Trong chương trình của Đức Chúa Trời, hãy còn rất nhiều sự đoán xét trong tương lai. Sẽ không chính xác khi nói một Ngày Đoán Xét Vĩ Đại sẽ đến, vì những sự đoán xét tương lai nầy sẽ diễn ra tại nhiều thời điểm khác nhau.

I. SỰ ĐOÁN XÉT CÔNG VIỆC CỦA CÁC TÍN ĐỒ

A. Những Câu Kinh Thánh Liên Hệ

Hai phân đoạn Kinh Thánh chính thuật lại sự kiện và các chi tiết của sự đoán xét nầy (ICo 3:10-15; IICo 5:10). Nhiều phân đoạn tương ứng khác bao gồm Ro 14:10; ICo 4:1-5; 9:24-27; ITêsalônica 2:19; IITi 4:8; Gia 1:12; IPhi 5:4; và Kh 2:10; 3:11; 4:4,10.

B. Bản Thân Sự Đoán Xét

Dầu không nói cụ thể, nhưng sự đoán xét nầy dường như sẽ diễn ra ngay sau Sự Cất Lên của Hội Thánh, vì hai mươi bốn vị trưởng lão - là những người có lẽ đại diện cho tín đồ - đã đội mão miện của họ trong khung cảnh thiên đàng từ đầu Cơn Đại Nạn (Kh 4:4,10). Hơn nữa, khi Tân Nương cùng Đấng Christ trở lại trần gian khi Ngài tái lâm, thì nàng đã trang sức bằng những việc làm công bình đã qua được thử nghiệm trước sự đoán xét nầy (19:8).

Địa điểm đoán xét nầy chính là ngai (bema) của Đấng Christ. Những bemas trên trần gian nầy là những diễn đàn trông giống như cái ngai được dựng cao lên, và các vua hoặc quan án ngồi trên đó khi đang diễn thuyết (Cong 12:21), hay khi nghe xử và phán quyết các vụ kiện (18:12-17).

Chỉ tín đồ mới ứng hầu trước sự đoán xét nầy,vì Phaolô nói rõ rằng sự đoán xét này liên quan đến những người đã xây trên Nền,tức là Đức Chúa Jesus Christ (ICo 3:11-12).

Bản chất các việc làm của tín đồ sẽ được tra xét trong sự đoán xét nầy, để phân biệt công việc quí giá với công việc vô giá trị. Đây là những công việc do tín đồ làm trong nếp sống Cơ đốc của mình. Mọi việc đều được xem lại và bị thẩm vấn. Một số sẽ vượt qua thử nghiệm, bởi vì chúng là tốt lành; số còn lại sẽ không qua được, bởi vì chúng vô giá trị. Cả những động cơ tốt lẫn xấu đều bị phơi bày ra; kế đó mỗi tín đồ sẽ nhận sự khen ngợi xứng đáng cho mình từ nơi Đức Chúa Trời. Ân điển tuyệt diệu biết bao!

C. Kết Quả Của Sự Đoán Xét

Kết quả sẽ hoặc là phần thưởng, hoặc là bị tước mất phần thưởng. Sự cứu rỗi không liên quan sự đoán xét nầy, vì những người bị mất phần thưởng “sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.” Tuy nhiên, như đã nói ở trên, dường như mỗi tín đồ đều đã làm một số việc nào đó mà Đức Chúa Trời có thể khen ngợi người.

Dầu vậy việc tước phần thưởng là có thật, và có thể bao gồm cả sự tước mất và hổ thẹn. Đương nhiên, điều nầy nói đến việc tước mất những phần thưởng mà đáng ra đã có thể nhận được. Từ ngữ zemioo trong ICo 3:15 không mang ý chịu khổ xét về phương diện chịu khổ thể xác hay chịu khổ tinh thần. Ý cơ bản của chữ nầy là thua lỗ, mất mát trên phương diện bị tước mất phần thưởng mà đáng ra đã có thể được nhận (xem A.T. Robertson và Alfred Plummer, A Critical and Exegetical Commentary on the First Epistle of St. to the Corinthians [Edinburgh: T.&.T. Clark, 1914], trang 65).

Giăng dạy rõ rằng có thể bị mất phần thưởng do không trung tín lúc còn sống trên đời (IIGiăng 8). Mối quan tâm của ông là muốn độc giả sẽ nhận trọn phần thưởng, có nghĩa là: nhận tất cả những gì có thể thuộc về họ bởi sự trung tín liên tục. Chính ý tưởng bị mất phần thưởng nầy là một phần trong sự so sánh của Phaolô về Ngai Đoán Xét với việc chạy đua (ICo 9:24-27).Mối quan tâm của ông là làm sao để không bị bỏ (bị loại), có nghĩa là không làm gì để khiến ông không còn xứng đáng nhận phần thưởng. Có lẽ Giăng viết cách sinh động hơn về khả năng tín đồ bị hổ thẹn trong ngày Đấng Christ đến (IGi 2:28). “Thể thụ động đi kèm với chữ autou gợi ý rằng tín đồ rút lui trong xấu hổ.Nó gợi lên một sự rụt mình lại rút lui khỏi Đấng Christ, có lẽ do mặc cảm có tội của tín đồ mà ra (chứ không phải do Đấng Christ làm cho tín đồ đó xấu hổ”(Samuel L. Hoyt, “The Negative Aspects of the Christian’s Judgment,” Bibliotheca Sacra, 137: 129-30 (Tháng Tư - Tháng Sáu 1980).

Với phần tóm tắt rất cân đối, Hoyt kết luận như sau:

“Có thể ví Ngai Xét Đoán của Đấng Christ với một buổi lễ phát bằng. Tại lễ tốt nghiệp, sẽ có đôi chút thất vọng và hối tiếc vì đã không học tốt hơn và chăm hơn. Tuy nhiên, tại một biến cố như thế, cảm xúc ngập tràn chính là sự vui mừng, chứ không phải tiếc nuối. Những người tốt nghiệp không rời hội trường trong nước mắt vì không nhận được thứ hạng tốt hơn.Trái lại, họ biết ơn vì họ đã tốt nghiệp, và họ biết ơn về những điều mình đã nhận được. Quá nhấn mạnh đến phương diện buồn rầu tại Ngai Đoán Xét của Đấng Christ tức là đã biến thiên đàng thành địa ngục. Xem thường phương diện buồn rầu nầy tức là đã biến sự trung tín thành chuyện vụn vặt” (trang 131).

II. SỰ ĐOÁN XÉT CÁC THÁNH ĐỒ CỰU ƯỚC

Da 12:1-3 nói về thời kỳ Cơn Đại Nạn (câu 1), những sự sống lại của người công bình và người gian ác (câu 2), và những phần thưởng cho người công bình (câu 3). Nhiều người hiểu sự sống lại và phần thưởng cho người công bình nói đến sự sống lại và sự đoán xét tín đồ thời Cựu Ước vào lúc kết thúc Cơn Đại Nạn. Khải thị Tân Ước đặt sự sống lại và sự đoán xét kẻ ác của mọi thời đại vào lúc kết thúc Thiên Hy Niên (Kh 20:11-15). Đương nhiên,không phải bất thường khi các tiên tri Cựu Ước đặt sát cạnh nhau những biến cố mà sự khải thị về sau phân cách chúng ra bằng một khoảng thời gian nào đó.

Có thể câu 1-3 chỉ nói đến sự sống lại và việc ban thưởng các tín đồ Do Thái trong thời kỳ Cơn Đại Nạn. Họ sẽ được ban thưởng vì đã sáng suốt nhìn rõ sự lừa dối của Antichrist, và đã dắt đưa người khác đến đức tin trong thời kỳ Cơn Đại Nạn.

III. SỰ ĐOÁN XÉT CÁC THÁNH ĐỒ CỦA THỜI KỲ CƠN ĐẠI NẠN

Kh 20:4-6 thuật sự sống lại của các thánh đồ trong thời kỳ Cơn Đại Nạn, là những người đã chết trong thời kỳ đó. Do họ chống đối chương trình của Antichrist, nên đã tuận đạo, nhưng Đức Chúa Trời khiến họ sống lại từ kẻ chết ngay trước khi Thiên Hy Niên bắt đầu. Không có lời đề cập cụ thể nào về việc đoán xét và việc ban thưởng; chỉ có thể cho rằng việc nầy xảy ra tại thời điểm được sống lại. (Cụm từ “sự được quyền xét đoán” trong câu 4 không chỉ về việc bị đoán xét, nhưng chỉ về hành động của các thánh đồ đang đoán xét dân chúng trong sự cai trị Thiên Hy Niên.)

IV. SỰ ĐOÁN XÉT NGƯỜI DO THÁI CÒN SỐNG SÓT QUA CƠN ĐẠI NẠN

Trước khi khai mạc vương quốc Thiên Hy Niên,người sống sót của Cơn Đại Nạn, cả người Do Thái lẫn ngoại bang, đều phải chịu đoán xét để bảo đảm chỉ có tín đồ mới được bước vào Thiên Hy Niên.

Sự đoán xét những người Dothái còn sống sót được mô tả trong Exe 20:34–38 và được minh họa trong Mat 25:1–30. Êxêchiên nói việc đó sẽ diễn ra sau khi toàn bộ những người Ysơraên còn sống sót được gom lại từ đầu cùng đất để trở về xứ Palestine. Đấng Christ sẽ khiến họ “đi ngang dưới gậy” (xem Le 27:32) để tẩy sạch hết kẻ dấy nghịch. Kết quả những kẻ dấy nghịch đó (người chưa được cứu) sẽ không được vào xứ Ysơraên (Exe 20:38), nhưng bị quăng ra ngoài nơi tối tăm (Mat 25:30). Trái lại, người nào qua được sự đoán xét nầy thì sẽ được vào vương quốc Thiên Hy Niên để hưởng các phước hạnh của Giao Ước Mới (Exe 20:37). Tại thời điểm nầy, nhóm người nầy sẽ chưa được ban thân thể phục sinh, nhưng sẽ vào trong vương quốc với thân thể phàm trần của họ,và sẽ trở thành cha mẹ của những trẻ sơ sinh Do Thái đầu tiên trong Thiên Hy Niên.

V. SỰ ĐOÁN XÉT NHỮNG NGƯỜI NGOẠI BANG CÒN SỐNG SÓT QUA CƠN ĐẠI NẠN

Cũng tại sự hiện đến lần thứ nhì của Đấng Christ,những người ngoại bang còn sống sót qua Cơn Đại Nạn sẽ bị Ngài đoán xét. Mat 25:31–46 mô tả chi tiết việc nầy. Giôên báo trước việc đó sẽ xảy ra trong “trũng Giôsaphát” (Gio 3:2), và đây có thể là trũng Kếtrôn ở mạn Đông Giêrusalem. Giôsaphát có nghĩa là “Yahweh đoán xét.”

Cả hai phân đoạn đều nói những người ngoại bang nầy bị đoán xét vì cách họ đối đãi với Ysơraên trong thời kỳ Cơn Đại Nạn.Đấng Christ là Quan Án; người ngoại bang sẽ bị đoán xét; theo toàn bộ những kế hoạch về Sự Cất Lên, thì Hội Thánh đã được Cất Lên trên thiên đàng rồi; “anh em” (mà cách đối xử với họ trở thành cơ sở để đoán xét) thì chỉ có thể là anh em theo huyết thống tự nhiên của Đấng Christ, tức là dân Do Thái (Ro 9:3). Vì người ngoại bang nào đối đãi nhân đức với người Do Thái trong Cơn Đại Nạn thì mạng sống người ấy sẽ lâm nguy, nên không ai làm việc nầy chỉ do thuần túy nhân từ,nhưng chỉ xuất phát từ tấm lòng đã được cứu chuộc. Do đó, đây không phải là sự đoán xét các công việc làm, nhưng sự đoán xét về đức tin thật, tức là đức tin sinh ra những việc lành vô kỷ như thế (hoặc thiếu đức tin đó để không đem lại một việc lành nào như thế).

Những người không có đức tin cứu rỗi và chứng tỏ tình trạng thiếu đức tin đó bằng cách không làm các việc lành thì sẽ bị quăng vào hồ lửa. Những ai có việc lành chứng tỏ được mình có đức tin cứu rỗi thì sẽ được vào Thiên Hy Niên. Giống như những người Do Thái còn sống sót của sự đoán xét trước đó, họ sẽ bước vào trong thân thể phàm trần, và trở thành cha mẹ của những trẻ sơ sinh ngoại bang đầu tiên trong Thiên Hy Niên.

Bạn sẽ thấy tôi hiểu sự đoán xét nầy liên quan đến cá thể những người ngoại bang, chứ không liên quan đến những nhóm dân tộc, như một số bản dịch hàm ý. Chữ được dùng trong phân đoạn nầy được dịch trong Tân Ước bởi chữ “người” hai lần, “người ngoại đạo” năm lần, “dân tộc” 64 lần, và “người ngoại bang” 93 lần. Các câu Kinh Thánh khác nói đến sự đoán xét tại sự hiện ra lần thứ hai của Đấng Christ thì đều mô tả sự đoán xét các cá nhân (Mat 13:30,47:50).

VI. SỰ ĐOÁN XÉT SATAN VÀ CÁC THIÊN SỨ SA NGÃ

Satan và các thiên sứ nó cũng sẽ bị đoán xét, dĩ nhiên là tại lúc kết thúc vương quốc Thiên Hy Niên. Chắc chắn Satan đã chịu nhiều bản án khác nữa cho hắn, nhưng đây sẽ là bản án chung quyết để nhốt hắn trong hồ lửa đời đời (25:41, Kh 20:10). Các thiên sứ nào bị đoán xét trong lần nầy cũng sẽ chịu chung số phận đó (Giuđe 6-7). Dường như tín đồ sẽ cùng với Chúa để xét đoán (ICo 6:3).

VII. SỰ ĐOÁN XÉT NHỮNG KẺ CHẾT CHƯA ĐƯỢC CỨU

Lúc kết thúc triều đại Thiên Hy Niên của Đấng Christ, kẻ chẳng tin thuộc mọi thời đại sẽ được sống lại và chịu xét đoán. Họ được sống lại để chịu xét đoán (được Chúa nói đến trong Gi 5:29). Sự đoán xét họ sẽ xảy ra trước Tòa Án Lớn và Trắng (Kh 20:11-15). Quan Án của họ là Đức Chúa Jesus Christ (xem Gi 5:22,27). Người chịu sự đoán xét nầy được gọi đơn giản là “kẻ chết” – tức kẻ chẳng tin Chúa (để phân biệt với “kẻ chết trong Đấng Christ,” là chữ chỉ về các tín đồ). Sự đoán xét nầy sẽ không phân rẽ tín đồ ra khỏi kẻ chẳng tin, vì toàn bộ những kẻ chịu sự đoán xét nầy đã chọn chối bỏ Đức Chúa Trời trong lúc họ còn sống trên đất. Sách Sự Sống được mở ra tại sự đoán xét ở Tòa Án Lớn và Trắng sẽ không có tên của bất cứ kẻ nào có mặt trong sự đoán xét nầy. Các sách ghi chép công việc làm cũng sẽ được mở ra, chứng minh mọi kẻ đang chịu đoán xét đó là xứng đáng chịu đoán phạt đời đời (và có thể được dùng để xác định mức độ hình phạt). Tuy không phải toàn bộ công việc làm của họ đều là xấu là ác, nhưng tất cả đều là những công việc chết, được làm ra bởi những người đã chết phần tâm linh. Dường như Quan Án sẽ phán: “Ta sẽ cho ngươi thấy theo sách chép về các việc làm của chính ngươi, thì ngươi xứng đáng bị đoán phạt.”Vì thế, mọi người có mặt trong sự đoán xét nầy đều sẽ bị quăng vào hồ lửa đời đời.