I. ĐỊNH NGHĨA VÀ MÔ TẢ SỰ CẤT LÊN

Như đã giải thích trong chương 83; chữ “rapture” ra từ cách dịch chữ Hylạp “được cất lên” trong ITêsalônica 4:17 sang tiếng Latin. Nói đúng ra, trong câu Kinh Thánh trên, chữ nầy chỉ liên hệ đến sự biến hóa nơi các tín đồ đang còn sống lúc Đấng Christ trở lại. Tuy nhiên, chữ “rapture” thường chỉ về cả sự biến hóa tín đồ đang còn sống từ tình trạng hay chết trên trần gian nầy sang tình trạng không thể chết trên thiên đàng, lẫn sự sống lại của những thi thể đã bị hủy hoại của tín đồ sang tình trạng không bị hủy hoại nữa trên thiên đàng.

Ba phân đoạn mô tả Sự Cất Lên là: Gi 14:1-3;ICo 15:50-58; và ITe 4:13-18. Các phương diện của Sự Cất Lên đã được luận đến trong chương 83.

II. CÁC QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU

Vào thế kỷ 19, sự dạy dỗ về Sự Cất Lên của Hội Thánh đã bắt đầu phổ biến rộng rãi. Điều nầy đã gây những thắc mắc như: sự hiện ra lần thứ nhì của Đấng Christ có gồm nhiều giai đoạn không, mối liên quan của các giai đoạn đó với thời kỳ Cơn Đại Nạn, và đặc trưng phân biệt giữa Hội Thánh với dân Ysơraên trong chương trình của Đức Chúa Trời. Đến thế kỷ 20, một trong những vấn đề bị tranh luận nhiều nhất của lai thế học là thời điểm của Sự Cất Lên.

Đối với vấn đề đó, phái Tiền Thiên Hy Niên đưa ra bốn câu trả lời. (Phái Vô Thiên Hy Niên xem sự hiện ra của Đấng Christ là một biến cố đơn lẻ xảy ra trước sự sống lại chung và sự đoán xét. Đối với phái Hậu Thiên Hy Niên cũng không hề có Sự Cất Lên rõ rệt nào).

Bốn quan điểm Tiền Thiên Hy Niên về Sự Cất Lên là: Sự Cất Lên Một Phần (tức là chỉ những tín đồ nào đó được Cất Lên), Sự Cất Lên Tiền Đại Nạn, Sự Cất Lên Trung Đại Nạn, và Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn. Sự Cất Lên Một Phần quan tâm đến quy mô Sự Cất Lên, trong khi ba quan điểm kia chú trọng đến thời điểm của Sự Cất Lên.

III. QUY MÔ SỰ CẤT LÊN - MỘT PHẦN HAY TOÀN BỘ?

A. Định Nghĩa Của Quan Điểm Nầy

Quan điểm Sự Cất Lên Một Phần dạy rằng chỉ những tín đồ nào đang “tỉnh thức” và “chờ đợi” Chúa trở lại thì mới xứng đáng được thoát khỏi những khủng khiếp của Cơn Đại Nạn nhờ được rước đi trong Sự Cất Lên.

B. Những Người Ủng Hộ Quan Điểm Này

Dường như quan điểm nầy ra từ Robert Govett vào năm 1835, qua tác phẩm Entrance into the Kingdom: The Apocalypse Expounded by Scripture. Quan điểm nầy cũng được dạy bởi J.A. Seiss (The Apocalypse (New York: Cook, 1865), G.H. Pember (The Great Prophecies of the Centuries concerning the Church (London: Hodder & Stoughton, 1895), G.H. Lang (The Revelation of Jesus Christ (London: Paternoster, 1948, và bởi Phong Trào Hội Thánh Địa Phương (Witness Lee, Revelation, Recovery Version (Anaheim,California: Living Stream Ministry, 1976).

C. Cơ Cấu Thần Học Của Quan Điểm Nầy

1. Sự Cứu Rỗi.

Những người theo quan điểm nầy tin sự cứu rỗi bởi ân điển và sự an ninh đời đời của tín đồ, nhưng giải nghĩa những phân đoạn hay bị tranh cãi về sự an ninh theo cách của phái Arminians, với một ngoại lệ quan trọng: mối nguy hiểm mà những tín đồ thất bại đang đối diện không phải là sự trừng phạt, nhưng là bị tước quyền thừa hưởng thiên hy niên. Mỗi tín đồ đều có quyền được hưởng nước Thiên Hy Niên, nhưng có thể bị mất quyền đó vì cớ không vâng phục.

2. Sự Nên Thánh.

Những người theo thuyết Sự Cất Lên Một Phần thường nhấn mạnh sự nên thánh và nếp sống thánh khiết. Họ có lẽ dạy rằng phép báptêm bằng Đức Thánh Linh được liên kết với quyền năng để làm chứng,và sự đầy dẫy cùng sự ngự trong lòng của Đức Thánh Linh là chỉ dành cho một số tín đồ nào đó thôi, chứ không dành cho tất cả. Điểm nhấn mạnh nầy được đưa vào quan điểm của họ về Sự Cất Lên; tức là chỉ các tín đồ thiêng liêng mới được cất lên để thoát khỏi Cơn Đại Nạn.

3. Sự Sống Lại Lần Thứ Nhất.

Sự sống lại thứ nhất được xem là sự sống lại để ban thưởng cho những tín đồ thiêng liêng, chứ không phải cho tất cả. Những tín đồ nào không đắc thắng thì sẽ được sống lại sau Thiên Hy Niên. Do vậy, sự sống lại thứ nhì (thường được xem như chỉ gồm những người chưa tin Chúa) sẽ bao gồm cả tín đồ lẫn người chưa tin Chúa.

D. Những Nét Chính Của Quan Điểm Này

Phái Cất Lên Một Phần dạy rằng sẽ xảy ra nhiều Sự Cất Lên và nhiều sự sống lại của kẻ chiến thắng.

1. Trước Cơn Đại Nạn.

Ngay trước khi khởi đầu cơn thạnh nộ, những thánh đồ trưởng thành đang còn sống sẽ được biến hóa và những thánh đồ trưởng thành đã qua đời sẽ được Cất Lên.

2. Trong Cơn Đại Nạn.

Sau đó, trong bảy năm Đại Nạn, các thánh đồ nào thuộc thời đại Hội Thánh mà chưa chuẩn bị đón Sự Cất Lên đầu tiên thì sẽ được cất lên tại nhiều quãng thời gian khác nhau. Những người nầy được nhìn thấy trong Kh 7:9,14; 11:2; 12:5 (“đứa con trai” gồm cả tín đồ);16:15 (một Sự Cất Lên để giải thoát những tín đồ đang thức canh khỏi trận chiến Hamaghêđôn); và Sự Cất Lên chung kết ở kỳ cuối cùng.

3. Sau Cơn Đại Nạn.

Đến kỳ kết thúc Thiên Hy Niên, sẽ có sự sống lại của các tín đồ bị trượt mất những kỳ phục sinh để ban thưởng trước đó, cùng chung với sự sống lại của những người chưa tin Chúa. Tín đồ sẽ vào nước đời đời, dầu vậy, họ không được vào nước Thiên Hy Niên.

E. Trưng Dẫn Hậu Thuẫn Kinh Thánh Cho Quan Điểm Nầy

1. Sự Chịu Khổ.

Rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh dạy tín đồ phải chịu khổ trước khi có thể đồng cai trị với Đấng Christ.Do đó tín đồ phải chịu khổ hoặc hiện nay, hoặc trong thời kỳ Đại Nạn (Lu 22:18-30; Cong 14:22; Ro 8:16-17, Co 3:24; IITe 1:4-5). Có người xem “lửa”trong ICo 3:12-15 chính là Cơn Đại Nạn. Người ta nói Kh 3:5 có thể chỉ về việc tạm xóa tên những tín đồ xác thịt khỏi sách sự sống trong thời kỳ ban thưởng cho người chiến thắng.

2. Sự Sống Lại Lần Thứ Nhất Là gì?

Vì Kinh Thánh xem sự sống lại thứ nhất là giải thưởng để đoạt lấy, nên điều nầy có nghĩa không phải mọi tín đồ đều được giải, song chỉ những người đắc thắng thôi (Mat 19:28-29; Lu 9:62; 20:35; Phi 3:11-14; Kh 2:11; 3:5).

3. Quyền Làm Con.

Có người nói tín đồ có thể đánh mất quyền làm con và bởi đó mất cơ hội được cất lên trước Cơn Đại Nạn (ICo 6:9-10; Ga 5:19-21; He 12:14).

4. Phép Báptêm Bằng Đức Thánh Linh.

Vì phép báptêm Đức Thánh Linh được xem là sự ban quyền năng để làm chứng, nên không phải mọi tín đồ đều ở trong thân thể Đấng Christ, do đó không nhất thiết mọi tín hữu đều phải được cất lên.

5. Phần Thưởng.

Sự Cất Lên được xem là phần thưởng mà không phải mọi tín đồ đều nhận được (Mat 24:40-41; 25:1-13; ICo 9:27;IITi 4:8; Tit 2:13; He 9:24-28; Kh 3:10).

F. Một Số Nan Đề Của Quan Điểm Nầy

1. Tính Chất Loại Trừ. ICo 15:51-52 nói rõ ràng mọi tín đồ sẽ được biến hóa chứ không phải một số tín đồ.

2. Phép Báptêm Đức Thánh Linh. Phép báptêm bằng Đức Thánh Linh thực sự đặt mọi tín đồ vào thân thể Đấng Christ (12:13), vì vậy mọi tín đồ đều sẽ kinh nghiệm lời hứa về Sự Cất Lên.

3. Ai Sẽ Bị Hình Phạt? Thời kỳ Cơn Đại Nạn chưa hề được nói đến như thời kỳ trừng phạt dành cho Hội Thánh hoặc cho một phần của Hội Thánh. Đây là thời kỳ hoạn nạn của Giacốp.

4. Phần Thưởng? Sự Cất Lên không phải phần thưởng cho nếp sống tin kính; trái lại, nếp sống tin kính sẽ được ban thưởng bằng mão triều thiên, chứ không phải Sự Cất Lên (IITi 4:8 và các phân đoạn khác nói về mão triều thiên).

VI. THỜI ĐIỂM CỦA SỰ CẤT LÊN

Về cơ bản, có ba câu trả lời cho vấn đề thời điểm diễn ra Sự Cất Lên so với bảy năm Đại Nạn. Thuyết Tiền Đại Nạn cho rằng Sự Cất Lên sẽ xảy ra trước khi khởi đầu toàn bộ thời kỳ nầy. Thuyết Trung Đại Nạn dạy rằng Sự Cất Lên sẽ diễn ra vào thời điểm giữa bảy năm đó, có nghĩa là: Hội Thánh sẽ ở trên đất trong ba năm rưỡi đầu, nhưng sẽ được cất lên thiên đàng ngay tại điểm giữa đó, như vậy sẽ thoát được nửa cuối Cơn Đại Nạn. Thuyết Hậu Đại Nạn xem Hội Thánh sẽ ở tiếp tục trên đất trong toàn bộ thời kỳ nầy, nhưng sẽ có Sự Cất Lên như mô tả trong ITe 4:13-18 vào cuối thời kỳ, và tiếp ngay sau đó là Sự Tái Lâm. Mỗi quan điểm nầy sẽ được khảo sát trong các chương tiếp.