I. SỰ KIỆN SỰ SỐNG LẠI

Kinh Thánh dạy rõ ràng và dạy ở nhiều chỗ về lẽ thật sự sống lại của thân thể. Sự sống lại của thân thể chủ yếu là sự khải thị của Kinh Thánh, vì triết lý Hy lạp – vốn xem thân thể là một chướng ngại vật – chỉ dạy về tính bất tử của linh hồn thôi.

A. TRONG CỰU ƯỚC

1. Giop 19:25-27.

Trong cơn hoạn nạn, Gióp ước ao được chết như là cách để được giải thoát, và ông ước chi mình biết được liệu còn hy vọng nào đó ở bên kia mồ mả để khiến ông có thể chịu đựng nổi hoạn nạn hiện tại của mình (14:13-14). Ông diễn tả hy vọng đó trong 19:25-27, một niềm hy vọng nơi Đức Chúa Trời hằng sống, Đấng sẽ minh oan cho trường hợp của ông,thậm chí sau khi ông qua đời. Ông chắc chắn ngay cả sau khi thân thể mình mục nát, ông sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời từ xác thịt của mình (câu 26). Khi giới từ min trong tiếng Hêbơrơ được dùng cùng với động từ “thấy,” thì nó chỉ ra một vị trí thuận lợi để có thể từ đó nhìn thấy; tức là Gióp đã mong được ở trong thân thể trong tình trạng phục sinh của mình.

2. Xu 3:6.

Khi tranh luận với người Sađusê,Chúa đã trích dẫn câu Kinh Thánh nầy làm bằng chứng về sự thật của sự sống lại (Mat 22:31-32). Lập luận nầy được căn cứ trên sự kiện: khi Đức Chúa Trời xác định Ngài cho Môise biết tại bụi gai cháy, thì Ngài đã xác định bằng cách liên kết chính Ngài với Ápraham, Ysác, và Giacốp trong một mối liên quan sống động vốn không kết thúc khi các tổ phụ đó qua đời.

3. Thi 16:8-11.

Trong những câu Kinh Thánh nầy,Đavít đang viết về sự sống lại trong tương lai của chính mình. Những câu nầy được Phierơ trích dẫn trong Cong 2:25-28,31 như là chúng đã ứng nghiệm tối hậu trong sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ vào ngày Lễ Phục Sinh đầu tiên.

4. Thi 49:14.

Ở đây, tác giả Thi Thiên khẳng định người công bình cuối cùng sẽ chiến thắng kẻ ác, hoặc trong đời nầy hoặc trong đời hầu đến (“sáng ngày”).

5. Es 26:19.

Ở đây, đấng tiên tri dạy rõ ràng sự sống lại của thân thể của những kẻ được cứu chuộc.

6. Da 12:2.

Ở đây dạy cả về sự sống lại của người công bình lẫn sự sống lại của kẻ gian ác. Tân Ước tái khẳng định hai sự sống lại nầy (Gi 5:28-29), nhưng bày tỏ rằng chúng sẽ không diễn ra đồng thời (Kh 20:4-5).

7. Xa 14:5.

Nếu chữ “các thánh” chỉ về các tín đồ, thì lời tiên tri nầy bảo đảm về sự sống lại của họ, vì họ đến cùng với Đấng Christ khi Ngài tái lâm. Tuy nhiên, có người cho rằng câu Kinh Thánh nầy nói đến các thiên sứ, tuy có thể nói đến cả tín đồ phục sinh lẫn thiên sứ.

B. Trong Tân Ước

1. Mat 16:21; 17:23; 20:19. Đấng Christ báo trước sự sống lại của chính Ngài vào ngày thứ ba sau khi Ngài chết.

2. Mat 22:31-32; Gi 2:19-22; 5:28-29;11:25-26. Đấng Christ đã dạy lẽ thật về sự sống lại.

3. ICo 15:20-24,35-50; IICo 5:1-4; Phi 3:21;ITe 4:13-18. Phaolô không những dạy về sự sống lại của thân thể, mà còn nêu thêm nhiều chi tiết khác về thân thể phục sinh.

II. THỨ TỰ CỦA CÁC SỰ SỐNG LẠI

Như đã thấy, tất cả các sự sống lại của thân thể được chia ra làm hai loại: Sống lại để được sống hay còn gọi là sự sống lại thứ nhất, và sống lại để chịu đoán phạt hoặc gọi là sự sống lại thứ nhì (Lu 14:13-14; Gi 5:28-29). Những sự sống lại nầy sẽ không diễn ra đồng thời, nên đặc điểm phân biệt không phải là thời điểm, mà đặc điểm phân biệt chính là sự sống hay sự chết đời đời mới.

A. Sự Sống Lại Của Đấng Christ

Đứng trước hết trong thứ tự các sự sống lại chính là sự sống lại của Đấng Christ. Dầu trước Đấng Christ, nhiều kẻ khác đã được sống lại từ kẻ chết, nhưng Ngài mới là người đầu tiên sống lại từ mồ mả với một thân thể không còn phục dưới sự chết nữa (Ro 6:9; Kh 1:18). Đây là lý do Phaolô gọi Ngài là Đấng sanh trước nhất từ trong những kẻ chết (Co 1:18). Sự sống lại của Ngài là trái đầu mùa cho rất nhiều sự sống lại hầu đến (ICo 15:23).

B. Sự Sống Lại Của Những Kẻ Thuộc Về Đấng Christ Khi Ngài Hiện Đến

Sự sống lại nầy sẽ gồm rất nhiều nhóm: các thánh đồ đã chết của Thời Đại Hội Thánh (ITêsalônica 4:16), các thánh đồ đã chết của thời Cựu Ước (Da 12:2), và những người tuận đạo trong thời Cơn Đại Nạn (Kh 20:4). Những sự sống lại nầy của các thánh đồ thuộc mọi thời đại hợp thành sự sống lại thứ nhất (Kh 20:6), sự sống lại để được sống (Gi 5:29), hay sự sống lại của kẻ công bình (Lu 14:14).

C. Sự Sống Lại Của Kẻ Chưa Được Cứu Tại Kỳ Cuối Cùng

Nhóm người cuối cùng được sống lại sẽ bao gồm những kẻ chết chưa được cứu chuộc thuộc mọi thời đại, và họ sẽ được sống lại tại lúc kết thúc vương quốc Thiên Hy Niên, để đứng trước Tòa Án Lớn và Trắng chịu sự đoán xét, là sự đoán xét sẽ phán quyết tất cả bọn họ đi vào hồ lửa (Kh 20:11-14).

III. GIỮA SỰ CHẾT VÀ SỰ SỐNG LẠI

Nói nghiêm túc, sự chết là phân cách phần vật chất khỏi phần phi vật chất (Gia 2:26). Trong trường hợp của mọi sự chết, thi thể bị loại bỏ, thường là bởi cách chôn vào trong mồ mả. Nhưng khía cạnh phi vật chất của một con người tiếp tục tồn tại trong suốt cả cõi đời đời. Bây giờ vấn đề đặt ra cho chúng ta là: Phần phi vật chất ở trong tình trạng nào giữa sự chết thuộc thể và sự sống lại của thân thể?

A. Đối Với Người Chưa Được Chuộc Trong Thời Cựu Ước

Khi một người như thế chết đi, thì hồn,linh, hay bản tánh phi vật chất của người trở về Âm phủ để chờ đến ngày sống lại của thân thể vào cuối Thiên Hy Niên. Nhưng ta cũng được biết rằng thân thể ở trong Âm phủ, vì khoảng một nửa số lần chữ nầy được dùng trong Cựu Ước thì đều nói đến mồ mả (xem Dan 16:30,33). Những lần còn lại thì chữ nầy chỉ về nơi ở của những linh hồn đã qua đời, của cả người công bình (Sa 37:35) lẫn kẻ gian ác (Ch 9:18). Đây là nơi của sự tối tăm, tại đó những kẻ chết chưa được cứu chuộc bị giam cầm cho đến khi sự chết (đòi lấy thân thể) và âm phủ (“hades” chữ Hy lạp tương đương với chữ “sheol” - âm phủ, là nơi đòi linh hồn) trả lại những kẻ chết của chúng tại Tòa Án Lớn và Trắng (Kh 20:13).

B. Đối Với Người Không Được Cứu Chuộc Trong Thời Tân Ước

Khi kết thúc Thiên Hy Niên, thân thể đi vào mồ mả, và thần linh về nơi âm phủ chờ đợi sự sống lại của thân thể (cũng giống như đối với những người chưa được chuộc của thời Cựu Ước) (Lu 16:23). Âm phủ trái ngược với thiên đàng (Mat 21:23; Lu 10:15), và là nơi có khóc lóc và nghiến răng (Mat 13:40-42), nơi của sự đau đớn đời đời (Mac 9:43-48), là nơi tối tăm bên ngoài, là chốn không hề có sự sáng (Mat 22:13).

C. Đối Với Người Được Chuộc Trong Thời Cựu Ước

Trong trường hợp thánh đồ Cựu Ước, vấn đề bị tranh luận ấy là: Linh hồn của họ (linh hay bản tánh phi vật chất) đi về đâu khi chết? Người ấy được đưa tức khắc vào sự hiện diện của Chúa, hay người ấy đi vào ngăn được cứu trong âm phủ, để người sẽ được đem từ nơi đó vào thiên đàng khi Đấng Christ xuống âm phủ giữa sự chết và sự sống lại của Ngài?

Hoyt diễn đạt phương án thứ nhì nầy như sau:“Do kết quả sự sống lại và sự thăng thiên của Đấng Christ, đã có một sự tái tổ chức xảy ra trong tình trạng trung gian. Toàn bộ những người công bình đã được đem khỏi ngăn trên của âm phủ, và kể từ đó trở đi, các cửa của âm phủ đã không được phép đón nhận bất cứ một linh hồn đã được cứu nào nữa. Từ đấy trở đi,Barađi ở phía trên, là nơi Đấng Christ đang ở, và linh hồn của mọi người được cứu sẽ đi ở với Chúa ngay tại giây phút qua đời” (Herman A. Hoyt, The End Times [Chicago: Moody, 1969], trang 45).

Rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh được trích dẫn để hậu thuẫn quan điểm nầy. Trong Eph 4:9, Phaolô viết rằng Đấng Christ đã đi xuống các miền thấp của đất. Một số người hiểu điều nầy có nghĩa Đấng Christ đã đi xuống âm phủ giữa sự chết và sự sống lại của Ngài, để đem những kẻ ở trong “ngăn được cứu” của âm phủ về thiên đàng. Tuy nhiên, cụm từ “của đất” có thể là một cụm từ đồng sở chỉ, nói lên Đấng Christ đã đi xuống (tại sự Nhập Thể của Ngài) các miền thấp (của cõi vũ trụ), tức là trần gian.

Câu chuyện về người giàu có và Laxarơ cũng được trích dẫn, và người ta cho rằng câu chuyện nầy cho thấy cả hai người đều đã xuống âm phủ, người giàu bị hình phạt trong một ngăn này của âm phủ còn Laxarơ được vui sướng hạnh phúc trong ngăn kia (được gọi là “lòng của Ápraham”trong câu chuyện đó). Rõ ràng, câu chuyện nầy dạy một số sự kiện quan trọng về sự chết và địa ngục (a) có một sự sống có ý thức sau cái chết, (b) địa ngục là một nơi đầy đau đớn và thực hữu (c) không có cơ hội thứ nhì sau cái chết; và (d) kẻ chết không thể giao tiếp trò chuyện với người sống. Nhưng câu chuyện nầy dạy rằng có hai ngăn trong âm phủ phải không? Không hẳn như vậy, vì Kinh Thánh không nói lòng Ápraham ở trong âm phủ, nhưng đúng hơn là ở “xa” khỏi chỗ đó.Lòng Ápraham là một cụm từ dùng theo nghĩa bóng để chỉ về Barađi, hoặc sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đây là Barađi được Chúa hứa ban cho tên cướp chịu ăn năn (Lu 23:43), chứ không phải là ngăn sung sướng trong âm phủ.

IPhi 3:18 cũng được liên kết với sự việc được xem như Đấng Christ đi vào âm phủ. Đang lúc ở tại đó giữa thời điểm sự chết và sự sống lại, Ngài đã công bố chiến thắng của Ngài trên tội lỗi, và đã đem những người ở trong ngăn Barađi về thiên đàng. Tuy nhiên, rất có thể câu nầy nói Đấng Christ tiền nhập thể đã giảng đạo qua Nôê cho những kẻ mà bởi cớ ngày trước chối bỏ lời giảng đạo đó, nên hiện nay linh hồn họ đang bị cầm tù.

Theo Harry Buis, lý thuyết về hai ngăn âm phủ nầy là sự khai triển thuộc trong thời kỳ giữa hai giao ước. “Sự phát triển chủ yếu của giáo lý về sự hình phạt đời đời trong thời kỳ nầy xuất phát từ sự kiện âm phủ giờ đây được chia thành hai ngăn: một ngăn dành cho người thiện lành, được gọi là Barađi; ngăn kia dành cho kẻ ác gọi là địa ngục (gehenna)” (The Doctrine of Eternal Punishment (Philadelphia: Presbyterian and Reformed, 1957, trang 18.Những trang kế tiếp cung cấp bằng chứng từ văn phẩm khải thị thuộc thời đó).

Tôi tin các thánh đồ Cựu Ước khi chết sẽ đi thẳng vào sự hiện diện của Chúa. Kẻ cướp ăn năn kia đã được hứa rằng sẽ ở trong Barađi ngay ngày mình chết (Lu 23:43), và Barađi là sự hiện diện của Chúa (IICo 12:4). Tại sự hóa hình của Đấng Christ, Môise và Êli đã hiện ra trước mặt Ngài và trò chuyện với Ngài.

Chúng ta có buộc phải hiểu cuộc trò chuyện giữa Đấng Christ, Môise, và Êli đã xảy ra trong ngăn trên của âm phủ, là nơi ít ra Môise cũng phải chờ tại đó cho đến sau sự chết của Đấng Christ không? Như vậy,chúng ta có buộc phải hiểu Sự Hóa Hình của Đấng Christ đã xảy ra trong Barađi của âm phủ chăng? Chúng ta có buộc phải hiểu Êli đã được cất lên để đến âm phủ chứ không phải đến thiên đàng? Tôi nghĩ là không; trái lại, các thánh đồ Cựu Ước đã đi lập tức vào thiên đàng để chờ đợi sự sống lại của thân thể khi Đấng Christ tái lâm.

IV. PHỔ THÔNG THUYẾT

Nói đơn giản, Phổ Thông Thuyết phát biểu rằng:sớm muộn gì mọi người đều sẽ được cứu. Hình thức cổ hơn của Phổ Thông Thuyết bắt đầu từ thế kỷ thứ 2, và dạy rằng sự cứu rỗi sẽ đến sau một thời kỳ tạm thời bị hình phạt. Tân Phổ Thông Thuyết trong thời chúng ta tuyên bố rằng mọi người hiện đang được cứu, dầu vậy tất cả mọi người không nhận ra điều đó. Do đó, công tác của người giảng đạo và của giáo sĩ là phải bảo cho người ta biết họ đã được cứu rồi. Dầu Karl Barth không chấp nhận ông dạy sự giải hòa phổ thông cho mọi người,nhưng rõ ràng ông đã dạy về sự chọn lựa phổ thông cho mọi người trong Đấng Christ. Một số người khác đã nói thẳng ra, chẳng hạn như, bảo rằng tình yêu triệt để của Đức Chúa Trời sẽ đeo đuổi con người cho đến khi mọi người đều được cứu.

A. Bằng Chứng Kinh Thánh

Những câu Kinh Thánh được phái Phổ Thông Thuyết viện dẫn là Gi 12:32: “Ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta”; ICo 15:22 “Trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại”; Phi 2:11: “Mọi lưỡi thảy đều xưng”; và ITi 2:4: “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi.” Nhưng những câu Kinh Thánh nầy không dạy rằng mọi người cuối cùng đều sẽ được cứu. Gi 12:32 nói rằng Thập Tự Giá của Đấng Christ khiến sự cứu rỗi có thể thực hiện được cho cả người Do Thái lẫn người ngoại bang. Hãy để ý rằng Chúa – trong cùng phân đoạn nầy – đã cảnh cáo về sự đoán xét những kẻ chối bỏ (câu 48). ICo 15:22 nói mọi người nào ở trong Đấng Christ thì sẽ được sống lại, chứ không nói rằng tất cả mọi người. Phi 2:10-11 bảo đảm với chúng ta một ngày kia mọi người đều sẽ xưng nhận Jesus là Chúa, nhưng không nhất thiết nhận Ngài là Cứu Chúa. ITi 2:4 diễn tả lòng Đức Chúa Trời khao khát mọi người đều được cứu, chứ không hứa mọi người sẽ được cứu.

Phái Phổ Thông Thuyết thoải mái xem nhẹ các câu Kinh Thánh khác. Ví dụ hãy xem một số lời của chính Chúa. “Ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Gi 3:36). “Rồi những kẻ nầy vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời” (Mat 25:46). Vì cùng dùng một chữ như nhau, nên không thể lập luận rằng hình phạt đời đời không phải là bất tận đồng một cách như sự sống đời đời.

Các phân đoạn Kinh Thánh khác dạy về sự đoán phạt đời đời gồm IITe 1:8-9: “sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa”; ICo 1:18; 4:3; và He 2:3. Mọi người hoặc là được cứu hoặc bị hư mất, và bất cứ người nào qua đời mà chưa tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của riêng mình thì sẽ bị đoán phạt đời đời.

B. Bằng Chứng Thần Học

Một số người theo Phổ Thông Thuyết thích tranh luận về thần học hơn. Họ viện đến bản chất của Đức Chúa Trời là yêu thương trọn vẹn. Họ hỏi: Như vậy làm sao một Đức Chúa Trời như thế lại có thể đoán xét bất cứ ai hoặc trong đời nầy hoặc trong đời hầu đến ? Đức Chúa Trời quá nhân lành đến nỗi không thể từ chối một người nào. Tuy nhiên, đặc tánh của Đức Chúa Trời không những bao gồm tình yêu thương và nhân lành, mà còn gồm công bình, thánh khiết và thạnh nộ. Người theo Phổ Thông Thuyết hy sinh sự công bình của Đức Chúa Trời để đổi lấy tình yêu của Ngài, và điều đó dẫn đến một Đức Chúa Trời khác hẳn với Đức Chúa Trời của Kinh Thánh.

Có người lập luận rằng một Đức Chúa Trời công bình thì sẽ không giáng hình phạt vô hạn cho những tội lỗi hữu hạn. Nhưng điều nầy bỏ qua một nguyên tắc quan trọng: đó là tội phạm sẽ tùy thuộc vào đối tượng mà người ta đã phạm tội đó (một Đức Chúa Trời vô hạn) cũng như vào chủ thể đã phạm tội đó (con người hữu hạn). Đánh vào một cây cột thì không phải là một hành động có tội cho bằng đánh vào một con người. Mọi tội lỗi về cơ bản đều là phạm đối với một Đức Chúa Trời vô hạn, và như vậy xứng đáng nhận hình phạt vô hạn.

V. ĐIỀU KIỆN THUYẾT

Điều Kiện Thuyết, hay tình trạng bất tử có điều kiện, định nghĩa sự hình phạt đời đời là sự tuyệt diệt tuyệt đối vào tình trạng quên lãng đời đời.

A. Những Lập Luận Từ Kinh Thánh

Đối với người theo Điều Kiện Thuyết, sự hủy diệt đời đời trong một phân đoạn như IITêsalônica 1:9 muốn nói đến tính chất của sự hủy diệt, tức là sự tuyệt diệt. “Đời đời” cũng được hiểu chủ yếu là một từ định tính; do đó lửa hừng đời đời có nghĩa là một ngọn lửa không bắt đầu, cũng không kết thúc với thời đại hiện tại, và không hề cho chúng ta manh mối nào về điều diễn ra cho những người bị ném vào đó. Về sự so sánh song hành giữa hình phạt đời đời và sự sống đời đời trong Mat 25:41,46, người theo Điều Kiện Thuyết nói rằng:“Chúng ta phải cẩn thận khi áp đặt phép so sánh song hành giữa sự sống “đời đời”và sự hình phạt “đời đời,” để khỏi sa vào tinh thần hằn thù hay sự vui mừng thiếu kính sợ Chúa trước số phận của kẻ ác” (Edward William Fudge, The Fire That Consumes (Houston: Providential Press, 1983, trang 195). Không có thêm phần chú giải nào nữa cho phân đoạn Kinh Thánh đó. Tác giả nầy nói “không có một cơ sở chú giải kinh rõ ràng nào trong Luca 16 để rút ra kết luận về sự cuối cùng của kẻ ác” (trang 208).

Ví dụ mẫu trên đây cho thấy kiểu chú giải kinh không tự nhiên mà những người theo Điều Kiện Thuyết viện đến để dẫn chứng cho quan điểm của họ.

B. Những Lập Luận Thần Học

Những người theo lối truyền thống thường hiểu chết là sự phân cách. Người theo Điều Kiện Thuyết định nghĩa chết là không có sự sống, tức là sự tận diệt sau cùng. Đương nhiên, một định nghĩa như thế sẽ không áp dụng được cho trường hợp sự chết của Đấng Christ, hoặc cho sự chết thuộc thể,hoặc cho chính sự chết nữa.

Người theo Điều Kiện Thuyết quả quyết chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có sự không hề chết (ITi 6:16), và do đó, con người không có. Tuy nhiên, rất nhiều những thuộc tánh khác được khẳng định là thuộc về một mình Đức Chúa Trời mà thôi, song chúng lại có tương ứng nơi con người (như là sự khôn ngoan, Ro 16:27).

Thắc mắc không thể giải đáp dành cho người theo Điều Kiện Thuyết ấy là: Nếu kẻ gian ác phải gánh chịu một khoảng thời gian bị trừng phạt dài vô định trước khi bị tận diệt, thì chúng ta không thể đòi hỏi một biến cố tột đỉnh như sự tận diệt đó phải được nói đến ở chỗ khác trong nhiều phân đoạn lai thế học của Kinh Thánh sao?

Liệu tín đồ có thể không tuôn nước mắt trên thiên đàng khi một số người họ quen biết trên trần gian sẽ bị ở trong địa ngục?Dường như là có, và chỉ vì cớ nhãn quan riêng của tín đồ đó sẽ được thay đổi như vậy để nhận ra hậu quả nghiêm trọng của tội lỗi (Es 66:24).

Đương nhiên, không ai vui sướng trước hình phạt đời đời cho kẻ ác. Giáo lý đó phải là cớ thôi thúc càng hơn nữa để thuyết phục người ta đến với Đấng Christ hầu nhận được sự sống đời đời.