Trong chương nầy, chúng ta sẽ khảo sát các chức vụ liên quan đến ứng dụng của sự cứu rỗi. Trong lịch sử, khảo sát nầy được gọi tên là ordo salutis, hay là con đường cứu rỗi, và nó cố gắng sắp xếp theo trật tự luận lý (chứ không theo trật tự thời gian) cho các hoạt động liên quan đến việc ứng dụng sự cứu rỗi cho cá nhân. Nhưng cũng giống như trật tự của các nguyên chỉ trong chủ thuyết về Sự Sa Ngã, trong thực tế ordo salutis góp phần không đáng kể. Điểm bị tranh luận nhiều nhất là mối quan hệ giữa sự tái sanh và đức tin, và chúng ta sẽ thảo luận sau. Thay vì cố gắng thiết lập trật tự, sẽ hữu ích hơn nếu để ý xem những chức vụ nào là thuộc về riêng một mình Đức Chúa Trời (sự kêu gọi, sự tái sanh), và chức vụ nào cũng có phần của con người nữa (sự cáo trách, sự hoán cải).

I. SỰ CÁO TRÁCH

A. Sự Cáo Trách Là Gì?

Như đã ghi lại trong Gi 16:8-11, Chúa hứa sau ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Linh sẽ cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. Vậy sự cáo trách là gì? Đây không phải là sự hoán cải,mà là sự thuyết phục hay bác bẻ một đối thủ, để vấn đề được trình bày trước mặt người ấy cách sáng tỏ bất luận người ấy chấp nhận hay từ khước bằng chứng đi nữa.

“Ý về 'sự cáo trách’ nầy quả phức tạp. Nó bao gồm những khái niệm để khảo sát về thẩm quyền, về những bằng chứng không thể phủ nhận, và về sự đoán xét dứt khoát, về quyền lực hình phạt. Dầu vấn đề chung cuộc là gì đi nữa, người “cáo trách” người khác chính là người đem lẽ thật đang tranh luận ra ánh sáng rõ ràng trước mặt người bị cáo trách, để phải nhìn thấy và công nhận đó chính là lẽ thật. Bấy giờ ai khước từ kết luận rút ra từ sự giảng giải nầy, thì người đó đã liều lĩnh khước từ với toàn bộ ý thức của mình. Lẽ thật nào đã được xem là lẽ thật thì tự nó mang theo sự định tội cho tất cả những ai không chịu đón nhận.” (B.F. Westcott, The Gospel According to St. John (London:Murray, 1908,2:219).

Lưu ý cách dùng từ trong Mat 18:15. Người bị quở trách hay bị cáo trách sẽ có thể chấp nhận bằng chứng và ăn năn, hoặc có thể không chấp nhận và không ăn năn để rồi dẫn đến một cuộc đối chất khác nữa. Như vậy, sự cáo trách đưa ra bằng chứng, nhưng không bảo đảm lẽ thật sẽ được chấp nhận, mà chấp nhận lẽ thật mới là điều cần thiết cho sự hoán cải.

B. Ai Bị Cáo Trách?

Thế gian. Có phải điều nầy nói đến chỉ những người được chọn? Không, vì chức vụ cáo trách còn chờ đợi khả năng một số người sẽ không chấp nhận lẽ thật. Như vậy có nghĩa là mọi người trong thế gian sao?Có thể là không, vì sự cáo trách nầy liên quan đến những điểm cụ thể về tội lỗi,về sự công bình và về sự đoán xét, chứ không phải chỉ là sự cáo trách chung chung xuất phát từ khải thị tổng quát. Chắc hẳn chữ thế gian nầy nói đến một số lượng người rất lớn, đông hơn những người được chọn, nhưng không phải là tất cả mọi người (đối chiếu Gi 12:19).

C. Họ Bị Cáo Trách Về Điều Gì?

Sự cáo trách đến cho những lãnh vực cụ thể của tội lỗi, sự công bình và sự đoán xét. Chữ hotis có thể mang nghĩa “bởi vì” hoặc “tức là” hoặc là một sự pha trộn trong ba mệnh đề nầy. Ví dụ, nếu mang nghĩa “bởi vì,” thì thế gian bị cáo trách về tội lỗi bởi vì lòng vô tín. Nếu mang nghĩa “tức là,” thì thế gian bị cáo trách về tội không tin. Sự công bình chính là sự công bình mà Đấng Christ đã ban cho trên thập tự giá, được xác chứng bởi việc Ngài lên cùng Đức Chúa Cha. Sự đoán xét ở đây có thể hoặc là sự đoán xét tội nhân trong tương lai, được bảo đảm bởi sự đoán xét đã hoàn tất rồi cho Satan, hoặc có thể chỉ về sự đoán xét Satan trên thập tự giá (c.31).

Đây là trật tự luận lý. Con người cần nhìn thấy tình trạng tội lỗi của mình, cần thấy bằng chứng về sự công bình mà Cứu Chúa mà dự bị, và cần được nhắc nhở rằng nếu từ chối tiếp nhận Cứu Chúa ấy, thì sẽ đối diện với sự đoán phạt chắc chắn.

D. Sự Cáo Trách Được Thực Hiện Bằng Cách Nào?

Rất có thể qua rất nhiều phương cách. Đức Thánh Linh có thể phán trực tiếp với lương tâm con người, và dầu lương tâm có thể bị chai lì nhưng vẫn có thể cáo trách. Ngài có thể phán qua Lời thành văn (Kinh Thánh). Ngài cũng có thể dùng lời làm chứng hay những bài giảng. Nhưng khi sự cáo trách đến cho một cá nhân, dầu con người có dự phần đem lại chức vụ cáo trách nầy hay không đi nữa, thì chính Đức Thánh Linh phải thực hiện việc cáo trách đó. Chúng ta sẵn sàng công nhận sự tái sanh là công việc của Đức Thánh Linh, nhưng đôi khi lại tự cho rằng những lời trình bày khôn ngoan hay đầy thuyết phục của chúng ta có thể cáo trách được. Không phải vậy đâu. Đức Chúa Trời phải thực hiện ngay cả việc đó nữa.

II. SỰ KÊU GỌI

A. Sự Kêu Gọi Tổng Quát

Chỉ một hoặc hai câu Kinh Thánh trong Tân Ước dùng chữ “kêu gọi” để diễn đạt sự kêu gọi tổng quát cho cả người được chọn lẫn người không chọn. Mat 22:14 hậu thuẫn rõ ràng cho khái niệm nầy, tuy 9:13 cũng có thể hậu thuẫn được. Tuy nhiên, ý nầy được diễn tả rõ trong những phân đoạn như Lu 14:16-24 và Gi 7:37. Đây là lời mời gọi tổng quát của Đức Chúa Trời để con người đến với Ngài.

B. Sự Kêu Gọi Hiệu Năng

Đây là sự kêu gọi mà chỉ những người được chọn mới đáp ứng qua đức tin và bởi đó đem lại sự cứu rỗi cho họ (Ro 8:30; ICo 1:2).Đây là công việc của Đức Chúa Trời, dầu Ngài sử dụng việc rao giảng Lời Đức Chúa Trời (Ro 10:17). Đây là sự kêu gọi vào mối tương giao (ICo 1:9), vào sự sáng (IPhi 2:9), vào sự tự do (Ga 5:13), vào sự thánh khiết (ITe 4:7), và vào nước Ngài (2:12).

III. SỰ TÁI SANH (TÁI TẠO)

A. Ý Nghĩa Sự Tái Tạo

Chữ nầy chỉ được dùng hai lần trong Tân Ước (Mat 19:28; Tit 3:5), có nghĩa là sự tái sanh. “Sanh từ trên cao” (anothen) xuất hiện trong Gi 3:3, và chắc cũng bao gồm ý được sanh lại (xem cách dùng chữ anothen trong Ga 4:9). Đây là công việc của Đức Chúa Trời để ban sự sống mới cho người nào tin.

B. Phương Tiện Của Sự Tái Sanh

Đức Chúa Trời sanh (Gi 1:13) theo ý muốn Ngài (Gia 1:18) bởi Đức Thánh Linh (Gi 3:5) khi một người tin (1:12) Tin Lành như đã được bày tỏ trong Lời Đức Chúa Trời (IPhi 1:23).

C. Mối Liên Hệ Của Sự Tái Sanh Và Đức Tin

Trong bản tuyên ngôn đức tin Cải Cách về ordo salutis, sự tái sanh đứng trước đức tin, vì người ta cho rằng tội nhân phải được ban sự sống mới thì mới có thể tin được. Tuy đây được thừa nhận là một trật tự về luận lý, nhưng thật kém khôn ngoan khi quả quyết điều đó, vì cũng có thể lập luận rằng nếu tội nhân có sự sống mới thông qua sự tái sanh, vậy sao còn cần phải tin nữa? Đương nhiên, có thể không tồn tại một trật tự thời gian nào; cả sự tái sanh và đức tin phải xảy ra đồng thời. Nói đúng ra, đức tin cũng là một phần của toàn bộ sự cứu rỗi, mà sự cứu rỗi chính là sự ban cho của Đức Chúa Trời (Eph 2:9); tuy vậy phải có đức tin thì mới được cứu (Cong 16:31). Cả hai đều đúng.

D. Kết Quả Của Sự Tái Sanh

Sự sống mới sẽ sinh ra bông trái mới. Theo Gi 2:29; 3:9; 4:7; 5:1,4,18, một số kết quả của sự sống mới bao gồm sự công bình,không phạm tội, yêu thương nhau, và đắc thắng thế gian.

IV. ĐỨC TIN

A. Ý Nghĩa Của Đức Tins

Đức tin có nghĩa là sự tin quyết, tin cậy,cho một điều gì đó là đúng. Đương nhiên, đức tin phải có nội dung; phải có sự tin quyết hay tin cậy về một việc gì đó. Có đức tin nơi Đấng Christ để được cứu rỗi có nghĩa là có lòng tin quyết Ngài có thể cất bỏ sự phạm tội và ban sự sống đời đời.

B. Lẽ Cần Yếu Của Đức Tin

Sự cứu rỗi luôn luôn đến thông qua đức tin,chứ không phải nhờ vào đức tin (Eph 2:8). Đức tin là phương tiện để bởi đó chúng ta nhận lãnh món quà sự sống đời đời của Đức Chúa Trời ban cho; đức tin không phải là nguyên nhân. Chính vì vậy con người không bao giờ có thể khoe mình, thậm chí là khoe về đức tin mình. Nhưng đức tin là điều kiện thiết yếu và là phương tiện duy nhất (Gi 5:24; 17:3).

Thường thì chữ “tin” của Tân Ước (pisteuo)được dùng cùng với giới từ eis (Gi 3:16), để chỉ về sự tin cậy hay sự phó thác tin quyết vào đối tượng. Đôi khi chữ nầy được đi kèm sau bởi epi, để nhấn mạnh lòng tin cậy giống như nắm giữ chặt đối tượng của đức tin (Ro 9:33; 10:11). Đôi khi được tiếp theo bởi một mệnh đề giới thiệu nội dung của đức tin (10:9). Động từ nầy được dùng với một túc từ gián tiếp (dative - tặng cách) trong Ro 4:3.Nhưng dầu mang hình thức nào đi nữa, động từ nầy vẫn chỉ ra sự tin cậy vào một điều gì đó hay một người nào đó.

C. Các Loại Đức Tin

Kinh Thánh dường như phân biệt bốn loại đức tin.

1. Đức tin tri thức hay đức tin lịch sử.

Đức tin nầy hiểu được lẽ thật về mặt tri thức nhờ kết quả của giáo dục, truyền thống,dưỡng dục, v.v... Đức tin nầy là của con người, và không cứu rỗi được (Mat 7:26; Cong 26:27-28; Gia 2:19).

2. Đức tin phép lạ.

Đây là đức tin để thi hành hoặc để nhận lãnh một phép lạ, và đức tin nầy có thể có đi kèm theo hoặc không kèm theo sự cứu rỗi (Mat 8:10-13; 17:20; Cong 14:9).

3. Đức tin tạm thời.

Lu 8:13 minh họa loại đức tin nầy. Đức tin nầy tương tự với đức tin tri thức, ngoại trừ có vẻ thiên nhiều hơn về sở thích cá nhân.

4. Đức tin cứu rỗi.

Đây là sự tin cậy vào lẽ thật của Tin Lành như đã được bày tỏ trong Lời Đức Chúa Trời.

D. Các Phương Diện Của Đức Tin

1. Phương diện lý trí. Phương diện nầy gồm công nhận sự kiện cách tích cực về lẽ thật của Tin Lành và thân vị của Đấng Christ.

2. Phương diện tình cảm. Lẽ thật và thân vị của Đấng Christ giờ đây được nhìn thấy theo một cách thích thú và hấp dẫn.

3. Phương diện ý chí. Giờ đây cá nhân nầy đích thân tiếp lấy lẽ thật và Thân Vị đó, và đặt lòng tin cậy nơi Ngài.

Tuy có thể phân biệt ba phương diện nầy,nhưng chúng phải được kết hợp với nhau tại lúc có đức tin cứu rỗi. Một người tin Đấng Christ bằng cả con người mình, chứ không phải chỉ là bằng tri thức hoặc tình cảm hoặc bằng ý chí.

Có lẽ một trong những tuyên bố rõ ràng nhất về nội dung thiết yếu cho đức tin cứu rỗi chính là trong lời Chúa phán cho người đàn bà Samari tội lỗi. Ngài phán: “Ví bằng ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời, và biết người nói: 'Hãy cho ta uống’ là ai, thì chắc ngươi sẽ xin người cho uống, và người sẽ cho ngươi nước sống” (Gi 4:10). Hãy biết về sự ban cho và về thân vị Đấng nầy, rồi hãy cầu xin và nhận lãnh sự sống đời đời.