I. ĐỊNH NGHĨA QUAN ĐIỂM

Quan điểm Sự Cất Lên Trung Đại Nạn cho rằng Sự Cất Lên của Hội Thánh sẽ diễn ra tại điểm giữa của bảy năm Đại Nạn; tức là sau khi ba năm rưỡi đã trôi qua. Theo quan điểm nầy, chỉ nửa cuối của tuần lễ thứ bảy mươi của Đaniên mới là Cơn Đại Nạn. Đây là lý do thuyết Trung Đại Nạn đôi khi được xem là một dạng của thuyết Tiền Đại Nạn, vì thuyết nầy dạy Sự Cất Lên diễn ra trước khi những hoạn nạn của ba năm rưỡi cuối xảy ra.

II. NHỮNG NGƯỜI HẬU THUẪN QUAN ĐIỂM NẦY

J. Oliver Buswell, Jr. đã dạy quan điểm Trung Đại Nạn trong tác phẩm A Systematic Theology of the Christian Religion (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1963,2:450,462). Gleason L. Archer, một học giả nổi tiếng, cũng theo quan điểm nầy (Reiter, Feinberg, Archer, Moo, The Rapture (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1983, trang 115-45).

III. NHỮNG LẬP LUẬN ỦNG HỘ QUAN ĐIỂM NẦY

A. Điểm Nhấn Mạnh Về Khoảng Thời Gian Ba Năm Rưỡi

Những phân đoạn tiên tri nhấn mạnh ba năm rưỡi cuối trong tuần thứ bảy mươi của Đaniên là thời gian có những sự đoán xét kinh khiếp trên đất, và mở đầu bằng một biến cố quan trọng nào đó. Dường như hợp lý để kết luận biến cố đó chính là Sự Cất Lên của Hội Thánh. Kết hợp hai khái niệm nầy lại với nhau (những sự đoán xét kinh khiếp trong ba năm rưỡi cuối và một biến cố quan trọng nào đó diễn ra ngay điểm giữa của bảy năm nầy), thì phải kết luận Sự Cất Lên Trung Đại Nạn của Hội Thánh. Hậu thuẫn Kinh Thánh cho quan điểm nầy gồm Da 7:25; 9:27; 12:7,11; Kh 11:2; 12:6,14.

Rõ ràng, những phân đoạn Kinh Thánh tiên tri có phân biệt hai nửa riêng biệt của thời kỳ bảy năm Đại Nạn. Nhưng như vậy không có nghĩa những sự đoán xét kinh khiếp chỉ diễn ra trong ba năm rưỡi cuối.Cũng không một phân đoạn nào được trích dẫn có nói, thậm chí ám chỉ, về Sự Cất Lên. Nhưng một số phân đoạn đó cho thấy có một biến cố cụ thể sẽ diễn ra vào giữa tuần lễ mà Antichrist sẽ chấm dứt việc dâng của tế lễ và của lễ chay. Da 12:11 đề cập cùng một biến cố nầy. Kh 12:6,14 thuật lại cách Ysơraên sẽ phải chạy trốn đến nơi ẩn náu trong đồng vắng vào điểm giữa nầy. Không cho thấy Sự Cất Lên, vì dân sót tin Chúa sẽ phải trốn đến một nơi trên đất này, và sẽ không được cất lên thiên đàng như cách sẽ diễn ra tại Sự Cất Lên. Sự kiện một số phân đoạn nầy có đề cập đến những biến cố trọng đại diễn ra tại thời điểm giữa nhưng không phân đoạn nào nói Sự Cất Lên là một trong số biến cố trọng đại đó, đấy chính là sự kiện có ý nghĩa hơn cả.

Phái Trung Đại Nạn tin sẽ có những thử thách và những đoán xét trong ba năm rưỡi đầu của Cơn Đại Nạn, nhưng đấy là do thạnh nộ của con người, trong khi những sự đoán xét trong ba năm rưỡi cuối ra bởi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, hãy để ý 6:16-17 nói cơn thạnh nộ của Chiên Con “đã đến.” Điều nầy cho thấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ bắt đầu trước khi mở ấn thứ sáu. Muốn phù hợp với khung thời gian của thuyết Trung Đại Nạn, người ta sẽ phải đặt những sự đoán xét khởi đầu của các ấn vào ba năm rưỡi cuối của Cơn Đại Nạn.

B. Bài Giảng Trên Núi Ôlive

Phái Trung Đại Nạn tìm hậu thuẫn cho quan điểm mình từ Bài Giảng Trên Núi Ôlive. Lập luận nầy diễn tiến như sau: Mat 24:27 chỉ ra cho thấy Sự Cất Lên, bởi vì chữ parousia được dùng ở đây cũng là chữ được dùng nói đến Sự Cất Lên trong ITêsalônica 4:15. Mat 24:31 và IITêsalônica 2:1 cũng dùng những chữ ra từ cùng một gốc nầy (episynago). Theo tôi, lập luận nầy dường như hậu thuẫn trình tự thời gian của thuyết Hậu Đại Nạn, vì những so sánh nầy dường như kết luận Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm là cùng một biến cố, hay ít ra,chúng diễn ra cùng một thời điểm (vào cuối Cơn Đại Nạn). Nhưng phái Trung Đại Nạn né tránh kết luận đó bằng cách lập luận rằng Sự Cất Lên trong Bài Giảng Trên Núi Ôlive đã được mở đường bởi những dấu lạ mà chúng sẽ cảnh tỉnh tín đồ biết Sự Cất Lên đã đến gần. Những dấu hiệu nầy gồm sự truyền bá tin lành (Mat 24:14), sự xuất hiện của Con Thú (c.15), và sự bắt bớ lớn (c.10-27). Vì những dấu hiệu nầy sẽ xuất hiện trong nửa tuần lễ đầu, nên Sự Cất Lên phải xảy ra ngay tại điểm giữa.Nhưng thành thật mà nói, nếu đây đã là một lập luận tốt cho thuyết Trung Đại Nạn,thì có vẻ nó lại là lập luận ủng hộ càng tốt hơn nữa cho thuyết Hậu Đại Nạn.

Vậy còn cách dùng một số chữ giống nhau để chỉ về Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm thì sao? Điều nầy có cho thấy chúng là cùng một biến cố không? (Đương nhiên, đây cũng là lập luận được dùng để hậu thuẫn thuyết Hậu Đại Nạn nữa). Dĩ nhiên là không. Người ta chờ đợi tìm thấy những từ vựng tương tự nhau được dùng để mô tả những biến cố có phần tương tự nhau. Nhưng sự tương tự không tạo nên sự đồng nhất.

C. Tiếng Kèn Chót

Thuyết Trung Đại Nạn cho rằng tiếng kèn thứ bảy của Kh 10:7 tương ứng với tiếng kèn chót của ICo 15:52. Nếu đúng như vậy,thì Sự Cất Lên (được mô tả trong ICôrinhtô) sẽ diễn ra tại điểm giữa của Cơn Đại Nạn (là lúc ống loa thứ bảy được thổi lên). Đây là một lập luận có phần đơn giản hóa, cho rằng toàn bộ việc thổi các ống loa phải chỉ về cùng một loại biến cố.Điều nầy không đúng. Trong văn chương mặc khải của người Do thái, các tiếng loa báo hiệu rất nhiều biến cố lai thế học trọng đại khác nhau, bao gồm những sự đoán xét, sự nhóm họp lại của kẻ được chọn, và sự sống lại. Giờ đây, tiếng loa thứ bảy là tiếng loa của sự đoán xét, trong khi tiếng kèn của ICôrinhtô là tiếng kèn của sự giải cứu và của sự sống lại. Cho rằng chúng chỉ ra cùng một biến cố thì thật là một sự giả định vô cớ.