Chương này nêu khái lược các biến cố tương lai theo cách hiểu Kinh Thánh của thuyết Tiền Thiên hy niên Tiền đại nạn. Đây sẽ là khung để luận chi tiết hơn các biến cố tuyển chọn trong tương lai.

I. CÁC BIẾN CỐ XUNG QUANH SỰ KẾT THÚC THỜI ĐẠI HỘI THÁNH

A. Sự Bội Đạo Gia Tăng

Từ ngữ “Ngày sau rốt” bao trùm toàn bộ thời kỳ từ sự hiện ra lần thứ nhất đến lần thứ hai của Đấng Christ (He 1:2). Sự đi sai lạc và bội đạo, cùng nhiều vấn đề khác, sẽ đặc trưng cho toàn bộ thời kỳ đó (IITi 3:1). Vì vậy, hiện diện của sự bội đạo tự nó không báo hiệu sự kết thúc Thời Đại Hội Thánh, nhưng sự gia tăng bội đạo mới chính là dấu hiệu. Sự bội đạo vừa ở hiện tại, vừa trong tương lai - khi diễn ra sự bội đạo đến mức cao nhất đưa đến sự cai trị tôn giáo của người tội ác trong thời Đại Nạn (IITe 2:3).Chúng ta có thể cho rằng sự bội đạo càng lan rộng khi đến gần những ngày Đại Nạn.

1. Những đặc trưng giáo lý của sự bội đạo.

Ít nhất có ba đặc trưng sau: (a) Chối bỏ giáo lý Ba Ngôi (IGi 2:22-23); (b) Chối bỏ giáo lý Sự Nhập Thể của Đấng Christ (IGi 2:22; 4:3; IIGiăng 7). Trong thời Giăng, sự phủ nhận này ở hình thức phủ nhận nhân tánh đích thực của Đấng Christ, dầu vậy còn mang cả hình thức phủ nhận thần tánh đích thực của Đấng Christ. Chối bỏ hoặc Ba Ngôi Đức Chúa Trời hoặc Sự Nhập Thể cũng có nghĩa chối bỏ sự hiện hữu của Đấng Thần Nhân, tức chối bỏ điều thiết yếu cho sự cứu rỗi chúng ta. Nếu Chúa Jesus Christ không phải là con người, thì Ngài không thể chết;nhưng nếu Ngài cũng không phải là Đức Chúa Trời thì sự chết đó không thể chuộc tội được; (c) Phủ nhận giáo lý tái lâm của Đấng Christ (IIPhi 3:4).

2. Những đặc trưng về nếp sống của sự bội đạo.

Sai lạc trong giáo lý luôn dẫn đến suy đồi về đạo đức. Phaolô nêu 18 đặc trưng của sự biến thái như thế trong IITi 3:1-5. Chúng là: tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, lộng ngôn, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình,thù hằn không dứt đến nỗi không thể thuyết phục con người hòa thuận với nhau,hay phao vu, không tiết độ (không thánh khiết), dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận (hấp tấp hay thiếu thận trọng), lên mình kiêu ngạo,ưa thích vui chơi hơn là yêu mến Chúa (giả vờ thờ phượng Chúa mà không có nếp sống tin kính).

B. Sự Dọn Đường Cho Giáo Hội Công Đồng (Ecumenical Church)

Trong nửa đầu Cơn Đại Nạn, một tôn giáo có tổ chức và mang tính công đồng sẽ lên đến thời hoàng kim của nó. Hệ thống tôn giáo bội đạo này được mô tả trong Khải Huyền 17 dưới nhãn hiệu “Sự Mầu Nhiệm,Babylôn Lớn.” Hệ thống này sẽ lan rộng toàn cầu (c.15), không trung thành với lẽ thật và với Chúa (từ ngữ “dâm phụ” xuất hiện trong c.1,5, 15-16), có thế lực chính trị rộng lớn (c. 12-13), là một “mồ mả tô trắng,” tức bại hoại bề trong nhưng lại huy hoàng hào nhoáng ở bề ngoài (c.4), và sẽ bắt bớ các thánh đồ của thời kỳ Đại Nạn (c.6).

Cơ sở cho hệ thống như thế có vẻ phải được lập trước khi Cơn Đại Nạn bắt đầu, có nghĩa là trong những năm cuối cùng của Thời Đại Hội Thánh. Sự chuẩn bị này có thể bao gồm những biện pháp tổ chức hướng đến sự thống nhất trong Cơ Đốc Giáo Giới cũng như uy thế của các giáo lý mà nhiều nhóm khác nhau đang ủng hộ.

II. SỰ CẤT HỘI THÁNH LÊN

A. Khái Niệm Sự Cất Lên

Hiểu biết hiện nay của chúng ta về chữ “sự cất lên” (Anh ngữ: rapture – nghĩa bình thường là “sự vui sướng vô ngần”) dường như ít hoặc không liên quan gì đến biến cố lai thế học này. Tuy nhiên, từ này được dùng rất phù hợp để chỉ về sự kiện đó. Cất lên là một tình trạng hoặc một từng trải được đem ra khỏi. Chữ này trong Anh ngữ (rapture) ra từ chữ Latin, rapio,có nghĩa bắt giữ hay nắm giữ liên quan đến sự xuất thần của tâm linh, hay sự chuyển dời thật sự từ chỗ này sang chỗ khác. Nói cách khác, chữ này có nghĩa là được mang đi khỏi trong tâm linh hay trong thân thể. Sự Cất Lên có nghĩa là việc đem Hội Thánh từ đất lên thiên đàng.

Chữ Hylạp mà chúng ta rút ra từ ngữ “cất lên” xuất hiện trong ITe 4:17, dịch là “được cất lên.” Bản dịch tiếng Latin của câu Kinh Thánh này đã dùng chữ rapturo. Chữ này dịch sang tiếng Hylạp là chữ harpazơ, có nghĩa vồ chộp lấy đi, hay là lấy đem đi. Ở chỗ khác, chữ này được dùng mô tả cách Thánh Linh đã cất Philíp đi khỏi Gaxa để đem ông đến Sêsarê (Cong 8:39) và mô tả từng trải Phaolô được cất lên đến từng trời thứ ba (IICo 12:2-4). Do đó, có thể tin rõ ràng chữ này được dùng trong Têsalônica 4:17 để chỉ ra việc chuyển dời tín đồ thực sự từ đất lên trời.

B. Những Thành Phần Của Sự Cất Lên (ITe 4:13-18)

1. Sự trở lại của Đấng Christ (c. 16).

Chính Chúa sẽ trở lại đón rước dân sự Ngài, kèm theo toàn bộ oai nghiêm cả thể xứng đáng với hiện diện của Ngài. Sẽ có tiếng kêu lớn (Kinh Thánh không nói rõ là tiếng của Chúa hoặc của thiên sứ trưởng), và tiếng kèn của Đức Chúa Trời sẽ gọi những kẻ chết trong Đấng Christ sống lại, cũng như sẽ vang lên lời cảnh cáo những ai đã chối bỏ Ngài nên bởi đó không được cất lên.

2. Sự sống lại (c. 16).

Đến lúc này, chỉ những người chết trong Đấng Christ mới được sống lại. Điều này có nghĩa những tín đồ kể từ Ngày Lễ Ngũ Tuần, vì dẫu trước đó đã có các tín đồ, nhưng không ai trong số đó được đặt vào “trong Đấng Christ.” Kẻ chết trong Đấng Christ sẽ được sống lại ngay trước khi những người đang sống được biến hóa. Tuy nhiên, cả hai nhóm này đều sẽ kinh nghiệm sự biến hóa tương ứng của họ “trong giây phút, trong nháy mắt” (ICo 15:52). Toàn bộ tiến trình này sẽ diễn ra tức thời, chứ không diễn ra dần dần. Chữ dùng cho “giây phút” ra từ chữ “nguyên tử.” Vì khi khám phá ra nguyên tử, người ta nghĩ nguyên tử là không thể phân chia nữa, nên đặt tên “nguyên tử.” Dầu sau đó nguyên tử bị phân chia ra, nhưng chữ này vẫn giữ nguyên nghĩa “không thể phân chia” của nó. Sự sống lại của kẻ chết và sự biến hóa của người đang sống sẽ diễn ra trong khoảng thời gian tức thời không thể phân chia được.

3. Sự Cất Lên (c. 17).

Nói chính xác thì chỉ những tín đồ còn đang sống mới được Cất Lên (dầu chúng ta dùng chữ này để bao gồm toàn bộ sự việc diễn ra lúc đó). Điều này có nghĩa họ sẽ được cất lên để gặp mặt Chúa mà không phải trải qua sự chết.

4. Sự đoàn tụ (c.17).

Đây là sự đoàn tụ với Chúa và với những người thân đã qua đời.

5. Sự yên ủi (c.18).

Lẽ thật về Sự Cất Lên vừa yên ủi vừa khích lệ chúng ta (vì chữ này mang cả hai nghĩa ấy).

Những lời Phaolô mô tả Sự Cất Lên trong cả ICo 15:51-58 và ITe 4:13-18 không hậu thuẫn quan điểm Sự Cất Lên Một Phần, là quan điểm dạy rằng chỉ những tín đồ thiêng liêng mới được mới được cất lên trong nhiều lần ở thời kỳ Cơn Đại Nạn. Phaolô dạy rõ rằng “chúng ta ... hết thảy đều sẽ biến hóa” tại lúc đó, và ông viết những lời đó cho tín đồ Côrinhtô, đa số họ hầu như không thể gọi là tín đồ thiêng liêng.

III. NHỮNG BIẾN CỐ CỦA THỜI KỲ ĐẠI NẠN

Vì Kinh Thánh mô tả rất nhiều biến cố trong bảy năm Đại Nạn, và vì tôi muốn cố xếp chúng lại với nhau theo một trình tự thời gian càng sát nhau càng tốt, nên tôi nghĩ tốt nhất nên thực hiện trong chương kế tiếp.

IV. NHỮNG BIẾN CỐ LÚC ĐẤNG CHRIST TÁI LÂM

A. Sự Tái Lâm

Tại đỉnh điểm của chiến dịch Hamaghêđôn,Chúa sẽ trở lại trần gian để đoán xét và cai trị. Sự trở lại của Ngài được mô tả trong Xa 14:1-11 và Kh 19:11-16. Còn nhiều phân đoạn khác nói đến sự tái lâm,nhưng hai phân đoạn trên trình bày chi tiết nhất.

V. THIÊN HY NIÊN

Vì Kinh Thánh nêu rất nhiều chi tiết về nước Thiên Hy Niên trong tương lai của Đấng Christ, nên tôi muốn dành riêng một chương để nói về Thiên Hy Niên và về những sự kiện ở cuối Thiên Hy Niên.