Trong lịch sử, có 2 con đường qua đó Đức Chúa Trời đã khởi sự bày tỏ trước chính Ngài, được gọi là sự mặc khải tổng quát và đặc biệt. sự mặc khải tổng quát bao gồm mọi sự Đức Chúa Trời đã bày tỏ trong thế giới chung quanh chúng ta hể cả loài người, còn mặc khải đặc biệt gồm nhiều phương tiện khác nhau Ngài đã dùng truyền đạt sứ điệp của Ngài trong những điều được hệ thống hoá trong Kinh thánh. Mặc khải tổng quát đôi khi được gọi là thần học tự nhiên và mặc khải đặc biệt được gọi là thần học mặc khải. Nhưng lẽ dĩ nhiên, điều được mặc khải trong thiên nhiên cũng được mặc khải trong thần học. Một số tác giả dùng tên gọi Mặc Khải Trước Sự Sa Ngã (prelapsarian revelation) cho mặc khải tổng quát và Mặc Khải Sau Sa Ngã (poslaption revelation) hay Mặc Khải Cứu Rỗi (soteric revelation) cho mặc khải đặc biệt. Tuy nhiên, cả hai loại mặc khải tự nhiên và đặc biệt đều (a) đến từ Đức Chúa Trời và (b) bày tỏ về Đức Chúa Trời.

Trong chương nầy chúng ta sẽ thảo luận phần lớn về mặc khải tổng quát, để giành những lãnh vực khác của giáo lý về sự mặc khải cho Phần III. Mặc khải tổng quát cung cấp những bằng chứng về sự thực hữu của Đức Chúa Trời. Mặt khác, mặc khải đặc biệt nói chung đã mặc nhiên thừa nhận sự thực hữu của Ngài rồi.

I. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA SỰ MẶC KHẢI TỔNG QUÁT

Mặc khải tổng quát thật đúng y như tên gọi – có nghĩa là có tính tổng quát. Bao quát trong phạm vi của nó ; nghĩa là nó đến với mọi người (Mathiơ 5:45 ; Công 14:17). Nó có tính tổng quát trên phương diện địa lý; nghĩa là bao gồm toàn cả địa cầu (Thi thiên 19:2). Nó mang tính tổng quát trong phương pháp luận; nghĩa là dùng những phương tiện phổ thông như sức nóng mặt trời (các câu 4-6) và lương tâm con người (Rôma 2: 14-15). Đơn giản vì đây là sự mặc khải có ảnh hưởng đến mọi người bất luận ở nơi đâu và đã sống trong thời kỳ nào đi nữa, nên nó đem ánh sáng và chân lý đến với mọi người, hoặc nếu bị phủ nhận, nó sẽ đem lại sự đoán phạt.

 

II. NHỮNG CON ĐƯỜNG CỦA MẶC KHẢI TỔNG QUÁT

Mặc khải tổng quát đến với con người theo rất nhiều cách.

A. QUA CÕI TẠO VẬT

1. Phát biểu.  Nói đơn giản, loại chứng cứ nầy (luận cứ vũ trụ luận chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời) nói lên rằng vũ trụ chung quanh chúng ta là một kết quả đòi hỏi một nguyên nhân thoả đáng.

2. Những tiền giả định.  Loại chứng cứ hiển nhiên nầy dựa trên ba tiền giả định: (a) Mỗi kết quả đều có một nguyên nhân; (b) Kết quả tuỳ thuộc vào nguyên nhân sinh ra nó; và (c) Cõi thiên nhiên không thể tự sinh ra.

3. Khai triển.  Nếu có một điều gì đó hiện nay đang tồn tại (vũ trụ nầy) thì hoặc nó đã không ra từ đâu cả, hoặc nó ra từ một điều gì đó chắc phải có tính vĩnh hằng - hoặc là cơ may ngẫu nhiên là một nguyên tắc vĩnh hằng, hoặc Đức Chúa Trời là một thực tại vĩnh hằng.

Nói rằng toàn vũ trụ đã không ra từ đâu cả tức là nói vũ trụ đã tự tạo ra chính nó. Đây là một mâu thuẫn trong trong lý luận, vì để một điều tự sáng tạo ra nó, nó phải tồn tại và không được phép tồn tại từ cùng một thời điểm và theo cùng một cách. Hơn nữa, sự tự tạo dựng chưa bao giờ được chứng minh và được quan sát cách khoa học cả.

Một biến thể của quan điểm ủng hộ tính vĩnh hằng của vật chất là Thuyết Trạng Thái Ổn Định (Steady State Theory) gợi ý rằng vật chất được tạo ra không ngừng ở gần trung tâm của vũ trụ và bị tiêu huỷ ở vành đai không gian phía ngoài. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào hỗ trợ thuyết nầy, và nếu thuyết nầy đúng thì đã vi phạm định luật bảo tồn năng lượng và khối lượng.

Chẳng phải vấn đề nguyên nhân kết quả cùng áp dụng cho Đức Chúa Trời sao?  Không phải Ngài cũng là một kết quả đòi hỏi phải có một nguyên nhân sao? Câu trả lời là không, bởi vì Đức Chúa Trời không phải là một kết quả (kết quả là một điều gì đó đòi hỏi phải có một nguyên nhân), bởi vì Ngài là một vĩnh hằng.

Nếu vũ trụ không tạo ra chính nó, thì phải có một điều gì đó vĩnh hằng đã tạo ra vũ trụ. Một phương án tuỳ chọn ấy là chính tiến trình của vũ trụ là vĩnh hằng, một sự lựa chọn hầu như không thể tán thành được. Trái lại, dường như hầu hết mọi người tin rằng vũ trụ có một điểm khởi đầu, bất luận là cách đây bao lâu đi nữa.

Một phương án chọn lựa khác nữa là một nguyên tắc vĩnh hằng nào đó của ngẫu nhiên hoặc trí thông minh mù quáng. Tin vào phương án nầy đòi hỏi một lượng đức tin rất lớn. Có thể chứng minh bằng toán học rằng cơ may ngẫu nhiên ắt không thể sinh ra những điều chúng ta quan sát hiện nay trong vũ trụ. Nhưng dẫu nó có thể sinh ra những phân tử và nguyên tử, là “chất liệu” của vũ trụ, một nguyên tắc vô tri giác như thế liệu cũng sinh sản trong những khía cạnh tâm hồn và thuộc linh của đời sống được sao?

Phương án chọn lựa thứ ba là phương án hữu thần; có nghĩa: Hữu Thể vĩnh hằng tạo nên vũ trụ chính là Đức Chúa Trời. Nói vậy không có nghĩa cõi vũ trụ bày tỏ mọi chi tiết về thuộc tánh của Hữu Thể vĩnh hằng đó, nhưng thật sự nói rằng có một Hữu Thể sống động, quyền năng, thông minh đã tạo nên vũ trụ. Sống động, vì không có sự sống thì không thể sinh ra sự sống. Quyền năng, bởi vì chính bản chất của điều đã được tạo thành. Thông minh, bởi thứ tự và sắp đặt của vũ trụ, là những điều ngẫu nhiên không thể tạo ra được.

4. Lời Kinh thánh.  Hai phân đoạn chìa khoá trong Kinh thánh bày tỏ Sự Sáng Tạo là phương tiện của sự mặc khải.

a. Thi thiên 19:1-6. Trong Thi thiên nầy Đavít viết về (1) sự liên tục của khải thị thông qua cõi thọ tạo (câu 1-2). Các động từ nầy diễn tả hành động liên tục, nói lên rằng các từng trời, bầu trời, ngày và đêm liên tục nói về vinh hiển của Đức Chúa Trời. Ông cũng đã viết rằng (2) trung tâm hay phạm vi của sự mặc khải nầy là cõi vũ trụ, các từng trời và trái đất (c.4), (3) bản chất của sự khải thị nầy là hoàn toàn rỏ ràng dù không diễn tả thành lời (c.4), và (4) tầm ảnh hưởng là mọi nơi và mọi người (c. 4-6). Nó bao trùm toàn thể trái đất, và mọi người đều có thể hiểu biết. Hầu hết mọi người có thể thấy mặt trời và sự tuần hoàn của ngày đêm, nhưng ngay cả những người mù cũng cảm nhận được sức nóng của mặt trời (6). Sự khải thị nầy buộc phải gợi lên những thắc mắc trong tâm trí con người. Sức nóng nầy đến từ đâu? Ai tạo nên mặt trời? (5)  Nội dung sự mặc khải nầy cũng có hai phương diện. Nó bày tỏ đôi điều về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời cũng như sự vĩ đại của Đức Chúa Trời.

b. Rôma 1:18-32.  Trong phân đoạn chìa khoá nầy, trọng tâm nhắm vào vào sự mặc khải cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vì loài người từ chối điều có thể biết về Ngài qua con đường Sáng Tạo.

(1) Sự mặc khải về cơn giận của Ngài (c. 18). Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời được tỏ ra nghịch cùng những kẻ lìa bỏ chân lý và sống không thành kính. Những chi tiết cụ thể về cách bày tỏ cơn giận của Ngài được liệt kê trong các câu 24-32.

(2) Những nguyên nhân khiến Ngài thạnh nộ (c. 19-23). Có hai nguyên nhân: có một số điều có thể biết về Đức Chúa Trời, nhưng vì tiếp nhận chân lý đó, người ta bác bỏ sự khải thị đó và thật ra đã xuyên tạc điều đó. “Công việc của Ngài” (c.20), tức vũ trụ, bày tỏ rõ (và đã bày tỏ rõ từ khi bắt đầu cuộc Sáng Thế) về quyền năng và bản chất thiên thượng của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, khi quan sát vũ trụ vạn vật quanh mình, cả nhân loại đáng ra phải biết có một Đấng tối cao đang hiện hữu, Thay vào đó, nhân loại chối bỏ chân lý ấy, và tôn lên các hình tượng mà con người vốn cao trọng hơn chúng.

(3) Hậu quả từ cơn thạnh nộ của Ngài (c.24-32). Bởi vì nhân loại khướt từ mặc khải tổng quát, Đức Chúa Trời đã phó mặc họ (c.24, 26, 28). Có người nghĩ điều nầy nói đến sự phó mặc theo kiểu cho phép và buông trôi cho con người phải gánh chịu những hậu quả trừng phạt tội lỗi họ. Nhưng động từ ở các câu 24, 26, và 28 đây ở thế chủ động. Có người hiểu động từ nầy theo kiểu tước đoạt; tức là Đức Chúa Trời rút công tác ân điển phổ thông của con người. Người khác nữa cảm thấy đây là một hành động pháp lý tích cực từ phía Đức Chúa Trời, để phó con người vào sự đoán phạt. Hành động nầy bao hàm cả ý tước đoạt, nhưng thiên về quan điểm chủ động hơn quan điểm cho phép. Động từ nầy hiểu rằng con người đồng thời chịu trách nhiệm vì những hành động tội lỗi của họ (Êphêsô 4:19 dùng cùng động từ nầy). Con người bị đoán phạt cách công bình vì không tiếp nhận điều Chúa đã nói cho họ biết về chính Ngài qua cõi tạo vật.

Norman Geisler phát biểu lại luận cứ Vũ trụ luận như sau (Philosophy Religion [grand Rapids: Zondervan, 1981], trang 190-208):

(a) Một số những hữu thể giới hạn và hay thay đổi nào đó đang thực hữu. Muốn phủ nhận điều nầy đòi hỏi phải có sự khẳng định từ một hữu thể đang thực hữu, nên phủ nhận như vậy là tự chuốc lấy thất bại.

(b) Sự thực hữu hiện tại của mỗi hữu thể hữu hạn và hay biến đổi được tạo ra bởi một hữu thể khác. Tiềm năng để nó hiện hữu chỉ thành hiện thực được nhờ một sự tồn tại nào đó ở ngoài nó.

(c) Không thể có sự đi lui vô hạn cho các nguyên nhân hiện hữu.

(d) Do đó, có một Nguyên Nhân đầu tiên cho sự thực hữu hiện tại của những hữu thể nầy.

(e) Nguyên Nhân đầu tiên nầy phải là vô hạn, tất yếu đời đời, đơn giản, bất biến và có một.

(f) Bằng cách đối chiếu Hữu thể được mâu thuẫn bởi tuyến lập luận nầy với Đức Chúa Trời của Kinh thánh, chúng ta kết luận hai Đấng nầy chính là một.

 

 

001

 

B. THÔNG QUA SỰ TỔ CHỨC

1)  Phát biểu.  Mục đích, thứ tự và mẫu thiết kế chúng ta quan sát thấy trong thế giới nầy đòi hỏi phải có một người thiết kế. Sự trình bày thịnh hành nhất cho các luận cứ. Mục đích luận nầy có trong tác phẩm Thần Học Tự Nhiên của William Paley (Willams Paley’s Natural Theolory) (1802), bao gồm minh hoạ về tiến trình tổ chức của chiếc đồng hồ đòi hỏi phải có ai đó đã hoạch định ra.

 

2)  Khai triển.  Để hữu hiệu nhất, luận cứ Mục đích luận nầy cần tập trung vào những lãnh vực bao quát hơn của mẫu thiết kế trong cõi thiên nhiên hơn là vào những chi tiết. Khi dùng một trong những minh hoạ của BusWell (Thần Học Hệ Thống của Cơ đốc Giáo (A Systematic Theolory the Christian Religion), [Grand Rapids: Zondervan, 1962], trang 87), sự kiện không hề có hai bông tuyết nào hoàn toàn giống nhau sẽ cung cấp bằng chứng về mục đích và thiết kế của Đức Chúa Trời cho thế giới kém hiển nhiên hơn địa vị quan trọng của tuyết trong chu trình các mùa cũng như trong sự chu cấp độ ẩm cho trái đất. Hơn nữa, chúng ta không hiểu được một số chi tiết cụ thể trong thiên nhiên, thường là do cách hoạt động của tai ương. Nhưng bức tranh tổng quát là một hình ảnh của trật tự và có hoạch định. Hành động ngẫu nhiên không bao giờ có thể sản sinh ra một tổ chức tổng hợp hài hoà cao độ mà chúng ta thấy được trong thế giới nầy

3)  Lời Kinh thánh.  Thi thiên 19:2 nói thế giới là bằng chứng về sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá . Khi dân thành Littrơ sắp dâng tế lễ cho Phao lô và Banaba vì tưởng hai ông là các thần, Phao lô ngăn họ bằng cách dùng luận cứ Mục Đích luận nầy chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời chân thật (Công vụ 14:15-18). Thế giới nầy cho thấy chu kỳ của các mùa và sự ban mưa xuống là nhằm mục đích đem cho con người thức ăn và sự vui mừng. Phao lô nói trật tự nầy trong thiên nhiên là lời chứng hùng hồn cho sự thực hữu của một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật.

C. CON NGƯỜI

1)  Phát biểu.  Làm sao giải thích được nguyên nhân của con người – là một hựu thể đạo đức, khôn ngoan và sống động - nếu không có một Đức Chúa Trời đạo đức, khôn ngoan và hằng sống.

2)  Khai triển.  Điều gọi là luận cứ Nhân Loại luận để chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời nầy đôi khi được tách ra nhiều cách. Ví dụ Buswell tách riêng luận cứ Nhân Loại luận (Đức Chúa Trời sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài) và đạo đức luận (những ý tưởng về đúng sai đã khởi đầu thế nào?) (Thần Học Hệ Thống, trang 90-1). Dale Moody (The Word Truth [Grand Rapids: Eerdmans, 1981], trang 83-4) tách luận cứ căn bản nầy ra làm bốn: luận cứ đạo đức; sự hiện hữu của lý trí, toàn bộ bản ngã (tức là hồn) và ý thức tôn giáo. Theo tôi, dường như những phần nầy chỉ là những khía cạnh của luận cứ Nhân Loại luận căn bản, vì đều tập trung vào con người, bất luận là tình trạng đạo đức, trí thông minh, những tình cảm, hay ý thức tôn giáo, thì đây vẫn là một phương diện của con người và vẫn thộc chính xác vào luận cứ Nhân loại luận.

Rất nhiều khía cạnh của con người, và kết hợp mọi khía cạnh đó, đòi hỏi phải có lời giải thích nào đó về nguồn gốc của chúng, và đưa ra lập luận ủng hộ sự thực hữu của một hữu thể đạo đức, khôn ngoan, và sống động, một hữu thể có thể đã sinh ra con người. Những ảnh hưởng của vật chất, những sức mạnh vô tri giác hoặc sức mạnh vô tri giác hoặc sức mạnh vô ý thức hầu như không thể sinh sản được con người. Sự tiến hoá không tạo ra tâm hồn, lương tâm, hay những bản năng tôn giáo. Hình tượng không có sự sống không sinh ra được con cháu có sự sống

3).  Lời Kinh thánh.  Tác giả Thi thiên tuyên bố: “Đấng đã gắn tai há chẳng nghe sao? Đấng đã nắn con mắt há sẽ chẳng thấy ư?” (Thi thiên 94:9). Nói cách khác, một tạo vật sống động, khôn ngoan đòi hỏi phải có một Đấng Tạo Hoá sống động và khôn sáng.

Tại Arêôba, Phao lô đã lập luận cùng một cách nầy. Ông lập luận: Nếu chúng ta là dòng dõi của Đức Chúa Trời, thì Ngài không thể giống các hình tượng bằng vàng hay bạc mà dòng dõi nầy đã làm ra (Công vụ 17:28-29). Cũng giống như dòng dõi Ngài, Ngài chắc chắn phải là đấng sống động thông minh.

D. BẢN THỂ CON NGƯỜI

Luận cứ Bản thể luận  (tức là luận cứ dựa trên nghiên cứu về “bản thể”) đã được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau bởi Anselm, Descartes, và nhiều người khác, và có người chấp nhận (Hegel), có người bác bỏ (Kant).

1)  Phát biểu.  Luận cứ nầy như sau: (a) chúng ta có ý niệm về một Hữu Thể Hoàn Hảo Nhất; (b) ý niệm về Hữu Thể Hoàn Hảo Nhất bao gồm sự thực hữu, bởi vì một Hữu Thể dù hoàn hảo trong những phương diện khác mà không thực hữu thì ắt sẽ không hoàn hảo bằng Hữu thể đã thực hữu. (c) do đó, vì ý niệm về sự thực hữu được chứa đựng trong ý niệm về một Hữu Thể Hoàn Hảo Nhất, nên Hữu Thể Hoàn Hảo Nhất đó phải là thực hữu.

2)  Thảo luận.  Tuy luận cứ nầy dùng phép diễn dịch, nó vẫn có phương diện quy nạp. Ý niệm về thượng đế đến từ đâu? Không phải mọi ý niệm của con người đều tương ứng với một thực tại có bản thể hay đã thực hữu. Nhưng những ý niệm thực sự đều có những nguyên nhân và đều cần lời giải thích. Có tồn tại ý niệm về nàng tiên, nhưng sự thực hữu của ý niệm nầy không chứng minh được thực hữu của một nàng tiên. Tuy nhiên có thể giải thích được cho ý niệm nầy. Tương tự, có tồn tại về ý niệm về Đức Chúa Trời?  Làm sao giải thích được ý niệm nầy?  Đó là phương diện quy nạp của luận cứ nầy. Và đại ý là không giải thích được ý niệm nầy thừ dữ liệu vô thần.

III    NỘI DUNG CỦA SỰ  MẶC KHẢI TỔNG QUÁT:

Những phân đoạn Kinh thánh thích hợp cho chúng ta biết cách đầy thẫm quyền về những điều có thể học được từ sự mặc khải tổng quát. Nói như vậy không có nghĩa mọi người sẽ hiểu được tất cả hoặc thậm chí bất kỳ điều nào trong số nầy, nhưng đây là điều Đức Chúa Trời đã truyền đạt thông qua nhiều phương tiện khác nhau của sự mặc khải tổng quát.

    1. Vinh hiển của Ngài
    2. Quyền năng để hành động
    3. Uy quyền tối cao của Ngài
    4. Thần tánh của Ngài
    5. Quyền kiểm soát thần hựu của Ngài trên thiên nhiên (Công 14:17)
    6. Sự thiện lành của Ngài (Mathiơ 5:45)
    7. Sự khôn ngoan thông minh Ngài (Công vụ 17:29)
    8. Sự thực hữu hằng sống của Ngài (câu 28).

 

IV.  GIÁ TRỊ CỦA SỰ MẶC KHẢI TỔNG QUÁT.

Khi xác định giá trị của mặc khải tổng quát, thường có nguy cơ đánh giá quá cao hoặc quá thấp. Có người ít nhất cũng tạo ấn tượng điều được bày tỏ qua mặc khải tổng quát chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời chân thần trong Kinh thánh. Điều nầy có vẻ đánh giá quá cao giá trị của nó. Có người xem mặc khải tổng quát là vô giá trị, nhưng đánh giá nầy sai vì chính Kinh thánh có phản ánh cách dùng những luận chứng nầy. Vậy đâu là giá trị xứng đáng của nó?

A. ĐỂ BÀY TỎ ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Chính việc Đức Chúa Trời không thu hồi ân điển Ngài sau cuộc nổi loạn đầu tiên hoặc bất cứ cuộc nổi loạn nào tiếp theo đó tự nó đã là ân điển rồi. Ngài không chấm dứt truyền thông với loài người sau khi họ chối bỏ Ngài, đấy là điều kỳ diệu không nhỏ chút nào. Ngài đã tiếp tục cung ứng nhiều phương tiện qua mặc khải tổng quát để nhờ đó con người có thể biết đôi điều về Đức Chúa Trời chân thần, điều đó phô bày ân điển không dứt của Ngài. Có người chịu ảnh hưởng cách tích cực bởi ân điển phổ thông ấy, qua bằng chứng của nếp sống đạo đức và thường là qua việc tìm kiếm thêm chân lý.

B. ĐỂ THÊM TÁC DỤNG CHO LÝ LẼ BÊNH VỰC THUYẾT HỮU THẦN.

Nói rằng những luận cứ ủng hộ sự thực hữu của Thượng đế trên đây chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh thì đã cường điệu. Mặc dầu nhiều chân lý về Đức Chúa Trời được bày tỏ qua mặc khải tổng quát, vẫn còn nhiều điều quan trọng không bao giờ được mặc khải qua phương tiện đó. Nhưng những câu hỏi mà mặc khải tổng quát nêu ra và những câu trả lời nó nhắm vào thực sự  hậu thuẫn cho những tuyên bố của thuyết hữu thần chứ không ủng hộ cho thuyết vô thần, thuyết bất khả tri hoặc thuyết tiến hoá.

C. ĐỂ ĐỊNH TỘI CÁCH CÔNG BẰNG CHO NHỮNG NGƯỜI BÁC BỎ.

Những tuyến bằng chứng nầy thực sự khiến những người nam nữ chưa được tái sanh phải nhận trách nhiệm đáp ứng theo cách nào đó. Đức Chúa Trời định cho con người thấy lối giải thích của chủ nghĩa cơ giới ( thuyết cho rằng mọi vật trong vũ trụ là kết quả của những quá trình vật lý và hoá học), vô thần, của chủ nghĩa ngoại lý là không thoả đáng để giải thích cho thế giới hoà hợp cao độ và những khía cạnh khác nhau của con người. Nhân loại nên đáp ứng bằng cách công nhận đàng sau tất cả mọi sự đó phải có một Hữu thể sống động, quyền năng, thông minh và cao siêu hơn con người.

Nếu con người không công nhận điều tối thiểu nhưng tối quan trọng đó, mà lại quay lưng và đưa ra lời giải thích khác, thì Đức Chúa Trời là công bình nếu Ngài khước từ họ và không ban cho thêm chân lý nào nữa. Sự khước từ đều được bày tỏ qua mặc khải tổng quát là đủ để bị định tội cách công chính. Nhưng nói như vậy không hàm ý sự chấp nhận mặc khải tổng quát là đủ đem lại sự cứu rỗi đời đời. Không đủ, đơn giản là vì không hề có mặc khải về sự chết chuộc tội của Con Đức Chúa Trời.

Nếu điều tôi vừa nói dường như dựng nên một tiêu chuẩn kép, thì đúng là như vậy. Hai tiêu chuẩn không có gì sai, miễn là cả hai đều là công bằng. Và trong trường hợp nầy hai tiêu chuẩn đều công bằng. Nếu Đức Chúa Trời đã dự bị một Chiên Con để chịu giết vì tội lỗi trước khi sáng tạo thế giới nầy và mặc khải tổng quát vẫn cứu rỗi được, thì sẽ không công bằng. Ban cứu rỗi mà không cần đến Chiên Con, đấy sẽ là sự dự bị bất công. Nhung không định tội kẻ khước từ mặc khải ấy ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời khước từ của họ trên đất nầy, đấy sẽ là không công bằng đối với một Đức Chúa Trời thánh khiết. Như vậy, chối bỏ những chân lý trong mặc khải tổng quát đem lại sự định tội công bằng tại bất cứ lúc nào và luôn mọi lúc nào chúng bị chối bỏ.

Nếu một sinh viên giàu lòng quan tâm nọ đi đến với bạn mình – là sinh viên đang cần 1000 đô-la (là tất cả số tiền anh hiện có), và nếu tờ 10 đô-la của anh bị ném xuống sàn nhà một cách khinh bỉ kèm theo lời chế giễu: “Tao làm gì với số tiền còm đó?”, sinh viên nầy còn bổn phận nào nữa để phải giúp thêm cho người bạn mình chăng? Nếu bổng dưng anh có khả năng cho trọn 1000 đô-la, nhưng chính việc khước từ, nó sẽ định tội anh. Chúng ta không được phép quên rằng đại đa số người từng sống trên đời nầy đã khước từ mặc khải của Đức Chúa Trời qua cõi thiên nhiên, và họ đã chối bỏ kèm với sự khinh bỉ và cố tình đem những thần của riêng họ thay thế vào đó. Họ đã tự định tội mình và khi Đức Chúa Trời khước từ họ, Ngài đã khước từ họ một cách công bằng.