I. KHÁI NIỆM THÁNH LỄ

Lễ Báptêm và Lễ Tiệc Thánh thường được xem là những thánh lễ ngày nay, dù vậy một số nhóm thích gọi là những bí tích. Từ ngữ “bí tích” có nghĩa là làm thành ra thiêng liêng, để dâng hiến cho một vị thần hoặc để dùng vào công việc thiêng liêng. Từ ngữ Latin này được dùng trong bản Vulgate để dịch từ ngữ Hylạp mustçrion, đem lại ý niệm về điều gì đó huyền nhiệm hoặc thần kỳ. Như vậy các nhóm nào thích gọi những nghi lễ này của hội thánh là bí tích thì thường liên hệ những nghi lễ này với quyền năng huyền nhiệm nào đó hoặc với việc thực sự truyền đạt ân điển. Giáo Hội Nghị Trent định nghĩa một bí tích là “một điều gì đó được trình diện cho giác quan, có quyền năng, bởi sự thiết lập thiên thượng, không những để biểu thị, mà còn để truyền đạt ân điển cách hiệu quả nữa.”

Ngược lại, “thánh lễ” (mặc dù là từ đồng nghĩa với bí tích trong từ điển) không đồng nhất với ý niệm truyền thụ ân điển mà chỉ mang ý niệm về một biểu tượng. Như vậy bản thân thánh lễ không có quyền năng cố hữu để thay đổi những người tuân giữ nó, dù vậy Đức Chúa Trời có thể dùng thánh lễ đó chăm sóc cho họ.

II. SỐ LƯỢNG CÁC THÁNH LỄ

Nhiều người (như Thiessen) giới hạn các thánh lễ vào những nghi lễ được thiết lập bởi Đấng Christ để được cử hành trong hội thánh. Theo loại định nghĩa này, lễ Báptêm và Tiệc Thánh rõ ràng là những thánh lễ, dù vậy việc rửa chân cũng có thể là thánh lễ.

Nếu hiểu về thánh lễ cách rộng hơn (tuy nhiên vẫn trong phạm vi những giới hạn được Đức Chúa Trời thiết lập và có liên hệ đến hội thánh), thì nghi lễ Hôn Phối và nghi lễ Cầu nguyện cho người đau trong Giacơ 5 cũng có thể được xem là các thánh lễ. Lễ Hôn Phối đã được Đức Chúa Trời thiết lập và làm biểu tượng cho mối liên hệ quan trọng giữa Đấng Christ và hội thánh; và cầu nguyện cho người đau có liên quan đến hội thánh thông qua những trưởng lão của hội thánh. Tuy nhiên, mọi người đều đồng ý lễ Báptêm và lễ Tiệc Thánh xứng đáng là những thánh lễ của hội thánh.

III. THÁNH LỄ BÁPTÊM

A. Tầm Quan Trọng Của Lễ Báptêm

Tầm quan trọng của lễ Báptêm được nhấn mạnh bởi những nhận định sau đây.

1. Đấng Christ đã chịu Báptêm (Mat 3:16).

Dù ý nghĩa lễ Báptêm của Ngài chịu là hoàn toàn khác biệt với tầm quan trọng phép Báptêm cho các Cơ đốc nhân, tuy nhiên vẫn có một phương diện trong đó chúng ta noi gương Chúa khi chúng ta chịu Báptêm. Thật vậy, chúng ta không bao giờ có thể bắt chước trọn vẹn Đấng vô tội; tuy nhiên chúng ta phải noi theo những bước chân Ngài, và Lễ Báptêm là một trong những bước chân đó (IPhi 2:21).

2. Chúa đã phê chuẩn cho môn đồ Ngài làm Báptêm (Gi 4:1-2).

3. Đấng Christ đã truyền cho mọi người trong thời đại này phải chịu Báptêm (Mat 28:19). Rõ ràng mạng lệnh này không những dành cho các sứ đồ đang nghe mạng lệnh, mà còn dành cho những kẻ theo Ngài suốt cả thời đại này, vì Ngài đã hứa Ngài hiện diện cho đến tận thế.

4. Hội thánh đầu tiên đã dành cho phép Báptêm một vị trí quan trọng (Cong 2:38,41; 8:12-13,36,38; 9:18; 10:47-48;16:15,33; 18:8; 19:5). Hội thánh đầu tiên chưa từng biết đến tín hữu chưa chịu Báptêm.

5. Kinh Thánh Tân Ước dùng thánh lễ này để minh họa hoặc làm biểu tượng những chân lý thần học quan trọng (Ro 6:1-10; Ga 3:27; IPhi 3:21).

6. Trước giả thư Hêbơrơ gọi Báptêm là một lẽ thật nền tảng (6:1-2). Giáo lý này không phải là phương án tùy chọn hoặc kém quan trọng hơn các giáo lý về sự ăn năn, sự sống lại hoặc sự đoán xét.

B. Ý Nghĩa Của Lễ Báptêm

Theo Thánh Kinh, Báptêm được liên hiệp với sự tha tội (Cong 2:38; 22:16), cùng hiệp nhất với Đấng Christ (Ro 6:1-10), đào tạo môn đồ (Mat 28:19), và sự ăn năn (Cong 2:38). Nói vậy không có nghĩa kết luận rằng phép Báptêm bằng nước đem lại sự tha tội, v.v..., nhưng có nghĩa phép báptêm liên kết chặt chẽ với những điều nào bắt đầu đời sống Cơ đốc.

Theo ý nghĩa thần học, có thể định nghĩa lễ Báptêm như là một hành động của sự liên hiệp hoặc đồng nhất hóa với một người nào đó, một nhóm nào đó, một sứ điệp nào đó hoặc một sự kiện nào đó. Phép Báptêm gia nhập vào những tôn giáo huyền bí của Hylạp đã hội hiệp những người mới thụ giáo này với tôn giáo đó. Phép Báptêm cho những người cải đạo Do thái giáo kết hiệp người cải đạo với Do thái giáo. Phép Báptêm của Giăng BápTít kết hợp những người đi theo ông với sứ điệp của ông về sự công chính (ông không kêu gọi họ gia nhập nhóm nào). (Nhân đây cũng cần biết Giăng dường như là người đầu tiên từng làm Báptêm cho những người khác - thường thường phép Báptêm được tự cử hành). Đối với Giacơ và Giăng, chịu Báptêm với phép Báptêm của Đấng Christ có nghĩa được kết hiệp với sự chịu khổ của Ngài (Mac 10:38-39). Được Báptêm bằng Đức Thánh Linh liên hiệp một người với thân thể Đấng Christ (ICo 12:13) và với đời sống mới trong Christ (Ro 6:1-10). Chịu Báptêm vào Môise bao gồm sự đồng nhất với sự lãnh đạo của ông trong việc đem dân Ysơraên ra khỏi Ai cập (ICo 10:2). Chịu Báptêm cho người chết có nghĩa là được đồng nhất hóa với nhóm Cơ đốc nhân và mang lấy địa vị của một tín hữu đã chết (15:29). Phép Báptêm của Cơ đốc nhân có nghĩa là đồng nhất hóa với sứ điệp Phúc Âm, với thân vị của Cứu Chúa, với và nhóm tín hữu. Một số phép Báptêm vừa liệt kê không liên quan đến nước. Cũng hãy quan sát xem chúng ta sẽ nghèo nàn biết bao nếu không hiểu biết đúng đắn và thỏa đáng về ý nghĩa và những hệ quả của phép Báptêm.

C. Những Đối Tượng Chịu Lễ Báptêm

Vấn đề là: chỉ có những tín hữu nên chịu Báptêm hay trẻ sơ sinh (con của những tín hữu) cũng nên chịu BápTêm? Những lập luận hậu thuẫn phép Báptêm của trẻ sơ sinh gồm có những điều sau:

1. Lập luận về phép cắt bì.

Co 2:11-12 rõ ràng liên kết phép cắt bì với phép Báptêm. Vì trẻ sơ sinh chịu phép cắt bì dưới Giao Ước Cũ, chúng cũng nên được làm Báptêm dưới Giao Ước Mới. Lập luận này dựa trên khái niệm của thần học giao ước về một giao ước đơn nhất của ân điển có đòi hỏi nghi lễ kết nạp vào giao ước đó, và nghi lễ này là chịu phép cắt bì trong Cựu Ước và phép Báptêm trong Tân Ước. Những nghi lễ này nói lên tư cách thành viên trong giao ước, chứ không nhất thiết cho thấy đức tin cá nhân. (Xem James Buswell. A Systematic Theology of the Christian Religion (Grand Rapids:Zondervan, 1962,2:262).

2. Lập luận lịch sử.

Từ những thời ban đầu,hội thánh đã làm phép Báptêm cho trẻ con; vì thế đây là điều được phép làm. Các giáo phụ đã hậu thuẫn việc làm Báptêm cho trẻ con, thường liên hệ phép báptem với phép cắt bì, nhưng sự kiện hội thánh đầu tiên đã thi hành hoặc đã tin điều gì đó thì bản thân sự kiện ấy không khiến cho nó đúng. Một số người trong hội thánh đầu tiên đã dạy sự tái sanh bởi phép Báptêm, nhưng sự dạy dỗ ấy là tà giáo.

3. Lập luận về người nhà.

Những thành viên trong gia đình đã chịu Báptêm trong thời Tân Ước. Rất có thể ít nhất cũng có một số hài nhi đã được bao gồm trong một số người trong nhà (Cong 11:14; 16:15,31,33;18:8; ICo 1:16). Có người còn dẫn trích dẫn lời hứa dành cho những người nhà ở ICo 7:14 như là không những cho phép mà còn bắt buộc có làm Báptêm cho trẻ con của gia đình mà trong đó chỉ có cha mẹ tin Chúa mà thôi.

Quan điểm phản đối phép Báptêm cho trẻ con,và vì vậy ủng hộ phép Báptêm của các tín hữu, nêu lên (a) thứ tự theo Thánh Kinh là luôn luôn tin rồi mới chịu Báptêm (Mat 3:2-6; 28:19; Cong 2:37-38;16:14-15,34); (b) phép Báptêm là nghi lễ kết nạp để gia nhập vào cộng đồng của những kẻ tin, là hội thánh; vì cớ đó chỉ nên cử hành cho những người tin. Ngược lại, phép cắt bì đã kết nạp người ta (kể cả các em bé) bước vào một chế độ thần quyền mà thực sự đã có những kẻ không tin trong đó. (c) Tuổi của đứa trẻ không hề được nhắc đến trong bất kỳ phân đoạn Kinh Thánh nào đề cập đến phép Báptêm cho những người nhà. Nhưng Kinh Thánh có nói rằng mọi người chịu Báptêm trong những người nhà đó đều đã tin. Vậy thì điều này sẽ loại trừ việc tính trẻ sơ sinh trong số những người chịu Báptêm. (d) Nếu ICo 7:14 cho phép hoặc đòi hỏi việc Báptêm cho trẻ con trong một gia đình nơi mà cũng có một người cha hoặc mẹ tin Chúa, thì nó cũng sẽ cho phép hoặc đòi hỏi phép Báptêm cho người phối ngẫu trưởng thành chưa tin nữa.

D. Làm Báptêm Lại

Chỉ có một ví dụ cụ thể duy nhất về những người chịu Báptêm lại lần thứ hai (Cong 19:1-5). Mười hai người này đã chịu Báptêm bởi Giăng Báp Tít, và họ đã chịu Phaolô làm báptêm lại sau khi họ tin sứ điệp của Đấng Christ. Điều này cung cấp thêm một ví dụ để tư vấn cho những người nào ngày nay đã chịu Báptêm khi còn là những đứa trẻ sơ sinh - hay là những thiếu niên, người lớn - chưa tin nhận Chúa, và rồi khi những người đó đến với đức tin trong Đấng Christ. Đây cũng là lập luận phản đối việc làm Báptêm cho con trẻ, vì cớ sao phải làm Báptêm cho trẻ sơ sinh nếu như về sau phải chịu Báptêm lại sau sau khi đứa trẻ đó tiếp nhận Chúa Jesus cách cá nhân?

E. Thời Điểm Chịu Báptêm

Các ví dụ trong Tân Ước nêu rõ những tín hữu đã chịu Báptêm ngay sau khi họ tin. Không thấy nói đến thời gian thử thách, dầu vậy những thời gian như thế có thể được xem là lý do xác đáng để thử thách khẳng định tính chân thật của đức tin.

F. Phương Thức Báptêm

1. Lý lẽ tán thành việc rảy nước.

(1) Một số nghi lễ tẩy uế trong thời Cựu Ước bao gồm việc rảy (Xu 24:6-7; Le 14:7; Dânsốký 19:4,8), và những nghi lễ này đã được phân loại là “các phép báptêm” trong He 9:10. (2) Sự rảy nước minh họa rõ nhất sự tẩy sạch của Đức Thánh Linh như trong Exe 36:25. (3) Baptizo có thể có một ý nghĩa thứ hai là “đem xuống dưới một ảnh hưởng” và việc rảy có thể sẵn sàng minh họa điều này. (4) Sự dìm mình xuống đã là không chắc có, hoặc không thể làm được trong một số trường hợp (Cong 2:41 có quá nhiều người; 8:38, có quá ít nước tại một nơi trong sa mạc; 16:33; quá ít nước trong một căn nhà). (5) Đại đa số hội thánh hữu hình đều làm báptêm không dìm xuống nước.

2. Lý lẽ tán thành việc đổ nước (hoặc xối nước).

(1) Đổ nước miêu tả tốt nhất chức vụ của Đức Thánh Linh hiện xuống và đi vào đời sống của một tín hữu (Gio 2:28-29; Cong 2:17-18). (2) Những cụm từ “vào trong nước” và “ra khỏi nước” có thể được dịch hoàn toàn tương đương là “đến với nước”và “đi xa khỏi nước.” Nói cách khác, người chịu báptêm đến với nước, có lẽ thậm chí vào cả trong nước, nhưng không ở dưới nước. (3) Những hình vẽ ở trong các hầm mộ cho thấy người chịu Báptêm đứng ngập nước đến thắt lưng trong khi người làm Báptêm đổ nước từ chiếc bình trong tay ông lên lên đầu người chịu báptêm.

3. Lý lẽ tán thành việc nhận chìm trong nước.

(1) Sự nhận chìm là điều chắc chắn mang đầy đủ ý nghĩa của từ baptizo. Ngôn ngữ Hylạp có những chữ dành cho việc rảy nước và đổ nước mà chúng chưa từng được dùng chỉ về phép báptêm. (2) Việc dìm trong nước minh họa tốt nhất ý nghĩa của lễ Báptêm, tức là chết về đời sống cũ và phục sinh vào đời sống mới (Ro 6:1-4).(3) Sự nhận chìm có thể đã được thực hiện trong mọi trường hợp. Đã có những hồ chứa đủ nước trong thành Giêrusalem để cho phép dìm mình ba ngàn người mới tin trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Con đường đến Gaxa đã là con đường vắng vẻ nhưng không phải là không có nước. Những ngôi nhà thường có những hồ nước ngoài trời, để gia đình của người đề lao tại Philíp chẳng hạn đã có thể được dìm mình trong đó. (4) Phép Báptêm cho những người cải đạo đã được thực hiện bằng cách tự dìm mình vào trong một bồn nước. Phương thức này lẽ tự nhiên sẽ được chuyển sang hội thánh Đấng Christ. (5) Đổ nước, chứ không phải rảy nước, đã là ngoại lệ đầu tiên của việc dìm mình và đã được phép thực hiện trong những trường hợp bệnh tật.Việc này được gọi là “phép Báptêm bên giường bệnh.” Cyprian (vào khoảng 248-258 S.C.) là người đầu tiên chấp thuận kiểu rảy nước này. Ngay cả những người không theo hình thức dìm mình trong nước cũng công nhận việc dìm mình là cách cử hành phổ thông của hội thánh thời các sứ đồ. (Xem Calvin, Institutes, 4:15:19).

Nhận xét: Theo tôi, những người muốn biện minh cho phương thức rảy nước dường như đã suy nghĩ theo cách này. Nếu có thể chứng minh bất cứ hình thức không dìm mình xuống nước nào (như kiểu đổ nước chẳng hạn) đã được cử hành từ sớm thì bạn có thể hợp pháp thực hành cách rưới nước,dù hiển nhiên cách ấy đã không được thực hành trong hội thánh thời các sứ đồ.Nói cách khác, nếu đổ nước có thể là một lỗ rò trong con đê của phương thức dìm mình phổ thông, thì rảy nước cũng có thể tràn vào đó. Tuy nhiên, cho dù như thế đi nữa, bằng chứng này chỉ nói lên cách đổ nước (nếu có được thực thi) đã được xem là một với cách dìm xuống nước, nhưng rảy nước đã không được xem là có hiệu lực như phép Báptêm.

G. Cách Dìm Ba Lần

Dìm mình ba lần là phương cách dìm những ứng viên chịu Báptêm ba lần (thường là tới phía trước) để làm biểu tượng sự liên hiệp với Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Tác phẩm Didache nói nếu không thực hiện được việc dìm mình thì có thể đổ nước ba lần trên đầu (chương 7). Lưu ý rằng tác phẩm có từ sớm này không nói dìm mình ba lần, chỉ nói đổ nước ba lần mà thôi. Những người đề xướng việc dìm mình ba lần nói rằng có một số từ điển nói rằng baptizo có nghĩa là nhúng chìm vào nước liên tục (nhưng một số thì không nói vậy). Chứng cứ bênh vực quan điểm này không mạnh mẽ.

IV. TIỆC THÁNH

A. Sự Thành Lập

Dường như Chúa đã thiết lập Tiệc Thánh có liên quan đến việc ăn Lễ Vượt Qua trước khi Ngài chịu hình trên thập tự giá, dù vậy điều này gây ra nan đề về thứ tự thời gian. Thừa nhận sự đóng đinh trên thập tự vào ngày Thứ Sáu, Phúc Âm Giăng dường như nói lễ Vượt Qua vẫn chưa được cử hành cho tới sau khi Chúa Jesus chết và chịu chôn (18:28; 19:24). Tuy nhiên, một số người nghĩ rằng những người Galilê và/hoặc người Pharisi cử hành lễ Vượt Qua vào tối thứ Năm, còn những người Giuđê và / hoặc người Sađusê lại giữ lễ này buổi tối Thứ Sáu (thì quá khứ chưa hoàn thành “giết chiên con” có lẽ cho thấy các thầy tế lễ đã dâng sinh tế cả hai ngày).

B. Thứ Tự Của Lễ Tiệc Thánh

Một mình thánh lễ này (không có bữa ăn) đã bao gồm việc Đấng Christ lấy bánh không men, dâng lời tạ ơn, phân phát cho các môn đệ, và cũng làm như vậy với chén.

Trong những thế kỷ đầu, buổi lễ mở rộng hơn bao gồm bữa tiệc yêu thương, có nhiều lời cầu nguyện khác nhau để cảm tạ và xưng tội, đọc và dạy lời Thánh Kinh, rồi đến chính Tiệc Thánh, quyên góp cho các cô nhi, góa phụ, người đau và người túng thiếu, và một cái hôn thánh. (Xem Didache, 7-15 Justin Martyr, Apology, C. lxvii, và c. lxv.)

Phần trích dẫn thứ nhất trên đây từ Justin Martyr nói rằng rượu nho được pha với nước. Thánh Kinh thực sự không dùng từ ngữ “rượu” đối với bữa Tiệc Thánh này, chỉ nói “chén” hoặc “trái nho.” Dĩ nhiên đây là nước lấy từ trái nho, nhưng không nói đã lên men hay chưa. Nước nho chưa lên men được dùng trong thời Đấng Christ nhiều hơn mức người ta tưởng. Tuy nhiên, nếu nước này đã được lên men chút ít thì dường như nó được pha với nước cho loãng.Vì những người nghiện rượu đã tin Chúa hoặc thậm chí để ngăn chặn ai muốn bắt đầu uống rượu, nước nho chưa lên men được ưa chuộng hơn khi xét tới nan đề nghiện rượu toàn cầu của thời nay.

C. Những Ý Nghĩa Của Tiệc Thánh

1. Đây là sự tưởng nhớ Đấng Christ (ICo 11:24).Tiệc Thánh gợi nhớ đời sống của Đấng Christ (bánh), sự chết của Ngài (chén), sự phục sinh và hiện diện hằng sống của Ngài (chính buổi lễ).

2. Đây là việc loan báo sự chết của Ngài (ICo 11:26). Chính buổi lễ nói lên sứ điệp Phúc Âm cũng như những tuyên bố của Phúc Âm đòi hỏi trên những người đã được chuộc. Một giáo sĩ mà tôi quen biết đã được hướng dẫn đến phục vụ trong lãnh vực truyền giáo đang khi ông - là mục sư cử hành Tiệc Thánh tại hội thánh của ông - suy gẫm về ý nghĩa của Lễ Tiệc Thánh trong lúc các chấp sự đang phân phát Tiệc Thánh.

3. Đó là sự bảo đảm về sự tái lâm của Đấng Christ (Mat 26:29; ICo 11:26).

4. Đó là thời gian thông công với Đấng Christ và dân sự của Ngài (ICo 10:21).

Đấng Christ hiện diện trong Tiệc Thánh theo ý nghĩa nào? Giáo Hội Công Giáo Lamã dạy rằng thân và huyết thật của Đấng Christ hiện diện trong bánh và chén, và tại lúc cung hiến, những nguyên tố bánh và chén đã thực sự biến đổi (Biến thể thuyết - transubstantiation). Giáo hội Lutheran dạy rằng mỗi cá nhân dự phần thân và huyết thật của Đấng Christ trong,với và dưới những nguyên tố bánh và chén. Những nguyên tố này vẫn không thay đổi,nhưng lời cầu nguyện cung hiến truyền thông Đấng Christ đến với những người dự phần (đồng thể thuyết - consubstantiation). Quan điểm Cải Cách (Calvin) dạy rằng dầu những yếu tố đó chỉ là những biểu tượng, việc ăn bánh uống chén bao gồm cả việc dự phần Đấng Christ trong sự hiện diện cứu chuộc của Ngài. Tuy nhiên,Zwingli dạy rằng tiệc thánh chỉ là một sự tưởng nhớ. Đó là sự tưởng nhớ, nhưng cũng là một buổi lễ trong đó sự hiện diện của Đấng Christ trong dân sự Ngài đem lại kết quả là một sự hiệp thông thật sự.

B. Những Sự Đòi Hỏi Của Tiệc Thánh

1. Tái sinh. Chỉ có tín hữu mới có thể kinh nghiệm được Sự Hiệp Thông.

2. Tình thông công với một hội thánh địa phương. Các tín hữu không ăn năn đang chịu kỷ luật đã không được dự Tiệc Thánh (ICo 5:11-13; IITe 3:6,11-15).

3. Tra xét dọn mình thanh sạch trước khi dự (ICo 11:27-32).

E. Tần Số Dự Tiệc Thánh

Thánh Kinh không nói cụ thể điều này. Sau Lễ Ngũ Tuần, các tín hữu bẻ bánh từ nhà này sang nhà khác, nhưng câu này không chứng minh họ giữ lễ Tiệc Thánh mỗi ngày (Cong 2:46). Thứ nhất, không thấy rõ “bẻ bánh” trong câu này nói một điều nào khác hơn việc cùng dự bữa thông công cùng nhau. Thứ nhì, bản văn thậm chí không hàm ý những điều đã được làm ở đây là được làm hàng ngày tại mỗi nhà. Tại Trôách, các tín hữu hiển nhiên đã đưa Tiệc Thánh vào buổi nhóm ngày đầu tuần của họ (20:7). Bất luận hội thánh cử hành thánh lễ thường xuyên đến mức nào đi nữa, thì cũng nên dành đủ thời gian, để thánh lễ này không bị “đính tạm”vào buổi nhóm.

F. Một Vài Thắc Mắc

1. Nên cử hành Lễ Tiệc Thánh vào buổi nhóm nào của hội thánh? Gương mẫu của hội thánh đầu tiên trả lời là Chúa Nhật. Nhưng vì là một Bữa Ăn Tối, nên dường như thích hợp để cử hành trong một buổi nhóm tối Chúa Nhật, ít nhất cũng là đôi khi.

2. Có nên chỉ cử hành trong hội thánh thôi?Điều này dường như là khuôn mẫu bình thường (ICo 11:18-20).

3. Có nên chỉ để thuộc viên hội thánh dự Tiệc Thánh? Một lần nữa, đây dường như là gương mẫu của Tân Ước, vì chỉ những tín hữu chịu Báptêm rồi mới được liên hiệp rõ ràng với một hội chúng địa phương. Những khách thăm có nên bị loại trừ nếu họ là những tín hữu không? Không nhất thiết như vậy. Theo như phép lịch sự họ có thể dự phần. Nhưng vì cớ công tác kỷ luật của hội thánh địa phương và mối thông công bên trong hội thánh địa phương có liên hệ đến Tiệc Thánh, nên thường là chỉ những ai liên hiệp rõ ràng với hội thánh địa phương đó mới nên dự Lễ Tiệc Thánh của nhóm người đó.

V. BỮA TIỆC YÊU THƯƠNG

Như là một phần của buổi lễ được mở rộng có bao gồm Tiệc Thánh, cũng có một bữa ăn đầy đủ cũng được ăn trong hội thánh và bởi hội thánh. Bữa tiệc yêu thương này được nhắc đến cụ thể trong IIPhi 2:13 (trong một vài thủ bản); Giuđe 12; và được hàm ý trong ICo 11:20 (và có lẽ cũng trong Cong 2:42,46; 6:1).

Bất luận nguồn gốc bữa ăn này đến từ đâu (những bữa tiệc tùng của dân ngoại, những bữa ăn thông thường của người Do thái; ước muốn của Cơ đốc nhân muốn tránh thịt cúng thần tượng, v.v...), bữa tiệc này rơi vào chỗ bị lạm dụng trong thời điểm Phaolô viết ICôrinhtô. Có người dùng đó làm cớ để tham ăn, lấy cho riêng mình càng nhiều càng tốt, và không chịu chia sẻ phần mình mang theo cho người khác. Phaolô dạy hội thánh phải để cho tín hữu ăn ở tại nhà hơn là phủ nhận những ý tưởng về sự thông công và tình yêu mà agape đại diện cho. Trong thế kỷ thứ tư, tiệc yêu thương ngày càng không được tán thành, và ngày nay hiếm khi thấy thực hiện. Sự kiện Phaolô đã có thể khuyên đình chỉ nó trong hội thánh đã loại trừ nó khỏi thánh lễ.

VI. LỄ RỬA CHÂN

Theo phong tục phổ thông của phương đông, do ảnh hưởng của những con đường đầy bụi hoặc bùn đất trên những đôi chân mang giày xăngđan, trong buổi Tiệc Thánh Chúa đã rửa và lau chân cho các môn đồ (Gi 13:1-20). Hành động này nhằm làm tấm gương khiêm nhường và hạ mình (c.15), làm lời khuyên bảo hãy tha thứ nhau (c.14), và bài học về nhu cầu tẩy sạch trong nếp sống Cơđốc (c.10). Lễ Báptêm làm biểu tượng sự tẩy uế của sự tha tội, lễ rửa chân làm biểu tượng cho sự tẩy uế cần thiết cho mối thông công.

Những người tập trung vào sự tẩy sạch thì tìm lý do để tiếp tục giữ điều này như một thánh lễ ngày nay. Những người nhấn mạnh tấm gương tha thứ thì không cảm thấy cần phải thực hiện nghi lễ này nhưng đúng hơn cần thực hành những chân lý thuộc linh được minh họa qua lễ nghi này.Đúng là lời khuyên noi gương Đấng Christ trong các câu 14 và 15 liên hệ đến sự tha thứ nhau trong tinh thần khiêm nhường, hơn là Đức Chúa Trời tha thứ những bước lỗi lầm của chúng ta trong cuộc sống. Vậy thì điều này sẽ đưa ra lập luận phản đối việc xem sự rửa chân là thánh lễ.