Giáo lý về các ân tứ thuộc linh hầu như độc quyền là giáo lý của Phaolô, lần dùng duy nhất chữ nầy ngoài các thơ tín của Phaolô là ở trong IPhi 4:10. Phân đoạn chính trong Êphêsô 4 quy việc ban các ân tứ cho Đấng Christ Phục Sinh Và Thăng Thiên. Phân đoạn chính trong ICôrinhtô 12 nhấn mạnh công tác của Đức Thánh Linh là Đấng ban các ân tứ. Một phân đoạn chính khác nữa, là Rôma 12, không nói cụ thể Tác Nhân là ai. Vì chỉ mới đề cập vắn tắt chức vụ của Đấng Christ để ban các ân tứ cho Thân Thể Ngài trong phần Cơ Đốc Luận, nên chúng ta sẽ khảo sát chi tiết giáo lý nầy tại đây.

I. ĐỊNH NGHĨA ÂN TỨ THUỘC LINH

A. Ân Tứ Thuộc Linh Nghĩa Là Gì?

Chữ dùng cho các ân tứ thuộc linh (charisma), hiển nhiên có liên quan với chữ “ân điển,” muốn nói lên một điều gì đó do nơi ân điển Chúa. Cách dùng chữ nầy trong Tân Ước trải dài từ sự ban ơn cứu rỗi (Ro 6:23), đến sự ban ơn chăm sóc thần hựu của Chúa (IICo 1:11), đến cách dùng thường xuyên nhất chỉ về các ân tứ của ân điển cho tín đồ. Khi được dùng trong quan hệ cuối nầy, tôi cho rằng ân tứ thuộc linh là một năng lực được Đức Chúa Trời ban để phục vụ Chúa.

Với định nghĩa gợi ý nầy, thì từ đồng nghĩa của ân tứ là “năng lực.” Một ân tứ thuộc linh là một năng lực. Chữ “được Đức Chúa Trời ban cho” nhắc chúng ta nhớ Đấng Christ và Đức Thánh Linh là Đấng ban các ân tứ, và cụm từ “để phục vụ Chúa” nhằm nắm bắt điểm nhấn mạnh trong những phân đoạn Kinh Thánh trọng tâm rằng: các ân tứ phải được dùng để phục vụ Thân Thể Đấng Christ. Dầu có sự tương tự gần gũi giữa các ân tứ thuộc linh với các tài năng (đương nhiên cả hai đều do Đức Chúa Trời ban cho, ICo 4:7), nhưng chẳng hạn như tài năng thì có thể được dùng, hoặc cũng có thể không được dùng, để phục vụ Thân Thể Đấng Christ.

B. Ân Tứ Thuộc Linh Không Có Nghĩa Là Gì?

1. Một Ân Tứ Thuộc Linh không phải là một chỗ của sự phục vụ.

Ân tứ là một năng lực, chứ không phải là chỗ để sử dụng năng lực ấy. Sự dạy dỗ có thể thực hiện bên trong hoặc bên ngoài tình huống lớp học chính thức, và tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Sự cứu giúp có thể thực hiện trong hội thánh hay trong khu vực hàng xóm.

2. Ân tứ thuộc linh không phải là chức vị.

Ân tứ là một năng lực, và bất luận có giữ thánh chức trong hội thánh địa phương hay không đi nữa thì vẫn vận dụng ân tứ được. Về vấn đề nầy, có nhiều lẫn lộn về ân tứ mục sư. Ân tứ nầy là năng lực để chăn dắt tín đồ. Ân tứ nầy có thể được thực hiện bởi một người nắm giữ một chức vị, mà theo Giáo Hội Học hiện đại của chúng ta, chúng ta gọi là chức vị chăn bầy. Hoặc có thể nói ân tứ nầy được thực hiện bởi một giám thị nam hoặc một giám thị nữ trong một trường học. Hoặc nó có thể được thực hiện bởi người vợ và người mẹ trong một gia đình.

3. Ân tứ thuộc linh không phải là một mục vụ cho một nhóm tuổi nào đó.

Không có ân tứ của công tác thanh niên, hay ân tứ của công tác thiếu nhi. Mọi lứa tuổi đều cần được phục vụ bởi những mục sư, những giáo sư, những người quản lý, những người trợ giúp, v.v...

4. Ân tứ thuộc linh không phải là một kỹ thuật chuyên môn.

Không có ân tứ thuộc linh nào của công tác viết lách hay của Cơ đốc Giáo Dục, hay ân tứ âm nhạc. Đây là những kỹ thuật để qua đó có thể truyền dẫn những ân tứ thuộc linh.

5. Ân tứ thuộc linh khác với năng khiếu (hay tài năng) bẩm sinh.

Tôi đã nói một tài năng có thể phục vụ mà cũng có thể không phục vụ Thân Thể Đấng Christ, trong khi ân tứ thuộc linh thì phục vụ Thân Thể Đấng Christ. Chúng ta lưu ý thêm các điểm tương phản giữa ân tứ thuộc linh với các năng khiếu bẩm sinh.

NĂNG KHIẾU BẨM SINHÂN TỨ THUỘC LINH
Được Chúa ban thông qua cha mẹĐược Chúa ban cho không lệ thuộc cha mẹ
Được ban cho khi sinh ra.Hiển nhiên được ban cho tại lúc hoán cải
Để ích lợi cho nhân loại nói chungĐể ích lợi cho Thân Thể Đấng Christ nói riêng

 

Vì thế, ân tứ thuộc linh là một năng lực được Đức Chúa Trời ban cho, để phục vụ Thân Thể Đấng Christ tại bất cứ nơi đâu và qua bất cứ cách nào mà Ngài chỉ dẫn.

II. SỰ PHÂN PHÁT CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH

A. Chúng Được Phân Phát Bởi Đấng Christ Phục Sinh Và Thăng Thiên (Eph 4:11)

Sự kiện Đầu của Thân Thể ban các ân tứ cho thân thể Ngài đã nâng cách dùng các ân tứ lên bình diện cao cả thánh khiết. Đây là những ân tứ của Ngài, được giao phó cho chúng ta vì Ngài cần chúng ta dùng chúng sao cho gây dựng được thân thể Ngài. Điều nầy khiến ngay cả những điều có vẻ như thể loại phục vụ thấp hèn nhất cũng trở nên cao quý biết dường nào!

B. Chúng Được Phân Phát Tùy theo Ý Muốn Của Đức Thánh Linh (ICo 12:11,18)

Vì sao Ngài ban cho tín đồ một ân tứ nào đó?Vì Ngài biết rõ nhất thân thể có cần ân tứ gì, và ân tứ nào phù hợp nhất cho mỗi tín đồ phục vụ Ngài. Nếu chúng ta tin như vậy thì sẽ giúp chúng ta khỏi phàn nàn sao mình không giống người khác, và điều đó đáng thôi thúc chúng ta tận dụng trọn vẹn những ơn Chúa đã ban cho chúng ta.

Đức Thánh Linh ban các ân tứ cho chúng ta khi nào? Rất có thể tại lúc hoán cải. Nếu có các ân tứ của Đức Thánh Linh, và nếu chúng ta không có Đức Thánh Linh mãi cho đến khi chúng ta hoán cải, thì dường như các ân tứ của Ngài sẽ được ban cho tại thời điểm hoán cải ấy. Có thể chúng ta không phát hiện được mọi ân tứ được ban khi được cứu, nhưng tôi có khuynh hướng tin rằng chúng ta có trọn mọi ân tứ ấy ngay tại thời điểm được cứu rỗi. Khi chúng ta tăng trưởng, các ân tứ khác có thể được lộ ra để sử dụng tại nhiều thời điểm khác nhau trong đời sống chúng ta, nhưng có khả năng chúng ta nhận toàn bộ chúng từ khi hoán cải. Chắc chúng ta không thể nói mình có được bộ ân tứ cụ thể nào cho đến khi có thể nhìn lại đời sống và xem thấy Đức Chúa Trời đã sử dụng những ân tứ nào trong suốt cuộc đời mình.

C. Chúng Được Phân Phát Cho Mọi Tín Đồ

Không tín đồ nào là không có ít nhất một ân tứ thuộc linh. Phierơ nói rõ ràng mọi tín đồ đều có ít nhất một ân tứ (IPhi 4:10).Mỗi tín đồ có thể sống độc thân hoặc lập gia đình, và cả hai tình trạng nầy đều được gọi là những ân tứ thuộc linh (ICo 7:7). Chắc chắn nhiều tín đồ còn có ân tứ cứu giúp hay phục vụ nữa.

Nhưng không có tín đồ nào có tất cả mọi ân tứ.Nếu có như vậy, thì ẩn dụ trong 12:12-27 sẽ trở nên vô nghĩa. Nếu có tín đồ có mọi ân tứ, người đó sẽ không cần đến các tín đồ khác nữa. Người ấy sẽ vừa là tay, là chân, vừa là mắt và tai - toàn bộ thân thể, và đây là điều không thể có được. Tín đồ cần đến các tín đồ khác, đơn giản vì không tín đồ nào có hết mọi ân tứ.

D. Chúng Được Phân Phát Cho Chung Cả Thân Thể Đấng Christ

Tôi muốn dùng điều nầy để nhấn mạnh không phải mọi hội chúng đều cần phải mong đợi hội chúng mình có mọi ân tứ. Tình trạng tăng trưởng và trưởng thành có thể không đòi hỏi điều nầy. Đức Chúa Trời biết mỗi nhóm hội chúng cần ân tứ nào, và Ngài sẽ lo liệu để ân tứ đó được cung cấp phù hợp.

Tôi cũng muốn nói không phải mỗi thế hệ đều buộc phải mong mình có đủ mọi ân tứ. Ân tứ nào được ban một lần tức là ân tứ được ban cho toàn thân thể Đấng Christ. Đức Chúa Trời đã ban các ân tứ lập nền của các sứ đồ và các tiên tri từ buổi ban đầu rồi (Eph 2:20). Sau khi nền đã được lập bởi những người sử dụng các ân tứ đó, thì cần đến các ân tứ khác. Nhưng trong thế kỷ hai mươi, chúng ta vẫn nhận được ích lợi từ, cũng như vẫn đang xây dựng trên, những ân tứ lập nền đó. Chúng được ban trong thế kỷ thứ nhất cho toàn Thân Thể Đấng Christ trong mọi thế kỷ. Không thế hệ nào đã bị xem nhẹ. Đức Thánh Linh ban cho Hội Thánh theo ý Ngài muốn, và Ngài biết chính xác mỗi cá nhân tín đồ, mỗi hội chúng, mỗi thế hệ cần những gì. (Một trong những cách giải quyết cân đối và súc tích nhất về toàn bộ giáo lý nầy là tác phẩm của William J. McRae, The Dynamics of Spiritual Gifts (Grand Rapids: Zondervan, 1976,144 trang.)

III. KHÁM PHÁ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH

Các ân tứ thuộc linh đang gặp phải “hiểm họa quả lắc.” Ở một bên cung dao động nầy của quả lắc là cho rằng các ân tứ thuộc linh về cơ bản không thích ứng cho công tác phục vụ Cơ đốc ngày nay, bởi vì các ân tứ đó chỉ được ban cho hội thánh đầu tiên mà thôi, và vấn đề quan trọng ngày nay là sự trưởng thành chứ không phải các ân tứ. Ở cung dao động bên kia là sự nhấn mạnh rằng thậm chí còn không thể khởi sự phục vụ được nữa kia nếu không biết chắc về (các) ân tứ thuộc linh của mình. Nếu các ân tứ thuộc linh chỉ được ban cho hội thánh đầu tiên mà thôi, hay chúng không thích ứng với công tác phục vụ ngày nay, thì vì sao chúng xuất hiện trong các sách Tân Ước, là những sách được viết ra cho thế hệ tín hữu thứ nhì và cho những người sống trong khắp đế quốc Lamã (Êphêsô và IPhierơ)? Hơn nữa, vì những ân tứ là cần thiết cho sự vận hành đúng chức năng của Thân Thể Đấng Christ, làm sao ngày nay không có chúng mà hội thánh vẫn duy trì được hoạt động đúng chức năng đó?

Mặt khác, nếu tín đồ buộc phải biết (những)ân tứ thuộc linh của mình trước khi phục vụ, thì vì sao không có mạng lệnh truyền phải khám phá những ân tứ thuộc linh của mình? Chúng ta thảy đều được truyền phải sử dụng ân tứ của mình (IPhi 4:10 - “lấy ơn mình đã được mà giúp”). Không câu Kinh Thánh nào bảo phải biết mình có ân tứ gì trước khi có thể mong phục vụ.Tuy nhiên, tôi sẽ mạo hiểm dùng chữ “phát hiện” ở tựa đề nầy để khuyến khích độc giả sử dụng các ân tứ của mình.

A. Tự Tìm Biết Trọn Bộ Các Ân Tứ Trong Đời Sống Bạn

Có ba loại ân tứ trong đời sống mỗi Cơ đốc nhân.

1. Các năng khiếu tự nhiên.

Được Đức Chúa Trời ban từ lúc lọt lòng mẹ, và chúng bao gồm những điều như là chỉ số thông minh I.Q., lượng sức khỏe và sức mạnh, các tài năng âm nhạc, các khả năng ngôn ngữ,các tài năng về cơ khí, v.v...

2. Những năng khiếu học hỏi được.

Những tài năng như là nấu nướng, may vá, lái xe, học ngôn ngữ, học chơi nhạc cụ, v.v...Tuy chúng ta thường có khuynh hướng xem những kỹ năng nầy là chuyện đương nhiên, nhưng hãy nhớ rất nhiều người trên thế giới ít có cơ hội có được những kỹ năng trong các lãnh vực nầy.

3. Những ân tứ thuộc linh.

Tín đồ nên tự tìm biết trọn bộ những ân tứ thuộc linh gồm những năng lực khác nhau mà Đức Chúa Trời đã đặt trong đời sống mình. Nói cách khác, tín đồ hãy tìm cách lập bảng kiểm kê để biết mình có sẵn những hàng hóa gì cho Chúa dùng. Chỉ riêng việc thực hiện trọn tiến trình kiểm kê định kỳ thôi cũng có thể đã giúp tín đồ xác định mình phải thăm dò vào những lãnh vực phục vụ nào.

B. Tự Chuẩn Bị Bằng Cách Tận Dụng Mọi Cơ Hội Sẵn Có

Nguyên tắc nầy áp dụng cho cả ba loại năng lực trên. Hãy trau dồi tài năng, học hỏi kỹ năng, và dồn tâm sức để phát triển các ân tứ thuộc linh. Nếu nghĩ có thể mình có ân tứ dạy dỗ, thì sẽ cần phải học tập,nghiên cứu. Khả năng giao tiếp có thể được ban trực tiếp hơn (dầu vậy ngay cả kỹ năng đó cũng có thể được trau dồi bởi giáo dục), nhưng đương nhiên là buộc phải học tập phần nội dung.

Nếu nghĩ mình có ân tứ ban cho, thì người ấy sẽ dồn tâm sức để làm người quản gia giỏi trong mọi lãnh vực của đời sống (ICo 4:2). Năng lực để sống rộng rãi là do Đức Chúa Trời ban cho, nhưng để có đủ tiền hầu có thể dùng rộng rãi thì đòi hỏi phải có kỷ luật trong những vấn đề tài chánh.

Ân tứ truyền giảng Tin Lành trong hội thánh đầu tiên không những bao gồm việc giảng Tin Lành mà còn gồm việc đem sứ điệp truyền giảng lưu động nữa. Muốn làm được việc nầy thì cần phải chú ý đặc biệt đến sức khỏe sao cho có thể lực bền bỉ để đi đây đó truyền bá đạo Tin Lành.

Nếu có ân tứ khuyên bảo, thì đương nhiên lời khuyên bảo đó phải được căn cứ trên sự hiểu biết Kinh Thánh. Lời khuyên bảo duy nhất có hiệu lực và có giá trị là lời khuyên bảo phải bắt nguồn từ các lẽ thật Kinh Thánh. Và đương nhiên, muốn hiểu biết Kinh Thánh thì bắt buộc phải nghiên cứu.

C. Tích Cực Làm Công Việc Chúa

Các ân tứ vừa được phát hiện vừa được phát triển bởi hoạt động. Thực hành giúp nhận biết trọn bộ các năng lực của mình, và thực hành sẽ giúp phát triển những năng lực đó. Nếu bạn đang tìm cách khám phá (các) ân tứ của mình, đừng nên bỏ qua những cơ hội phục vụ, dầu bạn nghĩ chúng không nằm trong phạm vi các năng lực của mình đi nữa. Có thể Đức Chúa Trời đang cố gắng cho bạn biết mình có những năng lực nào chưa nhận diện ra được.

Nếu tích cực làm những việc có thể làm được,thì những cơ hội khác có thể sẽ xuất hiện để lộ ra thêm những ân tứ thuộc linh khác nữa. Chẳng hạn: lần đầu tiên gặp Philíp trong sách Côngvụ, chúng ta thấy ông giúp phân phát những món tiền cứu trợ cho những góa phụ cùng túng (và hay cãi nhau nữa) (6:5). Thật khó mà nghĩ rằng trước khi đảm nhận chức vụ nầy,Philíp đã ngồi xuống suy xét xem mình có ân tứ thuộc linh đó chăng! Đây là cơ hội để phục vụ, và ông đã nắm lấy. Ông tỏ ra trung tín làm công tác vặt vãnh nầy.Sau đó Chúa giao cho ông chức vụ khác, là chức vụ giảng Tin Lành cho người Samari (8:5), rồi tiếp đó là cho hoạn quan Êthiôbi. Khi sử dụng ân tứ đó, ông đã được biết đến với tên gọi “Philíp, người giảng Tin Lành” (Cong 21:8). Nhưng lúc đầu, ông là Philíp người giúp đỡ những đàn bà góa.

Nguyên tắc nầy cũng đúng cho đời sống của Êtiên. Trước hết, ông hầu việc Chúa cùng với Philíp để chăm sóc các góa phụ.Nhưng ông cũng đầy dẫy đức tin (6:5) và là một chứng nhân vĩ đại (7:1-35).Trung tín trong một cơ hội đã dẫn đến nhiều cơ hội khác.

Tôi xin nêu cho bạn sự so sánh thú vị giữa một số các ân tứ thuộc linh với một số mạng lịnh được ban cho hết thảy mọi tín đồ.Ý chính của sự so sánh nầy chỉ là nói lên chúng ta được truyền mạng lịnh phải thi hành chức vụ trong rất nhiều lãnh vực bất luận chúng ta nghĩ mình có ân tứ thuộc linh tương ứng ấy hay không đi nữa.

Vì vậy, hết thảy tín đồ đều được truyền mạng lệnh thi hành nhiều chức vụ khác nhau, dầu họ có ân tứ thuộc linh tương ứng đó hay không đi nữa. Nếu trung tín vâng giữ những mạng lịnh nầy, chúng ta có thể khám phá những ân tứ thuộc linh cụ thể của mình.

NHỮNG ÂN TỨ ĐƯỢC BAN CHO MỘT SỐ NGƯỜI

1. Chăm sóc phục vụ

2. Khuyên bảo

3. Ban cho (bố thí)

4. Dạy dỗ

5. Tỏ lòng thương xót

6. Đức tin

7. Giảng Tin Lành

NHỮNG MẠNG LỊNH BAN CHO MỌI TÍN ĐỒ

1. Phục vụ lẫn nhau (Ga 5:13)

2. Khuyên bảo lẫn nhau (He 10:25)

3. Mọi người đều ban cho (IICo 9:7)

4. Đại Mạng Lịnh (Mat 28:19)

5. Nhơn từ (Eph 4:32)

6. Bước đi bởi đức tin (IICo 5:7)

7. Mọi người đều làm chứng (Cong 1:8)

D. Làm Người Quản Gia Giỏi Về Tình Trạng Sống Độc Thân Hay Có Gia Đình

Nếu tình trạng nào cũng là ân tứ thuộc linh (ICo 7:7), thì điều cần yếu là trung tín quản lý tình trạng đó. Sống độc thân hay lập gia đình đều là những ân tứ thuộc linh cần được phát triển. Cả hai hạng người này đều cần làm người quản lý trung tín (4:2). Cả hai đều cần được tăng trưởng trong sự nên thánh (ITe 4:3). Cả hai đều cần phải lợi dụng thì giờ (Eph 5:16).

Người sống độc thân cần phải chú ý đặc biệt đến sự thanh sạch, đến kỷ luật về tài chánh, sử dụng thời gian rảnh nghiên cứu Lời Chúa, và tìm kiếm những cơ hội hầu việc Chúa, ví dụ như phục vụ ngắn hạn tại hải ngoại. Người độc thân phải quan tâm những điều thuộc về Chúa và làm cách nào để có thể làm đẹp lòng Ngài (ICo 7:32). Người có gia đình phải chú ý đến gia đình, song vẫn phải đặt công việc Chúa lên trên hết (c. 29,33). Cách vận dụng đúng và phát triển đúng những ân tứ nầy có thể là yếu tố quan trọng cho cách sử dụng những ân tứ khác trong suốt cuộc đời.

E. Sẵn Lòng Làm Mọi Việc Cho Đức Chúa Trời

Trong thực tế, sự tận tâm hay sẵn lòng làm mọi việc còn quan trọng hơn cả việc khám phá (các) ân tứ thuộc linh của bạn. Phân đoạn Kinh Thánh nói về các ân tứ trong Êphêsô 4 bắt đầu bằng lời khuyên hãy sống xứng đáng và ăn ở khiêm nhường (c. 1-2). Trước phần thảo luận mở rộng về các ân tứ trong ICôrinhtô 12 đã có nhiều lời khuyên tận tâm (3:16; 6:19-20; 10:31). Và phân đoạn Kinh Thánh trong Rôma 12 mở đầu với lời kêu gọi trọng thể hãy dâng đời sống trong câu 1 và 2. Ai không tận tâm thì sẽ không bao giờ khám phá được mọi năng lực Chúa đã ban cho mình, và cũng không bao giờ phát triển đầy đủ những năng lực mình khám phá được.

IV. MÔ TẢ CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH

A. Chức Vụ Sứ Đồ (ICo 12:28; Eph 4:11)

Theo nghĩa tổng quát, chữ nầy có nghĩa “người được sai đi” (như được dùng cho Épbaphôđích trong Phi 2:25). Nhưng nghĩa chuyên biệt của “chức sứ đồ” thì chỉ về Mười Hai Sứ Đồ và có thể một vài người khác nữa như Phaolô và Banaba (Cong 14:14). Ân tứ nầy đã được ban để thành lập Hội Thánh và được xác chứng bởi các dấu kỳ phép lạ đặc biệt (IICo 12:12; Eph 2:20). Đây không phải là ân tứ Đức Chúa Trời ban cho ngày nay.

B. Lời Tiên Tri (Ro 12:6: ICo 12:10;14:1-40; Eph 4:11)

Giống như chức sứ đồ, “lời nói tiên tri”cũng được dùng cả theo nghĩa chung và nghĩa chuyên biệt. Theo nghĩa chung, chữ nầy chỉ về việc rao giảng, và như vậy có nghĩa là giảng đạo. Nhưng theo thuật ngữ chuyên biệt, tiên tri không những có thể rao giảng sứ điệp của Đức Chúa Trời,mà còn phải tiên báo được tương lai. Tất cả mọi sứ điệp của ông, dầu là rao giảng ra hoặc tiên báo, đều đã đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời thông qua khải thị đặc biệt.

Chắc chắn ân tứ nầy đã được ban phát khá rộng rãi trong thời Tân Ước, dầu chỉ vài tiên tri được đề cập cụ thể (Agabút, Cong 11:27-28; các tiên tri tại Hội Thánh Antiốt, 13:1; bốn con gái của Philíp,21:9; và các tiên tri tại Hội Thánh Côrinhtô, ICôrinhtô 14). Đây cũng đã là ân tứ để thành lập hội thánh, không cần thiết sau thời kỳ đó và sau khi sách Khải Huyền được viết ra trong Tân Ước.

C. Các Phép Lạ (ICo 12:28) Và Chữa Bệnh (c.9,28,30).

Đây là năng lực thi hành các dấu lạ đặc biệt kể cả chữa bệnh thuộc thể. Phaolô đã vận dụng ân tứ nầy tại Êphêsô (Cong 19:11-12); thế nhưng ông không sử dụng hoặc không sử dụng được ân tứ nầy trong các trường hợp Épbaphôđích (Phi 2:27), Timôthê (ITi 5:23), hoặc Trôphim (IITi 4:20). Ân tứ chữa bệnh có thể xem như một thể loại thuộc ân tứ làm các phép lạ.Ví dụ: Phaolô quở thuật sĩ Êlyma bị mù (Cong 13:11) chính là vận dụng ân tứ làm phép lạ của ông, nhưng đây chắc chắn không phải một sự chữa bệnh. Chúng ta công nhận một phép lạ hay sự chữa bệnh có thể được Đức Chúa Trời thực hiện mà không cần sự vận dụng ân tứ thuộc linh của bất cứ ai (như là một dấu lạ thuộc thể đi kèm với sự đầy dẫy Đức Thánh Linh trong đoạn 4:31)

Nếu đúng như vậy, thì không phải ai xem các ân tứ làm phép lạ và chữa bệnh là các ân tứ tạm thời tức là cũng đang nói rằng ngày nay Đức Chúa Trời không thực hiện các phép lạ hay sự chữa bệnh. Người ấy chỉ đang nói rằng: các ân tứ nầy không còn vận hành vì đã không cần đến chúng; tức là cần để xác chứng sứ điệp Tin Lành.

Tín đồ ngày nay không thể bắt buộc đòi hỏi được chữa lành. Không phải ý muốn của Đức Chúa Trời là ban sức khỏe tốt cho mọi tín đồ. Dầu Phaolô khẩn thiết cầu nguyện liên tục, và dầu chính ông có ân tứ chữa bệnh, nhưng ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là chữa lành cái giằm trong xác thịt của ông (IICo 12:8-9). Nếu ý muốn của Đức Chúa Trời là chữa lành bệnh mọi tín đồ, thì chẳng có tín đồ nào chết cả vì ngay cả căn bệnh cuối cùng cũng sẽ được chữa lành. Những người chữa bệnh đã công nhận những giới hạn của mình, vì họ không tuyên bố chữa lành được những chiếc răng hư, cũng không tức khắc chữa lành những chiếc xương gãy.

Xem thường những phương tiện chữa bệnh sẵn có của con người để chỉ cầu nguyện xin chữa bệnh bằng phép lạ thì cũng giống như việc cầu xin một mùa gặt rồi ngồi an vị trên chiếc ghế bập bênh, không chịu gieo trồng hoặc canh tác ruộng đất.

D. Nói Tiếng Lạ Và Thông Giải Tiếng Lạ (ICo 12:10)

Nói tiếng lạ là một năng lực do Đức Chúa Trời ban để nói ra một thứ ngôn ngữ trên đất mà người nói không biết. Thông giải tiếng lạ là năng lực để thông dịch sứ điệp đó sang ngôn ngữ mà người nghe hiểu được. Rõ ràng, lần xuất hiện các tiếng lạ đầu tiên trong Cong 2 chính là các ngôn ngữ (lưu ý chữ “các ngôn ngữ” trong câu 6 và 8). Giả định ở đây là các tiếng lạ tại Côrinhtô cũng giống y như vậy.

Tiếng lạ có thông giải nhằm hai mục đích: để truyền đạt lẽ thật từ Đức Chúa Trời đến, và để xác chứng lẽ thật của sứ điệp Cơ đốc, đặc biệt cho người Dothái (ICo 14:5,21-22). Vì các tín đồ Côrinhtô đang lạm dụng ân tứ nầy, nên Phaolô đưa ra những qui định nghiêm nhặt về cách sử dụng ân tứ: Trong bất kỳ buổi nhóm nào chỉ có hai hoặc ba người được nói; không người nào được phép nói tiếng lạ trừ phi có thể thông giải được tiếng lạ ấy; lời nói tiên tri luôn luôn được chuộng hơn; và phụ nữ phải giữ im lặng (c. 27-34).

Tiếng lạ không thông giải, đặc biệt là ngôn ngữ cầu nguyện riêng, thì không đem lại kết quả (c.14), đơn giản vì ngay người cầu nguyện cũng không biết mình đang cầu xin gì. Do đó thà cầu nguyện với trí hiểu, có nghĩa dùng ngôn ngữ mà người cầu nguyện có thể hiểu được.

Dầu tin ân tứ nói tiếng lạ của Kinh Thánh ngày nay có còn được ban cho hay không đi nữa, thì sự dạy dỗ của phái Ngũ Tuần cho rằng nói tiếng lạ là dấu hiệu tất nhiên của việc được báptêm bằng Đức Thánh Linh là sự dạy dỗ sai. Phaolô đã nói mọi tín đồ tại Côrinhtô đều đã được báptêm (12:13), nhưng không phải hết thảy đều nói tiếng lạ (c. 30).

E. Truyền Giảng Tin Lành (Eph 4:11)

Năng lực để rao giảng sứ điệp Tin Lành cách rõ ràng khác thường cũng bao gồm cả ý: chức vụ của người truyền giảng Tin Lành là một chức vụ lưu động. Chức vụ nầy cũng có thể được thực hiện trước công chúng hoặc riêng tư. Dầu có ân tứ truyền giảng hay không, mọi tín đồ đều phải làm chứng nhân.

F. Mục Sư (Eph 4:11)

Đây là năng lực để chăn bầy, cấp dưỡng, chăm sóc và bảo vệ dân sự Đức Chúa Trời. Trong câu 11, dạy dỗ được liên kết với chăn bầy, và trong Cong 20:28, dạy dỗ được liên kết với quản trị.

G. Sự Phục Vụ (Ro 12:7; ICo 12:28; Eph 4:12)

Đây là năng lực để giúp đỡ hay phục vụ theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ nầy.

H. Dạy Dỗ (Ro 12:7; ICo 12:28; Eph 4:11)

Đây là năng lực để giải nghĩa lẽ thật của Đức Chúa Trời cho dân sự. Rõ ràng, ân tứ nầy đôi khi được ban riêng lẻ, và đôi khi được kết hợp với ân tứ Mục sư.

I. Đức Tin (ICo 12:9)

Đây là năng lực để tin Đức Chúa Trời chu cấp những nhu cầu cụ thể. Mọi tín đồ đều phải bước đi bởi đức tin và mỗi người đều có một lượng đức tin, nhưng không phải mọi người đều có ân tứ đức tin.

J. Khuyên Bảo (Ro 12:8)

Ân tứ nầy gồm năng lực để khích lệ, an ủi và khuyến cáo tín đồ.

K. Phân Biệt Các Linh (ICo 12:10)

Đây là năng lực để phân biệt giữa các nguồn thật với giả của sự khải thị siêu nhiên khi khải thị đó đang được rao ra ở dạng lời nói trước khi hoàn tất bộ kinh điển.

L. Làm Sự Thương Xót (Ro 12:8)

Cũng giống như ân tứ phục vụ, ân tứ nầy bao gồm cứu trợ những người đau ốm và gặp hoạn nạn.

M. Bố Thí (Ban Cho - Ro 12:8)

Dường như đây là năng lực để ban cho rất rộng rãi những phương tiện gì mình đang có. Ân tứ nầy phải được thực thi cách giản dị,tức là không nghĩ gì đến chuyện đền đáp hoặc tư lợi.

N. Quản Trị (Ro 12:8; ICo 12:28)

Đây là năng lực để quản trị trong hội thánh.

O. Lời Nói Khôn Ngoan Và Tri Thức (ICo 12:8)

Giống các ân tứ khác trong hội thánh đầu tiên, các ân tứ nầy liên quan đến khả năng hiểu và truyền đạt lẽ thật của Chúa cho dân sự.

Danh sách nầy liệt kê 18 ân tứ riêng biệt (dầu tôi đã kết hợp chung nhiều ân tứ với nhau). Có phải tất cả chỉ có chừng nầy?Không chỗ nào gợi ý còn những ân tứ khác, và những ân tứ được liệt kê ra đây dường như đủ để gây dựng thân thể Đấng Christ.