Điều gì hợp thành một hội thánh địa phương?Có phải ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào có hai hoặc ba tín hữu nhóm hiệp lại trong danh của Đấng Christ thì có hội thánh không? Nếu đúng như vậy, thì mỗi nhà riêng của Cơđốc Nhân cũng sẽ là một hội thánh Cơđốc. Cần thiết có sự tổ chức đến mức nào để có một hội thánh địa phương? Có người nói càng ít càng tốt, còn những người khác thì chọn một tổ chức phát triển.

Tân Ước không có định nghĩa chính thức về một hội thánh địa phương. Tuy nhiên, Tân Ước có mô tả những đặc điểm thông thường của một hội chúng địa phương. Dựa trên những đặc điểm này, chúng ta có thể phát biểu định nghĩa về một hội thánh địa phương. Đó là một hội chúng của những tín hữu xưng mình tin Đấng Christ, là những người đã được báptêm và là những người được tổ chức lại để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Hãy để ý những phương diện quan trọng trong định nghĩa này. (1) Những ai không tuyên xưng đức tin đều bị loại trừ. Có thể sự tuyên xưng không chân thật, nhưng phải tuyên xưng. (2) Nếu không tranh luận về hình thức làm phép Báptêm, rõ ràng Tân Ước không hề biết đến những thành viên hội thánh mà không chịu Báptêm. (3) Một hội thánh luôn luôn có một loại tổ chức nào đó, và trong Tân Ước, sự tổ chức đã được thiết lập càng sớm càng tốt (Cong 14:23). (4) Một hội thánh tồn tại vì một mục đích - để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Điều này bao gồm nhiều vấn đề: cử hành những thánh lễ,truyền giảng, gây dựng tín hữu, thờ phượng, dâng hiến, chăm sóc cho mọi nhóm tuổi,v.v... Một chức vụ chuyên môn dành cho một nhóm tuổi nào đó không thể là một hội thánh, cho dù nó có có những đặc điểm và những sinh hoạt tương tự như một hội thánh. Vì không mở cửa cho mọi người xưng mình tin Chúa nên đó không phải là một hội thánh.

Mặc dù định nghĩa này dường như đối với một số người có vẻ là quá cứng nhắc, hãy để ý là cũng có sự buông lỏng trong đó.Cách thức làm phép báptêm có thể bị tranh cãi, nhưng không thể tranh cãi sự kiện làm phép báptêm cho những thành viên của hội thánh (nếu đi theo gương Tân Ước).Hình thức tổ chức cụ thể có thể là không rõ ràng, nhưng sự thực về tổ chức đó thì không thể không rõ. Không thấy nói gì về địa điểm nhóm họp, số buổi nhóm, tần số của các thánh lễ hoặc cấu trúc để thực hiện chức vụ.

Vì đã có và tiếp tục có tranh luận về những chi tiết cụ thể của tổ chức hội thánh, nên hiện có nhiều thể loại hội thánh cơ bản khác nhau. Nhưng vấn đề hội thánh đầu tiên đã được tổ chức thì không thể tranh cãi được. Tại ngay thời điểm ban đầu (dầu vậy về sau thì không) họ đã đếm số của nhóm người này (2:41; 4:4). Chẳng bao lâu sau đó họ phải chọn những người giúp đỡ các sứ đồ (6:1-7). Các hoạt động cứu trợ người nghèo đã phải được tổ chức từ sớm (4:32-37). Các trưởng lão đã được công nhận là những nhà lãnh đạo (11:30). Trên chặng đường trở về sau hành trình truyền giáo lần thứ nhất,Phaolô đã bổ nhiệm các trưởng lão trong các hội thánh mới thành lập (14:23).

I. HỆ THỐNG QUẢN TRỊ TỐI THIỂU

A. Những Nét Đặc Trưng Của Quan Điểm Này

Nói chung, những nhóm cố gắng giữ tổ chức ở mức độ tối thiểu đều được lãnh đạo bởi một nhóm nhỏ các trưởng lão, nhấn mạnh việc vận dụng các ân tứ thuộc linh bởi mọi thành viên, không coi trọng khái niệm tư cách thuộc viên, và dành địa vị nổi bật cho cương vị làm đầu của Đấng Christ.

B. Một Số Nhận Xét

Các nhóm như thế hiển nhiên là không phải không có tổ chức. Ví dụ, họ thực hành kỷ luật hội thánh nhiều hơn một số những nhóm được tổ chức cao hơn, và điều đó đòi hỏi sinh hoạt có tổ chức. Họ thiên về hệ thống quản trị liên minh, dù vậy chắc hội chúng còn ít dự phần lập các quyết định hơn. Cấu trúc này thường không có một chủ tọa duy nhất. Chúng ta đừng nghĩ thể loại quản trị này chỉ áp dụng cho những nhóm nhỏ; nó cũng có thể hoạt động hữu hiệu trong nhóm đông người nữa. Một vài nhóm Quaker và Plymouth Brethren chuộng hệ thống quản trị tối thiểu.

II. HÌNH THỨC QUẢN TRỊ CỦA QUỐC GIA

A. Những Nét Đặc Trưng Của Quan Điểm Này

Một hội thánh theo thể chế quốc gia là một nhóm các hội thánh được tổ chức dưới sự lãnh đạo của chính quyền quốc gia hoặc ở trong những giới hạn của chính quyền đó. Bên trong cấu trúc tổ chức này có tồn tại quyền hành ngấm ngầm của nhà nước để dự phần vào và nắm quyền kiểm soát trong các hội thánh. Những quyền hạn được phép thực thi này tỏ tường và mở rộng đến mức nào sẽ khác nhau tùy theo quốc gia. Nhà nước có thể cho phép hoặc không cho phép những hội thánh tự do cùng tồn tại với hội thánh quốc gia. Chính quyền có thể được quyền hoặc không được quyền triệu tập những hội nghị và những hội đồng tôn giáo. Nó có thể được quyền hoặc không được quyền dự phần trong thực thi hoặc phê chuẩn về kỷ luật. Có thể được quyền hoặc không được quyền thu phần mười và dự phần cung lương cho những hội thánh riêng biệt. Những chi tiết cụ thể của mối liên hệ giữa hội thánh quốc gia và nhà nước có là gì đi nữa, thì vẫn thực sự có mối liên hệ chính thức, và điều đó tạo thành đặc trưng cơ bản của hình thức quản trị hội thánh này. Anh Giáo Hội tại nước Anh và Giáo Hội Lutheran ở Đức là những hội thánh theo thể chế quốc gia.

B. Một Vài Phần Kinh Thánh Thích Ứng

Những lập luận ủng hộ sự phân rẽ hội thánh khỏi nhà nước được dựa trên những phần Kinh Thánh sau đây. Như được ghi lại trong Mat 22:21, Đấng Christ đã phân biệt rõ ràng hai phạm vi trách nhiệm (Sêsa và Đức Chúa Trời) và mối quan hệ của môn đồ Ngài đối với mỗi phạm vi ấy. Những phần Kinh Thánh khác nêu chi tiết trách nhiệm của Cơ đốc nhân đối với nhà nước (Ro 13:1-7; IPhi 2:13-17, Tit 3:1). Khi xung đột nẩy sinh giữa hai phạm vi này qua đó nhà nước tìm cách để vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, thì có những ví dụ trong Thánh Kinh về sự bất phục tùng dân sự (Da 3:6; Cong 5:29). Cũng có ít nhất là một trường hợp kháng cự bất bạo động (không bất hợp pháp) để buộc quyền lực thế tục phải công nhận họ đã đối xử sự bất công (Cong 16:37).

Trong tất cả các trường hợp kỷ luật của hội thánh trong Tân Ước (Mat 18:17; ICôrinhtô 5; IITêsalônica 3:11-15), hoàn toàn không có sự tham dự của nhà nước. Nếu hội thánh quốc gia là một loại tổ chức theo Kinh Thánh, người ta sẽ phải trông đợi những bước cố gắng để sửa sai nan đề trong Mat 18:17 phải bao gồm một bước cuối cùng là đem vụ việc ra trước bậc chức trách của nhà nước. Tuy nhiên, trong Tân Ước, hội thánh là tòa án cuối cùng để nghe xử vụ việc.

Một vài nan đề khó khăn thực tiễn đã nẩy sinh trong nỗ lực tách biệt hội thánh với nhà nước. Các hội thánh có nên chấp nhận những khoản miễn thuế không? Các hội thánh nên sử dụng những tiến trình lập pháp đến mức độ nào để giúp phát triển những mục tiêu tôn giáo trong xã hội? Hội thánh có nên ủng hộ khoản tín dụng thuế dành cho học phí (tax credit for tuition) được trả cho các trường Cơ đốc không?

III. THỂ CHẾ PHẨM TRẬT

A. Một Vài Ví Dụ

Trong một hệ thống phẩm trật (có đẳng cấp),ban giáo phẩm quản trị được tổ chức theo phẩm trật hoặc cấp bậc, mỗi một đẳng cấp trong đó phải phục tùng đẳng cấp bên trên. Trong hệ thống Giám lý (Methodist),thẩm quyền của hệ thống phẩm trật có phần kém tuyệt đối hơn; trong Giám Mục Hội (Episcopal Church), thì hệ thống đẳng cấp thẩm quyền được tuyên bố rõ ràng hơn;nhưng trong giáo hội Công Giáo Lamã thì thẩm quyền hoàn toàn nằm trong hệ thống phẩm trật này, đỉnh cao hợp lý cuối cùng là trong hình thức Giáo hoàng. Tổ chức quản trị của Giáo Hội Anh Quốc kết hợp cả hình thức quản trị phẩm trật và quốc gia.

B. Điều Được Xem Như Lập Luận Hậu Thuẫn

Lập luận hậu thuẫn khái niệm này dựa vào (a)địa vị ưu việt hàng đầu của các sứ đồ, đặc biệt là Phierơ, và (b) hàng ngũ kế nhiệm không gián đoạn từ các vị sứ đồ cho đến ngày nay. Dầu đúng là các sứ đồ tạo thành nền tảng để hội thánh được xây trên đó (Eph 2:20), và dầu đúng là sứ đồ Phierơ nổi bật nhưng không ưu việt hàng đầu (Ga 2:11), nhưng chức vụ sứ đồ không còn nữa vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất và đã không có bất kỳ loại kế truyền liên tục các giám mục (những người kế nhiệm của các sứ đồ) cho đến thời nay.

Rõ ràng là hai thánh chức trưởng lão và chấp sự đã tồn tại trong thời Tân Ước. Nhưng một chức vụ riêng biệt thứ ba, tức chức giám mục, thì không thấy trong Tân Ước, các giám mục và trưởng lão thường được xem như nói đến cùng một chức vụ. Tuy nhiên, quyền lực tối cao của một giám mục duy nhất trên những chức viên khác đã bắt đầu sớm từ tận thế kỷ thứ nhì. Nhưng sự chuyển giao quyền uy như vậy từ các sứ đồ sang các giám mục thì chưa từng được chỉ thị hoặc qui định trong Thánh Kinh Tân Ước. Thật ra đến cuối thế kỷ thứ nhất,sách Didache, là chỉ nam của hội thánh, đã dạy rằng mỗi hội chúng phải lựa chọn các giám mục và chấp sự riêng cho mình (15:1), đây là điều hoàn toàn trái ngược với khái niệm sự kế nhiệm các sứ đồ. Đúng là có một khía cạnh hợp pháp cho việc kế nhiệm các sứ đồ ở chỗ giáo lý của các sứ đồ chính là điều mà mọi thế hệ kế tiếp phải dạy dỗ (IITi 2:2), nhưng đó là một sự kế tục giáo lý, chứ không phải kế tục sự thụ chức.

IV. THỂ CHẾ HỘI CHÚNG

A. Mô Tả

1. Thẩm quyền:

Trên căn bản, thể chế hội chúng (hình thức hội chúng quản trị) có nghĩa thẩm quyền tối hậu để quản trị hội thánh nằm trong tay chính những thuộc viên.

2. Quyền Tự Trị:

Ngoài ra, điều này còn có nghĩa mỗi một hội thánh riêng lẻ là một đơn vị tự trị mà không có cá nhân hoặc tổ chức nào ở trên nó ngoại trừ Đấng Christ là Đầu.

3. Trách Nhiệm:

Hình thức hội chúng quản trị không hàm ý toàn bộ hội chúng bỏ phiếu bầu cho mọi quyết định. Trách nhiệm được ủy thác cho những chức viên và những lãnh đạo, dầu vậy, giống như những thành viên khác, họ chỉ có một lá phiếu duy nhất trong hội chúng mà thôi.

4. Mối Thông Công:

Cũng không có nghĩa các hội thánh tự trị đến nỗi không có sự hiệp thông nào với nhau cả. Dầu Berkhof nói thể chế Hội Chúng là một hệ thống độc lập mà nó phủ nhận sự hiệp một của thân thể Đấng Christ, (Systimatic Theology [Grand Rapids: Eerdmans, 1941] trang 580), nhưng không phải như vậy.

B. Lập Luận Hậu Thuẫn

1. Quyền tự trị địa phương.

Dầu các sứ đồ và những người đại diện của sứ đồ có thẩm quyền trên nhiều hơn một hội thánh địa phương, nhưng các trưởng lão và chấp sự thời Tân Ước không có thẩm quyền như vậy.Do đó, ngày nay, vì các sứ đồ đã qua đi, nên các hội thánh địa phương có quyền tự trị.

2. Kỷ luật.

Toàn thể hội thánh đã được trao quyền thi hành kỷ luật (Mat 18:17; ICo 5:4-5; IICo 2:6-7; IITe 3:14-15). Vì cớ vấn đề kỷ luật quan trọng này đã không trao riêng cho chỉ các lãnh đạo nhưng cho cả hội chúng, nên điều này hậu thuẫn khái niệm hội chúng quản trị.

3. Quyền lãnh đạo.

Toàn hội thánh đã dự phần chọn những lãnh đạo. Một vài phân đoạn Kinh Thánh hậu thuẫn điều này (Cong 1:23,26;6:3,5; 15:22,30; IICo 8:19). Những phần khác như trong Cong 14:23 và Tit 1:5,có vẻ như phản đối việc hội chúng dự phần lựa chọn. Cong 4:23 ghi lại việc chỉ định các nhà lãnh đạo trên chặng đường trở về của cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất. Động từ cheirotoneo thật sự có nghĩa là bổ nhiệm, dầu vậy phái hội chúng sẽ thích cách hiểu thiên về từ nguyên học của động từ này hơn để nói lên việc chọn bằng cách giơ tay; tức là, một cuộc bầu cử của hội chúng. Tuy nhiên,ngay cả A.H. Strong, thần học gia Báptít theo phái hội chúng, cũng công nhận không thể dùng động từ này để cung cấp bằng chứng hậu thuẫn ý có cuộc bầu cử phổ thông. Ông không chấp nhận dùng câu này cũng như Tit 1:5 (là chỗ Tít đã được truyền phải chỉ định những trưởng lão trong mỗi thành) để hậu thuẫn thể chế liên minh bằng cách phát biểu rằng những động từ này “không quyết định điều gì về cách thức chọn lựa, do đó không nhất thiết loại trừ sự chọn lựa của một cộng đồng.” (Systematic Theology [Philadelphia: Judson, 1907], trang 906). Tốt hơn có lẽ phái hội chúng nên đơn giản công nhận hai ví dụ này là thuộc quyền các sứ đồ chứ không phải để dạy chúng ta ngày nay.

4. Các thánh lễ:

Nhiều phân đoạn Kinh Thánh truyền những mệnh lệnh cho toàn thể hội thánh, chứ không chỉ cho những người lãnh đạo hoặc cho một phẩm trật (Mat 28:19-20; ICo 11:2,20).

5. Sự quản trị:

Tư cách thầy tế lễ của mọi tín hữu ủng hộ cho khái niệm quản trị dân chủ của hội chúng (IPhi 2:5,9).

C. Đánh Giá Thể Chế Hội Chúng

1. Thẩm quyền:

Vấn đề thẩm quyền tối hậu ở nơi hội thánh địa phương dưới quyền thủ lãnh của Đấng Christ thực sự có vẻ được dạy rõ trong Tân Ước. Điều này không loại trừ mối thông công với các hội chúng khác, nhưng không tính đến cơ cấu tổ chức bên trên hội thánh địa phương.

2. Việc chọn những lãnh đạo:

Vấn đề toàn thể hội thánh dự phần vào đa số công việc của hội chúng dường như cũng có vẻ rõ ràng. Nhưng hội chúng không dự phần vào mọi sự. Trong một số trường hợp, các nhà lãnh đạo rõ ràng đã được bổ nhiệm chứ không do mọi người bầu cử. Cách chọn những người giúp đỡ đầu tiên không thuộc hàng sứ đồ trong Cong 6 là ví dụ cho một sự hài hòa thoải mái giữa các sứ đồ - là những người yêu cầu hội chúng phải chọn lựa - với hội chúng - là những người đã trình sự chọn lựa của mình lên các sứ đồ để được phê chuẩn. Kinh Thánh không cho chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra nếu hội chúng chọn người mà các sứ đồ không phê chuẩn. Có lẽ một người như thế ắt sẽ không được phép phục vụ (và điều này có nghĩa hội chúng không phải là thẩm quyền tối hậu).

3. Những hạn chế:

Đôi khi dường như có sự xóa nhòa tinh tế nhưng có ảnh hưởng quan trọng cho sự phân biệt giữa điều mọi tín hữu sở hữu bình đẳng trong tư cách là chi thể trong Thân Đấng Christ với điều mọi tín hữu có thể làm để chức vụ trong thân thể đó. Mọi tín hữu là thầy tế lễ không có nghĩa mọi tín hữu có thể thi hành cùng chức vụ. Những phẩm cách cho cấp lãnh đạo thực sự loại trừ một số người. Chẳng hạn, dù mọi công dân tuổi trưởng thành của Hiệp Chủng Quốc đều có thể đi bầu, nhưng không phải mọi công dân đều có thể là nghị sĩ Quốc Hội (họ ắt phải đạt đến một tuổi nhất định) và không phải mọi người đều có thể làm tổng thống (tổng thống phải là một công dân Mỹ bẩm sinh). Dầu có nền tảng dân chủ, nhưng cũng có những điều hạn chế để loại một số công dân khỏi những sinh hoạt nhất định. Cho nên dường như cũng đúng tương tự như vậy trong hội thánh, và thể chế hội chúng có lẽ cố ý hoặc vô tình làm tan biến sự phân biệt này.

4. Rất nhiều lãnh đạo:

Trên thực tế, giáo thể hội chúng không hoàn toàn là của hội chúng. Hội chúng không thực hiện mọi quyết định. Những lãnh đạo thực sự nắm giữ thẩm quyền mà không phải luôn luôn được trao cụ thể cho họ. Các chấp sự thường hoạt động như các trưởng lão nên trên thực tế thì có rất đông lãnh đạo. Thật ra một số hội thánh theo giáo thể hội chúng và liên minh (liên đoàn) hoạt động rất giống nhau. Điều này càng đúng khi hội thánh được quản trị theo hình thức liên minh này là hội thánh tự trị. Nếu hội thánh này thuộc về một giáo phái thì khác rõ ràng với hội thánh hội chúng.

V. HÌNH THỨC QUẢN TRỊ LIÊN MINH

A. Ý Nghĩa

Xét về khái niệm quản trị, theo định nghĩa của tự điển thì thể chế liên minh có nghĩa những đơn vị riêng biệt “nộp” chủ quyền cá thể của họ cho một thẩm quyền trung ương nhưng giữ lại những quyền lãnh đạo hữu hạn còn lại.” Về mặt quản trị hội thánh, phương thức quản trị liên minh có nghĩa những thành viên riêng lẻ trao một số quyền hành của họ cho những nhà lãnh đạo, và trong những trường hợp cũng có cấu trúc giáo phái, hình thức này còn có nghĩa các hội thánh riêng lẻ nhường nhiều khía cạnh tự trị của họ cho một cấu trúc tổ chức cao hơn. Ngược lại, thể chế hội chúng giữ lại thẩm quyền trong tay của những thành viên riêng rẽ và những hội thánh địa phương tự trị.

Trong vòng các giáo phái, các nhóm Trưởng Lão và Cải Cách được tổ chức theo hướng này. Nhưng rất nhiều hội thánh độc lập,theo đúng Kinh Thánh cũng đi theo hướng này, ngoại trừ thể chế liên minh của họ bị giới hạn vào hội thánh địa phương và không bao gồm bất kỳ loại tổ chức nào có thẩm quyền trên một nhóm hội thánh. Nói cách khác, những giáo phái theo thể chế liên minh có các hội đồng trưởng lão địa phương, hội đồng địa hạt, và các tổng liên hội; còn các hội thánh địa phương theo kiểu liên minh thì không có.

B. Lập Luận Hậu Thuẫn

1. Quyền lãnh đạo:

Rõ ràng là những người lãnh đạo giữ địa vị nổi bật trong bức tranh quản trị hội thánh Tân Ước. Phải thừa nhận rằng họ dường như giữ địa vị có trách nhiệm mà không đòi hỏi họ phải khai trình mọi vấn đề cho những thành viên hội thánh. Trong He 13:17, những thuộc viên được truyền phải phục tùng các lãnh đạo; như vậy thẩm quyền được giao cho những lãnh đạo, chứ không giao cho thành viên. Đúng là lãnh đạo không phải là chế độ độc tài. Đó là cấp lãnh đạo, và thuộc viên chịu trách nhiệm đối với cấp lãnh đạo.

2. Sự bổ nhiệm:

Trong một số trường hợp, rõ ràng các lãnh đạo đã được bổ nhiệm chứ không phải được bầu cử lên. Đây là ý nghĩa hiển nhiên của Cong 14:23 và Tit 1:5. Một người theo phái hội chúng có thể cho rằng - ít nhất cũng là trong Cong 14:23 - đây là một cách thức độc nhất vô nhị của riêng các sứ đồ. Có thể hiểu sứ mạng của Tít bổ nhiệm các lãnh đạo có lẽ cũng đến từ uy quyền của sứ đồ. Nhưng dẫu đúng như vậy đi nữa, cũng không suy ra sự bầu cử của hội chúng là phương cách của Tân Ước để chọn các lãnh đạo.Không câu Kinh Thánh cụ thể nào nói điều này, trái lại những câu Kinh Thánh cụ thể thực sự có chỉ ra sự bổ nhiệm.

3. Kỷ luật:

Dù toàn hội chúng dự phần tối hậu trong những vấn đề kỷ luật, nhưng các lãnh đạo đã nêu những chỉ thị về việc cần phải làm (ICôrinhtô 5; ITi 5:20).

4. Sự phong chức:

Những người theo giáo thể liên minh nêu lên rằng “Sự phong chức” đã được biểu thị bởi sự đặt tay của các trưởng lão (ITi 4:14).

Phái hội chúng cho rằng những trưởng lão chỉ đơn giản hành động thay mặt toàn thể hội chúng, và thẩm quyền phong chức ở nơi hội chúng.

C. Những Nhận Định

Trên thực tế, rất nhiều hội thánh két hợp cả thể chế hội chúng lẫn liên minh. Quá thiên về hình thức liên minh thì thường trao quá nhiều thẩm quyền vào một cấu trúc tổ chức nào đó bên trên các hội thánh địa phương. Nếu những sự lìa bỏ giáo lý xảy đến trong một hệ phái, lịch sử cho thấy thật khó - nếu không nói là không thể được - cho hội thánh địa phương yêu cầu cấu trúc bên trên phải chịu trách nhiệm, và nếu hội thánh địa phương cảm thấy cần phải lìa hệ phái đó thì thường chỉ có thể ra đi với sự mất mát đáng kể và đôi khi thậm chí mất toàn bộ tài sản của hội thánh.

Quá thiên về thể chế hội chúng sẽ không nhận được những lợi ích từ các ân tứ lãnh đạo. Nó cũng cho phép những tín hữu ấu trĩ và xác thịt có tiếng nói ngang hàng với những tín hữu khác.

Trong cuộc tranh luận này, có một số điểm thật rõ ràng. Hội thánh và chính quyền Lamã được tách riêng biệt. Không có một hội thánh theo thể chế quốc gia nào trong thời Tân Ước. Hội thánh có phẩm trật đã phát triển sau thời của Kinh Thánh. Hội thánh đầu tiên đã thực sự có một cấu trúc quản trị. Các hội thánh địa phương dầu thông công và hợp tác với nhau,nhưng không liên kết với nhau về mặt tổ chức. Hội chúng đã dự phần trong một số vấn đề. Các nhà lãnh đạo đã giữ quyền kiểm soát trong các vấn đề khác. Hình ảnh của Thánh Kinh Tân Ước có vẻ bao gồm sự kết hợp giữa hình thức quản trị của hội chúng và liên minh, được giới hạn đến bình diện địa phương.