Tuy đúng là không thể nắm bắt hết trọn ý nghĩa sự chết của Đấng Christ trong một hai câu tuyên bố kiểu như khẩu hiệu,nhưng cũng đúng là người ta có thể và phải tập trung ý nghĩa trọng tâm của sự chết ấy vào vài ý thật cơ bản. Có bốn giáo lý cơ bản như thế: sự chết của Đấng Christ là sự thay thế cho tội nhân, một sự cứu chuộc ra khỏi tội lỗi, sự giải hòa đối với con người, và là của lễ vãn hồi đối với Đức Chúa Trời. Không nhấn mạnh đến bốn ý nầy, hoặc không kiên quyết giữ vững tầm quan trọng cơ bản của chúng,tức là đã làm nghèo ý, hoặc thậm chí còn xuyên tạc nữa, khái niệm của Kinh Thánh. Chẳng hạn, xem sự chết của Đấng Christ là biểu hiện vĩ đại về tình yêu thương của Đức Chúa Trời, hoặc xem đó là tấm gương tự hy sinh bản thân (đây đều là những lẽ thật của Kinh Thánh, Gi 15:13; Ro 5:8) cho chúng ta noi theo thì phải lẽ và đúng theo Kinh Thánh, nhưng nếu những điều nầy hợp thành ý nghĩa duy nhất cho sự chết của Đấng Christ, thì sự chết đó hẳn chẳng còn chút giá trị đời đời nào nữa. Sự chết ấy phải cung cấp sự thay thế và sự đền tội thỏa đáng, bằng không ý nghĩa của tấm gương nầy không còn gì đáng kể nữa. Vì vậy, chúng ta phải hiểu những sự kiện cơ bản trước đã, vì chúng hình thành ý nghĩa cứu rỗi và đời đời nơi sự chết của Chúa chúng ta.

I. SỰ THAY THẾ CHO TỘI NHÂN.

A. Khái Niệm Sự Chuộc Tội Thay

1. Ý nghĩa của sự chuộc tội thay.

Sự chuộc tội thay có nghĩa đơn giản là Đấng Christ đã chịu khổ trong tư cách người thay thế chúng ta, tức chịu thay chúng ta, để đền tội thay cho chúng ta.

Con người chỉ có thể đích thân đền chuộc tội lỗi của bản thân mình khi nào có thể đời đời gánh chịu hình phạt của tội lỗi ấy.Đương nhiên, con người không bao giờ làm được việc đó, vì vậy, bởi tình yêu và lòng thương xót, Đức Chúa Trời đã can thiệp vào tình huống tuyệt vọng, và đã dự bị một Đấng Thay Thế trong Đức Chúa Jesus Christ, Đấng đã cung cấp sự đền tội thỏa đáng đời đời.

2. Những ý kiến phản đối sự chuộc tội thay.

Người ta nêu ra một số những ý kiến phản đối khái niệm nầy.

a. Ý nghĩ sự chuộc tội thay khiến Đức Chúa Trời trở nên bất công, vì Ngài đã định tội cho Con Ngài phải gánh lấy tội lỗi nhân loại. Đây có lẽ là ý phản đối hợp lý, ngoại trừ sự kiện Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã tham dự hoạch định sự cứu chuộc, và Đức Chúa Con đã tình nguyện tự gánh lấy công tác thay thế nầy. Nói cách khác, dầu có lẽ đây là ý phản đối hợp lý xét trên bình diện hữu hạn, nhưng không thể hợp lý khi xét trên bình diện vô hạn, vì ở bình diện đó, không phải là có đến ba bên riêng biệt tham gia vào.

b. Sự chuộc tội thay khiến cho Đấng Christ vô tội phải chịu khổ thay cho người gian ác. Điều nầy dứt khoát đúng, và là thiết yếu cho sự chuộc tội. Đây cũng rõ ràng là ý đúng theo Kinh Thánh (IPhi 3:18). Do vậy, nêu ra ý nầy để phản đối tức là nghi ngờ chất vấn kế hoạch và ý định của Đức Chúa Trời.

c. Một tác nhân đạo đức không thể chịu trách nhiệm về tội lỗi, trừ khi đích thân phạm tội đó. Đơn giản là điều này không đúng như vậy trong chế độ chấp chính của con người, nên buộc cũng không đúng theo chế độ chấp chính thiên thượng. Thành viên ban giám đốc có thể phải có tội vì cớ những việc làm sai trái của nhân viên mình. Sự bất cẩn của nhân công trong nhà trường khiến cho các viên chức nhà trường phải ra hầu tòa.

SỰ CHUỘC TỘI ĐÍCH THÂN

Cung cấp bởi người phạm tội

Vấn đề hoàn toàn thuộc công lý

Không bao giờ hoàn tất

SỰ CHUỘC TỘI THAY THẾ

Cung cấp bởi người bị xúc phạm

Kết hợp công lý với tình yêu thương

Sự hy sinh đã hoàn tất

B. Bằng Chứng Cho Sự Chuộc Tội Thay Thế

Kinh Thánh dạy rõ ràng sự hy sinh của Đấng Christ không phải là vấn đề thông cảm, nhưng là vấn đề thay thế.

1. Trong Cựu Ước.

Sự sắp xếp hệ thống sinh tế của Cựu Ước bao gồm điều kiện bắt buộc phải đặt tay trên con sinh trước khi đem dâng làm sinh tế.

“Việc nầy mang ý nghĩa sự chuyển giao và ủy thác, và hàm ý sự đại diện; vì vậy, việc nầy thực sự chỉ đến việc đem sinh tế thay thế cho người dâng của lễ.... Nếu sinh tế nầy do nhiều hơn một người đem đến,thì từng người phải đặt tay mình trên sinh tế đó. Người ta vẫn chưa thống nhất với nhau là liệu đặt một tay hai cả hai tay, nhưng toàn bộ điều được nhất trí ấy là việc đặt tay phải được thực hiện “với tất cả sức mạnh của người đó” - tức là đặt toàn bộ sức nặng của mình trên vật thay thế” (Alfred Edersheim, The Temple,Its Ministry and Service (Grand Rapids: Eerdmans, 1950, trang 113-114).

Sự chết của con sinh đã thay thế sự chết đáng ra là của người dâng con sinh đó. Hệ thống nầy dạy rõ ràng về sự thay thế.

2. Cách dùng giới từ “anti.”

Nghĩa nguyên gốc của giới từ nầy - được dùng đến hai mươi hai lần trong Tân Ước - là “mặt đối mặt,”“đối nhau,” như là hai vật đặt đối mặt với nhau và vật này được lấy đi thay cho vật kia như trong một cuộc trao đổi vậy. Những người phê bình sự chuộc tội thay gọi đây là “chủ nghĩa giao dịch thô thiển” (crude transactionalism). Dầu vậy,giới từ anti thực sự hậu thuẫn sự thay thế.

a. Trong Hy văn cổ điển.

Anti đều có nghĩa thống nhất là “thay thế cho” (hoặc “đứng trong chỗ của”), và không hề mang nghĩa bao quát hơn, ví dụ “vì cớ” chẳng hạn (xem phần phân tích chi tiết của R. E. Davies, “Christ in Our Place - The Contribution of the Prepositions,”Tyndale Bulletin, 21:1970,71-91).

b. Trong Hy văn thời kỳ Tân Ước.

Moulton và Milligan không đưa ra ví dụ nào cho giới từ anti mang nghĩa “thay mặt cho”(on behalf of) hoặc “vì lợi ích của” (for the sake of). Ý nghĩa phổ thông của nó là “thay vì” (instead of). Trong tác phẩm của Polybius (khoảng 200- khoảng 118 T.C.), Philo, và Josephus, người ta cũng thấy cùng một nghĩa nầy và duy nhất nghĩa nầy.

c. Trong Bản Bảy Mươi.

Trong số 318 lần xuất hiện chữ anti, không có ví dụ nào mang nghĩa bao quát hơn của “thay mặt cho.” Chữ nầy mang nghĩa thống nhất “thay thế cho” và dịch cho chữ tachath (Sa 44:33).

d. Trong Tân Ước.

Những ví dụ về nghĩa rõ ràng của “thay vì,” hoặc “thay thế cho” được tìm thấy trong Mat 2:22 và Lu 11:11. Những trường hợp nổi bật lên nghĩa về sự trao đổi là trong Gi 1:16; Ro 12:17; ITe 5:15; He 12:16; và IPhi 3:9. Mat 17:27 (trường hợp nộp thuế đền thờ) dường như mang nghĩa rõ ràng về sự thay thế. Thuế nầy là tiền chuộc tội (Xu 30:11-16). Ý về sự tương đương xuất hiện trong Mat 5:38 và ICo 11:15, dầu một số người hiểu cách dùng chữ anti trong ICo 11:15 chỉ về tóc người đàn bà giữ vai trò thay thế khăn trùm. Tuy nhiên, điều nầy dường như mâu thuẫn với sự dạy dỗ của Phaolô trong những câu đi trước, nên rất có thể chữ nầy mang ý về sự tương đương, có nghĩa là: tóc trong lãnh vực tự nhiên là tương đương những gì mà khăn trùm đầu đại diện cho trong lãnh vực thuộc linh (xem Colin Brown, chủ biên, The New International Dictionary of New Testament Theology [Grand Rapids:Zondervan, 1971], 3:1179). Rõ ràng, không câu nào trong số nầy hậu thuẫn cho nghĩa “thay mặt cho” hay “vì lợi ích của.”

Câu Kinh Thánh quan trọng là Mac 10:45 (KJV): “Vì Con Người đã đến ... phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”(cũng xem Mat 20:28). Anti đòi hỏi phải giải thích rằng: Chúa chúng ta đã đến chịu chết thay thế chỗ của chúng ta, và với tư cách người thay thế chúng ta.Không thể hiểu theo cách nào khác, và đương nhiên đây là lời giải thích của chính Đấng Christ về ý nghĩa sự hy sinh của Ngài. Anti cũng xuất hiện như là tiền tố từ cho từ ghép antilutron trong ITi 2:6. Đấng Christ đã là một giá chuộc thay của chúng ta.

3. Trong cách dùng của giới từ “huper.”

Nguyên nghĩa của giới từ nầy là “trên, phía trên, và vì lợi ích của ai đó.” Ý nầy bao gồm việc đứng che một người nào đó để bảo vệ và vừa thay mặt vừa thế chỗ nhận lấy những quả đấm thay cho người ấy. Như vậy, những ý cơ bản trong chữ nầy bao gồm vừa lợi ích, vừa sự thay thế, đơn giản là vì việc hành động thay mặt và vì cớ lợi ích của một người nào đó thì thường bao gồm cả việc hành động trong chỗ của người ấy. Cả hai ý nầy đều có trong cách dùng của Tân Ước, như chúng ta sẽ thấy sau đây.

a. Trong Hy văn cổ điển.

Cả hai ý về lợi ích và sự thay thế đều có trong các tác phẩm cổ điển (tham khảo Davies, trang 82).

b. Trong Hy văn thời Tân Ước.

Một lần nữa, người ta tìm thấy cả hai ý nầy. Thường thì chữ huper được dùng chỉ về một người viết một bức thơ cho một người khác bị mù chữ. Rõ ràng, đây là ý nói về sự thay thế.

c. Trong Bản Bảy Mươi.

Một lần nữa, có cả hai ý nầy, nhưng điều đặc biệt quan trọng đối với Cứu Thục Học là phải thấy nghĩa về sự thay thế rõ ràng là nghĩa trong những câu Kinh Thánh như Phu 24:16 và Es 43:3-4.

d. Trong Tân Ước.

Không ai tranh luận rằng chữ huper nghĩa là “vì lợi ích của” cả. Cuộc bàn cãi tập trung vào chỗ liệu chữ này có nghĩa “thay thế cho” hay không mà thôi. Lẽ tự nhiên, người phủ nhận sự chuộc tội thay thế thì muốn loại nghĩa “thay thế cho,”và quả quyết sự chết của Đấng Christ tuyệt đối không mang nghĩa sự đền trả thay thế, nhưng chỉ là một lợi ích cho nhân loại mà thôi. Những người khẳng định sự chuộc tội thay thì có thể dựa vào nghĩa của chữ anti để lập luận, nhưng họ còn có thể nêu lên nghĩa về sự thay thế trong chữ huper nữa. Lập luận nầy được củng cố thêm bởi sự kiện chữ huper rõ ràng mang nghĩa sự thay thế trong những phân đoạn không liên quan đến Sự Chuộc Tội. Có ba trường hợp rõ ràng.

(1) Trong Ro 9:3, Phaolô ước mình có thể bị rủa sả thay cho đồng bào Do Thái của ông. Ông muốn chịu sự rủa sả của Đức Chúa Trời thay họ.

(2) ICo 15:29 rất có thể nói đến những người chịu báptêm để chứng tỏ họ đã gia nhập hàng ngũ Cơ đốc thay cho những người đã chết, và do đó, có thể nói là đã chịu báptêm thay cho (“thế chỗ cho”) người đã chết. Hiểu câu Kinh Thánh trên theo cách nầy thì đòi hỏi chữ huper mang nghĩa sự thay thế.

(3) Dẫu có thắc mắc về hai ví dụ nêu trên,thì chắc chắn không ai thắc mắc nghĩa “thay thế” của chữ huper trong Philêmôn 13. Ônêsim, nô lệ đã trở lại tin Chúa, ở tại Rôma với Phaolô, và nay sắp trở về với chủ mình là Philêmôn ở Côlôse. Trong bức thơ tuyệt vời về sự cầu thay cho Ônêsim nầy, Phaolô bảo Philêmôn: ông muốn giữ Ônêsim ở lại Rôma thay cho (huper sou) Philimôn để giúp đỡ ông. Điều nầy chỉ có thể mang nghĩa một người nào đó phải ở tại Rôma với Phaolô - hoặc chính Philêmôn, hoặc nô lệ Ônêsim với tư cách người thay thế Philêmôn. Đương nhiên, ở đây cũng gồm cả ý “có ích lợi” nữa,nhưng cách duy nhất có thể có ích cho Phaolô chính là có người thay thế Philêmôn, tức Ônêsim, ở với ông tại Rôma. Nếu chữ huper mang cả hai ý nầy, tức là ý về “có lợi ích” và “sự thay thế” trong những phân đoạn không nói đến sự chuộc tội, thì cũng có thể mang cả hai ý nghĩa ấy trong những phân đoạn nói đến sự chuộc tội, và thực sự là đúng như vậy. Một số ví dụ quan trọng có mang ý về sự thay thế là: Gi 11:50-51; Ro 5:6-8; IICo 5:21; Ga 3:13; Tit 2:14; và IPhi 3:18.

Tóm lại: anti luôn luôn mang ý về sự tương đương, trao đổi, hay thay thế. Chữ nầy không bao giờ mang nghĩa rộng hơn “vì cớ lợi ích của” hoặc “thay mặt cho.” Huper mang cả hai ý đó, kể cả ý về sự thay thế trong những phân đoạn nói đến sự chuộc tội trong Tân Ước.

C. Sự Phủ Nhận Sự Chuộc Tội Thay

Người ta thường có hai cách để cố gắng phủ nhận sức mạnh của bằng chứng nầy. Một số người tuyên bố dầu có thể có sự chuộc tội thay trong hình ảnh này, nhưng không được phép biến nó thành ý nghĩa chi phối trong sự chết của Đấng Christ. Vì thế, sự thay thế bị chìm khuất giữa những ý nghĩa khác của sự chết Ngài cho đến chừng trở thành một phần thứ yếu của khái niệm đến nỗi trên thực tế nó đã biến mất. Đây là một ví dụ: “Sự chết của Đức Chúa Jesus là lớn hơn mọi định nghĩa, sâu sắc và thâm thúy hơn mọi lý luận....Sự chết của Ngài được trình bày qua biết bao nhiêu từ ngữ và phép so sánh phong phú đa dạng, nhưng mẻ lưới ngôn từ không bao giờ nắm bắt trọn hết được.... Dầu người ta không bao giờ đạt được một lý lẽ chung quyết về thập tự giá, nhưng chúng ta phải liên tục tìm kiếm ý nghĩa của nó” (Frank Stagg, New Testament Theology (Nashville: Broadman, 1962, trang 135-6).

Những người khác chỉ đơn thuần cố giải nghĩa lại sự thay thế như là luôn luôn mang nghĩa “vì cớ lợi ích của.” Đây là một ví dụ:

“Sự thực chính là ông [Phaolô] dự định điều mà chúng ta có thể gọi là một quan điểm “đại diện” về sự chết của Đấng Christ.Khi Phaolô viết Đấng Christ đã chết “cho” tôi, thì thường ông không nói theo nghĩa “thay vì tôi,” nhưng là “vì ích lợi của tôi....” Vì thế, đây không thể là vấn đề thay thế hay vấn đề “người gánh thế tội.” Đúng là trong văn mạch khác,Phaolô có nói đến sự so sánh giá chuộc một phu tù hay giá chuộc của một sinh tế (rất hiếm), và có gợi ý sự thay thế. Nhưng chủ đề nầy... bị chi phối bởi khái niệm trội hẳn về việc chúng ta dự phần với Đấng Christ trong sự chết của Ngài đối với tội lỗi và Luật Pháp.” (Amos N. Wilder, New Testament Faith for Today (New York: Harper, 1955, trang 134).

Tác giả nầy không khảo sát bằng chứng nào về những giới từ hoặc về những câu Kinh Thánh tôi vừa trưng dẫn.

Rõ ràng, theo sự dạy dỗ của chính Ngài và của phần còn lại trong Tân Ước, thì sự chết Đấng Christ đã là sự thay thế cho tội nhân.

II. SỰ CỨU CHUỘC KHỎI TỘI LỖI

Sự cứu chuộc có nghĩa sự giải phóng nhờ một giá trả đã được thanh toán xong. Đối với tín đồ, khái niệm nầy có ý nghĩa đặc biệt, vì giá trả là sự chết của chính Chúa.

A. Giáo Lý Cựu Ước

Có ba từ ngữ Hybálai hình thành cơ sở từ vựng cho giáo lý Cựu Ước: g’l, pdh, và kopher. Ý chính trong g’l là bổn phận gia đình liên quan đến sự trả xong một giá. Người bà con chuộc lại sản nghiệp có trách nhiệm phải: (a) chuộc lại sản nghiệp gia đình đã bị đổi sở hữu chủ và (b)cưới người vợ góa chưa có con để sinh con cái lưu danh cho người chồng quá cố của nàng. Khi không còn người anh em trai nào khác, thì trách nhiệm nầy được nới rộng ra cho người kế tiếp trong vòng bà con (Ru 3:9).

Nghĩa của gốc pdh là nghĩa nói về giá chuộc bằng cách trả một giá mua như trong giao dịch mua bán, và không đòi hỏi bổn phận gì từ nơi thân tộc (Xu 13:12; Dan 18:15-17). Chữ nầy có thể mang nhiều hàm ý ân điển hơn chữ g’l, đơn giản vì người đi chuộc không bị ràng buộc phải làm việc đó.

Nghĩa của chữ kopher chỉ về số tiền đem trả để chuộc lại một mạng sống bị tước đi để trừng phạt (Xu 21:28; 30:12). Toàn bộ những chữ nầy có nghĩa nhất quán là giải cứu bằng cách trả một giá. Các tình huống có thể khác nhau từ chỗ chuộc một tù nhân trong chiến tranh, hoặc chuộc một nô lệ, chuộc một món đồ bị đem cầm, hoặc dân tộc Ysơraên, nhưng luôn luôn nhờ trả xong một giá.

Trong Cựu Ước, ta ít thấy rõ mối liên hệ trực tiếp giữa sự cứu chuộc và tội lỗi (ngoại trừ Thi 130:8; Es 59:20). Rõ ràng,tình trạng thiếu những tuyên bố chính thức để nêu mối liên hệ nầy chính là do mối liên kết luôn tồn tại và hiển nhiên giữa sự cứu chuộc với tội lỗi mà người ta thấy trong hệ thống dâng sinh tế. Vì luôn luôn nhìn thấy điều đó, nên không cần phải thường xuyên nói đến nữa.

B. Những Từ Ngữ Của Tân Ước

1. Agorazơ.

Ý cơ bản trong chữ nầy là “thường xuyên đến quảng trường (hay phố chợ).” Kế đó, là nghĩa “mua hoặc có được tại nơi phố chợ.” Tân Ước dùng chữ nầy 24 lần theo nghĩa thông thường của việc mua (như Mat 13:44; Lu 9:13). Bản Bảy Mươi dùng chữ nầy với cùng nghĩa cơ bản của việc mua, tức là một cuộc giao dịch mua bán đơn giản (như là Sa 41:57; 42:5,7).

Cách dùng theo nghĩa cứu thục học của chữ agorazơ trong Tân Ước bao gồm ba ý cơ bản. (1) Trong công tác cứu chuộc của Đấng Christ, Ngài đã trả xong một giá mua toàn nhân loại (IIPhi 2:1). (2) Giá nầy được tuyên bố rõ ràng là huyết Đấng Christ (Kh 5:9-10). Vì chúng ta đã được mua bởi giá đó, nên chúng ta phải hầu việc Ngài (ICo 6:19-20; 7:22-23).

2. Exagorazơ.

Từ ghép nầy chỉ bổ sung thêm ý trả tiền mua ra khỏi nơi phố chợ. Hai phân đoạn Kinh Thánh dùng từ ngữ nầy có ý nghĩa đặc biệt. Trong Ga 3:13, bản chất thay thế của sự chết Đấng Christ nổi bật lên rõ ràng. Chúng ta đang bị rủa sả. Ngài đã mang lấy sự rủa sả. Chúng ta đã và đang được cất bỏ sự rủa sả đó. Trong 4:5, Phaolô tuyên bố tín đồ được hoàn toàn đem ra khỏi ách Luật Pháp.

Nhân tiện, chúng ta có thể lưu ý cách dùng thú vị của từ ghép nầy trong một phân đoạn không nói đến sự chuộc tội, là Eph 5:16. Ở đây, tín đồ được khuyên phải “chuộc” thì giờ, tức là mua hết nhẵn thì giờ và không dùng thì giờ đó vào những hoạt động vô ích.

3. Peripoioumai.

Chữ nầy xuất hiện duy nhất một lần trong Cong 20:28 và chỉ về Sự Chuộc Tội của Đấng Christ. Chữ nầy có nghĩa “giữ cho an toàn” hoặc “bảo tồn.” Theo cách dùng ở dạng trung gian giữa thể chủ động và bị động (middle voice) trong câu Kinh Thánh nầy, nó có nghĩa là “giữ hoặc để dành cho chính mình, hoặc có được hay kiếm được quyền sở hữu.” Vì thế, ý nầy là: Đức Chúa Trời đã thông qua huyết của chính Con Ngài để được hội thánh làm tài sản riêng của Ngài. Một lần nữa, ý về giá đã trả, và giá đó rõ ràng là sự chết của Đấng Christ.

4. Lutroơ.

Ra từ gốc luo, nghĩa là “thả ra,”chữ nầy được dùng chỉ về việc cổi y phục hoặc thả súc vật, thả tù nhân. Chữ nầy thường liên hệ với một giá chuộc được trả như điều kiện phóng thích. Vì thế,nghĩa của nó là phóng thích khi nhận được một giá chuộc.

a. Trong Bản Bảy Mươi.

Số tiền chuộc tội nửa siếclơ thâu trước khi đền tạm được xây cất chính là việc trả giá chuộc cho một người nam Ysơraên từ hai mươi tuổi trở lên (Xu 30:11-16). Năm Hân Hỉ bao gồm sự chuộc sản nghiệp (Le 25:31-32). Sự chênh lệch giữa số con trưởng nam nhiều hơn với số người Lêvi ít hơn đã được đền bồi bằng một giá chuộc là mỗi người năm siếc lơ (Dan 3:46-51). Ý chính trong mọi trường hợp nầy là: được tự do nhờ đã trả xong một giá.

b. Trong Hy văn cổ điển.

Một lần nữa, nghĩa nhất quán của chữ nầy là “phóng thích khi nhận được một giá chuộc.”Chữ nầy thường dùng về việc chuộc nô lệ hoặc tù nhân chiến tranh.

c. Trong Tân Ước.

Động từ lutroơ xuất hiện trong Lu 24:21 (nói về sự giải cứu cả dân tộc Ysơraên); Tit 2:14; và IPhi 1:18-19 (về sự cứu chuộc cá nhân). Đặc biệt lưu ý câu Kinh Thánh cuối, giá đã trả nầy chính là huyết của Chiên Con. Danh từ lutron chỉ xuất hiện trong Mat 20:28 và Mac 10:45. Như đã luận đến trước đây về nghĩa của chữ anti,câu Kinh Thánh nầy khẳng định rõ ràng về sự thay thế, và giá phải trả chính là sự chết của Đấng Christ. Lutrơsis được dùng nói đến sự giải cứu toàn dân cho dân Ysơraên trong Lu 1:68 và 2:38. Trong He 9:12, hệ thống sinh tế của Cựu Ước được dùng làm bối cảnh cho sự hy sinh một lần đủ cả của Đấng Christ. Một lần nữa,giá nầy rõ ràng là “chính huyết Ngài.”

Apolutrơsis xuất hiện 10 lần trong Tân Ước:một lần chỉ về sự giải thoát người không thuộc về Đấng Christ (Lu 11:35), một lần theo nghĩa tổng quát chỉ về sự cứu chuộc Cơđốc (ICo 1:30), ba lần về lai thế học (Lu 21:28; Ro 8:23; Eph 4:30), và năm lần về sự giải cứu người chẳng tin (Ro 3:24; Eph 1:7,14; Co 1:14; He 9:14). Rõ ràng, giá đã trả chính là sự chết của Đấng Christ. Chúng ta đã thảo luận chữ antilutron rồi trong ITi 2:6 ở phần sự thay thế. Sự chết của Ngài đã là một giá chuộc thay thế cho tất cả mọi người.

C. Tóm Tắt Giáo Lý

Có thể tóm tắt sự cứu chuộc quanh ba ý cơ bản.(1) Người ta được cứu chuộc ra từ (hay”khỏi”) một điều gì đó; tức là ra khỏi phố chợ, hoặc ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi. (2) Người ta được cứu chuộc bởi một điều gì đó; tức là bởi trả xong một giá, là huyết của Đấng Christ. (3) Người ta được cứu chuộc đến một điều gì đó; tức là đến tình trạng tự do; và rồi họ được kêu gọi từ bỏ sự tự do đó để làm nô lệ cho Chúa, là Đấng đã cứu chuộc họ.

III. SỰ GIẢI HÒA CHO THẾ GIAN

Sự giải hòa có nghĩa thay đổi từ chỗ thù nghịch đến chỗ hòa thuận và hòa bình giữa hai phe. Người ta có thể được giải hòa với nhau (Mat 5:24, diallasso; ICo 7:11, katallasso), và người ta đã được hòa giải với Đức Chúa Trời (Ro 5:1-11; IICo 5:18-21, katallasso ; Eph 2:16; Co 1:20,apokatallasso).

A. Nhu Cầu Cần Sự Hòa Giải - Vì Sao?

Vì tội lỗi nên Đức Chúa Trời và con người đang ở trong mối quan hệ thù nghịch và đối địch nhau. Dầu điều nầy không được đề cập trong IICôrinhtô 5, nhưng được nói rõ trong Rôma 5. Chúng ta là kẻ thù của Đức Chúa Trời (c. 12). Điều nầy chỉ về sự thù địch của nhân loại đối với Đức Chúa Trời hay về sự thù nghịch của Đức Chúa Trời đối với con người? Dường như là nghĩa thứ nhì, tức Đức Chúa Trời kể chúng ta là kẻ thù của Ngài. Đây là nghĩa của chính chữ nầy trong Ro 11:28, là câu nói Đức Chúa Trời kể dân Ysơraên là kẻ thù của Ngài. Lời Phaolô nhắc đến cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trong 5:9 đã hậu thuẫn cách giải thích những kẻ thù nầy là đối tượng của thạnh nộ Ngài. Hẳn không còn gì nghiêm trọng hơn tình trạng ghẻ lạnh của chúng ta; và không còn gì cấp bách hơn nhu cầu cần được thay đổi, cần được giải hòa nữa.

B. Nguyên Nhân Sự Giải Hòa - Cách Nào?

Rõ ràng, lời chứng của Tân Ước là: sự giải hòa đến bởi sự chết của Chúa Jesus (c. 10). Đức Chúa Trời đã khiến Ngài trở thành tội lỗi vì cớ chúng ta, để chúng ta có thể được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời trong Chúa Jesus. Sự chết của Đấng Christ thay đổi hoàn toàn tình trạng thù địch trước kia của con người trở thành tình trạng công bình và hoàn toàn hòa hợp với một Đức Chúa Trời công bình.

C. Đối Tượng Của Sự Hòa Giải - Ai?

Có ba câu trả lời chính yếu cho câu hỏi nầy:Đức Chúa Trời được giải hòa với con người, con người được giải hòa với Đức Chúa Trời, và cả hai được giải hòa với nhau.

Shedd dạy rằng Đức Chúa Trời được giải hòa với con người. Ông giải thích câu 10 nói con người được giải hòa với Đức Chúa Trời như thế nầy: “Tuy thế, điều nầy không nói đến sự giải hòa chủ quan của tội nhân với Đức Chúa Trời, nhưng là sự giải hòa khách quan của Đức Chúa Trời đối với tội nhân” (Dogmatic Theology [New York: Scribner, 1891], 2:396). Cách lập luận để ông tuyên bố câu nầy là: vì chính cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời được cất bỏ đi, nên ắt Đức Chúa Trời phải là Đấng được hòa giải. Tuy nhiên, tạo ra sự thay đổi nơi Đức Chúa Trời thì dường như mâu thuẫn với tính bất biến của Ngài.

Walvoord (trong tác phẩm Jesus Christ Our Lord [Chicago: Moody, 1974], trang 179-86) và nhiều người khác nữa lại quả quyết sự giải hòa chỉ tác động đến con người mà thôi. IICo 5:19 dường như nói rõ: Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đã giải hòa thế gian với chính Ngài. Thế giới con người rõ ràng là đối tượng của sự giải hòa. Ro 5:10 đồng ý bằng cách nói chúng ta được hòa giải với Đức Chúa Trời. “Đức Chúa Trời là Đấng chủ động trong sự giải hòa (IICo 5:18-19), và Kinh Thánh nói con người được giải hòa (Ro 5:10; IICo 5:20); nói như vậy có nghĩa họ được Đức Chúa Trời tác động đến. Như thế, Kinh Thánh nói tín đồ nhận lãnh sự hòa giải. Họ là những người nhận lãnh mối quan hệ bình an và hòa thuận do Đức Chúa Trời đem đến.” (A. Berkeley Mickelsen,“Romans,” Wycliffe Bible Commentary [Chicago: Moody, 1962], trang 1197).

Còn một số người khác xem sự hòa giải liên quan đến cả Đức Chúa Trời lẫn con người. Berkhof dạy Sự Chuộc Tội đã giải hòa Đức Chúa Trời với tội nhân. “Rõ ràng đây là ý kiến chính yếu, nhưng không hàm ý chúng ta cũng không thể nói tội nhân được giải hòa với Đức Chúa Trời.... Và ngay cả khi chúng ta nói tội nhân được giải hòa, thì vẫn phải hiểu đây là điều thứ yếu.Chính Đức Chúa Trời được giải hòa ấy xưng công bình tội nhân nào tiếp nhận sự giải hòa...” (Systematic Theology [Grand Rapids: Eerdmans, 1941], trang 373).

Leon Morris, người cũng cho rằng cả con người và Đức Chúa Trời đều được giải hòa, đã cẩn thận lưu ý:

“Khi chúng ta nói có thể nghĩ rằng Đức Chúa Trời được giải hòa với tội nhân, thì không có nghĩa: với nhiều bất toàn khác nhau Ngài thay đổi hoàn toàn thái độ đối với con người. Trái lại, đây là cách dọ dẫm của chúng ta để diễn tả niềm tin quyết là Ngài phản ứng mạnh mẽ nhất có thể có được đối với tội lỗi dưới mọi hình thức, và con người đã gánh sự đoán phạt của Ngài một cách xứng đáng; nhưng khi sự giải hòa được ban ra, khi sự hòa bình được lập lại giữa con người và Đức Chúa Trời, thì sự đoán phạt đó được cất bỏ đi, và Đức Chúa Trời không còn xem con người là đối tượng chịu cơn thạnh nộ công bình thánh khiết, nhưng xem họ là đối tượng hưởng tình yêu và phước lành của Ngài.”(The Apostolic Preaching of the Cross [Grand Rapids: Eerdmans, 1956], trang 221).

Những phân đoạn Kinh Thánh trọng tâm đều nói rõ con người được giải hòa với Đức Chúa Trời. Con người là đối tượng của sự hòa giải. Tuy vậy, chủ đề nầy vẫn còn một ý nghĩa: sau khi con người đã đích thân nhận lãnh sự giải hòa, thì có thể nói cả hai bên - tức con người và Đức Chúa Trời - đã được giải hòa ở chỗ họ đã đến với nhau. Tuy vậy, mối bất bình với con người và bước chủ động để đem lại sự thay đổi vẫn thuộc về Đức Chúa Trời. Ngài đã tác động đến con người để giải hòa con người với Ngài.

D. Sự Dự Bị Và Ứng Dụng Của Sự Giải Hòa

Sự dự bị của Đức Chúa Trời cho sự giải hòa mang tính phổ thông. Nhờ sự chết của Đấng Christ, địa vị của thế gian đã thay đổi - giờ đây con người đã có thể được cứu. Nhưng chỉ riêng sự giải hòa thôi thì không cứu được ai, vì chức vụ giải hòa phải được trung tín hoàn thành bằng cách rao giảng sứ điệp Tin Lành. Khi một người tin, người ấy nhận sự giải hòa Đức Chúa Trời đã dự bị trong sự chết của Đấng Christ (c. 18-21). Thế gian đã được giải hòa, nhưng con người cần được giải hòa. Sự giải hòa phổ thông thay đổi địa vị thế gian từ tình trạng không thể cứu được sang tình trạng có thể cứu được. Sự giải hòa cá nhân bởi đức tin đã thực sự đem sự giải hòa đó đến cho đời sống của cá nhân nầy, và thay đổi địa vị của cá nhân ấy từ chỗ không cứu được sang chỗ cứu được. Lúc đó, và duy chỉ lúc đó, các tội lỗi của người nầy mới được tha, dầu chúng đã được đền trả xong trên thập tự giá.

Con người “đã được làm hòa với Đức Chúa Trời vì sự giải hòa của Ngài cho con người tội lỗi được làm hòa với Ngài - được thực hiện một lần đủ cả trong Đấng Christ - có những kết quả lâu dài. Sự giải hòa không phải chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, hay cho một nhóm người,nhưng có thể áp dụng cho toàn thế gian. Bất cứ khi nào Đạo giảng hòa được công bố ra bởi những người đã được Đức Chúa Trời giao phó, và bất cứ lúc nào sự giải hòa được tội nhân đích thân nhận lấy, thì bất luận là ai và ở đâu đi nữa, người ấy vẫn được Đức Chúa Trời giải hòa với chính Ngài, và sự giải hòa người nầy có nghĩa Ngài không còn kể cho người nầy những tội lỗi người đã phạm nữa; tức Ngài không còn kể đến tội lỗi của người nữa.” (R.V.G. Tasker, The Second Epistle of Paul to the Corinthians [Grand Rapids: Eerdmans, 1958], trang 89).

Tóm tắt: Nhu cầu cần sự giải hòa cốt ở sự thù địch của Đức Chúa Trời đối với con người tội lỗi. Đức Chúa Trời đã chủ động khởi xướng và đã giải hòa thế gian với chính Ngài. Điều nầy được thực hiện bởi sự chết của Đấng Christ, và sự dự bị đó đã thay đổi thế gian đến địa vị có thể cứu được trước mặt Đức Chúa Trời. Tuy thế gian đã được giải hòa, nhưng con người cần được giải hòa bằng cách thay đổi quan điểm của mình về Đấng Christ. Lúc đó,và duy chỉ lúc đó, tình trạng của người ấy trước mặt Đức Chúa Trời mới được thay đổi.

IV. CỦA LỄ VÃN HỒI ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

Của lễ vãn hồi (trong Bản Kinh Thánh Việt Ngữ ghi là “của lễ chuộc tội” (Ro 3:25, IGi 2:2; 4:10) - “propitiation”) nói đến việc xây bỏ cơn thạnh nộ bởi một của lễ. Đối với Cứu Thục Học, của lễ chuộc tội nói đến việc làm nguôi giận hay là thỏa mãn cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời bằng của lễ hy sinh chuộc tội của Đấng Christ.

A. Nhu Cần Của Lễ Vãn Hồi: Cơn Thạnh Nộ Của Đức Chúa Trời

Thực tế cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời làm xuất hiện nhu cầu làm nguôi cơn thạnh nộ đó. Dầu phái thần học tự do xem ý kiến như thế là của ngoại giáo, nhưng sự thật cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời là sự dạy dỗ rõ ràng của cả Kinh Thánh Cựu Ước lẫn Tân Ước.

1. Trong Cựu Ước.

Trên 20 từ ngữ khác nhau,xuất hiện khoảng 580 lần để diễn tả cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước (IIVua 13:3; 23:26; Giop 21:20; Gie 21:12; Exe 8:18; 16:38; 23:25; 24:13). Ở đâu có tội lỗi thì nơi đó có cớ để nhận cơn thạnh nộ của Chúa. Tội thờ lạy hình tượng đặc biệt trêu chọc cơn thạnh nộ của Ngài (Phu 6:14; Gios 23:16; Thi 78:21; Es 66:15-17). Những ảnh hưởng của cơn thạnh nộ Đức Chúa Trời bao gồm sự đau khổ nói chung (Thi 88:7), dịch hạch (Exe 14:19), giết chóc (9:8), hủy diệt (5:15), bị phó vào tay kẻ thù (IISu 28:9), hạn hán (Phu 11:17), các tai vạ (ISa 24:1), bệnh phung (Dan 12:10), và lưu đày (IIVua 23:26; Exe 19:12).

Những phương cách tránh cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời gồm tẩy sạch tội lỗi (Phu 13:15-17), ăn năn (Gion 3:7,10); sự cầu thay (Thi 106:23; Gie 18:20), và chính hành động của Đức Chúa Trời để dẹp bỏ thạnh nộ Ngài (Thi 78:38; Es 48:9).

Đồng thời, Cựu Ước cũng mô tả Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương dân sự Ngài và khao khát mối tương giao của họ. Vì vậy, khái niệm Cựu Ước không phải là khái niệm ngoại giáo về một Đức Chúa Trời phi lý, một Đấng đòi hỏi người ta phải xoa dịu hay lấy lòng Ngài, nhưng là khái niệm về một Đức Chúa Trời công bình, Đấng không thể bỏ qua tội lỗi nhưng cũng là Đấng bởi tình yêu thương dự bị nhiều phương cách để con người tương giao với Ngài.

2. Trong Tân Ước.

Dầu không nhắc đến thường xuyên như trong Cựu Ước, nhưng cơn thạnh nộ trong Tân Ước là khái niệm cơ bản để bày tỏ nhu cần về của lễ chuộc tội. Tân Ước dùng hai từ ngữ chính yếu. Chữ orge diễn đạt ý về một cơn giận lâu dài ổn định hơn (Gi 3:36; Ro 1:18; Eph 2:3; ITe 2:16; Kh 6:16), trong khi chữ thumos diễn tả ý về một cơn giận mãnh liệt hơn (14:10,19; 15:1,7; 16:1; 19:15). Hai chữ nầy cùng diễn tả rõ ràng về sự thù địch của Đức Chúa Trời đối cùng tội lỗi một cách cá nhân. Cơn thạnh nộ của Ngài không chỉ đơn thuần là kết quả chung chung, vô cảm tính và không thể tránh khỏi của quá trình nhân quả, nhưng là một vấn đề cá nhân. Làm nguôi cơn thạnh nộ ấy không phải là vấn đề báo thù, nhưng là vấn đề công lý, và đòi hỏi sự ban cho Con Đức Chúa Trời làm sinh tế.

B. Sự Dự Bị Của Lễ Vãn Hồi: Sự Hy Sinh Của Đấng Christ

Phaolô rõ ràng liên kết của lễ vãn hồi với sự chết của Đấng Christ trong Ro 3:25. Huyết Ngài (tức là sự chết Ngài) khiến Ngài trở nên của lễ vãn hồi. Trong câu nầy có một câu hỏi giải kinh về sắc thái ý nghĩa của chữ hilasterion. Vì chữ nầy cùng hình thức với chữ được dùng trong He 9:5, nên nhiều người hiểu chữ nầy nói Đấng Christ là chỗ để dâng của lễ vãn hồi.Ngài đã là ngôi thi ân. Những người khác hiểu câu nầy có nghĩa Đấng Christ là của tế lễ vãn hồi, như đã được hậu thuẫn trong He 2:17; IGi 2:2; và 4:10. Có lẽ chúng ta nên đưa vào câu Kinh Thánh nầy cả hai sắc thái nghĩa trên đây, tức là:Chúa chúng ta đã là một của lễ vãn hồi thỏa đáng và bởi đó Ngài là nơi để dâng của lễ vãn hồi. Để ý sự liên kết giữa tội lỗi, của lễ, huyết và của lễ vãn hồi trong những đoạn Kinh Thánh nầy.

Những câu Kinh Thánh trong 2:2 và 4:10 nhấn mạnh chính Đấng Christ là của tế lễ để cất bỏ cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.Không gọi Ngài là Đấng dâng của lễ vãn hồi (propitiator) (lưu ý Ngài được gọi là “Cứu Chúa” trong câu 14), như thể còn chừa lại khả năng có lẽ Ngài dùng một số phương tiện nào khác ngoài chính Ngài để làm của lễ vãn hồi. Ngài chính là của tế lễ nầy.

C. Sự Phủ Nhận Của Lễ Vãn Hồi: Sự Dạy Dỗ Của C.H. Dodd

1. Bối cảnh của ông.

C.H. Dodd (1884-1973)là mục sư của Hội Thánh Hội Chúng Anh Quốc và là một học giả Tân Ước. Ông là giáo sư tại Manchester và Cambridge, và sau khi về hưu, ông là tổng giám đốc hội phiên dịch quyển Kinh Thánh New English Bible. Ông nổi tiếng chủ yếu qua tác phẩm về “lai thế học hiện thực” và kçrygma của các sứ đồ.

2. Quan điểm của ông về của lễ vãn hồi.

Quan điểm của Dodd được trình bày lần đầu tiên trong một bài báo Journal of Theological Studies (1931,32:352-60) có nhan đề “Hilaskesthai, Its Cognates,Derivatives, and Synonyms” (Ilaskesthai, Các Từ Cùng Gốc, Từ Phát Sinh Và Từ Đồng Nghĩa). Về cơ bản, quan điểm của ông là thế nầy: “Cách dịch chữ của lễ vãn hồi...gây hiểu sai lạc, vì gợi ý việc xoa dịu một Đức Chúa Trời đang nổi giận, và dầu chữ nầy phù hợp với cách dùng của ngoại giáo, nhưng xa lạ với cách dùng của Kinh Thánh.” (The Epistle of Paul to the Romans [London: Hodder and Stoughton,1935], trang 55). Dầu trích dẫn bằng chứng tỉ mỉ của triết học và của giải kinh, nhưng lập luận chính của ông để đưa đến kết luận nầy dường như lại là lập luận thần học. Đối với ông, thật hạ thấp Cơ đốc giáo biết bao khi nghĩ Đức Chúa Trời có thể giận để bởi đó cần phải được lấy lòng và xoa dịu; vì thế, phải định nghĩa chữ “làm nguôi giận” (propitiation) theo một cách khác. Ông đề xuất chữ “đền tội” (expiation) để thay thế cho chữ và khái niệm “làm nguôi giận.”

3. Bằng chứng của ông.

Dodd trích dẫn những điểm sau đây.