I. TẦM QUAN TRỌNG LAI THẾ HỌC CỦA GIAO ƯỚC NÀY

Cách giải thích Giao Ước Ápraham là lằn ranh giới giữa thuyết Tiền Thiên Hy Niên và thuyết Vô Thiên Hy Niên. Vấn đề trọng tâm liên quan đến sự ứng nghiệm giao ước trên. Hết thảy đều đồng ý rằng những phương diện nhất định của giao ước đã được ứng nghiệm. Nhưng mọi người không đồng ý về sự ứng nghiệm các phương diện khác của giao ước, đặc biệt là lời hứa ban xứ.Phái Vô Thiên Hy Niên tuy không nhất trí về thời điểm ứng nghiệm lời hứa ban xứ,nhưng nhất trí rằng lời hứa đó sẽ không ứng nghiệm trong một vương quốc Thiên Hy Niên tương lai trên trần gian. Mặt khác, phái Tiền Thiên Hy Niên quả quyết:vì xưa nay chưa hề có sự ứng nghiệm theo nghĩa đen, nên phải có sự ứng nghiệm đó trong tương lai, và hệ thống của họ là hệ thống duy nhất có nói đến một thời điểm tương lai cho lời hứa ấy được ứng nghiệm trên trần gian này.

II. NHỮNG LỜI HỨA CỦA GIAO ƯỚC NÀY

A. Những Lời Hứa Cá Nhân Cho Ápraham (Sa 12:2)

Ba mệnh đề ngắn nói với Ápraham (sử dụng dạng tập hợp của động từ trong tiếng Hêbơrơ) chứa đựng những lời hứa cá nhân mà Đức Chúa Trời đã hứa cùng Ápraham.

1. “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn.”

Khi Đức Chúa Trời phán lời này, Ápraham chưa có con thừa kế. Dĩ nhiên, lời hứa này chỉ về dân Do thái, là dòng dõi Ápraham qua Ysác và Giacốp.

2. “Ta sẽ ban phước cho ngươi.”

Để ứng nghiệm lời hứa này, Đức Chúa Trời đã ban cho Ápraham những ơn phước trong trần gian là xứ (13:14-15,17), tôi tớ (15:7), và sự giàu có (13:2; 24:34-35), và Ngài cũng ban cho ông những ơn phước thuộc linh (13:18; 21:22).

3. “Cùng làm nổi danh ngươi.”

Đức Chúa Trời đã hứa ban cho Ápraham danh tiếng, danh vọng, và được nổi danh.

Mệnh đề cuối của 12:2 nói lên mục đích hay kết quả của việc Chúa chúc phước cho Ápraham - “Ngươi sẽ thành một nguồn phước.”

B. Những Lời Hứa Phổ Thông (Sa 12:3)

1. Lời hứa rằng Chúa chúc phước hay rủa sả con người căn cứ vào cách họ đối đãi với Ápraham.

Mối tương quan của Ápraham với Chúa mật thiết đến nỗi việc chúc phước hay rủa sả ông thực ra chính là chúc phước hay rủa sả Chúa (20:2-18; 21:22-34).

2. Lời hứa rằng mọi chi tộc của thế gian sẽ được chúc phước.

Phaolô nói rõ rằng Đấng Christ đã làm trọn lời hứa này (Ga 3:16). Chữ “dòng dõi” có thể vừa mang tính tập thể vừa mang tính cá thể, tức là chữ này có nghĩa “dòng dõi” này là một phả hệ, một gia đình, và đặc biệt là một Đấng, tức Đấng Christ (c. 19). Ý tưởng quyết định của Phaolô trong đoạn Kinh Thánh đó là: Đừng cố trở nên dòng dõi của Ápraham bằng cách chịu phép cắt bì,nhưng hãy trở nên dòng dõi bằng cách ở trong Đấng Christ (27,29). Địa vị của chúng ta trong Christ khiến chúng ta trở thành kẻ kế tự của lời hứa cụ thể này trong Giao Ước Ápraham. Cũng cẩn thận chú ý rằng Phaolô không nói hội thánh làm ứng nghiệm toàn giao ước đó. Ông chỉ tập trung vào một lời hứa duy nhất này về việc chúc phước cho dòng dõi (c.16 - dùng chữ ở số nhiều - “các lời hứa,” vì giao ước này được lập đi lập lại cho Ápraham, chứ không phải vì Phaolô muốn cho thấy hội thánh làm ứng nghiệm toàn bộ giao ước. Xem J.B. Lightfoot, A Commentary on St. Paul’s Epistle to the Galatians (New York: Macmillan, 1892,trang 142).

C. Các Lời Hứa Về Dân Tộc (Sa 15:18-21)

1. Lời hứa Ápraham sẽ sanh ra một dân lớn vừa là một lời hứa cá nhân vừa là một lời hứa mang tính dân tộc. Ápraham đã thực sự có kẻ thừa kế được sanh ra cách kỳ diệu bởi Sara (21:2).

2. Lời hứa ban cho dân đó một xứ cụ thể để làm cơ nghiệp. Xem Sa 12:7; 13:15,17; 15:7-8,18; 17:8; 24:7; 26:3; 28:13-14;35:12; 48:4; 50:24. Sa 17:1-8 nhấn mạnh rằng xứ này sẽ là một cơ nghiệp đời đời;và 15:18 mô tả các ranh giới là từ sông Êdíptô đến sông Ơphơrát.

Tranh luận vẫn tiếp diễn để xác định sông Êdíptô. Có quan điểm xem sông (nahar) Êdíptô chính là suối cạn (nahal) Êdíptô,tức là con suối cạn el-’Arish hiện nay, và con suối này vào mùa mưa sẽ đổ từ giữa bán đảo Sinai vào biển Địa Trung Hải ở 90 dặm phía đông Kinh Đào Suez (Dan 34:5; Gios 15:4; 47; IVua 8:65; IIVua 24:7; IISu 7:8; Es 27:12; Exe 47:19;48:28). Đây là quan điểm của Walter C. Kaiser, Jr. (The Promised Land: A Biblical - Historical View, “Bibliotheca Sacra, 138: chú thích 6, trang 311). Một quan điểm khác nữa xác định sông Êdíptô là sông Nile, cụ thể là con kênh phía đông của nó. Chữ nahar được dùng trong Sa 15:18 là chữ luôn nói đến con sông chảy liên tục; sông Nile là sông chảy liên tục còn suối cạn el- 'Arish thì không.Đây là quan điểm của Bruce K. Waltke (The Zondervan Pictorial Encyclopedia of the Bible (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1975,5:121) và K.A. Kitchen (The New Bible Dictionary (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1962,353-4).

Đúng là trong một số phân đoạn, tiêu điểm là Canaan, hoặc một phần của vùng đất rộng lớn đó như được hứa ban trong câu 18 (17:8; IVua 8:65; Exe 47:13-20). Ysơraên đã chiếm giữ một phần của vùng đất rộng lớn hơn này ở nhiều thời điểm khác nhau, nhưng chưa hề chiếm giữ vùng rộng lớn hơn, cũng chưa hề chiếm láy làm cơ nghiệp đời đời.

III. SỰ PHÊ CHUẨN TRANG TRỌNG CHO GIAO ƯỚC

Nghi lễ phê chuẩn được mô tả trong Sa 15:9-17 khi đem so với phong tục của vùng Cận Đông thì thấy chỉ một mình Ngài tự ràng buộc Ngài phải làm trọn mọi lời của giao ước, vì chỉ một mình Ngài bước đi giữa các phần đã mổ ra của sinh tế. Ý nghĩa của điều này thật đáng kinh ngạc:Điều này có nghĩa Đức Chúa Trời thề trung thành với các lời hứa của Ngài và đặt bổn phận làm tròn những lời hứa đó trên riêng một mình Ngài mà thôi. Ápraham không lập một lời thề nào như thế; bấy giờ ông đang ngủ mê, nhưng vẫn biết điều Đức Chúa Trời đã hứa (xem Cleon L. Rogers, Jr., “The Covenant with Abraham and Its Historical Setting,” Bibliotheca Sacra, 127:241-56). Rõ ràng, Giao Ước Ápraham không qui định điều kiện gì để Ápraham sẽ làm hoặc không làm; việc làm ứng nghiệm mọi thành phần trong giao ước chỉ tùy thuộc vào các công việc của Đức Chúa Trời mà thôi.

V. NHỮNG ĐIỀU ĐƯỢC XEM LÀ ĐIỀU KIỆN TRONG GIAO ƯỚC NÀY

Tính vô điều kiện trong Giao Ước Ápraham cung cấp cơ sở hậu thuẫn quan trọng cho thuyết Tiền Thiên Hy Niên, vì lời hứa ban xứ cần có một thời gian tương lai (Thiên Hy Niên) để lời hứa này được ứng nghiệm tại đó. Do đó, phái Vô Thiên Hy Niên cho rằng trên thực tế có những điều kiện gắn liền với sự ứng nghiệm giao ước ấy, nên khiến không thể xem giao ước này là vô điều kiện.

A. Sa 12:1

Mạng lệnh: “Ngươi hãy ra khỏi quê hương” diễn tả một điều kiện mà nếu Ápraham không vâng theo thì đã vô hiệu hóa giao ước rồi.Tuy nhiên, xét về ngữ pháp, khi mạng lệnh này đi trước hai động từ quá khứ chưa hoàn thành và trước một loạt động từ quá khứ chưa hoàn thành ở dạng tập hợp trong câu 2-3, thì mạng lệnh này diễn tả một ý định, tức là việc Đức Chúa Trời đã định làm cho Ápraham. Các ví dụ khác về cách dùng như thế có trong 30:18 và 45:18.

B. Sa 12:2

Cụm từ “là một nguồn phước” được một số người xem như điều kiện để làm ứng nghiệm giao ước. Tuy nhiên, về ngữ pháp, câu này diễn tả một kết quả được mong đợi sẽ xảy ra chắc chắn, hoặc diễn tả một ý định.Sách văn phạm Hybálai của Genesius, Kautzsch, Cowley trích phân đoạn này để làm ví dụ về ý định (William Gesenius, Gesenius’s Hebrew Grammar, do E. Kautzsche và A.E. Cowley biên soạn, [Oxford: At the Clarendon Press, 1898], trang 325).

C. Sa 17:1

Một số người hiểu câu “đi ở trước mặt ta” là điều kiện để được ứng nghiệm giao ước. Tuy nhiên, văn phạm vẫn giống y như 12:1, và diễn tả ý định.

D. Sa 22:16-18; Sa 26:25

Vì giao ước đã được thiết lập vững vàng nhiều lần từ trước những biến cố này, nên sẽ không phù hợp nếu xem các phân đoạn này là các điều kiện được áp đặt sau khi đã có những tuyên bố rõ ràng về tính vô điều kiện. Đúng hơn, trong những trường hợp trên, Đức Chúa Trời thừa nhận sự xứng đáng của Ápraham để nhắc nhở ông cùng dòng dõi ông rằng: đức tin và sự vâng lời là điều cần thiết để được dự phần những lợi ích của các lời hứa vô điều kiện trong giao ước (Walter C. Kaiser, Jr., Toward an Old Testament Theology (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1978, trang 93-4).

IV. NHỮNG QUAN ĐIỂM VỀ SỰ ỨNG NGHIỆM GIAO ƯỚC

A. Quan Điểm Vô Thiên Hy Niên

Thuyết Vô Thiên Hy Niên dạy rằng mọi điều khoản của giao ước đã và đang ứng nghiệm, kể cả lời hứa về xứ. Điều này được ứng nghiệm hoặc bằng cách thuộc linh hóa lời hứa về xứ để hội thánh làm ứng nghiệm nó, hoặc bằng cách hiểu nó đã ứng nghiệm trong lịch sử quá khứ của Ysơraên. Một trong những dịp được xem là sự ứng nghiệm như thế diễn ra trong thời Giôsuê.Trong Gios 21:43-45, chúng ta thấy Chúa phán với Giôsuê rằng Ngài hiện giữ đúng những lời hứa đã lập với Ysơraên bằng cách ban xứ Ngài đã hứa cùng tổ phụ họ.Đương nhiên, họ không sở hữu xứ Canaan mãi mãi, mà cũng không chinh phục hết trọn xứ tại thời điểm đó. Nhưng, ngoài những nhận định đó ra, Đức Chúa Trời có tuyên bố: điều đã diễn ra chính là sự ứng nghiệm giao ước. Làm sao như vậy được?Trong nhiều lời tuyên bố của giao ước, xứ được hứa ban cho họ là vừa là vùng đất từ sông Êdíptô đến sông Ơphơrát (Sa 15:18) vừa là xứ Canaan (17:7). Phần đất đầu là rộng lớn hơn, bao gồm cả phần xứ Canaan - là phần đất nhỏ hơn. Trong thời Giôsuê, dân Ysơraên chưa hề chiếm được vùng lãnh thổ rộng hơn kia, nhưng đã sở hữu vùng đất Canaan. Vì vậy, lời hứa cũng đã không ứng nghiệm đời đời.

Trong IISa 8:3, “người” đi lấy lại quyền quản hạt trên sông Ơphơrát không phải là Đavít; “chủ ngữ của câu văn này là Hađađêxe.” (A.F. Kirkpatrick, “The Second Book of Samuel,” trong The Cambridge Bible for Schools and Colleges (Cambridge:Univ. Press, 1897,106).

Việc đó cũng đúng cho điều được xem là sự ứng nghiệm lời hứa ban xứ dưới thời vua Salômôn (IVua 4:21). Dầu vương quốc Salômôn bành trướng rất rộng, nhưng vua không cai trị toàn lãnh thổ đã được hứa ban cho Ápraham, cũng không cai trị trên đó đời đời.

Có lẽ cần một minh họa. Giả sử tôi hứa trả toàn bộ học phí đại học của một sinh viên. Có lẽ điều này thường có nghĩa thanh toán tiền cho bốn năm học. Đến cuối năm thứ nhất, tôi có thể nói rằng mình đã giữ lời hứa. Và thậm chí tôi còn có thể nói (giống như Sa 26:5): “Vì em đạt điểm tốt như vậy nên tôi rất vui trả học phí cho năm tới.” Lời hứa lớn hơn (thanh toán toàn bộ học phí) bao gồm những lời hứa nhỏ hơn (thanh toán học phí từng năm).

Lời hứa lớn hơn về xứ giữa hai con sông bao gồm cả lãnh thổ Canaan và lãnh thổ mà Salômôn đã cai trị, nhưng không có nghĩa vùng đất Canaan hoặc vương quốc của Salômôn là tương đương với vùng đất rộng lớn hơn kia.

Hãy quan sát sự tự mâu thuẫn vốn có trong quan điểm Vô Thiên Hy Niên. Nếu giao ước là có điều kiện, thì ngay cả người theo thuyết Vô Thiên Hy Niên cũng không cần tìm sự ứng nghiệm trong thời của Giôsuê hoặc trong thời của Salômôn. Nếu giao ước đã được ứng nghiệm tại một trong hai thời điểm đó rồi, thì giao ước ấy không phải là có điều kiện. Nếu đã ứng nghiệm trong thời Giôsuê hoặc Salômôn, thì hội thánh không làm ứng nghiệm giao ước đó. Nếu hội thánh làm ứng nghiệm giao ước, thì không cần tìm ứng nghiệm trong thời Giôsuê hoặc Salômôn nữa. Có vẻ người theo thuyết Vô Thiên Hy Niên cần có thêm “những vỏ bánh xe dự phòng” của những sự ứng nghiệm khả dĩ dưới thời Giôsuê hoặc Salômôn, hoặc ứng nghiệm qua hội thánh trong trường hợp lập luận bênh vực tính có điều kiện kia bị “lủng bánh”!

Lối tiếp cận mới lạ với sự ứng nghiệm lời hứa ban xứ đã được đề xuất bởi Anthony Hoekema, là người nhìn thấy rất nhiều lần ứng nghiệm lời hứa về xứ trong lịch sử Ysơraên, nhưng một sự ứng nghiệm tối hậu cho hình thật của bóng ở trên trái đất mới. Ông đã mở rộng Đất Hứa để bao gồm toàn bộ trái đất, và mở rộng người nhận lãnh lời hứa này để bao gồm toàn bộ người được cứu chuộc. Ông rõ ràng phủ nhận bất cứ sự ứng nghiệm nào trên trái đất hiện tại trong một Thiên Hy Niên mai sau (The Bible and the Future [Grand Rapids:Eerdmans, 1979], trang 206-12,274-87).

B. Quan Điểm Tiền Thiên Hy Niên

Thuyết Tiền Thiên Hy Niên quả quyết mọi điều khoản trong giao ước Ápraham phải được ứng nghiệm vì cớ giao ước được lập ra vô điều kiện. Phần lớn giao ước đã được ứng nghiệm rồi, và ứng nghiệm theo nghĩa đen; do đó, phần chưa ứng nghiệm còn lại cũng sẽ được ứng nghiệm theo nghĩa đen. Như vậy, điểm nhấn mạnh tập trung dồn vào lời hứa ban xứ chưa ứng nghiệm.Dầu nước Ysơraên đã chiếm một phần lãnh thổ được hứa ban trong giao ước, nhưng vẫn chưa hề chiếm được toàn bộ lãnh thổ đó, và chắc chắn là chưa chiếm đời đời như giao ước đã hứa. Do đó, phải có lúc nào đó trong tương lai để Ysơraên thực hiện được điều đó, và đối với người theo thuyết Tiền Thiên Hy Niên, việc đó sẽ diễn ra trong vương quốc Thiên Hy Niên hầu đến. Như vậy, Giao Ước Ápraham hậu thuẫn mạnh mẽ cho lai thế học của thuyết Tiền Thiên Hy Niên.