Giao ước Chúa lập với Đavít - cũng giống giao ước với Ápraham - cũng hậu thuẫn mạnh mẽ cho lai thế học Tiền Thiên Hy Niên.

I. CÁC ĐIỀU KHOẢN TRONG GIAO ƯỚC (IISa 7:12-16)

Đavít ao ước cất đền thờ cho Đức Giêhôva thay cho đền tạm. Vì ông sống trong nhà bằng cây bá hương, nên có vẻ hoàn toàn thích hợp để có tòa nhà lâu bền hơn để thờ phượng Chúa. Nhưng Chúa mặc khải cho tiên tri Nathan rằng Ngài dự định cho Đavít điều còn vĩ đại hơn nhiều, và khải thị đó chính là Giao Ước Đavít.

A. Những Lời Hứa Liên Quan Đến Đavít

1. Dòng dõi.

Đavít sẽ có một con trai nối ngôi và vững lập vương quốc (c.12).

2. Vương quốc.

Nhà, ngôi và nước của Đavít sẽ được vững lập đời đời (c.16). Tuy nhiên, giao ước này không bảo đảm triều đại không gián đoạn của nhà Đavít, dầu có hứa quyền cai trị vẫn luôn thuộc triều đại Đavít. Dĩ nhiên, Cuọc Lưu Đày Babylôn làm gián đoạn quyền cai trị của nhà Đavít.

B. Những Lời Hứa Liên Quan Đến Salômôn

1. Đền thờ. Salômôn, chứ không phải Đavít, sẽ xây đền thờ (c.13a).

2. Ngôi. Ngôi của vương quốc Salômôn sẽ vững lập đời đời (c. 13b).

3. Hình phạt. Ông sẽ bị phạt vì tội mình nhưng không bị truất (14-15).

Đức Chúa Trời không hứa cụ thể hậu thế của Đavít sẽ ra từ dòng dõi Salômôn. Giêcônia (hoặc “Coniah”), một trong những hậu tự của Salômôn đã bị Chúa tuyên phán là “không có con cái” (Gie 22:30). Thực ra, Giêcônia có bảy con trai (có lẽ là con nuôi, ISu 3:17-18), dẫu vậy, không có ai bước lên ngai vàng cả.

Như vậy, xét về một triều đại liên tục, thì Giêcônia đã “không có con cái.” Phả hệ của ông đã thực sự giữ lại quyền thừa kế hợp pháp ngai vàng, là điều đã được tuyên bố cho Chúa Jesus thông qua người cha hợp pháp của Ngài là Giôsép (Mat 1:7,12,16).

Một lần nữa, cần nhớ: các lời hứa này được lập vô điều kiện. Vẫn có người cố phủ nhận tính vô điều kiện của giao ước đó, tuyên bố giao ước có thể bị hủy, và trích chữ “nếu” trong IISa 7:14, ICácVua 2:4;8:25; 9:4-5; Es 24:5 và Exe 16:59. Giải pháp đơn giản là:

“Việc 'vi phạm,’ hay tính có điều kiện này,có thể chỉ về việc làm mang tính cá nhân và đích thân gây mất hiệu lực các lợi ích trong giao ước, nhưng không thể ảnh hưởng đến sự lưu truyền lời hứa cho hậu thế. Đó là lý do Đức Chúa Trời nhất quyết khẳng định sự thủy chung của Ngài và tính vĩnh viễn của giao ước với Đavít bất luận những kẻ bất lương lên nối ngôi,tức những người xuất hiện trong phổ hệ của Đavít. Bởi trong trường hợp đó, Ngài đã 'chê trách họ,’ nhưng không chê trách Giao Ước Mới Của Ngài Với Ápraham Và Đavít (Kaiser, Toward an Old Testament Theology (Grand Rapids, MI: Zondervan,1978, trang 157).

II. SỰ KHẲNG ĐỊNH GIAO ƯỚC NÀY TRONG CỰU ƯỚC

Thực ra, mọi phân đoạn Cựu Ước nào mô tả Đấng Mêsia là Vua và nước hầu đến của Ngài đều khẳng định các lời hứa trong Giao Ước Đavít. Ví dụ, mọi Thithiên về vua đều nêu thêm thông tin về nước Đavít (Thi thiên 2; 18; 20-21; 45; 72; 89; 101; 132; 144). Thi 89:3-4,19-37 khẳng định mạnh mẽ tính bất biến của giao ước. Có vẻ Chúa đang ngừa trước lời phái Vô Thiên Hy Niên tuyên bố những lời hứa về nước phải được “thuộc linh hóa” cho hội thánh khi Ngài phán: dầu hình phạt sẽ đến, nhưng giao ước sẽ không bị hủy hoặc thay thế (c.32-34).

Rất nhiều phân đoạn trong Êsai cũng báo trước và mô tả vương quốc hữu hình trên trần gian được hứa ban trong Giao Ước Đavít.Êsai dự ngôn quyền cai trị của Đấng Mêsia “trên ngôi Đavít và trên nước Ngài (9:7). Tại nhiều chỗ khác, ông mô tả một số đặc trưng của nước ấy (các đoạn 11;24-25; 54; 60-61).

Những lời hứa quan trọng khác nữa trong Cựu Ước về vương quốc Đavít gồm có: Gie 23:5-6; 30:8-9; 33:14-17; 20-21; Exe 37:24-25; Da 7:13-14; Os 3:4-5; Am 8:11; và Xa 14:4,9).

III. LỜI KHẲNG ĐỊNH GIAO ƯỚC NÀY TRONG TÂN ƯỚC

Thắc mắc quan trọng về bằng chứng của Tân Ước cho vương quốc này là: Những lời dạy của Đấng Christ hay của các sứ đồ có thay đổi hay thay thế khái niệm của Cựu Ước về một vương quốc trên trần gian hay không? Tại thời kỳ Chúa hiện đến lần thứ nhất, hy vọng của toàn dân mong một vương quốc đã trở nên cực kỳ mạnh mẽ giữa dân Do thái. Từ ngữ “nước Đức Chúa Trời”và “nước thiên đàng” ở trên môi miệng mọi người. Theo nhận thức của dân Do thái, những đặc trưng chính của vương quốc này là sẽ (a) ở trần gian, (b) nước của dân tộc, (c) của Đấng Mêsia, (d) nước đạo đức, và (e) đến trong tương lai.Điều này có nghĩa: (a) ở trên đất này, (b) liên quan cụ thể đến nước Ysơraên,(c) được cai trị bởi hiện diện đích thân của Đấng Mêsia, (d) có những tiêu chuẩn cao do Chúa ban, và (e) vẫn chưa tồn tại. Những lời dạy của Chúa và của người khác có thay đổi nhận thức này không?

A. Trong Lời Giảng Của Giăng Báp Tít

Sứ điệp của ông rất đơn giản. “Hãy ăn năn vì nước thiên đàng đã đến gần” (Mat 3:1-2). Điểm nhấn mạnh của ông là sự ăn năn chứ không phải mô tả vương quốc, dầu lời giảng của ông đã khẳng định những lời hứa của Giao Ước Đavít.

B. Trong Sự Giảng Dạy Của Đấng Christ

Thiên sứ Gápriên báo cho Mari biết Đức Chúa Trời sẽ ban cho Con Trai nàng ngôi của Đavít tổ phụ Ngài và quyền cai trị trên Ysơraên đời đời (Lu 1:31-33). Các bác sĩ đã tìm “Vua Dân Giuđa” (Mat 2:2. Chúa chúng ta tuyên bố nước thiên đàng đã đến gần (4:17,23; 9:35). Ngài đòi hỏi phải có sự công bình mới được vào nước ấy (5:20). Ngài cũng ủy thác cho bảy mươi môn đồ cùng một sứ điệp đó (Lu 10:1-9).

Tuy nhiên, khi sứ điệp của Ngài tiếp tục bị dân chúng - và đặc biệt các lãnh tụ của họ - khước từ, Chúa giới thiệu những lẽ mầu nhiệm của nước ấy (Mathiơ 13). Chúng mô tả các phương diện của vương quốc mà đến tận bấy giờ vẫn chưa tiết lộ, vì chúng mô tả nước ấy sẽ mang hình thức nào giữa lần hiện ra thứ nhất và thứ nhì của Đấng Christ. Như vậy có phải vương quốc Đavít sẽ mang một hình thức mới và có hội thánh làm trọn các lời hứa đã lập cùng Đavít? Không, vì lý do đơn giản là Chúa tiếp tục nói về vương quốc Đavít cho đến cuối cuộc đời tại thế của Ngài (đặc biệt lưu ý 25:34). Hơn nữa, ngay trước lúc Ngài thăng thiên, các môn đồ hỏi khi nào vương quốc hứa ban cho Ysơraên (chứ không phải hội thánh) sẽ đến, Chúa không bảo họ vương quốc ấy đã được đổi thành hội thánh, nhưng chỉ nói Ngài không thể tiết lộ khi nào vương quốc đó đến (Cong 1:6-8). Nói cách khác, bất luận vương quốc này mang hình thức nào trong thời đại hiện nay đi nữa (tức là những lẽ mầu nhiệm của vương quốc), thì điều đó cũng không thay đổi hay bãi bỏ những lời hứa trong vương quốc Đavít về một vương quốc trên trần gian trong tương lai.

Do vậy, sự dạy dỗ của Tân Ước khẳng định Giao Ước Đavít.