Dầu phần còn lại sẽ triển khai lai thế học Tiền Thiên Hy Niên, nhưng có lẽ ở đây cũng nên khảo lược vắn tắt thuyết này.

I. ĐỊNH NGHĨA THUYẾT TIỀN THIÊN HY NIÊN

Thuyết Tiền Thiên Hy Niên là quan điểm cho rằng Sự Tái Lâm của Đấng Christ sẽ xảy ra trước Thiên Hy Niên, và Thiên Hy Niên sẽ chứng kiến việc thiết lập vương quốc Đấng Christ trên trần gian trong một ngàn năm theo nghĩa đen. Quan điểm này cũng hiểu rằng sẽ có rất nhiều lần xảy ra sự sống lại và những sự đoán xét. Cõi đời đời sẽ bắt đầu sau khi một ngàn năm khi kết thúc. Trong thuyết Tiền Thiên Hy Niên, có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm sự Cất Lên.

II. NHỮNG ĐẶC TRƯNG GIÁO LÝ CỦA THUYẾT TIỀN THIÊN HY NIÊN

A. Về Kinh Thánh

Phái Tiền Thiên Hy Niên rất xem trọng Kinh Thánh. Có thể an tâm nói rằng phái Tiền Thiên Hy Niên Tiền Đại Nạn tin vào tính không sai lạc của Kinh Thánh hầu như không có ngoại lệ.

B. Về Thiên Hy Niên

Mọi hình thức của thuyết Tiền Thiên Hy Niên đều hiểu rằng Thiên Hy Niên đến sau Sự Tái Lâm của Đấng Christ. Độ dài thời gian của Thiên Hy Niên là một ngàn năm; địa điểm của Thiên Hy Niên sẽ là trên trần gian này; thể chế quản trị Thiên Hy Niên sẽ là chế độ thần trị, với sự hiện diện đích thân của Đấng Christ cai trị trong tư cách vua; và Thiên Hy Niên sẽ làm ứng nghiệm mọi lời hứa còn chưa ứng nghiệm về một vương quốc trên trần gian.

Tuy phái Tiền Thiên Hy Niên nói chung hiểu vương quốc hầu đến theo nghĩa đen, nhưng một số người giải thích kém nghĩa đen hơn. Theo George E. Ladd, những lời tiên tri về Ysơraên được thuộc linh hóa, và vương quốc Thiên Hy Niên được xem như thiên về phần mở rộng vương quốc thuộc linh của Đức Chúa Trời (A Theology of the New Testament [Grand Rapids, MI:Eerdmans, 1974], trang 64-9,629-32). Theo Robert Mounce, một ngàn năm của Khải Huyền 20 là một ngàn năm theo nghĩa đen, nhưng vương quốc hầu đến thì không phải là “Thời Đại Của Đấng Mêsia được các tiên tri Cựu Ước báo trước” (The Book of Revelation (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1977, trang 359).

C. Về Các Giao Ước

Phái Tiền Thiên Hy Niên cho rằng lời hứa trong Giao Ước với Ápraham ban cho dòng dõi Ápraham xứ từ sông Êdíptô đến sông Ơphơrát xưa nay vẫn chưa hề ứng nghiệm, nhưng sẽ được ứng nghiệm trong vương quốc Thiên Hy Niên hầu đến (Sa 15:18). Những lời hứa trong Giao Ước Đavít cũng đòi hỏi buôc phải thiết lập vương quốc Thiên Hy Niên để chúng được ứng nghiệm (IISa 7:12-16).

D. Về Hội Thánh

Phái Tiền Thiên Hy Niên Định Kỳ phân biệt nhất quán giữa Hội Thánh với Ysơraên. Vì Hội Thánh không làm ứng nghiệm những lời hứa còn chưa ứng nghiệm đã lập với Ysơraên, nên phải có thời kỳ để chúng được ứng nghiệm, và thời kỳ đó chính là trong Thiên Hy Niên.

Mức độ mà hệ thống thần học phân biệt nhất quán giữa Ysơraên với Hội Thánh sẽ cho thấy quan điểm lai thế học của hệ thống đó. Hãy quan sát biểu đồ sau.

III. GIẢI KINH HỌC CỦA THUYẾT TIỀN THIÊN HY NIÊN

Phái Tiền Thiên Hy Niên sử dụng giải kinh học theo nghĩa đen (hay giải kinh học thông thường). Và đương nhiên, cách giải kinh này cung cấp bức tranh của họ về các biến cố tương lai.

LỊCH SỬ CỦA THUYẾT TIỀN THIÊN HY NIÊN

A. Thời Cổ Đại

Trong những thế kỷ đầu của hội thánh, lược đồ tổng quát của Tiền Thiên Hy Niên đã được chấp nhận rộng rãi, dầu các chi tiết về trình tự thời gian không phải lúc nào cũng rõ ràng. Những đặc điểm mô tả Thiên Hy Niên được hiểu theo nghĩa đen, triều đại tương lai của Đấng Christ tại Giêrusalem là chủ đề nổi bật, và triều đại đó sẽ đến tiếp sau Sự Tái Lâm của Đấng Christ. Philip Schaff, một sử gia của Hội Thánh, tóm tắt như sau: “Điểm nổi bật nhất trong lai thế học của Thời Đại Trước Hội Nghị Nicene là chủ thuyết một ngàn năm nổi bật - hay thuyết Thiên Hy Niên - tức tin vào triều đại hữu hình của Đấng Christ trong vinh hiển trên đất cùng với các thánh đồ phục sinh trong 1000 năm, trước khi có cuộc tổng phục sinh và sự đoán xét lớn. Thực ra, đây không phải là giáo lý của Hội Thánh được biểu hiện trong bất kỳ bài tín điều hay trong hình thức cầu nguyện thờ phượng nào, nhưng là ý niệm lưu hành rộng rãi của các giáo sư lỗi lạc” (History of the Christian Church (New York: Scribners, 1884,2:614.Về đoạn trích từ một số “giáo sư lỗi lạc” đó, xin xem Ryrie, The Basis of the Premillennial Faith (Neptune, N.J.: Loizeaux, 1954,17-33).

Với sự hiệp nhất giáo hội và nhà nước thời Constantine, niềm trông cậy sự hiện ra của Đấng Christ phai mờ dần. Trường phái giải kinh Alexandrian tấn công giải kinh học nghĩa đen vốn là nền tảng cho Tiền Thiên Hy Niên, và ảnh hưởng từ những lời dạy của Augustine đã giải thích lại khái niệm và thời điểm của Thiên Hy Niên.

B. Thời Kỳ Trung Cổ Và Thời Kỳ Cải Chánh

Trong thời trung cổ, hầu hết các giáo lý - kể cả lai thế học - đã bị lu mờ bởi bóng tối của những thế kỷ đó. Như đã thấy, những nhà Cải Chánh nói chung theo lai thế học Vô Thiên Hy Niên, dầu vậy phái Anabaptists và Huguenots đều theo thuyết Thiên Hy Niên.

C. Thời Cận Đại

Thời cận đại chứng kiến sự vùng dậy của giáo lý Tiền Thiên Hy Niên. Nhiều nhà giải kinh (như J.A. Bengel và Henry Alford) đã viết ra từ quan điểm này. Sự truyền bá Định Kỳ Thuyết trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20 đã mang theo sự quan tâm sống động đến bộ môn nghiên cứu lời tiên tri. (Về những phần luận chi tiết, xem Ernest R. Sandeen, The Roots of Fundamentalism, (Chicago:University of Chicago Press, 1970, và C. Norman Kraus, Dispensationalism in America (Richmond: John Knox, 1950).