên hi niên,ông thích dùng ý tưởng “Giăng đã dạy một thiên hi niên theo nghĩa đen, nhưng ý nghĩa cốt yếu của nó có thể được thực hiện theo một cách thay vì ứng nghiệm trong cõi thời gian” (trang 359). “Đối với Giăng, thiên hi niên không phải là Thời Đại của Đấng Mêsia đã được báo trước bởi các tiên tri trong thời Cựu Ước”(trang 359).

Oswald T. Allis cố gắng triển khai những lập luận hợp pháp cho giải kinh học bán ngụ ngôn (Lời tiên tri và Hội Thánh [Philadelphia: Presbyterian and Reformed, 1945]). Với lập luận rằng không ai theo phái duy nghĩa đen lại hiểu mọi sự theo nghĩa đen, ông tiếp tục cố gắng chứng minh vì sao cần phải đặt ra những giới hạn cho cách giải kinh theo nghĩa đen.Các lý lẽ ông đưa ra là: (a) Sự có mặt những biện pháp tu từ có nghĩa chúng ta không thể hiểu toàn bộ Kinh Thánh theo nghĩa đen; (b) Sự kiện chủ đề chính của Kinh Thánh là chủ đề thuộc linh đòi hỏi một giải kinh học thuộc linh (ông thích chữ “thuộc linh” hơn là chữ “ngụ ngôn”); và (c) sự kiện Thánh Kinh Cựu Ước là phần dẫn nhập và phần chuẩn bị cho Thánh Kinh Tân Ước, và trong Tân Ước chúng ta tìm thấy những ý nghĩa sâu xa hơn (trang 16-9).

Hiện nay, dĩ nhiên không ai phủ nhận Kinh Thánh có sử dụng phương pháp tu từ, nhưng chúng truyền tải những chân lý theo nghĩa đen, và thường truyền tải sống động và mang nghĩa đen nhiều hơn khi không dùng các biện pháp tu từ. Chúng nâng cao chứ không thay đổi ý nghĩa đơn giản đứng đằng sau các biện pháp tu từ. Chủ đề chính của Thánh Kinh là có tính thuộc linh (sự cứu chuộc), nhưng nội dung không quyết định các nguyên tắc giải kinh học.Giải kinh học cung cấp các nguyên tắc để nhờ đó hiểu được nội dung. Dĩ nhiên Thánh Kinh Cựu Ước là phần chuẩn bị cho sự mặc khải đầy đủ hơn của Tân Ước,nhưng điều đó không có nghĩa phải hiểu Tân Ước theo nghĩa thuộc linh hay ngụ ngôn. Đức Chúa Trời đã truyền đạt một cách đơn giản trong cả Cựu Tân Ước.

Nhưng xem như thừa nhận những giới hạn của Allis trong giải kinh học theo nghĩa đen (mà tôi thì không thừa nhận), thì vẫn còn thắc mắc quan trọng này: Làm sao biết khi nào phải giải nghĩa theo nghĩa đen và khi nào phải theo nghĩa ngụ ngôn? Để trả lời thắc mắc nầy, Allis nêu lên những nguyên tắc sau đây: (1) Bạn cần phải giải nghĩa một phân đoạn Thánh Kinh theo nghĩa bóng hoặc nghĩa đen hoàn toàn tùy thuộc vào cách nào đem lại ý nghĩa chân thật (trang 18). Dĩ nhiên, đây là lập luận lòng vòng. (2) Cách duy nhất có thể hiểu được lời tiên tri theo nghĩa đen đó là khi nghĩa đen của nó rõ ràng và hiển nhiên. Nhưng vì đối với Allis, lời tiên tri có lẽ là “không rõ ràng,” “bí ẩn”và “dễ gây lầm lẫn,” nên rất ít trường hợp có thể hiểu lời tiên tri theo nghĩa đen (trang 28-30). (3) Cách giải nghĩa bất cứ lời tiên tri nào cũng xoay quanh sự ứng nghiệm của nó. Nói cách khác, nếu nó được ứng nghiệm theo nghĩa đen một cách rõ ràng (như các lời tiên tri về sự hiện đến lần thứ nhất của Đấng Christ), thì dĩ nhiên các lời tiên tri đó được giải nghĩa theo nghĩa đen. Nhưng hệ thống thần học của Allis đòi hỏi các lời tiên tri về Sự Đến Lần Thứ Hai sẽ không ứng nghiệm theo nghĩa đen, vì vậy ông dùng lối giải kinh ngụ ngôn cho các lời tiên tri này.

Chúng ta phải tuyên dương Allis đã cố gắng hệ thống hóa giải kinh học của ông, dù vậy chúng ta có thể thắc mắc thành quả đạt đến mức nào. Phần thảo luận của ông lần nữa tỏ ra rằng rất nhiều người Tin Lành thuần túy là giải nghĩa nhất quán theo nghĩa đen trong mọi lãnh vực của giáo lý Kinh Thánh ngoại trừ lời tiên tri. Làm như thế đưa đến thuyết vô thiên hi niên;làm những người giải nghĩa theo nghĩa đen trong mọi lãnh vực đưa đến tiền thiên hi niên thuyết.

4. Giải kinh theo thần học:

Trên một phương diện, không những có thể xem thuyết vô thiên hi niên (được minh họa qua phần thảo luận của Allis) như giải kinh học bán ngụ ngôn mà còn có thể xem là minh họa cho lối giải kinh theo thần học. Hệ thống thần học này không cho phép một vương quốc thật sự trên đất do Đấng Christ cai trị; do đó, không thể giải nghĩa một số phân đoạn theo nghĩa đen.

Một minh họa khác cho lối giải kinh theo thần học được tìm thấy trong các tác phẩm của Daniel Fuller. Để giữ tính thống nhất của Kinh Thánh, ông nói chúng ta phải dùng nguyên tắc “giải kinh theo thần học,”tức là lối giải kinh không đem lại hai mục đích của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh (một dành cho Ysơraên và một dành cho Hội Thánh). Cách dùng nhất quán của lối giải kinh theo nghĩa đen dẫn đến sự phân biệt giữa Ysơraên và Hội Thánh,còn lối giải kinh theo thần học thì không như thế (“The Hermeneutics of Dispensationalism,” Th.D. dissertation, Northern Baptist Theological Seminary,1957, đặc biệt trang 188 và Gospel and Law: Contrast or Continuum? [Grand Rapids: Eerdmans, 1980]).

C. Cơ Sở Hợp Lý Cho Giải Kinh Học Theo Nghĩa Đen

1. Mục đích của ngôn ngữ:

Mục đích của ngôn ngữ tự nó có vẻ đòi hỏi phải giải nghĩa theo nghĩa đen. Nói vậy có nghĩa: Đức Chúa Trời đã ban ngôn ngữ cho con người nhằm mục đích cho họ có thể truyền thông với Ngài. Đức Chúa Trời đã sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài, điều đó bao gồm cả năng lực ngôn ngữ, để Ngài có thể bày tỏ chân lý của Ngài cho con người và để đến lượt con người có thể dâng lên Ngài sự thờ phượng và lời cầu nguyện.

Có hai hệ quả đến từ ý nghĩ này. Trước hết,nếu Đức Chúa Trời sáng tạo ngôn ngữ cho mục đích truyền thông, và nếu Đức Chúa Trời hoàn toàn khôn ngoan, thì chúng ta có thể tin Ngài thấy rằng phương tiện này (ngôn ngữ) là đã đủ để duy trì được mục đích (truyền thông). Thứ nhì, như vậy suy ra chính Đức Chúa Trời sẽ sử dụng và mong con người dùng ngôn ngữ theo ý nghĩa bình thường của ngôn ngữ. Kinh Thánh không đòi hỏi cách sử dụng ngôn ngữ đặc biệt nào đó để hàm ý chúng truyền đạt trên một bình diện nào đó đặc biệt hơn hoặc “sâu nhiệm hơn” mà những lối truyền thông khác chưa từng biết đến.

2. Nhu cầu về tính khách quan:

Nếu không dùng lối giải nghĩa bình thường, thì sẽ mất tính khách quan đến độ người ấy không dùng tính khách quan cách nhất quán nữa. Chuyển đổi nền tảng giải thích Kinh Thánh từ lối nghĩa đen sang lối ngụ ngôn hoặc sang lối bán ngụ ngôn hoặc lối thần học hiển nhiên sẽ đem lại những lời giải nghĩa khác biệt, không nhất quán,và thường là mâu thuẫn.

3. Ví dụ của Kinh Thánh: C

ác lời tiên tri về sự Giáng Sinh của Đấng Christ đều đã ứng nghiệm theo nghĩa đen. Sự kiện rõ ràng nhưng cực kỳ quan trọng này bênh vực tính hiệu lực và cách dùng giải kinh học theo nghĩa đen trong toàn bộ lối giải nghĩa Kinh Thánh. Người ta nói có hơn 300 những lời tiên tri như thế về Sự Hiện Đến của Đấng Christ đã được ứng nghiệm theo nghĩa đen. Đơn cử một vài ví dụ: Mi 5:2; Ma 3:1; Es 9:1-2; 42:1; 53:5;61:1; Thi 16:9-10; 22:1,15-16,18; 31:5; 34:20; 68:18; Xa 13:7. Đúng là một số lời tiên tri Cựu Ước đã được ứng nghiệm theo hình bóng trong Tân Ước, nhưng trong khoảng hai mươi bốn lời tiên tri như thế, chỉ có bảy lời tiên tri được những người không giải theo nghĩa đen trích dẫn như những ví dụ về sự phê chuẩn của Thánh Kinh cho giải kinh học không theo nghĩa đen (và dĩ nhiên, không phải toàn bộ họ đều đồng ý bảy ví dụ ấy chứng minh như vậy). Bảy ví dụ này là Mat 2:15,18,23;11:10; Cong 2:17-21; Ro 9:24-26; và Ga 4:21-31. Tuy nhiên, phải nhớ rằng không phải chúng ta đang so sánh bảy trong số 24, nhưng bảy trong tổng số hàng trăm,vì hầu hết mọi lời tiên tri Cựu Ước đều được ứng nghiệm rõ ràng theo nghĩa đen trong Tân Ước. Đúng là Tân Ước có thể dùng Cựu Ước theo nhiều cách khác ngoài sự ứng nghiệm, nhưng ở đây tôi đang nói về những lời tiên tri và sự ứng nghiệm của chúng. Đây là một hậu thuẫn mạnh mẽ cho giải kinh học theo nghĩa đen.

D. Các Nguyên Tắc Của Giải Kinh Học Bình Thường

1. Giải thích theo văn phạm:

Bởi vì từ ngữ là những phương tiện truyền thông ý tưởng, và vì ý nghĩa của bất cứ phân đoạn nào đều phải xác định từ sự nghiên cứu từ ngữ trong phân đoạn đó cùng những mối tương quan của chúng trong các câu văn, nên việc xác định ý nghĩa văn phạm của bản văn phải là khởi điểm của lối giải nghĩa bình thường.

2. Giải nghĩa theo mạch văn:

Từ ngữ và câu cú không đứng tách biệt nhau; vì vậy, phải nghiên cứu văn mạch để thấy mối liên hệ của từng câu đối với phần đi trước và phần theo sau. Những phần có liên hệ là mạch văn gần nhất cũng như chủ đề và phạm vi của cả sách.

3. Đối Chiếu Thánh Kinh với Thánh Kinh:

Tác quyền kép của Thánh Kinh khiến cần phải hiểu không những nghĩa của tác giả con người mà còn ý của Đức Chúa Trời nữa. Có lẽ nghĩa của Đức Chúa Trời không bày tỏ trọn vẹn trong tác phẩm của người viết nguyên thủy, nhưng được bày tỏ khi đem Thánh Kinh đối chiếu với Thánh Kinh. Chúng ta phải dành chỗ cho một nhận thức toàn diện (sensus plenior), trong đó gồm cả ý nghĩa đầy đủ hơn (mặc dù có liên hệ trực tiếp) trong tâm trí Tác Giả thiên thượng của Kinh Thánh. Chúng ta không thể nói những con người viết Kinh Thánh luôn luôn hiểu những hàm ý đầy đủ của những từ ngữ họ dùng. Khi đối chiếu Kinh Thánh với Kinh Thánh, chúng ta mới có thể khám phá ý định đầy đủ hơn của Tác Giả thiên thượng.

S. Lewis Johnson tóm tắt điều này thật hay:

“Như vậy công việc của người giải nghĩa Kinh Thánh không nhất thiết kết thúc khi đến được với ý nghĩa của người viết nguyên thủy đã định… Toàn bộ mạch văn của một phân đoạn là điều cần thiết để hiểu chính xác phân đoạn, và vì thế ý định của tác giả thứ yếu này phải phục dưới ý định của Tác Giả chính yếu, là chính Đức Chúa Trời. Nguyên tắc Thánh Kinh về sự tương đồng của Kinh Thánh (analogia Scripturae) đáng ra phải dạy chúng ta rằng Thánh Kinh giải nghĩa Thánh Kinh (Scripture ex Scriptura explicanda est, hoặc Scriptura sui ipsius interpres), là những thành ngữ truyền thống về ý nghĩa của sự tương đồng này, dạy rằng nhiệm vụ đầu tiên và sau cùng của chúng ta là phải nhận thức cho được ý định của Đức Chúa Trời trong văn bản Thánh Kinh. Xét cho cùng, Kinh Thánh há không phải là Lời của Đức Chúa Trời sao?” (The Old Testament in the New (Grand Rapids: Zondervan, 1980, trang 51)

4. Nhận ra tính tiệm tiến của sự mạc khải:

Để có thể nhất quán giải nghĩa cách đơn giản, buộc phải nhận ra rằng sự mạc khải đã được ban cho cách tiệm tiến. Điều này có nghĩa trong tiến trình mạc khải sứ điệp của Ngài cho con người, Đức Chúa Trời có thể bổ sung thêm hoặc thậm chí có thể thay đổi trong thời đại này một số điều mà Ngài đã ban cho con người trong một thời đại khác. Hiển nhiên, Kinh Thánh Tân Ước thêm vào nhiều điều chưa từng được bày tỏ trong Cựu Ước. Điều Đức Chúa Trời đã bày tỏ như là một bổn phận trong thời kỳ này, thì có thể được bãi bỏ trong thời kỳ khác (như lệnh cấm ăn thịt heo đã có thời ràng buộc dân sự của Đức Chúa Trời, nay đã bị hủy bỏ, ITi 4:3).

Không nhận ra được tính tiệm tiến này trong mạc khải sẽ nẩy sinh nhiều mâu thuẫn không giải quyết được giữa các phân đoạn Kinh Thánh nếu hiểu chúng theo nghĩa đen. Hãy lưu ý những cặp phân đoạn Kinh Thánh sau đây là những phần sẽ mâu thuẫn nếu hiểu một cách đơn giản, trừ khi nhận ra có những thay đổi do sự mạc khải tiệm tiến: Mat 10:5-7 và 28:18-20; Lu 9:3 và 22:36; Sa 17:10 và Ga 5:2; Xu 20:8 và Cong 20:7. Cũng hãy để ý những thay đổi quan trọng đã được nêu ra trong Gi 1:17; 16:24; IICo 3:7-11. Những ai không chịu áp dụng nhất quán nguyên tắc mạc khải tiệm tiến này trong việc giải nghĩa Kinh Thánh thì buộc phải viện dẫn lối giải thích nghĩa bóng hoặc đôi khi sẽ dễ dàng phớt lờ chứng cứ này.

E. Lập Luận Phản Đối Giải Kinh Học Bình Thường

Sự phản đối thường thấy nhất của những người Tin Lành thuần túy đối với lối giải kinh bình thường nói rằng: vì Tân Ước sử dụng Cựu Ước theo ý không phải nghĩa đen, nên chúng ta có phép giải nghĩa những lời tiên tri trong Cựu Ước (ví dụ như về Thiên Hi Niên) không theo nghĩa đen. Hoặc nói đơn giản hơn: Vì Tân Ước đã thuộc linh hóa Cựu Ước, nên chúng ta cũng có thể thuộc linh hóa như vậy.

Thoạt nhìn đây có có vẻ là lập luận phản đối vững chắc việc nhất quán sử dụng giải kinh học bình thường. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ Kinh Thánh Tân Ước rất thường xuyên dùng những lời tiên tri Cựu Ước theo nghĩa đen chứ không thuộc linh hóa chúng. Những trường hợp được trích dẫn như Tân Ước dùng giải kinh học không theo nghĩa đen cho lời tiên tri Cựu Ước nhiều lắm cũng chỉ có bảy lần. Những công dụng khác nữa của Cựu Ước gồm dùng (a) có tính cách minh họa (Ro 9:9-12), (b) có tính cách so sánh (ICo 1:19), (c)có tính cách áp dụng (Ro 12:19), (d) có tính cách tu từ (Gia 4:6), nhưng (e)thường thường là ứng nghiệm trực tiếp, ứng nghiệm mang tính lai thế học hoặc ứng nghiệm hình bóng (Cong 2:25-29; Gi 13:18).

Hầu như chưa từng có tác giả Tân Ước nào không sử dụng Thánh Kinh Cựu Ước theo ý nghĩa ngữ pháp - lịch sử (dĩ nhiên điều này bao gồm cả cách dùng những hình thái tu từ). Quy luật là: họ giải nghĩa Cựu Ước cách rõ ràng hiển nhiên; những trường hợp ngoại lệ thì hiếm thấy và mang tính hình bóng (nhưng trên một phương diện thì toàn bộ Cựu Ước mang tính hình bóng đối với mạc khải đầy đủ hơn của Tân Ước).

Tuy nhiên, điểm then chốt của vấn đề là thế này: là những nhà giải kinh, chúng ta có thể noi gương những người viết Kinh Thánh trong những cách dùng Cựu Ước ngoại lệ hiếm hoi có vẻ không theo nghĩa đen như thế này không? Dĩ nhiên câu trả lời là được, nếu chúng ta muốn. Nhưng nếu giải nghĩa như vậy, thì chúng ta làm mà không có thẩm quyền của các sứ đồ, chỉ với thẩm quyền cá nhân mà thôi; so ra thì đấy chẳng phải là thẩm quyền. Mọi cách dùng Cựu Ước của các tác giả Tân Ước đều là dùng dưới sự soi dẫn thiên thượng nên bởi đó được thực hiện cách chính đáng và đầy đủ thẩm quyền. Nếu tách ra khỏi ý tưởng rõ ràng của mạch văn, thì chúng ta đã tách ra cách không chính đáng mà cũng không có cả thẩm quyền như thế. Điều mà các trước giả Thánh Kinh đã viết là vô ngộ; nhưng công việc của mọi nhà giải kinh là có thể sai lầm.

Tóm lại: chính Đức Chúa Trời là Đấng muốn ban cho nhân loại Lời Ngài. Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã ban món quà ngôn ngữ để Ngài có thể làm trọn ước muốn đó. Ngài đã ban Lời Ngài cho chúng ta để truyền đạt, chứ không phải để làm cho rối rắm. Chúng ta cần phải tìm cách hiểu sự truyền đạt của Ngài một cách đơn giản, bởi vì đó mới là cách thông thường mà các hữu thể truyền đạt cho nhau.

II. CÁC GIÁO LÝ VỀ SỰ SOI SÁNG

A. Ý Nghĩa

Động từ phơtizo (soi sáng, chiếu sáng) được dùng chỉ về sự soi sáng tổng quát mà Đấng Christ đem đến cho mọi người đặc biệt là qua Phúc Âm (Gi 1:9; IITi 1:10); chỉ về từng trải soi sáng của sự hoán cải (He 6:4); về sự hiểu biết chân lý Cơ đốc (Eph 1:18; 3:9); và về tính chất do xét thấu đáo của sự xét đoán trong tương lai (ICo 4:5).

Về phương diện thần học, từ này đã được áp dụng cho rất nhiều khái niệm. Trong Hội Thánh đầu tiên, phép báptêm thường được mô tả như sự soi sáng (ví dụ như, Justin, First Apology, chương 61). Lý thuyết soi sáng của sự soi dẫn xem sự soi dẫn như là một sự tăng cường và nâng cao nhận thức cho các trước giả Kinh Thánh. Nhưng nói chung, khái niệm về sự soi sáng liên hệ đến chức vụ của Thánh Linh để giúp cho tín hữu hiểu được chân lý Kinh Thánh.

B. Phương Tiện

Có hai phân đoạn Kinh Thánh chính mô tả chức vụ này của Đức Thánh Linh (Gi 16:12-15 và ICo 2:9-3:2). Chúng dạy dỗ những sự kiện sau đây về sự soi sáng.

1. Đức Thánh Linh là Giáo Sư, và sự hiện diện của Ngài trong tín hữu bảo đảm chức vụ này dành sẵn cho mọi tín hữu.

2. Vì thế, người không tin Chúa không thể kinh nghiệm chức vụ này. Dù có hiểu biết được Kinh Thánh ở mức độ cao, về cơ bản,họ cũng xem điều mình biết như là sự rồ dại mà thôi.

3. Sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh chứa đựng “mọi lẽ thật,” bao gồm cả “những sự sẽ đến,” là giáo lý Cơ đốc gồm cả lời tiên tri.

4. Tánh xác thịt trong tín hữu có thể ngăn trở chức vụ này.

5. Mục đích chức vụ Thánh Linh là để làm vinh hiển Đấng Christ.

6. Đức Thánh Linh sẽ dùng những người có ân tứ dạy dỗ để hoàn thành chức vụ của Ngài (Ro 12:7; IGi 2:27). Điều này bao gồm những tác phẩm của những người dầu hiện nay đã qua đời, nhưng còn lưu truyền lại những kết quả của công tác Đức Thánh Linh trong đời sống họ qua hình thức văn viết.

Kinh nghiệm sự soi sáng không đến bởi “mạc khải trực tiếp.” Kinh điển đã được kết thúc. Đức Thánh Linh soi sáng ý nghĩa của bộ kinh điển đã hoàn tất đó, và Ngài soi sáng thông qua sự nghiên cứu và suy gẫm.Sự nghiên cứu vận dụng mọi công cụ thích đáng để xác định ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh. Sự suy gẫm nghĩ đến những sự kiện thực sự của bản văn, kết hợp chúng lại với nhau để có một tổng thể hài hòa rồi áp dụng chúng vào nếp sống của mình. Kết quả tối hậu trong chức vụ soi sáng của Đức Thánh Linh là để làm vinh hiển Đấng Christ trong đời sống, hoặc để triển khai giáo lý lành mạnh – tức sự dạy dỗ đem lại sức khỏe và sự toàn vẹn thuộc linh cho đời sống tín hữu. Sự soi sáng không những liên hệ đến hiểu biết những lẽ thật, mà còn dùng những sự kiện đó để khích lệ tín hữu càng trở nên giống Đấng Christ hơn.