I. LẼ CẦN CÓ LÃNH ĐẠO

Bất luận sở thích của một cá nhân hoặc của một tổ chức về những tầng lớp lãnh đạo có là gì đi nữa, không ai có thể phủ nhận cấp lãnh đạo đã được xem là cần thiết trong các hội thánh Tân Ước. Hãy nhớ lại vài sự kiện. (1) Từ đầu trong sinh hoạt của các hội thánh, những khoản tiền cứu trợ đã được gởi từ Antiốt đến các trưởng lão trong các hội thánh miền Giuđê (Cong 11:29). (2) Phaolô đã bổ nhiệm những lãnh đạo hầu như ngay lập tức trong các hội thánh mới được thành lập trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất (14:23). (3) Giáo Hội Nghị tại Giêrusalem đã được triệu tập, được hướng dẫn, và kết luận bởi những lãnh đạo (đoạn 15). (4) Các trưởng lão và chấp sự xuất hiện như một phần bức tranh sinh hoạt bình thường của nhiều hội thánh khác nhau (20:17; Phi 1:1). (5) Phaolô dường như đã xem các lãnh đạo là cần thiết cho việc hoạt động thích đáng của các hội thánh (Tit 1:5) (6) Lãnh đạo là một trong những ân tứ thuộc linh (Ro 12:8) hoạt động trong các hội thánh địa phương (He 13:7,17).

II. CÁC TẦNG LỚP LÃNH ĐẠO

Mọi người đều đồng ý rằng đã có ít nhất hai tầng lớp lãnh đạo trong những hội thánh Tân Ước, là các trưởng lão và chấp sự.Không phải mọi người đều đồng ý ngày nay cả hai chức vụ trên đều cần thiết. Ví dụ như người ta cho rằng vì Phaolô chỉ nhắc đến những trưởng lão trong Tít 1 (dầu ông đã viết về cả trưởng lão lẫn chấp sự trong ITimôthê 3), nên các chấp sự là phương án tùy ý chọn trong tổ chức của hội thánh. Cũng không phải mọi người đều đồng ý vấn đề có một trưởng lão duy nhất hay nhiều trưởng lão trong mỗi hội chúng (dù có lẽ tất cả đều đồng tình có nhiều trưởng lão). Trong hệ thống Báptít hội chúng, một mục sư duy nhất trong hội thánh giữ chức vụ của trưởng lão, còn trong hệ thống Trưởng Lão - Liên Minh, mục sư giữ vai trò một trong số nhiều trưởng lão.

Một thắc mắc căn bản hơn: Có một tầng lớp lãnh đạo thứ ba - tức các giám mục - hay không? Từ ngữ này được dùng một lần cho Đấng Christ (IPhi 2:25); những lần khác nói đến những con người lãnh đạo của các hội thánh. Dường như rõ ràng là các giám mục và các trưởng lão quy chiếu đến cùng một nhóm người, vì những lý do sau đây. (1) Phaolô đã truyền cho Tít bổ nhiệm các trưởng lão trong mỗi một thành phố ở Cơrết, và rồi ngay tức khắc mô tả họ là những giám mục (Tit 1:5-7). Khi Phaolô gọi những trưởng lão của hội thánh Êphêsô đến gặp ông tại Milê, ông đã mô tả cương vị của họ là những người coi sóc (các giám mục) (Cong 20:17,28). Ông cũng đã công nhận một trong những chức năng của họ là chăn bầy hoặc làm mục sư cho tín hữu (c. 28). (3) Khi Phaolô liệt kê những phẩm cách cho giám mục và chấp sự (ITi 3:11-13), ông không nhắc đến trưởng lão (dù từ ITi 5:17, chúng ta biết hội thánh này đã có các trưởng lão),gợi ý mạnh mẽ rằng các giám mục và các trưởng lão quy chiếu đến cùng một nhóm người. (4) Trong thư Phi 1:1, Phaolô chỉ đề cập đến các giám mục và các chấp sự.Tại sao ông lại bỏ sót các trưởng lão nếu trên thực tế có ba tầng lớp lãnh đạo?

Có người tuyên bố giám mục là một tầng lớp lãnh đạo riêng biệt thứ ba vì địa vị nổi bật của Giacơ trên Giáo Hội Nghị tại Giêrusalem (Cong 15), và vì họ nói Timôthê và Tít đã là các giám mục tương ứng cho những hội thánh tại Êphêsô và Cơrết. Tuy nhiên, Ignatius (khoảng năm 50 S.C. đến khoảng 115) là người đầu tiên phân biệt giám mục với các trưởng lão và chấp sự như ba tầng lớp chức viên khác biệt (Ad Smyrna, vii). Sự cần thiết phải có giám mục có liên hệ với nhu cầu giữ gìn sự hiệp một của hội thánh, với nhu cầu bảo đảm cho sự nối tiếp đức tin thật của các sứ đồ, và về sau này với nhu cầu cần người làm kênh dẫn để thi hành chức vụ của ân điển thiên thượng (xem Edwin Hatch, The Organization of the Early Christian Churches [London: Rivingtons,1881], trang 83-112).

Tóm tắt: chứng cứ này cho thấy chỉ có hai tầng lớp chức viên trong hội thánh: giám mục - trưởng lão (hoặc những trưởng lão coi sóc) và các chấp sự.

III. NHỮNG SỰ PHÂN BIỆT GIỮA CÁC ÂN TỨ VÀ CHỨC VỤ

Thường có sự lẫn lộn giữa các ân tứ Đức Chúa Trời ban cho trong đời sống một Cơ đốc nhân với các chức vụ mà người đó có thể giữ trong tổ chức của hội thánh. Ví dụ như mục sư và chức vụ mục sư thường được xem là như nhau thay vì được phân biệt ra như đáng phải có. Mục sư là một ân tứ thuộc linh, còn chức vụ mục sư (trong giáo hội học hiện đại của chúng ta) là một chức vụ của người lãnh đạo chính yếu trong hội thánh (đặc biệt là trong hệ thống hội chúng). Tuy nhiên cần lưu ý một số điểm phân biệt quan trọng giữa các ân tứ thuộc linh và các chức vụ.

1. Ân tứ so với chức vụ:

Một người có thể có một số ân tứ nhất định nhưng không giữ chức vụ nào trong hội thánh địa phương.Thật ra đây là trường hợp của đại đa số tín hữu. Họ có những ân tứ (vì mọi tín hữu đều có ân tứ) nhưng không phải là những chức viên trong hội thánh. Tuy nhiên, những người thực sự giữ các chức vụ cũng nên vận dụng những ân tứ thuộc linh nhất định. Các trưởng lão dạy dỗ và cai trị, và các chấp sự nên thực thi ân tứ phục vụ (Ro 12:7). Như vậy người có ân tứ có thể không giữ một chức vụ nào, nhưng một chức viên cũng phải là người có ân tứ.

2. Nam và nữ.

Những ân tứ được ban cho cả nam lẫn nữ. Nhưng các chức vụ chính yếu trong hội thánh phải do nam đảm nhiệm.Ân tứ duy nhất không ban cho phụ nữ đó là ân tứ sứ đồ. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho những ân tứ khác cho cả nam lẫn nữ. Ngay cả ân tứ mục sư cũng có thể được thực thi bởi phụ nữ nếu người ta hiểu đúng đắn ân tứ này là một khả năng để chăn bầy. Nhưng nói vậy không có nghĩa một phụ nữ có phép giữ điều ngày nay được gọi là chức vụ mục sư. Những chức vụ chủ yếu trong các hội thánh Tân Ước do nam đảm nhiệm. Điều này hoàn toàn rõ ràng vì cả trưởng lão lẫn chấp sự đều được đòi hỏi phải là “chồng của một vợ.” Không có phụ nữ nào có thể đáp ứng điều kiện được phẩm cách đó!

3. Trong và ngoài hội thánh.

Các ân tứ thuộc linh có thể được thực hiện trong và ngoài một hội thánh địa phương. Các chức vụ chỉ liên quan đến hội thánh địa phương. Ví dụ ân tứ truyền giảng có thể và nên thực thi trong cũng như ngoài hội thánh. Mặt khác, các trưởng lão và các chấp sự chỉ thực hiện chức năng đối với hội chúng địa phương của họ mà thôi.

IV. CÁC TRƯỞNG LÃO

A. Số Lượng Trưởng Lão

Đã có tranh luận đáng kể về vấn đề số lượng các trưởng lão mỗi hội thánh ngày xưa đã có (trong thời Tân Ước) hoặc nên phải có (ngày nay). Những người ủng hộ sự quản trị của trưởng lão (hệ thống liên minh) nghĩ mỗi hội chúng đã có rất nhiều trưởng lão; còn phái hội chúng thấy chỉ có một trưởng lão duy nhất (mục sư) trong mỗi hội chúng. Cả hai đều đồng ý mỗi hội thánh đã có hơn một chấp sự.

Sự kiện hội thánh đầu tiên nhóm họp trong nhà (Ro 16:5; ICo 16:19; Co 4:15) khiến càng khó có thể giải quyết tranh luận này cách rốt ráo. Rõ ràng hội thánh trong mỗi thành phố (tức là toàn bộ số các hội thánh trong nhà ở mỗi thành phố) đã có các trưởng lão (Phi 1:1; Tit 1:5),nhưng không chắc điều này cũng có nghĩa mỗi một hội thánh tại gia có nhiều hơn một trưởng lão. Nói cách khác, mỗi hội thánh tại gia có lẽ đã có một trưởng lão duy nhất và người này - cùng với những trưởng lão khác tại các hội thánh khác -đã hợp thành các trưởng lão của hội thánh trong thành phố đó.

Hơn nữa các bức thư từ Chúa Phục Sinh gởi đến các hội thánh tại Tiểu Á đã được gởi cho “thiên sứ” của mỗi hội thánh. Nếu điều này liên hệ đến một tạo vật thiên sứ, thì không thích ứng với vấn đề. Nhưng nếu “thiên sứ” nói đến người lãnh đạo của mỗi một hội thánh, thì hiển nhiên chỉ có một người, và điều này hậu thuẫn quan điểm mỗi hội thánh không có nhiều trưởng lão.

Một cuộc lập luận hấp dẫn ủng hộ một trưởng lão độc nhất trong mỗi hội chúng được tìm thấy trong ITimôthê 3. Khi mô tả những phẩm cách của giám mục, Phaolô mô tả như vậy cách nhất quán bằng từ ở số ít (các câu từ 1-7), nhưng khi liệt kê những phẩm cách cho chấp sự thì ông chuyển sang số nhiều (các câu từ 8-13). Phải chăng điều này cho thấy rằng đã chỉ có một trưởng lão duy nhất và có nhiều chấp sự trong mỗi một hội thánh?

Hoặc có lẽ mỗi hội thánh có ít nhất một trưởng lão và thường có nhiều hơn là một. “Trưởng lão cai trị” (ITi 5:17) chính là người nhờ vị trí nổi bật của mình mà làm trưởng lão của hội thánh này (dù hội thánh đó có thể cũng đã có các trưởng lão khác nữa). Một số người thậm chí còn không xem xét đến ý này nữa vì sợ nó dường như hỗ trợ khái niệm một giám mục độc nhất cai trị trên các trưởng lão. Tuy nhiên, chính sự kiện đấy chính là điều đã phát triển trong các thế kỷ tiếp sau có lẽ nói lên rằng đã có một trưởng lão cai trị trong mỗi hội chúng ở thế kỷ thứ nhất.

B. Chức Vụ Của Trưởng Lão

Nếu trưởng lão và giám mục nói đến đến cùng một người, thì chức vụ chủ yếu của trưởng lão gồm coi sóc (giám thị) công việc của hội thánh trong mọi phương diện. Không phải các trưởng lão chỉ chịu trách nhiệm duy nhất cho phúc lợi thuộc linh của hội thánh còn các chấp sự chăm sóc những vấn đề thuộc về tài chính, như đôi lúc đã có người nghĩ như vậy. Các trưởng lão giám sát mọi mặt của công tác này. Lưu ý là của quyên góp giúp cơn đói kém trong hội thánh đầu tiên đã được gởi đến cho các trưởng lão ở tại Giêrusalem phân phát (Cong 11:30). Như vậy biểu đồ tổ chức căn bản dành cho một hội thánh không phải là như sau:

CÁC TRƯỞNG LÃO

(Thuộc linh)

CÁC CHẤP SỰ

(Thuộc tài chánh)

Mà là như sau:

CÁC TRƯỞNG LÃO

(Mọi phương diện)

CÁC CHẤP SỰ

(Mọi điều nào được các trưởng lão ủy thác cho)

1. Việc giám sát tổng quát bao gồm cai trị.

Điều này có nghĩa chủ tọa (ITi 5:17) và lãnh đạo (He 13:17), không phải như lãnh chúa và như độc tài, nhưng dầu vậy vẫn có sự kiểm soát và thẩm quyền (IPhi 5:3; He 13:17). Ví dụ như một chức viên chủ tọa thậm chí không có đến một lá phiếu, ngoại trừ là trong trường hợp có đồng số phiếu, nhưng ông thực sự có quyền kiểm soát (trên chương trình nghị sự, độ dài thời gian thảo luận, người cần được công nhận, cần được tri ân, v.v...). Điều đáng ao ước là phương diện này của chức vụ trưởng lão sẽ bao gồm cả ân tứ thuộc linh về sự quản trị (ICo 12:28) - một chữ khác được dùng ở đây, mang ý căn bản của việc lái tàu, như trong Cong 27:11). Như vậy, một trưởng lão lãnh đạo, hướng dẫn, cai trị, lèo lái bầy nhỏ của mình, đưa đường cho bầy đi cách khéo léo qua các đợt sóng lừa lọc của thế gian này.

2. Việc giám sát tổng quát cũng bao gồm bảo vệ chân lý (Tit 1:9).

Điều này có nghĩa vừa tuyên bố và giải thích về giáo lý cách tích cực vừa bảo vệ bênh vực giáo lý trước sự dạy dỗ sai lạc. Đây là lý do các trưởng lão phải có tài dạy dỗ (ITi 3:2). Đương nhiên chưa ai từng được chọn làm người trưởng lão trừ phi người đó biết rõ các giáo lý của đức tin chúng ta và có khả năng để giải nghĩa và bảo vệ chúng một cách chính xác.

C. Những Phẩm Cách Của Trưởng Lão

1. Đối với phẩm tính cá nhân.

Có hai phân đoạn có liệt kê những phẩm cách dành cho các trưởng lão là ITi 3:1-7 và Tit 1:5-9, đại đa số liên quan đến phẩm tính cá nhân của trưởng lão. ITi 3:2-4 và Tit 1:7 liệt kê mười ba mục:

a. Một trưởng lão phải không chỗ trách được.

Tức là ông có đức tánh mà không ai có thể kiện cáo buộc tội được.

b. Ông phải là chồng của chỉ một vợ.

Phải chăng câu này có nghĩa là phải kết hôn? Những người nói không phải thì nói rằng nếu Phaolô hàm ý trưởng lão phải kết hôn thì ông sẽ phải viết “chồng của vợ.” Mặt khác, những người cho rằng trưởng lão phải kết hôn thì quan sát thấy trưởng lão luôn được mô tả không những có một vợ mà còn có con cái nữa.

Hơn nữa mọi phẩm cách này đều bắt đầu bằng từ ngữ “phải.” Về phần Phaolô thì sao? Có nhiều nhận xét thích hợp: Ông chưa từng được gọi là trưởng lão; rõ ràng ông không có vợ (hoặc ông chưa từng két hôn, hoặc ông đã góa vợ) khi ông viết ICo 7:8; và thật khó chứng minh ông đã kết hôn dựa trên cơ sở là ông đã là một thành viên trong Tòa Công Luận, vì Cong 26:10 không nhất thiết nói đến tư cách thành viên và không biết chắc hôn nhân có phải là quy định cho thành viên trước năm 70 S.C. không.

Có phải điều này có nghĩa trưởng lão không được tục huyền sau khi ly dị? Có người nói nếu ly dị có lý do chính đáng thì được phép tục huyền, và như vậy một trưởng lão ly dị rồi tục huyền sẽ được phép phục vụ. Nói cách khác, “là chồng chỉ một vợ” có nghĩa có mỗi lần chỉ một vợ duy nhất (A. T. Robertson nói (nhưng không giải thích rõ hay nêu bằng chứng) đây chính là ý nghĩa “rõ ràng,” Word Pictures in the New Testament [N.Y.: Harper. 1931],4:573). Tuy nhiên, cũng chính cụm từ này được đảo ngược chính xác (“Vợ của chỉ một người nam”) xuất hiện trong ITi 5:9 (Bản Việt Ngữ: “vốn chỉ có một chồng mà thôi”), nơi đó nó loại trừ người đàn bà góa ghi tên vào sổ mà trước đó đã có người chồng thứ hai. (Trong câu này Robertson kết luận không nhất quán rằng “Các góa phụ trong danh sách này không được kết hôn lần thứ hai,” Word Pictures, 4:585). Kết luận rằng một người nam tục huyền sau khi ly dị thì không thể làm trưởng lão không nhất thiết cũng có nghĩa người đã ly dị mà không tục huyền không được phép phục vụ. Điều đó liên quan vấn đề liệu người này có không chỗ trách được về việc ly dị ấy hay không. Rõ ràng đây không phải là cấm đoán tội cưới hai vợ hoặc đa thê, vì người Hylạp và Lamã không có thông lệ này. Họ có nhiều phụ nữ trong đời sống, nhưng chỉ có một vợ duy nhất. Đây là một vấn đề có phải Phaolô đang cấm việc tái hôn (kết hôn hai lần cách hợp pháp). Cá nhân tôi xem chứng cớ này là việc cấm một trưởng lão tái hôn.

Phải chăng cụm từ này có nghĩa người góa vợ mà tục huyền thì không thể làm trưởng lão? Phaolô đã cho thực sự phép (ICo 8:39-41)và khích lệ (ITi 5:14) việc tái giá của các góa phụ (và chắc cho các ông góa vợ nữa). Tuy nhiên, có người kết luận dầu vậy những ông góa vợ không thể làm trưởng lão được. Có lẽ đây là vấn đề kỷ luật gắt gao hơn cho trưởng lão để làm gương cho nhiều người khác. (Alan G. Nute. A New Testament Commentary [Grand Rapids,Zondervan, 1969], trang 510).

c. Ông phải tiết độ.

Nguyên văn chữ này là không uống rượu.

d. Ông phải có tài trí xứng đáng;

có nghĩa là biết phán đoán khôn ngoan.

e. Ông phải có cách cư xử xứng đáng

(đến từ chữ kosmos).

f. Ông phải là người hiếu khách.

g. Ông phải có khả năng và sẵn sàng dạy dỗ

(để có thể hướng dẫn người khác và bác bỏ những ngụy lý (Tit 1:9).

h. Ông không được nghiện rượu.

i. Ông không được hung bạo hoặc hung tàn.

j. Ông phải là người nhẫn nại, không cứ khăng khăng đòi quyền lợi chính đáng của mình.

k. Ông không được có tính hay tranh chấp.

l. Ông phải là người không tham tiền bạc.

Điều này đương nhiên bao gồm việc lạm dụng địa vị để mưu lợi riêng.

m. Ông không được kiêu ngạo (c.7).

2. Đối với cuộc sống gia đình.

Phạm vi nhỏ bé hơn nhưng thân mật của gia đình chính là nơi thử nghiệm khả năng lãnh đạo hội thánh của một trưởng lão. Vì cớ đó, ông phải (chữ “phải” trong ITi 3:2 cũng vẫn chi phối cho điều kiện đòi hỏi này nữa) cai trị (nguyên văn là chủ tọa) tốt gia đình mình sao cho con cái ông đều sự vâng phục đáng mến. Con cái của ông có bắt buộc phải là người được tái sanh không? Những chữ trong Tit 1:6 “phải tin Chúa”có lẽ nói lên điều đó, hoặc có nghĩa chúng phải trung tín đối với gia đình, dù vậy không nhất thiết phải được tái sanh. Phẩm chất này thừa nhận rằng trưởng lão không những có vợ mà còn có con cái đến tuổi đủ để bày tỏ sự tình nguyện trung thành với gia đình. Dĩ nhiên chính từ ngữ “trưởng lão” nói lên người lớn tuổi.

3. Đối với sự trưởng thành thuộc linh.

Trưởng lão không thể là một người mới tin, kẻo họ được tôn cao lên trong đám mây lừa dối,và sự kiêu ngạo đó khiến người sa ngã, cũng như Satan đã bị sa ngã như vậy.

4. Đối với nếp sống cộng đồng.

Lời chứng về ông trong cộng đồng cũng phải tốt đẹp nữa.

Hiển nhiên có lẽ một người không thể bày tỏ mọi đức tính này suốt cả cuộc đời tự nhiên của mình, vì có lẽ được biến cải từ một bối cảnh khó khăn. Nhưng chắc chắn phải bày tỏ được những phẩm chất này khi ông phục vụ trong cương vị trưởng lão. Con người ông thế nào trước khi được cứu không nhất thiết giới hạn tư cách để làm trưởng lão của ông, với một ngoại lệ khả dĩ. Theo cách giải nghĩa “chồng của chỉ một vợ” có nghĩa lập gia đình chỉ một lần thôi, thì dĩ nhiên đây không phải là tình trạng có thể được thay đổi bởi sự hoán cải. Như vậy theo cách giải thích này, nếu người đã kết hôn hai lần hoặc trước khi hoặc sau khi được cứu, ông sẽ không đáp ứng được những đòi hỏi để làm trưởng lão.

D. Sự Chọn Lựa Trưởng Lão

1. Những trưởng lão được chọn như thế nào?

Từ ngữ “trưởng lão” đã được dùng trong dân Ysơraên và trong các quốc gia khác để chỉ về những lãnh đạo. Nhà hội Do thái có những trưởng lão chịu trách nhiệm quản trị cộng đồng người Do thái. Giáo Hội Nghị tại Giêrusalem dường như kế tục khái niệm các trưởng lão từ nhà hội. Khi đã thành lập các hội thánh mới, các sứ đồ chỉ định các trưởng lão (Cong 14:23; Tit 1:5). Thánh Kinh không nói từ đó trở về sau các trưởng lão được chọn lựa bằng cách nào. Ngày nay, cách chọn trưởng lão sẽ được quyết định bởi thể loại quản trị hội thánh của hội chúng ấy. Trong giáo thể có phẩm trật, trưởng lão sẽ được bổ nhiệm. Theo giáo thể liên minh, rất có thể họ sẽ được chọn bởi những trưởng lão đương nhiệm. Trong thể loại hội chúng,họ sẽ được hội chúng bầu cử. Nhiều hội thánh dùng một phương thức tổng hợp; tức là những trưởng lão đề cử và hội chúng bầu cử hoặc phê chuẩn.

2. Họ sẽ phục vụ bao lâu?

Một lần nữa Tân Ước im lặng về vấn đề này. Đương nhiên, trưởng lão đừng nên tiếp tục phục vụ nếu đã trở nên không đủ phẩm cách vì lý do nào đó.

3. Họ có cần được phong chức không?

Các sứ đồ đã đặt tay trên những người giúp đỡ đầu tiên đã được chọn trong Cong 6:6. Hội thánh đã đặt tay trên Phaolô và Banaba khi sai phái những người này lên đường truyền giáo lần thứ nhất (13:3). Các trưởng lão cũng đặt tay trên Timôthê (ITi 4:14). Tít đã bổ nhiệm những trưởng lão tại Cơrết (Tit 1:5). Phaolô cảnh cáo việc đặt tay cách vội vàng (ITi 5:22). Nếu đây là một kiểu phong chức, nó cho thấy việc công khai công nhận, xác chứng ơn kêu gọi và khả năng, và sự gắn bó công khai của hội chúng với chức vụ của một người hoặc nhiều người được tấn phong. Đặt tay dường như là biểu tượng mắt có thể thấy được về sự “phong chức.” Lễ nghi đó bắt nguồn từ Cựu Ước, trong đó có ý niệm về (a) biệt riêng ra cho chức vụ (Dânsốký 27:23) (b) chúc phước (Sa 48:14), (c) dâng hiến cho Đức Chúa Trời (Le 1:4), và (4) chuyển giao và dự phần trong hành động (c.4, động từ này có nghĩa là tựa lên trên).

Lễ phong chức trong Tân Ước không phải là bổ nhiệm vào một chức vụ, mà là công nhận sự phê chuẩn và ủng hộ. Cũng để ý rằng đã có một mối liên hệ cứ tiếp diễn giữa người đặt tay và người được đặt tay (ITi 5:22). Đó là lý do đừng nên đặt tay cách vội vàng. Nếu được thực hành ngày nay,việc này không bắt buộc phải giới hạn cho “các mục sư” thôi. Những trưởng lão có thể được phong chức, cả các chấp sự cũng vậy, và ngay cả những nhà truyền giáo, theo như gương mẫu của Tân Ước.

V. CÁC CHẤP SỰ

A. Số Lượng Chấp Sự

Không có bất đồng ý kiến về số lượng chấp sự trong một hội chúng. Đã có nhiều chấp sự. Lần nói rõ ràng đầu tiên đến nhóm chức viên chấp sự chính thức là trong Phi 1:1, nơi nhóm này thuộc số nhiều (như số các giám mục hoặc các trưởng lão, như vậy không cần chứng minh có nhiều chấp sự trong mỗi hội chúng, chẳng khác nào đã có nhiều trưởng lão trong mỗi hội chúng vậy). ITi 3:8-13 cũng vậy. Tại đây, nhiều chấp sự đã được liên kết với một trưởng lão duy nhất, cho thấy bằng chứng mạnh mẽ hơn rằng có nhiều chấp sự trong mỗi hội thánh.

B. Chức Vụ Của Chấp Sự

Từ ngữ này có nghĩa là phục vụ và được dùng thường xuyên nhất theo nghĩa không chính thức, cả trước lẫn sau khi chức vụ của chấp sự trở thành rõ ràng trong Kinh Thánh Tân Ước (Co 1:7; ITi 4:6). “Làm chấp sự” là phục vụ nói chung, cả chính thức lẫn không chính thức. Tân Ước không nói rõ những chấp sự chính thức làm cụ thể việc gì. Có người dùng Cong 6 như dấu hiệu cho thấy các chấp sự nên dự phần phân phát của bố thí. Nhưng hoàn toàn không rõ bảy người được chọn lúc đó trên thực tế có đúng là những chấp sự chính thức hay không. Có lẽ sẽ chính xác hơn nếu gọi họ là những người giúp đỡ đầu tiên không thuộc hàng các sứ đồ. Sự kiện các chấp sự không được nói hai lời và vợ của họ không nói xấu (ITi 3:8,11) có lẽ cho thấy họ có kiểu chức vụ tư vấn riêng tư từng người một cho những cá nhân trong hội chúng, khiến càng đặc biệt cần họ đừng tiết lộ tâm sự kín đáo được biết trong khi tư vấn.

Trong các tác phẩm Hylạp, “chấp sự” mô tả người bồi bàn, một sứ giả, người quản lý, và một tên đầy tớ. Những cách dùng từ này có lẽ củng cố khái niệm cho rằng những chấp sự chính thức trong hội thánh đã làm bất kỳ loại công việc phục vụ nào mà trưởng lão đã ủy thác cho họ.

C. Các Phẩm Chất Của Chấp Sự (ITi 3:8-10,12-13)

1. Về phẩm chất cá nhân (c.8).

Các chấp sự phải (a) nghiêm trang, đáng tôn quí, đứng đắn, (b) không được nói hai lời (nói một điều cho người này rồi nói điều khác cho người khác), (c) là những người không chú ý hoặc quan tâm đến rượu, và (d) là những người không tham lam.

2. Về giáo lý (c.9).

Các chấp sự nên giữ vững phần tập hợp chân lý Cơ đốc khách quan (“đạo”) bằng một lương tâm trong sạch,có nghĩa là bằng đời sống nhất quán với những điều họ tin.

3. Về mặt thuộc linh (c.10).

Các chấp sự đã phải chịu thử thách và được phê chuẩn và không chỗ trách được.

4. Về gia đình (c.12).

Tương tự như trưởng lão, chấp sự là chồng của chỉ một vợ mà thôi, gia đình của người ấy cũng phải được khéo cai trị.

D. Sự Chọn Lựa Các Chấp Sự

Kinh Thánh không nói rõ ràng dứt khoát về việc chọn các chấp sự hoặc nhiệm kỳ chức vụ của họ. Hội chúng đã dự phần rất nhiều vào việc chọn những người giúp đỡ trong Cong 6.

VI. CÁC NỮ CHẤP SỰ

A. Một Chức Vụ Hay Một Sự Phục Vụ

Hai phân đoạn có liên quan đến vấn đề này là Ro 16:1-2, trong câu này Phêbê được gọi là “chấp sự” (nguyên văn) và “người giúp đỡ” của hội thánh tại Xencơrê; và ITi 3:11, nơi mà chữ gunaikas có lẽ liên hệ đến một nhóm riêng biệt gồm phụ nữ lãnh đạo, hoặc đơn giản nói đến những người vợ của các chấp sự. Chắc chắn phụ nữ đã thực thi một sự phục vụ nào đó trong hội thánh đầu tiên, nhưng không rõ một số người trong nhóm của họ có được xem là giữ chức nữ chấp sự hay không.

Để ủng hộ đây là chức vụ, có những nhận định sau đây. (1) “Người giúp đỡ” trong Ro 16:2 được dùng bên ngoài Kinh Thánh Tân Ước chỉ về một chức viên trong một hiệp hội tôn giáo. Tuy nhiên điều này chỉ đúng cho hình thức giống đực, chứ không đúng cho hình thức giống cái, là hình thức được dùng trong câu 2. (2) ITi 3:11 chữ “cũng” giới thiệu những người phụ nữ y như cách đã giới thiệu các chấp sự trong c.8, chắc chỉ ra thấy một chức vụ riêng biệt cho những phụ nữ này.

Phản đối việc xem đây là chức vụ nữ chấp sự có những nhận định sau đây (1) Thực sự có một từ Hyvăn chỉ về nữ chấp sự, nhưng chữ này không dùng trong Tân Ước. (2) Dầu Phêbê được gọi là “người giúp đỡ” và dầu danh hiệu này được dùng chỉ về người có chức vụ, không có gương mẫu nào được biết về cách dùng của nó và có liên hệ đến một người phụ nữ (trừ phi Phêbê là trường hợp ngoại lệ). (3) Nếu câu 11 giới thiệu về một chức vụ mới (chức các nữ chấp sự), thì tại sao Phaolô đã không chấm dứt việc liệt kê những phẩm cách cho các chấp sự trước khi giới thiệu điều đó? Thay vào đó, ông tiếp tục dùng loạt các phẩm cách dành cho chấp sự trong c. 12-13. Điều này có thể cho thấy ông đang nói đến những người vợ của các chấp sự trong c.11 hơn là nói đến một chức vụ riêng biệt trong hội thánh. Một số người theo phái tự do - cảm nhận được sức mạnh của ý này - biện luận rằng c.11 là nằm trật thứ tự trong khúc Kinh Thánh này và đáng phải đi sau c.13

Vào năm 12 S.C. Pliny, tổng đốc Lamã ở xứ Bithynia viết cho Trajan và đề cập đến hai ministrae nữ Cơđốc nhân. Nhưng không rõ đây có phải là những nữ chấp sự chính thức hay không, đặc biệt vì chưa nữ chấp sự nào được nhắc đến bằng từ ngữ cụ thể này trong bất cứ văn phẩm nào cho đến tác phẩm nhan đề Didascalia thuộc thế kỷ thứ ba. Tại đây các nữ chấp sự xuất hiện như một đẳng cấp được công nhận và vững lập rồi gồm những người giúp đỡ, mà họ hoặc là những nữ đồng trinh hoặc những góa phụ đã có lần kết hôn. (Để có thêm tài liệu bổ sung, xem Charles Ryrie, The Role of Women in the Church (Chicago:Moody, 1979, trang 85-91,102-3,131-6).

B. Các Phẩm Cách Của Nữ Chấp Sự

Danh sách duy nhất của Kinh Thánh về các phẩm cách sẽ ở trong câu 11 nếu câu này thật sự nói đến những nữ chấp sự. Một danh sách liệt kê ở ngoài Kinh Thánh xuất hiện trong tác phẩm Didascalia, trong tác phẩm này, họ phải là những nữ đồng trinh hoặc là các góa phụ đã từng kết hôn,chung thủy trung tín và đáng quí trọng.

C. Chức Vụ Của Nữ Chấp Sự

Tác phẩm Didascalia liệt kê những bổn phận của họ như phụ giúp trong lễ báptêm cho phụ nữ, viếng thăm người đau, chăm sóc giúp đỡ cho những người túng thiếu và những người đang đang hồi sức sau khi bệnh (Chương 16, III, 12).

VII. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC ỦY THÁC QUẢN LÝ TÀI SẢN

Đương nhiên, những người được ủy thác tài sản là quy luật tất yếu không có trong Kinh Thánh nhưng thuộc cùng thời này (và không trái với Kinh Thánh) ở trong một số xã hội. Họ giữ tài sản nhơn danh tập thể để tránh những phức tạp của pháp lý khi một người nào đó qua đời. Nếu tài sản được sở hữu theo tên của cá nhân, thì tài sản đó sẽ không thuộc về nhóm người này, nhưng phần tài sản của cá nhân đó sẽ chuyển sang cho những người thừa kế của cá nhân đó (mà có thể họ không tin Chúa) khi cá nhân này qua đời. Có những người được ủy thác quản lý tài sản sẽ tránh được những phức tạp như thế.