Bảng liệt kê kết quả hoặc lợi ích của sự cứu rỗi có thể lên đến hàng trăm mục. Tôi chỉ có ý thảo luận trong chương nầy một số vấn đề chính mà Đức Chúa Trời đã làm, đang làm, hoặc sẽ làm dựa trên của lễ hy sinh đã hoàn tất của Đấng Christ.

I. SỰ XƯNG NGHĨA

Sự xưng nghĩa (hay sự xưng công bình) không những là một trong những lợi ích vĩ đại từ sự chết của Đấng Christ, mà còn là giáo lý trọng tâm của Cơ đốc giáo, vì giáo lý nầy phân biệt Cơ đốc giáo là tôn giáo của ân điển và đức tin. Và ân điển cùng đức tin là những nền tảng cho giáo lý sự xưng công bình.

A. Ý Nghĩa Của Sự Xưng Công Bình

Xưng công bình có nghĩa là “tuyên bố là công bình.” Cả từ ngữ Hibálai (sadaq) lẫn tiếng Hylạp (dikaioo) đều có nghĩa loan báo hay công bố một phán quyết có triển vọng thuận lợi, tuyên bố là công bình.Khái niệm nầy không có nghĩa là “làm cho trở nên công bình,” nhưng là “công bố sự công bình.” Đây là khái niệm của tòa án, và như vậy, xưng công bình tức là:ra phán quyết là “công bình.” Hãy để ý sự tương phản giữa “xưng công bình” và “lên án” trong Phu 25:1; ICácvua 8:32; và Ch 17:15. Công bố lời kết án (định tội)không thể khiến một người trở nên kẻ gian ác thể nào, sự xưng công bình cũng không khiến một con người trở nên kẻ công bình thể ấy. Việc kết án hay xưng công bình công bố ra tình trạng đúng hiện thực của người ấy. Tại lúc công bố phán quyết kết án thì kẻ gian ác đã là gian ác rồi. Tương tự, khi phán quyết xưng công bình được tuyên bố ra thì người công bình đã là công bình rồi.

B. Vấn Nạn Trong Sự Xưng Công Bình

Vì đây là một ý niệm thuộc về tòa án, nên sự xưng công bình liên quan đến khái niệm xem Đức Chúa Trời là Quan Án. Chủ đề nầy được tìm thấy trong suốt Kinh Thánh. Ápraham công nhận Đức Chúa Trời là Quan Án của toàn thế gian, là Đấng phải thực hiện lẽ phải (Sa 18:25). Trong bài ca của Môise, đức công bình chánh trực của Đức Chúa Trời đã được thuật lại (Phu 32:4).Phaolô gọi Đức Chúa Trời là Quan Án công bình (IITi 4:8). Tác giả thơ Hêbơrơ gọi Đức Chúa Trời là quan án của mọi người, và Giacơ nhắc nhở độc giả rằng Đấng Đoán Xét đứng trước cửa (Gia 5:9).

Nếu Đức Chúa Trời là Quan Án không hề bất công và Ngài hoàn toàn công bình trong mọi quyết định, thì làm sao Ngài có thể tuyên bố một tội nhân là công bình? Và hết thảy chúng ta đều là tội nhân. Chỉ có ba phương án cho Đức Chúa Trời khi tội nhân đứng trước tòa án Ngài. Ngài phải định tội họ, hoặc thỏa hiệp sự công bình của chính Ngài để tiếp nhận họ cùng với thực trạng của họ, hoặc Ngài có thể biến đổi họ thành những người công bình. Nếu Ngài thực hiện phương án thứ ba, thì Ngài có thể công bố họ là công bình, và đây là sự xưng công bình. Nhưng bất cứ sự công bình nào mà tội nhân nhận được thì cũng đều phải là một sự công bình thật sự, chứ không phải là sự công bình bịa đặt ra; là thực tế chứ không là do tưởng tượng ra; đúng theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, và không phải là một lượng bị thiếu. Nếu có thể thực hiện được điều nầy, thì lúc đó, và duy chỉ lúc đó, Ngài mới có thể xưng công bình.

Gióp đã trình bày chính xác vấn nạn nầy khi hỏi: “Làm thế nào cho loài người được công bình trước mặt Đức Chúa Trời?”(Giop 9:2).

C. Phương Thức Tiến Hành Sự Xưng Công Bình (Ro 3:21-26)

Đức Chúa Trời thực hiện phương án thứ ba:Ngài thay đổi tội nhân thành người công bình. Bằng cách nào? Bằng cách khiến chúng ta trở thành sự công bình của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ (IICo 5:21), khiến nhiều người trở nên công bình (Ro 5:19), ban sự công bình cho những người tin. Có năm bước trong tiến trình thực hiện phương cách nầy, như đã nêu chi tiết trong đoạn Kinh Thánh trọng tâm về sự xưng công bình, là Ro 3:21-26.

1. Kế hoạch (Ro 3:21).

Kế hoạch ban sự công bình cần có này của Đức Chúa Trời được tập trung vào Chúa Jesus Christ. Kế hoạch nầy tách biệt khỏi Luật Pháp. Cấu trúc nầy không có một điều khoản nào, cho thấy không những tách biệt khỏi Luật Pháp Môise, là luật không thể cung cấp sự công bình đó (Cong 13:39), mà còn khỏi mọi vấn đề phức tạp của pháp lý. Kế hoạch nầy đã được biểu hiện (hình thức thụ động hoàn toàn) tại Sự Nhập Thể của Đấng Christ, và những ảnh hưởng của sự can thiệp vĩ đại đó trong lịch sử vẫn tiếp diễn.Kế hoạch đó được làm chứng không ngừng bởi Luật Pháp và Các Đấng Tiên Tri, là những người đã làm chứng về sự hiện đến của Đấng Mêsia (IPhi 1:11). Bởi vậy, kế hoạch nầy tập trung vào một Đấng.

2. Điều kiện tiên quyết (Ro 3:22).

Sự công bình đến bởi đức tin nơi Chúa Jesus Christ là Đấng được bày tỏ ra giờ đây. Tân Ước không hề nói chúng ta được cứu rỗi nhờ đức tin (là điều đòi hỏi phải có chữ dia ở dạng đối cách (accusative - túc từ trực tiếp). Tân Ước luôn luôn làm cho đức tin trở thành ống dẫn để qua đó chúng ta nhận được sự cứu rỗi (dia ở sở hữu cách). Nhưng đương nhiên, đức tin phải có một đối tượng đúng thì mới có hiệu quả,và đối tượng của đức tin cứu rỗi chính là Đức Chúa Jesus Christ.

3. Giá phải trả (Ro 3:24-25).

Rõ ràng, giá trả phải trả chính là huyết của Đấng Christ. Đối với Ngài, đây là giá lớn nhất.Các ích lợi đến cho chúng ta cách nhưng không (cũng chính chữ nầy được dịch là “vô cớ” trong Gi 15:25), có nghĩa là không có nguyên cớ gì nơi chúng ta, và như vậy là bởi ân điển Ngài.

4. Địa vị.

Khi một cá nhân tiếp nhận Đấng Christ, họ được đặt vào trong Đấng Christ. Đây chính là điều khiến họ được công bình. Chúng ta được làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ.Duy một mình sự công bình nầy mới vượt qua được tình trạng tội lỗi và tuyệt vọng của chúng ta, và đáp ứng được mọi đòi hỏi của sự thánh khiết Đức Chúa Trời.

5. Tuyên bố (Ro 3:26).

Sự công bình của Đấng Christ - là điều chúng ta có được - không những đáp ứng được những đòi hỏi của Đức Chúa Trời, mà còn đòi hỏi Đức Chúa Trời phải xưng công bình chúng ta nữa.Chúng ta thực sự công bình, chứ không phải là do bịa đặt ra; do đó, Đức Chúa Trời thánh khiết vẫn công bình và có thể xưng công bình cho ai tin Chúa Jesus Christ.

Vì vậy, không ai lên án được sự chọn lựa của Đức Chúa Trời, vì chúng ta đang ở trong Đấng Christ, và công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Và đây là nguyên nhân Ngài có thể xưng công bình chúng ta.

D. Bằng Chứng Của Sự Xưng Công Bình

Sự xưng công bình được chứng minh bởi sự thanh sạch cá nhân. “Vì ai đã chết thì được thoát [nghĩa đen là “được xưng công bình”] khỏi tội lỗi” (Ro 6:7). Chúng ta được tha bổng khỏi tội lỗi, nên tội lỗi không còn quyền thống trị chúng ta nữa. Sự xưng công bình trước tòa án Đức Chúa Trời được chứng tỏ bởi sự thánh khiết của đời sống trên đất nầy trước tòa án con người. Đây là quan điểm của Giacơ khi viết chúng ta được xưng công bình bởi việc làm (Gia 2:24). Đức tin không có kết quả thì không phải là đức tin thật;Vì vậy, con người chúng ta ra sao ở trong Đấng Christ sẽ được thể hiện qua con người của chúng ta trước mặt loài người. Đức tin và việc làm giống như tấm vé hai phiếu để đi thiên đàng. Phiếu “việc làm” thì không có giá trị cho đi qua,còn phiếu “đức tin” thì không hiệu lực nếu bị tách khỏi việc làm.

Thêm một ý cuối: sự xưng công bình bảo đảm cho chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời (Ro 5:1). Mối quan hệ của chúng ta với Ngài là công bình, hợp pháp và đời đời. Sự xưng công bình nầy hình thành nền tảng chắc chắn để được hòa thuận với Ngài.

II. SỰ ĐOÁN XÉT BẢN TÁNH TỘI LỖI

Lợi ích rất quan trọng thứ nhì của sự chết Đấng Christ liên kết sự chết Ngài với sự đoán xét bản tánh tội lỗi của tín đồ (Ro 6:1-14). Chúng ta đã thấy sự xưng công bình sẽ được nhìn thấy qua đời sống thánh khiết; và cũng giống như cơ sở cho sự xưng công bình, cơ sở cho đời sống thánh khiết nầy là sự chết của Đấng Christ.

Trong đoạn trước, Phaolô dùng một cụm từ đáng ngạc nhiên: “sự ban cho của sự công bình” (5:17). Điều nầy làm nảy sinh thắc mắc trong 6:1. Nếu sự công bình là một sự ban cho, vậy cứ tiếp tục ở trong tội lỗi để cho ân điển càng thêm dư dật há không tốt hơn sao? Nếu sự cứu rỗi là bởi việc làm, thì chẳng bao giờ có câu hỏi nầy, vì người ta hẳn sẽ cứ việc làm lành để được cứu rỗi. Nhưng nếu sự cứu rỗi là nhờ ân điển, thì liệu không thể phạm tội tùy thích sao, và không phải tình trạng nầy sẽ thực sự bày tỏ ân điển càng nhiều hơn sao? Phaolô giải đáp thắc mắc nầy bằng câu trả lời “Không” rất mạnh mẽ. Ông nêu hai nguyên nhân vì sao một người được xưng công bình rồi sẽ không tiếp tục phạm tội.

A. Sự Đoán Xét Giải Thoát Chúng Ta Khỏi Địa Phận Của Tội Lỗi (Ro 6:2-10)

1. Sự hoàn thành việc nầy (Ro 6:2-4).

Được hiệp làm một với sự chết và sự sống lại của Đấng Christ chính là thực sự hoàn tất việc di chuyển chúng ta từ địa phận của sự sống cũ sang địa phận sự sống mới.Như vậy, chết đối với tội lỗi không còn là hy vọng nhưng trở thành một thực tế,vì Đấng Christ ngày trước đã chết đối với tội lỗi và chúng ta đã được liên hiệp với Ngài trong sự chết đó bởi phép báptêm.

Chết có nghĩa là sự phân cách, chứ không phải là sự tiêu diệt. Vì vậy, chết đối với tội lỗi trong phân đoạn nầy có nghĩa phân cách khỏi địa phận hay vương quốc của tội lỗi, nhưng không có nghĩa diệt bỏ hiện diện của tội lỗi. Phép báptêm có nghĩa là sự liên hiệp hay sự đồng nhất hóa với một người nào đó hoặc một điều gì đó. Ở đây, phép báptêm chỉ về sự đồng nhất hóa (hay còn gọi là sự hiệp làm một) của chúng ta với Đấng Christ trong sự chết Ngài, để chúng ta được phân cách khỏi quyền lực của tội. Phép báptêm ở đây không thể chỉ về một nghi lễ hay thậm chí một thánh lễ, nhưng trái lại, nói đến sự hiệp nhất trong quan hệ với Chúa (tương tự như dân Ysơraên được hiệp nhất trong mối quan hệ với Môise khi vượt qua Biển Đỏ, ICo 10:2). Nghi lễ báptêm hay phép báptêm bằng nước minh họa sự hiệp nhất, nhưng không thể hoàn thành việc đó. Vì thế, phép báptêm nầy hiệp nhất chúng ta với sự chết của Đấng Christ đối với tội lỗi (tức phân cách khỏi lãnh địa của tội lỗi), hiệp nhất với sự chôn của Ngài (để chứng minh dứt khoát sự chết của Ngài là hiện thực), và với sự sống lại của Ngài (để ban cho chúng ta sự sống tươi mới).

2. Những điều cặp theo (Ro 6:5-10).

Sự hiệp làm một với Đấng Christ trong sự chết Ngài đối với tội lỗi đem lại (a) sự kết hiệp với Ngài trong sự sống phục sinh (c.5), (b) sự tiêu diệt bản ngã cũ (c.6),và (c) sự giải thoát khỏi quyền cai trị của tội lỗi (c.7). Thì tương lai trong câu 5 cho thấy điều phải xảy ra không thể tránh khỏi (như trong Ga 6:5). Như vậy,nó chỉ về sự sống lại để đến một nếp sống thuộc linh mới, chứ không phải sự sống lại của thân thể chúng ta trong tương lai. Con người cũ trong Ro 6:6 liên quan đến chỗ của chúng ta trong sự tạo dựng cũ dưới quyền thống trị của tội lỗi và sự chết. Dầu được đem ra khỏi lãnh địa đó rồi, trật tự cũ vẫn tìm cách thống trị qua con người cũ (Eph 4:22) khi nó cố gắng tự thể hiện, dùng thân thể làm phương tiện của tội lỗi (mà có thể đây là ý nghĩa của “thân thể của tội lỗi”).Về cách dùng tương tự và thông tin của “bị tiêu diệt” trong Ro 6:6, xin xem He 2:14, là câu liên hệ sự chết của Đấng Christ với sự phá diệt quyền lực của Satan.

B. Sự Đoán Xét Giải Thoát Chúng Ta Khỏi Quyền Thống Trị Của Tội Lỗi (Ro 6:11-14)

Giờ đây, Phaolô dựa trên sự chết của Đấng Christ đối với tội lỗi để khuyên nài tín đồ không sống dưới quyền thống trị của tội lỗi. Lời kêu gọi nầy gồm việc kể (c.11), từ chối (c.12), và dâng (c.13). Việc “kể” có nghĩa là tính toán, tính tổng cộng chân lý của các sự kiện được nêu ra trong các câu 1-10, để rồi làm đúng theo đó. Ngoài ra chúng ta còn phải từ chối vâng theo những tư dục xấu của tội lỗi, và dâng chính mình - gồm cả mọi chi thể trong thân chúng ta - cho Đức Chúa Trời sử dụng. Những cụm từ nầy đều kêu gọi đoạn tuyệt dứt khoát và khẩn cấp với sự sống cũ.

Godet tổng hợp toàn bộ những ý nầy rất hay khi viết như sau:

“Sự đoạn tuyệt của Cơ đốc nhân với tội lỗi rõ ràng được thực hiện dần dần, nhưng về nguyên tắc thì mang tính tuyệt đối và dứt khoát. Để đoạn tuyệt với bạn cũ mà ảnh hưởng xấu của họ vẫn còn trên mình,thì những biện pháp nửa vời là không đủ, và phương cách hiệu nghiệm duy nhất là: đưa ra lời giải thích thẳng thắn, tiếp đó là tuyệt giao hoàn toàn với những gì còn lại, giống như lo dựng lên một rào chắn từ trước để ngăn chặn mọi khẩn khoản níu kéo mới. Cũng vậy, để đoạn tuyệt với tội lỗi, cần phải có một hành động dứt khoát và triệt để, một việc làm thiên thượng để chiếm hữu tâm hồn nầy, và từ đó trở đi chặn ngang giữa ý chí của tín đồ đó với tội lỗi (Ga 6:14). Việc làm thiên thượng nầy tất nhiên phải thực hiện qua việc làm của đức tin nơi sự hy sinh của Đấng Christ.” (F. Godet, Commentary on Romans (Edinburgh: T. & T.Clark, không rõ năm xuất bản, 1:404).

III. CƠ SỞ CHO MỐI TƯƠNG GIAO GIA ĐÌNH CỦA TÍN ĐỒ

Để hiểu mối tương giao gia đình của tín đồ,còn phân đoạn Kinh Thánh nào căn bản hơn IGi 1:5-10. Trong đoạn này, Giăng đưa ra những nguyên tắc sống còn cho nếp sống hàng ngày của Cơ đốc nhân, và mối tương giao nầy được đặt nền tảng trên sự chết của Đấng Christ (c.7). Vì thế, một lợi ích nữa của sự chết Ngài ấy là: ban cho sự vui hưởng mối thông công bên trong gia đình của Đức Chúa Trời.

Phương diện nầy chỉ về mối thông công trong gia đình, chứ không phải sự xưng công bình ban đầu, và điều nầy dường như rõ ràng khi lập lại đến 16 lần những đại từ “chúng ta” (cả ở dạng chủ từ lẫn túc từ)trong 6 câu Kinh Thánh nầy. 2:1 cũng tiếp tục đề tài nầy, và nói rõ ràng cho tín đồ. Đương nhiên, sự cứu rỗi đem đến sự tha thứ trọn vẹn, hoàn chỉnh và đời đời (Eph 1:7), nhưng Cơ đốc nhân có phạm tội, nên bởi đó cần được tha tội không ngừng để hưởng được sự thông công trong các mối quan hệ gia đình. Một số người không chấp nhận điều nầy là cần thiết, họ tuyên bố: Vì Cơ đốc nhân được tha thứ rồi, nên không cần cầu xin điều mình có rồi. (Về bài phê bình xuất sắc khái niệm nầy, xem Zane Hodges, “Fellowship and Confession in 1John 1:5-10,” Bibliotheca Sacra, Tháng Giêng 1972,129:48-60). Nhưng tín đồ thực sự cần được tha tội và cần cầu xin sự tha tội (xem Lu 11:4; IICo 2:10; Eph 4:32; Co 3:13).

Cần những điều kiện nào để hưởng được mối thông công trong gia đình? Có hai điều kiện: làm theo đúng tiêu chuẩn của sự sáng, và xưng tội. Đức Chúa Trời là sự sáng - là tiêu chuẩn mà bất cứ ai trong thân thể hay chết nầy cũng không đáp ứng nổi, vì thế, tạ ơn Chúa vì đó không phải là điều kiện đòi hỏi. Điều kiện chính là chúng ta phải bước đi trong sự sáng.Việc nầy đặt chúng ta vào trong cùng một lãnh vực đạo đức như Đức Chúa Cha, để chúng ta có thể chia xẻ mối thông công. Điều kiện nầy được điều chỉnh thích nghi với mỗi tín đồ, vì bất luận tình trạng trưởng thành của tín đồ đó có ra sao đi nữa, người ấy vẫn nhận được một lượng ánh sáng nào đó từ nơi Lời Chúa để phải đáp ứng. Vì vậy, mối thông công lớn lên khi vòng sự sáng đó lớn lên.

Đương nhiên, không phải lúc nào đáp ứng cũng đến tiếp liền. Tội lỗi xâm nhập và cần phải xưng tội để khôi phục mối thông công. Xưng tội là gì? Đó là nói ra chính điều mà Đức Chúa Trời nói về tội lỗi.Đó là có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về tội lỗi ấy. Việc nầy phải bao gồm không chỉ nhắc lại tội lỗi đó, vì quan điểm của Đức Chúa Trời còn bao gồm cả việc từ bỏ tội lỗi đó nữa. Do đó, xưng tội bao gồm cả thái độ từ bỏ tội lỗi đó.

Sự xưng tội cách cá nhân với Chúa luôn luôn là điều cần thiết để khôi phục mối thông công. Còn sự xưng tội công khai thì sao? Điều đó còn tùy thuộc. Có những ví dụ Kinh Thánh nói về sự xưng tội công khai (Gia 5:16 nêu ra lời khuyên bảo chung, và Cong 19:18 nêu ví dụ cụ thể). Tội lỗi công khai sẽ đòi hỏi xưng tội công khai. Nhiều năm trước, tôi có dịp thảo luận vấn đề nầy với một thánh đồ cao tuổi. Ông cho tôi hai nguyên tắc quý giá chi phối sự xưng tội công khai. (1) Phải biết chắc chắn Đức Chúa Trời đang thúc giục bạn xưng tội công khai. Satan, cảm xúc, hoặc áp lực của công chúng cũng có thể thôi thúc bạn làm một việc nào đó mà nó không đến bởi Chúa. (2) Trước khi nói điều gì, hãy xét xem điều đó có gây dựng đức tin cho những người nghe hay không, vì cớ trước mặt hội chúng, mọi việc đều phải được thực hiện nhằm gây dựng đức tin.

Khi chúng ta xưng tội với Đức Chúa Cha, Ngài là Đấng đáng tin cậy và công bình để tha thứ và khôi phục chúng ta trở về mối thông công gia đình. Dầu chúng ta có cảm nhận được như vậy hay không, đây vẫn là sự thật. Và hãy lưu ý: Ngài làm việc nầy do sự chết của Đấng Christ, Đấng đã làm của lễ vãn hồi cho chúng ta (IGi 2:1-2).

IV. SỰ CUỐI CÙNG CỦA LUẬT PHÁP

Một ích lợi khác nữa từ sự chết của Đấng Christ là sự khai mạc nguyên tắc “đức tin - sự công bình” để thay thế cho nguyên tắc “luật pháp - việc làm.” Tuy nhiên, có thể hiểu lời Phaolô tuyên bố trong Ro 10:4 “Đấng Christ là sự cuối cùng của Luật Pháp” biểu thị hoặc sự kết thúc, hoặc mục đích. Nói cách khác, hoặc là Đấng Christ chấm dứt Luật Pháp, hoặc mục đích sự hiện đến của Đấng Christ là để làm trọn Luật Pháp (Mat 5:17). Tuy nhiên, dường như rõ ràng nghĩa trong văn mạch nầy là sự chấm dứt do có sự tương phản (bắt đầu từ 9:30) giữa Luật Pháp với sự công bình của Đức Chúa Trời. Lập luận tiếp đó của Phaolô không phải là vấn đề người Do Thái bất toàn và cần Đấng Christ hiện đến để làm cho địa vị của họ được trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời,nhưng lập luận của ông là địa vị của họ dưới nguyên tắc “luật pháp - việc làm”là hoàn toàn sai trật, vì đã tìm cách thiết lập sự công bình nhờ nỗ lực riêng của con người thay vì tiếp nhận sự công bình do Đức Chúa Trời ban cho. Dầu đúng là Chúa chúng ta đã làm trọn Luật Pháp, nhưng phân đoạn nầy không dạy điều đó.Đúng hơn, phân đoạn nầy dạy Ngài đã chấm dứt Luật Pháp, đã ban phương cách mới và sống động để đến với Đức Chúa Trời.

A. Bản Chất Của Luật Pháp

Đương nhiên Luật Pháp mà Chúa chúng ta chấm dứt là Luật Pháp Môise, theo như sự tương phản trong phân đoạn Kinh Thánh ở đây. Để triển khai tầm quan trọng của lợi ích nầy từ công tác của Đấng Christ,trước tiên cần xác định một số nét đặc trưng của Luật Pháp Môise.

1. Luật Pháp Môise đã là một đơn vị.

Nói chung, Luật Pháp được chia thành ba phần: phần về đạo đức, về lễ nghi, và về pháp luật. Mười Điều Răn hợp thành phần luật đạo đức (Xu 34:28). Những sự đoán xét bắt đầu từ 21:2, và bao gồm danh sách nhiều trách nhiệm khác nhau với những sự đoán xét kèm theo cho những người phạm tội. Phần về lễ nghi bắt đầu từ 25:1 và quy định sinh hoạt thờ phượng của Ysơraên. Dầu cách chia ba phần nầy hầu như được chấp nhận phổ thông trong thần học Cơ đốc, nhưng dân Do Thái hoặc không công nhận, hoặc ít ra cũng không quả quyết điều nầy. Trái lại, họ chia 613 mạng lịnh của Luật Pháp thành mười hai họ điều răn, rồi kế tiếp chia nhỏ thêm thành mười hai họ mạng lịnh tích cực và thêm mười hai họ mạng lịnh tiêu cực. Những mạng lịnh cụ thể được chia vào các loại khác nhau nầy đã được rút ra từ nhiều nơi trong Luật Pháp, vì Luật Pháp đã được xem như một đơn vị.

Khi để ý những hình phạt kèm theo những mạng lịnh nhất định thì càng thấy rõ thêm sự nhấn mạnh vào đặc điểm thống nhất như một đơn vị của Luật Pháp. Khi mạng lịnh phải giữ ngày Sabát (một trong “các điều răn”) bị vi phạm bởi người đi lượm củi trong ngày đó, thì hình phạt là ném đá chết (Dan 15:32-36). Khi dân sự Ysơraên vi phạm mạng lịnh về Năm Sabát cho đất (một trong những “sự đoán xét”), Đức Chúa Trời đã cho họ lâm vào Cảnh Phu Tù và nhiều người đã chết nơi đó (Gie 25:11). Khi Nađáp và Abihu dâng lửa lạ trước mặt Đức Giêhôva (một trong những “thánh lễ”) họ đã chết tức khắc (Le 10:1-7). Rõ ràng, những mạng lịnh từ nhiều phần khác nhau của Luật Pháp trên đây đều mang tính ràng buộc như nhau, và hình phạt cũng nghiêm khắc như nhau. Luật Pháp là một đơn vị.

Giacơ đã tiếp cận Luật Pháp như một đơn vị.Ông phê phán tình trạng thiên vị, vì vi phạm luật pháp “yêu thương kẻ lân cận như mình,” và ông bảo nội chỉ một vi phạm nầy thôi cũng đủ khiến những người nầy phạm cả Luật Pháp (Gia 2:8). Chắc chắn là ông không thể kết luận như vậy nếu Luật Pháp không phải là một đơn vị.

2. Luật Pháp đã được ban cho Ysơraên.

Cả Cựu Ước và Tân Ước đều nhất trí điều nầy (Le 26:46; Ro 9:4). Hơn nữa, Phaolô so sánh người Do Thái - là người đã nhận được Luật Pháp - với người ngoại bang không nhận được Luật Pháp (2:14).

B. Sự Cuối Cùng Của Luật Pháp

Giáo Hội Nghị Giêrusalem đã giải quyết xong vấn đề nầy từ sớm và thật rõ ràng (Cong 15). Khi tranh luận liệu phép cắt bì có cần thiết để được cứu rỗi hay không, Giáo Hội Nghị trả lời mạnh mẽ là “Không!”Phierơ mô tả Luật Pháp là cái ách không thể mang nổi. Khi các lãnh đạo viết thơ cho tín hữu ngoại bang để kiềm chế tự do của họ trong những vấn đề gây vấp phạm cho tín đồ Do Thái, thì họ đã không cố đặt tín đồ dưới Luật Pháp (là điều hẳn sẽ giải quyết vấn đề nhanh chóng), vì biết Luật Pháp đã chấm dứt.

Trong IICo 3:7-11, Phaolô còn nói cụ thể phần Luật Pháp được viết trên các bảng đá (tức Mười Điều Răn) đã bị bỏ đi. Ông dám gọi phần luật đạo đức của Luật Pháp là chức vụ của sự chết và chức vụ của sự định tội,nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Luật Pháp nầy đã được thay thế bởi Giao Ước Mới, là giao ước đem lại sự sống và sự xưng công bình.

Trong He 7:11-12, trước giả chứng minh chức tế lễ của Mêchixêđéc trổi hơn chức tế lễ của Arôn. Ông kết luận nếu chức tế lễ của Arôn hay của người Lêvi đem được sự trọn lành đến cho dân sự, thì đâu còn cần chức tế lễ khác theo ban Mênchixêđéc. Và sự thay đổi chức tế lễ đó bắt buộc phải có sự thay đổi trong Luật Pháp. Nói cách khác, nếu Luật Pháp không bị bãi bỏ,thì chức tế lễ của người Lêvi cũng không bị bãi bỏ, và Đấng Christ không phải là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta ngày nay. Nhưng nếu Đấng Christ là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta, thì Luật Pháp không thể hành động và ràng buộc trên chúng ta nữa.

C. Vấn Nạn Nảy Sinh

Nếu Đấng Christ đã chấm dứt Luật Pháp, vậy tại sao Tân Ước đưa một số luật lệ trong Luật Pháp Môise vào trong phần luân lý của Tân Ước? Làm sao đơn vị nầy chấm dứt nhưng những chi tiết trong đó vẫn còn ràng buộc trên Cơ đốc nhân được? Nếu Tân Ước bao gồm toàn bộ Mười Điều Răn, câu trả lời sẽ rất đơn giản: Luật Pháp đạo đức vẫn tiếp tục trong khi phần còn lại đã kết thúc. Nhưng Tân Ước chỉ đưa vào chín trong số mười Điều Răn, và còn làm cho giải pháp đơn giản trở nên phức tạp hơn bằng cách đưa vào một số luật lệ từ những phần không thuộc vào phần đạo đức của Luật Pháp (Ro 13:9; Gia 2:8).

D. Những Giải Pháp Gợi Ý Cho Vấn Nạn Nầy

1. Giải pháp của Calvin.

Calvin dạy rằng sự bãi bỏ Luật Pháp nói đến việc giải phóng lương tâm khỏi sự sợ hãi và việc đoạn tuyệt với những nghi lễ của Do Thái giáo. Ông phân biệt giữa Luật Pháp đạo đức - mà ông nói là chỉ bị bãi bỏ trong ảnh hưởng định tội người ta - với Luật Pháp về lễ nghi - mà ông nói là đã bị bãi bỏ cả những ảnh hưởng lẫn cách sử dụng.Khi thảo luận IICôrinhtô 3, ông chỉ phân biệt tổng quát giữa sự chết với sự sống của Giao Ước cũ và Giao Ước mới. Ông giải nghĩa rất kỹ về Mười Điều Răn, nhưng không xem ngày Chúa Nhật là sự tiếp nối cho ngày Sabát (như trong Bản Tuyên Ngôn Đức Tin Westminster Confession đã nói). Nói cách khác, Calvin cũng như nhiều người theo ông đã xem một phần chứ không phải là toàn bộ Luật Pháp đã chấm dứt,và Mười Điều Răn còn ràng buộc trên tín đồ ngày nay, ngoại trừ điều răn về ngày Sabát thì ông hiểu theo nghĩa bóng (Institutes, II, XI, 4 và II, VII, 33). Rõ ràng, giải pháp nầy không thực sự giải quyết nan đề.

2. Giải pháp của Murray.

John Murray nói rõ Mười Điều Răn đã bị bãi bỏ, nhưng xem chúng được áp dụng theo một ý nghĩa nào đó sâu sắc hơn, bất luận là nghĩa gì. Ông viết: “Vì cớ đó, sự bãi bỏ những quy định nầy xảy ra trùng với sự hiểu biết sâu nhiệm hơn về tính thiêng liêng của Mười Điều Răn. Chính dòng tư tưởng nầy cũng phải được áp dụng cho điều răn thứ tư. Bãi bỏ những quy định nào đó của Luật Môise chăng? Đúng vậy! Nhưng việc nầy tuyệt đối không ảnh hưởng đến tính thiêng liêng của Điều Răn cũng như tính tuân giữ nghiêm nhặt, là phần bổ sung cho tính thiêng liêng đó.” (Collected Writings (Carlisle, Pa.: Banner of Truth Trust, 1976,1:212).

3. Giải pháp gợi ý của tôi.

Giải pháp duy nhất (mà tôi chưa thấy ai nêu ra) dường như đánh giá đầy đủ được ý nghĩa rõ ràng của những câu Kinh Thánh khác nhau nầy ấy là phân biệt giữa một bộ luật với các điều răn có trong bộ luật đó. Luật Pháp Môise là một trong rất nhiều bộ luật về lối cư xử đạo đức mà Đức Chúa Trời đã ban trong suốt lịch sử nhân loại. Bộ luật đặc biệt nầy có 613 điều luật. Cũng còn những bộ luật khác nữa. Ađam đã sống dưới các luật lệ, và toàn bộ những luật nầy có thể gọi là bộ luật của Ađam hay luật của Êđen. Nôê được xem là vâng giữ luật lệ của Đức Chúa Trời, vì vậy có một bộ luật Nôê. Chúng ta biết Đức Chúa Trời bày tỏ nhiều mạng lịnh và luật lệ cho Ápraham (Sa 26:5). Có thể gọi chúng là bộ luật Ápraham. Bộ luật Môise chứa đựng mọi luật của Luật Pháp. Và ngày nay, chúng ta sống dưới luật pháp của Đấng Christ (Ga 6:2) hay luật pháp của Thánh Linh sự sống trong Đấng Christ (Ro 8:2). Bộ luật nầy chứa đựng hàng trăm điều luật được ghi lại trong Tân Ước.

Luật Pháp Môise đã bị bãi bỏ ở tính toàn vẹn như một bộ luật của nó. Nó đã bị thay thế bởi Luật pháp Đấng Christ. Luật Pháp Đấng Christ chứa đựng một số mạng lịnh mới (ITi 4:4), một số mạng lịnh cũ (Ro 13:9), và một số mạng lịnh tu chính (Ro 13:4, nói về án tử hình). Toàn bộ các luật lệ của bộ luật Môise đã bị bãi bỏ bởi vì bộ luật đã bị bãi bỏ. Những mạng lịnh cụ thể nào của luật Môise có mặt trong bộ luật Đấng Christ, thì chúng có ở đó không phải vì chúng là sự tiếp tục của một phần luật Môise, hay để cho người ta phải tuân giữ theo một ý nghĩa sâu sắc hơn, nhưng là do được kết hợp cụ thể vào bộ luật của Đấng Christ, và như vậy chúng ràng buộc trên Cơ đốc nhân ngày nay. Một luật nào đó thuộc trong bộ luật Môise thì bị bãi bỏ; cũng chính luật đó, nếu là một phần trong luật pháp của Đấng Christ, thì phải vâng giữ theo. Cần phải nói ra cả hai lẽ thật nầy để khỏi phải viện cách giải nghĩa không theo nghĩa đen cho IICôrinhtô 3 hay Hêbơrơ 7 và để khỏi viện đến những kiểu vặn vẹo nào đó của thần học để giữ lại một phần Luật Pháp Môise.

Minh họa cho ý nầy: Khi con trẻ trưởng thành, thì cha mẹ chúng lập ra nhiều bộ luật khác nhau. Một số những mạng lịnh nầy có thể xuất hiện trong những bộ luật khác nhau đó. Nhưng khi bộ luật mới có hiệu lực, thì bộ luật cũ bị bãi bỏ. Luật Pháp Môise cũng bị bãi bỏ giống như vậy khi Chúa chúng ta trở nên sự cuối cùng của Luật Pháp để ban sự công bình cho mọi người nào tin.

V. SỰ NHẬN LÀM CON

Việc nhận chúng ta làm con trong gia đình Đức Chúa Trời là một lợi ích khác nữa từ sự chết của Đấng Christ.

A. Ý Nghĩa Sự Nhận Làm Con

Sự nhận làm con là một việc làm của Đức Chúa Trời, để đặt tín đồ vào trong gia đình Ngài với tư cách một người lớn. Ngược lại,sự tái sanh nhấn mạnh ý bước vào trong gia đình Đức Chúa Trời với tư cách một trẻ sơ sinh kèm theo nhu cầu cần được lớn lên và phát triển (Gi 1:12; 3:3).Nhưng sự nhận làm con dạy về tư cách người lớn và những đặc quyền đầy đủ trong gia đình Đức Chúa Trời. Đi kèm với sự nhận làm con là tước bỏ mọi mối quan hệ và trách nhiệm của mối quan hệ gia đình trước kia. Cả sự nhận làm con lẫn sự tái sanh đều xảy ra tại khoảnh khắc của đức tin cứu rỗi, nhưng chúng chỉ ra các phương diện khác nhau trong tương quan với gia đình Đức Chúa Trời.

B. Bối Cảnh Sự Nhận Làm Con

Hầu hết các nền văn hóa đều có tập tục nào đó giống như việc nhận làm con. Môise, là một nô lệ, đã được con gái Pharaôn nhận làm con tại xứ Êdíptô. Các bảng luật Nuzu cho thấy phong tục nhờ đó cặp vợ chồng không con có thể nhận một con trai, để nó sẽ phục vụ mình trong lúc còn sống và trở thành người thừa kế gia tài khi họ qua đời. Các luật của người Hêbơrơ không có luật nhận con nuôi, và từ ngữ Hyvăn cho sự nhận làm con không có trong Bản Bảy Mươi. Có lẽ đây là do luật hôn nhân tục huyền của người Hêbơrơ đã tạo điều kiện cho gia đình có người thừa kế để hưởng sản nghiệp gia đình. Tục đa thê có thể cũng là cách khác nữa để khắc phục nan đề không có con.

Nhận làm con nuôi là một khía cạnh rất phổ thông của nếp sinh hoạt Hy La, và đây là bối cảnh cho khái niệm của Tân Ước. Những cặp vợ chồng không có con thường nhận một đứa con trai làm con, và rồi nó sẽ trở thành kẻ thừa kế của họ. Dầu đứa con nuôi có cha mẹ ruột vẫn đang còn sống, thì cha mẹ ruột cũng không có quyền đòi con lại sau khi việc nhận con nuôi đã xảy ra. Thường thì cha mẹ sẵn lòng cho con mình được một gia đình khác nhận làm con nuôi, nếu như việc đó đồng nghĩa với một số phận tốt hơn.

C. Giáo Lý Của Phaolô Về Sự Nhận Làm Con Nuôi

Giáo lý nầy của riêng một mình Phaolô, và ông đã dùng từ ngữ nầy năm lần (Ro 8:15,23; 9:4; Ga 4:5; Eph 1:5).

1. Sự nhận một dân tộc Ysơraên làm con (Ro 9:4).Cũng xem Xu 4:22.

2. Sự nhận cá nhân tín đồ làm con. Hành động nầy của Đức Chúa Trời đã được định trước (Eph 1:5) nên có thể nói kế hoạch đã định từ trước của Đức Chúa Trời bao gồm cả số phận làm con nuôi của chúng ta. Việc nầy có thể thành hiện thực nhờ sự chết của Đấng Christ (Ga 4:5). Việc nầy xảy ra khi chúng ta tin Chúa và trở thành phần tử trong gia đình Đức Chúa Trời (Ro 8:15), nhưng sự thực hiện trọn vẹn thì còn đợi cho đến khi chúng ta nhận được thân thể phục sinh (Ro 8:23).

D. Các Hệ Quả Của Sự Nhận Làm Con

1. Nhận làm con có nghĩa đặt chúng ta vào trong một gia đình mà theo lẽ tự nhiên, chúng ta đã không thuộc về gia đình đó (đối chiếu Eph 2:3). Con cái của sự thạnh nộ nay trở thành con trai Đức Chúa Trời.

2. Nhận làm con có nghĩa là được giải thoát hoàn toàn khỏi những mối quan hệ trước kia, cụ thể là đối với Luật Pháp (Ga 4:5). Nói cách khác, mặt kia của sự nhận làm con nuôi là được giải thoát khỏi Luật Pháp.

3. Sự nhận làm con chỉ có thể diễn ra nhờ vào hành động tình nguyện của Đấng nhận con nuôi. Trước khi sáng thế, kế hoạch của Đức Chúa Trời đã bao gồm việc nhận chúng ta làm con nuôi (Eph 1:5).

4. Sự nhận làm con có nghĩa là chúng ta có trọn vẹn mọi quyền lợi của tình trạng được ở trong gia đình Đức Chúa Trời (Ro 8:15). Sự tăng trưởng thuộc linh có thể là một phần trong những đặc ân nầy,nhưng mọi tín đồ đều có quyền hưởng đặc ân nầy kể từ giây phút được cứu rỗi trở đi.

Và điều nầy hoàn có thật nhờ vào sự cứu chuộc của Đấng Christ (Ga 4:5).