- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Thần Học Căn Bản của Charles C. Ryrie
I. ĐỊNH NGHĨA THUYẾT VÔ THIÊN HY NIÊN
Thuyết Vô Thiên Hy Niên là một quan điểm về những việc sau rốt, tin rằng sẽ không có Thiên Hy Niên trước khi tận thế. Mãi đến kỳ tận thế, sẽ có sự phát triển song song của cả thiện lẫn ác, của vương quốc Đức Chúa Trời lẫn vương quốc của Satan. Sau sự tái lâm của Đấng Christ vào kỳ tận thế, sẽ có một sự phục sinh toàn bộ và sự đoán xét chung cho toàn thể mọi người.
II. NHỮNG ĐẶC TRƯNG GIÁO LÝ CỦA THUYẾT VÔ THIÊN HY NIÊN
A. Về Kinh Thánh
Nói chung, phái Vô Thiên Hy Niên rất xem trọng sự soi dẫn và thẩm quyền của Kinh Thánh. Nếu có ai không xem trọng, thì không phải do Thuyết Vô Thiên Hy Niên của họ. Chỉ cần nhớ lại những nhân vật như Oswald T. Allis, William Hendriksen, và Anthony A. Hoekema, tất cả đều là theo thuyết Vô Thiên Hy Niên. Tuy nhiên, họ là những người ủng hộ mạnh mẽ tính vô ngộ của Thánh Kinh.
B. Về Thiên Hy Niên
Trong vòng những người Vô Thiên Hy Niên bảo thủ, có hai quan điểm về Thiên Hy Niên. Một quan điểm xem sự ứng nghiệm những phân đoạn Kinh Thánh về Thiên Hy Niên xảy ra vào thời đại hiện nay bởi hội thánh trên đất (ví dụ như Allis và Berkhof). Quan điểm kia thấy sự ứng nghiệm là bởi các thánh ở trên thiên đàng hiện nay (ví dụ như Warfield và Floyd Hamilton). Cả hai quan điểm đều đồng ý rằng sẽ không có vương quốc tương lai ở trên đất.
C. Về Các Giao Ước
Phái Tiền Thiên Hy Niên dựa vào lập luận cho rằng những giao ước Thánh Kinh chứa nhiều lời hứa vẫn chưa ứng nghiệm và nếu chúng được ứng nghiệm theo nghĩa đen thì đòi hỏi phải có Thiên Hy Niên. Phái Vô Thiên Hy Niên cho rằng những lời hứa đó đều đã được ứng nghiệm cách thuộc linh trong hội thánh, hoặc những lời hứa ấy không cần phải được ứng nghiệm gì cả, vì chúng là những lời hứa có điều kiện và những điều kiện này đã không được đáp ứng.
D. Về Hội Thánh
Phái Vô Thiên Hy Niên xem hội thánh làm ứng nghiệm những lời hứa của Đức Chúa Trời theo cách thuộc linh và hình thật của bóng. Hội thánh là vương quốc thuộc linh trên trời, còn Thiên Hy Niên của thuyết Tiền Thiên Hy Niên là vương quốc của xác thịt ở trên đất này. (Nhưng không thể mô tả hội thánh là ở trên đất này và mang tính xác thịt sao? Không thể mô tả vương quốc tương lai là thuộc linh sao?) Hội thánh làm ứng nghiệm những lời hứa này, và trời mới đất mới đi tiếp ngay sau Thời Đại Hội Thánh sẽ cáo chung cõi lịch sử.
III. GIẢI KINH HỌC CỦA THUYẾT VÔ THIÊN HY NIÊN
Rõ ràng, những quan điểm khác nhau về Thiên Hy Niên ra từ những phương pháp giải kinh khác nhau, đó là những nguyên tắc giải nghĩa khác nhau. Phái Tiền Thiên Hy Niên dùng lối giải thích theo nghĩa đen hoặc bình thường trong mọi lãnh vực của chân lý Kinh Thánh, trong khi phái vô Thiên Hy Niên dùng nguyên tắc nghĩa bóng hoặc nghĩa thuộc linh trong lãnh vực lai thế học. Mọi người thuộc phái bảo thủ, bất luận niềm tin lai thế học của họ, đều dùng lối giải nghĩa Kinh Thánh theo nghĩa đen hoặc bình thường ở mọi lãnh vực ngoại trừ lãnh vực lai thế học. Floyd Hamilton, người theo Vô Thiên Hy Niên,công nhận rằng lối giải kinh nghĩa đen cho những lời tiên tri Cựu Ước đem lại cho chúng ta một bức tranh về một triều đại trên đất của Đấng Mêsia chẳng qua chỉ như những bức tranh của phái Tiền Thiên Hy Niên” (The Basis of Millennial Faith [Grand Rapids: Eerdmans], trang 38). Dĩ nhiên nhân vật Vô Thiên Hy Niên này không chấp nhận bức tranh ấy về cõi tương lai, vì ông đã dùng giải kinh học khác trong lãnh vực lời tiên tri.
Dầu nói chung các tác giả không nêu chi tiết giải kinh học của họ trước khi bàn chi tiết những bộ sách giải nghĩa hoặc khai triển những nền thần học của họ, nhưng Oswald T. Allis có luận về những nguyên tắc giải kinh của ông khi giải nghĩa lời tiên tri (trong tác phẩm Prophecy and the Church (Philadelphia: Presbyterian and Reformed, 1945, trang 17-30). Tôi muốn tóm tắt các ý của ông về cách giải nghĩa lời tiên tri và bình luận vắn tắt về chúng.
(1) Trước hết ông tìm cách chứng minh cả hai phương pháp giải thích theo nghĩa đen và nghĩa bóng đều có những vị trí xứng đáng và cũng có những giới hạn tất nhiên của chúng. Tuy nhiên, ông có vẻ đặt toàn bộ giới hạn này trên lối giải thích theo nghĩa đen và không đặt giới hạn nào cho lối giải thích nghĩa bóng.
(2) Một số giới hạn ấy cho lối giải thích theo nghĩa đen gồm: (a) sự có mặt các biện pháp tu từ nào không thể giải thích theo nghĩa đen đã cho phép ta được tự do giải thích theo những phương pháp khác; (b) chủ đề chính của Kinh Thánh mang tính thuộc linh chính là sự kiện cung cấp cơ sở hiệu lực cho lối giải nghĩa thuộc linh hoặc theo nghĩa bóng; và (c) sự kiện là Cựu Ước là phần mở đầu và chuẩn bị cho Tân Ước khiến chúng ta cho rằng Tân Ước sẽ giải nghĩa những lời tiên tri theo nghĩa đen của Cựu Ước bằng phương cách nghĩa bóng.
Không người nào theo trường phái giải thích nghĩa đen lại phủ nhận Thánh Kinh có những biện pháp tu từ. Nhưng người ấy khẳng định chúng mô tả những chân lý rất nghĩa đen. Ví dụ như những hoa hồng tốt nhất được trồng trong phần đất nước tôi sống chính là loại hoa hồng được trồng tại Tyler, Texas. Hoa hồng Tyler rất nổi tiếng. Bây giờ, nếu thấy một bảng quảng cáo nọ nói rằng hãy dùng nhãn hiệu phân bón này nọ thì bạn cũng có thể trồng hoa hồng Tyler, tôi không hiểu quảng cáo này muốn nói tôi phải sống tại thành phố Tyler, nhưng có nghĩa dầu sống ở bất cứ nơi nào, tôi cũng có thể trồng cùng một loại hoa hồng tuyệt vời vốn được trồng tại Tyler. Phép tu từ ấy có một ý nghĩa rất đơn giản và rất nghĩa đen về những hoa hồng thật sự mà tôi có thể trồng.Hoa hồng Tyler có nghĩa là hoa hồng, chứ không phải cà chua; nhưng những hoa hồng Tyler cũng đại diện cho những hoa hồng ngoại hạng, cho dù có thật sự trồng tại Tyler hay không đi nữa.
(3) Nếu hai luận điểm đầu của ông là đúng,thì lẽ tự nhiên sẽ có thắc mắc: Làm sao biết phải giải nghĩa một phân đoạn theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng? Allis trả lời: bất cứ cách giải nghĩa nào miễn đem lại ý nghĩa thật cho đoạn Kinh Thánh! Khỏi cần bình luận gì nữa.
(4) Allis tiếp tục bảo rằng phương cách duy nhất để có thể hiểu những lời tiên tri theo nghĩa đen là khi nghĩa đen là rõ ràng và hiển nhiên. Hầu như mọi lời tiên tri đều đầy dẫy ngôn ngữ tu từ và mang tính ẩn dụ, mà phải giải nghĩa cách thích hợp. Vì vậy, trên thực tế hầu hết lời tiên tri sẽ được giải thích không theo nghĩa đen.
(5) Để giải thích và hiểu đúng và đầy đủ một lời tiên tri, cũng phải biết sự ứng nghiệm của nó. Mọi lời tiên tri từng được ban rao thì đã đều được ban trước khi người ta biết đến sự ứng nghiệm lời ấy. Nếu không sẽ không được kể là lời tiên tri. Nếu theo nguyên tắc của Allis, thì không bao giờ có thể hiểu được - cũng như sẽ không bao giờ hiểu - bất cứ lời tiên tri nào mãi đến sau khi lời tiên tri ấy ứng nghiệm. Không một người Ysơraên nào cần phải tin những lời tiên tri về sự tấn công của Asiri hay của Babylôn theo nghĩa đen, vì họ không thể chắc chắn những lời tiên tri đó sẽ ứng nghiệm theo nghĩa đen cho đến khi Cuộc Lưu Đày này thực sự diễn ra. Theo một nguyên tắc giải nghĩa như vậy, những lời tiên tri đó còn có sức mạnh nào nữa?Nhưng bạn thấy đó, phái Vô Thiên Hy Niên muốn có thể tuyên bố rằng chúng ta không thể bảo đảm những lời tiên tri Cựu ước về vương quốc Thiên Hy Niên sẽ ứng nghiệm theo nghĩa đen vì chưa từng có kiểu ứng nghiệm nào như thế. Nhưng vì hội thánh có vài đặc trưng tương tự với vương quốc, nên ắt hẳn hội thánh chắc chắn đang làm ứng nghiệm những lời tiên tri Cựu Ước ấy.
(6) Dường như thể để tăng cường ý của ông rằng chúng ta cần phải trông đợi sự mơ hồ trong cách giải nghĩa lời tiên tri, Allis qua suốt phần luận về giải kinh học đã xem lời tiên tri là vô định, có tính cách bí ẩn, và thậm chí cả tính lừa dối nữa, đầy dẫy những biểu tượng, không chính xác, và tùy thuộc vào nhiều lối giải nghĩa khác nhau. Đây là những cụm từ của ông, không phải của tôi. Nhưng dĩ nhiên, những điều được xem như đặc trưng đó chỉ đúng khi nào người giải nghĩa bỏ qua những nguyên tắc giải thích theo nghĩa thông thường hoặc theo nghĩa đen.
IV. NHỮNG BẰNG CHỨNG GIẢI KINH HẬU THUẪN THUYẾT VÔ THIÊN HY NIÊN
Phái Vô Thiên Hy Niên giải nghĩa một số phân đoạn Kinh Thánh và giáo lý then chốt sao cho chúng hậu thuẫn hệ thống của họ.
A. Giải Nghĩa Giao Ước Của Ápraham
Phái Tiền Thiên Hy Niên nói rõ nếu phần chưa ứng nghiệm của giao ước đó muốn ứng nghiệm theo nghĩa đen (lời hứa về đất của Palestine), phần ấy sẽ phải diễn ra trong một Thiên Hy Niên tương lai, vì không có nơi nào trong lịch sử quá khứ hoặc hiện tại để có được sự ứng nghiệm theo nghĩa đen. Phái Vô Thiên Hy Niên nói chúng ta không cần đòi hỏi sự ứng nghiệm trong tương lai vì (a) hoặc những lời hứa này là có điều kiện và chưa bao giờ đáp ứng được điều kiện ấy; hoặc (b) Lời hứa ban xứ đã được ứng nghiệm trong thời đại của Giôsuê (Gios 21:43-45); hoặc (c) đã được ứng nghiệm bởi Đavít (IISa 8:3); hoặc (d) lời hứa ấy đã được ứng nghiệm dưới triều đại vua Salômôn (IVua 4:21); hoặc (e) hiện nay đang được ứng nghiệm bởi hội thánh ở trên đất; hoặc (f) được hiện đang được ứng nghiệm trong hội thánh trên thiên đàng; hoặc (g) sẽ được ứng ứng nghiệm bởi mọi người được chuộc trên trái đất mới và đời đời trong tương lai. Nếu bất kỳ phương án nào trong bảy phương án trên đây là đúng, thì không còn cần đến sáu phương án còn lại. Dường như phái Vô Thiên Hy Niên thật sự không biết Giao Ước Ápraham cần được ứng nghiệm hoặc đã ứng nghiệm hoặc sẽ ứng nghiệm khi nào hoặc bằng cách nào hoặc liệu có cần ứng nghiệm không. Họ chỉ biết chắc chắn Giao Ước ấy sẽ không có trong một Thiên Hy Niên tương lai trên đất,vì không hề có thời kỳ ấy trong hệ thống của họ.
B. Giải Nghĩa Eph 3:5
Đối với phái Vô Thiên Hy Niên, sự huyền nhiệm ở trong phân đoạn này chính là hội thánh thật sự đã có trong thời Cựu Ước nên do đó làm ứng nghiệm những lời hứa của Cựu ước. Điều này đã được luận đến ở phần Hội Thánh.
C. Bảy Mươi Tuần Lễ của Đaniên
Phái Vô Thiên Hy Niên có một số đặc điểm chung nhất định khi giải thích Da 9:24-27. Những điều này gồm có: (a) Khởi đầu của bảy mươi tuần lễ là năm 536 T.C. trong thời của Siru, chứ không phải năm 445 T.C. dưới thời vua Artaxerxes (như cách tính của phái Tiền Thiên Hy Niên).Điều này có tác dụng cho phép bảy mươi tuần lễ không cần chính xác về độ dài thời gian. (b) Tuần lễ thứ bảy mươi là toàn bộ thời đại hội thánh, chứ không phải thời kỳ bảy năm tương lai của Cơn Đại Nạn.
Những lối giải thích đặc trưng này của thuyết Vô Thiên Hy Niên phát xuất từ việc không thực hiện nhất quán lối giải thích nghĩa đen.
HìNH VẼ CỰU ƯỚC
Ysơraên = Hội Thánh
Ysơraên = Hội Thánh
Ysơraên =/ Hội Thánh
TÂN ƯỚC
Ysơraên = Hội Thánh
Ysơraên = Hội Thánh
Ysơraên =/ Hội Thánh
THIÊN HY NIÊN
Không có Thiên Hy Niên = Thuyết Vô Thiên Hy Niên
Ysơraên =/ Hội Thánh = Thuyết Tiền Thiên Hy Niên Giao Ước
Ysơraên =/ Hội Thánh = Thuyết Tiền Thiên Hy Niên Định Kỳ
V. LỊCH SỬ CỦA THUYẾT VÔ THIÊN HY NIÊN
A. Từ Thời Tân Ước Cho Tới Augustine
Cho đến thời Origen (khoảng năm 185 đến khoảng 254), sự nhấn mạnh giải kinh học theo nghĩa đen khiến những người biện minh học trở thành người theo Tiền Thiên Hy Niên. Các giáo phụ cảm thấy họ ở trong những ngày sau rốt, và trông đợi sự tái lâm tức khắc của Đấng Christ để đem vương quốc của Ngài đến. Khi dùng phương pháp giải nghĩa ngụ ngôn hóa, Origen đã thuộc linh hóa vương quốc tương lai và hiểu vương quốc ấy là Thời Đại Hội Thánh hiện tại kể từ Ađam trở đi. Lai thế học Vô Thiên Hy Niên này đã được Augustine truyền bá rộng rãi.
B. Augustine (354-430)
Bằng cách thuộc linh hóa khái niệm nước Đức Chúa Trời, Augustine đã làm cho nước này có nghĩa sự hiện hữu của hội thánh trong thế giới này. Thiên Hy Niên là thời gian giữa lần đến thứ nhất và thứ hai của Đấng Christ. “Trong khoảng thời gian 'ngàn năm’ này là lúc khi Satan bị xiềng,các thánh đồ cũng trị vì trong một 'ngàn năm’ và, không nghi ngờ gì nữa, hai thời kỳ này là một và nói đến khoảng thời gian giữa lần đến thứ nhất và thứ nhì của Đấng Christ” (City of God, xx. 9). Tuy nhiên, ông hiểu việc xiềng Satan không có nghĩa Satan không hề còn uy quyền để lừa dối, nhưng trong khoảng thời gian giữa hai lần hiện đến của Chúa, hắn không được cho phép thực thi những quyền lực đầy đủ của hắn. Ngay trước kỳ cuối cùng, Satan sẽ được thả ra để lừa dối các quốc gia chống nghịch hội thánh, là cuộc phản loạn mà Đức Chúa Trời sẽ đập tan. Ngay tiếp đó là sự đoán xét chung toàn bộ và tình trạng đời đời.
Augustine hiểu ngàn năm theo nghĩa đen và trông đợi sự hiện đến lần thứ hai của Đấng Christ sẽ xuất hiện trong vòng 1000 năm sau khi Ngài thăng thiên. Khi năm 1000 đã đến rồi đi mà Chúa vẫn chưa Tái Lâm, một ngàn năm này đã được thuộc linh hóa để mang ý nghĩa một thời đại vô định của toàn bộ thời kỳ giữa lần đến thứ nhất và thứ nhì của Đấng Christ.
C. Lai Thế Học của Đạo Cải Chánh
Những nhà lãnh đạo vĩ đại của Cuộc Cải Chánh đã là những người theo lai thế học Vô Thiên Hy Niên. Họ đã thỏa lòng đi theo lối dạy dỗ của Giáo Hội Công giáo Lamã, và đến lượt Giáo Hội LaMã đi theo Augustine.
Luther đã thấy Cơn Đại Nạn và sự trở lại trong thân thể xương bằng thịt của Đấng Christ. Ông tin mình ở giữa Cơn Đại Nạn đó. Như nhiều người đã làm, Luther chia lịch sử làm sáu thời đại, mỗi thời đại 1000 năm, tiếp sau đó đến thời kỳ thứ bảy của sự yên nghỉ Sabát đời đời. Ông dạy rằng thời đại thứ sáu là thời đại của các vị giáo hoàng, bắt đầu từ năm 1076 nhưng không kéo dài trọn một ngàn năm. Như vậy ông tin mình đang sống trong thời đại ngay trước Sự Tái Lâm.
Calvin dạy rằng dân Ysơraên và hội thánh là một và trông đợi Sự Tái Lâm mở ra cuộc tổng phục sinh, tổng đoán xét và tình trạng đời đời. Ông thực sự phê bình thuyết Thiên Hy Niên, mô tả những sự dạy dỗ của thuyết này như là “hư cấu,” “lời thóa mạ,” “mơ mộng,” và “lộng ngôn không dung thứ được.” Ông gắng sức chống đối kịch liệt việc giới hạn sự phước hạnh đời đời của các thánh trong một ngàn năm (là một sự hiểu lầm về điều thuyết Tiền Thiên Hy Niên đã dạy).
D. Thời Kỳ Hiện Đại
Dầu thuyết Vô Thiên Hy Niên của Augustine nói chung được hưởng ứng rộng rãi trong thời hiện đại này (tức là, một ngàn năm là khoảng thời gian ở giữa hai lần đến trên đất), nhưng đã xuất hiện một hình thức khác nữa của thuyết Vô Thiên Hy Niên. B.B. Warfield (đi theo Kliefoth là người đã viết ra vào năm 1874) dạy rằng Thiên Hy Niên là tình trạng hiện tại của các thánh trên thiên đàng (Biblical Doctrines (New York: Oxford, 1929, trang 643-4). Nói chung, những bản tín điều Cải Cách nói rất ít về vấn đề Thiên Hy Niên, đúng hơn tập trung vào cuộc tổng phục sinh, cuộc tổng đoán xét và cõi đời đời.
Một trong những lý do phổ biến khiến chuộng thuyết Vô Thiên Hy Niên hơn Tiền Thiên Hy Niên chính là việc đối chiếu khái niệm Tiền Thiên Hy Niên về sự ứng nghiệm trong một vương quốc trên đất (thường thì tính từ xác thịt được đặt kèm theo cụm từ này) với khái niệm Vô Thiên Hy Niên về sự ứng nghiệm những lời tiên tri Cựu Ước trong hội thánh của thời đại này (và thông thường tính từ thiêng liêng được đặt kèm theo cụm từ này). Như vậy, hệ thống nào nhấn mạnh hội thánh thuộc linh thay vì vương quốc xác thịt thì hệ thống đó được ưa chuộng hơn. Khi tôi nghe hoặc đọc về lập luận này, tôi muốn đặt câu hỏi:Kể từ khi nào thì hội thánh chỉ mang tính thuộc linh và vương quốc chỉ mang tính xác thịt? Hội thánh (cứ nhìn quanh xem) có những người xác thịt ở trong đó, và vương quốc này sẽ có rất nhiều phương diện thuộc linh trong đó. Thuộc linh và xác thịt mô tả nét đặc trưng cho cả hội thánh lẫn vương quốc tương lai.
Dĩ nhiên, chứng cứ quyết định cuối cùng cho chân lý của một giáo lý không phải là chứng cứ lịch sử mà là chứng cứ giải kinh.