I. THẮC MẮC

Hầu như không thể gọi “sự chuộc tội có giới hạn” hay “sự cứu chuộc cá biệt” (particular redemption) là một giáo lý nền tảng được. Dầu vậy, hiển nhiên đây là giáo lý thỉnh thoảng bị tranh luận gay gắt.Berkhof điển hình cho những người giữ quan điểm nầy và phát biểu vấn đề thế nầy:“Đức Chúa Cha khi sai Đấng Christ đến thế gian, và Đấng Christ khi đến thế gian để làm của lễ chuộc tội, thì Ngài thực hiện việc nầy với ý định - hay nhằm mục đích - cứu chỉ những người được chọn thôi, hay cứu rỗi tất cả mọi người? Đấy mới là câu hỏi, và duy nhất một câu hỏi đó thôi.” (Systematic Theology (Grand Rapids: Eerdmans, 1941, trang 394). Nếu quả thật câu hỏi được diễn đạt như vậy là đúng cách, thì câu trả lời là rất rõ ràng: Sự Chuộc Tội đã bị giới hạn, vì Đấng Christ không đến thế gian để cứu rỗi tất cả mọi người. Hiểu biết của chúng ta về sự chọn lựa khiến cho câu trả lời nầy trở nên chắc chắn.

Nhưng câu hỏi của Berkhof có phải là một câu hỏi đúng hay không? Câu trả lời là không. Sai lầm là ở chỗ bảo rằng: “Đấy mới là câu hỏi, và duy nhất một câu hỏi đó thôi.” Trái lại, thắc mắc thực sự chính là: “Khi đến trần gian, Đấng Christ có chủ định thực hiện sự dự bị để cứu rỗi mọi người hay không, khi Ngài nhận biết rằng Đức Chúa Cha sẽ dùng một phương cách mầu nhiệm để kéo những kẻ được chọn đến với chính Ngài và để cho những người còn lại khước từ sự dự bị Ngài ban?” Không phải chỉ vì cớ có một số người khước từ mà làm mất hiệu lực sự dự bị, cũng không có nghĩa vì vậy mà sự dự bị ấy không được lập ra cho họ. Nếu nói một người cha dự bị đủ lương thực cho gia đình, thì chúng ta không loại trừ khả năng là một số thành viên trong gia đình đó có thể không chịu ăn những thức ăn đã được dự bị. Nhưng sự từ khước của họ không có nghĩa sự dự bị ấy chỉ được thực hiện cho những người nào ăn mà thôi. Tương tự,sự chết của Đấng Christ đã dự bị giá đền trả tội lỗi cho tất cả mọi người. - tức là cho những người tiếp nhận giá đền chuộc ấy lẫn những người không tiếp nhận.Việc từ chối không nhận lãnh sẽ không giới hạn sự dự bị Ngài đã ban. Việc cung cấp và sở hữu là hai việc khác nhau.

II. CÁC QUAN ĐIỂM

Phái Arminians chấp nhận sự cứu chuộc phổ thông hay sự chuộc tội vô giới hạn (cùng với ý cho rằng ân điển đầy đủ được ban cho mọi người để họ có thể tin). Giữa vòng phái Calvin có một số người giữ quan điểm sự cứu chuộc phổ thông (được gọi là phái Calvin “bốn điểm” hay phái Amyraldians, đi theo Moses Amyraldus, 1596-1664), và một số dạy về sự cứu chuộc cá biệt (được gọi là phái Calvin “năm điểm” hay “phái siêu Calvinists”). Nhóm thứ nhì nầy cho rằng Đấng Christ chịu chết để bảo đảm sự cứu rỗi cho người được chọn; như vậy, sự chết của Ngài bị giới hạn trong phạm vi dành cho người được chọn. Những người theo phái Calvin ôn hòa xem mục đích sự chết của Đấng Christ là cung cấp sự thay thế cho mọi người; do đó, sự chết Ngài có phạm vi vô giới hạn.

Những quan điểm nầy liên quan với thắc mắc về trật tự các nguyên chỉ của Đức Chúa Trời. Cuộc thảo luận nầy liên quan đến luận lý hơn là sự khải thị, và chỉ nhằm làm nổi bật những viễn cảnh khác nhau, bằng cách cố gắng lập thứ tự cho các phần trong một nguyên chỉ đơn nhất của Đức Chúa Trời, đặc biệt là tập trung vào mối quan hệ của sự lựa chọn với Sự Sa Ngã (lapse - sa ngã). Thuyết Supralapsarianism (thuyết của phái Calvin, tạm dịch là “Sự chọn lựa trước Sự Sa Ngã”) đặt sự chọn lựa lên trước tiên (supra - nghĩa là “ở trên”), tiếp theo đó là những nguyên chỉ để tạo dựng, cho phép Sự Sa Ngã, và rồi dự bị sự cứu rỗi cho kẻ được chọn lựa. Thuyết Infralapsarianism (“sự chọn lựa sau Sự Sa Ngã”- “infra” nghĩa là “về sau”) liệt kê thứ tự Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, sự chọn lựa, rồi đến sự dự bị sự cứu rỗi cho người được chọn. Thuyết Sublapsarianism (Sub - nghĩa là “ở dưới”) thì thấy thứ tự nầy: Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, sự dự bị sự cứu rỗi cho tất cả mọi người, sự chọn lựa một số người để được cứu rỗi. Một số nhà thần học không công nhận sự phân biệt giữa “infra” với “sub” (“về sau” với “ở dưới”) và tôi phải nói rằng không một thời biểu nào trong số nầy thực sự khẳng định được điều gì cả. Vấn đề được thảo luận ở đây là phạm vi của Sự Chuộc tội, và sẽ không giải quyết được vấn đề nầy, thậm chí còn không được soi sáng thêm bao nhiêu, qua việc xác định thứ tự giả định của các nguyên chỉ nầy.

III. MỘT SỐ KHẲNG ĐỊNH QUAN TRỌNG

Khi thảo luận vấn đề nầy, cần nhớ rõ một số lẽ thật nhất định.

(1) Những người theo thuyết sự cứu chuộc vô giới hạn không phải là những người theo phổ thông thuyết. Họ không tin rằng mọi người rốt cuộc đều sẽ được cứu rỗi. Quan điểm của họ cũng không đòi hỏi, hoặc về mặt lý luận cũng không dẫn đến một kết luận tà giáo như thế. Khẳng định như thế tức là đã tạo ra một người nộm.

(2) Mọi người đều bị hư mất, kể cả người được chọn lựa. Sự kiện một cá nhân được chọn không hề khiến người ấy ít bị hư mất hơn người không được chọn lựa.

(3) Bất cứ ai muốn được cứu thì đều phải tin. Đức Chúa Cha sẽ kéo người ấy đến, tuy nhiên người ấy phải đến (Gi 6:37,44).

(4) Một số câu Kinh Thánh có liên hệ cụ thể Sự Chuộc Tội với người được chọn. Xem Gi 10:15 và Eph 5:25 để biết những ví dụ rõ ràng. Những người tin thuyết Sự Cứu Chuộc vô giới hạn sẵn sàng công nhận điều nầy. Nhưng đấy không phải là vấn đề. Vấn đề là: Có những câu Kinh Thánh mở rộng phạm vi của Sự Chuộc Tội vượt khỏi giới hạn những người được chọn hay không?Người theo thuyết chuộc tội hữu hạn thì bảo rằng không, và rồi cố dùng những phân đoạn Kinh Thánh có vẻ như mở rộng phạm vi Sự Chuộc Tội để giải thích sao cho chúng không mở rộng phạm vi ấy. Nói cách khác, những người theo thuyết chuộc tội vô hạn công nhận rằng Sự Chuộc Tội vừa có giới hạn vừa vô giới hạn; người theo thuyết chuộc tội hữu hạn quả quyết Sự Chuộc Tội bị giới hạn chặt chẽ, và không công nhận bất cứ phân đoạn nào về sự chuộc tội vô hạn là có dạy về sự chuộc tội vô hạn cả.

IV. NHỮNG NHẬN ĐỊNH GIẢI KINH

A. IIPhi 2:1

Người ta thường công nhận câu Kinh Thánh khó hòa hợp nhất với sự chuộc tội có giới hạn là IIPhi 2:1. Dường như câu Kinh Thánh nầy nói các giáo sư giả (là người không thuộc số người được chọn) đã được Chúa trả xong giá cứu chuộc họ, vì trong sự dạy dỗ của họ, họ đã chối bỏ Chúa,Đấng đã mua (agorazơ) họ. Nói cách khác, Phierơ dường như đang nói rằng với của lễ hy sinh của Chúa, Ngài đã trả xong giá chuộc cho những người không được chọn lựa nầy.

Một số người theo thuyết sự cứu chuộc cá biệt nói rằng Phierơ chỉ đang ghi lại những lời các giáo sư giả đã tuyên bố. Họ nói Chúa đã chuộc họ rồi, nhưng trong thực tế, Ngài đã không chuộc họ vì cớ Ngài chỉ chết cho những người được chọn. Vì vậy, Phierơ chỉ đơn giản công nhận những lời họ đang nói, chứ không phải ông đang khẳng định sự thật của lời họ nói, và trong thực tế, đây không phải là một câu đúng xét từ quan điểm của thuyết cứu chuộc hữu hạn. Nhưng đương nhiên, dầu đây là cách diễn tả lời các giáo sư giả đang nói đi nữa, thì vẫn có thể là một lời tuyên bố đúng, nên không thể giả định đó là câu sai chỉ vì cớ câu đó ra từ miệng họ. Nhưng khả năng nhiều hơn ấy là Phierơ đang nhấn mạnh đến chiều sâu sự đi lạc của họ, bằng cách nói họ đã chối Chúa, Đấng đã mua họ. Đôi khi đây còn được gọi là quan điểm “xBác Ái Cơ Đốc.”

Người khác hiểu câu nầy nói Chúa (trong tư cách Đấng Tạo Hóa) “đã mua” những người không được chọn nầy theo nghĩa Ngài đã sở hữu họ với tư cách Đấng Tạo Hóa. Vì vậy, chữ agorazơ (nghĩa là “mua, chuộc”sẽ trở thành có nghĩa là ktizơ (tạo ra). Chúa đã sở hữu họ giống như Ngài đã sở hữu Ysơraên khi Ngài đem lại sự giải cứu tạm thời khỏi Êdíptô (Phu 32:6).

Để cố gắng củng cố cách giải thích nầy, người theo thuyết sự cứu chuộc cá biệt trích dẫn ba tuyến được xem như là lập luận hậu thuẫn. (1) chữ dùng chỉ về Chúa (despotes) khi được dùng trong Tân Ước thì chỉ về Đức Chúa Trời, chứ không chỉ về Đấng Christ, và nó sẽ nói về Đấng Christ nếu như câu Kinh Thánh nầy dạy về một giá chuộc của Cứu thục học (ví dụ như xem Cong 4:24; Kh 6:10). Tuy chữ nầy thường nói đến Đức Chúa Cha khi chỉ về Ba Ngôi,nhưng không phải Giuđe 4 dùng chữ nầy để nói về Đấng Christ sao? Dường như là để chỉ về Đấng Christ, và nếu tại đó có chỉ về Đấng Christ, thì không có lý do gì trong IIPhi 2:1 không chỉ về Đấng Christ.

(2) Họ cũng nêu ra những trường hợp khác của chữ agorazơ khi chỉ về sự cứu chuộc của Cứu thục học, thì trong văn mạch có đề cập đến giá phải trả. Do đó, vì không có đề cập đến giá phải trả trong IIPhi 2;1,nên chắc hẳn câu Kinh Thánh nầy không nói đến sự cứu chuộc thực sự theo cứu thục học, mà trái lại là chỉ về sự sở hữu “Đấng Tạo Hóa - tạo vật.” Tuy nhiên, trong Kh 14:4, trong văn mạch không đề cập giá phải trả liên quan đến sự cứu chuộc theo cứu thục học của 144.000 người. Tương tự, IIPhi 2:1 cũng có thể chỉ về sự cứu chuộc theo cứu thục học mà không cần đề cập một giá cụ thể.

(3) Hơn nữa, người ta coi như chữ agorazơ luôn luôn được dùng trong các văn mạch có kiểu mua thực sự để sở hữu. Vì những giáo sư giả trong IIPhi 2:1 đã thực sự không được cứu, nên chữ agorazơ không thể chỉ về sự mua để cứu rỗi, vì không xảy ra một sự sở hữu thực tế nào cả. Nhưng hãy để ý Lu 14:18-19, ở đây có một sự trả tiền thực sự để mua một tài sản, thế nhưng người mua vẫn chưa nhìn thấy vật được mua. Tương tự, người theo thuyết sự cứu chuộc vô hạn lập luận: các giáo sư giả đã thực sự được mua rồi (tức là Đấng Christ đã chết thay cho họ rồi), dầu họ không hề thuộc quyền sở hữu (có nghĩa là họ đã không được cứu rỗi). Xem John Owen, The Death of Death in the Death of Christ (London: Banner of Truth Trust, 1959, trang 150-2); và Gary Long,Definite Atonement (Nutley, N.J., Presbyterian and Reformed, 1976, trang 67-82).

B. IGi 2:2

Câu nầy dường như cũng nói khá rõ rằng sự chết của Đấng Christ đã dành cho toàn thế gian vì Ngài làm của lễ chuộc tội không những cho tội lỗi của chúng ta thôi, mà còn cho tội lỗi của toàn thế gian nữa. Chữ “chúng ta” dường như chỉ về những người được (hoặc sẽ được) cứu, trong khi “cả thế gian” bao gồm những người không được cứu. Những người theo thuyết chuộc tội hữu hạn giải thích câu nầy thế nào để cho phù hợp với quan điểm của họ?

Trong thực tế, người ta nêu ba gợi ý. Trong cả ba ý nầy, chữ “của chúng ta” và chữ “của thế gian” hợp với nhau thành tổng số toàn bộ những người được chọn; do đó, chữ “chúng ta” chỉ về một phần những người được chọn, và “cả thế gian” chỉ về phần những người được chọn còn lại. (1) Một số người hiểu chữ “chúng ta” nói đến những người được chọn sống tại vùng Tiểu Á, là nơi sứ đồ Giăng ở; như vậy chữ “cả thế gian” chỉ về người được chọn sống ở ngoài vùng Tiểu Á. Đây là sự phân biệt về địa lý. (2) Một số khác hiểu đây là sự phân biệt về chủng tộc, có nghĩa chữ “chúng ta” nói đến những người được chọn giữa vòng dân Do Thái, và chữ “cả thế gian” chỉ về người được chọn ở giữa vòng dân ngoại bang. (3) Còn một số khác nữa hiểu đây là sự phân biệt theo trình tự thời gian. Chữ “chúng ta” chỉ về người được chọn ở thế kỷ thứ nhất, còn chữ “cả thế gian” tập trung vào những người được chọn trong các thế kỷ tiếp sau đó. Nói cách khác, phái tin sự chuộc tội hữu hạn xem Sự Chuộc Tội trong câu Kinh Thánh nầy mang tính phổ thông về mặt địa lý, về chủng tộc hay về trình tự thời gian,nhưng chỉ liên quan đến người được chọn, chứ không cho tất cả mọi người (xem John Murray, Redemption - Accomplished and Applied (Grand Rapids: Eerdmans,1961, trang 82-5).

Đúng là chữ “thế gian” không luôn luôn có nghĩa “tất cả mọi người” (xem Gi 12:9), nhưng không tự điển nào nói chữ nầy mang nghĩa là duy chỉ có người được chọn. Và người theo thuyết sự chuộc tội hữu hạn đang gán cho chữ đó nghĩa “chỉ có người được chọn” trong câu Kinh Thánh nầy.

Hơn nữa, một lần xuất hiện duy nhất khác nữa của cụm từ “cả thế gian” trong các tác phẩm của Giăng là trong IGi 5:19, và trong câu đó, không ai tranh cãi chữ ấy bao gồm tất cả mọi người. Vì thế, điều nầy có nghĩa Đấng Christ chết thay cho tất mọi người, dầu rằng không phải tất cả mọi người rốt cuộc đều được cứu.

C. ITi 2:4-6; 4:10

Nói chung, người theo thuyết sự cứu chuộc hữu hạn hiểu chữ “mọi” trong ITimôthê chỉ về mọi hạng người. Nói như vậy có nghĩa Đấng Christ đã chết thay cho tất cả mọi hạng tội nhân (giữa vòng người được chọn),và Đức Chúa Trời muốn mọi hạng người (giữa vòng những kẻ được chọn) đều được cứu.Tuy nhiên, trong 4:10, một số người hiểu chữ “Cứu Chúa” có nghĩa là Đấng Christ dự bị những lợi ích tổng quát của ơn thần hựu cho tất cả mọi người, và đặc biệt là cho tín đồ. Như vậy theo cách giải thích nầy, “Cứu Chúa” không mang hàm ý cứu thục học. Phép lập luận ẩn đàng sau những cách giải nghĩa nầy ấy là: Nếu Đấng Christ là Cứu Chúa của mọi người cách tuyệt đối, thì tất cả mọi người đều phải được cứu, và vì không phải mọi người đều được cứu, nên Ngài không thể là Cứu Chúa của tất cả mọi người theo bất kỳ phương diện nào của Cứu thục học. Nhưng không phải Đức Chúa Trời là Cha của mọi người cách tuyệt đối (Cong 17:29) song không phải mọi người đều được ở trong gia đình được cứu chuộc đó sao (Ga 3:26)?Tương tự, có thể nói Đấng Christ là Cứu Chúa của mọi người song không phải mọi người đều được cứu (xem Owen, trang 235).

D. He 2:9

Một lần nữa, dường như rõ ràng Sự Chuộc Tội mang tính phổ quát. Còn thể nào khác nữa khi tác giả bảo Ngài đã nếm sự chết vì tất cả mọi người! Hãy lưu ý những câu Kinh Thánh trước đó cũng dùng chữ “người” và nghĩa nầy rõ ràng là tất cả mọi người, chứ không phải chỉ riêng những người được chọn mà thôi.

E. Gi 3:16

Người theo thuyết sự cứu chuộc hữu hạn buộc phải bảo câu Kinh Thánh nầy nói Đức Chúa Trời chỉ yêu thương “thế gian” của những người được chọn mà thôi. Người theo thuyết sự cứu chuộc hữu hạn thì hiểu câu nầy nhấn mạnh cường độ mãnh liệt nơi tình yêu thương của Đức Chúa Trời, có nghĩa là Đức Chúa Trời yêu thương “thế gian” của tội nhân. Nhưng nó vẫn được giới hạn cho những tội nhân được chọn. Bây giờ nếu Gi 3:16 được giới hạn lại như thế,thì không một người nào theo thuyết chuộc tội hữu hạn có thể nói cho những đứa con nhỏ của mình (lấy ví dụ như thế) rằng Đức Chúa Trời yêu thương chúng, vì người ấy không thể biết ở độ tuổi đó, chúng có thuộc vào trong số những người được chọn hay không. Tuy nhiên, Chúa bày tỏ tình yêu Ngài cho người chưa được cứu (và hiển nhiên đó là người không được chọn (Mac 10:21).

F. Cong 17:30

Câu Kinh Thánh nầy phát biểu vấn đề thật rõ ràng. Đức Chúa Trời truyền mọi người ở mọi nơi phải ăn năn. Giải thích câu nầy nói mọi người không phân biệt chủng tộc hay đẳng cấp ở mọi nơi trên đất, nhưng chỉ trong vòng những người được chọn thôi (tức là nói theo cách phải hiểu câu nầy hậu thuẫn cho sự chuộc tội có giới hạn) thì không có vẻ gì là cách chú giải kinh chắc chắn cả!

Chú Kinh Học (khoa chú giải Kinh Thánh -Exegesis) hậu thuẫn rõ ràng cho quan điểm sự chuộc tội vô giới hạn.

V. NHỮNG NHẬN ĐỊNH THẦN HỌC

A. Việc Rao Giảng Tin Lành Phổ Thông

Những người theo thuyết sự chuộc tội vô hạn tuyên bố: để rao giảng Tin Lành cho tất cả mọi người, thì Đấng Christ đã phải chết thay cho tất cả mọi người. Dường như hợp lý hơn khi nói sự chuộc tội vô hạn phù hợp hơn với việc rao giảng Tin Lành phổ thông. Tuy nhiên, phải công nhận:tin vào thuyết chuộc tội hữu hạn thì không nhất thiết sẽ làm giảm đi nỗ lực truyền giảng Tin Lành. Một số nhà truyền giảng Tin Lành vĩ đại, như Spurgeon,đã tin vào sự chuộc tội hữu hạn. Và một số người tin vào sự chuộc tội vô hạn đã thất bại trong trách nhiệm chứng nhân của họ.

B. Giá Trị Sự Chết Của Đấng Christ

Một số giá trị trong sự chết của Đấng Christ có bị mất đi nếu như số người được Ngài chết thay lại không thực sự được cứu rỗi toàn bộ? Người theo thuyết chuộc tội hữu hạn bảo rằng “Có”; do đó, người ấy kết luận: “Đấng Christ chỉ chết thay cho người được chọn mà thôi.” Nhưng nếu Đức Chúa Trời đã định một sinh tế phổ thông có giá trị ở chỗ nó khiến cho toàn thế gian có thể được cứu, cộng thêm với giá trị cứu rỗi dành cho những người nào tin, thì toàn bộ giá trị nầy đều được thực hiện, dầu theo nhiều phương cách khác nhau.

C. Có Phải Người Không Được Chọn Bị Đền Tội Đến Hai Lần?

Một số người theo thuyết chuộc tội hữu hạn cho rằng: Nếu Đấng Christ chết thay cho hết thảy mọi người, thì tội lỗi của những người không được chọn đã được đền trả tại thập tự giá bởi sự chết của Đấng Christ, rồi sẽ được đền trả một lần nữa tại sự đoán xét bởi việc kết án người không được chọn phải đi vào hồ lửa. Vậy trong thực tế, tội lỗi của họ bị đền trả hai lần. Như thế, theo luận lý, hoặc sự chết của Đấng Christ sẽ không bao gồm những người không được chọn, hoặc người không được chọn sẽ không bị đi vào hồ lửa.

Có thể nêu ra một câu hỏi so sánh tương tự.Có phải người Ysơraên nào không chịu bôi huyết Con Chiên Lễ Vượt Qua trên cửa nhà mình thì tội lỗi người ấy đã bị đền trả hai lần không? Khi con chiên Lễ Vượt Qua bị giết, tội lỗi người ấy đã được khỏa lấp. Nhưng nếu người ấy không bôi huyết trên cửa thì người ấy chết. Đây có phải là sự đền tội lần thứ nhì của người ấy không? Đương nhiên là không! Đơn giản là sự đền tội đầy đủ lần đầu không áp dụng cho căn nhà ấy. Sự chết đến sau khi không bôi huyết trên cửa chỉ là sự báo trả cho việc không chiếm lấy sinh tế đầy đủ kia cho mình. Sự Chuộc Tội của Đấng Christ đã đền trả xong tội lỗi của cả thế gian, nhưng cá nhân phải lấy đức tin chiếm cho mình giá đền tội ấy. Thế gian đã được giải hòa với Đức Chúa Trời (IICo 5:19), nhưng những người được giải hòa đó cần phải được giải hòa với Đức Chúa Trời (c.20).

Minh họa: Tại một trường học tôi có dịp dạy,quỹ trợ giúp sinh viên đã được giải quyết như sau. Dân chúng tặng các món quà vào quỹ trợ giúp sinh viên. Những sinh viên nghèo làm đơn xin trợ giúp từ quỹ đó. Có một ủy ban quyết định xem ai là người sẽ nhận phần trợ giúp và nhận bao nhiêu. Nhưng đến khi phân phối món tiền thực sự đó thì người ta thực hiện bằng cách cấp một ngân phiếu cho sinh viên đó, rồi sinh viên đó được yêu cầu ký vào ngân phiếu để gởi lại cho trường, và trường sẽ đặt một thẻ tín dụng vào tài khoản của sinh viên đó. Tiền không chuyển trực tiếp từ quỹ tài trợ vào thẳng tài khoản của sinh viên. Sinh viên phải đích thân nhận khoản tiền đó và nhập nó vào tài khoản của mình. Chúng ta giả sử bạn gởi quà để trả học phí một năm cho một sinh viên. Bạn có thể nói đúng rằng học phí của sinh viên đó đã được trả xong. Nhưng trước lúc có sự chọn lựa của ủy ban, và trước khi sinh viên kia nhận phần quà và đưa vào tài khoản của anh ta, thì học phí của anh ta vẫn chưa được thanh toán. Nếu sinh viên đó không ký vào ngân phiếu, thì học phí sẽ không bao giờ được thanh toán, dầu đã được trả xong rồi! Sự chết của Đấng Christ đền trả xong mọi tội lỗi của mọi người. Nhưng không có cá nhân nào được thanh toán cho tài khoản mình mãi cho đến khi người ấy tin. Nếu không bao giờ tin, thì dầu giá phải trả đã được thanh toán đầy đủ, tội lỗi người đó vẫn không được tha. Sự chết của Đấng Christ giống như một nhà hảo tâm kia trả xong học phí cho mọi tội lỗi của mọi sinh viên trong mọi trường học ở khắp mọi nơi. Nhưng để việc đó có thể thành hiện thực, thì chúng ta sẽ phải nói điều gì cho sinh viên? Rao ra tin vui là học phí của họ được thanh toán rồi.

Đấng Christ đã chết cho tất cả mọi người.Chúng ta sẽ phải rao gì cho thế gian?