Nhiều danh xưng của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh cung cấp sự mặc khải thêm về bản tánh Ngài. Đây không phải là những danh xưng suông do con người gán cho, nhưng hầu hết là sự mô tả của Chúa về chính Ngài. Theo đúng ý nghĩa của từ ngữ, chúng bày tỏ những khía cạnh của bản tánh Ngài.

Ngay cả khi không dùng đến danh xưng cụ thể nào, sự xuất hiện của cụm từ “Danh Đức Giêhôva” cũng bày tỏ đôi điều về bản tánh Ngài. Kêu cầu danh Đức Giêhôva tức là thờ phượng Ngài (Sa 21:33). Lấy danh Đức Giêhôva làm chơi là làm ô danh Ngài (Xu 20:7). Không tuân theo đòi hỏi của luật pháp là đã xúc phạm danh Ngài (Phu 21:5). Danh của Chúa bảo chứng cho sự giũ gìn duy trì dân sự (ISa 12:22).

I. ELOHIM

A. Cách dùng

Từ ngữ elohim xuất hiện trong ý tổng quát nói về thần tánh khoảng 2.570 lần trong Cựu Ước. Khoảng 2.310 lần là danh của Đức Chúa Trời chân thần. Lần đầu tiên xuất hiện là trong câu đầu tiên của Kinh Thánh. Chữ này được dùng nói đến những thần giả dối trong Sa 35:2,4; Xu 12:12;18:11; 23:24.

B. Ý nghĩa

Ý nghĩa của chữ elohim tùy thuộc vào cách phát sinh từ đó. Một số người hiểu chữ này đến từ một chữ gốc có nghĩa là sợ hãi và nói lên rằng Thần phải được sợ hãi, tôn kính hoặc thờ phượng. Một số khác truy nguyên đến một gốc từ có ý nghĩa là “mạnh mẽ,” nói lên một vị Thần có uy quyền lớn lao. Mặc dù không kết luận dứt khoát, bằng chứng hiển nhiên dường như muốn nhắm đến chữ phát sinh thứ hai trong trường hợp của Đức Chúa Trời Chân thần,để biểu thị Ngài là Đấng mạnh mẽ, Đấng Lãnh Đạo đầy quyền uy, là thần tối cao.

C. Hình Thức Số Nhiều

Elohim - một hình thức ở số nhiều - là đặc trưng riêng biệt của Cựu Ước và không xuất hiện trong bất cứ ngôn ngữ Semitic nào khác. Nói chung có ba quan điểm về ý nghĩa của dạng số nhiều này.

1. Đây là một dạng số nhiều đa thần; có nghĩa là từ ngữ này nguyên thủy có ý nói đến nhiều thần và chỉ về sau mới có ý số ít. Tuy nhiên, thuyết độc thần của Thánh Kinh Cựu Ước đã được khải thị, chứ không phát triển từ một thuyết đa thần.

2. Đây là một dạng số nhiều tam vị; có nghĩa là vị Thần Tam Vị được thấy, hoặc ít nhất được gợi ý trong cách dùng của dạng số nhiều nầy. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, muốn kết luận được điều nầy thì bắt buộc phải lý giải khải thị của Tân Ước truy ngược về Cựu Ước. Có lẽ số nhiều nầy cho phép sự khải thị tiếp theo về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, nhưng như vậy là hoàn toàn khác với cách nói số nhiều nầy chỉ ra Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

3. Đây là số nhiều mang tính oai nghiêm. Việc danh từ nầy được sử dụng nhất quán với những hình thức động từ số ít và với các tính từ cùng các đại danh từ ở dạng số ít khẳng định điều nầy. Số nhiều về sự oai nghiêm nầy biểu thị sự cao trọng vô biên và quyền tối thượng của Đức Chúa Trời.

D. Những Mối Tương Quan Của Danh Xưng Nầy

Nếu danh xưng nầy của Đức Chúa Trời có nghĩa “Đấng Mạnh Mẽ,” và diễn ra ở số nhiều về sự oai nghiêm, thì người ta sẽ chờ đợi chữ nầy được dùng có liên quan với sự cao trọng và những công việc quyền năng của Ngài.

1. Trong mối liên quan với quyền tể trị tối thượng của Ngài. Elohim được dùng để mô tả Ngài là “Đức Chúa Trời của cả đất” (Es 54:5) “Đức Chúa Trời của mọi xác thịt” (Gie 32:27) “Đức Chúa Trời của các từng trời” (Ne 2:4), và “Đức Chúa Trời của các thần, Chúa của các Chúa” (Phu 10:17).

2. Trong mối liên quan với công tác sáng thế của Đức Chúa Trời. Ngài là Elohim, Đấng đã tạo dựng muôn vật (Sa 1:1; Es 45:18;Gion 1:9).

3. Trong mối liên quan với sự đoán xét của Ngài (Thi 50:6; 58:11).

4. Trong mối liên quan với những công việc quyền năng Ngài làm cho Ysơraên (Phu 5:23; 8:15; Thi 68:7).

E. Những Danh Xưng Ghép.

1. El-Shaddai. Dầu không rõ cách phát sinh chữ nầy, nhưng nguồn gốc được chấp nhận nhiều nhất là: chữ shaddai có liên kết với một chữ có nghĩa là “núi” trong tiếng Akkadian. Vì vậy, danh xưng nầy của Chúa mô tả hình ảnh Ngài như một Đấng Toàn Năng đứng trên ngọn núi. Đây chính là danh xưng mà Chúa dùng để hiện ra với các tổ phụ, khi Ngài an ủi và khẳng định giao ước với Ápraham (Sa 17:1; 28:3; 35:11; Xu 6:3; cũng xem Thi 91:1-2). Danh xưng nầy cũng thường được sử dụng liên quan đến việc sửa phạt dân sự Đức Chúa Trời (Ru 1:20-21).

2. El Elyon. Danh xưng nầy, “Đức Chúa Trời Chí Cao,” nhấn mạnh đến sức mạnh, quyền tể trị tối thượng, và tính tối cao của Đức Chúa Trời. Chữ nầy được dùng lần đầu tiên bởi Mênchixêđéc khi chúc phước cho Ápraham (Sa 14:19), dầu vậy, nếu Es 14:14 ghi lại Satan mưu toan lật đổ quyền tối cao của Đức Chúa Trời, thì đây sẽ là lần sử dụng chữ nầy trước. Sau những lần xuất hiện sớm nầy, chữ nầy không được dùng mãi đến khoảng năm 1000 T.C., xuất hiện trở lại trong văn phẩm tiên tri và văn chương trong thời lưu đày (Thi 9:2;Da 7:18,22,25,27).

3. El Olam. Danh xưng nầy có nghĩa “Đức Chúa Trời Đời Đời,” từ một hình thức nguyên thủy có nghĩa là “Đức Chúa Trời hằng hữu”(Sa 21:33). Chữ nầy nhấn mạnh tính bất biến của Đức Chúa Trời (Thi 100:5;103:17) và có liên kết với sức mạnh không thể dò thấu của Đức Chúa Trời (Es 40:28).

4. El Roi, “Đức Chúa Trời hay đoái xem” (Sa 16:13). Aga đã đặt danh xưng nầy cho Đức Chúa Trời khi Ngài phán với bà trước lúc Íchmaên ra đời.

II. YAHWEH

Danh xưng cơ bản thứ nhì dành cho Đức Chúa Trời là danh xưng cá nhân, YHWH, Đức Giêhôva, hay Yahweh. Đây là danh xưng thường được sử dụng nhất, xuất hiện khoảng 5.321 lần trong Cựu Ước.

A. Nguồn Gốc Của Từ.

Chữ nầy dường như ra từ gốc hawa, là chữ biểu thị hoặc sự thực hữu (như một cây hễ ngã chỗ nào nó phải ở chỗ đó, Tr 11:3) hoặc sự phát triển (như trong Ne 6:6). Có lẽ có thể kết hợp cả hai ý trên trong ý nghĩa danh xưng nầy của Đức Chúa Trời bằng cách nói rằng danh xưng nầy biểu thị Ngài là một Đấng tự hữu và hành động tích cực.

B. Sự Khải Thị Danh Xưng Nầy.

Danh xưng nầy đã được sử dụng bởi Êva (Sa 4:1), dân chúng trong thời Sết (câu 26), bởi Nôê (9:26), và Ápraham (12:8;15:2,8). Nhưng ý nghĩa sâu xa của danh xưng nầy đã được khải thị cho chính Môise. Đức Chúa Trời phán dầu Ngài đã hiện ra cho các tổ phụ, nhưng vẫn chưa bày tỏ cho họ biết danh xưng Yahweh nầy (Xu 6:3). Người ta chưa biết ý nghĩa đầy đủ nhất và sâu xa nhất của danh xưng nầy. Sự khải thị nầy đến cho Môise bên bụi gai cháy, khi Đức Chúa Trời tự xác định “TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU” (3:14), với ý chính yếu ấy là Đức Chúa Trời đã hiện diện với dân Ysơraên.

C. Tính Thiêng Liêng Của Danh Nầy.

Vì Yahweh là danh xưng cá nhân của Đức Chúa Trời do Ngài dùng bày tỏ ra cho Ysơraên biết về Ngài, nên trong thời hậu lưu đày, danh xưng nầy được xem là thiêng liêng đến nỗi không được phép phát âm.Thay vào đó, người ta thường dùng chữ Adonai, và vào thế kỷ thứ mười sáu S.C.,những nguyên âm của chữ Adonai đã được kết hợp với những phụ âm YHWH để nhắc cho người đọc trong nhà hội phải phát âm danh xưng thiêng liêng nầy là Adonai.Từ chữ nầy phát sinh một chữ nhân tạo là Jehovah. Nhưng toàn bộ điều nầy nhấn mạnh đến sự kính sợ dành cho danh xưng nầy.

D. Ý Nghĩa Của Danh Xưng.

Dường như rất nhiều khía cạnh bao hàm trong ý nghĩa danh xưng Yahweh.

1. Nó nhấn mạnh đến sự tự thực hữu bất biến của Đức Chúa Trời. Điều nầy có thể được xác nhận bởi ngữ nguyên học và bởi cách Chúa dùng Xu 3:14 trong Gi 8:58 để phát biểu lời tuyên bố Ngài thực hữu đời đời và tuyệt đối.

2. Danh nầy bảo đảm sự hiện diện của Đức Chúa Trời với dân sự Ngài. Xem Xu 3:12.

3. Danh nầy liên kết với quyền năng Đức Chúa Trời để hành động thay dân Ngài và để giữ giao ước Ngài với họ, được minh họa và khẳng định bởi công việc giải thoát họ khỏi xứ Êdíptô (6:6).

E. Những Danh Xưng Ghép Với Danh Nầy.

1. Yahweh Jireh, “Giêhôva Di-rê,” “Đức Giêhôva sẽ có sắm sẵn” (Sa 22:14). Sau khi Thiên Sứ của Đức Giêhôva chỉ ra con chiên đực để thay thế cho Ysác, Ápraham đã đặt tên cho địa điểm nầy là “Đức Giêhôva sẽ có sắm sẵn.”

2. Yahweh Nissi, “Giêhôva cờ xí của tôi” (Xu 17:15). Sau khi dân Amaléc bại trận, Môise dựng một bàn thờ và đặt tên là Yahweh Nissi, “Giêhôva cờ xí của tôi.”

3. Yahweh Shalom, Giêhôva Sa-lam, “Giêhôva bình an” (Cac 6:24).

4. Yahweh Sabbaoth, “Giêhôva vạn quân” (ISa 1:3). Đây là một hình ảnh quân sự, để mô tả Đức Giêhôva (Yahweh) là Tướng Các Đạo Thiên Binh cũng như đạo binh Ysơraên (ISa 17:45). Danh hiệu nầy bày tỏ sự toàn năng và quyền tể trị tối thượng của Đức Chúa Trời, và thường được các tiên tri (Êsai và Giêrêmi) sử dụng để nhắc nhở dân sự trong thời kỳ khủng hoảng của đất nước rằng Đức Chúa Trời là Đấng Lãnh Đạo và Đấng Bảo Vệ họ.

5. Yahweh Maccaddeshcem, “Đức Giêhôva là Đấng làm cho các ngươi Nên Thánh” (Xu 31:13).

6. Yahweh Roi, “Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi” (Thi 23:1).

7. Yahweh Tsidkenu, “Đức Giêhôva sự công bình chúng ta” (Gie 23:6).

8. Yahweh Shammah, “Đức Giêhôva ở đó” (Exe 48:35).

9. Yahweh Elohim Israel, “Giêhôva, Đức Chúa Trời của Ysơraên” (Cac 5:3; Es 17:6).

Nói nghiêm túc thì những danh xưng ghép nầy không phải là những danh xưng bổ sung thêm của Đức Chúa Trời, nhưng là những tước hiệu thường xuất phát từ những sự kiện đáng ghi nhớ. Tuy nhiên, chúng có bày tỏ thêm nhiều phương diện nữa về đặc tánh của Ngài.

III. ADONAI

Giống như danh xưng Elohim, Adonai là dạng số nhiều của sự oai nghiêm. Dạng số ít có nghĩa là “chúa, thầy, chủ, người sở hữu”(Sa 19:2; 40:1; ISa 1:15). Theo cách nghĩ thường tình, chữ nầy được dùng để chỉ mối tương quan giữa con người với nhau (giống như chủ và tớ, (Xu 21:1-6). Khi được dùng để chỉ mối tương quan giữa Đức Chúa Trời với con người, danh xưng nầy truyền đạt ý về thẩm quyền tuyệt đối của Ngài. Giôsuê đã công nhận thẩm quyền của Tướng Đạo Binh của Đức Giêhôva (Gios 5:14), và Êsai đã vâng phục thẩm quyền của Đức Giêhôva, Chúa mình (Es 6:8-11). Chữ tương đương trong Tân Ước là kurios,“chúa.”

IV. ĐỨC CHÚA TRỜI (THEOS).

A. Cách Dùng.

Theos là danh xưng thường xuyên nhất của Đức Chúa Trời trong Tân Ước và là cách dịch phổ thông nhất trong Bản Bảy Mươi cho chữ Elohim. Hầu như chữ nầy luôn luôn chỉ đến Đức Chúa Trời có một và thật, dầu đôi khi được dùng chỉ về các thần ngoại giáo trong những lời lẽ của người ngoại được ký thuật lại, hay được Cơ đốc nhân dùng để bác bẻ các tà thần nầy (Cong 12:22; 14:11; 17:23; 19:26-27; ICo 8:5; IITe 2:4). Chữ nầy cũng chỉ về ma quỉ (IICo 4:4) và nhục dục (Phi 3:19). Điều quan trọng nhất ấy là Đức Chúa Jesus Christ đã được gọi là theos (dầu vậy, một số phân đoạn nầy đã bị tranh luận). Xem Ro 9:5; Gi 1:1,18; 20:28; và Tit 2:13).

B. Sự Dạy Dỗ.

Cách dùng chữ nầy bày tỏ nhiều lẽ thật quan trọng về Đức Chúa Trời chân thần.

1. Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và duy nhất (Mat 23:9; Ro 3:30; ICo 8:4,6; Ga 3:20; ITi 2:5; Gia 2:19). Lẽ thật căn bản nầy của Do Thái Giáo, tức là sự hiệp một độc nhất của Đức Chúa Trời, đã được Đấng Christ và hội thánh đầu tiên khẳng định.

2. Ngài là Đấng độc nhất vô nhị. Ngài là Đức Chúa Trời duy nhất (ITi 1:17), Đức Chúa Trời chân thật duy nhất (Gi 17:3), là Đấng Thánh duy nhất (Kh 15:4), và là Đấng khôn ngoan duy nhất (Ro 16:27). Do đó, tín đồ không thể có thượng đế nào khác ngoài Đức Chúa Trời chân thật có một không hai nầy (Mat 6:24).

3. Ngài là Đấng siêu việt. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng Bảo Tồn, và Chúa của vũ trụ, và Đấng Hoạch Định các thời đại (Cong 17:24; He 3:4; Kh 10:6).

4. Ngài là Đấng Cứu Thế (ITi 1:1; 2:3; 4:10;Tit 1:3; 2:13; 3:4). Ngài đã sai Con Ngài đến làm Đấng Cứu Chuộc (Gi 3:16) và đã phó Con Ngài chịu chết vì cớ chúng ta (Ro 8:32).

C. Đấng Christ Là Đức Chúa Trời.

Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, được gọi là Đức Chúa Trời trong rất nhiều câu Kinh Thánh Tân Ước.

1. Nơi Giăng. Sự dạy dỗ của Giăng có trong những phân đoạn sau đây: Gi 1:1,18, có một số thủ bản diễn đạt ý câu nầy là “Đức Chúa Trời được sanh ra duy nhất"), và có thể xem cách diễn đạt khác thường như vậy là cơ sở để chấp nhận tính xác thực của nó; 20:28, trong câu nầy Thôma đã dùng cả chữ kurios lẫn theos cho Chúa Jesus; và IGi 5:20.

2. Nơi Phaolo. Tit 2:13 dường như là tước hiệu rõ ràng nhất của Đấng Christ với tư cách Đức Chúa Trời trong các tác phẩm của Phaolô, vì Ro 9:5 đã bị một số người nghi vấn. Tuy nhiên, quy cụm từ “Đức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời” cho Đấng Christ thì đúng về mặt ngôn ngữ học và thích hợp với văn mạch hơn.

V. CHÚA (KURIOS)

A. Cách Dùng.

Trong 717 lần xuất hiện chữ kurios trong Tân Ước, thì đa số thuộc về Luca (210 lần) và Phaolô (275 lần), vì họ đã viết cho những người thuộc về ngôn ngữ và văn hóa Hylạp.

B. Ý NGHĨA.

Chữ nầy nhấn mạnh đến thẩm quyền và quyền tối cao. Nó có thể mang ý nghĩa là ngài, chúa (Gi 4:11), người sở hữu (Lu 19:33),chủ (Co 3:22), hoặc chỉ về các hình tượng (ICo 8:5) hoặc chồng (IPhi 3:6). Khi được dùng để nói Đức Chúa Trời là kurios, chữ nầy “diễn tả cụ thể tư cách Đấng Tạo Hóa của Ngài, quyền năng của Ngài được bày tỏ ra trong lịch sử, và sự quản trị công minh của Ngài trên vũ trụ...” (H. Bietenhard, “Lord,” trong The New International Dictionary of New Testament Theology, chủ biên: Colin Brown,(Grand Rapids, MI: Zondervan, 1976), 2:514).

C. Đấng Christ Trong Tư Cách Kurios.

Trong chức vụ tại thế, Đấng Christ đã được tôn xưng là Chúa, với ý nghĩa là thầy (Rabbi) hoặc Chúa (tôn ông) (Mat 8:6).Thôma đã quy trọn vẹn Thần Tánh cho Ngài khi tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!” (Gi 20:28). Sự phục sinh của Đấng Christ và sự tôn Ngài lên cao bên hữu Đức Chúa Trời đã đặt Ngài vào địa vị Chúa của vũ trụ (Cong 2:36; Phi 2:11). Nhưng “đối với một Cơ đốc nhân thời kỳ đầu tiên vốn đã quen đọc Kinh Thánh Cựu Ước, chữ “Chúa” khi được đem dùng cho Đức Chúa Jesus thì sẽ gợi ý đến sự nhận diện chính Ngài là một với Đức Chúa Trời của Cựu Ước.” (S.E. Johnson,“Lord (Christ),” The Interpreter's Dictionary of the Bible (New York: Abingdon,1976,3:151). Đối với một câu Kinh Thánh như Ro 10:9, điều nầy có nghĩa “bất cứ người Dothái nào công khai tuyên xưng Jesus người Naxarét là “Chúa,” thì người ta sẽ hiểu người ấy quy bản chất và các thuộc tánh thiên thượng cho Ngài”(William G.T. Shedd, Romans (New York: Scribner, 1879, trang 318). Như vậy, bản chất của đức tin Cơ đốc chính là công nhận Jesus người Naxarét chính là Yahweh của Cựu Ước.

VI. CHỦ (DESPOTES)

A. Ý Nghĩa.

Chữ nầy hàm ý tư cách sở hữu chủ, trong khi chữ kurios nhấn mạnh đến thẩm quyền và quyền tối cao.

B. Cách Dùng.

Đức Chúa Trời được tôn xưng là Đấng cai trị có quyền hạn vô biên (Bản Việt Ngữ cũng ghi là “Chúa,” - Despot) trong lời cầu nguyện của Simêôn (Lu 2:29), của Phierơ và những người cùng ở với ông (Cong 4:24), và bởi những người tuận đạo trên thiên đàng (Kh 6:10).

Có hai lần Đấng Christ được gọi là Đấng Quyền Hạn Vô Biên (hay Đấng Chủ Tể) (IIPhi 2:1; Giuđe 4).

VII. CHA

Một trong những khải thị đặc trưng của Tân Ước là sự khải thị Đức Chúa Trời là Cha của từng con người. Trong khi chữ “Cha” được dùng chỉ về Đức Chúa Trời chỉ có 15 lần trong Cựu Ước, thì chữ “Cha” xuất hiện trong Tân Ước đến 245 lần. Với tư cách là Cha, Ngài ban cho con cái Ngài ân điển và bình an (một lời chào thăm đều đặn trong các sách thơ tín; chẳng hạn như Eph 1:2; ITe 1:1), mọi ân tứ tốt lành (Gia 1:17), và thậm chí còn ban các điều răn nữa (IIGiăng 4). Chúng ta cũng thưa với Ngài là Cha khi cầu nguyện (Eph 2:18; ITe 3:11).

Tóm lại, một danh xưng trong thời Kinh Thánh không chỉ đơn thuần là một sự nhận diện; danh xưng còn mang tính mô tả người mang danh xưng đó, thường là để bày tỏ ra một số đặc trưng nào đó của một con người. “Hỡi Đức Giêhôva là Chúa chúng tôi, Danh Chúa được sang cả trên khắp trái đất biết bao!” (Thi 8:1,9).