Nếu câu hỏi trong chương 4 là: Có thể biết Đức Chúa Trời không? thì câu hỏi của chương nầy là: Có thể định nghĩa được Đức Chúa Trời không? Nếu một định nghĩa là “một từ hay một cụm từ diễn tả bản chất thiết yếu của một người hay một sự vật", thì không thể định nghĩa được Đức Chúa Trời, vì không có từ ngữ hay thậm chí cụm từ nào có thể diễn tả bản tánh cốt yếu của Ngài. Không ai có thể soạn một định nghĩa như vậy về Đức Chúa Trời.

Nhưng nếu định nghĩa này mang tính mô tả,thì có thể định nghĩa Đức Chúa Trời, mặc dù không tường tận. Thật ra, hầu hết những định nghĩa đều mang tính mô tả. Một trong những định nghĩa nổi tiếng nhất,trong Westminster Shorter Catechism (Tiểu Phước Âm Yếu Chỉ Westminster), minh họa loại định nghĩa nầy khi mô tả Đức Chúa Trời là “Thần linh, vô hạn, đời đời và không hề thay đổi trong bản thể, quyền năng, sự thánh khiết, công chính, tốt lành, và thành tín của Ngài” (Câu Hỏi 4). Lời mô tả dài hơn trong Westminster Confession of Faith bổ sung thêm những thuộc tánh như yêu thương, thương xót và tự do. Như thế, những định nghĩa trên chỉ đơn giản liệt kê một số thuộc tánh của Đức Chúa Trời.

Thuộc tánh là những phẩm cách vốn có của một chủ thể. Chúng nhận diện, phân biệt, hoặc phân tích chủ thể ấy. Hầu hết các nền thần học đặt tên chương nầy là “Những Thuộc Tánh của Đức Chúa Trời.” Tôi ưa từ “Những Sự Trọn Vẹn” hơn, vì mọi phẩm cách hay thuộc tánh của Đức Chúa Trời đều hoàn hảo. Những thuộc tánh của Chúa là những sự trọn vẹn của Ngài.

I. ĐẶC ĐIỂM NHỮNG SỰ TRỌN VẸN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Những sự trọn vẹn khác nhau của Đức Chúa Trời không phải là những thành phần cấu thành của Ngài. Mỗi sự trọn vẹn đều mô tả toàn bộ hữu thể của Ngài. Ví dụ như tình yêu không phải là một phần của bản tánh Đức Chúa Trời; Đức Chúa Trời trong toàn bộ hữu thể của Ngài là tình yêu thương. Tuy Ngài có thể bày tỏ một phẩm cách nầy hoặc phẩm cách khác tại một thời điểm nào đó, không có phẩm cách nào là độc lập và vượt trổi hơn bất cứ phẩm cách khác. Hễ khi nào Chúa tỏ cơn thạnh nộ của Ngài, thì Ngài vẫn là yêu thương. Khi Ngài bày tỏ tình yêu, thì cũng không bỏ sự thánh khiết của Ngài.

Đức Chúa Trời còn trổi hơn tổng cộng hết những sự trọn vẹn của Ngài nữa. Khi liệt kê mọi thuộc tánh của Ngài mà chúng ta lượm lặt được từ sự mặc khải, chúng ta cũng không mô tả trọn vẹn được Đức Chúa Trời.Sở dĩ như vậy là do tính không thể hiểu thấu được Ngài. Dẫu có thể nói mình có danh sách toàn bộ mọi sự trọn vẹn của Ngài đi nữa, chúng ta cũng không thể dò thấu ý nghĩa của chúng, bởi vì con người hữu hạn không thể hiểu Đức Chúa Trời vô hạn được.

Những sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời được tỏ cho chúng ta nhờ sự mặc khải. Con người không gán những điều đó cho Đức Chúa Trời;Ngài bày tỏ chúng cho con người. Thật vậy, con người có thể gợi ý những thuộc tánh của Thượng Đế, nhưng không thể thừa nhận những điều ấy là đúng trừ phi chúng được khải thị bởi Đức Chúa Trời.

Những sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời mô tả như nhau về Cha, Con và Thánh Linh. Chúng mô tả bản tánh của Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một, do đó cũng mô tả bản tánh mỗi thân vị của Ba Ngôi.

II. CÁC THỂ LOẠI SỰ TRỌN VẸN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Hầu hết những nền thần học đều đưa ra cách phân loại nào đó về những thuộc tánh của Đức Chúa Trời.

A. Các Thuộc Tánh Ngoại Đạo Đức (hoặc Tự Nhiên) và Đạo Đức

Các thuộc tánh ngoại đạo đức (ngoài phạm vi đạo đức), như tự hữu và vô hạn, thuộc về bản chất của Đức Chúa Trời; Những thuộc tánh đạo đức, như đức công chính và thánh khiết, thuộc về ý chí của Ngài. Nhưng mọi điều gọi là phẩm cách ngoại đạo đức nầy đều là những phẩm cách của một Hữu Thể đạo đức nhất trong vũ trụ, và mọi thuộc tánh đạo đức ấy đều đến từ bản tánh của Đức Chúa Trời.

B. Các Thuộc Tánh Tuyệt Đối và Tương Đối

Những thuộc tánh tuyệt đối bao gồm những thuộc tánh nào thuộc về bản thể của Đức Chúa Trời được kể như đứng riêng một mình nó (hằng hữu, vô hạn), còn những thuộc tánh tương đối thuộc về bản thể của Đức Chúa Trời được kể như có liên hệ với tạo vật của Ngài (như sự toàn tri). Một lần nữa, đây là một sự phân biệt gượng gạo, bởi vì chúng ta không thể xác định như vậy khi trên thực tế mọi thuộc tính của Chúa đều liên quan đến tạo vật của Ngài.

C. Không Thể Truyền Đạt và Có Thể Truyền Đạt

Những thuộc tánh không thể truyền đạt là những điều chỉ thuộc về Đức Chúa Trời (vĩnh hằng, vô hạn), trong khi những thuộc tánh sau là những thuộc tánh có ở một mức độ tương đối hoặc giới hạn trong con người (khôn ngoan, công chính). Nhưng vẫn thấy có những thuộc tánh có thể truyền đạt trong con người, mặc dù rất giới hạn, không phải vì Ngài bằng cách nào đó đã truyền đạt chúng, nhưng chỉ vì loài người đã được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời.

Những thể loại có thể đem lại ích lợi nào đó, nhưng theo tôi, không nhiều lắm. Tuy có thể phân loại một số thuộc tánh vào phạm trù nầy hoặc phạm trù kia trong các thể loại gợi ý nầy, nhưng một số khác không dễ phân loại. Dầu sự thánh khiết thường được kể là có thể truyền đạt được,nhưng chắc chắn sự thánh khiết của Đức Chúa Trời không thể truyền đạt được. Tuy sự toàn tri là không thể truyền đạt được, nhưng con người chắc chắn có kiến thức hữu hạn. Sự phân loại thường trở thành độc đoán hơn là trở thành dễ nhìn thấy.Vấn đề quan trọng là nghiên cứu về chính những sự trọn vẹn, chứ không phải phân loại chúng. Và giờ đây chúng ta nghiên cứu chúng.

III. DANH SÁCH NHỮNG SỰ TRỌN VẸN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Dưới đây là mười bốn sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời (xếp theo thứ tự mẫu chữ cái trong Anh ngữ), được khảo sát theo những mục (a) ý nghĩa, (b) (những) tuyên bố của Kinh Thánh và (c) phần áp dụng hay vấn nạn có liên quan.

A. Vĩnh Hằng (Eternity)

1. Ý nghĩa. Thuộc tánh vĩnh hằng có nghĩa là Đức Chúa Trời hiện hữu bất tận. Sự hiện hữu của Ngài trải dài vô tận trong quá khứ cũng như trong tương lai (theo quan điểm của chúng ta về thời gian) mà không hề bị gián đoạn hoặc bị giới hạn bởi sự tiếp nối những biến cố. Kết hợp các ý nầy với nhau, Berkhof định nghĩa vĩnh hằng là “sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời nhờ đó Ngài được nâng lên trên mọi giới hạn thời gian và mọi sự nối tiếp của các khoảnh khắc, và có toàn bộ sự thực hữu của Ngài trong một hiện tại không chia cắt được” (L. Berkhof, Thần Học Hệ thống (Grand Rapids: Eerdmans, 1978,trang 60).

Sự vĩnh hằng và tự hữu của Đức Chúa Trời là những khái niệm liên quan với nhau. Một vài hệ thống thần học dùng từ aseity (tự hữu tính) để biểu thị sự tự hữu; nghĩa là Đức Chúa Trời tùy thuộc a se, vào chính mình Ngài. Nếu Đức Chúa Trời hiện hữu bất tận, vậy thì Ngài không hề bắt đầu hiện hữu, cũng không hề được tạo dựng nên để bắt đầu hiện hữu. Ngài tự hữu vô tận.

2. Kinh Thánh. Sự hằng hữu của Đức Chúa Trời được thấy trong Thi 90:2 “từ trước vô cùng cho đến đời đời” và Sa 21:33, nơi đó chữ El Olam, Đức Chúa Trời hằng hữu, ra từ một hình thức nguyên thủy có nghĩa là “Đức Chúa Trời của cõi vĩnh hằng.”

3. Thắc mắc. Đâu là mối liên quan của Đức Chúa Trời với chuỗi tiếp nối các biến cố? Là một hữu thể hằng hữu, Ngài nhìn thấy quá khứ và tương lai cũng rõ ràng như thấy hiện tại; hơn nữa, Ngài phải thấy chúng như chuỗi bao quát hết những sự kiện, tuy nhiên Ngài không hề bị ràng buộc bởi chuỗi sự kiện đó. Minh họa cho điều nầy được nhìn thấy trong quang cảnh thiên đàng ở Kh 6:9-11, trong câu đó Chúa trả lời câu hỏi của những người tuận đạo về việc còn bao lâu nữa họ mới được báo thù, bằng cách Ngài bảo họ chờ đợi cho đến khi các sự kiện nhất định đã diễn ra trên đất.

4. Hệ qua. Một hệ quả đầy an ủi trong sự hằng hữu của Đức Chúa Trời ấy là lòng tin quyết Đức Chúa Trời đã không bao giờ, và cũng sẽ không khi nào ngưng hiện hữu; do đó bảo đảm quyền kiểm soát thiên hựu và nâng đỡ của Ngài trên mọi sự và mọi biến cố.

B. Quyền Tự Do

1. Ý nghĩa. Ở nơi Đức Chúa Trời, quyền tự do có nghĩa là Ngài độc lập với những sinh vật và cõi tạo vật của Ngài đã dựng nên.

2. Kinh Thánh. Khi Êsai hỏi dân sự xem ai đã làm mưu sĩ và dạy cho Đức Chúa Trời hoặc chỉ dẫn cho Ngài điều gì, ông đợi câu trả lời: “không ai,” bởi vì Đức Chúa Trời là tự do; có nghĩa là độc lập với những sinh vật thọ vật của Ngài (Es 40:13-14).

3. Thắc Mắc. Nếu Đức Chúa Trời là tự do, thì Ngài có bị giới hạn về phương diện nào không? Thường câu trả lời là Chúa chỉ bị giới hạn bởi chính bản tánh của Ngài; ví dụ như sự thánh khiết của Ngài giới hạn Ngài không bao giờ phạm tội. Nhưng làm sao dùng từ “giới hạn” cho sự trọn vẹn được? Không bao giờ có giới hạn trong sự trọn vẹn.

4. Ứng Dụng. Là Đấng tự do, Chúa không hề có bổn phận nào đối với chúng ta trên bất cứ phương diện nào trừ phi Ngài chọn khởi xướng một bổn phận. Ngài không phải làm bất cứ điều gì cho chúng ta trừ phi Ngài chọn làm. Vì vậy, chúng ta không thể xem Ngài mắc nợ chúng ta.

C. Sự Thánh Khiết

1. Ý Nghĩa. Thường được định nghĩa cách tiêu cực và có liên quan với một tiêu chuẩn tương đối, chứ không tuyệt đối, đức thánh khiết trong Thánh Kinh có nghĩa là biệt riêng ra khỏi tất cả những gì phàm tục tầm thường hay không tinh sạch. Đối với Đức Chúa Trời, thánh khiết không những có nghĩa Ngài tách biệt khỏi tất cả mọi bất khiết và gian ác, mà còn có nghĩa Ngài chắc chắn tinh khiết và bởi đó hoàn toàn khác biệt với mọi sự khác.

Phép so sánh có lẽ giúp dễ hiểu khái niệm nầy.Khỏe mạnh có nghĩa gì? Chính là không có bệnh tật, nhưng còn là tích cực tuôn trào sức lực nữa. Thánh khiết là không có điều ác và có được lẽ phải tích cực.Trong Đức Chúa Trời, sự thánh khiết của Ngài là sự tinh khiết của hữu thể và bản chất cũng như của ý chí và hành động.

2. Kinh Thánh. Thánh khiết là một thuộc tánh mà Chúa muốn con người đặc biệt biết đến trong thời Cựu Ước (Le 11:44; Gios 24:19; Thi 99:3,5,9; Es 40:25; Ha 1:12). Trong Tân Ước, thuộc tánh này xuất hiện qua những tuyên bố trực tiếp (Gi 17:11; IPhi 1:15), trong những lời ca ngợi dâng lên Chúa (Kh 4:8), và trong hình ảnh tượng trưng Chúa là sự sáng (IGi 1:5).

3. Những Ứng Dụng. Sự thánh khiết tuyệt đối và vốn có trong Đức Chúa Trời nói lên rằng tội nhân phải bị chia cắt khỏi Ngài trừ phi tìm được phương cách làm cho họ nên thánh. Và phương cách đó đã được chu cấp qua công lao của Chúa Jesus Christ.

Có quan điểm đúng đắn về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời ắt phải khiến tín hữu nhạy bén đối với tội lỗi của chính mình (Es 6:3,5; Lu 5:8).

Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời trở thành tiêu chuẩn cho nếp sống và lối cư xử của mỗi tín hữu (IGi 1:7). Điều nầy đáng phải chấm dứt những tranh luận vô ích thường thấy về những điều được phép và không được phép làm trong nếp sống Cơ đốc. Có thể thử nghiệm lối cư xử đúng đắn bằng câu hỏi đơn giản: Điều nầy có thánh khiết không? Đây chính là tiêu chuẩn của mỗi tín hữu. Dầu không luôn luôn sánh kịp với tiêu chuẩn ấy, tín hữu không khi nào được phép thỏa hiệp tiêu chuẩn ấy.

D. Tính Bất Biến

1. Ý nghĩa: Tính bất biến có nghĩa Đức Chúa Trời là Đấng không thể thay đổi được và như thế Ngài không hề đổi dời. Điều nầy không có nghĩa là Ngài không di động hoặc không hoạt động, nhưng hàm ý Ngài không bao giờ thiếu nhất quán, mâu thuẫn, không lớn lên cũng không hề phát triển.

2. Kinh Thánh. Ma 3:6 và Gia 1:17 nói về tính bất biến. Lưu ý trong Ma 3:6, tính bất biến bảo đảm sự bảo tồn dân Ysơraên.

3. Vấn nạn. Nếu Đức Chúa Trời bất biến, thì làm sao có thể nói rằng Ngài ăn năn? (Sa 6:6; Gion 3:10) Nếu thực sự đã có thay đổi trong chính Đức Chúa Trời, thì như vậy Ngài không bất biến, hoặc không tể trị tối thượng, hoặc vừa không bất biến vừa không tể trị tối thượng. Hầu hết mọi người hiểu những câu nầy đang dùng phép phỏng nhân hình; có nghĩa là giải thích điều không thuộc về con người bằng những từ ngữ của loài người. Trong sự mặc khải đang tiết lộ dần về chương trình của Đức Chúa Trời, dường như có sự thay đổi.Tuy nhiên, chỉ có thể nói câu này từ nhãn quan con người, vì chương trình đời đời của Ngài là bất biến, cũng như chính Ngài vậy.

Tuy nhiên, có lẽ lối nói nầy chỉ đơn giản nói lên rằng Chúa buồn hoặc đau buồn, và như vậy loại bỏ bất cứ khái niệm về sự thay đổi.

4. Những hệ quả liên quan đến Đức Chúa Trời. “Nếu tính tự hữu mà thay đổi thì sẽ trở thành sự thực hữu có lệ thuộc; cõi vĩnh hằng sẽ trở thành cõi thời gian; sự trọn vẹn trở thành bất toàn; và vì thế Đức Chúa Trời sẽ trở thành không còn là Đức Chúa Trời nữa” (Gordon H. Clark,“Attributes, The Divine,” Baker's Dictionary of Theology (Grand Rapids: Baker,1960, trang 78-9). Tính bất biến bảo đảm cho chúng ta rằng không có sự trọn vẹn nào của Đức Chúa Trời thay đổi cả.

5. Những hệ quả liên quan đến chúng ta. Tính bất biến đem lại sự an ủi và bảo đảm rằng những lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ không dời đổi (Ma 3:6; IITi 2:13). Tính bất biến nhắc nhở chúng ta rằng những thái độ của Đức Chúa Trời, chẳng hạn thái độ đối với tội lỗi, là không hề thay đổi. Vì thế, không bao giờ có thể dỗ ngọt hay thỏa hiệp để Đức Chúa Trời thay đổi.

E. Tính Vô Hạn

1. Ý Nghĩa. Tính vô hạn có nghĩa là Đức Chúa Trời không có những ranh giới hay giới hạn nào. Ngài không hề bị giới hạn bởi vũ trụ hay những ranh giới của không gian thời gian. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là bằng cách nào đó Ngài bị trải dài qua suốt vũ trụ, một phần ở chỗ nầy một phần chỗ khác. “Phải hiểu tính vô hạn của Đức Chúa Trời là mang tính cách tập trung chứ không phải là dàn trải rộng...” (Berkhof, Thần Học Hệ Thống, trang 59).

2. Kinh Thánh. Salômôn công nhận sự vô hạn của Đức Chúa Trời tại lễ cung hiến đền thờ (IVua 8:27), và Phaolô dùng thuộc tính nầy của Chúa để bác bỏ các tà thần của người Athên (Cong 17:24-28).

3. Quan sát. Đôi khi thuộc tính nầy được gọi là tính vô biên. Tính vô biên khác tính toàn tại ở chỗ: tính vô biên nhấn mạnh Tính siêu việt của Đức Chúa Trời (vì Ngài không bị giới hạn bởi không gian),còn tính toàn tại tập trung vào tính nội tại của Đức Chúa Trời (vì Ngài có mặt ở khắp mọi nơi).

F. Yêu Thương

1. Ý nghĩa: Cũng giống như nhiều từ ngữ Cơđốc,người ta thảo luận nhiều hơn là định nghĩa từ ngữ “yêu thương.” Ngay cả tự điển cũng giúp đỡ rất ít. Tình yêu bao hàm lòng thương mến và cũng có sự sửa trị nữa.Các em bé được âu yếm, sửa trị và cả hai đều là những biểu hiện thật về tình yêu thương của cha mẹ. Hơn nữa, cả hai việc đều được cha mẹ thực hiện với lòng tin rằng họ đang làm điều tốt nhất cho con tại lúc đó. Tình yêu tìm kiếm điều tốt lành ích lợi cho đối tượng được yêu. Điều gì là tốt lành? Ở nơi Đức Chúa Trời,tốt lành là sự trọn vẹn của đức thánh khiết và toàn bộ mọi điều mà khái niệm “tốt lành” bao hàm. Tình yêu thương trong Đức Chúa Trời đang tìm sự tốt lành nhất và vinh hiển cao cả nhất của những sự trọn vẹn Ngài. Điều nầy không hề hàm ý có sự ích kỷ nơi Đức Chúa Trời, như sẽ có nơi con người.

2. Kinh Thánh. Lời Thánh Kinh trực tiếp phát biểu rằng “Đức Chúa Trời là yêu thương” ("God is love") (IGi 4:8). Sự vắng mặt mạo từ trước “yêu thương” [câu Kinh Thánh nầy không nói: “Đức Chúa Trời là sự yêu thương duy nhất này” ("God is the love")] cho thấy yêu thương chính là bản tính của Đức Chúa Trời. Sự có mặt mạo từ đứng trước “Đức Chúa Trời” (nguyên văn là “Đức Chúa Trời duy nhất này là sự yêu thương” - bản Anh ngữ - “the God is love”) cho thấy câu nầy không thể đảo ngược được; không thể lý giải là: “Tình yêu thương là Đức Chúa Trời” (như cách khẳng định của Cơ Đốc Khoa Học).

3. Những Ứng Dụng. Bởi vì mọi thuộc tính đều được mỗi Thân Vị của Ba Ngôi sở hữu, nên phải có sự tương tác đầy yêu thương (chắc chắn là con người không thể hiểu được) giữa Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời là sự yêu thương cho phép chính mình Ngài yêu thương con người tội lỗi. Đó là ân điển (Eph 2:4-8).

Tình yêu đó của Ngài đã được tuôn đổ vào lòng tín hữu (Ro 5:5).

Trong những thử thách, Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu Ngài đối với con cái Ngài (He 12:6).

4. Một số từ ngữ liên hệ. Có liên hệ rất gần với “yêu thương” là các từ ngữ nhơn lành, thương xót, nhịn nhục, nhẫn nại và ân điển. Tuy có những phân biệt như thế nhưng những khác biệt đó không chính xác.Có thể định nghĩa nhơn lành là lòng rộng lượng thương người của Đức Chúa Trời quan tâm đến tạo vật của Ngài (Cong 14:17). Thương xót là một phương diện trong sự nhơn lành của Chúa khiến Ngài bày tỏ lòng trắc ẩn và cảm thương (Eph 2:4; Gia 5:11). Lòng nhịn nhục nhẫn nại nói lên sự tự kiềm chế khi bị khiêu khích trêu chọc (IPhi 3:20; IIPhi 3:15). Ân điển là ân huệ không xứng đáng được nhận do Chúa ban cho con người chủ yếu qua thân vị và công tác của Chúa Jesus Christ. Mọi khái niệm nầy đều có liên quan và bắt nguồn từ tình yêu thương này của Đức Chúa Trời, Đấng là tình yêu.

5. Một tà giáo. Tà giáo Phổ thông thuyết (universalism) phát triển từ một khái niệm mất quân bằng về những thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Tà giáo này dạy rằng vì Ngài là tình yêu, nên cuối cùng Ngài sẽ cứu mọi người. Nhưng sự trọn vẹn trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời không tách rời khỏi những sự trọn vẹn khác của Ngài, gồm có sự thánh khiết và công chính. Vì cớ đó tình yêu thương không thể lấn quyền trên sự thánh khiết để cứu những người đã khước từ Đấng Christ rồi chết trong tội lỗi của họ. Hơn nữa, phổ thông thuyết trên thực tế không có định nghĩa thích đáng cho tình yêu thương,vì chỉ thấy phương diện thương mến của tình yêu mà không thấy phương diện sửa trị. Cuối cùng, phổ thông thuyết mâu thuẫn với những tuyên bố trực tiếp của Kinh Thánh (xem Mac 9:45-48).

G. Toàn Năng

1. Ý nghĩa. Toàn năng có nghĩa Đức Chúa Trời có mọi quyền lực và có thể làm bất cứ việc gì phù hợp với bản tánh của Ngài. Thực ra, Ngài thậm chí đã không chọn làm mọi việc mà chúng ắt phù hợp với chính Ngài, vì những lý do chỉ hoàn toàn một mình Ngài biết.

2. Kinh Thánh. Từ ngữ “Toàn năng” chỉ được dùng cho Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, từ nầy xuất hiện năm mươi sáu lần, và là nền tảng cho khái niệm “toàn năng.” Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài là Đấng Toàn năng cho Ápraham (Sa 17:1), cho Môise (Xu 6:3), cho các tín hữu (IICo 6:18), và cho Giăng nhiều lần trong sách Khải Huyền (Kh 1:8; 19:6).

3. Câu Hỏi. Thuộc tính toàn năng có bị giới hạn nào không? Câu trả lời là “Có,” và có trong hai lãnh vực: những giới hạn tự nhiên và những giới hạn tự đặt cho mình. Những giới hạn tự nhiên bao gồm những điều Đức Chúa Trời không thể làm vì chúng trái ngược với bản tánh Ngài. Ngài không thể nói dối (Tit 1:2), Ngài không thể bị cám dỗ phạm tội (Gia 1:13), Ngài không thể tự chối chính mình (IITi 2:13). Những giới hạn tự đặt cho mình bao gồm những điều Đức Chúa Trời đã không chọn đưa vào trong chương trình của Ngài mà lẽ ra Ngài có thể đưa vào vì chúng không đi ngược với bản tánh Ngài. Ngài đã không chọn để Con Ngài khỏi chết; Ngài đã không chọn cứu tất cả mọi người; Ngài đã không chọn tất cả các dân tộc trong thời Cựu Ước; Ngài đã không chọn Êsau; Ngài đã không chọn cứu Giacơ khỏi chết (Cong 12:2). Dầu Ngài đã có thể làm bất cứ việc nào trong số nầy mà không bị mâu thuẫn với tính toàn năng, nhưng Ngài đã không chọn làm như thế trong chương trình của Ngài.

Những câu hỏi như: “Đức Chúa Trời có thể khiến 2 + 2 = 6 không?” không hề hàm ý bất kỳ sự kém thiếu nào trong tính toàn năng của Ngài. Câu hỏi đặc thù đó thuộc lĩnh vực số học, không thuộc lĩnh vực năng quyền.Có lẽ người ta cũng hỏi liệu vụ nổ hạt nhân có làm cho 2+2 = 6 không? Điều quan trọng hơn ấy là: Đức Chúa Trời không bao giờ có thể làm việc sai thành ra đúng.

4. Những Hệ Qua. Trong quá khứ, quyền năng của Đức Chúa Trời đã được thấy trong công cuộc sáng tạo (Thi 33:9), trong sự bảo tồn vạn vật (He 1:3), và trong sự giải cứu Ysơraên khỏi Ai cập (Thi 114). Nhưng sự phô bày lớn lao nhất về quyền năng của Ngài là sự phục sinh của Đấng Christ từ trong kẻ chết (IICo 13:4). Đối với tín hữu, quyền năng của Đức Chúa Trời liên quan đến Phúc Âm (Ro 1:16), đến sự an toàn của họ (IPhi 1:5), đến sự trông cậy của họ về sự sống lại của thân thể (ICo 6:14) và liên quan đến nếp sống mỗi ngày (Eph 1:9).

H. Tính Toàn Tại

1. Ý nghĩa. Sự toàn tại có nghĩa là Đức Chúa Trời hiện diện ở mọi nơi mọi lúc với toàn bộ bản thể của Ngài.

2. Kinh Thánh. Trong Thi 139:7-11 Đavít hỏi có chỗ nào cho người ta có thể trốn khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời không.Câu trả lời của ông là không, bởi vì sự toàn tại của Ngài không bị giới hạn bởi không gian (câu 8), không bị nao lòng trước tốc độ (câu 9), và không bị chi phối bởi bóng tối tăm (các câu 11-12).

3. Một vài điểm phân biệt. Như đã phát biểu trong định nghĩa, toàn tại không có nghĩa là hữu thể Đức Chúa Trời bị khuếch tán khắp cõi vũ trụ như thể một số phần của Ngài ở đây và một số ở kia. Toàn bộ hữu thể của Ngài đều có ở mọi nơi, và sự hiện diện của Chúa trong mỗi tín hữu là một minh họa dễ hiểu cho điều nầy.

Tính toàn tại không có nghĩa là tính cận kề tức thì trong sự hiện diện của Ngài là không khác nhau. Thật sự có khác. Sự hiện diện của Ngài trên ngôi Ngài (Kh 4:2), trong đền thờ của Salômôn (IISu 7:2), hoặc trong mỗi tín hữu (Ga 2:20) đương nhiên có tính cận kề tức thì khác với khi Ngài hiện diện ở nơi hồ lửa (Kh 14:10). Mặc dù trong hồ lửa con người sẽ bị phân cách khỏi sự hiện diện của mặt Đức Chúa Trời (IITe 1:9, prosopon), họ sẽ không bao giờ bị phân cách khỏi Chúa là Đấng toàn tại (Kh 14:10, enopion). Dĩ nhiên không có sự hiện diện của mối thông công (bởi vì mặt Chúa sẽ xây khỏi kẻ gian ác trong hồ lửa) như khi Ngài ngự trong những tín hữu.

Tính toàn tại khác với phiếm thần thuyết, là thuyết đồng nhất vũ trụ vạn vật với Đức Chúa Trời. Từ ngữ đã được dùng đầu tiên bởi nhà Tự nhiên thần luận người Anh John Toland (1670-1722) vào năm 1705 khi ông dạy rằng “Thượng đế là tâm trí hay linh hồn của vũ trụ vạn vật.” Tà giáo nầy không phân biệt Đấng Tạo hóa với vật thọ tạo, là sự phân biệt đã được dạy dỗ ngay từ câu đầu tiên của Kinh Thánh.

Tính toàn tại cũng khác với thuyết phiếm thần của những nhà thần học tiến trình khi họ nói rằng hữu thể Thượng đế thâm nhập toàn cõi vũ trụ vạn vật, tuy nhiên không bị vũ trụ vạn vật choán hết. Toàn tại thực sự có nghĩa Đức Chúa Trời có mặt ở tất cả mọi nơi nhưng không bị khuếch tán ra cũng không đang thâm nhập vào vũ trụ vạn vật. Hơn thế nữa, Đức Chúa Trời không đang phát triển như cách dạy của thần học tiến trình.

4. Một vài hệ qua. Không ai có thể trốn khỏi hiện diện của Đức Chúa Trời. Điều nầy cảnh cáo kẻ vô tín và an ủi các tín hữu nào có thể thực hành kinh nghiệm hiện diện của Ngài trong mỗi một hoàn cảnh cuộc sống vì cớ Đức Chúa Trời là Đấng toàn tại.

I. Tính Toàn Tri

1. Ý nghĩa. Toàn tri có nghĩa là Đức Chúa Trời biết mọi sự - cả những sự có trong thực tế lẫn những điều có thể xảy ra - biết một cách vừa dễ dàng vừa rõ ràng. A. W. Tozer đã viết:

Đức Chúa Trời hiểu biết ngay tức khắc và dễ dàng toàn bộ vấn đề và tất cả mọi vấn đề, toàn bộ tâm trí và mỗi một tâm trí,toàn bộ tâm linh và mọi tâm linh, toàn bộ hữu thể và mỗi một hữu thể, toàn bộ cõi thọ tạo và tất cả mọi tạo vật, mỗi một nhóm đa số và mọi nhóm đa số, toàn bộ luật và mỗi một luật, mọi mối liên hệ, mọi nguyên nhân, mọi ý tưởng, mọi sự huyền nhiệm, mọi điều bí ẩn khó hiểu, mọi cảm nghĩ, mọi mong muốn, mỗi một điều bí mật chưa hề nói ra, mọi ngôi vua và quyền thống trị, mọi cá tánh, mọi sự thấy được và không thấy được trên thiên đàng và dưới đất nầy, sự di động, không gian, thời gian, sự sống, sự chết, thiện, ác, thiên đàng và hỏa ngục.

Vì Đức Chúa Trời biết mọi sự một cách hoàn hảo,nên không hề có trường hợp Ngài biết điều nầy rõ hơn điều kia, nhưng Ngài biết mọi sự rõ ràng như nhau. Ngài không hề khám phá bất cứ điều gì, Ngài không bao giờ ngạc nhiên, không hề sửng sốt. Ngài không bao giờ thắc mắc bất cứ điều gì và cũng không hề tìm thông tin hay phải đặt câu hỏi (ngoại trừ khi hỏi người ta vì lợi ích của chính họ) (A.W. Tozer, Hiểu Biết về Thánh Linh, (N.Y.: Harper,1978, trang 62-3).

2. Kinh Thánh. Đức Chúa Trời biết mọi công việc của Ngài từ buổi ban đầu (Cong 15:18). Ngài đếm số và gọi tên các vì sao (Thi 147:4). Chúa của chúng ta bày tỏ sự toàn tri khi Ngài tuyên bố điều đáng lẽ đã xảy ra ở Tyrơ và Siđôn (Mat 11:21). Đức Chúa Trời biết mọi sự về cuộc đời chúng ta trước khi chúng ta sinh ra (Thi 139:16).

3. Ứng dụng.

(a) Toàn tri và sự an ninh. Không điều nào bất chợt lộ ra trong nếp sống của tín hữu mà nó làm cho Đức Chúa Trời ngạc nhiên và khiến Ngài loại người ấy ra. “Không người nói hành nào tố giác chúng ta được,không một kẻ thù nào có thể làm cho lời buộc tội đứng vững được; không một việc xấu xa bị quên lãng nào có thể tự nhiên lộ ra làm chúng ta bối rối và phơi bày quá khứ của chúng ta; không một sự yếu đuối bất ngờ nào trong tính cách của ta có thể đột nhiên lộ ra để khiến Đức Chúa Trời từ bỏ chúng ta, bởi vì Ngài tuyệt đối biết rõ chúng ta trước khi chúng ta biết Ngài và đã kêu gọi chúng ta đến với Ngài dẫu Ngài biết trọn vẹn mọi điều nghịch lại chúng ta” (trích cùng tác phẩm trên, trang 63)

(b) Tính toàn tri và sự nhạy bén. Mọi lời cảnh báo Chúa ban đều đến từ một Đấng toàn tri, cho nên chúng ta đáng phải hết sức nhạy bén đối với chúng. Ngài không cảnh báo chúng ta vì cớ chỉ dựa vào sự phỏng đoán điều có lẽ sẽ xảy ra. Ngài biết rõ.

(c) Tính toàn tri và sự an ủi. Khi gặp những hoàn cảnh không thể giải thích nổi trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn trú ẩn và tìm tìm sự an ủi trong sự toàn tri của Đức Chúa Trời. Ngài không chỉ biết điều thực sự đã xảy ra, Ngài còn biết điều có thể đã xảy ra nữa. Ngài luôn biết những điều tốt nhất và vinh hiển nhất nào sẽ đến từ những biến cố chúng ta không hiểu nổi.

(d) Tính toàn tri và sự tiết độ. Đức tính giè giữ tiết độ phải tiêu biểu cho tất cả những ai nhận thức họ phải ứng hầu trước một Đức Chúa Trời hiểu biết mọi sự (He 4:13).

J. Công Nghĩa

1. Ý nghĩa. Dầu có liên hệ đến sự thánh khiết,nhưng công nghĩa là một thuộc tính khác biệt của Đức Chúa Trời. Tính thánh khiết có liên hệ với sự biệt riêng của Đức Chúa Trời; tính công nghĩa lại có liên hệ với công lý của Ngài. Sự công nghĩa có liên quan đến luật pháp, đạo đức và công lý. Đối với chính Ngài, Đức Chúa Trời là công nghĩa; có nghĩa là không có luật nào - hoặc trong chính bản thể của Ngài hay do chính Ngài lập ra - bị vi phạm bởi bất cứ điều gì trong bản tánh của Ngài. Đối với tạo vật của Ngài, Ngài cũng là công nghĩa; có nghĩa là không có hành động nào của Ngài vi phạm vào bất cứ qui tắc đạo đức hay công lý nào. Đôi khi hai khía cạnh nầy của tính công nghĩa được gọi là tuyệt đối (trong liên hệ với chính Ngài) và tương đối (trong mối liên hệ với tạo vật của Ngài).

2. Kinh Thánh. Sự công nghĩa tuyệt đối của Đức Chúa Trời được tuyên bố trong Thi 11:7: “Vì Đức Giêhôva là công bình”(cũng xem Da 9:7). Đavít cũng tuyên bố sự công nghĩa tương đối của Ngài (Thi 19:9; cũng xem Cong 17:31).

K. Tính Đơn Nhất

1. Ý nghĩa. Thuộc tánh đơn nhất có nghĩa là Đức Chúa Trời không phải là một hữu thể gồm nhiều phần tổng hợp lại hoặc ghép lại với nhau. Thuộc tánh nầy liên quan với bản thể của Ngài, để tuyệt đối không mâu thuẫn với sự mặc khải về Ba Ngôi. Nhưng thuộc tánh nầy cũng nhắc chúng ta nhớ:khi chúng ta xem Đức Chúa Trời như một hữu thể Ba Ngôi Hiệp Một, thì Ngài là Đấng không thể phân chia, cũng không phải được kết hợp bởi nhiều thành phần hay nhiều chất, nhiều bản thể.

2. Kinh Thánh. “Đức Chúa Trời là thần” (Gi 4:24). Ngược lại, con người chẳng hạn là linh và vật chất. Dĩ nhiên trong Sự Nhập Thể, Chúa chúng ta trở nên xác thịt, nhưng thần tánh của Đấng Thần-Nhân đã luôn luôn và duy chỉ là Thần linh mà thôi.

3. Hệ qua. Tính đơn nhất của Đức Chúa Trời nhấn mạnh sự tự hữu của Ngài (bởi vì đã không có nguyên nhân đi trước nào để hình thành một hữu thể phức hợp), bảo đảm cho chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ không phải Thần linh, và cho phép chúng ta thờ phượng trong tâm linh; có nghĩa là không bằng những phương cách vật chất.

L. Tể Trị Tối Thượng

1. Ý nghĩa. Từ ngữ nầy có nghĩa là: chính yếu,là chủ cao nhất, là tối cao. Chữ này nói lên trước hết về địa vị (Đức Chúa Trời là Hữu Thể đứng đầu trong muôn loài vạn vật), rồi đến uy quyền (Đức Chúa Trời là tối cao về quyền bính trong toàn vũ trụ vạn vật). Cách Ngài thực thi uy quyền đó được bày tỏ trong Thánh Kinh. Một người cầm quyền tối cao có thể là một kẻ độc tài (Đức Chúa Trời không như thế), hoặc một người cầm quyền tối cao có thể thoái thác sử dụng những uy quyền của mình (Đức Chúa Trời đã không làm vậy).Trên hết, Đức Chúa Trời đang kiểm soát hoàn toàn mọi sự việc, dầu vậy Ngài có thể chọn để cho một số sự kiện xảy ra theo định luật tự nhiên mà Ngài đã ban hành.

2. Kinh Thánh. Đức Chúa Trời có một kế hoạch (Cong 15:18) là chương trình bao gồm tất cả (Eph 1:11) là chương trình do Ngài kiểm soát (Thi 135:6), là chương trình có bao gồm điều ác nhưng không đưa Ngài dự phần vào điều ác (Ch 16:4), và chương trình đó trên hết là để ca ngợi vinh hiển Ngài (Eph 1:14).

3. Thắc mắc. Quyền tể trị của Chúa dường như mâu thuẫn với sự tự do hoặc trách nhiệm thực sự của con người. Nhưng dầu có vẻ như thế, sự trọn vẹn của quyền tể trị được dạy dỗ rõ ràng trong Kinh Thánh, cho nên chúng ta không được phép phủ nhận chỉ vì cớ mình không thể dung hòa thuộc tánh này với sự tự do hoặc trách nhiệm.

Tương tự, nếu Đức Chúa Trời đang tể trị, làm thể nào tạo vật lại đầy dẫy những điều ác? Con người đã được tạo dựng có sự tự do thật, nhưng chính việc dùng quyền tự do đó để chống lại với Đức Chúa Trời đã đưa tội lỗi vào dòng dõi loài người. Dầu Đức Chúa Trời đã là Đấng Hoạch Định chương trình, Ngài tuyệt đối không hề can dự vào việc làm ác của Satan thuở ban đầu hoặc việc làm ác của Ađam tiếp sau đó. Dầu Đức Chúa Trời ghét tội lỗi,nhưng vì những lý do nào đó Chúa không bày tỏ cho chúng ta, tội lỗi hiện có mặt bởi sự cho phép của Chúa. Tội lỗi phải thuộc trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời (nếu không Đức Chúa Trời sẽ không tể trị tối cao) ở một mức độ nào đó sao cho Ngài không phải là tác giả của tội lỗi (nếu không Đức Chúa Trời sẽ không thể thánh khiết).

Quyền tể trị/ sự tự do hình thành cặp quy luật có vẻ đối lập (antinomy - “một sự mâu thuẫn giữa hai nguyên tắc có giá trị bình đẳng hiển nhiên như nhau, hoặc giữa những điều suy luận được rút ra chính xác từ những nguyên tắc như thế”). Tuy nhiên, những cặp quy luật có vẻ đối lập trong Kinh Thánh chỉ là những điều có vẻ như mâu thuẫn, không phải là những mâu thuẫn tối hậu. Một là chúng ta có thể chấp nhận những lẽ thật của một cặp quy luật có vẻ đối lập và rồi sống với chúng, bởi đức tin chấp nhận điều không thể dung hòa được; hai là cố dung hòa những điều có vẻ mâu thuẫn trong một cặp quy luật có vẻ đối lập, mà việc này chắc chắn không tránh khỏi nhấn mạnh quá đáng chân lý nầy đến nỗi bỏ sót hoặc thậm chí phủ nhận cả chân lý kia. Quyền tể trị tối thượng không được phép loại bỏ ý chí tự do, và ý chí tự do sẽ không được phép giảm nhẹ quyền tể trị.

M. Chân Thật

1. Ý nghĩa. Chân thật có nghĩa là “nhất trí với điều mà nó đại diện cho” và bao gồm những ý niệm về tính xác thực, trung tín, và nhất quán. Trong ý nghĩa bao quát nhất, nói Đức Chúa Trời là chân thật tức là muốn nói Ngài là nhất quán với chính Ngài, Ngài là toàn bộ những gì Ngài đáng phải có, Ngài đã bày tỏ chính Ngài đúng như Ngài thật sự vốn có, và Ngài và sự mặc khải của Ngài là hoàn toàn đáng tin cậy.

2. Kinh Thánh. Đức Chúa Trời là chân thần duy nhất (Gi 17:3), và vì thế không thể nói dối (Tit 1:2) và luôn luôn có thể tin cậy được (Ro 3:4; He 6:18).

3. Những hệ qua. Bởi vì Đức Chúa Trời là chân thật, Ngài không thể làm điều gì không nhất quán với chính Ngài. Những lời hứa của Ngài không bao giờ có thể bị hủy bỏ hoặc không hoàn thành (xem IITi 2:13), và Kinh Thánh là Lời của Ngài cũng phải chân thật không chút sai lầm.

N. Hiệp Nhất

1. Ý nghĩa. Sự hiệp nhất có nghĩa là chỉ có một Đức Chúa Trời là Đấng không thể phân chia ra được.

2. Kinh Thánh. Sự hiệp nhất của Đức Chúa Trời đã là sự mặc khải chính yếu trong Thánh Kinh Cựu Ước như được tóm tắt trong tuyên ngôn đức tin Shema trứ danh (lấy từ chữ đầu “Hãy nghe” trong Phu 6:4).Câu Kinh Thánh nầy có thể được dịch nhiều cách: “Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta là Giêhôva có một không hai,” nhấn mạnh sự hiệp nhất của Đức Chúa Trời; hoặc dịch là “Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta, chỉ một mình Ngài là Chúa” nhấn mạnh tính độc nhất vô nhị của Đức Chúa Trời để phân biệt với các thần ngoại đạo. Kinh Thánh Tân Ước, dù có mặc khải rõ ràng về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, cũng xác quyết sự hiệp nhất của Đức Chúa Trời (Eph 4:6; ICo 8:6; ITi 2:5). Điều nầy có nghĩa là các Thân Vị của Ba Ngôi không phải là những bản thể tách biệt ở bên trong một bản thể thiên thượng duy nhất. Đức Chúa Trời là Một về số lượng và về tính độc nhất vô nhị.

Một kết luận quan trọng về những sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời: chúng mô tả Đức Chúa Trời chân thật duy nhất đang hiện hữu.Con người tự tạo lên cho mình những thần tượng giả mà họ có thể điều khiển và kiểm soát trên chúng. Cơ đốc nhân đôi khi dựng lên nhiều khái niệm sai lạc hoặc khiếm khuyết về Đức Chúa Trời cũng vì cùng lý do đó - để có thể điều khiển, giật dây Ngài, hoặc để mình khỏi phải đối diện với Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống.Nhưng một Đức Chúa Trời thực sự đang hiện hữu là Đấng được bày tỏ chủ yếu trong Kinh Thánh và được tỏ ra bởi những thuộc tánh hay sự trọn vẹn này của bản thể Ngài. Để có thể biết Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật này đòi hỏi phải có phép lạ của sự khải thị đầy ơn của chính Ngài. Đồng bước đi với Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống trong sự thờ phượng chính là đặc quyền của người nào biết Ngài.