Giáo lý về sự lựa chọn hình thành một trong những cơ sở của sự chọn lựa, dầu vậy không phải là cơ sở duy nhất. Có thể gọi đúng rằng các giáo lý khác như sự chết của Đấng Christ, đức tin, ân điển hiệu năng, và sự tái sanh, là cơ sở nữa. Mọi điều nầy đều cần thiết để hoàn thành kế hoạch cứu rỗi con người của Đức Chúa Trời.

I. NHỮNG QUAN ĐIỂM CHÍNH VỀ SỰ CHỌN LỰA

A. Sự Chọn Lựa Theo Sự Thấy Trước (Foresight Election)

Quan điểm nầy cho rằng Đức Chúa Trời đã chọn lựa dựa trên cơ sở đức tin đã được thấy từ trước. “Với chữ “sự chọn lựa,” chúng ta muốn nói đến hành động tối thượng của Đức Chúa Trời trong ân điển, bởi đó Ngài đã chọn trong Đức Chúa Jesus Christ để cứu rỗi những người mà Ngài biết trước là họ sẽ tiếp nhận Ngài” (Henry C. Thiessen, Introductory Lectures in Systematic Theology (Grand Rapids: Eerdmans, 1959, trang 334; dầu vậy định nghĩa nầy đã không được đưa vào trong bản hiệu đính của Doerksen, 1981, trang 258). Có lẽ đúng khi bảo đại đa số người Tin Lành thuần túy, hoặc có ý thức hoặc vô thức, đều giữ khái niệm nầy về sự lựa chọn. Đức Chúa Trời đã nhìn xuyên qua cõi thời gian, và với sự biết trước của Ngài, Ngài đã nhìn thấy những người nào sẽ tiếp nhận Đấng Christ để chọn họ đến với sự cứu rỗi. Điều nầy khiến sự biết trước trở nên sự thấy trước mà không hề có sự chọn lựa nào của Đức Chúa Trời từ trước cõi thời gian.

B. Sự Chọn Lựa Tập Thể (Corporate Election)

Karl Barth theo một hình thức của quan điểm nầy. Ông dạy rằng sự chọn lựa trước hết là sự chọn lựa Đấng Christ, kế đến là sự chọn lựa cộng đồng, và sau hết là sự chọn lựa cá nhân. Trong thực tế, hết thảy mọi người đều là người được chọn lựa trong Đấng Christ, dầu vậy những người không tin Chúa chưa biết điều đó. Đây là nguyên nhân khiến giáo lý sự chọn lựa của Barth khiến ông bị lên án là theo Phổ Thông thuyết.

Hình thức thuần túy Tin Lành của cùng một khái niệm nầy (có lẽ có trường hợp chịu ảnh hưởng của Barth, có trường hợp thì không) xem sự chọn lựa là việc chọn một tập thể người, tức là Hội Thánh, trong Đấng Christ, chứ không phải chọn các cá nhân mãi sau khi họ trở nên thành viên của tập thể nầy. Trong hình thức thuần túy Tin Lành không hề gợi ý đến phổ thông thuyết, dầu cả hai đều có chung ý về sự chọn lựa tập thể. Chúng ta không thể nói các cá nhân được chọn lựa trước khi sáng thế, nhưng chỉ nói hội thánh được chọn lựa như thế trong Đấng Christ mà thôi (Eph 1:4). Khi một cá nhân tin Đấng Christ thì được đặt trong tập thể được chọn lựa kia, và bấy giờ có thể nói người ấy được chọn lựa. “Đức Chúa Trời đã chọn lựa điều gì trước khi sáng thế?Hội Thánh. Không phải là chọn các cá thể, nhưng là chọn lựa Thân Thể Đấng Christ.” (Dan Esterline, “The Doctrine of Predestination,” Moody Monthly, Tháng Hai 1979, trang 86; về quan điểm nầy, cũng xem thêm Roger T. Forster và V. Paul Marston, God’s Strategy in Human History (Wheaton, Ill.: Tyndale, 1975, và Robert Shank, Elect in the Son (Springfield, Mo.: Westcott, 1970, trang 48-9).

C. Sự Chọn Lựa Cá Thể Từ Trước Cõi Thời Gian

Theo quan điểm nầy, sự chọn lựa là “hành động đời đời của Đức Chúa Trời, để bởi đó, Đức Chúa Trời chọn một số người - theo sự đẹp lòng tối thượng của Ngài và không do công đức được Ngài thấy từ trước nào ở nơi họ - để họ trở thành người nhận lãnh ân điển đặc biệt và sự cứu rỗi đời đời.”(L. Berkhof, Systematic Theology (Grand Rapids: Eerdmans, 1941, trang 114). Như vậy, sự chọn lựa là vô điều kiện (tức là nơi con người không có điều gì để quy định sự chọn lựa của Đức Chúa Trời), trước cõi thời gian (trước khi sáng thế),và không xứng đáng được nhận (tức là nhờ ân điển), và là cơ sở của sự cứu rỗi.Những người theo quan điểm nầy cũng công nhận sự chọn lựa là ở trong Đấng Christ, nhưng họ muốn nói Ngài là nền tảng, nguyên nhân và sự bảo đảm của sự chọn lựa tín đồ. Họ đã bác bỏ khái niệm sự chọn lựa tập thể, quả quyết Đức Chúa Trời đã chọn lựa các cá thể (và không căn cứ trên sự thấy trước), và những cá thể được chọn lựa đó hình thành một tập thể, tức là Hội Thánh.

II. THUẬT NGỮ SỰ CHỌN LỰA

Hiểu đúng về rất nhiều thuật ngữ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự chọn lựa thì sẽ giúp trình bày khái niệm nầy đúng với Kinh Thánh hơn. Thường thì nan đề chính khi tìm hiểu giáo lý nầy chính là không đưa vào đủ các khía cạnh của nó. Không một lý trí con người nào dung hòa được quyền tể trị tối thượng và ý chí tự do, nhưng bỏ qua hay xem nhẹ một khía cạnh nào nhằm đạt được một sự hài hòa giả định nào đó thì sẽ không giải quyết được gì cả.

A. Thuật Ngữ Cơ Bản

Nhiều thuật ngữ và khái niệm nhất định đã hình thành bối cảnh để phải dựa trên nền đó xem xét sự chọn lựa.

1. Sự Toàn Tri.

Thuật ngữ nầy có nghĩa Đức Chúa Trời có sự hiểu biết bẩm sinh về mọi sự việc thực sự xảy ra và có thể xảy ra. Vì vậy, sự chọn lựa của Đức Chúa Trời đã được lập ra với sự hiểu biết lớn nhất có thể có.

2. Nguyên chỉ, bản thiết kế, bản vẽ.

Nguyên chỉ của Đức Chúa Trời là kế hoạch của Ngài cho mọi sự. Nguyên chỉ nầy chứa đựng rất nhiều ý chỉ. Việc lập nguyên chỉ và sự định trước là những khái niệm thần học đồng nghĩa với nhau, nhưng chúng rõ ràng nhấn mạnh đến khía cạnh quyền tể trị tối thượng hơn là khía cạnh ý chí tự do. Chữ “bản thiết kế” nhấn mạnh ít hơn đến quyền tể trị tối thượng, còn chữ “bản vẽ” dường như thực sự trung tính.

Kinh Thánh dạy rõ rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời bao gồm mọi sự (Eph 1:11), nhưng cũng bày tỏ rằng mức độ và tính trực tiếp của mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời với con người đối với những sự kiện cụ thể thì khác nhau. Đôi khi Ngài trực tiếp chỉ định điều gì đó (Phu 32:39; Cong 5:1-11). Hầu như Ngài luôn luôn hành động qua những công lệ thiên nhiên mà Ngài đã định, và không bãi bỏ chúng để thực hiện những ngoại lệ, ngay cả cho tín đồ (Phi 2:30). Đôi khi Ngài quyết định cho phép người ta bộc lộ hết trọn bản tánh tội lỗi của họ mà hầu như không kiềm chế gì cả (Ro 1:24,26,28). Đôi khi Ngài trông đợi chúng ta chỉ đơn giản là chọn lựa dựa vào những điều dường như là lẽ phải, hoặc vào những việc chúng ta ước ao làm (ICo 10:27). Dựa vào sự đa dạng nầy,tôi tự nghĩ đến một từ ngữ khác với chữ “nguyên chỉ,” mà nó diễn tả các khía cạnh hay hơn. Chữ “bản thiết kế” có thể là thỏa đáng. Chữ “bản vẽ” (hay bản đồ họa)có thể quá trung tính, dường như thể Đức Chúa Trời đã khởi xướng lên rồi không kiểm soát nữa. Thế nhưng chữ “bản thiết kế” còn xét đến chữ “kiến trúc sư,” là chữ thực sự đóng vai trò một khái niệm hữu ích trong giáo lý nầy. Đức Chúa Trời là “Kiến Trúc Sư” của một kế hoạch bao gồm hết cả mọi sự, nhưng đưa chúng vào trong những mối quan hệ khác nhau. Các kế hoạch của các kiến trúc sư thật chi tiết. Kế hoạch của Đức Chúa Trời cũng vậy. Trong quá trình xây cất một tòa nhà,các chuyên gia có thể đoán trước rất nhiều công nhân sẽ bị thương, và có trường hợp còn mất mạng nữa. Những thống kê khủng khiếp như thế được đưa vào khi lên kế hoạch của tòa nhà, nhưng chúng ta sẽ không quy trách nhiệm những thương vong đó cho kiến trúc sư (giả sử là đã có những biện pháp an toàn thích đáng). Sự bất cẩn,thờ ơ với các luật lệ, thậm chí sự vi phạm các biện pháp hạn chế an toàn thường là những nguyên nhân gây tai nạn. Nhưng chúng là lỗi của ai? Những cá nhân nào bất cẩn hay thờ ơ. Vì vậy, kế hoạch của Đức Chúa Trời đã được hoạch định để trách nhiệm về tội lỗi sẽ thuộc về cá nhân đó, dầu rằng Đức Chúa Trời đã chủ tâm bao gồm tội lỗi vào trong kế hoạch của Ngài.

3. Tể trị tối thượng, tự do.

Những từ đồng nghĩa nầy chỉ có thể nói đến Đức Chúa Trời với ý nghĩa tuyệt đối. Chỉ một mình Ngài tể trị tối thượng và tự do. Thực ra Ngài thi hành quyền tể trị tối thượng và tự do của Ngài thế nào, chúng ta chỉ có thể biết được qua sự khải thị kế hoạch của Ngài như đã thảo luận trong phân đoạn trên. Đương nhiên, khi Ngài chọn tự giới hạn Ngài, thì điều đó tuyệt nhiên không khiến Ngài kém tể trị tối thượng hay kém tự do. Quyền tể trị tối thượng có nghĩa là quyền tối cao, và Đức Chúa Trời đã luôn luôn, hiện luôn luôn, và sẽ luôn luôn là Đấng Tể Trị Tối Thượng, Đấng đã chọn kế hoạch mà Ngài đã thực hiện.

B. Thuật Ngữ Trực Tiếp

1. Sự chọn lựa.

Sự chọn lựa nhấn mạnh đến sự chọn lựa tự do của Đức Chúa Trời để chọn những cá nhân đến sự cứu rỗi (sự chọn lựa Đấng Christ hoặc các thiên sứ sẽ không khảo sát ở đây). Khi Phaolô dùng động từ nầy, ông dùng ở thể trung gian giữa chủ động và thụ động (middle voice), chỉ ra rằng sự chọn lựa của Đức Chúa Trời đã được lập ra cách tự do và vì mục đích của Ngài (ICo 1:27-28); Eph 1:4). Cá nhân những người Têsalônica đã được chọn lựa (IITe 2:13); cũng giống như nhiều người đã được đặt (trước khi họ tin) trong nhóm những người có sự sống đời đời, là những người đã tin (Cong 13:48); Phaolô là một công cụ được chọn (để được cứu và để phục vụ, Cong 9:15; Ga 1:15); và tên của một số cá nhân đã không được biên trong Sách Sự Sxống từ khi sáng thế (Kh 13:8; 17:8), và điều nầy hẳn muốn nói rằng một số tên đã được biên. Sự chọn lựa là vô điều kiện và mang tính cách cá nhân.

Người được chọn của Đức Chúa Trời trong thời đại nầy đã không được chọn ra từ những người rất nổi bật của thế gian nầy (ICo 1:27-28; Gia 2:5). Họ đã được chọn từ trước khi sáng thế (Eph 1:4), và vì được chọn, nên họ sẽ có nếp sống kính sợ Đức Chúa Trời (Co 3:12; IIPhi 1:10).

2. Sự tiền định.

Tiền định là lập kế hoạch trước cho một số phận. Chữ proorizơ có nghĩa là phân biệt riêng ra từ trước. Sự chết của Đấng Christ và ý nghĩa sự chết ấy đã được định trước bởi Đức Chúa Trời (Cong 4:28; ICo 2:7). Người được chọn của Đức Chúa Trời được định trước cho sự làm con nuôi (Eph 1:5), cho một cơ nghiệp (c. 11), và cho trở nên giống tột bậc với Đấng Christ (Ro 8:28-29).

Theo Kinh Thánh, sự tiền định được giới hạn cho một số người được chọn, và sự tiền định bảo đảm cho địa vị hiện tại và số phận tương lai của họ. Về mặt thần học, thuật ngữ nầy đã được dùng để bao gồm tất cả mọi sự, có nghĩa là được dùng như một từ đồng nghĩa với kế hoạch toàn diện của Đức Chúa Trời. Từ định nghĩa về thần học nầy, thật dễ cho một số hình thức của thuyết Calvin dùng sự tiền định cho số phận của người không được chọn lựa. Vì thế đã xuất hiện giáo lý tiền định kép. Tuy nhiên, đây là một giả định về mặt lý luận, chứ không căn cứ trên các phân đoạn Kinh Thánh. Kinh Thánh nói rõ người được chọn thì được tiền định, nhưng không bao giờ gợi ý có một nguyên chỉ tương tự để chọn một số người cho bị định tội. Kinh Thánh dường như muốn để vấn đề ấy lại thành lẽ mầu nhiệm, và chúng ta cũng nên làm giống như thế.

3. Sự biết trước.

Chữ proginoskơ được dùng (a) để chỉ về sự hiểu biết từ trước trong trần thế nầy (Cong 26:5; IIPhi 3:17);(b) chỉ về mối quan hệ của Đức Chúa Trời với Ysơraên (Ro 11:2); và (c) chỉ về sự hy sinh của Đấng Christ (Cong 2:23; IPhi 1:20); và (d) chỉ về dân sự của Đức Chúa Trời ngày nay (Ro 8:29; IPhi 1:2).

Cuộc tranh luận tập trung quanh vấn nạn: Có tồn tại mối tương quan đến mức nào trong chữ “sự biết trước.” Có phải chữ nầy chỉ đơn thuần nói Đức Chúa Trời biết trước theo ý nghĩa là biết trước mà không có một mối tương quan nào cả? Hoặc một biến thể của ý nầy: Có phải chữ nầy nói Ngài đã nhìn thấy trước về đức tin chứ không thấy trước về con người? Hoặc như thần học Calvin: Có phải Ngài đã liên hệ Ngài với con người từ trước cõi thời gian bằng cách nào đó, để rồi có một mối liên kết nhân quả khiến cho “biết trước”trên thực tế tương đương với “tiền định” hay “chỉ định trước”? Rõ ràng điều được biết trước chính là con người, chứ không phải đức tin của họ (Ro 8:28-29). Cũng rõ ràng, sự biết trước như một nhận thức đơn thuần thì sự biết trước ấy không phải là cơ sở của sự chọn lựa, vì IPhi 1:2 bao gồm cả sự quyết định về phần Đức Chúa Trời nữa. Sự chọn lựa phù hợp với (kata) sự biết trước, và sự biết trước đó đã bao gồm cả thủ tục được dùng để tiến hành sự chọn lựa. Do vậy, có mối tương quan nào đó và/hoặc một quyết định nào đó vốn có sẵn trong ý nghĩa của việc biết trước. Chắc chắn câu 20 bao gồm cả những ý tưởng đó, bằng không thì sẽ không bảo đảm được điều gì về sự hy sinh của Đấng Christ. Tương tự, có tính quyết định dứt khoát và tính biết chắc chắn trong Cong 2:23 và Ro 11:2. Cách dùng chữ nầy trong Ngụy Kinh cũng bao gồm tính biết chắc chắn: “Và Sự đoán xét của Ngài ở trong sự biết trước của Ngài” (Judith 9:6). Đúng là chữ nầy không nói “chọn,”nhưng cũng không thể bị giảm xuống thành một khái niệm trung tính chỉ về riêng một mình sự nhận thức. Nó thực sự bao gồm sự quyết định, rồi đến lượt sự quyết định phải bao gồm cả sự bảo đảm xuất phát từ sự biết chắc chắn.

C. Thuật Ngữ Đối Lập

Tôi dùng những chữ nầy để nói đến các ý tưởng liên quan đến “sự báo trả” (retribution) và “bỏ lơ người không được chọn”(preterition). Sự báo trả có nghĩa là sự hình phạt xứng đáng, còn bỏ lơ người không được chọn tức là làm ngơ những người không được chọn đến sự cứu rỗi. Cả hai thuật ngữ nầy đều tránh khái niệm có trong sự tiền định kép hay “sự định tội từ trước” (reprobation), có nghĩa là sự tiền định để bị đoán phạt. Không một thuật ngữ nào ở đây có trong Kinh Thánh, dầu ý nầy được dạy rõ ràng trong Ro 9:18,21; IPhi 2:8; và Kh 17:8. Do vậy, Kinh Thánh thực sự có chứa giáo lý về sự bỏ lơ người không được chọn, dầu vậy không có nguyên chỉ để định tội theo cùng một ý nghĩa như có một nguyên chỉ để chọn lựa. Rõ ràng, chính ý về sự chọn lựa đã bao hàm ý có một số lượng người đông hơn thế để từ đó họ được chọn ra, và những người không được chọn kia thì chắc chắn bị bỏ qua.

Điều nầy tuyệt nhiên không hàm ý Đức Chúa Trời vui thích với số phận của kẻ ác, cũng không hàm ý họ bị ép buộc phải làm trái với ý của bản thân họ, hoặc giáo lý về sự chọn lựa nầy vô hiệu hóa Tin Lành “bất kể ai,” hoặc hàm ý người nào đó biết mình không được chọn rồi dựa vào đó cố bào chữa việc mình khước từ Đấng Christ. Mọi người đều chịu trách nhiệm khai trình với Đức Chúa Trời về thái độ của mình đối với Đấng Christ.

III. TÓM TẮT GIÁO LÝ

A. Sự Chọn Lựa Của Đức Chúa Trời Được Căn Cứ Vào Chính Bản Tánh Ngài

Do đó, hành động chọn lựa một dân phải phù hợp với toàn bộ các thuộc tánh của Ngài. Việc đó căn cứ vào sự toàn tri của Ngài,nên chúng ta được bảo đảm rằng khi Ngài chọn lựa, thì Ngài chọn lựa như vậy vì biết rõ và biết hết mọi khả năng khác. Vì liên quan đến việc thực thi ý chỉ tối thượng của Ngài, nên Ngài tuyệt nhiên không hề bị ép buộc làm những việc Ngài đã làm. Vì được thực hiện bởi Đức Chúa Trời, Đấng là sự yêu thương, nên sự tiền định đó được thực hiện trong tình yêu thương (Eph 1:4-5). Nó thể hiện lòng thương xót của Đức Chúa Trời; nếu không thì làm sao Đức Chúa Trời yêu được Giacốp (Ro 9:15)? Nó thể hiện ân điển vô song của Đức Chúa Trời (Eph 2:7-8). Và mục đích tối hậu của sự chọn lựa là để bày tỏ ra vinh hiển Ngài (1:6,12,14). Chúng ta thường nhấn mạnh sự kiện Đức Chúa Trời chọn lựa. Chúng ta cần nhớ chính Đức Chúa Trời là Đấng chọn lựa, và Ngài không thể làm việc nào không yêu thương hoặc không công bình.

B. Sự Chọn Lựa Của Đức Chúa Trời Là Chọn Các Cá Nhân

Điều nầy đã được thảo luận rồi. Ngài đã chọn các cá nhân, rồi họ cùng nhau lập thành dân sự của Đức Chúa Trời.

C. Sự Chọn Lựa Của Đức Chúa Trời Không Căn Cứ Trên Sự Biết Trước (Muốn Nói Đến Nghĩa “Nhìn Thấy Trước”)

Biết trước không phải là một khái niệm trung tính, nhưng bao gồm một thể loại mối tương quan nào đó.

D. Sự Chọn Lựa Của Đức Chúa Trời Có Trước Khi Sáng Thế

Không phải sau khi chúng ta chọn Ngài thì Ngài mới chọn lựa chúng ta (Eph 1:4).

E. Chỉ Riêng Sự Chọn Lựa Thôi Thì Không Đem Lại Sự Cứu Rỗi Con Người

Đúng là sự chọn lựa bảo đảm cho những người được chọn thì sẽ được cứu, nhưng chỉ riêng sự chọn lựa thôi thì không cứu được họ. Người ta được cứu rỗi qua đức tin nơi sự chết thay của Đấng Christ. Và đương nhiên, bằng cách nào đó họ phải học biết về sự chết của Đấng Christ để đức tin của họ có nội dung. Như vậy, sự chọn lựa, sự chết của Đấng Christ, lời chứng về sự chết của Ngài, và đức tin của bản thân, thảy đều cần thiết trong sự cứu rỗi một cá nhân. Chỉ một mình sự chọn lựa thì không cứu rỗi được.

F. Sự Chọn Lựa Là Có Chủ Đích, Không Thay Đổi Thất Thường

Mục đích sự chọn lựa dành cho chúng ta là để phục vụ và làm các việc lành (Gi 15:16; Ga 1:15-16; Eph 2:10; ITe 1:4-10).

Đối với Đức Chúa Trời, mục đích sự chọn lựa là để bày tỏ vinh hiển Ngài (Eph 1:6,12,14).

Do đó, giáo lý về sự chọn lựa mang động cơ thúc đẩy cao độ, và sẽ không bao giờ làm giảm bớt sự sống thuộc linh của chúng ta (Co 3:12).

IV. NHỮNG Ý KIẾN PHẢN ĐỐI GIÁO LÝ SỰ CHỌN LỰA

Đương nhiên, sự chọn lựa chỉ là một phần trong sự khảo sát bao quát hơn về toàn bộ nguyên chỉ, hay kế hoạch hay quyền tể trị tối thượng của Đức Chúa Trời. Những ý kiến sau đây thường được nêu ra để phản đối giáo lý nầy.

A. Giáo Lý Này Tương Đương Thuyết Định Mệnh

Thông thường, ý phản đối nầy được diễn tả như sau: “Điều gì sẽ đến thì đàng nào cũng sẽ đến, và tôi không thể giải quyết gì được.” Có hai khác biệt rất quan trọng giữa giáo lý Kinh Thánh về nguyên chỉ của Đức Chúa Trời với sự dạy dỗ sai lầm của thuyết định mệnh. (1) Ẩn đàng sau nguyên chỉ là một Đấng thông minh, yêu thương. Đàng sau thuyết định mệnh chỉ là một sự ngẫu nhiên mù quáng vô cảm tính. (2) Thuyết định mệnh không xem trọng phương tiện. Nó chỉ nhấn mạnh đến các kết cuộc. Nguyên chỉ của Đức Chúa Trời bao gồm mọi phương tiện cần yếu để đạt được các kết cuộc đó. Và các phương tiện cũng cần yếu như các kết cuộc. Vì vậy, giáo lý Kinh Thánh dành địa vị thích đáng cho trách nhiệm của con người. Điều gì sẽ đến thì sẽ đến thông qua các phương tiện và những phương thức nhất định, cũng như qua các hành động có trách nhiệm của con người. Eph 1:11 nói rõ là mọi sự, chứ không chỉ riêng các kết cuộc.

B. Nó Không Nhất Quán Với Sự Tự Do Của Con Người

Đây cũng chính là sự phản đối có trong Ro 9:19: Vì sao Đức Chúa Trời có thể bắt lỗi người ta, vì không ai thực sự chống nổi ý muốn Ngài nếu như mọi sự đều thuộc trong kế hoạch của Ngài? Dầu đúng là Đức Chúa Trời có quyền làm mọi việc nhất quán với bản tánh Ngài, nhưng cũng đúng không kém là Ngài đã chọn thực thi các quyền hạn của Ngài bằng cách đưa vào cả những hành động có trách nhiệm và tương đối tự do của con người. Tôi nói là “tương đối tự do” chỉ vì cớ không ai có quyền tự do tuyệt đối do những giới hạn của kiếp con người sa ngã. Ngài đã khiến chúng ta chịu trách nhiệm, và khi chúng ta không hành động cách có trách nhiệm, thì chúng ta bị quy trách nhiệm một cách công bình.

Một minh họa: Đức Chúa Trời có biết ngày bạn sẽ chết không? Câu trả lời là có, Ngài có biết. Câu hỏi: Bạn có thể chết sớm hơn thế một ngày không? Câu trả lời là không. Câu hỏi: Vậy vì sao bạn ăn? Trả lời:để sống. Phương tiện “ăn” là cần yếu cho mục đích sống đến ngày chết đã định trước. Từ điểm nầy trở đi, minh họa có thể dễ dàng chuyển sang lãnh vực lý thuyết một cách vô ích. Giả sử tôi không ăn thì sao? Thì tôi sẽ chết. Đó có phải là ngày mà Đức Chúa Trời đã định tôi sẽ chết không? Đây là những câu hỏi không cần phải nêu ra hay trả lời. Chỉ việc ăn là đủ rồi.

Hoặc chúng ta thay đổi minh họa nầy. Có phải Đức Chúa Trời đã hoạch định các câu trả lời cho những lời cầu nguyện của tôi không? Có. Vậy thì sao còn cần cầu nguyện làm gì? Bởi vì những câu trả lời đó đến khi tôi cầu nguyện.

Hoặc đổi minh họa lần nữa. Chúa có biết ai là kẻ được chọn không? Đương nhiên, chính Ngài đã chọn họ mà. Liệu có ai trong số họ hư mất không? Không. Vậy tại sao phải cầu nguyện và làm chứng? Vì đó là cách để cho họ được cứu. Liệu có ai trong số họ không tin không? Không. Vậy tại sao tại sao họ phải tin? Bởi đó là cách duy nhất để họ có thể được cứu, và nếu họ không tin, thì họ sẽ không được cứu. Đừng để tâm trí bạn nêu ra những câu hỏi lý thuyết vô ích như thế. Hãy tập trung tâm trí và đời sống để thực hiện chính ý muốn của Chúa, và nhớ chắc chắn bạn hành động cách có trách nhiệm.

C. Nó Khiến Đức Chúa Trời Trở Thành Tác Giả Của Tội Lỗi

Tôi nghĩ chúng ta phải công nhận Đức Chúa Trời đã thực sự xây dựng một kế hoạch mà trong đó đã bao gồm cả tội lỗi, và Ngài đã không đưa tội lỗi vào đó do bị bất ngờ. Tuy nhiên, chúng ta phải bảo vệ sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh Thánh rằng Đức Chúa Trời ghét tội lỗi (Thi 5:5), rằng Ngài không bao giờ chịu trách nhiệm về những tội chúng ta phạm (Gia 1:13), và việc đưa tội lỗi vào trong kế hoạch của Ngài không khiến cho tội lỗi bớt đi phần nào tính tội lỗi cũng như không khiến chúng ta ít đáng trách hơn.

Toàn bộ những gì Kinh Thánh nói về sự xuất hiện cụ thể của tội lỗi trong tạo vật ấy là tội lỗi được tìm thấy trong Satan (Exe 28:15). Es 45:7 có thể chỉ về việc Đức Chúa Trời bao gồm điều ác vào trong kế hoạch của Ngài, hoặc một số người hiểu câu Kinh Thánh nầy chỉ về các hậu quả của tội lỗi giống như tai ương. Ch 16:4 cũng dạy rằng mọi sự đều được bao gồm trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải tìm kiếm sự quân bình trong lẽ thật nầy và chấp nhận những căng thẳng chưa giải quyết được.

Cuối cùng, chúng ta hãy đối diện với hậu quả của tình trạng mọi sự mà bằng cách nào đó chúng không được đưa vào trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Điều nầy có nghĩa: có những điều nằm ngoài quyền kiểm soát của Đức Chúa Trời, và đó quả là ý tưởng kinh khiếp.

Hãy lắng nghe những lời sau của Calvin.

“Tại đây xuất hiện hạnh phúc khôn lường của tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Vô số điều ác phủ vây đời sống con người; vô số cái chết đe dọa sự sống. Chúng ta không cần đi đâu xa ngoài bản thân mình: vì thân thể chúng ta chính là chỗ chứa hàng ngàn bệnh tật - trong thực tế nó giữ và nuôi dưỡng trong mình những căn nguyên của bệnh tật - nên con người không thể không lo ngay ngáy bởi biết bao hình thức hủy hoại chính mình, và không thể không kéo dài một cuộc sống bị phủ vây trong sự chết - có thể gọi như vậy. Bạn còn gọi là gì nữa đây, khi con người lạnh cóng hay toát mồ hôi thôi cũng không phải không nguy hiểm? Bây giờ, bất cứ bạn quay hướng nào, không những bạn khó lòng tin cậy vào mọi sự chung quanh, mà chúng hầu như còn có vẻ đe dọa cách công khai nữa, và dường như đe dọa đem đến cái chết tức thời. Hãy lên tàu thủy;bạn cách sự chết một bước thôi. Trèo lên lưng ngựa; nếu sảy một chân, mạng sống bạn đã gặp nguy rồi. Đi trên các con đường trong thành phố; bạn gặp nguy nhiều như thể ngói trên mái nhà vậy. Nếu có vũ khí trong tay bạn hoặc trong tay bạn của bạn, thương tích chờ bạn đấy. Hết thảy những con thú hung dữ bạn nhìn thấy đều được “vũ trang” để tiêu diệt bạn. Nhưng nếu bạn cố giam mình trong một khu vườn kín cổng cao tường, trông có vẻ như thật thích thú, thì đôi khi vẫn có những con rắn ẩn đâu đấy. Ngôi nhà của bạn - luôn luôn trong nguy cơ gặp hỏa hoạn -ban ngày thì đe dọa làm bạn khánh kiệt, còn ban đêm thì đe dọa đổ sụp trên bạn.Đồng ruộng của bạn, vì phơi ra trước mưa đá, sương tuyết, hạn hán, cùng bao nhiêu thiên tai khác, nên đe dọa bạn bằng sự cằn cỗi, và như vậy là đói kém.Tôi bỏ qua chuyện ngộ độc, những cuộc phục kích, những vụ cướp, bạo lực công khai, là những thứ phần thì vây hãm chúng ta trong nhà, phần thì bám sát chúng ta ngoài đường. Giữa những hoạn nạn nầy, con người há chẳng phải là khốn khổ nhất sao, vì nếu không dở sống dở chết trong đời, thì con người cũng mệt mỏi kéo lê kiếp sống lo lắng sầu khổ, dường như thể có thanh gươm treo vĩnh viễn lơ lửng trên cổ mình?

“Bạn sẽ bảo rằng: Những biến cố nầy hiếm khi xảy ra, hoặc ít ra cũng không luôn luôn xảy ra, không phải cho tất cả mọi người,và không hề xảy ra lập tức. Tôi đồng ý với bạn, nhưng vì được cảnh báo bởi tấm gương của người khác rằng những điều nầy cũng có thể xảy ra cho chính chúng ta,và đừng mong chi đời sống mình khác họ, nên chúng ta không thể không hoảng sợ kinh khiếp dường như thể những biến cố nầy sắp xảy ra cho mình đến nơi. Do đó,bạn còn hình dung ra được điều gì tai hại hơn sự hoảng hốt náo động nầy nữa không? Ngoài ra, quả là lăng mạ Đức Chúa Trời khi bảo Ngài đã đẩy con người - tạo vật cao quý nhất trong các tạo vật của Ngài - vào chỗ mù quáng và liều lĩnh của số phận may rủi.” (Institutes of the Christian Religion, I, XVII, 10).

Vậy hãy đồng thanh với Phaolô trong bài thánh ca tôn vinh tôn nghiêm của ông để kết luận phần bàn luận dài và chi tiết về sự chọn lựa: “Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài? Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại? Vì muôn vật đều là từ Ngài,bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời vô cùng! Amen.” (Ro 11:33-36).