Việc xây dựng vương quốc tại sự hiện đến lần thứ nhất của Đấng Christ tạo ra lỗi sai về thần học kèm theo nhiều hệ quả nghiêm trọng. Với chữ “vương quốc,” tôi muốn nói đến quyền cai trị của Đấng Mêsia trên đất đúng như đã hứa cho Đavít (IISa 7:12-16). Việc tuyên bố Đấng Christ lập nước Đavít nầy khi Ngài hiện đến lần thứ nhất sẽ đòi hỏi phải giải thích hủy nghĩa đen những lời hứa đã lập cùng Đavít, dẫn đến kết quả gây lẫn lộn giữa Hội Thánh và nước Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, đạo đức luận của Hội Thánh và đạo đức luận của nước Đức Chúa Trời đã bị pha trộn lẫn nhau, và kết quả thường là đạo đức luận của nước Đức Chúa Trời được đề cao hơn đạo đức luận của Hội Thánh. Vì thế, Cơ đốc nhân được khuyên phải sống thể hiện nước Đức Chúa Trời ngay hiện tại.

Sai lầm đó đã bị mắc phải bởi những người sống ngay trong chức vụ tại thế của Đấng Christ (Lu 19:11). Sự thật là: Nước Đấng Mêsia sẽ khai mạc tại sự tái lâm của Đấng Christ. Tại lúc đó, lời hứa ban xứ cho Ápraham và dòng dõi ông sẽ được ứng nghiệm (Sa 15:18-21). Rồi lời hứa đã lập với Đavít rằng hậu tự của ông (Đấng Mêsia) sẽ ngồi trên ngai nước ấy đến đời đời sẽ được ứng nghiệm. Không có Thiên Hy Niên để cho mọi lời hứa trên đây được ứng nghiệm trong đó, thì những lời hứa ấy phải bị hủy vì một lý do nào đó, hoặc được ứng nghiệm cách khác chứ không ứng nghiệm theo nghĩa đen.

I. ĐỘ DÀI THỜI GIAN CỦA THIÊN HY NIÊN

Sáu lần trong Kh 20:2-7, độ dài của Thiên Hy Niên được nói đến là 1000 năm. Sự lập đi lập lại con số nầy nhấn mạnh cả sự ứng nghiệm theo nghĩa đen lẫn tầm quan trọng của nó. George E. Ladd, một người theo thuyết Tiền Thiên Hy Niên và phủ nhận nghĩa đen của con số nầy, nói rằng: “Thật khó để hiểu 1000 năm - trong thời gian đó hắn [Satan] bị xiềng - hoàn toàn theo nghĩa đen khi xét đến cách sử dụng những con số mang tính biểu tượng hiển nhiên trong sách Khải huyền. Một ngàn tương đương với mười lũy thừa ba - một thời gian lý tưởng” (A Commentary on the Revelation of John (Grand Rapids, MI:Eerdmans, 1971, trang 262). Dường như Augustine đã nghĩ đầu tiên về số 1000,lũy thừa ba của mười, là đại diện cho sự toàn hảo hay sự đầy trọn của thời gian (The City of God, 20.7). Phái Vô Thiên Hy Niên thường giải thích con số nầy như cách trên. Có thể thắc mắc chính đáng rằng vì sao mười được nâng lên lũy thừa ba lại là lý tưởng, chứ không phải mười lũy thừa mười, hay là một bậc lũy thừa nào khác? Hơn nữa, phủ nhận nghĩa đen của con số nầy bởi cớ sách Khải Huyền là một sách mang tính biểu tượng tức ta đã phớt lờ vấn đề không phải mọi điều chép trong đó đều mang tính biểu tượng, nên bởi đó buộc phải nêu những nguyên nhân khiến một phân đoạn nào đó mang tính biểu tượng. Không có lý do nào để phủ nhận nghĩa đen của con số 1000 chỉ về độ dài triều đại Thiên Hy Niên của Đấng Christ. (Xem Jack S. Deere, “Premillennialism in Revelation 20:4-6,”Bibliotheca Sacra, 135:58-73 (Tháng Giêng - Tháng Ba, 1978.)

II. QUYỀN CAI TRỊ TRONG THIÊN HY NIÊN

A. Thể Loại Sự Cai Trị

Sự cai trị trong vương quốc Thiên Hy Niên của Đấng Mêsia sẽ theo chế độ thần trị. Đây cũng chính là hình thức cai trị Đức Chúa Trời đã dùng cho dân Ysơraên trong thời Cựu Ước; chỉ trong Thiên Hy Niên,Đức Chúa Jesus mới đích thân cai trị cách hữu hình trên mọi công chuyện của loài người (Da 7:14). Sự cai trị của Ngài sẽ là sự cai trị chuyên quyền cách nhân từ (Kh 9:15). Kết quả sẽ có công lý trọn vẹn cho hết thảy mọi người, và tội lỗi sẽ bị hình phạt ngay tức khắc (Es 11:4; 65:20).

B. Trung Tâm Cai Trị

Địa hình trái đất sẽ bị thay đổi khi vương quốc nầy bắt đầu vận hành, và thành Giêrusalem sẽ là trung tâm cai trị (2:3).Thành đó sẽ được tôn cao (Xa 4:10); thành sẽ là nơi rất vinh hiển (Es 24:23); sẽ là địa điểm đền thờ (33:20), và là sự vui mừng của toàn thế gian (Thi 48:2).Giêrusalem, quang cảnh của biết bao chiến tranh và biến động của cả thời quá khứ lẫn hiện tại, và là nạn nhân của những sự đoán xét mai sau trong Cơn Đại Nạn, sẽ không bao giờ cần phải lo sợ về an toàn của thành nữa (Es 26:1-4).

C. Những Người Cai Trị Trong Chính Quyền Nầy

Có vẻ Đavít sẽ là nhiếp chính trong vương quốc Thiên Hy Niên. Rất nhiều lời tiên tri nói về địa vị quan trọng của Đavít trong vương quốc (Gie 30:9; Exe 37: 24-25). Có vẻ Đavít, cùng với các tín đồ Cựu Ước khác, sẽ được sống lại khi Đấng Christ hiện ra lần thứ nhì, và ông sẽ là vị vua ở dưới quyền của Đấng Christ, Vua muôn vua.

Thẩm quyền trên mười hai chi phái Ysơraên sẽ được giao cho mười hai Sứ Đồ (Mat 19:28). Các vua và các quan cai khác cũng sẽ dự phần trách nhiệm cai trị (Es 32:1; Gie 30:21). Dường như có nhiều người khác ở cấp thấp hơn cũng lãnh trách nhiệm trong các ban ngành cai trị khác nhau của vương quốc. Ví Dụ Về Nén Bạc (Lu 19:11-27) cho thấy những người đã chứng minh được lòng trung tín của mình sẽ được ban nhiều thẩm quyền. Hội Thánh cũng sẽ dự phần cai trị đất (Kh 5:10). Dầu rất nhiều thủ tục quản trị thông thường sẽ được thực thi bởi các thuộc cấp, nhưng Đấng Christ sẽ làm Vua trên muôn vua.

D. Các Thần Dân Của Chính Quyền Này

Những thần dân đầu tiên dưới quyền cai trị của Đấng Christ trong Thiên Hy Niên sẽ là người Dothái và ngoại bang còn sống sót qua Cơn Đại Nạn và bước vào vương quốc trong thân thể phàm trần của họ. Ngay tại đầu Thiên Hy Niên, mọi dân trên đất đều sẽ được cứu chuộc, vì mọi kẻ không được chuộc đã bị đoán xét khi Đấng Christ tái lâm. Dĩ nhiên, con trẻ sẽ được sinh ra để trong một vài năm kế tiếp sẽ có rất nhiều người trưởng thành đến tuổi tự quyết định quan hệ thuộc linh của mình với Vua. Họ sẽ phải phục tùng Ngài ít ra là ở bề ngoài, nhưng có dâng lòng trung thành của mình hay không lại là vấn đề lựa chọn của cá nhân. Mọi người đều phải chấp nhận Ngài là Vua, một số cũng sẽ tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của bản thân mình. Toàn bộ những người nầy sẽ sống trong thân thể có thể chết được. Đương nhiên, các thánh đồ đã sống lại sẽ có thân thể phục sinh, không bị ràng buộc bởi những giới hạn thuộc thể. Điều nầy cũng có nghĩa họ sẽ không góp phần làm tăng thêm không gian, lương thực hay những nan đề về chính quyền trong Thiên Hy Niên.

III. NHỮNG ĐẶC TRƯNG CỦA THIÊN HY NIÊN

A. Thuộc Linh

Một số người cho rằng nước Thiên Hy Niên không thể là một vương quốc thuộc linh nếu vương quốc đó ở trên đất. Nhưng “thuộc về đất” và “thuộc linh” không nhất thiết loại trừ lẫn nhau. Nếu hai khái niệm nầy không tương thích với nhau, thì Cơ đốc nhân ngày nay cũng không mong sống được nếp sống thuộc linh trong thân thể thuộc về đất. Trong Thiên Hy Niên, Đức Chúa Trời sẽ kết hợp phần thuộc linh và phần thuộc về đất trong sự thể hiện trọn vẹn vinh quang Ngài trên đất nầy. Vương quốc trên trần gian sẽ thể hiện những tiêu chuẩn cao cả nhất của tình trạng thuộc linh trưởng thành.

B. Công Bình

Chúa chúng ta sẽ là Vua cai trị trong sự công bình (Es 32:1). Sự công bình sẽ là dây thắt lưng của Ngài (11:5). Ngài sẽ dùng sự công bình đoán xét kẻ nghèo (11:4; 16:5). Siôn sẽ được gọi là thành của sự công bình (1:26). Chỉ những người công bình mới được vào nước Thiên Hy Niên từ lúc nước khai mạc (Mat 25:37), và những người khao khát sự công bình sẽ được no đủ (5:6).

C. Bình An

Do kết quả của sự công bình, Thiên Hy Niên sẽ là một kỷ nguyên thanh bình. Những kẻ thù ngày trước, như Êdíptô, Ysơraên,Asiri, sẽ ở hòa bình với nhau (Es 19:23-25). Giêrusalem, địa điểm của rất nhiều cuộc tranh chiến qua bao thế kỷ, bấy giờ sẽ được hòa bình (Xa 8:4-5). Thực ra,toàn thế gian đều được hòa bình (Es 2:4). Một hệ quả của việc nầy ấy là loại bỏ ngân sách quốc phòng, do do sẽ dồn nguồn cung ứng cho các mục đích khác.

D. Thịnh Vượng

Đất sẽ ngày càng tăng năng suất trong suốt Thiên Hy Niên vì đồng vắng và sa mạc sẽ trở nên hữu ích (Es 35:1-7). Mùa gặt nầy sẽ tiếp nối mùa gặt kia (Am 9:13-14). Những túng thiếu và bất công trong xã hội sẽ được loại bỏ (Thi 72:12-13). Lời rủa sả đất phải gánh chịu từ khi Ađam phạm tội sẽ được giải trừ, dầu vậy sẽ không được cất bỏ hoàn toàn mãi cho đến cuối Thiên Hy Niên, là khi sự chết đã bị chinh phục chung quyết.

E. Mộ Đạo

Sự hiểu biết trọn vẹn về Chúa sẽ bao trùm đất trong Thiên Hy Niên (Es 2:2-3). Rõ ràng, các của tế lễ sẽ được dâng trở lại trong đền thờ vừa được xây dựng và hoạt động trong Thiên Hy Niên (Exe 40-48).Phái Tiền Thiên Hy Niên hiểu những của lễ nầy là phương tiện để tưởng nhớ sự chết của Đấng Christ. Những lễ hội tôn giáo cũng sẽ được cử hành trong Thiên Hy Niên (46:1-15; Xa 14:16). (Để luận chi tiết những vấn đề nầy xin xem J. Dwight Pentecost, Things to Come, [Grand Rapids, MI: Zondervan, 1958], trang 512-31.)

IV. Ý NGHĨA CỦA THIÊN HY NIÊN ĐỐI VỚI ĐẤNG CHRIST

Lai thế học Tiền Thiên Hy Niên nói nhiều về ý nghĩa của Thiên Hy Niên đối với thế gian, với Giêrusalem, với xứ Palestine, với Ysơraên, với các dân, v.v... và đúng như vậy, vì Thiên Hy Niên sẽ gây ra nhiều thay đổi vĩnh viễn trên toàn thế gian. Nhưng còn một góc cạnh khác nữa có lẽ quan trọng hơn để đáng được khảo sát: Thời Đại Thiên Hy Niên sẽ có ý nghĩa gì với Chúa chúng ta?

Trong Thi 2:7-8 Vua Jesus được hứa ban quyền cai trị thế gian trong sự công bình. Đương nhiên, Ngài chưa chứng kiến lời hứa đó ứng nghiệm trong lần hiện đến thứ nhất, dầu Ngài đã trả giá cho điều đó bằng chính sinh mạng Ngài. Trong Khải Huyền 5, Ngài được tuyên bố là xứng đáng nhận quyển sách đóng ấn, mở ra và nhận lãnh cơ nghiệp vốn hoàn toàn thuộc về Ngài.Điều nầy sẽ được ứng nghiệm khi Ngài trở lại (11:15).

Vì sao cần đến một vương quốc trên trần gian? Không phải Ngài đã nhận lãnh cơ nghiệp Ngài khi Ngài thăng thiên và được tôn cao trên thiên đàng sao? Vì sao lại phải cần đến một vương quốc trên trần gian? Bởi vì Ngài phải đắc thắng khải hoàn ngay tại chính đấu trường mà Ngài có vẻ như đã bị thất bại. Sự chối bỏ Ngài của những kẻ cai trị thế gian nầy đã diễn ra trên đất nầy (ICo 2:8). Sự tôn cao Ngài cũng phải diễn ra trên đất nầy. Và sự tôn cao đó cũng sẽ diễn ra trên đất khi Ngài trở lại cai trị thế gian trong sự công bình. Ngài đã đợi chờ từ lâu để nhận lãnh cơ nghiệp Ngài: Ngài sẽ nhận lãnh cơ nghiệp ấy mau chóng.