I. Ý NGHĨA CỦA THỜ PHƯỢNG

A. Những Từ Ngữ Liên Quan

1. Proskuneơ.

Từ ngữ chính yếu chỉ về sự thờ phượng này được kết nối với ý nói đến việc hôn (như hôn đất để tôn vinh những vị thần của đất); rồi tiến đến chỗ ngụ ý việc tự phủ phục để tôn kính. Điều này cho thấy người thờ phượng đã kể đối tượng là xứng đáng nhận mọi điều mình đang dâng lên. Ngay cả từ ngữ tiếng Anh “worship” (chính là hình thức rút gọn của chữ “worthship”) có nghĩa là quy giá trị xứng đáng cho đối tượng được tôn thờ. Chúa chúng ta đã dùng từ ngữ này trong tuyên bố kinh điển của Ngài về vấn đề thờ phượng trong Gi 4:24. Liên quan với hội thánh, từ ngữ này chỉ xuất hiện trong ICo 14:25,và nơi đây chữ này nói đến sự thờ phượng của một người chưa tin nhưng bước vào trong hội chúng. Có lẽ đã tránh dùng từ này mô tả sự thờ phượng của hội thánh đầu tiên bởi vì sự liên kết của nó với những lễ nghi ngoại giáo, và vì ý niệm sự thờ phượng proskuneơ đó đã được thực hiện trong hiện diện nhìn thấy được của đối tượng được thờ phượng. Có lẽ vì vậy mà hầu hết những lần xuất hiện chữ này đều ở trong các sách Phúc Âm và Khải Huyền (liên quan với cả sự thờ phượng thật và giả nhưng trong hiện diện của một đối tượng mà mắt ta thấy được). Tuy nhiên, ý niệm về sự tự phủ phục để tôn kính đối tượng được thờ phượng vẫn cứ là phương diện hợp pháp của sự thờ phượng Cơđốc.

2. Latreuơ.

Từ ngữ hết sức ý nghĩa này truyền đạt ý sự thờ phượng là sự phục vụ trong tư cách Thầy Tế Lễ. Toàn bộ đời sống của tín hữu cần phải là cuộc đời thờ phượng phục vụ (Ro 12:1); cầu nguyện phản ánh lối thờ phượng này (Cong 13:2; Ro 1:10); Từ ngữ này xuất hiện rất nhiều lần liên quan đến sự dâng hiến ban cho (15:27; IICo 9:12); và rồi đến chức vụ tổng quát của Phúc Âm là sự thờ phượng - phục vụ (Ro 15:16; Phi 3:3). Có lẽ lý do từ ngữ này được dùng cho sự thờ phượng của tín hữu hơn là từ ngữ trước chỉ vì Đấng Christ ngày nay là Đấng vô hình, mắt ta không thấy được, cho nên sự thờ phượng của chúng ta phải được bày tỏ trong sự phục vụ.

B. Khái Niệm

Như vậy sự thờ phượng của hội thánh bao gồm cả sự phục vụ Chúa cách cá nhân, tập thể, ở nơi công cộng lẫn nơi riêng tư, và phát xuất từ sự tôn kính và đầu phục Ngài là Đấng hoàn toàn xứng đáng.

II. ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ THỜ PHƯỢNG (Gi 4:24)

Chúa chúng ta đã bày tỏ hai điều căn bản liên quan đến sự thờ phượng thật khi Ngài tuyên bố sự thờ phượng đó phải được ở trong tâm thần và lẽ thật. Trong “tâm thần” bao hàm ba điều về trung tâm thờ phượng này. (1) Sự thờ phượng có thể và phải diễn ra ở bất cứ nơi nào và mọi nơi vì Thánh Linh không bị giới hạn vào một địa điểm hoặc thời điểm nào. (2) Thờ phượng đến từ tâm linh con người (He 4:12). Nó không chỉ là lễ nghi bề ngoài.(3) Sự thờ phượng thật là một kinh nghiệm giữa một thân vị đối với một Thân Vị,lấy tâm linh chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời là Đấng đã được khải thị qua Chúa Jesus luôn mọi lúc và khắp mọi nơi.

Trong “lẽ thật” có nghĩa là đặc điểm của sự thờ phượng thật là thành thật và không có sự giả vờ. Đức Chúa Trời ghét sự thờ phượng không thành thật (Es 1:10-17; Ma 1:7-14; Mat 15:8-9). Sự thờ phượng giả dối chính là điều không phù hợp với Lời đã khải thị của Đức Chúa Trời. Vì cớ đó, thờ phượng trong lẽ thật đòi hỏi phải sự hiểu biết ngày càng thêm lên về Lời Chúa, và hiểu biết Lời Chúa cũng sẽ tăng cường sự nhận thức quí trọng của chúng ta đối với giá trị của Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng.

III. NỘI DUNG SỰ THỜ PHƯỢNG TẬP THỂ

Thật ra Tân Ước nói rất ít về hình thức và nội dung của sự thờ phượng trong hội thánh địa phương. Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu trong Cong 2:20; ICôrinhtô 12-14, và nhiều phân đoạn rải rác khác nữa.

A. Lời Chúa

Từ ban đầu hội thánh đã đặt giáo lý ở hàng quan trọng ưu tiên (Cong 2:42). Giáo lý vừa được dùng vừa để gây dựng tín hữu (c. 42; 11:26; ICo 14:26; IITe 2:5, nơi đây Phaolô dạy lai thế học cho tân tín hữu; IITi 4:2) vừa để truyền giáo Cong 4:2; 13:5; 17:2, đem Phúc Âm đến những người chưa tin Chúa bên ngoài hội thánh; ICo 14:23-24, khi người chưa tin đến trong buổi thờ phượng của hội thánh). Mọi thư tín đều bày tỏ một loại dạy dỗ chắc hẳn đã rất quen thuộc trong các hội thánh và những thư tín này bao gồm mọi khía cạnh của việc dạy giáo lý kèm với áp dụng.

Bên trong hội chúng, phương thức giảng và dạy có vẻ rất uyển chuyển. Rõ ràng là bất cứ nam tín hữu nào cũng có thể phát biểu nếu điều đó được thực hiện một cách thức thứ tự và nếu sứ điệp của người đó vượt qua được thử nghiệm của chân lý (các câu 26-33). Phụ nữ bị hạn chế tại nơi công cộng và trong những nhóm có cả hai giới, dù những người phụ nữ lớn tuổi hơn đã được ủy thác dạy dỗ những phụ nữ trẻ tuổi (c. 34; ITi 2:12; Tit 2:3-5).

B. Cầu Nguyện

Cầu nguyện đã được thực hành bởi cá nhân lẫn tập thể (Cong 4:24; 6:4; 10:9; 12:5; 13:3; ITi 2:1-8). Theo phân đoạn cuối cùng, những người đàn ông hướng dẫn buổi cầu nguyện công cộng trong hội thánh (vì từ ngữ trong c.8 là những người nam). Phụ nữ có được cầu nguyện trong buổi cầu nguyện công cộng hay không còn tùy thuộc lối giải thích của mỗi người về ICo 11:5. Phaolô có lẽ cho phép nếp thực hành như vậy, hoặc có lẽ ông chỉ đang công nhận nó đã diễn ra tại Côrinhtô mà không chấp thuận cho điều đó.

C. Ca Hát

Tân Ước khích lệ sự ca hát nơi riêng tư cũng như trong cộng đồng như một khía cạnh của sự thờ phượng. Khi vui mừng, người đó nên ca hát (Gia 5:13). Phaolô và Sila đã hát những bài thánh ca ngợi khen trong ngục tù (Cong 16:25). Ca hát cũng là một phần của sự thờ phượng tập thể (ICo 14:16, có thể đây là bài đơn ca; Co 3:16). Dù nêu lên những khác biệt giữa các Thithiên (ca vịnh), thánh ca (thơ thánh) và bài hát thiêng liêng, nhưng không thể phân biệt cách khắt khe được. Thithiên có lẽ nói đến những Thithiên trong Cựu Ước, dù vậy có lẽ kèm thêm phần bổ sung của Cơ đốc nhân. Thánh ca có lẽ là những bài ca ngợi Đức Chúa Trời (tuy nhiên cũng có thể dùng cả những Thithiên nữa, Cong 16:25). Bài hát thiêng liêng có thể gồm phạm vi các chủ đề rộng hơn. Âm nhạc là phần quan trọng trong sự thờ phượng của nhiều hội thánh ngày nay.

Nhiều đoạn Tân Ước có lẽ chứa đựng nhiều phần thánh ca mà hội thánh đầu tiên đã dùng (Eph 5:14; ITi 3:16). Nhiều bài ca chúc tụng cũng nhấn mạnh khía cạnh quan trọng này của sự thờ phượng (Ro 9:5;11:33-36; 16:27; Phi 4:20; ITi 6:16; IITi 4:18).

Không phải không có khả năng một số câu Kinh Thánh này phản ảnh những tuyên ngôn tín điều để đọc lên mà không kèm nhạc khí phụ họa. ITi 3:16 được xem như ví dụ rõ nhất. Các phần khác có thể gồm (ICo 12:3;15:3-5; 16:22). Những cái nhìn thoáng qua này gợi ý rằng đọc thuộc lòng một giao ước của hội thánh (ngày nay không thực hiện nhiều như trước) có thể rất thích hợp và hữu ích.

Chúng ta có thể góp nhặt những nguyên tắc nào cho việc sử dụng âm nhạc trong hội thánh ngày nay không? Nên khích lệ việc ca hát trên nhiều bình diện: bởi những cá nhân trong nơi riêng tư; cùng nhau như một nhóm người trong hội thánh; những bài đơn ca trong hội thánh; hát có nhạc cụ hoặc không có nhạc cụ. Những ví dụ trong Tân Ước - kể cả những bài ca chúc tụng - đã ngợi khen đặc tánh của Đức Chúa Trời và những công việc của Ngài bằng thứ ngôn ngữ phong phú chứ không buồn tẻ và lập đi lập lại. Tân Ước không có lời chỉ dẫn nào về những hình thức nhạc cụ đặc biệt đã được sử dụng.

D. Dâng Hiến

Tân Ước nói nhiều về sự dâng hiến hơn về bất cứ khía cạnh riêng nào của nếp sống hội thánh. Ban cho người khác chính là bằng chứng rõ ràng về tình yêu của một người đối với Đức Chúa Trời (Gia 2:15-17; IGi 3:17-18), phải phát sinh từ một đời sống trước hết đã được dâng cho Chúa (IICo 8:5), và phải được thực hiện cách tình nguyện (các câu 11-12; 9:7), hào phóng ngay cả trong sự nghèo khó (c.12), làm cách vui mừng (9:7), và tùy theo mức độ thịnh vượng Chúa đã ban cho từng cá nhân (ICo 16:2). Đối với mặc khải trong Tân Ước, dâng hiến là lãnh vực chính yếu, trong đó có nỗ lực hợp tác giữa một số hội thánh (Cong 11:27-30; IICôrinhtô 8-9).

E. Mối Thông Công

Hội Thánh đầu tiên đã tiếp tục mối thông công (Cong 2:42). Điều này nói lên họ liên hệ thân mật với mọi người. Sự thân mật này cốt tại sự trung thành với giáo lý chung, lòng sẵn sàng chia sớt của cải vật chất, kinh nghiệm Hiệp Thông trong Tiệc Thánh, và chia sẻ những lời cầu nguyện.

Nói cách khác, mọi lãnh vực của sự thờ phượng lập thành mối thông công. Đây không phải một thực thể biệt lập tự tồn tại. Đây là nếp sống đạo thờ phượng tập thể. Dựa vào minh họa trong ICôrinhtô 12, có thể gọi đây là sự sống của thân thể. Nhưng dựa trên minh họa trong Êphêsô 2, có lẽ còn gọi là sự sống của người nhà. Dù tên gọi nào đi nữa, mục tiêu vẫn là tăng cường sức khang kiện, sức mạnh, sự cam kết, và số lượng người của thân thể hoặc của người nhà này (Eph 4:12-17).

IV. NGÀY DÀNH CHO SỰ THỜ PHƯỢNG CHUNG

Hội Thánh thời Tân Ước dùng ngày Chúa Nhật làm ngày thờ phượng chung của họ. Họ đã biệt riêng ngày này dầu đây không phải là ngày nghỉ hàng tuần mà mọi người được rảnh rỗi. Chắc chắn nhiều nô lệ Cơ đốc mỗi ngày đều phải đi làm cả ngày; thế nhưng họ vẫn dành thì giờ để thờ phượng chung.

A. Nguồn Gốc Ngày Chúa Nhật

Dù các tác giả hiện đại vẫn luôn nỗ lực nhấn mạnh mối liên kết giữa ngày Chúa Nhật và ngày Sabát, nhưng hội thánh đầu tiên và các giáo phụ hội thánh không nhấn mạnh điều ấy. Họ thực sự nhìn thấy giá trị luân lý khi áp dụng Mười Điều Răn, nhưng ngoại trừ Điều răn thứ tư về ngày Sabát. Hãy để ý sự vắng mặt nan đề ngày Sabát - Ngày Của Chúa trong Cong 15:29,và lời dạy rõ ràng của Tân Ước về sự kết thúc của luật pháp Môise, kể cả Mười Điều Răn (ngoại trừ chín trong số đó, tức là toàn bộ ngoại trừ điều răn về ngày Sabát, đều được nhắc lại trong các thư tín, IICo 3:7-11; Co 2:16). Có lẽ ý niệm một ngày cụ thể để thờ phượng còn kết nối với ngày Sabát, nhưng ngày đặc thù này không có liên quan gì với ngày Sabát.

Khái niệm Ngày của Chúa cũng không phát xuất từ niên lịch. Dù người Do Thái giữ chu kỳ 7 ngày (dựa theo tuần lễ Sáng Tạo), lối chia thời gian theo tuần lễ vẫn chưa có trong thế giới Hy La mãi đến sau khi vững lập hội thánh trong thế kỷ thứ nhất. Đến thế kỷ thứ 3, cách sắp xếp theo tuần lễ đã lan rộng, vì lịch của người Lamã vẫn lộn xộn cho tới thời Constantine. Trước thời điểm đó đã có cả tuần lễ chợ bốn và tuần chợ tám ngày. Cách tính tuần bảy ngày xuất phát từ việc kết hợp mặt trời, mặt trăng, và năm hành tinh khác đã được biết đến trong thời đó. Thậm chí muộn đến tận thời Cách Mạng Pháp vào thập niên 1800, người ta vẫn còn nỗ lực để có ba tuần lễ mỗi tháng, mỗi tuần mười ngày,và cứ mỗi mười ngày thì có một ngày nghỉ cộng thêm với năm ngày lễ mỗi năm để thành 365 ngày trong một năm.

Lối giải thích duy nhất cho lý do hội thánh đầu tiên lập một ngày mới để thờ phượng không có liên quan gì đến ngày Sabát và lịch hiện hành ấy là: ngày Chúa Nhật là ngày phục sinh của Chúa. Ngài không những sống lại vào ngày Chúa Nhật, mà sáu lần hiện ra sau Phục Sinh cũng vào ngày Chúa Nhật, và ngày Lễ Ngũ Tuần khi thân thể Đấng Christ đã được hình thành cũng rơi vào ngày Chúa Nhật. Ngày này hầu như luôn luôn được gọi là ngày thứ nhất trong tuần lễ (Mat 28:1; Mac 16:2,9; Lu 24:1; Gi 20:1,19; Cong 20:7; ICo 16:2).Trong Kh 1:10, ngày này được gọi là Ngày của Chúa, một từ ngữ tương tự như Tiệc Thánh của Chúa (ICo 11:20), và được tín hữu dùng để phản kháng và phân biệt với Ngày của hoàng đế Augustus. Vì vậy Ngày của Chúa là ngày thứ nhất trong tuần lễ,ngày phục sinh của Ngài, và là ngày được các tín hữu dùng để tôn vinh biến cố trọng đại nhất ấy trong lịch sử.

B. TÍNH ĐẶC TRƯNG CỦA NGÀY CHÚA NHẬT

Rõ ràng hội thánh đầu tiên đã làm ngày này trở nên đặc trưng, vì dầu đến dự những buổi nhóm của nhà hội trong ngày Sabát,họ đến đó để truyền giảng. Lúc để gặp những tín hữu khác chính là ngày Chúa Nhật.Ro 14:5 không có ý bảo rằng Cơ đốc nhân đã không phân biệt ngày đầu tiên để thờ phượng. Hơn nữa, Phaolô đang khuyên họ đừng để thành phần Do thái trong hội thánh ép buộc họ phải giữ lễ hoặc kiêng ăn trong một số ngày nhất định.

C. Những Hoạt Động Trong Ngày Của Chúa

1. Tưởng nhớ và vui mừng chúc tụng sự phục sinh của Đấng Christ.

2. Hiệp lại với nhau để thờ phượng chung (He 10:25; ICo 3:16).

3. Kết toán về việc dâng hiến của anh em (ICo 16:2).

4. Cử hành Tiệc Thánh (Cong 20:7).

D. Sự Bỏ Qua Ngày Của Chúa Trong Thời Nay

1. Lý do:

Tại các quốc gia đi theo bối cảnh Cơ đốc giáo, ngày Chúa Nhật dân sự cùng với tình trạng nghỉ một phần những sinh hoạt thường lệ đã trở nên đầy dẫy những sinh hoạt khác (những trò vui, môn thi đấu đặc biệt, những cơ hội để mua sắm, v.v...). Tín hữu cũng nhiễm những lối sử dụng Ngày Của Chúa như người ngoài đời. Nhiều hội thánh cũng bỏ mất nhiều dịp để lấy những thì giờ có sẵn trong ngày Chúa Nhật dùng riêng cho những sinh hoạt của họ. Kết quả có lẽ ngày Chúa Nhật sẽ nhanh chóng trở nên giống những ngày khác trong tuần, cũng đòi hỏi những giờ làm việc bình thường nữa, và rồi các tín hữu sẽ quay về với thế kỷ thứ nhất cố tìm buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tối thật muộn để thờ phượng.

2. Những kết qua.

Bỏ qua Ngày của Chúa tức là xem thường Ngài, làm cùn nhụt lời chứng về sự phục sinh của Ngài, và trượt mất những lợi ích của chức vụ và sự bảo vệ của sự thờ phượng tập thể.