Như đã nói trong chương trước, ở phần thảo luận Gi 14:17, Đức Thánh Linh thực sự làm những điều mới mẻ và đặc biệt kể từ khi Ngài “giáng lâm” vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Trọng tâm những chức vụ đặc trưng nầy là chức vụ ngự trong tín đồ, vì đó là nền tảng cho mọi chức vụ của Ngài đối với Cơ đốc nhân trong thời đại nầy.

I. NGƯỜI ĐƯỢC THÁNH LINH NGỰ TRONG LÒNG

Để diễn tả việc ngự trong lòng, Phaolô không những dùng giới từ en, mà còn dùng động từ oikeơ, nghĩa là “cư ngụ,” “sống trong” (Ro 8:9; ICo 3:16; dầu vậy đôi khi ông dùng chỉ dùng một mình giới từ thôi, như trong 6:19). Ông liên hệ chức vụ nầy của Đức Thánh Linh cho mọi tín đồ.

A. Đức Thánh Linh Ngự Trong Lòng Là Món Quà Đức Chúa Trời Ban Cho mọi Tín Đồ

Rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh dạy rõ Đức Thánh Linh được ban cho mọi tín đồ, chứ không phải được ban cách chọn lọc cho một số người (Gi 7: 37; Cong 11:16-17; Ro 5:5; ICo 2:12; IICo 5:5). Người ta nghĩ đương nhiên là như vậy, vì một sự ban cho thì không phải là một phần thưởng, và không công đức nào liên quan đến việc nhận lãnh sự ban cho nầy.

B. Không Có Đức Thánh Linh Ngự Trong Lòng Là Dấu Hiệu Của Tình Trạng Chưa Được Cứu

Phaolô đã tuyên bố rằng không có Đức Thánh Linh tức là không thuộc về Đấng Christ (Ro 8:9). Giuđe cũng mô tả những người bội đạo là những người đã không có Đức Thánh Linh (Giuđe 19), và là những người “thuộc về tánh xác thịt.” Đây cũng chính là chữ được dùng trong ICo 2:14, một câu Kinh Thánh khác nữa mô tả một người chưa được cứu. Có tánh xác thịt tức là không được cứu và không có Đức Thánh Linh. Do đó, có Đức Thánh Linh là đặc trưng cho toàn bộ những người được sanh lại.

C. Các Tín Đồ Phạm Tội Được Đức Thánh Linh Ngự Trong Lòng

Phương cách thử xem Đức Thánh Linh có ngự trong mọi tín đồ hay không chính là thử xem Ngài có ngự trong những Cơ đốc nhân phạm tội hay không. Rõ ràng Ngài có ngự trong lòng họ. ICo 6:19 được viết ra cho một nhóm người rất hỗn tạp về thuộc linh, một số là tín đồ tốt, thiêng liêng, nhưng rất nhiều người là xác thịt và sống theo thế gian; thế nhưng Phaolô không nói chỉ có nhóm người thiêng liêng mới được Đức Thánh Linh ngự trong lòng. Một anh em, người mà Phaolô đánh giá là một tín đồ (5:5), lại là người đang sống trong tội lỗi gớm ghiếc. Những người khác đang dí thanh gươm pháp luật vào nhau (đoạn 6). Phaolô vẫn nói Đức Thánh Linh “ngự trong” hết thảy họ (c.19). Phaolô không những không nêu ra ngoại lệ cho lời tuyên bố của mình,mà còn dùng việc Đức Thánh Linh ngự trong lòng làm cơ sở cho lời khuyên sống thánh khiết. Như vậy, rõ ràng mọi tín đồ - nhưng chỉ tín đồ mà thôi - đều có Đức Thánh Linh sống trong họ.

II. TÍNH VĨNH VIỄN CỦA VIỆC THÁNH LINH NGỰ TRONG LÒNG

Có một số người đồng ý Đức Thánh Linh được ban cho mọi tín đồ song cảm thấy Ngài có thể lìa khỏi những người phạm những tội nào đó. Vì thế, họ công nhận Thánh Linh ngự trong lòng, nhưng phủ nhận tính vĩnh viễn của việc này.

Tội có thể khiến Thánh Linh lìa khỏi thì chắc hẳn phải là tội trầm trọng hơn cả tội dâm loạn trong đoạn 5 hoặc những tranh chấp pháp lý của đoạn 6, vì Phaolô không loại những tín đồ nầy khỏi lời tuyên bố Đức Thánh Linh ngự trong họ (c.19).

Hơn nữa, nếu Đức Thánh Linh lìa khỏi những Cơ đốc nhân phạm tội, thì theo Ro 8:9, họ không còn là Cơ đốc nhân nữa. Đức Thánh Linh không thể lìa khỏi tín đồ mà không quăng tín đồ đó trở lại tình trạng hư mất và không được cứu. Không có Thánh Linh ngự trong lòng có nghĩa là mất sự cứu rỗi, và mất sự cứu rỗi thì bao hàm cả việc không có Đức Thánh Linh ngự trong lòng. Sự an ninh của tín đồ và sự ngự trong lòng vĩnh viễn của Đức Thánh Linh là những giáo lý không thể tách rời nhau.

Nhưng chúng ta cũng có lời hứa tích cực của Đấng Cứu Thế, rằng Ngài sẽ cầu xin Đức Chúa Cha ban một Đấng Yên Ủi khác nữa,“để ở với các ngươi đời đời” (Gi 14:16). Đúng là tội lỗi làm hại hiệu quả của Đức Thánh Linh trong đời sống tín đồ, nhưng tội lỗi không loại sự hiện diện của Đức Thánh Linh ra khỏi tín đồ.

III. MỘT SỐ NAN ĐỀ LIÊN QUAN SỰ KIỆN ĐỨC THÁNH LINH NGỰ TRONG LÒNG

A. Không Phải Sự Vâng Lời Là Điều Kiện Để Được Đức Thánh Linh Ngự Trong Lòng Sao?

Phierơ nói Đức Thánh Linh là Đấng “mà Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng lời Ngài” (Cong 5:32). Như vậy, có phải vâng lời là điều kiện để ban Đức Thánh Linh, và bởi đó, chỉ một số Cơ đốc nhân nào đó (tức là những Cơ đốc nhân vâng lời) mới có Đức Thánh Linh? Đúng vậy, nếu như vâng lời được hiểu đúng theo cách Phierơ đã dùng chữ đó. Phierơ đang phát biểu trước Tòa Công Luận vô tín, và đã kết luận bằng cách thuyết phục họ vâng lời. Vâng lời điều gì vậy? Đương nhiên, sự vâng lời của Tòa Công Luận không liên quan gì đến những vấn đề trong nếp sống Cơ đốc, vì họ không phải là Cơ đốc nhân. Sự vâng lời mà Phierơ kêu gọi họ chính là: Hãy vâng theo (tin) lẽ thật Đức Chúa Jesus đã là Đấng Mêsia của họ. Chẳng bao lâu sau, một số những thầy tế lễ tại Giêrusalem đã tin,và Luca mô tả họ là “có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa” (6:7).

Hai câu Kinh Thánh khác nữa có dùng chữ vâng lời như một từ đồng nghĩa với tiếp nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ. Phaolô mô tả mục đích sứ mạng của ông là “để đem mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin vì Danh Ngài” (Ro 1:5). Trước giả thơ Hêbơrơ nói Đấng Christ đã trở nên Cội Rễ của sự cứu rỗi đời đời cho mọi người nào vâng lời Ngài” (He 5:9). Do đó, nếu sự vâng lời được hiểu đúng đắn (tức là vâng lời Tin Lành), thì đấy là một điều kiện để nhận lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.

B. Không Phải Đã Có Những Minh Họa Tính Tạm Thời Của Việc Thánh Linh Ngự Trong Lòng Sao?

Đúng là có, nhưng thảy đều trước ngày Lễ Ngũ Tuần (ISa 16:14; có lẽ Thi 51:11; Lu 11:13; Gi 20:22). Nhưng không có ví dụ nào như thế sau khi Đức Thánh Linh giáng lâm vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Vì những ví dụ ở trước Lễ Ngũ Tuần liên quan với một cách quản lý khác hẳn của Đức Thánh Linh,nên không thể dùng để chứng minh đó cũng là việc diễn ra sau ngày Lễ Ngũ Tuần,là khi Đức Thánh Linh đã đến để ngự vĩnh viễn trong tín đồ.

C. Sự Chậm Ban Thánh Linh Cho Người Samari Không Chứng Tỏ Việc Ban Thánh Linh Đến Sau Và Do Đó Có Tính Chọn Lọc Sao?

Việc chậm ban Đức Thánh Linh cho người Samari là một sự kiện rõ ràng; câu hỏi là “Tại sao?” Có người bảo việc đó cho thấy việc Đức Thánh Linh ngự trong tín đồ xảy đến sau sự cứu rỗi và không nhất thiết xảy đến cho mọi tín đồ. Có người xem việc ban Thánh Linh nầy là một với việc đầy dẫy Đức Thánh Linh. Còn có người nói thủ tục nầy là khác, bởi vì người Samari là nhóm người đầu tiên không thuộc dân Do Thái được kết nạp vào trong Hội Thánh. Ý nầy có phần đúng: người Samari là nhóm người nửa Do Thái, nửa dân ngoại.Kiểu mẫu dân thuần ngoại bang được ban Đức Thánh Linh có trong Cong 10:44, tại đó, Đức Thánh Linh được ban cho dân ngoại bang tại nhà Cọtnây vào ngay lúc họ tin Chúa.

Cách giải thích tốt nhất cho sự chậm trễ trong trường hợp người Samari nầy nằm trong bản chất ly giáo của tôn giáo Samari.Sự thờ phượng của họ đã cạnh tranh với sự thờ phượng của người Do Thái tại Giêrusalem; do đó, Đức Chúa Trời cần chứng tỏ cho họ thấy đức tin Cơ đốc mới mẻ của họ cũng không nhằm kình địch với hội thánh Đấng Christ tại Giêrusalem. Cách tốt nhất để chứng tỏ hẳn hoi Cơ đốc nhân người Samari cũng thuộc cùng một nhóm như Cơ đốc nhân tại Giêrusalem (và ngược lại, để các lãnh đạo Giêrusalem thấy người Samari đã thật sự được cứu rỗi) chính là hoãn ban Đức Thánh Linh cho đến khi Phierơ và Giăng từ Giêrusalem đến Samari. Sự trì hoãn này và cách Đức Chúa Trời dùng Phierơ với Giăng đem sự ban Đức Thánh Linh đến đã cứu hội thánh đầu tiên thoát khỏi tình trạng có hai hội thánh mẫu hội hoặc hai hội thánh kình địch nhau.

D. Không Phải Cong 19:1-6 Cho Thấy Đức Thánh Linh Ngự Trong Tín Đồ Xảy Đến Sau Sự Cứu Rỗi Sao?

Muốn trả lời “Đúng vậy” cho câu hỏi nầy thì đòi hỏi phải hiểu mười hai môn đồ của Giăng BápTít đã là tín đồ Đấng Christ trước khi gặp Phaolô tại thành Êphêsô. Nhưng đây không phải là cách hiểu đúng. Họ không trở thành tín đồ Đấng Christ bởi tin sứ điệp của Giăng và chịu phép báptêm của Giăng; họ trở thành tín đồ Đấng Christ chỉ sau khi Phaolô giải nghĩa cho họ sự khác nhau giữa Giăng và Đức Chúa Jesus. Trong thực tế, từ khúc Kinh Thánh, dường như họ còn chưa hiểu bao nhiêu về sứ điệp của Giăng nữa kia. Nhưng khi hiểu và tin những điều Phaolô giải nghĩa cho họ, họ lập tức nhận lãnh Thánh Linh qua sự đặt tay của Phaolô. Không hề bị trì hoãn.

Kiểu mẫu dân ngoại thông thường để nhận lãnh Đức Thánh Linh đã được thiết lập tại nhà Cọtnây, nơi đây Đức Thánh Linh đã được ban cho khi những người nầy tin, trong khi Phierơ đang giảng và trước khi họ chịu phép báptêm bằng nước (10:44,47).

E. Mối Quan Hệ Giữa Đức Thánh Linh Ngự Trong Lòng Và Việc Xức Dầu Là Gì?

Xức dầu trong Cựu Ước là vấn đề rất trọng thể,để làm cho một người hay một vật trở nên thánh khiết và thiêng liêng (Xu 40:9-15). Nó được liên kết với Đức Thánh Linh và với việc trang bị để phục vụ (ISa 10:1,9; Xa 4:1-14).

Trong Tân Ước, Đấng Christ đã được xức dầu (Lu 4:18; Cong 4:27; 10:38; He 1:9) và tín đồ được xức dầu (IICo 1:21; IGi 2:20,27).Về sự xức dầu cho tín đồ, những phân đoạn Kinh Thánh nầy dường như dạy rằng đó không phải là việc được lập lại, nhưng là một việc tiếp tục ở bên trong. Trong khi việc xức dầu trong Cựu Ước liên quan nhiều hơn đến sự phục vụ (cũng như đến sự xức dầu của Đấng Christ), thì sự xức dầu tín đồ Tân Ước liên quan với mối quan hệ để giúp chúng ta hiểu lẽ thật. Việc xức dầu của Cựu Ước dường như gần gũi hơn với ý “đầy dẫy Đức Thánh Linh,” trong khi việc xức dầu cho tín đồ tương tự với việc Đức Thánh Linh ngự trong lòng. Không phải mọi tín đồ thời Cựu Ước đều kinh nghiệm sự xức dầu; nhưng ngày nay mọi tín đồ đều kinh nghiệm. Việc đó có thể đã được lập lại trong Cựu Ước; ngày nay, việc xức dầu vẫn còn tiếp tục ở trên mọi tín đồ.

Tân Ước dạy rõ rằng mọi tín đồ đều được Đức Thánh Linh ngự vĩnh viễn trong lòng. Đừng vì quen thuộc điều nầy mà làm mờ nhạt ý nghĩa của nó. Chức vụ phổ thông và vĩnh viễn nầy cho các tín đồ tương phản hẳn với chức vụ ngự trong đời sống của Đức Thánh Linh thời Cựu Ước (Gi 14:17). Nói vậy có nghĩa: bất luận chúng ta có cảm nhận được hay không, thì Thánh Linh Đức Chúa Trời vẫn luôn luôn sống trong chúng ta. Điều nầy sẽ đem lại cho chúng ta (a) ý thức về sự an ninh trong mối tương quan của chúng ta với Đức Chúa Trời,(b) động cơ thúc đẩy để thực hành sự hiện diện đó của Đức Chúa Trời, và (c) nhạy bén với những tội lỗi chống nghịch cùng Đức Chúa Trời.