I. NAN ĐỀ

Khi Thiên Hy Niên bắt đầu, một số người phải còn sống trong thân thể chưa phục sinh, là người có thể sanh con cái và cư trú trong nước đó. Toàn bộ phái Tiền Thiên Hy Niên nhất trí vấn đề nầy.

Thiên Hy Niên không những bao gồm quyền cai trị của Đấng Christ và của dân sự Ngài, tức những người bấy giờ đã có thân thể phục sinh, mà còn gồm sự cai trị của Đấng Christ trên dân cư trên đất, tức những người chưa nhận được thân thể phục sinh. Nếu chỉ có tín đồ đã được phục sinh trong vương quốc nầy mà thôi, thì sẽ không có sự chết, không gia tăng dân số,không có sự khác biệt về tuổi tác của công dân Thiên Hy Niên (toàn bộ những điều nầy đã được nêu ra để biểu thị đặc trưng của Thiên Hy Niên - Es 65:20, Xa 8:5; Kh 20:12). Vì những người đã phục sinh không sinh sản, nên không có cách nào để có dân cư trên nước Thiên Hy Niên, trừ khi một số người chưa phục sinh được bước vào Thiên Hy Niên. Như vậy mọi người theo thuyết Tiền Thiên Hy Niên thấy cần phải có một số người lớn còn sống sót sau Cơn Đại Nạn, không được cất lên thiên đàng vào cuối Cơn Đại Nạn nhưng bước vào Thiên Hy Niên trong thân thể chưa phục sinh, để trở thành tổ phụ đầu tiên của cư dân Thiên Hy Niên.

II. GIẢI PHÁP TIỀN ĐẠI NẠN

Cách hiểu Tiền Đại Nạn về những biến cố tương lai thỏa đáp dễ cho nhu cầu nầy. Sự Cất Lên sẽ diễn ra trước Cơn Đại Nạn,đem đi mọi người được cứu chuộc đang còn sống trên đất lúc bấy giờ. Nhưng nhiều người sẽ được cứu trong Cơn Đại Nạn (Kh 7:9,14) bao gồm cả nhóm 144.000 ngàn người Dothái (c.4). Trong số những người được cứu suốt thời kỳ khủng khiếp đó,đa số sẽ tuận đạo (6:11; 13:15), nhưng một số vẫn còn sống sót để bước vào Thiên Hy Niên (Mat 25:34; Xa 14:11). Nhóm người đầu tiên bước vào Thiên Hy Niên không những vào đó trong thân thể thiên nhiên của mình, mà còn là những người được chuộc, sẵn lòng thuận phục quyền cai trị của Vua. Đến đúng kỳ, những con trẻ sẽ được sinh ra và lớn lên. Một số sẽ tiếp nhận Đấng Christ vào lòng; một số không tiếp nhận Ngài. Nhưng hết thảy đều phải trung thành với quyền tể trị của Vua, bằng không sẽ gánh chịu hậu quả. Đến cuối Thiên Hy Niên, sẽ có vô số người dấy nghịch, tức những người đã tỏ ra vâng phục Vua ở bề ngoài, nhưng khi được Satan tạo cơ hội lúc hắn được thả ra, thì họ sẽ theo Satan chống lại Đấng Christ (Kh 20:7-9).

Như vậy, theo cách hiểu Tiền Đại Nạn về những biến cố tương lai nầy, tổ phụ nguyên thủy của nước Thiên Hy Niên sẽ ra từ những người sống sót đã được cứu chuộc (nhưng chưa được phục sinh) trong Cơn Đại Nạn,là “chiên” trong Mat 25:34 và là những người Dothái trung tín còn sống sót của Exe 20:38.

III. GIẢI PHÁP HẬU ĐẠI NẠN

Tương phản với quan điểm trên là bức tranh của phái Hậu Đại Nạn. Đương nhiên, Hội Thánh sẽ sống và trải qua Cơn Đại Nạn. Dầu một số tuận đạo, nhưng nhiều người sẽ được giữ gìn và còn sống sót. 144.000 người Do thái và đoàn dân đông trong Khải Huyền 7 được bao gồm trong Hội Thánh. Đến cuối Cơn Đại Nạn, mọi tín đồ còn sống sẽ được Cất Lên, được ban thân thể phục sinh, và tức khắc quay về trần gian trong một biến cố duy nhất của Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm. Điều nầy dường như loại bỏ toàn bộ người được cứu chuộc nhưng chưa được phục sinh ra khỏi trái đất tại thời điểm bấy giờ, để không còn ai ở lại bắt đầu làm cư dân trong nước Thiên Hy Niên. Nếu những kẻ ác sống sót kia hoặc bị giết, hoặc bị ném vào địa ngục cuối Cơn Đại Nạn, thì sẽ không còn ai có thân thể chưa phục sinh bước vào Thiên Hy Niên.

Như vậy, phái Hậu Đại Nạn hoặc phải tìm kiếm người nào đó chưa được cứu khi Sự Cất Lên bắt đầu, nhưng sẽ được cứu vào lúc kết thúc biến cố duy nhất và tức thì của Sự Cất Lên - Sự Tái Lâm (có bao nhiêu thời gian đây?), hoặc phải công nhận tổ phụ đầu tiên của Thiên Hy Niên là những người chưa được cứu, nhờ cách nào đó mà chưa bị giết hoặc chưa bị đoán phạt ngay tại hoặc sau trận Hamaghêđôn. Trên đây là những phương án duy nhất cho phái Hậu Đại Nạn tìm ra tổ phụ của dân Thiên Hy Niên.

Chúng ta cần phải nhớ một chi tiết khác tại thời điểm nầy. Cư dân Thiên Hy Niên bao gồm cả người Dothái lẫn người ngoại bang (Es 19:24-25). Vì vậy, thế hệ đầu tiên phải bao gồm cả hai chủng tộc nầy.Nhưng Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn sẽ loại toàn bộ ứng viên cho những bậc cha mẹ được chuộc trong Thiên Hy Niên thuộc mọi chủng tộc. Và những sự đoán xét xảy ra khi Đấng Christ tái lâm sẽ loại toàn bộ các ứng viên là những cha mẹ chưa được chuộc trong Thiên Hy Niên thuộc mọi chủng tộc. Những bậc cha mẹ nầy sẽ ra từ đâu?

Hầu hết phái Hậu Đại Nạn không cố gắng giải đáp thắc mắc nầy, có lẽ vì phái Hậu Đại Nạn thường không kết hợp các chi tiết trong hệ thống của họ lại với nhau cho có thứ tự. Bức tranh của họ về tương lai được vẽ bằng những nét chấm phá, chứ không bằng những chi tiết tinh tế. Phái Hậu Đại Nạn không bảo trợ những hội nghị về lời tiên tri mà trong đó, các diễn giả được yêu cầu phải mô tả khá cụ thể về hệ thống do họ đề xướng. Có lẽ một số người theo thuyết Hậu Đại Nạn chưa hề xem vấn đề này như một thắc mắc, chỉ vì họ không giải thích cách hệ thống và chi tiết về bố cục các biến cố tương lai.Nhưng dầu lý do gì đi nữa, hầu hết họ không giải đáp thắc mắc nầy.

Robert Gundry là một ngoại lệ (The Church and the Tribulation [Grand Rapids, MI: Zondervan, 1973]), trang 81-3,134-9,163-71).Câu trả lời của ông gồm hai phần. Những tổ phụ Do thái của dân cư Thiên Hy Niên sẽ ra từ số 144.000 người vốn chưa được cứu trong Cơn Đại Nạn, nhưng chỉ được cứu vào cuối thời kỳ đó (trang 83). Tổ phụ ngoại bang sẽ ra từ những người gian ác,mà bằng cách nào đó thoát chết và / hoặc sự đoán xét ở cuối Cơn Đại Nạn (trang 137). Những người gian ác đó chính là những kẻ bị để lại trong Mat 24:40-41 (để phân biệt với những người được cất đi trong Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn). Ông nói:“...sự hủy diệt một phần sẽ chừa lại số người chưa được cứu còn sót kia, để cư trú trên đất của Thiên Hy Niên” (trang 137.)

Hơn nữa, nếu bức tranh hậu đại nạn nầy là đúng thì phải điều chỉnh thời điểm đoán xét chiên và dê của Mat 25:31-46.Nguyên nhân rất đơn giản: Nếu Sự Cất Lên xảy ra sau Cơn Đại Nạn, thì toàn bộ chiên (người được chuộc) đã được cất lên khỏi đất rồi, và sẽ không còn chiên nào trong sự đoán xét đó nếu sự đoán xét đó diễn ra ngay tại Sự Tái Lâm, tức là một biến cố duy nhất cùng chung với Sự Cất Lên. Dứt khoát không có chuyện: Sự Cất Lên cất chiên lên rồi nhưng vẫn cứ còn chiên ở trên đất để chịu đoán xét ngay sau Sự Cất Lên. Vì vậy, hoặc là Sự Cất Lên không thể xảy ra sau Cơn Đại Nạn, hoặc sự đoán xét chiên và dê phải xảy ra sau Sự Tái Lâm (Gundry đặt biến cố nầy sau Thiên Hy Niên).

Chúng ta cần phải xét ba vấn đề cần thiết cho câu trả lời của phái Hậu Đại Nạn: (a) sự hoán cải của một trăm bốn mươi bốn ngàn người, (b) sự nhận diện các nhóm người trong Mat 24:40-41 và (c) thời điểm sự xét đoán chiên và dê trong c.31-46.

IV. MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN NGÀN NGƯỜI DO THÁI

Một số người theo thuyết Hậu Đại Nạn xem 144.000 người Do Thái nầy là “dân Ysơraên thuộc linh - tức là hội thánh”(George E. Ladd, A Commentary on the Revelation of John [Grand Rapids, MI:Eerdmans, 1971], trang 114). Nếu vậy, việc đóng ấn họ xảy ra tại đầu Cơn Đại Nạn và liên quan đến sự cứu rỗi tâm linh cũng như sự giữ gìn thuộc thể. Gundry công nhận 144.00 người nầy có lẽ thuộc về hội thánh (và do đó họ được cứu từ lúc bắt đầu); ông thích xem họ là những người chưa được cứu trong suốt Cơn Đại Nạn, và cũng chính là một với nhóm người nhìn xem Đấng Christ khi Ngài trở lại và tin (Xa 12:10) và là một với nhóm người Ysơraên sẽ được cứu tại Sự Tái Lâm (Ro 11:26-27). Nguyên nhân khiến ông thích chọn như vậy chính là do phép lý luận. Nếu 144.000 người nầy đã được cứu trong bảy năm Cơn Đại Nạn - từ lúc đầu, ở giữa,hay thậm chí trong năm cuối cùng đi nữa - thì họ sẽ được cất lên trong Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn, được ban cho thân thể phục sinh tại lúc đó, rồi đồng thời quay về để cai trị với Đấng Christ trong Thiên Hy Niên. Nhưng việc ban cho thân thể phục sinh sẽ loại trừ việc họ trở thành tổ phụ của bất cứ ai trong Thiên Hy Niên. Mặt khác, nếu vẫn chưa được cứu cho đến ngay lúc cuối Sự Tái Lâm, thì họ sẽ “thoát khỏi” Sự Cất Lên, mặc dầu vậy họ hoán cải, nhưng vẫn còn trong thân thể chưa phục sinh, nên bởi đó có thể trở thành cha mẹ của con cái trong thiên hy niên.

Thực ra, phái Tiền Đại Nạn hiểu rằng sẽ có một nhóm người Do Thái hoán cải vào cuối Cơn Đại Nạn, và họ sẽ là những cha mẹ của phần dân DoThái trong cư dân Thiên Hy Niên. Họ sẽ ra từ giữa vòng người Do Thái sống sót khỏi Cơn Đại Nạn, dẫu chưa được cứu trong suốt thời kỳ đó. Khi Chúa tái lâm, họ sẽ được gom lại và chịu đoán xét, những kẻ dấy nghịch (chắc hai phần ba dân số - Xa 13:8) phải bị loại khỏi nước Thiên Hy Niên, và những ai lấy đức tin trở về với Chúa khi nhìn thấy Ngài thì được vào vương quốc Ngài (Exe 20:33-44). Những người tin Chúa còn sống sót đó hợp thành “cả” dân Ysơraên sẽ được cứu lúc Chúa tái lâm (Ro 11:26). Nhưng lúc đó, họ sẽ không được ban thân thể phục sinh; đúng hơn, họ sẽ vào vương quốc trong thân thể vật chất cùng với khả năng sinh con cái.

Vì sao phái hậu đại nạn cũng không thể để nhóm người nầy trở thành những cha mẹ trong Thiên Hy Niên? Vì nhóm người đó sẽ tin khi họ thấy Chúa đến, là việc sẽ diễn ra tại Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn. Vì vậy,họ cũng sẽ được cất lên thiên đàng, được ban thân thể phục sinh, và bị loại trừ khỏi khả năng làm cha mẹ. Sự Cất Lên - bất luận diễn ra khi nào đi nữa - sẽ là sự phân rẽ lớn nhất tách tín đồ ra khỏi người chưa tin Chúa mà người ta có thể nghĩ tới, vì vậy, nếu có một nhóm người Do Thái chịu tin Chúa khi thấy Ngài đến,và nếu sự hiện đến đó là Sự Cất Lên - Sự Tái Lâm Hậu Đại Nạn, thì họ sẽ được cất lên bởi vì tại lúc đó họ sẽ trở thành tín đồ. Vậy, phái Hậu Đại Nạn cần có một nhóm người được đóng ấn ở trong tình trạng chưa được cứu rỗi đủ lâu để vuột mất Sự Cất Lên, nhưng không quá lâu đến nỗi vuột mất cơ hội được vào Thiên Hy Niên trong thân thể vật chất. Do đó, đúng như mong đợi, Gundry nói về Exe 20 rằng:“có lẽ phân đoạn Kinh Thánh đó không hề mô tả sự đoán xét chính thức” (trang 168). Thực ra, trong hệ thống của thuyết Hậu Đại Nạn, nó không thể.

Liệu có thể xem 144.000 người là người chưa hoán cải trong suốt những năm Đại Nạn không? Câu trả lời là có. Người ta có thể tin theo bất kỳ cách giải thích nào họ muốn. Vấn đề không phải là: “Có thể giải thích cách đó không?” Vấn đề chính là: “Làm như vậy có hợp lý không? Khúc Kinh Thánh Kh 7:1-8 nói gì?”

Khúc Kinh Thánh nầy nói lên hai sự kiện rất có ý nghĩa: 144.000 người nầy có “ấn của Đức Chúa Trời hằng sống”(c. 2), và họ là “người tôi tớ dạn dĩ của Đức Chúa Trời chúng ta” (c.3). Kinh Thánh không nói cụ thể sự hầu việc Chúa của họ là việc gì, nhưng có nói họ hầu việc ai. Họ hầu việc Đức Chúa Trời, chứ không hầu việc Antichrist. Ở đây, chúng ta có buộc phải tưởng tượng nhóm 144.000 người chưa được cứu rỗi kia sẽ được gọi là tôi tớ dạn dĩ của Đức Chúa Trời không? Phái Hậu Đại Nạn giải thích yếu ớt rằng cách gọi nầy mang tính tiên liệu sự hầu việc Đức Chúa Trời trong thiên hy niên của họ và tới lúc đó họ đã quay về với Chúa rồi. Bất cứ cách giải thích nào cũng khả dĩ,nhưng liệu đó có phải là ý nghĩa khả dĩ nhất của khúc Kinh Thánh nầy chăng?Đương nhiên là không.

Nhưng ngay cả khi chấp nhận cách gọi họ là tôi tớ của Đức Chúa Trời không áp dụng cho 144.000 người trong thời kỳ Cơn Đại Nạn, nhưng chỉ áp dụng trong Thiên Hy Niên, thì lời tuyên bố trong câu 2 cũng khó hòa hợp vào hệ thống Hậu Đại Nạn. Chúng ta biết nhóm người nầy được đóng ấn trước khi những sự đoán xét của Cơn Đại Nạn bắt đầu (c.3). Hãy cố xếp đặt điều nầy cho khớp vào thuyết Hậu Đại Nạn. Đây sẽ là một nhóm đặc biệt gồm người Do Thái chưa hoán cải và được Đức Chúa Trời đóng ấn trên trán họ. Là người chưa được cứu, họ (hoặc chắc chắn là một số người trong họ) sẽ theo Antichrist, và Antichrist cũng đóng dấu trên trán hoặc trên cánh tay họ. Và số phận của những kẻ theo Antichrist đã được ấn định trước rồi: họ sẽ chịu đau đớn trong lửa và diêm (14:9-11). Sẽ không một môn đồ Antichrist nào được cứu, ngay cả 144.00 người trong số đó cũng không.

Tóm lại: thuyết Hậu Đại Nạn cần phải có một nhóm người chưa hoán cải còn sống sót Cơn Đại Nạn, là nhóm người vì chưa hoán cải nên không được cất lên không trung vào lúc cuối, nhưng sẽ hoán cải vào lúc Thiên Hy Niên bắt đầu để họ có thể bước vào Thiên Hy Niên trong thân thể chưa phục sinh của mình và sanh con cái. Nhóm người duy nhất có thể đáp ứng tiêu chuẩn đó là 144.000 người kia, và coi như có thể mô tả họ là những tôi tớ chưa hoán cải của Đức Chúa Trời, trên trán có ấn của Đức Chúa Trời trước lúc Cơn Đại Nạn bắt đầu, và không chịu theo Antichrist để khỏi mang dấu của hắn. Có thể có điều này không?

V. Mat 24:40-41

Không những phải nhận diện 144000 người cách đăc thù, mà còn phải phân biệt những nhóm người trong c. 40-41 theo cách nào đó cho phù hợp với bức tranh Hậu Đại Nạn.

Theo cách hiểu của thuyết Hậu Đại Nạn, những câu Kinh Thánh nầy nói như sau: “Lúc ấy (tại Sự Cất Lên- Sự Tái Lâm Hậu Đại Nạn,sẽ có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người đã được cứu, đại diện cho Hội Thánh được đem đi [trong Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn], và một người chưa được cứu đại diện cho kẻ gian ác bị để lại [để chịu đoán xét, dầu vậy không phải mọi người đều sẽ bị đoán xét, nên một số sẽ được để lại làm cha mẹ của dân cư ngoại bang trong Thiên Hy Niên.]” Và cũng giống y như vậy trong câu 41 - người “được đem đi” là người được cất lên, và “bị để lại” là người bị đoán xét.

Trái lại, phái Tiền Đại Nạn xem những câu Kinh Thánh nầy là lời tuyên bố tổng quát những kết quả từ sự đoán xét cụ thể cho những người Do thái và ngoại bang còn sống sót khi Đấng Christ tái lâm. Người được đem đi tức là bị đem đi vào sự đoán xét và đoán phạt, và những kẻ bị để lại tức là kẻ đã vượt qua thành công những sự đoán xét đó và được để lại để hưởng phước trong nước Thiên Hy Niên.

Hãy lưu ý phái Hậu Đại Nạn phải bổ sung thêm điều kiện: không phải mọi người bị để lại đều là người bị đoán xét và bị định tội để cho sẽ có một số người được chừa lại làm cư dân trên đất. Nhưng trong điều kiện đó hàm chứa một sự bất nhất: Sự Cất Lên sẽ đem đi toàn bộ những người được cứu chuộc, nhưng sự đoán xét lại không bao gồm những kẻ chưa được chuộc. Chỉ có một phần những kẻ gian ác sẽ bị đoán xét.

Phái Tiền Đại Nạn hậu thuẫn quan điểm mình bằng cách nói: Theo câu 39, Nước Lụt đùa dân chúng thời Nôê để đem đi đoán xét; do đó, những người được đem đi tại Sự Tái Lâm cũng sẽ bị đem vào sự đoán xét.

Phái Hậu Thiên Hy Niên nhận định rằng có một chữ khác được dùng trong câu 39 cho chữ “đùa đem đi” khác với chữ trong câu 40 và 41, chỉ ra hai loại khác nhau của sự đem đi - câu 39 là đem vào sự đoán xét,nhưng câu 40-41 là đem đi lên thiên đàng trong Sự Cất Lên. Họ củng cố luận điểm của mình bằng cách nói rằng: chữ dùng trong câu 40 và 41 cũng chính là chữ được dùng để mô tả Sự Cất Lên trong Gi 14:3, “đem các ngươi đi với ta.”

Hai cách giải thích nầy như sau:

LỐI GIẢI THÍCH TIỀN ĐẠI NẠN

“Được Đem Đi”: Để hưởng phước trong nước Thiên Hy Niên (trong thân thể chưa được phục sinh để sinh con cái)

“Bị Để Lại”: Vào sự đoán xét

LỐI GIẢI THÍCH HẬU ĐẠI NẠN

Vào thiên đàng trong Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn

Để chịu đoán xét (nhưng chỉ một phần số người nầy bị đoán xét, để cho số còn lại có thể vào trong Thiên Hy Niên với thân thể chưa phục sinh).

Phái Tiền Đại Nạn thấy rằng trong Gi 19:16,chữ được dùng trong Mat 24:40-41 (xem như nói về Sự Cất Lên theo phái Hậu Đại Nạn)cũng chính là chữ được dùng để nói đến việc đem Chúa đi xét đoán, vì thế rõ ràng có thể nói về sự đoán xét trong câu 40-41, đúng như cách thuyết Tiền Đại Nạn đã dạy. Người ta cứ bàn tới bàn lui đến những chữ nầy. Chúng ta có kết luận gì đây? Đơn giản là bản thân những chữ nầy thiếu sức thuyết phục.

Nhưng không phải không có giải pháp cho cuộc tranh luận nầy. Có thể dễ dàng giải quyết vấn đề nầy bằng cách xem một phân đoạn song song trong Lu 17:34-37, trong đó, có lời cảnh cáo của chính Chúa về việc một người được đem đi và một người bị để lại. Tuy nhiên, Luca nêu thêm một câu hỏi của các môn đồ: “Thưa Chúa sự ấy sẽ ở tại đâu?” Họ hỏi Ngài xem những người được cất đi kia sẽ được cất đi đâu. Họ không thắc mắc xem những người bị để lại sẽ bị để lại nơi nào. Nếu Chúa muốn chúng ta hiểu những người được cất đi tức là được đem đi trong Sự Cất Lên (giống như thuyết Hậu Đại Nạn đã dạy), thì chắc Ngài đã trả lời thắc mắc của họ bằng cách nói rằng thiên đàng, hoặc nhà Cha ta, hoặc lối nói tương tự. Nhưng câu trả lời của Ngài cho biết họ sẽ được cất đi đến một nơi nào đó trái ngược với thiên đàng vui vẻ. Câu trả lời của Ngài là: “Xác chết ở đâu, chim ó nhóm tại đó.” Câu trả lời của Đấng Christ là một câu châm ngôn nói về những con chim ó xuất hiện từ đâu không biết mỗi khi có súc vật chết. Họ sẽ được đưa đi đâu? Đưa đến nơi nào có sự chết và sự hủy hoại, chứ không đến nơi có sự sống và sự bất tử. Câu nầy không nói đến thiên đàng, nhưng nói đến sự đoán xét. Vì vậy cách hiểu của phái Tiền Đại Nạn để xác định về người được đem đi và người bị để lại là cách giải thích đúng theo như Lu 17:37. Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn không được nêu ra trong những câu Kinh Thánh nầy.

VI. THỜI ĐIỂM SỰ ĐOÁN XÉT CHIÊN VÀ DÊ

Sự đoán xét chiên và dê nầy - được phái Tiền Đại Nạn đặt ngay tại Sự Tái Lâm - phải bị dời lui lại ít lâu nếu như muốn thuyết Hậu Đại Nạn được nhất quán. Nguyên do là: nếu Sự Cất Lên diễn ra vào cuối Cơn Đại Nạn, tức là tại Sự Tái Lâm, và nếu tất cả chiên đều được cất lên thiên đàng trong Sự Cất Lên đó, thì làm sao còn chiên bị để lại để nhóm hiệp trước mặt Đấng Christ khi Ngài đến ? Chiên đã đi hết cả rồi. Hoặc nói cách khác: Sự Cất Lên -Sự Tái Lâm sẽ phân biệt kẻ được chuộc khỏi kẻ ác; còn sự đoán xét nầy tại lúc Đấng Christ tái lâm cũng sẽ làm y như vậy, chỉ khác có điều là sẽ không còn một người công bình nào trên đất để được phân rẽ ra, vì họ vừa mới được cất lên hết rồi.

Việc dời chuyển sự đoán xét nầy cũng cung cấp người chưa được cứu còn sống sót qua Cơn Đại Nạn và qua Sự Tái Lâm để họ bước vào nước Thiên Hy Niên trong thân thể chưa được phục sinh. Gundry thừa nhận:“Do đó, chúng ta buộc phải đặt sự đoán xét các dân ở sau Thiên Hy Niên” (trang 166). Bị buộc sao? Tại sao như vậy? Bởi vì sự đoán phạt dê không thể nào là sự đoán phạt chỉ một phần số dê đó, vì Kinh Thánh nói “tất cả” (bản Việt Ngữ -“muôn dân”) đều sẽ bị đoán xét. Trong cách giải thích về những người bị để lại trong Mat 24:40-41, Gundry nói số người đó chỉ đại diện cho “sự hủy diệt một phần ” (trang 137), nhưng ở đây Kinh Thánh nói cụ thể hết thảy đều bị đưa ra đoán xét (25:32).

Không có câu Kinh Thánh nào đòi hỏi người chưa được cứu sẽ bước vào trong Thiên Hy Niên. Sau vài năm trôi qua, sẽ có những người được sinh ra trong thời kỳ đầu của Thiên Hy Niên, rồi họ lớn lên, và trong lòng chối bỏ chính Đấng vừa là Cứu Chúa vừa là Vua (dầu bề ngoài tỏ ra vâng phục Ngài). Nhưng không câu Kinh Thánh nào qui định có người chưa được cứu ở giữa số người sống sót khỏi Cơn Đại Nạn và được bước vào trong Thiên Hy Niên.Xa 14:16 (đôi khi được dùng hậu thuẫn ý nầy) nói đến thế hệ thứ nhất của công dân Thiên Hy Niên là những người đã trải qua những sự đoán xét với tư cách của người được chuộc chứ không phải tư cách người dấy nghịch, và họ sẽ tự nguyện đi đến Giêrusalem để thờ phượng Vua. Nhưng câu 17-21 chuyển sang mô tả những tình trạng trong suốt Thiên Hy Niên, chứ không phải chỉ ở lúc bắt đầu. Thời gian trôi qua, một số người sẽ không vâng phục Vua, và họ sẽ phải bị trừng phạt.

Có lẽ lập luận thuyết phục hơn cho việc phái Hậu Đại Nạn dời sự đoán xét nầy đến cuối Thiên Hy Niên không phải là để đưa dê vào Thiên Hy Niên, mà là để đưa chiên vào chịu sự đoán xét. Tôi xin trình bày lại ý nầy: Nếu sự đoán xét xảy ra tại Sự Tái Lâm, và nếu Sự Cất Lên vừa mới diễn ra như một phần của Sự Tái Lâm, và nếu Sự Cất Lên đã đem chiên đi (và đúng là như vậy), thì chiên sẽ ra từ đâu để có mặt trong sự đoán xét nầy?

Tuy nhiên, nếu có thể dời sự đoán xét nầy đến cuối Thiên Hy Niên, thì đương nhiên như vậy sẽ có cả người công bình lẫn người gian ác sống tại lúc kết thúc Thiên Hy Niên. Nhưng nếu như vậy, người ta làm sao hòa hợp những đặc trưng rất khác nhau của Mat 25:31-46 với những đặc trưng mô tả điều được xem như cùng một sự đoán xét ấy ở tại Tòa Án Lớn và Trắng trong sách Kh 20:11-15? Hãy để ý một số điểm tương phản giữa sự đoán xét chiên và dê với sự đoán xét tại Tòa Án Lớn và Trắng.

Gundry gọi sự đoán xét chiên và dê là “Mẫu mực cho sự đoán xét lớn ở kỳ tận thế” (trang 167). Nếu đây là mẫu mực, thì không chính xác lắm! Đúng là các phân đoạn mô tả cùng một biến cố thì không bắt buộc phải chứa đựng toàn bộ những chi tiết giống y như nhau, nhưng hai phân đoạn nầy dường như hoàn toàn không tương tự nhau trong các chi tiết của chúng.

Nếu sự đoán xét chiên và dê phải dời đến cuối Thiên Hy Niên, thì đương nhiên, phải hiểu Mat 25:31 chỉ về Sự Tái Lâm và câu 32 chỉ về kỳ kết thúc Thiên Hy Niên, tức một ngàn năm sau. Nói cách khác, khoảng cách của thời kỳ Thiên Hy Niên dài một ngàn năm phải xuất hiện giữa câu 31 và 32. Phái Tiền Thiên Hy Niên công nhận có những khoảng cách như thế trong Kinh Thánh (Es 9:6 và Gi 5:28-29 chẳng hạn), vì thế, đây không phải là một ý kiến không thể tồn tại. Nhưng đây có phải cách giải thích khả dĩ không?

CHIÊN VÀ DÊ

Không có sự sống lại (dầu các thánh đồ Cựu Ước có thể sống lại tại Sự Tái Lâm, nhưng họ sẽ không có mặt trong sự đoán xét nầy).

Không có các sách mở ra.

Dùng chữ “các dân” (và chữ nầy không bao giờ dùng để chỉ về người chết).

Có mặt chiên

Đề cập ba nhóm: chiên, dê, anh em

Phần thưởng là nước và sự sống đời đời

Diễn ra tại địa điểm mà Đấng Christ đến, tức là tại trên đất

NGAI TRẮNG VÀ LỚN

Sự sống lại của kẻ chết

Các sách mở ra

Dùng chữ “kẻ chết”

Không đề cập sự có mặt của người công bình

Chỉ đề cập một nhóm người: kẻ chết

Không đề cập phần thưởng, chỉ có sự đoán phạt

Đất đã biến đi

Mat 25:35-40 cho biết câu trả lời. Có phải các câu Kinh Thánh nầy mô tả những tình trạng trong Thiên Hy Niên không? Chúng phải mô tả, nếu sự đoán xét nầy diễn ra sau khi kết thúc Thiên Hy Niên. Nếu chúng mô tả, thì Thiên Hy Niên sẽ phải là một thời gian mà Đấng Christ và các anh em Ngài (tức là tín hữu Dothái) bị đói khát, trần truồng, đau ốm, và bị tù.Những người không vâng phục Vua trong Thiên Hy Niên có thể bị cầm tù, nhưng khúc Kinh Thánh này nói trong thời kỳ trước sự đoán xét đó, các anh em của Đấng Christ sẽ bị cầm tù. Và điều nầy chắc chắn không thể đúng trong Thiên Hy Niên,nhưng sẽ đúng trong Cơn Đại Nạn. Các anh em của Đấng Christ sẽ đói, khát, trần truồng, đau ốm, và bị tù trong những năm Đại Nạn, chứ không phải trong Thiên Hy Niên - là khi Đấng Christ đang trị vì trong sự công bình.

Như vậy, rõ ràng câu 35-40 loại trừ việc chèn một khoảng cách một ngàn năm vào giữa 31 và 32. Sự đoán xét nầy sẽ tiếp ngay sau sự hiện ra của Đấng Christ, và sẽ xét con người dựa trên phản ứng của tấm lòng họ trước những tình trạng sẽ có trong Cơn Đại Nạn - tức các tình trạng không có trong Thiên Hy Niên cho môn đồ của Đấng Christ.

VII. KẾT LUẬN

Phần bàn luận của chúng ta dẫn đến đâu? Dẫn đến kết luận là thuyết Hậu Đại Nạn không thể trả lời cho vấn đề: Ai sẽ là cha mẹ của dân cư Thiên Hy Niên? Đúng là thuyết Hậu Đại Nạn đưa ra một mơ tưởng nào đó về đề tài nầy. Họ muốn 144.000 người kia sẽ là những cha mẹ người Do thái,nhưng để thỏa mãn điều kiện, họ sẽ phải cứ chưa hoán cải trong suốt Cơn Đại Nạn cũng như qua khỏi Sự Cất Lên - Sự Tái Lâm, rồi sau đó mới hoán cải. Họ ước muốn rằng một số những người bị để lại trong sự phân rẽ của đoạn 24:40-41 sẽ là những cha mẹ người ngoại bang (số còn lại sẽ bị đoán phạt đi vào địa ngục). Nhưng việc nầy bóp méo ý nghĩa của chữ “được đem đi” và chữ “bị để lại,” khiến việc được đem vào thiên đàng trong Sự Cất Lên mâu thuẫn với ý nghĩa rõ ràng của chữ “được đem đi” trong Lu 17:36. Và để cho những gợi ý nầy nhất quán với nhau, sự đoán xét chiên và dê buộc phải được đặt vào lúc kết thúc Thiên Hy Niên, và Mat 25:35-40 phải mô tả những tình trạng trong Thiên Hy Niên.

Không đặt Sự Cất Lên vào lúc kết thúc Cơn Đại Nạn thì đơn giản hơn biết bao. Điều nầy cho phép người ta tiếp nhận hoặc chối bỏ Đấng Christ trong Cơn Đại Nạn, một số những người đó sẽ sống sót qua thời kỳ đó (không ai trong số họ sẽ được cất lên, vì Sự Cất Lên đã được diễn ra rồi) để chịu đoán xét tại Sự Tái Lâm (cả người Do thái lẫn người ngoại bang còn đang sống),và những người vượt qua thành công những sự đoán xét đó trong tư cách của người được chuộc thì sẽ đi vào nước Thiên Hy Niên trong thân thể thuộc về đất để làm thế hệ đầu tiên của dân cư Thiên Hy Niên, và làm cha mẹ của thế hệ tiếp theo.