I. NHỮNG ĐỊNH NGHĨA VÀ NHỮNG SỰ PHÂN BIỆT

Tựa đề chương nầy đã được chọn sau khi suy nghĩ cẩn thận. Trong một số sách thần học hoặc tự điển, chương này sẽ được đặt tựa đề là “Sự Bảo Đảm”; trong một số sách khác thì được gọi là “Sự Bền Đỗ”(Perseverance); một vài sách gọi là “Sự Giữ Gìn.” Có những điều gì khác nhau,và vì sao chọn “Sự An Ninh”?

Sự An Ninh đời đời là công tác của Đức Chúa Trời để bảo đảm món quà sự cứu rỗi một khi đã nhận lãnh được rồi thì còn đến đời đời và không thể đánh mất. Khái niệm sự an ninh đời đời nhấn mạnh hoạt động của Đức Chúa Trời để bảo đảm sự sở hữu món quà sự sống đời đời. Nó liên quan đến những người đã được Thánh Linh tái sanh, và tính xác thực của nó không căn cứ vào cảm giác hay kinh nghiệm.

Sự giữ gìn khá giống với sự an ninh đời đời khi nhấn mạnh đến công tác của Đức Chúa Trời để giữ gìn tín đồ trong sự cứu rỗi.

Sự bền đỗ (hoặc “sự nhẫn nại”) - một thuật ngữ thường được dùng trong thần học Calvin - gọi tên “điểm thứ năm” trong thần học của Calvin, là “sự bền đỗ chung cuộc” của các thánh đồ. Điều đó có nghĩa tín đồ “không thể nào sa ngã cách hoàn toàn hay chung cuộc khỏi tình trạng ân điển, nhưng chắc chắn sẽ bền đỗ từ lúc đó cho đến cuối cùng, và sẽ được cứu rỗi đời đời” (Westminster Confession, XII, I). Điều nầy dường như tập trung vào tín đồ - chính tín đồ là người phải bền đỗ (mặc dù thông qua nguyên chỉ và quyền năng của Đức Chúa Trời). Sự an ninh tập trung vào Đức Chúa Trời - chính Đức Chúa Trời là Đấng giữ cho sự cứu rỗi chúng ta được chắc chắn. “Sự an ninh”không phủ nhận khả năng đôi khi có những lần sa ngã lui đi, nhưng nhấn mạnh đến nhu cầu sinh bông trái hiển nhiên trong suốt nếp sống Cơ đốc. Thỉnh thoảng, những ai tiếp cận giáo lý nầy từ quan điểm sự bền đỗ thì họ phủ nhận khả năng có Cơ đốc nhân xác thịt.

Dầu sự an ninh đời đời, sự giữ gìn, và sự bền đỗ thật ra đều dạy cùng một kết luận cốt yếu (tức là dạy tín đồ thật sẽ không bao giờ mất sự cứu rỗi của mình), nhưng sự bảo đảm lại là một giáo lý khác. Đây là sự nhận thức được lẽ thật về sự an ninh đời đời hay sự bền đỗ. Sự cứu rỗi chắc chắn chính là một sự kiện thực, dầu người ấy có nhận ra hay không đi nữa. Vì thế,tín đồ có sự an ninh bất luận người ấy có sự bảo đảm hay không đi nữa.

II. GIÁO LÝ VỀ SỰ BẢO ĐẢM

Sự bảo đảm là sự nhận thức được rằng mình có sự sống đời đời. Thiếu sự bảo đảm thì thường đem lại chấn thương không cần thiết nhưng rất kinh khiếp cho đời sống của một người. Vậy tại sao người ta thiếu sự bảo đảm?

Có thể nêu ra bốn nguyên nhân.

(1) Có người nghi ngờ thực tế sự phó thác của họ cho Đấng Christ. Đôi khi, điều nầy có thể đi liền với tình trạng không thể nêu rõ được thời điểm mình đã tiếp nhận Đấng Christ. Sự tái sanh xảy ra tại một thời điểm cụ thể. Tại bất cứ thời điểm nào đó, người ta chỉ có thể hoặc được cứu rỗi, hoặc bị hư mất. Không ai lớn lên trong sự hoán cải cả. Nhưng hết thảy chúng ta thực sự có lớn lên trong hiểu biết về sự hoán cải. Vì vậy, tuy trước mặt Đức Chúa Trời và trong kinh nghiệm chúng ta thì đã có một thời điểm mà tại đó chúng ta được cứu, nhưng trong sự hồi tưởng hay trong trí hiểu của chúng ta, chúng ta có thể không nói cụ thể được thời điểm đó.

Đôi khi sự nghi ngờ nầy lại còn căn bản hơn là vấn đề thời gian nữa. Tôi đã thực sự tiếp nhận Đấng Christ chưa? Có thể xua tan nỗi nghi ngờ như thế bằng cách kêu cầu danh Chúa lần nữa (và nếu cần thì cứ kêu cầu hoài). Không ai có thể được tái sanh nhiều hơn một lần, nhưng một người có thể thành thật trình dâng sự nghi ngờ của mình cho Chúa và một lần nữa kêu cầu Ngài cứu rỗi.

(2) Một số người thiếu bảo đảm vì thắc mắc tính chính xác của thủ tục họ trải qua khi bày tỏ đức tin nơi Đấng Christ. Tôi đã không tiến tới. Tôi có thực sự được cứu không? Tôi có cầu nguyện đúng không?Tôi đã tiếp nhận Chúa cách riêng tư. Chừng đó đủ chưa, hay tôi cần phải có một kiểu chứng tỏ công khai nào đó? Nan đề nầy rất thực đối với nhiều người, mà đáng ra không đến nỗi nhiều người như vậy, và càng tồi tệ thêm bởi người ta đề cao một phương pháp mời gọi nào đó đến mức gần như trở thành phương tiện của sự cứu rỗi luôn vậy.

(3) Nếu không tin vào sự an ninh của tín đồ,thì người ấy dứt khoát sẽ thiếu sự bảo đảm không dưới một lần trong đời sống mình.

(4) Khi tội lỗi bước vào trong đời sống tín đồ, đặc biệt là tội trọng, thì sự nghi ngờ đôi khi đi cặp theo kinh nghiệm thiếu sự bảo đảm như thế. Sự an ninh không phải là giấy phép để tùy ý phạm tội, nhưng ban sự bảo đảm chúng ta cần có để nhận ra rằng Cơ đốc nhân sẽ phạm tội, và tội lỗi đó không khiến chúng ta đánh mất sự cứu rỗi. Từng trải bình thường của Cơ đốc nhân không hề bao gồm sự vô tội, vì “chúng ta thảy đều phạm tội nhiều lần nhiều cách” (Gia 3:2). Điều nầy không hề bào chữa cho tội lỗi, vì Cơ đốc nhân cũng sẽ lớn lên trong sự thánh khiết. Nhưng từng trải phạm tội không làm mất đi sự cứu rỗi.

III. QUAN ĐIỂM PHÁI ARMINIANS VỀ SỰ AN NINH

James Arminius (1560-1609) đã được huấn luyện trong thần học Cải Cách nghiêm ngặt. Khi được yêu cầu bênh vực thuyết supralapsarianism để phản đối thuyết sublapsarianism, ông lại thấy mình cẩn trọng bênh vực quan điểm sublapsarianism. Các tác phẩm của ông, được sưu tập thành ba bộ sách, gồm hầu hết những luận thuyết tùy tình huống xuất phát từ những cuộc tranh luận mà ông thấy mình có tham gia vào. Hệ thống được gọi là thuyết Arminianism đã đưa quan điểm của ông đi xa hơn và được tạo dựng bởi Simon Episcopius (1583-1643).

Trong số những sự dạy dỗ chính của thuyết Arminianism có những điều sau.

1. Sự biết trước. Các nguyên chỉ của Đức Chúa Trời được căn cứ trên sự biết trước của Ngài (nghĩa là sự thấy trước). Sự chọn lựa là do đức tin được nhìn thấy trước, và sự định tội từ trước là do sự chống cự với ân điển đã được nhìn thấy từ trước. Dầu Arminius cũng xem sự biết trước như là sự thấy trước, nhưng ông bảo rằng “Đức Chúa Trời đã ấn định cứu một số người và đoán phạt những người cũ thể nào đó.” (The Works of James Arminius,do James Nichols dịch (Auburn: Derby and Miller, 1853,1:248).

2. Sự ô nhiễm, chứ không phải sự có phạm tội.Con người đã thừa hưởng sự ô nhiễm từ Ađam, chứ không phải sự phạm tội do quy kể.Sự bại hoại không mang tính toàn diện, vì con người có thể hướng ý chí mình về những việc lành.

3. Sự trọn lành. Tín đồ có thể sống đúng theo ý muốn Đức Chúa Trời đến độ được gọi là trọn lành.

4. Mất sự cứu rỗi. Thuyết Arminianism dạy rõ rằng tín đồ có thể mất sự cứu rỗi. Arminius nói: “Tôi không hề dạy rằng một tín đồ thật có thể sa ngã toàn bộ hoặc sa ngã chung cuộc khỏi đức tin và bị hư mất;tuy nhiên tôi sẽ không giấu giếm rằng tôi thấy có những phân đoạn Kinh Thánh dường như có chứa đựng phương diện nầy.” (Works, 1:254).

Xét trên bình diện phổ thông hơn, phái Arminians đôi khi đánh đồng quan điểm sự an ninh đời đời với sự buông tuồng phạm tội. Đương nhiên, phái Cavilnists có phạm tội và biện giải cho việc đó, nhưng phái Arimnians cũng làm như vậy. Đời sống chúng ta phải tô điểm cho giáo lý của chúng ta, nhưng đời sống chúng ta dầu tốt hay xấu cũng không khiến giáo lý trở nên đúng hay sai được.

Trên thực tế, quan điểm phái Arminians về khả năng và hiện thực của việc đánh mất sự cứu rỗi đôi khi dẫn đến việc lập danh sách phân loại các tội lỗi. Một loại là những tội có thể khiến mất sự cứu rỗi;một loại là những tội không khiến mất sự cứu rỗi. Đương nhiên, một số tội thì nặng hơn những tội khác (Mat 7:1-5; Gi 19:11), nhưng nếu một tội có thể làm mất sự cứu rỗi, thì bất kỳ tội nào cũng có thể làm mất được. Có lẽ sự phản kháng kết luận nầy là nguyên nhân cho sự dạy dỗ về chủ nghĩa trọn lành (perfectionism) trong học thuyết Armininanism.

IV. NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ AN NINH ĐỜI ĐỜI

Về cơ bản, sự an ninh đời đời được căn cứ trên ân điển của Đức Chúa Trời và trên sự kiện sự sống đời đời là sự ban cho và còn đến đời đời. Khi một người tin Đấng Christ, người ấy được đem vào mối tương quan với Đức Chúa Trời, và mối tương quan đó bảo đảm sự cứu rỗi người ấy là chắc chắn. Đương nhiên, điều nầy chỉ đúng cho những người được tái sanh. Có những người tự xưng là có sự sống nhưng thực ra không có. Đôi khi chúng ta có thể phán đoán chắc chắn và hợp lý để biết một người nào đó chỉ tự xưng là có thôi hay thực sự đã có được sự sống đời đời. Nhiều khi chúng ta không thể. Nhưng sự cứu rỗi của người được tái sanh là chắc chắn nhờ vào mối tương quan đó với Đức Chúa Trời, là mối tương quan người ấy có được bởi đức tin.

A. Những Nguyên Nhân Liên Quan Đến Đức Chúa Cha

1. Mục đích Ngài.

Đức Chúa Trời đã định làm vinh hiển chính nhóm người Ngài đã định trước, đã kêu gọi, và đã xưng công bình (Ro 8:30). Nếu người thuộc vào nhóm đó có thể bị mất sự cứu rỗi, thì không thể nào có được lời tuyên bố táo bạo nầy. Nếu có thể bị mất sự cứu rỗi, nhóm người được Ngài xưng công bình sẽ không trùng số lượng với nhóm người được Ngài làm cho vinh hiển. Nhưng câu Kinh Thánh nầy nói sẽ là cũng chính nhóm người này mà thôi.

2. Quyền năng Ngài.

Hầu hết mọi người đều đồng ý quyền năng của Đức Chúa Trời có thể giữ gìn tín đồ (và quả thực là vậy, Giuđe 24), nhưng có người sẽ tranh luận rằng quyền năng đó có thể bị ngăn trở bởi người tín đồ chối bỏ đức tin mình. Nhưng Chúa phán chúng ta được an toàn chắc chắn trong tay Ngài và trong tay Cha Ngài, và không ai có thể cướp tín đồ ra khỏi chỗ an toàn ấy (Gi 10:28-29). Chữ “không ai” có nghĩa là không một người nào, kể cả chính bản thân người đó nữa. Lời hứa nầy không nói: Không ai - ngoại trừ tự bản thân - có thể cướp tín đồ ra khỏi tay Đức Chúa Cha. Lời hứa ấy bảo rằng “Không ai!”

B. Những Nguyên Nhân Liên Quan Đến Đức Chúa Con

1. Sự Chết Ngài.

Phaolô nêu hai câu hỏi trong Ro 8:33: Ai sẽ kiện những kẻ được chọn của Đức Chúa Trời, và ai sẽ lên án họ? Câu trả lời “Không ai” của ông căn cứ vào sự chết, sự sống lại, sự cầu thay, và sự biện hộ bênh vực của Đấng Christ (c. 34). Nếu có tội lỗi nào hủy được sự cứu rỗi của tín đồ, và thực ra nếu có thể mất sự cứu rỗi, thì sự chết của Đấng Christ đã không đền trả cho tội lỗi đó. Nhưng Phaolô khẳng định sự chết Đấng Christ đã đền trả xong tội rồi. Chính Chúa chúng ta cũng tuyên bố Ngài sẽ không đánh mất những gì Đức Chúa Cha đã ban cho Ngài (Gi 6:39-40) - mọi người tin Ngài đều sẽ sống lại trong ngày sau rốt, chứ không phải mọi người nào tin và bền đỗ.

2. Lời cầu nguyện của Ngài.

Chức vụ hiện tại của Đấng Christ trên thiên đàng để cầu nguyện cho những kẻ thuộc về Ngài gồm có hai phương diện: chức vụ phòng ngừa (công việc cầu thay) và chức vụ chữa trị (công việc biện hộ). Lời cầu nguyện của Ngài trong đoạn 17 minh họa phương diện phòng ngừa nầy. Ngài cầu nguyện để chúng ta có thể được giữ khỏi điều ác (c.15), để chúng ta được nên thánh (c.17), để chúng ta có thể hiệp một (c. 21),để chúng ta sẽ ở thiên đàng với Ngài (c.24), và để chúng ta có thể ngắm xem vinh hiển của Ngài (c. 24). Nhờ sự cầu thay không ngừng của Ngài cho chúng ta mà Ngài có thể cứu chúng ta cách toàn vẹn và đời đời (He 7:25).

Công tác biện hộ xuất hiện khi chúng ta phạm tội (IGi 2:1). Một lần nữa, nếu có tội nào hủy được sự cứu rỗi của tín đồ (và tội nào cũng có thể), thì Satan có một lý lẽ không thể phủ nhận được để buộc tội tín đồ bất cứ khi nào người ấy phạm tội (Kh 12:10). Nó có thể đòi hỏi chính đáng sự đoán phạt đời đời cho Cơ đốc nhân, và nếu không nhờ Đấng Biện Hộ của chúng ta, thì chúng ta đã bị định tội rồi. Nhưng Chúa chỉ vào công tác của Ngài trên Gôgôtha, là công tác xóa bỏ sự phạm mọi tội của chúng ta, những tội đã phạm trước và sau khi chúng ta được cứu, và công tác đó đủ để đáp lời buộc tội của Satan.

Tôi đã phạm tội. Và lập tức Satan vội vã,

Bay đến trước mặt Đức Chúa Trời Chí Cao

Và kiện cáo ầm ĩ tại đó.

Rằng: “Linh hồn nầy, cái thứ bằng bụi đất và cỏ kia,

Đã phạm tội. Đúng là nó mang danh Ngài!

Nhưng ta đòi hỏi nó phải chết, vì Ngài đã phán:

'Linh hồn nào phạm tội, ắt sẽ chết!’

Cớ sao bản án Ngài không ứng nghiệm? Công lý chết rồi chăng?

Hãy phó tội nhân khốn nạn ấy ngay cho số phận nó.

Vua Công Bình còn làm gì khác hơn thế chăng?”

Và như thế, Satan ngày đêm kiện cáo tôi

Và Đức Chúa Trời ôi! Mọi lời của hắn đều đúng!

Rồi Đấng bên phải Đức Chúa Trời đứng dậy ngay

Mọi thiên sứ đều che mắt trước vinh quang Ngài,

Ngài phán: “Từng chấm từng nét của Luật Pháp

Phải được ứng nghiệm; kẻ phạm tội phải chết!

Nhưng hãy khoan! Nếu hết thảy tội của người nầy

Đều được chuyển sang cho Con, và Con đã trả xong hình phạt ấy thì sao!

Hãy xem bàn tay, hông và chân Con!

Ngày trước Con đã trở nên tội lỗi vì người,và đã chết thay người

Để người được trình dâng trước Cha không tì vết!”

Thế là Satan chuồn mất. Hắn biết rất rõ

Nó không thể thắng hơn tình yêu lớn dường ấy,

Vì mọi lời Chúa yêu dấu của tôi phán ra đều đúng!

- Tạm dịch từ bài thơ của Martha Snell Nicholson -

C. Những Nguyên Nhân Liên Quan Đến Đức Thánh Linh

1. Ngài tái sanh.

Nếu chúng ta được sanh lại bởi Đức Thánh Linh khi tin Chúa, thì nếu chúng ta có thể từ bỏ đức tin để đánh mất sự cứu rỗi, chúng ta cũng phải bị cất mất sự tái sinh nữa.

2. Ngài ngự trong đời sống.

Nếu có thể mất sự cứu rỗi, thì sự hiện diện của Thánh Linh trong đời sống tín đồ cũng phải bị cất bỏ luôn. Tín đồ đó sẽ không còn Thánh Linh ngự trong mình nữa.

3. Ngài làm Báptêm.

Đức Thánh Linh kết hiệp tín đồ vào thân thể Đấng Christ khi người ấy tin (ICo 12:13); do đó, nếu có thể bị mất sự cứu rỗi, thì Cơ đốc nhân hẳn phải bị tách khỏi thân thể Đấng Christ.

4. Ngài ấn chứng.

Đức Thánh Linh ấn chứng tín đồ cho đến ngày cứu chuộc (Eph 4:30). Nếu có thể bị mất sự cứu rỗi, thì công tác ấn chứng của Ngài sẽ không còn đến ngày cứu chuộc được, mà chỉ còn cho đến ngày phạm tội, hoặc ngày bội đạo, hoặc đến ngày hết tin mà thôi.

Đương nhiên, Kinh Thánh không gợi ý rằng Cơ đốc nhân có thể đánh mất sự tái sinh, hoặc người ấy có thể không có Thánh Linh ngự trong đời sống mình, hoặc có thể bị loại khỏi thân thể Đấng Christ (vì như thế là làm tàn tật thân thể Ngài), hoặc bị tháo ấn chứng. Sự cứu rỗi còn đến đời đời và hoàn toàn chắc chắn cho mọi người nào tin.

Đúng là tín đồ có phạm tội, và được cảnh báo về việc tự xưng sai lầm và tình trạng ấu trĩ trong Đấng Christ, nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ lấy lại ơn ban sự cứu rỗi một khi đã nhận lãnh ơn đó rồi.Tín đồ sẽ không luôn luôn bền đỗ trong sự tin kính. Phierơ đã không bền đỗ (Ga 2:11). Nhiều tín đồ Êphêsô cũng đã không bền đỗ (Cong 19:18). Lót cũng không (IIPhi 2:7). Tại Ngai Đoán Xét của Đấng Christ, sẽ có một số người có công việc sẽ bị thiêu hủy và họ sẽ được cứu dường như qua lửa vậy (ICo 3:15). Dầu mọi tín đồ đều sẽ sinh kết quả (4:5), nhưng thật khó - nếu như không nói là không thể - định lượng được mỗi người sẽ sinh kết quả bao nhiêu hay loại kết quả, nào để dựa vào đó phán đoán tình trạng thuộc linh của một cá nhân.

V. MỘT SỐ PHÂN ĐOẠN “KHÓ HIỂU”

Có những phân đoạn nhất định mà đôi khi được hiểu như vô hiệu hóa giáo lý về sự an ninh đời đời. Chúng ta sẽ khảo sát một số phân đoạn nầy, để cho thấy ít nhất cũng có một cách giải nghĩa hợp lý và không mâu thuẫn với giáo lý về sự an ninh đời đời.

A. Những Đoạn Cảnh Cáo Việc Đem Luật Pháp Thay Cho Ân Điển

Có hai phân đoạn Kinh Thánh nghiêm khắc cảnh cáo việc cố thay thế đường lối mới của ân điển bằng đường lối cũ của Luật Pháp.Trong Ga 5:4, Phaolô tuyên bố rõ rằng ai cố gắng để được xưng công bình bởi Luật Pháp thì đã “mất ân điển rồi.” Nói như vậy có nghĩa là: cố gắng dùng Luật Pháp làm cơ sở để được xưng công bình tức là mất đi ân điển, là ân điển dự bị con đường duy nhất để được xưng công bình.

Loại lời cảnh cáo nầy cũng xuất hiện trong He 10:26-31. Ở đây, trước giả cảnh cáo nếu ai chối bỏ lẽ thật về sự chết chuộc tội của Đấng Christ, thì không còn của lễ chuộc tội nào khác nữa, và không còn cách nào để đến với Đức Chúa Trời nữa. Lòng vô tín như thế đem lại bản cáo trạng gồm ba phần, được nói chi tiết trong câu 29.

B. Những Phân Đoạn Cảnh Cáo Việc Mất Phần Thưởng (Nhưng Không Phải Sự Cứu Rỗi)

Phaolô nói rất rõ ràng khả năng nầy trong phân đoạn nói về “cuộc chạy đua,” là ICo 9:24-27. Các cuộc chạy đua là chạy để được phần thưởng, và chính Phaolô cảm thấy cần phải sống có kỷ luật để đến cuối cùng, ông sẽ không bị chê bai, không bị loại khỏi cuộc đua, không đánh mất những mão triều thiên của mình.

Minh họa của Chúa về gốc nho và nhánh cũng dạy cùng một lẽ thật cơ bản nầy (Gi 15:1-17). Các nhánh nho nầy ở trong Ngài, do đó chỉ về các tín đồ. Như vậy, các tín đồ được khuyên bảo cứ ở trong Ngài để được kết quả. “Ở trong Ngài” có nghĩa là giữ các điều răn của Đấng Christ (c. 10 và IGi 3:24). Tín đồ nào không cứ vâng giữ điều răn Ngài, dầu vẫn có mặt trong Đấng Christ và nhờ đó được cứu rỗi, thì đánh mất những cơ hội và những phần thưởng của mình, cả trong đời nầy lẫn tại Ngai Đoán Xét của Đấng Christ. Việc ném ra ngoài, bị héo đi, và bị cháy không chỉ về việc mất sự cứu rỗi, nhưng về việc đánh mất cơ hội làm chứng hiện tại và phần thưởng trong tương lai.

C. He 6:1-8

Phân đoạn gây nhiều tranh cãi nầy đã được giải nghĩa nhiều cách khác nhau. (1) Quan điểm phái Arminians xem những người được mô tả tại đây như là những tín đồ mà họ có thể thực sự đánh mất sự cứu rỗi (“sa ngã”). Nhưng đương nhiên, nếu phân đoạn Kinh Thánh nầy dạy như vậy, thì cũng dạy luôn rằng một người đã đánh mất sự cứu rỗi như thế thì không bao giờ được cứu lần thứ nhì, vì không thể đổi mới họ trở lại để họ ăn năn.

(2) Có người xem đây là câu Kinh Thánh chỉ về những người tự xưng là tín đồ, và họ chỉ sa ngã khỏi kiến thức về lẽ thật mà họ đã được tiếp xúc nhưng chưa bao giờ đích thân tiếp nhận. Theo quan điểm nầy thì sự an ninh không phải là vấn đề tranh cãi, vì cớ người tự xưng thì không được cứu rỗi.

(3) Bản thân tôi hiểu phân đoạn Kinh Thánh nầy mô tả những người được sanh lại. Các cụm từ trong câu 4 và 5 rõ ràng chỉ về một từng trải hoán cải (đối chiếu với “được soi sáng” trong 10:32, “nếm” trong 2:9,và “chịu” trong 12:8). Nhưng họ là những tín đồ cố tình không trưởng thành (đối chiếu 5:11-14). Rồi tác giả cảnh cáo: Vì không thể nào quay trở lại với đời sống Cơ đốc để khởi sự từ đầu (nhưng nếu người ta có thể, thì hẳn bắt buộc sa ngã trước đã để đi lại từ đầu), thì chỉ còn lại có hai khả năng chọn lựa: vẫn ở nguyên tại tình trạng không trưởng thành nầy, hoặc tiến tới tình trạng trưởng thành (6:1). Vì tình trạng hiện tại của họ là không đáng chuộng, nên phân đoạn nầy đã là một lời cảnh cáo mạnh mẽ để tiếp tục bước đi trong nếp sống Cơ đốc. Lời cảnh cáo nầy tương tự với lời cảnh cáo mà giáo sư có thể nói cho một lớp học:“Sinh viên các anh khi đã theo học khóa nầy rồi thì không thể quay lui trở lại (là việc không làm được, nhưng là việc ắt phải làm nếu có thể trở lại từ đầu) để làm lại từ đầu. Do đó, hãy tiếp tục tiến tới kiến thức mới.”

Những lời cảnh cáo về sự không trưởng thành và không kết quả là thật nghiêm khắc và những hậu quả rất nghiêm trọng. Nhưng những hậu quả đó không phải là đi địa ngục vì cớ mất sự sống đời đời. Phaolô hân hoan trong niềm tin quyết không một điều nào, bao gồm mọi điều thọ tạo khác (phải kể cả chính bản thân nữa), có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ (Ro 8:38-39). Và ông tuyên bố lần nữa:“Nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được” (IITi 2:13). Tính nhất quán của đặc tánh Đức Chúa Trời bảo đảm một sự cứu rỗi chắc chắn.