I. SỰ GIÁNG SINH CỦA ĐẤNG CHRIST

Thánh Linh đã dự phần sự hoài thai Chúa chúng ta trong lòng trinh nữ Mari. Kết quả chính là Sự Nhập Thể của Ngài (Lu 1:35).

II. ĐỜI SỐNG CỦA ĐẤNG CHRIST

A. Các Phương Diện Trong Chức Vụ Của Thánh Linh

1. Đấng Christ đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh (Lu 4:1).

Từ ngữ dùng ở đây cho thấy đây chính là đặc trưng của đời sống Ngài (giống như trong Cong 6:3,5). Đấy không phải là chuyện nhất thời, nhưng là một mối quan hệ Ngài đã có suốt cuộc đời.

2. Đấng Christ đã được xức dầu bằng Đức Thánh Linh (Lu 4:18; Cong 4:27; 10:38; He 1:9).

Điều nầy cho thấy Ngài chính là Đấng Mêsia (Đấng Được Xức Dầu) và được ban quyền năng để thực hiện chức vụ tiên tri của Ngài.

3. Đấng Christ đã vui mừng trong Đức Thánh Linh (Lu 1:21).

Có lẽ đây là một bằng chứng Ngài được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

4. Đấng Christ đã được Đức Thánh Linh ban quyền năng trong suốt đời sống Ngài.

Điều nầy được dự ngôn bởi Êsai (Es 42:1-4;61:1-2), và được kinh nghiệm bởi Jesus người Naxarét trong các chức vụ giảng đạo (Lu 4:18) và làm phép lạ (Mat 12:28).

B. Những Lãnh Vực Của Chức Vụ Đức Thánh Linh

1. Chức vụ Thánh Linh trong đời sống của Chúa chúng ta có liên quan với thánh chức Tiên Tri của Ngài. Vào đầu chức vụ công khai của Chúa Jesus, Ngài tuyên bố Thánh Linh Đức Chúa Trời đã ở trên Ngài để rao ra những năm lành của Chúa (Lu 4:18).

2. Chức vụ Đức Thánh Linh cũng ban quyền năng cho Chúa Jesus thực hiện một số những phép lạ của Chúa Jesus. Một số những phép lạ của Chúa rõ ràng đã được thực hiện trong quyền năng của Đức Thánh Linh.Lời tuyên bố nầy chính là điều đã dẫn tới biến có liên quan đến tội không thể được tha (Mat 12:28,31). Ngài cũng đã cho kẻ mù được thấy nhờ Đức Thánh Linh ở trên Ngài (Lu 4:18). Trong Cựu Ước, việc cho kẻ mù được nhìn thấy trở lại chính là một đặc quyền của riêng Đức Chúa Trời (Xu 4:11; Thi 146:8) và là việc mà Đấng Mêsia sẽ làm (Es 29:18; 35:5; 42:7). Vì vậy, khi Chúa chữa lành cho kẻ mù được thấy, thì Ngài đang tuyên bố rõ ràng Ngài chính là Đấng Mêsia mà Ysơraên mong đợi từ lâu. Người ta cho rằng chức vụ của Đức Thánh Linh (xức dầu và ban quyền năng) có liên kết với thể loại phép lạ nầy, là phép lạ chứng minh Đức Chúa Jesus là Đấng Mêsia được xức dầu.

Trong toàn bộ Cựu Ước, không có câu chuyện nào về người mù được nhìn thấy trở lại. Không môn đồ nào của Chúa dự phần chữa cho kẻ mù được thấy. Chỉ có sự tham gia của Anania để chữa cho Phaolô nhìn thấy trở lại là có phần thích ứng, dầu đây là một việc làm khác với việc của Chúa chúng ta khi Ngài cho những kẻ chưa hề nhìn thấy được sáng mắt lại. Như vậy,khi Đấng Christ đến trong cõi lịch sử và chữa cho rất nhiều kẻ mù được thấy,thì đấy chính là lời tuyên bố hùng hồn tư cách Đấng Mêsia của Ngài.

Phép lạ của Đấng Christ ở thể loại nầy được ghi lại nhiều hơn mọi thể loại khác. Mathiơ ghi lại sự chữa lành hai người mù nọ (9:27-31), sự chữa lành chung cho kẻ mù (11:5), sự chữa lành cho những người mù mà đã khơi dậy tội không thể được tha (12:22), số đông người mù nói chung chung khác nữa được chữa lành (15:30), và sự chữa lành những người mù trong đền thờ vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá (21:14). Mác ghi lại sự mở mắt người mù ở Bếtsaiđa (Mac 8:22-26), và sự chữa sáng mắt cho Batimê cùng bạn ông tại Giêricô (10:46-52,cũng được ghi lại trong Mathiơ và Luca). Giăng ghi lại sự chữa lành người mù từ lúc sanh ra (Gi 9:1-41). Và toàn bộ những việc nầy đều được thực hiện trong quyền năng của Đức Thánh Linh.

Nhưng một số phép lạ của Chúa chúng ta hiển nhiên được thực hiện bởi chính quyền năng vốn có của Đấng Thần-Nhân nơi Ngài.Người đàn bà mắc bệnh mất huyết đã được chữa lành bởi quyền năng của chính Ngài (Mac 5:30). Sự chữa lành người bại được các bạn ông giòng qua mái nhà đã được quy cho quyền năng của Chúa Jesus (Lu 5:17). Sự chữa lành tập thể cho đoàn dân đông sau khi Ngài chọn các môn đồ đã là kết quả quyền năng của chính Ngài (6:19). Những người đến bắt Chúa trong Vườn Ghếtsêmanê đã thối lui lại trong giây phút đó bởi sự bày tỏ quyền năng của thần tánh Ngài khi Ngài phán: “CHÍNH TA ĐÂY” (Gi 18:6 - “I AM” trong Anh Ngữ, còn có nghĩa là “ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU”- ND).

Có người sẽ bảo các phép lạ nầy được gán cho Đấng Christ nhưng thực ra đã được Đức Thánh Linh ở trong Ngài ban quyền năng cho. Tuy có thể đúng như vậy, nhưng dường như đó không phải là cách lý giải thông thường cho các câu Kinh Thánh nầy. Vì thế, tốt hơn nên công nhận Ngài đã thực hiện một số phép lạ bằng quyền năng của Đức Thánh Linh (đặc biệt những phép lạ đã cung cấp bằng chứng cho lời Ngài tuyên bố Ngài là Đấng Mêsia bởi việc chữa cho kẻ mù được thấy), và một số phép lạ bằng quyền năng của riêng Ngài.

C. Xung Đột Về Chức Vụ Của Đức Thánh Linh

Mat 12:22-37 và Mac 3:22-30 ghi lại xung đột về quyền năng của Đức Thánh Linh đã xảy ra tại Galilê, trong khi Luca ghi lại trường hợp tương tự trong vùng Giuđê khoảng một năm sau đó (11:14-23).

Xung đột được ghi lại trong Mathiơ và Mác đã nảy sinh vì Chúa chữa lành một người đui và câm (và chắc cũng có nghĩa người nầy bị điếc nữa). Tuy nhiên, nguyên nhân thực tế gây ra những nan đề của người nầy chính là bị quỷ ám. Tuy các thuật sĩ Do Thái có thể đuổi được quỷ, nhưng họ hẳn đã rất khó khăn trong trường hợp nầy, vì làm sao bạn đối thoại với một người mù và câm, và có thể còn điếc nữa chứ? Khi Chúa chữa lành lập tức mọi tật bệnh,dân chúng sửng sốt và bắt đầu cho rằng Đức Chúa Jesus thực sự là Đấng Mêsia của họ. Điều nầy khiến người Pharisi thốt lên lời buộc tội đầy lộng ngôn rằng Satan đang ban ơn cho Jesus bạn hắn, bằng cách rút các quỷ ra khỏi con người để khiến dân chúng thấy như chính Đấng Christ có quyền đuổi quỷ vậy. Rồi họ bảo: Như vậy ai còn muốn đi theo một người là bạn của Satan hiển nhiên như Jesus nầy nữa chăng?

Lời đáp của Chúa gồm ba tuyên bố.

(1) Một nước hay một nhà tự chia rẽ thì không đứng vững được. Nói cách khác, Satan sẽ không tự diệt chính vương quốc của nó bằng cách kết đồng minh với vương quốc của Chúa Jesus. Đúng là Satan có thể cho các thuật sĩ Do Thái đuổi quỷ, nhưng việc đó sẽ không gây ra kiểu rạn nứt cơ bản nầy trong vương quốc của Satan như Đức Chúa Jesus hẳn sẽ gây ra, nếu như thực sự Ngài đang đuổi quỷ nhờ năng quyền của Satan.

(2) Tiếp đó Chúa nói rõ lời buộc tội đó phi lý biết bao, vì người Pharisi đã công nhận các thuật sĩ Do Thái không đuổi được quỷ nhờ quyền năng của Satan. Vậy tại sao họ lại buộc tội Ngài đuổi quỷ nhờ năng quyền Satan?

(3) Kết luận hợp lý duy nhất rút ra từ những sự thật nầy là: Nước Đức Chúa Trời đã đến, vì Đấng Christ đang đánh bại Satan bằng cách cướp những nạn nhân khỏi tay Satan và Ngài đang cậy quyền năng Đức Thánh Linh để làm việc đó.

Vậy, khi kết tội Chúa Jesus đang kết liên minh với Satan, người Pharisi đang đặt họ đứng về phe Satan. Hơn nữa, họ đang kết tội Thánh Linh, là Đấng ban quyền năng để Đấng Christ đuổi quỷ. Chúa muốn nói gì khi bảo tội phạm cùng Con Người thì có thể được tha, nhưng tội phạm cùng Thánh Linh thì không thể được tha? Ngài muốn nói: dầu họ có thể hiểu lầm lời tuyên bố của Ngài, nhưng sự ngu dốt như thế tuy đáng trách cũng vẫn còn tha thứ được. Nhưng hiểu lầm quyền năng Đức Thánh Linh thì không thể tha được, bởi vì quyền năng và chức vụ của Thánh Linh đã được biết rõ từ thời Cựu Ước.

Nói phạm Thánh Linh không chỉ là tội của môi lưỡi. Người Pharisi không chỉ phạm tội bằng lời nói của họ thôi. Đó là tội lỗi của tấm lòng được diễn tả bằng lời nói. Hơn nữa, tội của họ là tội phạm công khai với Ngài. Muốn phạm tội nầy đòi hỏi phải có sự hiện diện đích thân và hữu hình của Đấng Christ trên đất; do đó, ngày nay, người ta không thể nào phạm được tội đó. Nhưng bày tỏ sự gian ác của tấm lòng là tội không thể nào được tha trong bất cứ thời đại nào, nếu như người đó chết mà vẫn khăng khăng chối bỏ Đấng Christ. Số phận đời đời của một người được quyết định trong đời nầy, nhưng không tội nào là không thể tha được chừng nào người ấy còn hơi thở. Quả thực,Chúa đã khuyên giục người Pharisi đứng về phía Ngài thay vì chống nghịch Ngài (Mat 12:30), để tỏ lòng ăn năn (c. 33-35), và để nói ra những lời chứng tỏ một tấm lòng công bình chứ không phải những lời nói đem lại sự định tội cho họ (c.36-37). Chính Phaolô là bằng chứng cho thấy tội phạm thượng có thể được tha (ITi 1:13).

D. Ý Nghĩa Của Chức Vụ Đức Thánh Linh

1. Sự phát triển của nhân tánh Đấng Christ.

Chúng ta có lý để thừa nhận Đức Thánh Linh đã dự phần phát triển nhân tánh của Đấng Christ (Lu 2:52; He 5:8). Sự lớn lên của Ngài chắc chắn có liên quan với Đức Thánh Linh, Đấng đã đầy dẫy và xức dầu cho Ngài.

2. Sự nương cậy của Đấng Christ.

Ngài đã thực sự nương cậy Đức Thánh Linh để được dẫn dắt và có quyền năng, ít nhất cũng là trong một số phép lạ.

Nếu Con Đức Chúa Trời Vô Tội đã dùng những chức vụ nầy của Đức Thánh Linh, thì làm sao chúng ta mong sống độc lập khỏi quyền năng của Đức Thánh Linh được?

III. SỰ CHẾT CỦA ĐẤNG CHRIST

He 9:14 thường được trích làm bằng chứng Chúa chúng ta đã bởi Đức Thánh Linh dâng chính Ngài làm của lễ trong sự chết Ngài. Bằng chứng để xem câu này có nói về Đức Thánh Linh hay không được phân chia khá đồng đều, khiến khó rút được kết luận rõ ràng.

Bằng chứng xem câu này nói đến Đức Thánh Linh nêu ra như sau. Việc thiếu mạo từ (theo nghĩa đen, “nhờ linh đời đời”) chỉ về Đức Thánh Linh cũng giống như trường hợp thiếu mạo từ trong 1:1 càng chỉ rõ ràng hơn đến Đấng Christ.

Về mặt thần học, có lý khi cho rằng nếu Đức Thánh Linh dự phần trong sự giáng sinh và đời sống của Đấng Christ, thì Thánh Linh cũng sẽ dự phần trong sự chết của Đấng Christ.

Bằng chứng nói câu nầy không chỉ về Đức Thánh Linh, nhưng chỉ về linh đời đời của chính Đấng Christ mà thần tính của Ngài đã có, thì nêu như sau. Việc thiếu mạo từ sẽ chỉ về một điều nào khác thì tự nhiên hơn là chỉ về Đức Thánh Linh, vì cách dịch Đức Thánh Linh thường gồm có cả mạo từ.

Nếu câu nầy chỉ về linh đời đời của Đấng Christ, thì câu đấy không nói về việc thần tánh dâng nhân tánh làm của lễ,nhưng chỉ về việc toàn bộ Thân Vị dâng chính Ngài làm của lễ bởi hành động của sức mạnh - linh cao nhất bên trong Ngài. Linh thiên thượng của chính Ngài đã dự phần dâng của lễ của Đấng Thần-Nhân.

Một câu Kinh Thánh khác nữa, tức là IPhi 3:18,có thể chỉ về việc làm của Đức Thánh Linh liên quan đến sự chết của Đấng Christ. Tuy nhiên, câu nầy thường được xem như liên hệ công tác của Đức Thánh Linh với sự sống lại của Đấng Christ. Hai nan đề lớn đã xuất hiện khi giải nghĩa câu nầy. Một nan đề về sự nhận diện chữ “linh” chỉ về Đức Thánh Linh hay về linh đời đời của chính Đấng Christ. Nếu chỉ về Đức Thánh Linh, thì hình thức nầy mang tính công cụ, “bởi [Thánh ]Linh”; nếu chỉ về linh đời đời của Đấng Christ, thì hình thức nầy mang tính xác định địa điểm, “trong linh [của Đấng Christ.]” Sự tương đồng với “xác thịt” có thể thiên về linh của Đấng Christ. Nếu vậy, chúng ta không có phần ký thuật nào về chức vụ của Đức Thánh Linh liên quan đến sự chết của Đấng Christ (trừ phi sử dụng được He 9:14) hoặc sự sống lại của Ngài.

Nhưng dầu câu Kinh Thánh nầy chỉ về Đức Thánh Linh đi nữa, thì vẫn còn một nan đề khác. Nó liên quan đến cách dùng một mạo từ quá khứ bất định (aorist participle), “được sống bởi linh” (“quickened by the spirit” - Bản KJV; Bản Việt Ngữ: “về phần linh hồn thì được sống”).Thông thường, phân từ quá khứ bất định chỉ ra một hoạt động đồng thời hoặc xảy ra trước hoạt động của động từ chính, chứ không phải là xảy ra sau. (Cong 25:13 không phải là một ngoại lệ, vì việc “đến ” của họ có thể là một khoảng thời gian mà việc chào thăm là một phần trong khoảng thời gian đó, hoặc vì những lời chào thăm thường được gửi tới trước khi đến nơi.) Nếu động từ chính là “đã chết,”thì hành động “làm cho sống” không thể nói đến Sự Phục Sinh của Chúa, là việc xảy ra sau Sự Chết Ngài. Nó sẽ chỉ về việc làm cho sống lại nào đó tại thời điểm Đóng Đinh trên thập tự giá (hành động đồng thời). Tuy nhiên, nếu động từ chính là “dẫn,” trong mệnh đề nầy, thì có thể hiểu việc “làm cho sống” có thể chỉ về Sự Sống Lại, là việc đã xảy ra trước khi chúng ta được đem về thiên đàng. Trong trường hợp nầy thì ý nói đến sự sống lại của Đấng Christ. Trong phương án thứ nhất, ý nói đến một loại việc “làm cho sống” hay “ban quyền năng” nào đó trên thập tự giá. Nhưng cả hai trường hợp đều không rõ Đức Thánh Linh có dự phần,đúng hơn là linh của Đấng Christ dự phần.

Cuối cùng, một số người trích Ro 1:4 để chứng tỏ Đức Thánh Linh đã dự phần trong sự sống lại của Đấng Christ. Một lần nữa, lại xuất hiện hai nan đề về chú giải kinh. Một nan đề liên quan đến sự nhận diện “thần linh của thánh đức.” Phép so sánh tương đồng với “theo xác thịt” tranh luận rằng “thần linh của thánh đức” chỉ về linh của chính Đấng Christ, chứ không phải Đức Thánh Linh. Nan đề thứ nhì liên quan đến việc xác định xem đang xét đến (những)sự sống lại nào. Theo nguyên văn, câu Kinh Thánh nầy nói “sự sống lại của những kẻ chết [số nhiều.]” Điều nầy có thể chỉ về (a) sự sống lại của Đấng Christ từ trong vòng những người chết, hoặc (b) những sự sống lại mà Ngài đã làm cho đang khi Ngài còn trên thế gian nầy, hoặc (c) mọi sự sống lại đó, kể cả sự sống lại của chính Ngài nữa. Nhưng trong trường hợp nào đi nữa cũng không chắc chắn Đức Thánh Linh đã trực tiếp dự phần.

Thực ra, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Đức Thánh Linh trực tiếp hành động trong sự chết hay sự sống lại của Chúa chúng ta. Đương nhiên, trên phương diện những hoạt động nầy liên quan đến Ngôi Thứ Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, thì cả ba Ngôi vị đều tham gia vào.