I. ĐỊNH NGHĨA QUAN ĐIỂM NẦY

Thuyết Tiền Đại Nạn dạy rằng Sự Cất Lên của Hội Thánh (gồm cả thánh đồ qua đời lẫn đang còn sống) sẽ diễn ra trước thời kỳ bảy năm Đại Nạn, tức là trước khi bắt đầu tuần lễ thứ bảy mươi của Da 9:24-27.Cần phải nói là “trước thời kỳ Bảy Năm Đại Nạn...,” vì một số người theo quan điểm Sự Cất Lên Trung Đại Nạn nói Sự Cất Lên đó vẫn là Tiền Đại Nạn, vì họ hiểu “Cơn Đại Nạn” chỉ nói đến ba năm rưỡi cuối cùng của thời kỳ bảy năm đó mà thôi.

II. NHỮNG NGƯỜI HẬU THUẪN QUAN ĐIỂM NẦY

John Nelson Darby (1800-1882) tạo sức đẩy ban đầu mạnh nhất cho việc hệ thống hóa thuyết Tiền Đại Nạn. Sở dĩ như vậy vì ông xem Hội Thánh là một công trình đặc biệt của Đức Chúa Trời, khác biệt với chương trình của Ngài dành cho Ysơraên. Được kết hợp vào thuyết Tiền Thiên Hy Niên của ông, điều nầy khiến ông cho rằng Hội Thánh sẽ được cất lên trước thời kỳ Cơn Đại Nạn, là khi Đức Chúa Trời sẽ một lần nữa đối đãi đặc biệt với dân Ysơraên.

Đến thế kỷ hai mươi, quan điểm nầy đã được giải nghĩa và bênh vực qua tác phẩm The Scofield Reference Bible, Is the Rapture Next? của Leon Wood (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1956), The Rapture Question của John F. Walvoord (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1970), Things to Come của J. Dwight Pentecost (Findlay, Ohio: Dunham, 1958), A Revelation of Jesus Christ, của J.B. Smith (Scottdale, Pa.: Herald Press, 1961), và What You Should Know About the Rapture, của Charles C. Ryrie (Chicago: Moody, 1981).

III. CHỨNG CỚ HẬU THUẪN QUAN ĐIỂM

A. Kh 3:10

Lời hứa nầy căn cứ vào việc giữ lời nhịn nhục của Ngài, một câu nói đến mọi tín đồ (xem những câu tương tự của Giăng trong Gi 8:51; 14:23-24; và IGi 2:3). Lời hứa nầy được lập với toàn bộ các Hội Thánh, chứ không chỉ riêng cho Hội Thánh tại Philađenphia ở thế kỷ thứ nhất (xem Kh 3:13 và phần kết thúc tương tự cho mỗi bức thư gởi các Hội Thánh đại diện nầy). Lời hứa nầy liên quan đến giờ thử thách hầu đến trên đất; tức liên quan đến những cơn hoạn nạn được nói tiên tri tiếp sau đó trong sách Khải huyền. Lời hứa nầy tuyên bố tín đồ sẽ được giữ khỏi giờ thử thách đó (tereso ek tes horas). Những người phản đối thuyết Tiền Đại Nạn hiểu cụm từ nầy có nghĩa “Ta sẽ canh giữ”; tức là tín đồ sẽ được canh giữ trong suốt bảy năm đó để rồi bước ra khỏi đó lúc Đấng Christ tái lâm.

Cách hiểu chữ ek của phái Tiền Đại Nạn được hậu thuẫn bởi rất nhiều câu Kinh Thánh mà chúng không liên quan đến Sự Cất Lên,nên do đó không bàn về vấn đề này như là chuyện đương nhiên. “Ai giữ lấy miệng và lưỡi mình, giữ linh hồn mình khỏi hoạn nạn” (Ch 21:23). Canh giữ môi miệng và lưỡi không phải là phương tiện tự bảo vệ bạn chính trong giờ phút hoạn nạn;đúng hơn, đó chính là phương tiện để thoát khỏi hoạn nạn mà bạn hiện chưa mắc vào. Trong Bản Bảy Mươi, chữ ek chỉ ra sự bảo tồn từ bên ngoài, chứ không phải từ bên trong. Ek cũng được dùng cùng cách đó để nói về sự bảo vệ từ bên ngoài trong Gios 2:13, trong Thi 33:19; 56:13. Tương tự trong Tân Ước, chữ ek rõ ràng mang cùng ý nghĩa đó. Trong Cong 15:29, các tín đồ ngoại bang được yêu cầu phải giữ mình khỏi một số thói tục nào đó để khỏi gây vấp phạm cho tín đồ Do thái.Cách duy nhất để làm việc đó chính là kiêng cữ hoàn toàn những tập tục đó. Họ phải rút lui khỏi đó, chứ không phải tự bảo vệ mình bằng một cách nào đó đang khi vẫn làm những thói tục ấy. Trong Gia 5:20, chúng ta được biết nếu một Cơ đốc nhân đang phạm tội có thể từ bỏ tình trạng sa ngã của mình, thì họ sẽ được cứu khỏi sự chết thuộc thể. Chữ ek tuyệt đối không thể mang nghĩa người ấy sẽ được bảo vệ lúc đang ở giữa sự chết thuộc thể để sau đó bước ra khỏi sự chết trong một kiểu phục sinh nào đó. Người nầy sẽ khỏi bị chết sớm bằng cách được miễn sự chết đó.(Về phần luận xuất sắc vấn đề nầy cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến Kh 3:10,xin xem Jeffrey L. Townsend, “The Rapture in Revelation 3:10,” Bibliotheca Sacra, Tháng 7 năm 1980: trang 252-66.)

Cũng chính cụm từ giữ khỏi nầy xuất hiện trong Gi 17:15: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác.” Phái Hậu Đại Nạn nói lời hứa nầy được ứng nghiệm không phải bởi cách đem tín đồ ra khỏi thế gian, nhưng bằng cách bảo vệ họ khỏi Satan đang khi họ sống trên đất. Như vậy họ khẳng định: Tương tự, tín đồ sẽ sống trong Cơn Đại Nạn, nhưng được gìn giữ khỏi thạnh nộ trong Cơn Đại Nạn.

Phép so sánh như thế không giải đáp được câu hỏi cơ bản. Tín đồ được giữ khỏi quyền lực của Satan bằng cách nào? Đúng là không phải bằng cách cất họ khỏi thế gian, nhưng phải liên quan đến sự cất ra khỏi. Phaolô mô tả việc này như sau: “Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài” (Co 1:13).Giăng cũng nói như vậy khi viết: “Ma quỷ chẳng làm hại (bám vào, nắm vào người tín đồ được” (IGi 5:18). Tín đồ được dời khỏi một lãnh địa nầy (của Satan) đến một lãnh địa khác (của Đấng Christ), và đó là cách để chúng ta được giữ khỏi ma quỷ.

Tuy nhiên lời hứa của Kh 3:10 không những bảo đảm tình trạng được giữ khỏi những thử thách trong thời kỳ Đại Nạn, mà còn được giữ khỏi thời kỳ Đại Nạn nữa. Lời hứa nầy không nói “Ta sẽ giữ ngươi khỏi thử thách.” Lời hứa nầy là: “Ta cũng sẽ giữ người khỏi giờ thử thách.” Phái Hậu Đại Nạn phải tìm cách “giảm bớt sức ép vào từ ngữ 'giờ’” (Robert H. Gundry, The Church and the Tribulation (Grand Rapids: Zondervan, 1973,59) bằng cách quả quyết chữ “giờ” nói đến những từng trải trong một khoảng thời gian chứ không phải chính bản thân khoảng thời gian đó. Nói cách khác, Hội Thánh sẽ sống qua thời kỳ nầy,nhưng không từng trải (một số) các biến cố. Nhưng nếu các biến cố của Cơn Đại Nạn mang tính toàn cầu và vừa trực tiếp vừa gián tiếp tác hại đến mọi người, thì làm sao Hội Thánh vừa ở trên đất, vừa thoát được các từng trải đó? Nếu Chúa chúng ta được giải cứu khỏi giờ dâng sinh tế chuộc tội của Ngài (Gi 12:27) bằng cách sống qua thời điểm đó nhưng không từng trải những biến cố trong sự thương khó Ngài, thì chắc chắn đã không có sự chuộc tội nào cả.

Đương nhiên có thể sống qua một thời kỳ nào đó và không phải gặp một số biến cố (giống như có mặt trong một tổ chức xã hội nhưng bỏ qua một số hoạt động vậy), nhưng không thể nào vắng mặt trong thời gian đó mà không bỏ qua các biến cố trong thời gian đó được.

Tóm lại, phái Hậu Đại Nạn dạy không rõ ràng về ý nghĩa lời hứa trong Kh 3:10. (1) Có người dường như bảo rằng lời hứa nầy muốn nói đến sự bảo vệ (cho một số tín đồ khỏi tuận đạo trong Cơn Đại Nạn) và rồi đến Sự Cất Lên ở cuối cùng. (2) Có người dường như bảo lời hứa nầy nói đến sự bảo vệ khỏi khủng hoảng cuối cùng (tức bao gồm trận Hamaghêđôn và sự “ru ngủ” về bình hòa an ổn được xem như xảy ra trước trận chiến) bằng cách có Sự Cất Lên ngay trước cơn khủng hoảng cuối cùng đó. (3) Có người cho rằng lời hứa nầy có nghĩa Hội Thánh sẽ trải qua Hamaghêđôn, được canh giữ trong thời kỳ đó, và rồi bước ra khỏi (mọi tín đồ được vô sự?) trong Sự Cất Lên - Tái Lâm. Có một điều rõ ràng đối với phái Hậu Đại Nạn: lời hứa nầy không thể nói đến sự giải cứu trước khi Cơn Đại Nạn bắt đầu.

Nhưng lời hứa nầy rõ ràng minh bạch biết bao: “Ta... sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách.” Không phải chỉ khỏi mọi bắt bớ,nhưng còn khỏi giờ hầu đến vốn sẽ hại đến toàn thế gian. (Cách duy nhất để thoát khỏi cơn hoạn nạn toàn cầu ấy là không ở trên đất.) Và cách duy nhất để thoát khỏi thời kỳ có các biến cố ấy xảy ra chính là vắng mặt tại địa điểm gắn liền với thời kỳ ấy. Nơi duy nhất đáp ứng được các điều kiện đó chính là thiên đàng.

Có lẽ minh họa sẽ giúp lời hứa nầy bớt rắc rối và trở nên rõ ràng. Là thầy giáo, tôi thường phải ra bài thi. Giả sử tôi tuyên bố với lớp học rằng tôi sẽ cho thi vào một ngày nọ trong giờ học thường lệ. Giả sử sau đó tôi nói: “Tôi muốn hứa một điều với các sinh viên nào có điểm trung bình học kỳ cho đến nay đạt điểm A. Lời hứa của tôi là: Tôi sẽ giữ cho em ấy khỏi thi.” Nếu tôi không nói gì thêm để giải thích, tôi cho rằng những sinh viên đạt điểm A chắc chắn sẽ lúng túng về lời hứa đó. Họ sẽ hỏi: “Như vậy chúng ta có phải thi hay không?” Và tôi cho rằng để an toàn, họ sẽ có mặt ngay đúng thời điểm đã ấn định, vì họ chắc đã không hiểu rõ ràng ý tôi muốn nói gì.

Bây giờ tôi có thể giữ lời hứa với những sinh viên đạt điểm A đó bằng cách nầy: Tôi phát bài thi cho mọi người, rồi phát cho những sinh viên đạt điểm A tờ giấy có sẵn câu trả lời. Họ sẽ dự kỳ thi, thế nhưng trong thực tế, họ được khỏi thi. Họ sẽ sống qua thời gian đó nhưng không phải chịu thử thách. Đây là thuyết Hậu Đại Nạn. Sự bảo vệ đang khi phải chịu đựng.

Nhưng nếu tôi nói với lớp: “Tôi sẽ ra bài thi trong tuần tới. Tôi muốn hứa thế nầy với mọi sinh viên đạt điểm A. Tôi sẽ giữ các em khỏi giờ thi.” Tôi rất nghiêm túc không tin các sinh viên đạt điểm A trong lớp bỏ thì giờ ra tranh luận xem tôi muốn nói gì, hay họ có buộc phải có mặt tại giờ thi hay không. Họ sẽ hiểu rõ rằng được giữ khỏi giờ thi tức là miễn cho họ hiện diện trong suốt giờ thi đó. Đây là thuyết Tiền Đại Nạn, và đây là ý nghĩa của lời hứa trong Kh 3:10. Và lời hứa nầy ra từ Cứu Chúa Phục Sinh, và chính Ngài là Đấng giải cứu ra khỏi cơn thạnh nộ hầu đến (ITe 1:10).

B. ITe 5:1-11

Trong 4:13-18, Phaolô cố làm vơi nỗi sợ hãi của một số người cho rằng các tín đồ qua đời rồi có thể không được dự phần nước thiên đàng. Lời ông giải thích trong đoạn Kinh Thánh nầy là điều mà họ chưa được nghe đến. Nhưng trái lại, họ đã được thông tin đầy đủ về sự khởi đầu Ngày của Chúa như ông đã giải thích trong 5:1-11.

Sự khởi đầu ngày đó sẽ đến bất ngờ giữa lúc có bình hòa và an ổn (c.2), đến bằng sự đau đớn (c.3) và thạnh nộ (c.9). Trong thời gian đó, tín đồ phải sống cách tỉnh thức và giè giữ. Những lời trong câu 6,8,10 không khuyên canh chừng các dấu hiệu trong Cơn Đại Nạn để chuẩn bị cho Ngày của Chúa ở cuối Cơn Đại Nạn, nhưng khuyên sống cách tin kính khi xét đến Cơn Đại Nạn hầu đến, là Cơn Đại Nạn mà tín đồ sẽ thoát khỏi. Trong lời dạy nầy, Phaolô bảo họ đã biết rõ ràng đầy đủ (c.2). Bằng cách nào? Một phần từ sự dạy dỗ của chính Phaolô cho họ, nhưng cũng từ hiểu biết của họ về Cựu Ước nữa.

Trong Cựu Ước, Ngày của Chúa được nói đến bằng cụm từ nầy khoảng hai mươi lần, và thường mang hàm ý lai thế học. Ngoài ra một từ ngữ tương đồng khác, “ngày sau rốt” xuất hiện mười bốn lần, luôn luôn mang nghĩa lai thế học. Hơn nữa, cụm từ “trong ngày đó” xuất hiện hơn một trăm lần và thường mang nghĩa lai thế học. Trong Es 2:2,11-12, cả ba cụm từ nầy đều xuất hiện, chỉ về cùng một thời kỳ lai thế. Như vậy, có dư lý do để Phaolô bảo độc giả của ông đã biết về Ngày của Chúa từ chính Cựu Ước.

Nhưng về Sự Cất Lên, thì Cựu Ước không bày tỏ.Sự bỏ sót này từ hơn hàng trăm phân đoạn Kinh Thánh dường như thật khó hiểu nếu Sự Cất Lên là biến cố đầu tiên cho Ngày của Chúa, theo như cách dạy của thuyết Hậu Đại Nạn. Nhưng nếu Sự Cất Lên là lẽ mầu nhiệm, chưa được bày tỏ trong Cựu Ước,và nếu xảy đến trước khởi điểm thực sự cho Ngày của Chúa, (theo cách dạy của thuyết Tiền Đại Nạn), thì không có gì lạ khi Phaolô phải báo cho họ biết về Sự Cất Lên nhưng chỉ cần nhắc họ những gì họ đã biết rồi về Ngày của Chúa.

Như vậy, phái Hậu Đại Nạn muốn tạo mối liên kết rất gần giữa ITe 4:13-18 với 5:1-11, còn phái Tiền Đại Nạn lại được phục vụ tốt hơn bởi việc nhìn thấy sự tương phản đề tài giữa hai đoạn ấy.

Như vậy quang cảnh Hậu Đại Nạn diễn ra như thế nầy: Phaolô chuyển nhẹ nhàng từ phần luận đến Sự Cất Lên trong 4:13-18 sang phần luận đến parousia trong 5:1-11, vì ông đang nói về những biến cố xảy ra đồng thời, chứ không phải những biến cố cách biệt nhau đến bảy năm. Việc Phaolô chọn chữ de (chữ Hylạp đầu tiên trong 5:1) - một liên từ đơn giản và chỉ mang nghĩa tương phản nhẹ - cho thấy mối liên kết gần gũi nầy. Và vì Ngày của Chúa sẽ chưa bắt đầu cho đến khi Chúa Tái Lâm, nên Sự Cất Lên cũng sẽ diễn ra cùng lúc đó.

Phái Tiền Đại Nạn nói sự tương phản giữa các đề tài của hai đoạn Kinh Thánh nầy càng nổi bật bởi sự kiện Phaolô không chỉ dùng một chữ de để mở đầu câu 1, nhưng bằng một cụm từ, là peri de. Điều nầy rất có ý nghĩa, vì ở chỗ khác trong các thơ tín của ông, Phaolô dùng chữ peri de để biểu thị một đề tài mới và tương phản. Hãy xem ICo 7:1,25; 8:1; 12:1; 16:1,12;và ITe 4:9 và 5:1. Cứ coi như có thể hậu thuẫn lập luận của phái Hậu Đại Nạn cho rằng cùng một đề tài đang được thảo luận trong 4:13-18 và 5:1-11 bởi cách dùng riêng một mình chữ de, nhưng lập luận này bị vô hiệu hóa hoàn toàn bởi công dụng của cụm từ peri de. Vì vậy, cách dùng phân đoạn nầy của phái Tiền Đại Nạn được hậu thuẫn mạnh mẽ về mặt chú giải kinh. Sự Cất Lên không phải là một phần Ngày của Chúa, nên do đó không thể xảy ra sau Cơn Đại Nạn được.

Tóm tắt: vấn đề sự khởi đầu Ngày của Chúa là đường phân giới giữa thuyết Tiền và Hậu Đại Nạn. Thuyết Tiền Đại Nạn xem Ngày của Chúa khởi sự ngay từ đầu Cơn Đại Nạn vì những lý do sau đây:

(1) Chính những sự đoán xét đầu tiên (bất luận dùng bảng trình tự thời gian nào đi nữa) bao gồm chiến tranh, đói kém và sự chết của một phần tư dân số trái đất.

(2) Một thời kỳ duy nhất mà Kinh Thánh đề cập bình hòa và an ổn trong thời kỳ Đại Nạn chính là ngay tại khởi đầu của nó. Thời kỳ nầy sẽ tức khắc tiếp đến chiến tranh, hủy diệt, và những biến động mà chúng rõ ràng sẽ tiếp diễn không giảm cho đến khi Đấng Christ hiện ra. Như vậy Ngày của Chúa phải khởi sự từ đầu Cơn Đại Nạn, và Sự Cất Lên phải xảy ra trước đó.

(3) Sự hiện ra của Người tội ác sẽ diễn ra vào đầu Cơn Đại Nạn khi hắn lập một hiệp ước với dân Do thái.

(4) Cách hiểu thông thường hơn nhiều về động từ trong Kh 6:17 diễn đạt ý: cơn thạnh nộ nầy đã đến rồi và đang tiếp diễn.

(5) Cách Phaolô dùng cụm từ peri de - chứ không chỉ một mình chữ de - trong ITêsalônica 5:1 cho thấy hai đề tài tương phản nhau.

(6) Sự cất bỏ bình an khỏi đất ngay sau Cơn Đại Nạn bắt đầu chỉ phù hợp với thuyết Tiền Đại Nạn.

Nếu thuyết Hậu Đại Nạn đúng, thì thuyết nầy phải nêu thêm nhiều câu trả lời thỏa đáng hơn nữa cho những thắc mắc sau:

(1) Làm thế nào Ngày của Chúa không bắt đầu bởi Cơn Đại Nạn hay bất cứ phần nào của Cơn Đại Nạn thế nhưng lại bắt đầu với những sự xét đoán của Hamaghêđôn?

(2) Làm thế nào trận chiến chung quyết ở cuối Cơn Đại Nạn có thể rút lại thành trận chiến đơn lẻ và ngắn đủ cho Hội Thánh được cất lên trước khi nó mở màn (để thoát khỏi cơn thạnh nộ này) thế nhưng trở lại ngay và tháp tùng Đấng Christ khi Ngài tái lâm trần gian tại lúc kết thúc một trận chiến mà hẳn sẽ phải rất ngắn?

(3) Sự bảo vệ khỏi cơn thạnh nộ giáng trên người chưa tin Chúa có thực sự gồm cả việc miễn trừ những tác hại phụ từ hành động của người không tin Chúa đang hứng chịu cơn thạnh nộ đó không? Ngày nay không bao gồm. Vậy tại sao trong tương lai phải có?

(4) Việc trút hàng loạt những sự đoán xét thạnh nộ vào cuối Cơn Đại Nạn giải quyết thế nào cho nan đề: những sự đoán xét không kém phần khắc nghiệt có vẻ xảy ra sớm trong Cơn Đại Nạn và giáng trên cả người tin Chúa cũng như không tin Chúa?

(5) Đâu là cách giải thích thông thường hơn cho thì quá khứ bất định trong Kh 6:17? Không phải nó cho thấy thạnh nộ đã giáng xuống rồi, và đã không bắt đầu từ ấn thứ sáu sao?

(6) Không phải cách dùng cụm từ peri de trong ITêsalônica 5:1 cho thấy Sự Cất Lên thực sự không phải một phần Ngày của Chúa vào cuối Cơn Đại Nạn sao?

Chỉ có thuyết Tiền Đại Nạn mới phù hợp hài hòa với toàn bộ bằng chứng của Kinh Thánh và giải đáp thỏa đáng các câu hỏi trên.

C. Hội Thánh

Các luận điểm khác ủng hộ Sự Cất Lên Tiền Đại Nạn bao gồm sự vắng mặt Hội Thánh trong Khải Huyền 4-19, là nơi mô tả chi tiết Cơn Đại Nạn; sự cất bỏ Đấng Ngăn Trở trước ngày của Chúa và sự hiện ra của Người tội ác (IITe 2:1-9); và lẽ cần thiết phải có một số người sống sót trong Cơn Đại Nạn trong chính thân thể trần tục nầy của họ để trở thành tổ phụ của cư dân trong Thiên Hy Niên. Chúng ta sẽ khảo sát luận điểm cuối nầy chi tiết hơn trong chương tiếp theo.