Một chức vụ khác nữa của Thánh Linh đặc trưng cho thời kỳ Hậu Ngũ Tuần nầy là chức vụ làm báptêm những người tin vào trong Thân Thể Đấng Christ. Điều nầy được dự ngôn lần đầu tiên không bởi bất cứ phân đoạn Cựu Ước nào, mà bởi Giăng BápTít (Mat 3:11 và những phân đoạn song song). Nhưng chưa có ai trong thời kỳ tại thế của Chúa Jesus được kinh nghiệm chức vụ ấy, vì sau khi Ngài sống lại và ngay trước lúc thăng thiên, Chúa phán điều nầy phải xảy ra “trong ít ngày nữa,” là vào Lễ Ngũ Tuần (Cong 1:5). Chức vụ độc đáo nầy nhằm một mục đích cụ thể - kết hiệp tín đồ vào trong Thân Đấng Christ - và vì Thân Đấng Christ là đặc trưng cho thời đại nầy, nên công tác báptêm của Thánh Linh cũng sẽ đặc trưng như vậy.

I. SỰ LẪN LỘN VỀ PHÉP BÁPTÊM CỦA ĐỨC THÁNH LINH

Có sự lẫn lộn chung quanh lãnh vực Linh Học,gây nhiều chia rẽ giữa vòng tín đồ và làm lu mờ lẽ thật trọng đại nầy. Tại sao như vậy?

Một trong những nguyên nhân gây lẫn lộn như vậy liên quan đến nhận thức thiếu rõ ràng về Thân Thể của Đấng Christ. Nếu tin Hội Thánh đã bắt đầu từ Ápraham hoặc từ Giăng Báp Tít, thì có thể sẽ khó thấy được tính độc đáo của chức vụ làm báptêm của Đức Thánh Linh trong thời đại nầy.Vì thế, “phép Báptêm” thường được xem như một từ đồng nghĩa với “kinh nghiệm hoán cải” (Donald Guthrie, New Testament Theology (Downers Grove: InterVarsity,1981, trang 564). Nhưng nếu xem Thân Thể Đấng Christ là công tác của Đức Chúa Trời bắt đầu từ ngày Lễ Ngũ Tuần, thì lẽ cần yếu của việc Đức Thánh Linh báptêm tín đồ vào trong thân thể đó sẽ trở nên rõ ràng.

Việc nhấn mạnh quá đáng phép báptêm bằng nước,đặc biệt là bằng cách dìm mình, thường làm lu mờ hoặc thậm chí còn xóa bỏ hoàn toàn giáo lý về phép báptêm Thánh Linh. Nếu không phân biệt rõ hai lẽ thật trên, thì thường sẽ đánh mất lẽ thật về phép báptêm Thánh Linh, vì người ta xem đơn giản đây là một cách nói khác nữa về phép báptêm bằng nước. E. Y. Mullins,nhà thần học Báp Tít thuộc thế hệ trước, đã hiểu phép báptêm của Đức Thánh Linh là phép báptêm vào trong hội thánh (địa phương), hàm ý rằng theo ICo 12:13,phép báptêm theo nghĩa đen (bằng nước) là một hoạt động do Đức Thánh Linh dẫn dắt (International Standard Bible Encyclopaedia (Grand Rapids: Eerdmans, 1943,1:399-401).Dale Moody, nhà thần học Báptít thuộc thế hệ hiện nay, nói rằng “Đức Chúa Trời truyền Đức Thánh Linh trong phép Báptêm” (The Word of Truth (Grand Rapids:Eerdmans, 1981, trang 447).

Sự liên kết đương thời của phái Ngũ Tuần giữa phép báptêm Thánh Linh với phước hạnh thứ nhì và/hoặc kinh nghiệm nói tiếng lạ để làm bằng chứng đã được báptêm bằng Đức Thánh Linh lại càng làm tăng thêm sự lẫn lộn nầy.

Đôi khi, người ta không phân biệt phép báptêm của Đức Thánh Linh với sự đầy dẫy Đức Thánh Linh, dẫn đến suy nghĩ cho rằng “phép báptêm kiêm đầy dẫy” xảy ra sau sự hoán cải và không xảy ra cho hết thảy mọi tín đồ. Quan điểm nầy không nhất thiết bao gồm việc nói tiếng lạ. Quan điểm nầy xem phép báptêm là sự đổ đầy để nhận được quyền năng đặc biệt. Tình trạng thiếu rõ ràng này lại đi kèm sự kiện những vĩ nhân như R. A. Torrey và D. L.Moody không nói rõ ràng trong lãnh vực nầy. Torrey dạy rằng một người có thể được hoặc có thể không được báptêm bằng Thánh Linh tại thời điểm nhận sự cứu rỗi (The Baptism with the Holy Spirit (Minneapolis: Bethany House, 1972 trang 13-4).Trong tiểu sử viết về Moody, Torrey kể lại phép báptêm này của Moody như một việc xảy đến sau sự cứu rỗi (Why God Used D.L. Moody (New York: Revell, 1923, trang 51-5).

Phải thừa nhận tình trạng thiếu rõ ràng nầy đôi khi vô hại; nhưng tiếc thay, đôi khi những nhận thức sai nầy đã được cố tình đề cao. Dầu trường hợp nào đi nữa, tín đồ đều bị tước mất một lẽ thật quan trọng liên quan đến sự hiệp nhất của chúng ta với Đấng Christ và là cơ sở vững chắc cho nếp sống thánh khiết.

II. NHỮNG ĐẶC TRƯNG CỦA PHÉP BÁPTÊM THÁNH LINH

A. Chỉ Vận Hành Trong Thời Kỳ Nầy

Như đã nói, không có một lời dự ngôn nào trong Cựu Ước nói về phép báptêm nầy, và Chúa chúng ta phán nó sẽ diễn ra lần đầu tiên khi Đức Thánh Linh giáng lâm vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Cong 1:5). Về sau,Phierơ gọi đây là “ban đầu” (11:15-16). Thêm nữa, mục đích phép báptêm này - là để tín đồ gia nhập vào thân thể Đấng Christ - cùng với sự độc đáo của thân thể Đấng Christ trong định kỳ nầy, cả hai điều đó hậu thuẫn kết luận: đây là chức vụ chỉ vận hành trong thời kỳ nầy.

B. Phép Báptêm Đức Thánh Linh Được Kinh Nghiệm Bởi Mọi Tín Hữu Trong Thời Kỳ Nầy

Có ba sự kiện hậu thuẫn kết luận nầy. Khúc Kinh Thánh chính, ICo 12:13, nói rõ mọi người đã chịu báptêm cũng giống như mọi người đều đã được uống chung một Thánh Linh (qua việc Ngài ngự trong đời sống).Điều nầy được nói cho các tín đồ hội thánh tại Côrinhtô - bao gồm rất nhiều tình trạng thuộc linh khác nhau - nên cho thấy tình trạng xác thịt không khiến bị trật phần chức vụ nầy.

Trong Kinh Thánh không chỗ nào chép một lời khuyên đơn lẻ bảo người ta phải chịu phép báptêm bằng Đức Thánh Linh. Điều nầy cho thấy mọi tín đồ đều được kinh nghiệm chức vụ nầy.

Nếu “một phép Báptêm” trong Eph 4:5 chỉ về phép báptêm bằng Đức Thánh Linh (và rất có thể là như vậy), thì đây chính là điều đúng cho cùng một nhóm người đó - là nhóm người có cùng “một Chúa” và “một đức tin” - có nghĩa là hết thảy mọi tín đồ.

C. Phép Báptêm Đức Thánh Linh Xảy Ra Tại Lúc Được Cứu Rỗi, Và Không Lập Lại Sau Đó

Nếu phép báptêm Đức Thánh Linh không xảy ra tại thời điểm được cứu rỗi, thì chắc sẽ có những tín đồ đã thực sự được cứu,nhưng vì chưa được báptêm bằng Đức Thánh Linh nên đã không thuộc về Thân Thể Đấng Christ. Phép báptêm nầy chính là điều đem một tín đồ kết hợp vào trong Thân Thể Đấng Christ. Vì vậy, nếu một người vừa có thể được cứu vừa đồng thời không được Báptêm Thánh Linh, thì người đó có thể là một tín đồ “ở ngoài Thân Thể Đấng Christ.”

Nếu phép báptêm nầy cần phải lập đi lập lại,thì trường hợp nầy chỉ có thể xảy ra nếu tín đồ bị tách rời khỏi Thân Thể Đấng Christ và cần phải được gia nhập lại. Vì phép báptêm đầu tiên lúc hoán cải kết hiệp người đó vào Thân Thể Đấng Christ, nên nếu cần đến phép báptêm thứ nhì,thì chắc hẳn phải có sự loại bỏ khỏi Thân Thể Đấng Christ xảy ra giữa hai phép báptêm ấy.

III. NHỮNG KẾT QUẢ CỦA PHÉP BÁPTÊM BẰNG ĐỨC THÁNH LINH

A. Kết Hiệp Chúng Ta Vào Thân Thể Đấng Christ

Điều nầy bao gồm những lẽ thật trọng đại và thường mang tính cáo trách sau đây. Ở trong Thân Thể Đấng Christ có nghĩa là chúng ta được đồng sống lại với Ngài để đến sự sống mới (Ro 6:4) và chúng ta phải vận dụng các ân tứ của mình để giữ cho Thân Thể đó hoạt động đúng đắn (theo văn mạch của ICo 12:13).

Kinh nghiệm một phép báptêm chính là cơ sở để có và là lời khuyên giục giữ sự hiệp một của Thân Thể Đấng Christ (theo văn mạch Eph 4:5).

Tính không cần thiết có một phép báptêm thứ hai bảo đảm cho chúng ta tính an toàn chắc chắn của địa vị chúng ta trong Thân Thể Ngài.

B. Hiện Thực Hóa Việc Chúng Ta Đồng Đóng Đinh Với Đấng Christ

Được kết hiệp với Đấng Christ trong sự chết,sự chôn và sự sống lại của Ngài chính là việc thiết lập nền tảng để thực hiện sự phân rẽ khỏi quyền lực của tội lỗi ở trong chúng ta và để bước đi trong sự sống mới (Ro 6:1-10; Co 2:12).

IV. GIÁO LÝ ĐƯƠNG THỜI VỀ HAI PHÉP BÁPTÊM

Vì ICo 12:13 nói rất rõ mọi tín đồ đều được Báptêm, và vì một số giáo sư đương thời muốn chứng minh khái niệm về một phép báptêm đặc biệt để nhận được quyền năng (ơn phước thứ nhì), nên đã xuất hiện giáo lý về hai phép Báptêm, mà theo tôi biết, thì đó là một sự dạy dỗ mới. Tuy phái Ngũ Tuần ngày trước dạy thống nhất với nhau rằng phép báptêm của Thánh Linh là sự ban cho quyền năng và nói tiếng lạ là bằng chứng của từng trải đó,thì giáo thuyết Ngũ Tuần mới hơn cho rằng có hai phép Báptêm. Một là phép báptêm của câu 13, mà mọi tín đồ đều kinh nghiệm và được thực hiện bởi Thánh Linh và đặt mọi tín đồ vào trong Thân Đấng Christ. Phép báptêm thứ nhì được thấy trong sách Côngvụ, và được thực hiện bởi Đấng Christ và đặt tín đồ trong Thánh Linh để có được những từng trải quyền năng. Phép báptêm thứ nhất xảy ra tại lúc hoán cải, và đem lại một địa vị; phép báptêm thứ nhì xảy ra sau đó, và có thể tái diễn và để có quyền năng. Phép báptêm thứ nhất không đòi hỏi nói tiếng lạ;nói cách lý tưởng thì báptêm thứ nhì có đòi hỏi nói tiếng lạ.

Tân Ước dùng cụm từ “làm báptêm với, trong,hoặc bằng Thánh Linh” chỉ có bảy lần (Mat 3:11; Mac 1:8; Lu 3:16; Gi 1:33; Cong 1:5; 11:16; ICo 12:13). Trong thực tế, bảy lần xuất hiện cụm từ nầy có thể được chia thành ba loại: những lời dự ngôn trong các sách Tin Lành, chỉ hướng tới trước và chỉ hướng ngược trở lại ngày Lễ Ngũ Tuần trong hai câu Kinh Thánh của Côngvụ; và lời giải thích giáo lý trong ICôrinhtô. Trong các sách Tin Lành, dường như sẽ tự nhiên hơn khi hiểu Đấng Christ là Đấng làm phép báptêm và Thánh Linh là phạm vi môi trường mà tín đồ được báptêm vào. Trong Côngvụ và ICôrinhtô, dường như tự nhiên hơn khi hiểu Thánh Linh là Tác nhân của phép báptêm và Thân Thể Đấng Christ là môi trường mà tín đồ được báptêm vào. Tuy nhiên, những sự phân biệt nầy không phải là cứng nhắc. Cả Đấng Christ và Thánh Linh đều là những Tác Nhân, và cả Đức Thánh Linh và Thân Thể đều là các môi trường. Đấng Christ là Tác Nhân tối cao vì Ngài đã sai Đức Thánh Linh đến, nên có thể nói Thánh Linh là Tác Nhân trung gian (Cong 2:33). Rõ ràng Thân Thể Đấng Christ là một môi trường (phạm vi) và Thánh Linh là một môi trường khác nữa. Điều nầy tương tự với công việc ấn chứng của Đức Thánh Linh - Ngài vừa là Tác Nhân - Đấng ấn chứng - vừa là môi trường để chúng ta được ấn chứng vào trong đó.

Tuy nhiên, phái Tân Ngũ Tuần lại cần những phân biệt rõ nét. Họ cho rằng những câu Kinh Thánh trong các sách Tin Lành và trong Côngvụ là những câu nói Đấng Christ là Tác Nhân và Đức Thánh Linh là môi trường để đem quyền năng đến cho tín đồ. Đây là phép báptêm trong Đức Thánh Linh. Câu Kinh Thánh trong ICôrinhtô cho thấy Đức Thánh Linh là Tác Nhân và Thân Thể Đấng Christ là môi trường, và đây là phép báptêm bởi Đức Thánh Linh. Mọi tín đồ đều được báptêm bởi Đức Thánh Linh, nhưng không phải mọi tín đồ đều kinh nghiệm phép báptêm trong Đức Thánh Linh.

Thật thú vị thay, thuyết Siêu Định Kỳ (ultradispensationalism) dùng cùng một lập luận bênh vực hai phép báptêm nầy để hậu thuẫn sự dạy dỗ của họ về hai hội thánh trong thời kỳ của Sách Côngvụ. Hội Thánh của Phierơ, hay Hội Thánh Do Thái, đã tồn tại từ Lễ Ngũ Tuần cho đến thời Phaolô, và Hội Thánh Thân Thể Đấng Christ tồn tại kể từ thời Phaolô trở đi. Hội Thánh Do Thái đã nhận lãnh quyền năng bởi phép báptêm trong Thánh Linh, và Hội Thánh của Phaolô hay Hội Thánh Thân Thể Đấng Christ, được hình thành bởi phép báptêm bởi Thánh Linh (Charles F. Baker, A Dispensational Theology (Grand Rapids: Grace Bible College Publications, 1971 trang 503).

Một cụm từ hiếm được dùng và có vẻ chuyên môn như thế hẳn có rất nhiều khả năng chỉ về cùng một hoạt động trong mọi lần xuất hiện cụm từ ấy. May lắm thì xác lập hai phép báptêm tách biệt và khá khác nhau như thế cũng đã quá mong manh rồi. Hiểu rằng có hai tác nhân thì đúng theo Kinh Thánh - do Cong 2:3 - và khá bình thường - vì cớ các Ngôi Vị khác nhau trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời thường dự phần vào cùng một công việc. Ngoài ra, Eph 4:5 còn nói chỉ có một phép báptêm duy nhất. Đây chính là công tác của Đấng Christ thông qua tác động của chức vụ Đức Thánh Linh để kết hiệp những người tin Ngài vào hội thánh, tức là vào Thân Thể Đấng Christ, cùng với mọi đặc quyền và trách nhiệm đi kèm với địa vị đó.