Trước khi xem xét sự dạy dỗ của Kinh Thánh về tổ chức, thứ tự và các nghi lễ cho hội thánh địa phương, có thể nêu lên một thắc mắc căn bản. Tân Ước cung cấp những nguyên tắc cho các lãnh vực này để tuân theo cách tổng quát, nhưng cần được điều chỉnh thích nghi với những văn hóa và thời kỳ khác nhau; hay Tân Ước trông đợi khuôn mẫu đã được thực hành trong thời kỳ Tân Ước phải được tuân thủ ngày nay trong mọi nền văn hóa? Ví dụ như, Tân Ước dạy những nguyên tắc quản trị hội thánh để có thể điều chỉnh thích nghi theo nhiều cách khác nhau, hay Tân Ước cũng quy định những khuôn mẫu đặc thù để bắt buộc phải tuân theo? Nhiều người sẽ nói rằng được phép uyển chuyển trong lãnh vực này. Hội thánh phải có những nhà lãnh đạo, nhưng sẽ không có khác biệt bao nhiêu khi họ được gọi là các trưởng lão hoặc là những chấp sự hoặc có nhóm có cả hai. Có lẽ thậm chí người ta cũng có thể gọi họ là những quản gia mà vẫn theo nguyên tắc lãnh đạo của Tân Ước.

Hoặc lấy ví dụ khác. Kinh Thánh Tân Ước dạy nguyên tắc các tín hữu nhóm hiệp lại với nhau. Nhưng trong thời Tân Ước, họ đã nhóm hiệp ở trong các ngôi nhà. Ngày nay chúng ta có được phép uyển chuyển xây dựng những tòa nhà cho hội thánh, hoặc phải đi theo khuôn mẫu nhóm họp trong nhà? Hầu hết sẽ chấp nhận sự uyển chuyển trong trường hợp này.

Hoặc một ví dụ khác: nguyên tắc trong phép báptêm bằng nước (cho dù là dùng phương thức nào) là để bày tỏ sự rời bỏ nếp sống cũ và bước vào một nếp sống mới. Có cách nào tuân thủ nguyên tắc trên mà không dùng khuôn mẫu của việc thật sự làm Báptêm? Hầu hết mọi người sẽ nói không có.Nhưng tại sao không dựng lên một cái phòng nhỏ trên bục giảng của hội thánh,cho ứng viên mặc trang phục cũ của họ bước vào trong phòng, rồi thay trang phục bên trong phòng sau đó bước ra trong trang phục mới? Chẳng phải điều đó minh họa cùng một lẽ thật như lễ báptêm minh họa sao? Và không phải đó là minh họa của Kinh Thánh sao? (Co 3:9-12). Trong sự quản trị hội thánh, chúng ta cho phép có tính uyển chuyển ở mức nào đó giữa nguyên tắc và khuôn mẫu. Khi sử dụng những tòa giáo đường, chúng ta cho phép sự uyển chuyển hoàn toàn giữa nguyên tắc và khuôn mẫu. Trong phép báptêm, chúng ta khăng khăng không cho linh động giữa nguyên tắc và khuôn mẫu. Dù những quan điểm lý thuyết của một cá nhân hoặc một nhóm có là gì đi nữa, tôi vẫn nghi trong thực tế không có ai hoàn toàn nhất quán.

Những lập luận bênh vực tính uyển chuyển hầu hết mang tính lịch sử và tính loại suy. Trong lịch sử, người ta nói rằng vì hội thánh đầu tiên đã chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa và đã tiếp nhận những hình thức của hội thánh từ nền văn hóa đó, nên ngày nay chúng ta cũng có thể làm như vậy.Thật vậy, các trưởng lão xuất thân từ tổ chức nhà hội (dù vậy những cộng đồng dân ngoại cũng có các trưởng lão). Ý kiến về các chấp sự có ra từ nhà hội không lại càng kém rõ ràng hơn nữa. Phép báptêm đã được thực hành như một trong những điều đòi hỏi cho những người cải đạo sang Do thái giáo và trong những tôn giáo huyền bí. Tiệc Thánh là điều mới đối với hội thánh, dù phát xuất từ bữa ăn Lễ Vượt Qua. Sự giáo huấn trong nhà hội Do thái và sự dạy dỗ trong hội thánh Cơđốc là tương tự nhau. Sự dứt phép thông công được thực hành bởi cả hai nhóm. Rõ ràng, đa số những nề nếp Hội thánh dùng đã có những tiền lệ của chúng trong Dothái giáo. Điều này khá bình thường. Nhưng vẫn còn thắc mắc: khi hội thánh tiếp nhận những tập tục này, chúng đã được Đức Chúa Trời phê chuẩn (để ngày nay phải tuân theo), hoặc được nêu làm thí dụ thiên thượng (không nhất thiết ngày nay phải tuân thủ từng chi tiết)? Lập luận lịch sử thật sự không giải quyết được vấn đề này.

Những so sánh loại suy thường được nêu lên hỗ trợ cho tính uyển chuyển giữa những nguyên tắc và những khuôn mẫu. Ví dụ như,Phúc Âm là một nguyên tắc không thể vi phạm được, nhưng có rất nhiều khuôn mẫu để noi theo khi trình bày Phúc Âm. Sự cứu rỗi là một điều tuyệt đối; nhưng những kinh nghiệm hoán cải thì khác nhau. Vì vậy người ta cho rằng dù hội thánh là một điều tuyệt đối, nhưng những hình thức và chức năng của hội thánh là có thể thay đổi được. Nhưng vì không mang tính giải kinh nên lập luận này yếu.

Những ai cảm thấy những tập tục của hội thánh cần phải làm theo sát với những nguyên tắc và những hình thức của Tân Ước thì nói rằng Kinh Thánh tuyên bố là Kinh Thánh đầy đủ cho mọi việc lành, gồm cả công việc của hội thánh địa phương (IITi 3:16-17),. Cụ thể là, Phaolô viết ITimôthê với mọi chi tiết về sinh hoạt và sự quản trị hội thánh để Timôthê có thể biết phải cư xử như thế nào trong nhà của Đức Chúa Trời và hướng dẫn những người khác thế nào trong chính những điều cụ thể đó (3:15). Và trong cùng thư này, sự khống chế của văn hóa trên chân lý đặc biệt bị loại trừ (2:11-14). Hơn nữa, Phaolô đòi hỏi hội thánh phải tuân theo những “truyền thống” (Bản Việt ngữ ghi là “những điều tôi đã dạy dỗ”), là điều bao hàm cả những nguyên tắc lẫn những tập tục nữa (ICôrinhtô 11).

Có thể giải quyết được vấn đề này không? Chắc giải quyết không thuyết phục dứt khoát được (và không ai là hoàn toàn nhất quán). Nhưng để kết luận, uyển chuyển nhiều thì dường như phớt lờ những khuôn mẫu chi tiết đã được bày tỏ trong Tân Ước. Công nhận một lối giải nghĩa khác về một chi tiết nào đó là một chuyện, còn nói rằng nó không quan trọng lại là một chuyện khác. Tôi cảm thấy chúng ta nên cố gắng tuân theo những chi tiết của những khuôn mẫu dành cho lối sống của hội thánh như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh Tân Ước càng nhiều càng tốt. Nếu không thì sẽ không có câu trả lời thỏa đáng nào cho thắc mắc tại sao những khuôn mẫu lại có mặt ở đó. Và vì có những khuôn mẫu ở đó, tôi muốn dùng chúng ngày nay.