Khái niệm Đức Thánh Linh đầy dẫy con người xuất hiện mười lăm lần trong Tân Ước, bốn lần trong số đó là trước Lễ Ngũ Tuần.Dường như khái niệm này có một ý chính gồm hai phần, và những hệ quả của nó rất quan trọng cho đời sống và sinh hoạt của Cơ đốc nhân.

I. MỐI LIÊN HỆ CỦA SỰ ĐẦY DẪY THÁNH LINH VỚI NẾP SỐNG THUỘC LINH

A. Định Nghĩa Về Nếp Sống Thuộc Linh

Trong ICo 2:15 chúng ta có định nghĩa gần nhất cho nếp sống thuộc linh, và thật ra đó chỉ là sự mô tả thôi. Nếu tín hữu thuộc linh (thiêng liêng) xử đoán, hoặc xem xét, hoặc phân biệt mọi sự, còn chính người không bị ai xử đoán, thì nếp sống thuộc linh nói đến mối liên hệ trưởng thành,hãy còn trưởng thành, đối với Đức Chúa Trời.

Điều này đòi hỏi ít nhất ba yếu tố: (a) sự tái sinh; (b) những chức vụ của Đức Chúa Trời trong đời sống tín hữu; và (c) thời gian để lớn lên trong sự trưởng thành.

B. Vai Trò Của Thánh Linh Để Đem Lại Nếp Sống Thuộc Linh

Nếu trưởng thành là phương diện căn bản trong nếp sống thuộc linh, thì Thánh Linh phải giữ vai trò chủ yếu để đem lại nếp sống ấy. Có khả năng biện biệt gồm hiểu biết ý muốn và tầm nhìn của Đức Chúa Trời.Thánh Linh tạo ra điều này thông qua chức vụ dạy dỗ của Ngài (Gi 16:12-15).Cũng gồm sự cầu nguyện theo ý muốn Chúa, là điều được Thánh Linh hướng dẫn (Ro 8:26; Eph 6:18). Tín hữu thuộc linh chắc chắn sẽ là người đang vận dụng các ân tứ thuộc linh Thánh Linh cho và ban quyền năng (ICo 12:7). Người đó sẽ học chiến đấu cách đắc thắng với xác thịt bằng năng quyền Thánh Linh (Ro 8:13; Ga 5:16-17). Nói ngắn gọn, đầy dẫy Đức Thánh Linh là bí quyết để tạo ra nếp sống thuộc linh trong tín hữu.

C. Một Vài Hệ Quả Của Khái Niệm Này

Nếu nếp sống thuộc linh có liên quan đến sự trưởng thành, thì có thể có nhiều mức độ của nếp sống thuộc linh, vì có nhiều giai đoạn của sự trưởng thành. Hiển nhiên Phaolô trông đợi những tín hữu tại Côrinhtô đạt đến mức độ trưởng thành nhờ đó có thể gọi họ là thuộc linh trong vòng năm hoặc sáu năm. Phúc âm được giảng lần đầu tiên tại Côrinhtô trong hành trình truyền giáo thứ hai của ông (vào khoảng năm 50 S.C.) và lá thư đầu tiên của ông cho hội thánh này được viết khoảng năm 56 S.C., trong thơ quở trách những Cơ đốc nhân này vì ông không thể đối xử với họ như người trưởng thành thuộc linh.

Dường như một người có thể thối lui trong một lãnh vực của nếp sống thuộc linh mà không mất mọi điều người ấy đã nhận lãnh được qua những năm đó. Có một số tội sẽ ảnh hưởng nhiều lãnh vực của đời sống và mối thông công hơn những tội lỗi khác.

Nếu đầy dẫy Đức Thánh Linh liên quan đến sự kiểm soát của Thánh Linh trong một đời sống, thì một tín hữu mới đương nhiên có thể được Thánh Linh kiểm soát trong bất kỳ lãnh vực nào mà họ biết đến. Nhưng nói vậy không có nghĩa họ là người thuộc linh, vì chưa đủ thời gian cho người đó trưởng thành. Khi sự trưởng thành đến, sẽ lộ ra càng nhiều lãnh vực hơn nữa cần được kiểm soát. Khi đáp ứng cách tích cực và để Đức Thánh Linh mở rộng quyền kiểm soát của Ngài, chúng ta càng trưởng thành hơn. Và cứ tiếp tục như thế.

Làm Cơ đốc nhân một thời gian không bảo đảm có nếp sống thuộc linh, vì có thể người đó không để cho Đức Thánh Linh kiểm soát nếp sống của họ trong một số những năm đó.

Có nhiều giai đoạn trưởng thành. Dù có lẽ một người đạt đến sự trưởng thành, nhưng vẫn luôn luôn còn mức trưởng thành cao hơn nữa cần phải đạt đến. Nếp sống thuộc linh là mối liên hệ trưởng thành, hãy còn trưởng thành mãi, đối với Đức Chúa Trời.

II. SỰ ĐẦY DẪY THÁNH LINH

Dường như có hai phương diện trong sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Phương diện đầu tiên có thể nói là hành động tể trị tối thượng của Đức Chúa Trời nhờ đó Ngài chiếm hữu một người cho một công tác đặc biệt. Điều này được diễn tả bởi cụm từ Hylạp pimplçmi pneumatos agiou, và nó làm nổi bật sự kiện được đổ đầy hơn là tình trạng đến bởi sự đầy dẫy. Cụm từ này có ở Lu 1:15 (Giăng Báptít), 41 (Êlisabét), c. 67 (Xachari); Cong 2:4 (nhóm người trong Ngày Lễ Ngũ Tuần); 4:8 (Phierơ), c. 31 (các tín hữu); 9:17 (Phaolô); và 13:9 (Phaolô).

Hãy quan sát, phương diện đổ đầy này được một số người trong cũng chính nhóm đó kinh nghiệm khá thường xuyên, và xen giữa đó không có tội lỗi để có lẽ buộc phải cần đồ đầy lập đi lập lại. Sự lập lại này là do có một nhu cầu mới cho sự phục vụ đặc biệt, chứ không phải vì tội lỗi xen vào (2:4; 4:8,31). Đức Chúa Trời đã làm việc này như một hành động tể trị tối thượng của Ngài mà không hề áp đặt những điều kiện cho những người được đầy dẫy.

Có thể nói phương diện thứ hai của sự đổ đầy Thánh Linh là mở rộng tầm ảnh hưởng và quyền kiểm soát của Thánh Linh trong đời sống một tín hữu. Nó làm bằng chứng cho tình trạng đầy dẫy lâu dài hơn là một biến cố cụ thể. Nó tạo ra một đức tánh nhất định của đời sống, và dường như là từ đồng nghĩa rất sát với nếp sống thuộc linh. Điều này được chỉ ra bởi cụm từ Hylạp plere hoặc pleroo pneumatos agiou. Cụm từ này xuất hiện trong Lu 4:1 (Đấng Christ); Cong 6:3,5 (những người trợ giúp đầu tiên cho các sứ đồ), 7:55 (Êtiên); 11:24 (Banaba); 13:52 (các môn đệ); và Eph 5:18 (các tín hữu).

Phương diện này trong sự đầy dẫy Đức Thánh Linh là sự tiến cử đức tánh tốt nhất mà một người có thể có. Đây có vẻ là điều mọi tín hữu đều có thể kinh nghiệm (Cong 13:52), nhưng lại không phải điều mọi tín hữu đều thực sự kinh nghiệm (6:3). Dù không nhắc đến những điều kiện cụ thể trong các văn mạch này, các đòi hỏi bình thường cho sự tăng trưởng Cơ đốc vẫn hàm ý những điều kiện để đạt được loại tính cách này.

Trong lần duy nhất viết về sự đầy dẫy (Eph 5:18), Phaolô đã nhấn mạnh các phương diện được đầy dẫy này. Vì truyền lệnh như vậy, nên có vẻ ông không nghĩ mọi độc giả đều đã kinh nghiệm điều đó. Có hai thắc mắc nảy sinh khi giải nghĩa câu này.

Câu hỏi đầu tiên là: “linh” có ý nghĩa gì?Nói đến Đức Thánh Linh hay là linh của con người? Nếu là linh con người, thì câu này có nghĩa là phải tận dụng linh của con người trong sự thờ phượng chung (dù vậy không có câu Kinh Thánh Tân Ước nào khác nói đến sự đầy dẫy linh loài người). Thật ra, những lần xuất hiện khác của từ en pneumati trong thư Êphêsô (2:22; 3:5; 6:18) và Côlôse (1:8) đều rõ ràng nói đến Đức Thánh Linh. Cho nên người ta sẽ cho rằng Phaolô cũng nói đến Đức Thánh Linh trong Ephêsô 5:18. Lưu ý động từ pleroơ được dùng để nói đến Đức Chúa Trời (3:19) và Đức Chúa Con (4:10). Tại sao Phaolô muốn chuyển sang linh con người trong 5:18? (Để biết tuyên bố về quan điểm linh của con người, xem S.D.F. Salmond, “The Epistle to the Ephesians,” The Expositor’s Greek Testament [Grand Rapids: Eerdmans, 1952],3:362.)

Thắc mắc thứ hai liên quan đến cách dùng chữ en. Chữ này có nghĩa với Đức Thánh Linh hay bởi Đức Thánh Linh? Nói cách khác,Thánh Linh là nội dung hay là Tác Nhân của sự đầy dẫy chúng ta? Trường hợp này có thể mang cả hai ý nghĩa. (Về ý nói đến “nội dung,” xem Ro 1:29 và IICo 7:4.)Có lẽ cả hai ý đều được ngụ ý tại đây. Thánh Linh là Tác Nhân, Đấng đầy dẫy chúng ta bằng Chính Mình Ngài. (Đây là quan điểm của C.J. Ellicott. St. Paul’s Epistle to the Ephesians (London: Longmans, 1868, trang 124).

Tóm lại: đầy dẫy Thánh Linh vừa là sự ban năng quyền tối thượng của Đức Chúa Trời cho chúng ta bởi Thánh Linh cho công tác đặc biệt và là việc Thánh Linh đổ đầy chính đức tính của Ngài cho chúng ta.

III. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VIỆC ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH

A. Tính Cách Giống HÌnh Ảnh Đấng Christ (Ga 5:22-23)

Khi Đức Thánh Linh kiểm soát một đời sống,bông trái của Ngài sẽ được sinh ra trong đời sống đó. Và dĩ nhiên, phần mô tả trái Đức Thánh Linh là sự mô tả về tình trạng giống hình ảnh Đấng Christ. Tuy nhiên, phải xem xét mỗi một đặc trưng này trong mọi khía cạnh của chúng, chứ không chỉ như một khía cạnh nào đó phù hợp với những ý nghĩ của chúng ta về sự giống hình ảnh Đấng Christ.

Rõ ràng nhiều người nghĩ tình trạng giống hình ảnh Đấng Christ là sự phản ánh những cá tánh của riêng họ. Người sống nội tâm có lẽ sẽ nghĩ Chúa của chúng ta là một Đấng hay e thẹn và hay ẩn dật, còn người sống hướng ngoại sẽ xem Ngài như một Lãnh Tụ năng nổ. Khi định nghĩa đầy đủ cho chín từ ngữ hợp thành trái Thánh Linh, chúng ta sẽ có hình ảnh đầy trọn của tình trạng giống Đấng Christ thật.

Ví dụ, tình yêu thương bao gồm không những sự dịu dàng mà đôi khi còn nghiêm khắc nữa. Khi Đấng Christ cư xử với các em nhỏ,Ngài dịu dàng. Khi đánh đuổi kẻ đổi bạc, Ngài nghiêm khắc. Nhưng cả hai hành động đều là những biểu hiện yêu thương vì Ngài là Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời là tình yêu thương.

Vui mừng được bày tỏ không những trong niềm hạnh phúc mà còn trong buồn bã thử thách nữa (IPhi 1:6). Bình an bao gồm sự yên tĩnh mà cũng có thể gồm những nan đề trong các mối liên hệ của con người nữa (Mat 10:34). Nhịn nhục có nghĩa điềm đạm bình thản và kiên nhẫn nhưng cũng không loại trừ sự kích động (như Chúa đã làm với Philíp, Gi 14:9). Hiền lành và nhân từ nói đến các suy nghĩ và hành động với lòng tốt, mà có thể gồm cả việc ném đàn con heo xuống biển Galilê như một điều nhân đức đối với những người dính dáng đến chuyện làm ăn bất hợp pháp đó (Mat 8:28-34). Trung tín chắc chắn gồm sự phục vụ đều đặn và đáng tin cậy, nhưng có lẽ cũng bao gồm một hành động không đều đặn không chính quy. Nhu mì là dịu dàng đối với con người nhưng cũng không có nghĩa yếu đuối. Tiết độ ảnh hưởng mọi mặt của đời sống (ICo 9:27).

B. Dự Phần Truyền Giảng

Khi sách Công Vụ nhắc đến sự đầy dẫy Đức Thánh Linh thì ghi lại những sự qui đạo. Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (2:4) đem lại kết quả ba ngàn người hoán cải (c. 41). Sự đầy dẫy Thánh Linh của các môn đồ trong 4:31 đem lại kết quả bao đoàn dân đông nam nữ quay về với Chúa (5:14). Một trong những phẩm cách để chọn những người giúp việc đầu tiên là họ phải đầy dẫy Đức Thánh Linh (6:3). Tiếp đó là sự qui đạo của rất nhiều thầy tế lễ (c.7). Phaolô được đầy dẫy Đức Thánh Linh sau khi hoán cải, và kết quả của đời sống ông được nhiều người biết đến. Khi Banaba, là người được đầy dẫy Thánh Linh, đi đến Antiốt thì có nhiều người trở lại đạo (11:24). Chắc chắn những người đã cầu nguyện (4:24) và những người ban phát (c. 34) đều đã dự phần y như những người trực tiếp làm chứng để có kết quả những người trở lại đạo này.

C. Ca Ngợi, Thờ Phượng, Cảm Tạ, Vâng Phục (Eph 5:19-21)

Phaolô nêu bốn chứng cứ về sự đầy dẫy Thánh Linh sau mạng lệnh truyền phải đầy dẫy trong câu 18. Ca ngợi được bày tỏ ra bên ngoài bằng cách dùng Thi Thiên, thánh ca và các bài hát thiêng liêng để đối đáp với người khác. Ca hát và hết lòng hát khen là bằng chứng của thái độ thờ phượng bên trong. Việc dâng những lời tạ ơn phải càng bao hàm mọi sự càng tốt, và lời tạ ơn này được viết bởi một người đang thời kỳ bị quản thúc tại gia ở Rôma, chờ xử án. Sự vâng phục trong các mối quan hệ của đời sống (chồng/vợ, cha mẹ/con cái, chủ/thợ) cũng bày tỏ đặc điểm của nếp sống được đầy dẫy Thánh Linh. Chú ý rằng mọi điều này là những vấn đề rất bình thường có ảnh hưởng đến những thông lệ của đời sống hàng ngày, chứ không phải những kỳ công phi thường của sức mạnh thuộc linh.

IV. LÀM SAO TÔI ĐƯỢC ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH?

Trong tư liệu sau Lễ Ngũ Tuần của Thánh Kinh Tân Ước không có ví dụ nào về sự cầu xin được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Cho nên sự cầu nguyện - cho dù nhiệt thành đến đâu đi nữa - dường như không phải là cách để được đầy dẫy.

Nếu sự đầy dẫy liên quan đến quyền kiểm soát của Thánh Linh trong đời sống mình (dù theo là quyền nắm giữ một người cách tối thượng của Đức Chúa Trời hoặc sự kiểm soát liên tục để rèn tập tính cách), thì sự đầy dẫy liên quan đến sự đầu phục. Khi tôi bằng lòng để Thánh Linh làm điều Ngài muốn, thì tùy Ngài muốn làm hoặc không làm cho tôi mọi điều nào Ngài thích. Tôi có thể kiểm tra sự sẵn lòng của mình, nhưng không thể thao túng hoạt động của Ngài.

Khi trưởng thành, hiểu biết và tầm nhìn của người đó sẽ sâu rộng hơn. Những lãnh vực mới cần đầu phục sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Vì cớ đó, những người đã được đầy dẫy cần phải được đầy dẫy khi họ tiếp tục trưởng thành trong Chúa. Nhưng không tín hữu nào có thể khỏi cần được đầy dẫy trong mọi giai đoạn tăng trưởng của mình.

PHÉP BÁP TEM THÁNH LINH

Xuất hiện chỉ một lần trong đời sống mỗi tín hữu

Không hề diễn ra trước ngày lễ ngũ tuần

Là thực tế đối với tất cả các tín hữu

Không thể bị vô hiệu hóa

Kết quả là một địa vị

Diễn ra khi chúng ta tin đấng christ

Không có điều kiện tiên quyết (ngoại trừ đức tin nơi Đấng Christ)

ĐẦY DẪY THÁNH LINH

Là một kinh nghiệm lặp lại nhiều lần

Đã diễn ra trong thời cựu ước

Không nhất thiết mọi người đều phải kinh nghiệm

Có thể bị mất

Đem lại năng quyền

Diễn ra xuyên suốt Cuộc đời cơ đốc nhân

Tùy thuộc sự đầu phục