- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Thần Học Căn Bản của Charles C. Ryrie
I. DẠY DỖ
Chức vụ dạy dỗ của Thánh Linh là một trong những lời hứa sau cùng của Đấng Christ trước khi Ngài chịu đóng đinh. Ngài phán:
“Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa;nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến. Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh Ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về Ta mà rao bảo cho các ngươi. Mọi sự Cha có điều là của Ta; nên Ta nói rằng Ngài sẽ lấy điều thuộc về Ta mà rao bảo cho các ngươi vậy” (Gi 16:12-15).
A. Thời Gian
Chức vụ đặc biệt này của Thánh Linh còn ở trong tương lai khi Chúa chúng ta phán những lời ở đây. Chức vụ này bắt đầu trong Ngày Lễ Ngũ Tuần và tiếp tục suốt thời đại này. Sự hiểu biết rõ ràng của Phierơ thể hiện trong bài giảng Lễ Ngũ Tuần là bằng chứng sự khởi đầu chức vụ này.
B. Nội Dung
Nói chung, nội dung chức vụ Thánh Linh bao gồm “mọi lẽ thật” (mạo tự xác định xuất hiện trong câu này). Dĩ nhiên điều này nói đến khải thị về chính Đấng Christ, nhưng dựa trên nền tảng Lời thành văn (vì chúng ta không có thông tin nào khác về Ngài ngoại trừ qua Thánh Kinh). Vì vậy,Thánh Linh dạy tín hữu nội dung của Thánh Kinh, để khiến họ hiểu biết lời tiên tri (“những điều sẽ đến ”). Việc cụ thể hóa lời hứa tổng quát về công tác dạy dỗ này đáng phải khích lệ mọi tín hữu nghiên cứu lời tiên tri. Cũng để ý rằng Thánh Linh không tự phát khởi những sứ điệp của Ngài – chúng đến từ Chúa.
C. Kết Quả
Kết quả chức vụ dạy dỗ của Thánh Linh là Đấng Christ phải được vinh hiển. Nếu Đấng Christ không được vinh hiển, thì Thánh Linh đang không thi hành chức vụ. Cũng lưu ý, không phải Thánh Linh là Đấng được tôn vinh hiển, hoặc là Đấng đáng phải được tôn vinh hiển một buổi nhóm, nhưng chính Đấng Christ. Hơn nữa, nếu Đấng Christ được tỏ ra chỉ bởi Lời thành văn,thì Ngài sẽ được tôn vinh hiển khi Lời Đức Chúa Trời được giảng giải trong quyền năng của Thánh Linh.
D. Phương Thức
Đức Thánh Linh dạy tín hữu bằng cách nào?Giăng tuyên bố: “về phần các con sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình, thì không cần ai dạy cho hết; song vì sự xức dầu của Ngài dạy các con đủ mọi việc, mà sự ấy là thật, không phải dối, thì hãy ở trong Ngài, theo như sự dạy dỗ mà các con đã nhận” (IGi 2:27). Điều này ắt không thể có nghĩa không cần những con người làm thầy để giải thích Lời Đức Chúa Trời. Nếu vậy ân tứ giảng dạy có công dụng nào? (Ro 12:7). Giăng đã viết về hiện diện của những kẻ địch lại Đấng Christ trong nhóm. Sau khi đích thân lên án những tà giáo của họ, ông đơn giản tuyên bố không một con người nào thật sự phải nói chân lý cho họ, bởi vì Đức Thánh Linh sẽ xác nhận chân lý đó cho họ. Các giáo sư loài người là mắt xích cần thiết trong phương thức dạy dỗ các tín hữu, dù vậy sự xác chứng tối hậu cho công tác dạy dỗ đến từ Thánh Linh.
II. DẪN DẮT
“Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời” (Ro 8:14). Dẫn dắt là một sự xác nhận quyền làm con, vì con cái được hướng dẫn. Công tác dẫn dắt này đặc biệt là công việc của Đức Thánh Linh. Ro 8:14 phát biểu điều này và sách Công Vụ minh họa thật phong phú điều này (8:29; 10:19-20; 13:2,4; 16:6-7; 20:22-23). Chức vụ này của Đức Thánh Linh là một trong những chức vụ bảo đảm nhất dành cho Cơ đốc nhân. Con cái của Đức Chúa Trời không bao giờ cần phải bước đi trong tối tăm; họ luôn luôn được tự do để cầu xin và nhận lãnh những sự hướng dẫn đến từ Chính Đức Thánh Linh.
III. BẢO ĐẢM
Đức Thánh Linh cũng là Đấng bảo đảm cho Cơ đốc nhân rằng họ là con cái của Đức Chúa Trời. “Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời” (Ro 8:16). Từ ngữ dành cho con cái ở đây là tekna (khác với chữ huioi, “các con trai”) và nhấn mạnh sự kiện tín hữu được dự phần sự sống của Đức Chúa Cha. Vì vậy, tín hữu cũng dự phần với tư cách người thừa kế tài sản của Đức Chúa Cha. Sự bảo đảm toàn bộ điều này chính là công tác của Đức Thánh Linh trong lòng mỗi Cơ đốc nhân.
Rõ ràng, lòng tín hữu cũng được sự bảo đảm bởi ngày càng hiểu biết hơn về một số việc Thánh Linh đã làm cho mình. Ví dụ, sự bảo đảm sẽ càng sâu đậm hơn khi họ hiểu ý nghĩa của việc được ấn chứng bởi Thánh Linh và được ban của cầm của Đức Thánh Linh như sự bảo chứng việc hoàn tất sự cứu chuộc (Eph 1:13-14). Hiểu biết điều gì dự phần trong việc Thánh Linh liên hiệp tín hữu vào thân thể phục sinh bất tử của Đấng Christ cũng sẽ nuôi dưỡng sự bảo đảm. Dĩ nhiên, hiểu những thành tựu lớn lao này là một phần trong chức vụ dạy dỗ của Thánh Linh, vì vậy trên nhiều phương diện, Thánh Linh được liên kết với và quan tâm đến sự bảo đảm của con cái Đức Chúa Trời.
IV. CẦU NGUYỆN
A. Lời Tuyên Bố
Dù có lẽ chúng ta không hiểu trọn những kết quả do Thánh Linh cầu nguyện trong tín hữu, nhưng sự kiện Ngài cầu nguyện như vậy là hoàn toàn rõ ràng: “Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta” (Ro 8:26).
B. Nhu Cần
Nguyên nhân nêu rõ chúng ta cần được giúp chính vì sự yếu đuối (từ này ở số ít) của chúng ta. Ngài giúp cho toàn bộ sự yếu đuối của chúng ta, nhưng đặc biệt khi yếu đuối ấy tự biểu hiện trong đời sống cầu nguyện của chúng ta, và cụ thể là yếu đuối về việc biết phải cầu nguyện điều gì trong chính thời điểm này. Trong khi chờ đợi sự cứu chuộc đầy trọn của mình,chúng ta cần được hướng dẫn trong những chi tiết cụ thể của sự cầu nguyện.
C. Phương Pháp
Phương cách Thánh Linh giúp đáp ứng những nhu cầu của chúng ta được mô tả tổng quát bởi từ ngữ “giúp,” nguyên văn là “đặt tay Ngài vào công việc để đồng công với chúng ta” (R.St. John Parry, “Romans,”Cambridge Greek Testament (New York: Cambridge University Press, 1912, trang 120). Nói cụ thể, sự giúp đỡ này được ban trong hình thức “những lời thở than không thể nói ra được.” Những lời thở than này, mà không thể nào hiểu hết ý nghĩa của chúng, không thể phô diễn thành lời hay thỏa đáng được. Chúng ta thực sự có biết một điều – đó là chúng theo đúng ý muốn của Đức Chúa Trời.
Trong một phân đoạn khác, chúng ta được biết Thánh Linh hướng dẫn và điều khiển những lời cầu nguyện của chúng ta (Eph 6:18). Đây là sự dẫn dắt lòng và trí tín hữu khi người ấy cầu nguyện hơn là những lời thở than không thể nói ra được của chính Thánh Linh.
D. Kết Quả
Kết quả đời sống cầu nguyện như thế là sự bảo đảm cho tín hữu về tính chắc chắn của sự cứu chuộc đầy trọn trong tương lai của người đó (Ro 8:23). Chức vụ này của Thánh Linh là sự bảo chứng như kiểu của cầm cho sự cứu chuộc đó. Đời sống cầu nguyện thỏa lòng như thế sẽ giúp gìn giữ chúng ta thỏa lòng trong thế gain này khi chúng ta trông đợi sự chung kết thành toàn. Như vậy, chức vụ của Thánh Linh không những liên kết với lời cầu nguyện được nhậm, mà còn vun đắp sự bảo đảm và sự thỏa lòng của chúng ta trong đời này.
V. THÁNH HÓA
A. Khái Niệm Sự Nên Thánh
Chữ “làm nên thánh” về cơ bản có nghĩa là biệt riêng ra. Chữ này cùng gốc với chữ thánh đồ và thánh khiết. Đối với Cơđốc nhân,sự nên thánh gồm ba phương diện. Phương diện thứ nhất được gọi là sự nên thánh địa vị hay sự nên thánh dứt khoát, liên hệ đến địa vị của mọi tín hữu được hưởng nhờ được biệt riêng ra làm thành viên gia đình của Đức Chúa Trời bởi đức tin nơi Đấng Christ. Phương diện này đúng cho mọi tín hữu bất luận các mức độ tăng trưởng tâm linh khác nhau. Phaolô gọi những Cơđốc nhân xác thịt cùng toàn bộ nếp sống tội lỗi của họ là những người được nên thánh (và bởi đó là thánh đồ, ICo 1:2; cũng xem 6:11, trong đó động từ chỉ ra những sự kiện đã được hoàn tất, chứ không phải điều cần đạt được).
Phương diện thứ nhì của sự nên thánh liên quan đến công tác thực nghiệm hiện tại hay công tác tiệm tiến để tiếp tục được biệt riêng ra trong toàn bộ cuộc đời Cơđốc của chúng ta. Mọi mạng lệnh và lời khuyên bảo sống thánh khiết liên quan đến sự nên thánh tiệm tiến (IPhi 1:16).
Phương diện thứ ba thường gọi là sự nên thánh sau cùng, sẽ đạt được tại thiên đàng khi chúng ta được biệt riêng hoàn toàn và đời đời cho Đức Chúa Trời chúng ta (Eph 5:26-27; Giuđe 24-25).
B. Những Tác Nhân Trong Sự Nên Thánh
Cả Ba Ngôi đều dự phần vào sự nên thánh, và cả tín hữu nữa. Trong sự nên thánh địa vị, xảy ra khi chúng ta được cứu, Đức Thánh Linh thánh hóa chúng ta, còn trách nhiệm của chúng ta là tin lẽ thật (IITe 2:13). Sự chết của Đấng Christ là cơ sở cho địa vị chúng ta trong sự nên thánh (He 10:10). Trong sự nên thánh sau cùng, Đức Chúa Trời là Đấng sẽ trình chúng ta ra không chỗ trách được.
Trong tiến trình nên thánh tiệm tiến có rất nhiều tác nhân dự phần. Chúa Jesus đã cầu nguyện với chính Đức Chúa Cha để Cha sẽ khiến chúng ta nên thánh bởi lẽ thật (Gi 17:17 và ITe 5:23). Như vậy, Kinh Thánh trở thành nền tảng không thể thiếu cho sự nên thánh của chúng ta. Chúng ta còn cách nào khác để biết điều gì làm đẹp lòng một Đức Chúa Trời thánh khiết ngoại trừ nhờ Lời Ngài? Sự chết của Đấng Christ (mà Ngài đã thánh hóa Ngài hay biệt riêng Ngài ra cho sự chết ấy) là cơ sở cho chúng ta có thể tấn tới trong sự nên thánh (Gi 17:19; Ro 6:1-13). Tuy nhiên, Thánh Linh là tác nhân nổi bật để thực hiện sự nên thánh tiệm tiến của chúng ta. Chính nhờ Thánh Linh mà chúng ta làm cho chết những việc làm của thân thể (Ro 8:13). Thánh Linh nhen bừng lên tình yêu thương trong lòng chúng ta (Ro 5:5). Nhờ Thánh Linh, chúng ta được biến hóa từ vinh hiển sang vinh hiển để ngày càng trở nên giống Đấng Christ hơn (IICo 3:18). Và chính trái Thánh Linh tạo ra trong chúng ta ảnh tượng của Đấng Christ, là mục tiêu của sự nên thánh (Ga 5:22-23).
Thế nhưng tín hữu phải trung tín làm trọn những trách nhiệm của mình trong sự nên thánh. Khi chúng ta dâng mình với tư cách nô lệ cho sự công bình, thì có kết quả là sự nên thánh (Ro 6:19; cũng xem Ro 6:13;IICo 7:1; IPhi 2:11). Chúng ta phải vâng giữ những mạng lịnh và lời khuyên bảo của nếp sống Cơ đốc để được tiến tới trong sự nên thánh.
Giấu hoặc rút lại những lĩnh vực của đời sống khỏi sự nên thánh Chúa muốn dành cho chúng ta sẽ khiến chúng ta bị điều khiển bởi xác thịt thay vì bởi Thánh Linh. Điều này dẫn đến tình trạng tín hữu sống theo xác thịt trong những lãnh vực chưa chịu đầu phục hay những lãnh vực chống nghịch ấy (ICo 3:1-5). Tình trạng sống theo xác thịt thể hiện những đặc trưng của đời sống chưa được cứu vì bị điều khiển bởi xác thịt (Ga 5:16-21). Vì vậy, sự đầu phục, đầy dẫy Thánh Linh, và tiến trình nên thánh cùng dự phần biệt riêng chúng ta ngày càng nhiều hơn cho ảnh tượng của Đấng Christ.