Có ba phân đoạn Tân Ước nói đến chức vụ đặc biệt nầy của Đức Thánh Linh. Phân đoạn thứ nhất là IICo 1:22, nói Đức Chúa Trời đã ấn chứng chúng ta và ban của cầm Đức Thánh Linh cho chúng ta. Eph 1:13 nói thêm chúng ta đã được ấn chứng bằng Thánh Linh (tơ pneumati) khi chúng ta tin,và một lần nữa nói Thánh Linh là của cầm về cơ nghiệp chúng ta. Eph 4:30 nói chúng ta đã được ấn chứng bởi hoặc bằng (en) Đức Thánh Linh cho đến ngày cứu chuộc.

Chức vụ cụ thể nầy của Đức Thánh Linh hợp thành điều mà trong Cựu Ước không hề nói tới. Leon Wood cố gắng nêu lý lẽ bênh vực sự xuất hiện chức vụ nầy trong thời Cựu Ước, bằng cách lập luận: vì việc ấn chứng liên quan đến sự an ninh của tín đồ và cũng liên quan đến việc Đức Thánh Linh ngự trong lòng, và vì các thánh đồ Cựu Ước vừa được an ninh vừa được Thánh Linh ngự trong, nên chắc chắn họ cũng đã được ấn chứng (The Holy Spirit in the Old Testament (Grand Rapids: Zondervan, 1976, trang 70-71). Nếu đúng như vậy thì cũng chỉ có thể suy luận thôi; Kinh Thánh không có chỗ nào nói cụ thể cả.Trái lại, dường như đây là điều Đức Chúa Trời đã làm cho tín đồ kể từ sau ngày Lễ Ngũ Tuần mà thôi.

I. NGƯỜI ĐƯỢC ẤN CHỨNG

Cũng giống như việc được Đức Thánh Linh ngự trong lòng, việc ấn chứng chỉ thuộc về các tín đồ và chỉ cho các tín đồ mà thôi. Trong IICo 1:22, Phaolô không đưa ra ngoại lệ nào khi viết cho một nhóm người mà có thể dễ dàng chứng minh có những ngoại lệ. Hết thảy đều được ấn chứng.Nếu không đúng như vậy, làm sao Phaolô có thể dùng điều nầy làm cơ sở khuyên đừng làm buồn Đức Thánh Linh trong Eph 4:30? Ông sẽ phải nói chỉ có nhóm tín đồ được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh mới đừng nên làm buồn Đức Thánh Linh.

II. THỜI ĐIỂM ĐƯỢC ẤN CHỨNG

Cũng giống như việc Thánh Linh ngự trong lòng, việc ấn chứng xảy ra tại thời điểm chúng ta hoán cải. Chữ “và” trong IICo 1:22 nối kết việc ấn chứng với sự ban cho Đức Thánh Linh để làm của cầm. Và Thánh Linh được ban cho tại lúc ta tin Chúa (Cong 2:38).

Eph 1:13 có thể giải nghĩa hợp lệ theo hai cách, và đem đến hai lời giải đáp khác nhau cho câu hỏi về thời điểm được ấn chứng.Động từ chính ấy là “anh em đã được ấn chứng.” Phân từ quá khứ bất định (aorist participle) đi kèm theo đó là “tin.” Thế thì phân từ nầy có thể diễn tả một hành động đến trước hành động của động từ chính. Nếu vậy, việc “tin” xảy ra trước việc được ấn chứng, tức đã có một khoảng thời gian giữa “tin” và “được ấn chứng.”Hoặc phân từ nầy có thể chỉ ra một hành động đồng thời với hành động của động từ chính. Trong trường hợp nầy, việc tin và việc ấn chứng đã xảy ra đồng thời. Về mặt chú giải kinh, cả hai đều có thể đúng cả. Nhưng về mặt thần học, cả việc tin lẫn ấn chứng phải xảy ra đồng thời. Nếu ngược lại, thì sẽ có khả năng có những tín đồ không được ấn chứng.

III. (NHỮNG) TÁC NHÂN CỦA SỰ ẤN CHỨNG

Rõ ràng, Đức Chúa Trời thực hiện việc ấn chứng tín đồ (IICo 1:22). Liệu Đức Thánh Linh có phải cũng là tác nhân hay không thì không rõ ràng bằng. Eph 4:30 dường như nói Đức Thánh Linh là tác nhân, bởi câu nầy dùng cụm từ “nhờ Ngài.” Tuy nhiên, cụm từ nầy có thể mang nghĩa “trong Ngài.” Eph 1:13 thì không rõ nghĩa; không dùng giới từ nào cả. Đức Thánh Linh có thể là Tác Nhân, hoặc có thể là phạm vi của sự ấn chứng, hoặc có thể là cả hai. Chúng ta được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh và trong Đức Thánh Linh.

Nếu Đức Thánh Linh là cả hai, thì có thể phát biểu giống như thế nầy: “Tôi đã đi xe hơi đến cửa hiệu.” Bạn có thể muốn nói “bởi phương tiện là xe hơi” vì xem chiếc xe là một tác nhân đã đưa bạn đến cửa hiệu. Hoặc bạn cũng có ý muốn nói: “bằng cách ngồi bên trong (môi trường hoặc phạm vi) xe của tôi,” vì xem chiếc xe như vật bao quanh để bạn được đưa đi ở bên trong đó. Trong thực tế, bạn muốn nói cả hai. Chiếc xe vừa là tác nhân đưa bạn đi, vừa là môi trường bao quanh mà bạn được đặt trong đó. Tương tự, Đức Thánh Linh đã thực hiện công tác ấn chứng với tư cách một tác nhân, và kết quả là chúng ta được đặt bên trong Ngài.

IV. THỜI HẠN CỦA SỰ ẤN CHỨNG

Việc ấn chứng hiệu lực đến ngày cứu chuộc (Eph 4:30). Điều nầy chỉ về một ngày trong tương lai, là lúc sự cứu chuộc chúng ta sẽ được hoàn tất trọn vẹn, bao gồm cả việc nhận lãnh thân thể phục sinh của chúng ta (đối chiếu Ro 8:23). Như vậy, việc ấn chứng bảo đảm sự ứng nghiệm trọn vẹn những lời Đức Chúa Trời hứa ban cho chúng ta. Và không tín đồ nào có thể trở thành người “không được ấn chứng” trên bước đường đến thiên đàng.

V. NHỮNG HỆ QUẢ CỦA SỰ ẤN CHỨNG

A. Sự An Ninh

Khái niệm ấn chứng bao hàm cả ý về quyền sở hữu, uy quyền, trách nhiệm, và trên hết là sự an ninh. Sự ấn chứng bảo đảm cho chúng ta về tính an ninh của những lời Đức Chúa Trời hứa ban, đặc biệt là sự cứu rỗi chúng ta. Chúng ta có thể biết chắc chắn (a) Ngài sở hữu chúng ta, (b)chúng ta có sự cứu rỗi chắc chắn, một sự cứu rỗi được ấn chứng bởi và bằng Đức Thánh Linh, và (c) Ngài có chủ ý giữ gìn chúng ta cho đến ngày chúng ta được cứu chuộc trọn vẹn.

Thư bảo đảm gợi cho chúng ta một ví dụ hay về khái niệm an ninh trong việc ấn chứng. Khi gởi lá thư bảo đảm, thơ đó không những được niêm cẩn thận, mà bưu điện còn đóng dấu nhiều lần ngang qua mép ấn con niêm để có thể phát hiện mọi sự can thiệp vào con niêm đó. Chỉ có hai người có thể gỡ niêm đó cách hợp pháp, là người nhận hoặc người gởi (nếu thơ đó được gởi trả lại). Trong trường hợp tín đồ, Đức Chúa Trời chính là Người Gởi và Đức Chúa Trời là Người Nhận, và Đức Chúa Trời cũng chính là Đấng đóng ấn. Vì vậy, chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền tháo ấn, và Ngài đã hứa không tháo ấn ấy cho đến ngày cứu chuộc.

Cả IICo 1:22 và Eph 1:13-14 đều đề cập sự ban cho Đức Thánh Linh làm của cầm cùng với sự ấn chứng. Sự liên kết nầy hoàn toàn hợp lý. Việc ấn chứng bảo đảm chúng ta sẽ nhận được toàn bộ những đều Đức Chúa Trời đã hứa ban, một số những lời hứa ấy vẫn còn chờ đến ngày cứu chuộc trong tương lai của chúng ta. Sự hiện diện của Thánh Linh trong đời sống chúng ta đóng vai trò của cầm hay một vật làm tin để báo hiệu mọi sự đều sẽ được ứng nghiệm. Trong công chuyện làm ăn của con người, một khi tiền đặt cọc đã được đưa và được nhận rồi, thì cả hai bên mua và bán đều được cam đoan hoàn thành cuộc giao dịch. Tương tự, sự ban Đức Thánh Linh đóng vai trò một của đặt cọc của Đức Chúa Trời để cam đoan Ngài sẽ không rút lại bất cứ lời hứa nào của Ngài với chúng ta.

B. Sự Thanh Sạch

Suy nghĩ về ngày được cứu chuộc trọn vẹn, là lúc chúng ta sẽ được trọn vẹn, sẽ khiến chúng ta hổ thẹn về tội lỗi trong đời sống mình hiện nay. Hơn nữa, có mối tương quan với Thánh Linh - Đấng sẽ bị làm buồn khi chúng ta phạm tội - sẽ thôi thúc chúng ta tiến đến sự thanh sạch.

Những tội nào làm Ngài buồn? Bất cứ tội lỗi nào. Nhưng trong văn mạch gần nhất (hai câu quanh 4:30), các tội lỗi của lưỡi được nổi bật lên. Đương nhiên, những điều ra từ môi miệng chúng ta sẽ báo hiệu những gì ở trong lòng chúng ta. Suy nghĩ về việc được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh và bằng Đức Thánh Linh sẽ canh giữ môi miệng chúng ta.