- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Thần Học Căn Bản của Charles C. Ryrie
I. TÍNH ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ
Để mô tả thời kỳ Cơn Đại Nạn, Chúa phán đây sẽ là thời kỳ “hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa” (Mat 24:21). Đây sẽ là thời kỳ hoạn nạn độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới. Có rất nhiều thời kỳ khó khăn kể từ khi Chúa phán lời nầy cho đến nay, và chính Ngài đã cảnh cáo các môn đồ: “Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian” (Gi 16:33). Vậy, điều gì khiến thời kỳ tương lai nầy lại khác hẳn? Cơn Đại Nạn sẽ độc nhất vô nhị như thế nào?
Có hai đặc trưng phân biệt Cơn Đại Nạn với toàn bộ những thời kỳ khó khăn khác mà thế giới từng chứng kiến. Thứ nhất, đây sẽ là Cơn Đại Nạn toàn cầu, chứ không chỉ ở địa phương, như đã nói trong lời hứa về sự giải cứu (Kh 3:10) và như được mô tả chi tiết trong những sự đoán xét của sách Khải Huyền. Những sự bắt bớ dữ tợn ở địa phương và những thiên tai thời nay không thể là khởi đầu của Cơn Đại Nạn, vì thời kỳ đó sẽ tác động đến toàn thế giới.
Và Cơn Đại Nạn cũng sẽ độc nhất vô nhị vì cách hành động của con người. Từ một trong những cơn xét đoán ban đầu, con người đã trốn trong các hang động trên núi và nói: “Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con!” (6:16). Khi Cơn Đại Nạn xảy đến, con người sẽ hành động dường như họ cho rằng sắp tận thế đến nơi.
Nhiều năm qua, con người nói chuyện dường như nghĩ kỳ tận thế đã gần rồi, nhưng đến lúc khởi đầu của Cơn Đại Nạn, họ mới nhận ra kỳ tận thế nầy thực sự sắp đến gần. Những nhà khoa học, những nhà chính trị, và ngay cả những lãnh đạo Hội Thánh cũng cảnh cáo thời nay rằng kỳ chung kết lịch sử con người sẽ giáng trên chúng ta, và thậm chí còn dùng cả từ “Hamaghêđôn,” nhưng con người vẫn không cư xử như thể không tin điều đó. Người ta vẫn đang mua bán bất động sản, tích lũy của tiết kiệm, và liên tục lập nhiều kế hoạch cho tương lai. Nhưng khi Cơn Đại Nạn đến, người ta sẽ ẩn mình trong những hầm trú bom và sẽ thật sự đi tìm cái chết hơn là cố bảo toàn mạng sống. Trong những ngày đó, tương lai không còn gì là hấp dẫn nữa.
Tính độc nhất vô nhị của Cơn Đại Nạn nằm ở chỗ tính toàn cầu và sự khủng khiếp của nó, và chính điều đó khiến con người muốn chết hơn muốn sống. Có lúc trong Cơn Đại Nạn, ngay cả tự tử cũng là việc không thể làm được, để bắt buộc con người phải sống.
II. KHỞI ĐẦU CƠN ĐẠI NẠN
Cơn Đại Nạn không nhất thiết bắt đầu từ ngày Hội Thánh được cất lên gặp Chúa tại chốn không trung. Dầu tôi tin Sự Cất Lên xảy đến trước Cơn Đại Nạn, nhưng thật ra Kinh Thánh không nói có khoảng thời gian nào trôi qua hay không giữa Sự Cất Lên và khởi đầu Cơn Đại Nạn.
Cơn Đại Nạn thực sự bắt đầu với việc ký giao ước giữa lãnh tụ của “Các Liên Minh Châu Âu” với dân Dothái. Hiệp ước nầy sẽ khơi mào những biến cố của tuần thứ bảy mươi (hay bảy năm) trong lời tiên tri của Đaniên. Có khoảng thời gian không rõ bao lâu giữa 69 tuần đầu mỗi tuần bảy năm,với tuần lễ bảy năm cuối hay tuần thứ bảy mươi.
Chúng ta đang sống trong khoảng thời gian đó. Đây là thời kỳ Đức Chúa Trời đang thành lập Hội Thánh, tức thân thể của Đấng Christ, bằng cách cứu rỗi người Do thái cũng như người ngoại bang, không phân biệt ai cả. Vì Ngài vẫn chưa hoàn thành chương trình hiện tại nầy, nên tuần lễ chót của bảy mươi tuần đó vẫn chưa bắt đầu. Khi tuần lễ đó bắt đầu, Ngài sẽ chú ý đặc biệt đến dân Do thái và thành thánh Giêrusalem của Ngài, như đã nêu trong Da 9:24.
Khi thời kỳ bảy năm cuối cùng nầy bắt đầu, “Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ” (c.27). “Người”nầy chỉ về ai? Xét theo văn phạm, chữ nầy có thể chỉ về hoặc Đấng Mêsia (c.26)hoặc chỉ về “Vua hầu đến,” là người chắc sẽ liên hệ với những kẻ hủy phá Giêrusalem vào năm 70 S.C. Quan điểm thứ nhì nầy rõ hơn, vì thường thường từ ngữ nào gần với đại từ hơn thì hợp hơn, và trong trường hợp nầy, đó chính là vị vua hầu đến chứ không phải Đấng Mêsia. Hơn nữa, trong phần ký thuật về đời sống Đấng Christ, không hề có điều gì liên kết Ngài với việc lập (và hủy về sau nầy) giao ước bảy năm với dân Do thái.
Người nầy là “cái sừng nhỏ” (7:24-25), là kẻ cầm đầu liên minh các nước phương tây trong những ngày của Cơn Đại Nạn. Người nầy còn được gọi là “người tội ác” (IITe 2:3), đã được nói đến như là con thú (Kh 11:7; 13:1; 17:11; 19:20). Vào đầu Cơn Đại Nạn, hắn sẽ lập một giao ước hoặc gia nhập liên minh với Ysơraên. Hiệp ước nầy sẽ kết minh phương Tây với dân Dothái, và sẽ bảo đảm bảo vệ cho Ysơraên, để Ysơraên có thể tái lập những nghi lễ cổ truyền của Dothái giáo. Dường như điều khoản nầy cũng sẽ bảo đảm sự bảo vệ đang khi Ysơraên tái thiết đền thờ tại Giêrusalem để làm trung tâm tổ chức những nghi lễ tôn giáo của họ. Vì chúng ta biết giao ước nầy sẽ bị hủy, và con người tội ác sẽ được thờ phượng ngay trong đền thờ Đức Chúa Trời, nên hiển nhiên đền thờ đã được xây dựng rồi trong nửa đầu của Cơn Đại Nạn (IITe 2:4).
Sự liên kết giữa Tây Âu với Ysơraên là điều thú vị khi xét đến những sự kiện hiện nay. Điều đó dường như cho thấy tự mình Ysơraên sẽ không đủ mạnh để cảm thấy an toàn khi đối đầu với các nước thù địch chung quanh. Ysơraên sẽ không thể “hành động đơn phương” tại thời điểm nầy, và vì vậy sẽ lập một liên minh với các quốc gia Tây Phương. Bấy giờ, tiền đồ của Ysơraên có vẻ sáng sủa lên. Ysơraên sẽ cảm thấy an toàn trong xứ mình; Ysơraên sẽ thờ phượng theo đúng kiểu mẫu của Cựu Ước; Ysơraên lại sẽ có đền thờ tại Giêrusalem; và sẽ trở nên quan trọng ở giữa các dân trên thế giới. Nhưng đây chỉ mới là khởi đầu.
III. NHỮNG SỰ XÉT ĐOÁN CỦA CÁC ẤN, CÁC ỐNG LOA, VÀ CÁC BÁT THẠNH NỘ
A. Diễn Tiến
Khải Huyền 6-19 mô tả chi tiết Cơn Đại Nạn. Ở đây, chúng ta đọc thấy ba loạt sự đoán xét. Loạt thứ nhất liên quan đến việc mở bảy con ấn niêm cuộn sách, loạt thứ nhì liên quan đến việc thổi bảy ống loa, và loạt thứ ba liên quan đến việc trút bảy bát thạnh nộ.
Ba loạt sự đoán xét nầy nối tiếp nhau, hay các ống loa và các bát thạnh nộ tóm tắt lại những sự đoán xét của bảy con ấn với cường độ dữ dội hơn? Nói cách khác, sự đoán xét của các ống loa và các bát thạnh nộ nối tiếp sau bảy cái ấn như những sự đoán xét khác biệt, hay chúng mô tả cùng những sự đoán xét ấy?
Tôi tin ba loạt đoán xét nầy nối tiếp nhau theo trình tự thời gian, và không hề có sự tóm tắt lại. Tuy nhiên, dầu cách nào đi nữa, sự đoán xét của các ấn vẫn là những đoán xét đầu tiên của thời kỳ Cơn Đại Nạn, và chắc sẽ diễn ra trong năm đầu tiên của thời kỳ đó.
B. Các Ấn
1. Sự phán xét của ấn thứ nhất (Kh 6:1-2).
Việc mở ấn thứ nhất bày tỏ cho Giăng thấy một con ngựa trắng và người cỡi ngựa nầy ra đi chinh phục. Khi giải nghĩa sách Khải Huyền, hãy luôn luôn bắt đầu với điều rõ nghĩa nhất. Ở đây điều hiển nhiên là những tháng mở đầu Cơn Đại Nạn sẽ chứng kiến các nước bị người cỡi ngựa bạch chinh phục. Có người cho rằng kỵ mã nầy là con người tội ác, là thủ lĩnh của liên minh các nước Tây phương. Tuy nhiên, chúng ta phải gọi phương pháp chinh chiến của người nầy là “chiến tranh lạnh.” Rõ ràng, lời mô tả nầy trùng hợp chính xác với hình ảnh khởi điểm của Cơn Đại Nạn được nêu trong ITe 5:3 - đó sẽ là ngày mà con người đang nói về bình hòa và an ổn. Điều nầy có thể cho thấy chúng ta đang sống trong những ngày ngay trước Cơn Đại Nạn - nhưng mặt khác, Lời Chúa không nói điều gì cho thấy không thể có trận thế chiến khác nữa trong đời hiện tại, rồi kế đó mới là một thời kỳ bình an khác nữa trước khi Chúa chúng ta đến. Các học giả Tin Lành khác đồng ý kỵ mã thứ nhất nầy chỉ đại diện cho tinh thần chinh phục - một thái độ đặc trưng cho các nước trong suốt lịch sử nhân loại. Rõ ràng, tinh thần nầy sẽ tăng lên mạnh mẽ khi kỳ cuối cùng đến gần.
2. Sự đoán xét của ấn thứ nhì (Kh 6:3-4)
Trong sự đoán xét của ấn thứ nhì, bình an sẽ bị cất khỏi đất, và con người sẽ chinh chiến với nhau. Cụm từ “Có kẻ ban cho người một thanh gươm lớn” khẳng định cách giải nghĩa nầy. Sắc đỏ của con ngựa thứ nhì gợi cảnh đổ máu. Chiến tranh luôn luôn đi tiếp theo sau tinh thần chinh chiến chinh phục.
3. Sự đoán xét của ấn thứ ba (Kh 6:5-6)
Sự đoán xét thứ ba (chắc vẫn còn trong năm đầu của Cơn Đại Nạn) đem đói kém đến cho thế gian. Con ngựa sắc đen miêu tả hình ảnh sự kiện nầy, và cái cân trong tay kỵ mã là bằng chứng sự phân chia khẩu phần một cách cẩn thận. Một đơniê của người Lamã (c.6), là tiền lương một ngày công tại xứ Palestine trong thời Chúa Jesus (Mat 20:2). Thông thường, lượng tiền nầy sẽ mua được mười đấu lúa mạch hoặc ba mươi đấu mạch nha. Trong tình trạng đói kém của những ngày hầu đến, số tiền lương của một ngày chỉ mua được một đấu lúa mạch hoặc ba đấu mạch nha (một phần mười lượng cung cấp lương thực bình thường). Tuy nhiên, có chuyện thật mỉa mai trong cơn đói kém nầy. Dầu và rượu, chính những thứ mà phần lớn dân chúng không mua nổi thì bấy giờ sẽ không hề thiếu. Tính khan hiếm của các nhu yếu phẩm và sự có sẵn những vật dụng xa xỉ sẽ chế nhạo dân thường trong tình trạng nghèo khổ của họ.
4. Sự đoán xét của ấn thứ tư (Kh 6:7-8).
Theo nguyên văn, con ngựa nầy sắc xanh lá mạ. Đây là kỵ mã duy nhất được nêu tên, và được gọi là Sự Chết. Dĩ nhiên, sự chết đòi phần thuộc thể của con người,và đi kèm với Âm Phủ, tức nơi ở của người chết (c.8) và đòi quyền sở hữu phần phi vật chất. Sự đoán xét nầy sẽ tàn phá ghê gớm - một phần tư dân số trái đất sẽ bị giết bởi gươm (chiến tranh), bởi đói kém (sự đói kém thường đi kèm với chiến tranh), bởi sự chết (có lẽ bởi dịch lệ và bệnh tật đi theo sau chiến tranh), và bởi các loài thú dữ trên đất, mà bấy giờ hình như chúng phát triển không bị kiềm chế và sẽ tự do đi rong trên đất, giết chóc loài người. Những kế hoạch hết sức khôn khéo của con người nhằm đem lại hòa bình, sự dồi dào và trường thọ sẽ sụp đổ chỉ trong thoáng chốc khi sự phán xét nầy xảy ra.
5. Sự đoán xét của ấn thứ năm (Kh 6:9-11).
Dầu hành động của ấn thứ năm xảy ra trên thiên đàng, nhưng hàm ý có những sự kiện nhất định đã diễn ra trên đất.
Có nhóm người tuận đạo trên thiên đàng (c.9)hàm ý họ đã bị giết trên đất rồi, vào đầu Cơn Đại Nạn. Những người nầy sẽ làm chứng cho Đấng Christ vào đầu Cơn Đại Nạn. Họ sẽ bị giết vì lời chứng của mình.
6. Sự đoán xét của ấn thứ sáu (Kh 6:12-17).
Sự đoán xét nầy giáng thiên tai trên đất. Nó gồm sáu thảm họa: (1) Một trận động đất lớn xảy ra. (2) Mặt trời sẽ tối tăm đến nỗi đen như bao gai. Câu Kinh Thánh nầy không nói mặt trời sẽ trở nên túi lông đen, nhưng nói mặt trời sẽ đen như túi lông. (3) Mặt trăng sẽ trở nên đỏ như huyết. (4) Sẽ có một trận mưa sao,kèm theo toàn bộ những hậu quả tàn phá của thiên nhiên. (5) Dường như trời mở ra trong giây lát để con người trên đất có thể thoáng thấy cảnh tượng kinh khiếp đó với cảnh Đức Chúa Trời ngự trên ngai Ngài. (6) Mọi núi và đảo đều bị quăng khỏi chỗ mình.
Những sự đoán xét nầy sẽ gây nên nỗi khủng khiếp trong lòng mọi người đang sống. Lòng họ sẽ tràn đầy sợ hãi - chủ yếu không bởi sự xáo trộn thuộc thể hay bởi những cuộc chiến tranh và dịch lệ kinh khiếp, nhưng bởi nhìn thấy Đức Chúa Trời ngự trên ngai. Con người sẽ cầu xin được khuất khỏi “mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con.” Họ sẽ trốn đến bất cứ đâu để tránh mặt Đấng Tạo Hóa và Quan Án của họ, thậm chí muốn được chết dưới những tảng đá và núi mà họ đang cố trốn tránh dưới đó. Mọi tầng lớp dân chúng (c.15) đều bị ảnh hưởng. Và cũng như sự thật xưa nay trong suốt lịch sử, sẽ không hề có tình trạng ăn năn cách đại trà hay ăn năn ồ ạt để quay về với Chúa, mà chỉ có sự xây bỏ khỏi mặt Đức Chúa Trời.
Đây sẽ là những sự đoán xét đầu tiên của Cơn Đại Nạn. Nhưng đấy chỉ mới là bắt đầu - những sự tệ hại nhất vẫn chưa đến.
IV. NGƯỜI ĐƯỢC CHUỘC TRONG CƠN ĐẠI NẠN
Đến thời điểm ấn thứ năm, rất nhiều tín đồ thật sẽ tuận đạo. Nói cách khác, những năm đầu Cơn Đại Nạn sẽ có sự làm chứng thật cho Tin Lành, và sẽ bị chống đối bởi giáo hội công đồng, là giáo hội “say huyết các tín đồ và huyết những kẻ chết vì Đức Chúa Jesus” (17:6). Giáo hội có tổ chức hẳn hoi nầy trong ba năm rưỡi đầu Cơn Đại Nạn sẽ nhân danh tôn giáo giết tín đồ thật bởi đức tin của họ.
Trước hết, những tín đồ thật nầy sẽ hoán cải bằng cách nào? Với Sự Cất Lên của Hội Thánh, mọi Cơ đốc nhân đều được cất lên khỏi đất, nên không còn tín đồ nào sống ngay sau Sự Cất Lên. Nếu có những người tuận đạo, thì trước hết phải có tín đồ. Con người sẽ được cứu bằng cách nào?Trong Kh 7:1-8, chúng ta được giới thiệu một khoảng thời gian chèn vào trong sự xét đoán. Ngay cả gió cũng ngừng thổi. (Nhân tiện, bạn có hình dung được ảnh hưởng trên khí hậu khi không có gió, thậm chí trong khoảng thời gian ngắn thôi? Thêm vào đó còn sự rối loạn địa hình của trái đất, cùng sự chuyển dời đảo và núi,thì bạn có thể hiểu ra cảnh hỗn loạn ngày càng tăng trong những năm đầu Cơn Đại Nạn.)
Mục đích sự tạm dừng đoán xét nầy là để cho một nhóm người nhất định có thể “được đóng ấn” (c.3). Những người nầy được gọi là “những tôi tớ của Đức Chúa Trời chúng ta.” Họ là ai thì được mô tả chi tiết trong c.4-8. Họ là người Dothái từ mỗi chi phái trong 12 chi phái Ysơraên, và đã có sự việc cụ thể nào đó cho Đức Chúa Trời. Câu Kinh Thánh nầy không nói rõ,cũng không hàm ý, dấu ấn đóng trên họ có phải là một dấu hữu hình hay là một loại đặc trưng nào đó hay không. Một dấu ấn không nhất thiết phải thấy được thì mới có thật (Eph 4:30). Nó chủ yếu là sự bảo chứng về quyền sở hữu và sự an toàn. Cả hai ý đều bao hàm trong việc đóng ấn nhóm người nầy. Họ thuộc quyền sở hữu của Đức Chúa Trời, có nghĩa họ là người được cứu chuộc. Họ được Chúa giữ gìn chắc chắn, có nghĩa Ngài bảo vệ họ khỏi kẻ thù trên đất đang khi họ hầu việc Ngài.
Nhưng nhóm người nầy được cứu bằng cách nào?Dầu không còn Cơ đốc nhân trên đất ngay sau Sự Cất Lên, nhưng sẽ còn Kinh Thánh, và nhiều sách nói về đức tin Cơ đốc. Nói cách khác, thông tin vẫn có sẵn để cung cấp sự kiện cho con người tìm được đức tin cứu rỗi.
Chúa sẽ bảo vệ những người nầy cách siêu nhiên để họ làm công việc quan trọng nào? Thực ra, phân đoạn nầy không nói cụ thể, nhưng chúng ta có manh mối cho câu trả lời trong Khải Huyền 14, trong đó,nhóm người nầy được mô tả đang ở trên thiên đàng sau khi đã làm xong công việc mình. Họ được gọi là những môn đồ được cứu chuộc của Chiên Con, và điều đó có thể cho thấy họ là nhóm các chứng nhân đặc biệt về Tin Lành trong thời kỳ Cơn Đại Nạn. Họ không phải là những người duy nhất đi ra làm chứng, nhưng sẽ là nhóm người duy nhất được bảo vệ đặc biệt khỏi tay kẻ thù mình.
Những sự đoán xét đầu tiên của Cơn Đại Nạn và tình hình tôn giáo trong nửa thời kỳ đầu đó được lập lại - dưới dạng tóm tắt - trong Bài Giảng Trên Núi Ôlive của Chúa (Mathiơ 24). Câu 4-14 nói về các sự kiện trong nửa thời kỳ đầu Cơn Đại Nạn, vì đến câu 15, chúng ta thấy một biến cố diễn ra chính xác ngay giữa thời kỳ bảy năm. Hãy để ý cách tóm tắt những sự đoán xét của các ấn: “Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc....Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất” (c.6-7). Hãy để ý câu Kinh Thánh nói đến người tuận đạo trong sự đoán xét của ấn thứ năm: “Bấy giờ người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi” (c. 9). Hãy xem tôn giáo giả: “Nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên và dỗ dành lắm kẻ” (c.11). Chức vụ của 144.000 người được đóng ấn, và của nhiều chứng nhân khác sẽ giải thích cho sự kiện “Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân”(c. 14). Đây là toàn bộ những sự kiện lớn dưới dạng tóm lược trong nửa đầu Cơn Đại Nạn, do chính miệng Đấng Christ phán ra trước khi chịu đóng đinh trên thập tự giá.
V. NƯỚC ÊDÍPTÔ VÀ NƯỚC NGA TRONG CƠN ĐẠI NẠN
Cho đến nay, chúng ta tập trung chủ yếu vào liên minh các nước phương Tây, đứng đầu là con người tội ác. Nhưng trong nửa đầu Cơn Đại Nạn, các liên minh hùng mạnh khác sẽ xuất hiện hoặc đang nắm quyền.Êdíptô, ở phía nam Palestine, sẽ tiếp tục là quốc gia hùng mạnh và đáng gờm mãi cho đến khi con người tội ác chinh phục nước nầy. Thất bại nầy được báo trước trong Da 11:40-43, và dầu các học giả không thống nhất với nhau về thời điểm diễn ra, nhưng dường như sẽ không trễ quá giữa Cơn Đại Nạn.
Vì vậy, chúng ta có thể chờ chứng kiến Êdíptô vẫn cứ là cường quốc đáng kể mãi đến khoảng 3 năm của Cơn Đại Nạn trôi qua. Sau đó, nước nầy sẽ bị đánh bại và bị cướp bóc bởi AntiChrist và đạo quân của hắn. Êdíptô không còn đứng trong các khối liên minh cường quốc hay trong các cuộc chiến ở nửa cuối Cơn Đại Nạn.
Các nước phương đông sẽ lập thành một dạng liên minh, và sẽ không chủ động tham dự bất cứ sự kiện nào liên quan đến Palestine cho đến tận cuối Cơn Đại Nạn. Mọi xu hướng giữa các nước phương đông đối với sự độc lập và tách rời khỏi ảnh hưởng Phương Tây đều mang ý nghĩa quan trọng. Chúng có thể dọn đường cho liên minh mà các nước nầy sẽ thành lập.
Ngoài liên minh các nước Phương Tây, còn một khối liên minh quan trọng nhất là liên minh của Gót và Magót. Các tên gọi nầy có trong Exe 38-39, và được xác định trong Sa 10:2 là các con trai của Giaphết.Dòng dõi Giaphết di cư sau Cơn Nước Lụt, từ vùng Tiểu Á sang phương bắc, vượt qua bên kia Biển Caspian và Biển Đen. Họ định cư trong vùng mà ngày nay chúng ta biết là nước Nga hiện tại. Do đó “Gót” và “Magót” có thể chỉ về dân tộc sống ở phương bắc Palestine tại Nga. Dân nầy sẽ kết liên minh cùng các dân khác như Batư (Iran ngày nay), Êthiôbi (phía bắc Sudan ngày nay), Phút (Libya), Gôme (chắc là phần phía đông của Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine), Tôgama (phần đất thuộc Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syri) (Exe 38:5-6). Phương Tây sẽ phản kháng (c.13), nhưng vô ích, và đội quân xâm lăng từ phương bắc nầy sẽ phủ vây Ysơraên như một đám mây (c.16). Những lính chiến sẽ cướp phá xứ nầy, dầu xứ đang an ổn dưới quyền bảo vệ của phương Tây.
Đến lúc nầy, Đức Chúa Trời sẽ can thiệp và tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng của Nga cùng đồng minh của họ (Exe 21:7). Đội quân dường như vô địch nầy sẽ bị đánh bại cách siêu nhiên và tan tác hoàn toàn.Đội quân Nga sẽ bị chôn tại Ysơraên (c.11), và chỉ đến lúc đó, ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông mới chấm dứt - bởi sự can thiệp trực tiếp của Đức Chúa Trời.
VI. CHƯƠNG TRÌNH CỦA ANTICHRIST
Kinh Thánh thường chia bảy năm Đại Nạn làm hai phần bằng nhau. Tuần lễ sau cùng trong bảy mươi “tuần lễ,” mỗi tuần bảy năm, của Đaniên được chia đôi ngay giữa bởi một sự kiện quan trọng (Da 9:27).Trong Khải huyền, hai phần của Cơn Đại Nạn nầy được gọi hoặc là “một thì, các thì và nửa thì” (Kh 12:14), hoặc “bốn mươi hai tháng” (11:2; 13:5), hoặc “một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” (11:3; 12:6), mỗi thời kỳ tính ra là ba năm rưỡi.
Với sự xâm lăng Palestine từ phương bắc của Gót và Magót, dường như có thời kỳ các kế hoạch của người tội ác (Antichrist) hầu như bị phá tan. Nhưng sự can thiệp siêu nhiên của Chúa và sự hủy phá quân Nga sẽ dọn đường cho con thú nầy thực hiện tiếp kế hoạch của nó.
A. Giết Hai Chứng Nhân
Trước hết, Antichrist phải loại bỏ sự chống đối từ phía hai cá nhân (11:3-13) đang gây hại cho hắn. Việc giết “hai người làm chứng “nầy sẽ là kỳ công vĩ đại đầu tiên của con thú vào giữa Cơn Đại Nạn.
Hai nhân chứng sẽ có chức vụ ngoạn mục trong nửa đầu Cơn Đại Nạn. Họ có quyền năng dùng lửa giết kẻ thù mình, ngăn được mưa,biến nước thành huyết, và giáng các tai vạ trên đất tùy ý muốn. Việc họ thường xuyên sử dụng các quyền năng nầy sẽ càng làm tăng nạn đại tàn hại kia. Lấy ví dụ,hãy nghĩ xem điều gì xảy ra khi họ dùng quyền năng để ngăn mưa. Kèm theo những thay đổi khí hậu và địa hình xảy ra trên đất, còn có thêm thảm họa không tưởng tượng nổi.
Dầu các nhân chứng nầy vô địch trong ba năm rưỡi, Chúa sẽ cho phép con thú giết họ sau khi họ xong công tác (c.7). Việc bắt các chứng nhân tuận đạo sẽ khiến Antichrist được muôn dân trên đất ủng hộ.Nhưng hắn chưa thỏa lòng khi chỉ giết họ: hắn còn phơi thây họ trên các đường phố Giêrusalem. Dân chúng thấy các chứng nhân chết thì sẽ vui mừng, vì không phải nghe lời làm chứng của họ nữa.
Chỉ nhìn xem các thi thể đang thối rữa của hai người nầy thôi thì dân chúng chưa thỏa lòng. Họ sẽ tổ chức lễ hội lớn nhân dịp nầy, tặng quà cho nhau. Chừng đó thôi cũng đủ cho chúng ta thấy thú vị, vì trong toàn bộ thời kỳ Đại Nạn, đây là dịp duy nhất nhắc đến sự vui mừng. Dân chúng sẽ quá vui mừng vì các chứng nhân đã chết, đến nỗi đây sẽ là lễ hội sung sướng cho họ. Nếu như họ tin lời rao giảng của các chứng nhân, thì cái chết của các chứng nhân ấy hẳn là chuyện buồn chứ không phải là một lễ hội vui mừng.
Nhưng Đức Chúa Trời sẽ can thiệp sau ba ngày rưỡi, thân thể của hai chứng nhân sẽ sống lại và được cất lên thiên đàng trong một đám mây vinh quang. Hãy hình dung cảnh tượng nầy. Biết bao hàng người dài dằng dặc đang chờ đến lượt xem các thi thể. Có lẽ các máy quay phim đang nhắm vào họ ngay chính lúc họ sống lại. Dân chúng ở Châu Âu và Châu Mỹ đều chứng kiến thông qua hệ thống truyền hình vệ tinh. Xướng ngôn viên vốn điềm tĩnh bình thản sẽ đột nhiên trở nên gần như cuồng loạn khi chứng kiến sự sống lại, và chợt thấy hàng triệu người đang chờ mình giải thích. Những người phiên dịch thông tin sẽ xoay sở thế nào trước sự kiện nầy? Thậm chí tiếng nói từ thiên đàng (c.12) còn vang lên trong hàng triệu gia đình.
Nhưng thậm chí trước khi báo chí có thể tường thuật câu chuyện, hoặc các nhà bình luận viết bài phân tích, còn một sự kiện vĩ đại khác nữa cho họ tường thuật, là trận động đất tập trung tại Giêrusalem, phá hủy một phần mười thành nầy, giết chết bảy ngàn người.
Cùng lúc, dường như 144.000 chứng nhân (Khải Huyền 7) cũng sẽ bị giết, và con thú sẽ tiêu diệt giáo hội công đồng (17:16) để dẹp sạch sự chống đối hành động vĩ đại tiếp theo của nó.
B. Bắt Phải Thờ Phượng Antichrist
Sau khi đã dẹp sạch toàn bộ sự chống đối của tôn giáo, con thú sẽ ban hành một sắc lệnh: “Hãy thờ phượng ta.” Để buộc mọi người phải tuân theo mệnh lệnh mình, nó sẽ bội giao ước với người Dothái, là giao ước cho phép khôi phục sự thờ phượng của Dothái giáo trong đền thờ đã được tái thiết tại Giêrusalem. Hắn sẽ làm việc nầy (Da 9:7), để đòi hỏi mọi người tôn hắn làm đối tượng của toàn bộ sự thờ phượng (Mat 24:15; IITe 2:4).
Antichrist sẽ thực hiện việc nầy bằng cách nào?
Trước hết, hắn sẽ được trợ giúp cách siêu nhiên. Chúng ta được biết Satan sẽ ban quyền năng, ngôi nước và quyền phép lớn cho Antichrist (Kh 13:2). Từ thời điểm nầy trở đi, ma quỷ sẽ hành động điên cuồng để dùng quyền năng làm mọi việc nhằm ngăn trở kế hoạch của Đức Chúa Trời. Satan sẽ tranh chiến cùng Michen và các thiên sứ - và Satan sẽ thua. Kết quả Satan sẽ bị quăng xuống đất. Kế đó, Đức Chúa Trời sẽ cảnh cáo cư dân trên đất: “Khốn nạn...vì ma quỷ biết thì giờ mình chẳng còn bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (12:12). Quyền lực Satan sẽ ẩn đàng sau các việc làm của con thú, là Antichrist, và ma quỷ sẽ sử dụng tối đa Antichrist.
Một nguyên nhân nữa khiến con thú được nên cao trọng liên quan đến việc nó bị thương đến chết. Vết thương chí tử của nó sẽ được chữa lành (13:3), đến nỗi cả thế gian đều lấy làm lạ. Cụm từ “bị thương đến chết” nguyên văn là “khi đã bị giết chết,” và đây chính là cụm từ được dùng trong 5:6 để nói về sự chết của Đấng Christ.
Vì Đấng Christ đã thực sự chết, nên có lẽ con thú cũng thực sự chết rồi được sống lại. Kinh Thánh nói nó lên từ vực sâu (11:7), và điều nầy dường như khẳng định nó kinh nghiệm sự sống lại. Nếu không,câu Kinh Thánh đó ít ra cũng có nghĩa hắn sẽ có một kiểu hồi phục ngoạn mục nào đó, để thế gian sẽ thán phục. Sự sống lại - hay sự hồi phục - diệu kỳ ấy sẽ khiến mọi người công nhận tính độc nhất vô nhị (“Ai sánh được với con thú?”) và sức mạnh của hắn (“Ai giao chiến cùng nó được?”) (13:4).
Chương trình của con thú gồm cả sự phạm thượng và chiến tranh (Kh 13:5-7). Nó sẽ nói nghịch Đức Chúa Trời cách xấc xược (Da 7:25). Những đối tượng bị nó nói phạm gồm danh Đức Chúa Trời, nơi ngự của Đức Chúa Trời, và những người đang ở trên thiên đàng. Nó sẽ được phép (hãy để ý,Chúa vẫn đang nắm quyền tể trị) giao chiến với các thánh đồ (Kh 12:17), và giết chết họ. Nhưng quyền lực của nó sẽ bị Chúa giới hạn trong bốn mươi hai tháng.
Đây là ví dụ về sự đan xen nhiều thế lực ẩn đàng sau các biến cố: Đức Chúa Trời tể trị mọi sự, nhưng Satan sẽ ban quyền cho con thú, rồi đến lượt con thú sẽ đích thân nói phạm Đức Chúa Trời. Những người gia nhập đạo binh của con thú thì do tự nguyện, rồi đến lượt họ sẽ giết chết dân sự của Đức Chúa Trời; và dân sự Đức Chúa Trời dầu phải chết nhưng vẫn ở trong sự chăm sóc bảo vệ của Ngài!
Để xúc tiến chương trình hiệu quả hơn,Antichrist sẽ có một phụ tá quan trọng. Nhân vật đó là “con thú thứ nhì” (Kh 13:11-18), và nhiệm vụ duy nhất của nó là đề cao các mục đích và xúc tiến sự thờ phượng con thú thứ nhất, tức con người tội ác. Con thú thứ nhì nầy sẽ không hề đề cao mình trong suốt sự nghiệp, nhưng mối quan tâm của nó luôn luôn tập trung vào con thú thứ nhất. Quyền năng của nó sẽ mạnh mẽ như quyền năng của người tội ác, nhưng sẽ sử dụng vì lợi ích của cấp trên, chứ không vì lợi ích của riêng mình (c.12).
Trợ thủ đắc lực nầy có thể giáng lửa từ trời xuống đất, bắt chước quyền phép của hai chứng nhân để cho thế gian thấy nó cũng vĩ đại như hai chứng nhân kia (c.13). Nó sẽ có thể làm nhiều phép lạ khác nữa (13-14). Nó sẽ truyền mọi người dựng tượng của con thú thứ nhất (c.14) và dường như người ta rất vui lòng thực hiện cấp tốc. Bước kế tiếp sẽ là ban sự sống cho tượng mà họ đã dựng. Chữ dùng cho “hơi sống” (c.15) là chữ pneuma, và điều nầy có thể cho thấy một phép lạ siêu nhiên (do Satan ban quyền phép) mới thực sự được ban sự sống cho một hình tượng. Đương nhiên, chữ nầy có thể dịch là “gió,” và có thể chỉ ra một mánh lới pháp thuật của trợ thủ đắc lực nầy để khiến cho tượng kia có hình trạng của một sự sống thực sự. Cách nói năng và cử động của một bức tượng có thể giả tạo dễ dàng, nhưng cũng có thể là công việc của Satan cách dễ dàng không kém.
C. Kiểm Soát Thương Mại
Tuy nhiên, kỳ công lớn nhất của con thú thứ nhì - đôi khi còn gọi là “tiên tri giả” (Kh 16:13; 19:20; 20:10) - sẽ là đòn bắt chẹt con người để buộc họ thờ phượng Người tội ác. Đây là âm mưu đơn giản, vạch ra cách khôn khéo: “Nó cũng khiến mọi người, nhỏ và lớn, giàu và nghèo, tự chủ và tôi mọi, đều chịu ghi dấu hoặc trên tay hữu, hoặc trên trán, hầu cho người nào không có dấu ấy, nghĩa là không có danh con thú hay số của tên nó, thì không thể mua cùng bán được” (13:16-17). Nói cách khác: một là quỳ lạy, hai là chết đói.
“Dấu” là một sự ghi khắc bằng một con dấu,giống như con dấu được dùng để đóng trên nô lệ hoặc súc vật. Người ta sẽ trở thành nô lệ cho Người tội ác, và sẽ phải mang dấu ấn xác định ách nô lệ của họ.Có lẽ nô lệ rụt rè sẽ mang dấu ấy trên tay phải. Để tránh lúng túng, có lẽ họ sẽ tránh bắt tay người khác để giấu dấu nầy. Những môn đồ dạn dĩ của Antichrist có lẽ sẽ chịu dấu ấn ấy ngay giữa trán.
Dấu ấn nầy sẽ ra sao? Câu 17 cho biết dấu đó hoặc là tên hoặc số của con thú, và được giải thích thêm rằng số đó là 666, tức con số của Người tội ác, chứ không phải số của kẻ phụ tá. Số nầy được liên kết với rất nhiều nhân vật quan trọng, đến nỗi khiến họ đều trở thành những sự trùng hợp không đáng tin cậy. Tuy nhiên, khi kẻ cai trị vĩ đại nầy lên nắm quyền,bấy giờ không thể nào nhầm lẫn được ai là nhân vật đó. Bằng cách nào đó mà hiện chúng ta chưa biết được, con số 666 sẽ đóng vai trò chủ yếu để nhận dạng hắn (16:13; 19:20; 20:10).
Đây sẽ là một thời kỳ ác nghiệt trong lịch sử thế giới. Tôi cho rằng nếu không vì cớ sự hiện diện của số dân sót kính sợ Đức Chúa Trời - tức những người sẽ không chịu quỳ lạy - và vì nó chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi, Antichrist sẽ thành công trọn vẹn trong việc bắt toàn thế gian phục dưới chân hắn.
VII. CÁC SỰ ĐOÁN XÉT CỦA CÁC ỐNG LOA VÀ CÁC BÁT THẠNH NỘ
A. Các Ống Loa
Trong lúc đó, Đức Chúa Trời tiếp tục trút những sự đoán xét của thạnh nộ Ngài xuống thế gian. Loạt đoán xét thứ nhất sẽ giáng xuống khi ấn niêm cuốn sách được tháo ra. Chúng ta đã thấy những gì sẽ xảy ra khi mở sáu ấn đầu. Khi mở ấn thứ bảy (Kh 8:1) người ta chờ đợi trận hủy diệt bùng nổ. Trái lại, lại có sự yên lặng - sự tĩnh lặng trong trạng thái chờ đợi và báo điềm gở. Yên lặng sẽ kéo dài suốt nửa giờ và đáng sợ. Việc mở ấn thứ bảy dẫn đến một loạt đoán xét khác, được công bố bởi việc thổi bảy ống loa (8:7-9:21;11:15-19). Sự đoán xét của ba ống loa cuối trong loạt bảy ống loa đó được phân biệt với bốn ống loa đầu bởi chúng được gọi cách đặc biệt là những nạn tai họa,dường như hàm ý chúng càng khắc nghiệt hơn.
Điểm giữa Cơn Đại Nạn (3 năm rưỡi) là ở đâu so với những sự đoán xét nầy? Kinh Thánh không nói cụ thể, nhưng nhiều người cảm thấy điểm giữa nầy hoặc bắt đầu từ sự đoán xét của loa thứ nhất, hoặc từ sự đoán xét với nạn “khốn thay” đầu tiên (tức là sự đoán xét của loa thứ năm). Nếu đúng vậy, sự đoán xét của ống loa thứ năm xảy đến khi Antichrist giết hai chứng nhân và tôn mình lên cho mọi người thờ phượng. Những đoán xét của các ống loa dường như tiếp diễn cho đến năm cuối thời kỳ nầy. Chúng còn kéo theo một loạt đoán xét chung quyết và cấp tốc khác trong những tháng cuối của năm thứ bảy.
1. Sự đoán xét của ống loa đầu tiên (Kh 8:7).
Sẽ có mưa đá và lửa pha với huyết giáng xuống đất, đến nỗi một phần ba đất,cây cối, cỏ xanh sẽ bị thiêu cháy. Ở đây, lửa và huyết không phải là biểu tượng cho điều nào khác cả. Chúng ta phải hiểu theo nghĩa đen. Chúng sẽ tàn phá hoa màu trên đất, và càng làm xáo trộn thêm khí hậu.
2. Sự đoán xét của ống loa thứ nhì (Kh 8:8-9).
Sự đoán xét nầy được giải nghĩa bằng lối nói theo nghĩa bóng - “một khối tựa như hòn núi lớn toàn bằng lửa.” Có lẽ kinh nghiệm hiện tại của chúng ta không có điều gì tương ứng với sự đoán xét này. Có thể đây là điều chúng ta chưa biết đến, nhưng ảnh hưởng của nó thì rất rõ ràng - một phần ba biển sẽ biến thành huyết, và một phần ba tàu bè trên biển cũng bị tiêu diệt. Hãy nghĩ xem sự đoán xét nầy sẽ tác động thế nào đến các tít báo và lòng người.
3. Sự đoán xét của ống loa thứ ba (Kh 8:10-11).
Sự đoán xét nầy hại đến nguồn nước ngọt, biến nước ngọt thành ra đắng không nếm được, và làm ô uế cả hệ thống nước. Kết quả là nhiều người chết vì sự ô nhiễm nầy.
4. Sự đoán xét của ống loa thứ tư (Kh 8:12-13).
Sự đoán xét nầy tác động đến mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, và sự đồng dạng của chu kỳ ngày đêm, vì một phần ba các thiên thể sẽ bị tác hại, nên có lẽ chu kỳ ngày đêm hai mươi bốn giờ sẽ ngắn lại còn mười sáu giờ. Đức Chúa Jesus đã báo trước trong Bài Giảng Trên Núi Ôlive rằng: “Sẽ có các điềm lạ trong mặt trời, mặt trăng, cùng các ngôi sao” (Lu 21:25).
5. Nạn đầu tiên - Sự đoán xét của ống loa thứ năm (Kh 9:1-12).
Đàn châu chấu trong sự đoán xét bằng tai họa thứ nhất nầy sẽ được thả ra trên đất giống như những mũi tên ra khỏi cây cung. Chúng ra từ vực sâu không đáy - nghĩa đen là từ “ống thông của vực sâu.” Vực sâu nầy - đi vào bởi đường ống thông - đang bị khóa. Nhân tiện xin nói, đoạn 9 có nhiều chữ “giống như,” “tựa như” hơn hết trong Kinh Thánh. Quả khó cho Giăng mô tả những gì ông nhìn thấy trong Khải Huyền. Dầu vậy, nỗi kinh khiếp của sự đoán xét rất rõ ràng.
Từ miệng vực sâu sẽ ra “những châu chấu”(c.3-11), mà đấy không phải là loại côn trùng bình thường. Chúng sẽ ra thẳng từ nơi ở của Satan. Dường như chúng là những sinh vật giống như châu chấu, nhưng về bản chất thì chúng là ma quỷ. Có lẽ chúng là quỷ sứ mang lấy hình dạng những con châu chấu độc nhất vô nhị nầy, và được điều khiển bởi vua của vực sâu (c.11).
Vết cắn của những châu chấu nầy giống như của bò cạp. “Nỗi đau đớn từ vết chích của con bò cạp dầu thường không làm chết người,nhưng có lẽ là nỗi đau khủng khiếp nhất mà súc vật có thể gây ra trên thân thể người. Côn trùng nầy là giống nóng nảy và hiểm ác nhất từng sống trên đất, và nọc độc của nó cũng không khác gì chính nó.... Nếu như có tránh được đi nữa, thì cũng khó đề phòng nổi chúng, vì chúng bay đi đâu tùy ý, lao vút qua không trung, và ở trong chốn tối tăm” (J.A. Seiss, The Apocalypse (New York: Cook,1865, trang 83). Khác với loại châu chấu bình thường, những sinh vật nầy không tấn công cây cỏ mà chỉ tấn công con người. Chúng sẽ được thả ra trong năm tháng, và trong thời gian đó, con người không thể tự tử được. Điều nầy có vẻ không thể có được, nhưng dẫu sao vẫn cứ xảy ra.
Chúng ta khó hình dung nổi những sinh vật như thế, nhưng không có cớ gì để cho rằng chúng chỉ là biểu tượng đơn thuần.Hãy nhớ quyền phép của Satan và quỷ sứ nó là rất lớn - và những châu chấu dữ tợn nầy thuộc về ma quỷ. Chẳng có gì lạ khi đoán xét nầy được gọi là nạn đầu tiên.Vì con người không tin hay chấp nhận hiện hữu và hoạt động của ma quỷ, nên người sống lúc bấy giờ chắc cố nêu những giải thích tự nhiên cho những sinh vật nầy,và sẽ cố tiêu diệt chúng bằng những thứ thuốc trừ sâu pha chế vội. Nhưng họ sẽ không tìm ra được lời giải thích, còn thuốc của họ sẽ không công hiệu chút nào.
6. Nạn thứ nhì - Sự đoán xét của ống loa thứ sáu (Kh 9:13).
Trong sự đoán xét của ấn thứ tư, một phần tư dân số trên đất bị giết; trong sự đoán xét của ống loa thứ sáu, thêm một phần ba nữa sẽ chết. Điều nầy có nghĩa nội hai sự đoán nầy đã giảm một nửa dân số trái đất. Ngoài ra, người ta còn chết bởi chiến tranh, đói kém và dịch lệ, và dễ dàng thấy sự chết phổ biến đến mức nào trong thời kỳ khủng khiếp nầy.
Phương tiện cho sự đoán xét nầy là đạo kỵ binh, quân số lên đến 200 triệu. Có người hiểu đây là các đạo binh Phương Đông khi đến xâm lược Palestine. Có người xem đây là đạo binh ma quỷ, vì Kinh Thánh có nêu các ví dụ khác về các đạo binh siêu nhiên (IIVua 2:11; 6:13-17; Kh 19:14). Loại vũ khí tiêu diệt ở đây sẽ là lửa, khói và diêm sanh (9:17). Vì đây là các vũ khí của địa ngục, nên có lẽ cho thấy đạo binh nầy hợp bởi ma quỷ, tức những cư dân địa ngục.
Những tưởng các cột cáo phó dài dằng dặc trên báo sẽ khiến con người giật mình đối mặt với trách nhiệm trước mặt Chúa.Thế nhưng, thay vì ăn năn quay về với Chúa để được thương xót, những người chưa bị đạo binh nầy giết lại càng cứng lòng hơn nữa. Tôn giáo của người chưa được cứu trong Cơn Đại Nạn sẽ là thờ phượng ma quỷ và hình tượng, và tội sát nhân, phù phép, dâm dục và trộm cướp sẽ lan tràn (c.20-21). Tà thuật có lẽ bao gồm cả việc lạm dụng thuốc, vì chúng ta rút ra chữ pharmacy từ chữ Hylạp nầy. Thật thú vị khi thấy ba trong số bốn thứ tội nầy vi phạm trực tiếp Mười Điều Răn. Nền đạo đức của con người sẽ phản ánh tôn giáo của mình, và trong những ngày nầy, tội ác sẽ thắng thế chứ không phải phẩm hạnh tốt.
7. Nạn thứ ba - Sự đoán xét của ống loa thứ bảy (Kh 11:15-19).
Khi thổi ống loa thứ bảy, sẽ có lời loan báo sự cuối cùng đã đến gần, dầu vậy còn bảy sự đoán xét khác nữa phải giáng trên đất trước khi mọi sự kết thúc. Những sự đoán xét nầy là những bát thạnh nộ của Đức Chúa Trời (16:1-21). Những tai vạ cuối cùng đó sẽ đến trong những tháng cuối, hoặc thậm chí trong những tuần cuối, của năm cuối Cơn Đại Nạn, không hề gián đoạn hay tạm ngưng. Bảy thiên sứ liên quan đến những sự đoán xét cuối cùng đó được truyền phải trút sự đoán xét của họ luôn một lần. Toàn bộ việc nầy sẽ diễn ra chính lúc Antichrist bắt buộc con người thờ phượng hắn. Con người sẽ bị thúc ép tứ phía.Hầu hết mọi người đều quyết định chọn Antichrist.
B. Các Bát Thạnh Nộ
1. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ nhất (Kh 16:2).
Bát đoán xét nầy khiến con người ngứa ngáy rất khốn khổ, được mô tả là “dữ và đau.” Những chữ nầy cũng có nghĩa hiểm ác và có vẻ cho thấy loại ung thư nào đó. Hoạn nạn nầy chỉ giáng trên những ai thờ lạy con thú, còn tín đồ thì được miễn. Nhưng dường như con thú không làm gì được cho môn đồ nó, nên họ tiếp tục rủa sả Chúa vì những ngứa ngáy đó, thậm chí sau khi bát thạnh nộ thứ năm đã được trút xuống (c.11).
2. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ nhì (Kh 16:3).
Nước sẽ biến thành huyết trong sự đoán xét nầy. Mọi sinh vật trong biển đều chết. Cụm từ khá sinh động nầy mô tả những con tàu dầm trong huyết. Trong sự đoán xét của ống loa thứ nhì, một phần ba sinh vật dưới biển bị chết (8:9); giờ đây, sự sống dưới biển bị diệt hoàn toàn. Bạn có tưởng nổi mùi hôi thối và bệnh tật do sự đoán xét nầy đem đến cho dân sống dọc bờ biển trên thế giới? Bảy mươi hai phần trăm diện tích trái đất là nước.
3. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ ba (Kh 16:4-7).
Lúc nầy, cũng giống như sự đoán xét của ống loa thứ ba, nguồn nước ngọt bị hại. Giờ đây, thay vì biến thành ngải cứu, nước biến thành huyết. Nạn nhân của tai vạ nầy phải chịu trừng phạt không chút xót thương. Họ đã làm đổ huyết các thánh đồ và các tiên tri, nên giờ đây sẽ phải uống huyết. Họ xứng đáng nhận điều đó. Chúng ta không dễ gì nhận thức nổi cách Đức Chúa Trời đối xử với dân chúng như vậy. Suốt hàng ngàn năm, Ngài đã nhịn nhục và khoan nhân, không đoán xét theo cách mà thế gian đáng phải nhận.
4. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ tư (Kh 16:8-9).
Trong thời gian nầy, sức nóng mặt trời sẽ tăng lên đến nỗi đốt cháy xém dân chúng bởi nóng quá đỗi. Một lần nữa, con người lại càng cứng lòng hơn thay vì ăn năn quay về với Đức Chúa Trời.
5. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ năm (Kh 16:10-11).
Ngôi của con thú sẽ bị hại, và thủ đô của nó sẽ tối tăm. Sự đoán xét nầy chắc làm chậm bớt nỗ lực ép buộc mọi người thờ phượng nó. Kết quả con người nói phạm Đức Chúa Trời do bị đau đớn và ngứa ngáy, vì dường như trong bóng tối,nỗi đau đớn càng khủng khiếp hơn khi ở ngoài ánh sáng.
6. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ sáu (Kh 16:12-16).
Sông Ơphơrát sẽ khô cạn (trước đây đã biến thành huyết). Sự đoán xét nầy sẽ khiến các đạo binh thuộc quyền các vua phương đông càng dễ vượt sông (Da 11:44) khi đổ xô đến trận chiến Hamaghêđôn.
7. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ bảy (Kh 16:17-21).
Sự hủy hoại toàn cầu và sự tàn phá xảy ra, và người ta sẽ nghe tiếng lớn “Xong rồi!” Tiếp đó có rất nhiều rối loạn trong thiên nhiên. Một trận động đất sẽ chia cắt thành Giêrusalem, khiến các thành khác đổ xuống. Các đảo và núi sẽ biến mất, và có một trận bão chưa từng thấy, cục mưa đá rơi xuống nặng đến 100 pounds (khoảng 45kg). Nhưng dầu những đoán xét cuối cùng nầy khủng khiếp và phổ biến đến như vậy, người còn sống sót vẫn cứ khăng khăng nói phạm Đức Chúa Trời thay vì ăn năn quay về với Ngài để được thương xót. Mọi thứ con người xây dựng trên thế gian đều sụp đổ theo nghĩa đen trước mắt họ, thế nhưng họ vẫn cứ nghĩ họ làm chủ số phận mình và không cần đến Đức Chúa Trời.
Kết thúc cơn đoán phạt nầy sẽ đưa con người đến kết thúc Cơn Đại Nạn và sự tái lâm của Đấng Christ để bắt đầu triều đại của Ngài trên đất. Chỉ còn một phần nữa của bức tranh nầy phải hoàn tất.
VIII. HAMAGHÊĐÔN
Ôn lại: Trước khi đến giữa Cơn Đại Nạn, kẻ cầm quyền Phương Tây - Antichrist (Người tội ác) - vẫn giữ hiệp ước với Ysơraên, để xâm lấn và chinh phục Êdíptô. Lúc đó, các đạo binh Nga từ phương bắc sẽ tràn xuống Palestine, và khi mọi sự dường như vô vọng cho cả Antichrist lẫn Ysơraên, Đức Chúa Trời sẽ can thiệp và tiêu diệt các đạo binh phương bắc của Nga cách siêu nhiên. Việc nầy sẽ giúp Người tội ác rảnh tay bội ước với Ysơraên, tôn mình lên buộc mọi người thờ phượng, và cố chinh phục thế giới.
Tuy nhiên, khi Antichrist xúc tiến chương trình mình, các quốc gia Phương Đông sẽ hiệp nhất lại và cố gắng ngăn chận hắn.Để thực hiện việc nầy, họ sẽ tiến quân về hướng tây tràn vào Palestine. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ sáu sẽ làm cạn sông Ơphơrát, giúp họ tiến nhanh vào Đất Hứa. Trong thời gian đó, Antichrist đã vững lập tại Palestine với tư cách lãnh tụ tôn giáo và chính trị.
Chiến trường cho các đạo quân từ phương đông và phương tây giao chiến sẽ là đồng bằng Áchcalôn, vùng đất quanh các ngọn núi ở Mêghiđô. Đó là lý do trận chiến nầy được gọi là Hamaghêđôn (Armageddon) - Ar nghĩa là núi. Đồng bằng nầy nằm cách Haifa khoảng 20 dặm về phía nam - đông nam của Haifa, và ngày nay trũng nầy rộng khoảng 20 dặm x 14 dặm.
Một chiến trường khác nữa sẽ tập trung vào Giêrusalem, nơi đó sẽ có trận đánh từ nhà này sang nhà kia và kẻ thù của Chúa tạm thời thành công. Nhưng Chúa sẽ sai dịch lệ đến và sau đó Ngài đứng trên Núi Ôlive và “hủy diệt hết thảy những nước nào đến đánh Giêrusalem” (Xa 12:9;14:12; 14:4; 1:9).
Tại sự hiện đến lần thứ nhì của Đấng Christ,vẫn còn một khu vực chiến tranh nữa tập trung tại Bốtra ở Êđôm, khoảng hai mươi dặm đông nam mũi phía nam của Biển Chết (Es 63:1-6). Khi kết hợp cả ba khu vực của cuộc chiến này lại, chúng ta nhìn thấy bức tranh khủng khiếp của cuộc tàn sát không thể tin nổi bao trùm toàn bộ vùng đất từ Mêghiđô ở phía bắc,Giêrusalem ở miền trung, và Êđôm ở phía đông nam (khoảng 140 dặm).
Giữa trận chiến, Đức Chúa Jesus Christ sẽ trở lại và đạo binh từ thiên đàng sẽ chiến thắng đạo binh của trần gian (Kh 19:11-21). Sự tàn sát sẽ đến mức không thể tin nổi (14:20; 19:17-18).
Nhưng kết cuộc đã chắc chắn - con thú sẽ bị đánh bại và đạo binh hắn sẽ bị bắt làm phu tù. Hắn cùng kẻ trợ thủ tiên tri giả của hắn sẽ bị quăng vào hồ lửa chịu đau đớn đời đời. Như vậy, Cơn Đại Nạn sẽ kết thúc.
Vì sao phải có một thời kỳ như thế nầy? Có ít nhất hai nguyên nhân: Thứ nhất, sự gian ác của con người phải bị trừng phạt.Hiện nay, Đức Chúa Trời có vẻ như không hề xử lý những điều ác, nhưng một ngày kia Ngài sẽ hành động. Nguyên nhân thứ nhì là: bằng biện pháp này hoặc biện pháp khác, con người phải bị bắt phủ phục trước Vua của muôn vua và Chúa của muôn chúa. Con người có thể tự nguyện làm như vậy ngay hiện nay bằng cách lấy đức tin đến với Đấng Christ và tiếp nhận sự cứu rỗi. Về sau, con người sẽ buộc phải phủ phục như vậy, nhưng chỉ nhận được sự đoán phạt mà thôi.