Lẽ đương nhiên, cơ sở của toàn bộ mọi phương diện, mọi thành quả, và mọi lợi ích từ sự chết của Đấng Christ chính là biến cố lịch sử Đấng Christ đã chết trên thập tự giá. “Thương khó” có nghĩa là sự chịu khổ, và đặc biệt là những khổ nạn của Đấng Christ giữa khoảng thời gian đêm Tiệc Thánh với Sự Đóng Đinh Trên Thập Tự Giá.

I. CẦN CÓ SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA ĐẤNG CHRIST.

Vì tình trạng tội lỗi và bất lực của con người,nên phải có một người khác can thiệp vào để giúp đỡ nếu con người muốn được chấp nhận và được tương giao với một Đức Chúa Trời thánh khiết. Tội lỗi đã và hiện đang đem lại sự xa lánh Đức Chúa Trời, và sự bại hoại có nghĩa là mọi việc con người làm đều không đáng được Đức Chúa Trời ban ơn huệ hoặc cứu xét cho được nhận sự cứu rỗi.

Để khỏi lặp lại tư liệu của giáo lý về tội lỗi,cần ôn lại những ý nổi bật. Mỗi người sanh ra trong thế gian nầy đều bị đoán phạt vì cớ (a) mối quan hệ của người đó với tội của Ađam (Ro 5:12), và (b) vì bản chất tội lỗi mà mỗi người mang lấy từ lúc sinh ra (Eph 2:3). Ngoài ra, (c) mọi người đều đã phạm tội, điều đó vốn là kết quả không thể tránh khỏi của bản chất tội lỗi này (Ro 3:9-23). Điều nầy không những nói lên sự đoán phạt phổ thông, mà còn chứng minh nhu cầu phổ thông của mọi người là phải được cứu khỏi hình phạt của tội lỗi.

Mọi người sanh ra trong thế gian nầy đều không thể tự sức mình làm điều gì để kiếm ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Bạn còn nhớ chứ, sự bại hoại không có nghĩa người ta không thể làm hoặc không làm những việc lành xét theo cách nhìn của loài người và của Đức Chúa Trời; bại hoại cũng không có nghĩa con người tội lỗi không có lương tâm để phán đoán giữa thiện và ác cho chính mình, cũng không có nghĩa người ta buông mình vào mọi hình thức của tội lỗi hoặc thậm chí vào một tội cụ thể nào đó đến hết mức độ tột cùng có thể có được. Nhưng sự bại hoại có nghĩa: vì cớ toàn bộ bản chất của con người đã hư hoại, nên con người không bao giờ làm được việc gì để xứng đáng hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Xét về sự cứu rỗi, điều nầy có nghĩa: sự cứu giúp sẽ phải đến từ một người nào chưa bị ảnh hưởng của sự hư hoại đó, tức một người vô tội.

II. ĐẤNG CHỊU THƯƠNG KHÓ

Đấng tham gia vào sự hy sinh chuộc tội ấy chính là Đấng Thần-Nhân. Chỉ có một Đấng như thế mới có thể đem lại sự cứu rỗi cho chúng ta. Một lần nữa, để khỏi xem lại tài liệu về Cơ Đốc Luận, tôi ôn một số đặc trưng nổi bật về thân vị Ngài có liên quan đến công tác chuộc tội của Ngài.

Dầu Kinh Thánh nói rất nhiều nguyên nhân cho Sự Nhập Thể, nguyên nhân chính vẫn là để Ngài có thể cứu dân Ngài ra khỏi tội của họ (Mat 1:21). Muốn vậy buộc phải có Sự Nhập Thể; tức là Đức Chúa Trời ở trong xác thịt. Đức Chúa Trời đã tuyên bố án phạt cho tội lỗi là phải chết. Vì Đức Chúa Trời không thể chết, nên phải có Sự Nhập Thể để có được bản tánh người, hầu có thể kinh nghiệm sự chết và bởi đó trả xong án phạt của tội lỗi.

Phương tiện Đức Chúa Trời đã định để hoàn tất Sự Nhập Thể chính là Sự Giáng Sanh Bởi Trinh Nữ. Liệu Ngài còn cách thực hiện nào khác để vẫn bảo toàn sự vô tội của Đức Chúa Jesus Christ hay không, đấy cũng chỉ là vấn đề phỏng đoán thôi. Sự thực là: Ngài đã thực hiện việc đó qua Sự Giáng Sinh Bởi Nữ Đồng Trinh. Đại từ quan hệ giống cái ở số ít “là người” (“by whom”) trong Mat 1:16 liên kết rõ ràng Đấng Christ với một người sinh thành, là mẹ Ngài. Đây là Sự Giáng Sinh Bởi Nữ Đồng Trinh.

Kết quả của sự giáng sinh bởi nữ đồng trinh ấy là một Đấng Thần-Nhân (Đấng vừa là Đức Chúa Trời vừa là người). Đức Chúa Trời đã luôn luôn hiện hữu. Toàn bộ nhân tánh đã được thọ thai bởi Đức Thánh Linh trong lòng trinh nữ Mari, và Con Trẻ được sanh ra đã hoàn toàn là Đức Chúa Trời và là một con người mang nhân tánh trọn vẹn, được kết hiệp trong một Thân Vị đời đời. Điều nầy được gọi là sự hiệp nhất thân vị (hypostatic union).

Đấng Thần-Nhân nầy là độc nhất vô nhị trong toàn cõi lịch sử, và chỉ một mình Ngài đủ tư cách làm Cứu Chúa thỏa đáng. Đấng Cứu Thế phải là con người thì mới có thể chịu chết, vì Đức Chúa Trời không chết,và Đấng Cứu Thế phải là Đức Chúa Trời thì mới có thể khiến sự chết trở thành một sự đền tội hiệu nghiệm được. Khi một người có tội chết đi, người ấy chết vì cớ tội lỗi của chính mình. Một người vô tội mới có thể chuộc tội cho người khác được.

Hãy lưu ý lẽ thật nầy trong những câu mở đầu Rôma 1. Khi Phaolô mô tả Tin Lành (c. 1), ông nói Tin Lành về Con Đức Chúa Trời (c.3); và Con đó là con người (bởi dòng dõi vua Đavít, c. 3) và là Đức Chúa Trời (được tỏ ra là Con Đức Chúa Trời, c. 4). Nói cách khác, chúng ta có Tin Lành chỉ vì chúng ta có một vị Cứu Tinh vừa là Đức Chúa Trời vừa là người - là người để có thể chết, và là Đức Chúa Trời để khiến sự chết đó trở thành một sự đền tội thỏa đáng cho thế gian. Không còn một loại đấng cứu tinh nào khác có thể cứu rỗi được.

III. NHỮNG THỐNG KHỔ TRONG SỰ THƯƠNG KHÓ

Những thống khổ của Đấng Christ trong sự chết Ngài đã được gọi là sự vâng phục thụ động của Ngài trong thần học Cải Chánh kinh điển. Sự vâng phục thụ động nầy tương phản với sự vâng phục chủ động của Đấng Christ. Sự vâng phục chủ động nói đến sự vâng phục được thể hiện trong đời sống trên đất của Đấng Christ. Đương nhiên, đời sống Ngài đã là một đời sống vâng phục,bắt đầu từ việc Ngài vui lòng chấp nhận Sự Nhập Thể (He 10:5-10), và tiếp tục trong suốt toàn bộ cuộc đời của Ngài trên đất (Lu 2:52; Gi 8:29). Ngài đã học tập vâng lời qua sự chịu khổ (He 5:8).

Những thống khổ trong đời sống Đấng Christ tuy thực tế, nhưng lại không phải để chuộc tội. Dầu vậy, công lao sự chết chuộc tội của Ngài là không thể tách rời khỏi sự vô tội và trọn lành của đời sống Ngài, và điều đó được chứng thực bởi đời sống vâng phục của Ngài. Vì thế, tuy các nhà thần học phân biệt giữa những thống khổ trong đời sống và trong sự chết (sự vâng phục chủ động và sự vâng phục thụ động), nhưng việc đó cũng không có ý nghĩa mấy, vì duy chỉ những thống khổ trong sự chết Ngài và sự vâng phục để làm Chiên Con Hy Sinh mới nhằm để chuộc tội.

Như vậy, nói nghiêm túc thì duy chỉ các thống khổ trên thập tự mới là để chuộc tội. Chính trong ba giờ tối tăm đó, khi Đức Chúa Trời đặt tội lỗi của toàn thế gian trên Đấng Christ, mới là lúc đang được thực hiện Sự Chuộc Tội. Sự sỉ nhục, hành hạ, đánh đòn trước lúc Ngài lên thập tự là một phần những thống khổ trong đời sống Ngài.

IV. KHÁI QUÁT SỰ THƯƠNG KHÓ

Như đã nêu từ đầu chương nầy, Sự Thương Khó thường bao gồm những biến cố từ Tiệc Thánh cho đến Sự Đóng Đinh trên thập tự giá. Sau đây là phần khái quát những biến cố nầy và bản chất những sự việc xảy ra trong những giờ cuối đời sống của Đấng Christ.

A. Những Cuộc Xử Án

Địa điểm truyền thống của Lễ Vượt Qua là trên Phòng Cao ở góc tây nam thành Giêrusalem.

Từ nơi đó, đoàn người băng qua thành đến Vườn Ghếtsêmanê (trên sườn núi Ôlive ở phía đông Giêrusalem), tại đó, Chúa đã bị phản,bị bắt, và tại đó Ngài cũng đã chữa lành tai của Manchu. Việc nầy xảy ra có lẽ khoảng 3 giờ sáng.

Khi trở lại thành, Chúa bị giải đến nhà Anne để bị xét xử. Nhà của cả Anne và Caiphe đều ở phía tây nam của thành, không xa Phòng Cao, nơi mà Chúa đã có mặt trước đó.

Kế đó, họ đi đến sân nhà Caiphe. Tại đó, ít nhất cũng đã có đoàn đại biểu của Tòa Công Luận họp lại và tuyên án Chúa.

Đến sáng, toàn Tòa Công Luận đã khẳng định bản án vừa thông qua vài giờ trước đó.

Sau đó, Chúa bị giải đến trước mặt Philát,vì người Do Thái không có quyền thi hành án tử hình. Trường án của Philát ở gần góc thành tây bắc của khu vực Đền Thờ, đối ngang nhà Caiphe ở bên kia thành.

Tiếp đó đến cuộc xét xử của Hêrốt. Cung điện Hêrốt ở vách thành phía tây. Vì thế, Chúa lại đi ngang qua thành phố nầy lần nữa.

Băng qua thành và trở lại tòa Philát, Chúa bị tuyên án đóng đinh trên thập tự giá.

Địa điểm đóng đinh Chúa vẫn còn đang trong vòng tranh luận. Hai địa danh được nêu ra đó là Giáo Đường Mộ Thánh (Church of the Holy Sepulchre), ở phía tây trường án Philát, và Đồi Gôgôtha của Gordon (Gordon’ Calvary), ở tây bắc trường án Philát. Dầu là nơi nào đi nữa, thì Ngài cũng vẫn phải băng ngang phần lớn Giêrusalem.

B. Ngày Chúa Chết

Quan điểm truyền thống xem Chúa chịu đóng đinh ngày Thứ Sáu được mọi người tán đồng, và không có bằng chứng nào mâu thuẫn với quan điểm nầy. Tất cả các sách Tin Lành đều nói rằng tiếp theo sau ngày Chúa chịu đóng đinh là ngày Sabát (Mat 27:62; 28:1; Mac 15:42; Lu 23:56; Gi 19:31). Toàn bộ các sách Tin Lành đều nói những phụ nữ đến viếng mộ Chúa Jesus vào ngày tiếp sau ngày Sabát, tức là ngày đầu tiên của tuần lễ - tức ngày Chúa Nhật (Mat 28:1; Mac 16:2; Lu 24:1; Gi 20:1). Tập tục phổ thông của người Do Thái là nói đến một phần của ngày hay của đêm như là trọn ngày (Sa 42:17-18; ISa 30:12-13; IVua 20:29; IISu 10:5,12; Et 4:16; 5:1). Do đó, để ứng nghiệm “ba ngày ba đêm” của Mat 12:40, thì đòi hỏi Chúa phải ở trong mộ một phần của ngày Thứ Sáu trước lúc mặt trời lặn (ngày thứ nhất), trọn ngày Thứ Bảy (ngày thứ hai), và một phần của ngày Chúa Nhật sau lúc mặt trời lặn của ngày Thứ Bảy và cho đến khi Sự Phục Sinh diễn ra (ngày thứ ba). Và đương nhiên, Kinh Thánh nói “đến ngày thứ ba,” Ngài đã từ kẻ chết sống lại (ICo 15:4).

C. Phương Pháp

Đóng đinh trên thập tự giá bắt nguồn từ Phương Đông. Người Batư đã có thói quen nầy, và Alexander Đại Đế đã học từ người Batư. Xứ Phoenicia, vốn nổi tiếng với những tập tục man rợ, thường dùng cách đóng đinh trên cây thập tự. Dường như Rôma vay mượn tập tục nầy từ Carthage, và đã hoàn chỉnh tập tục này thành một phương cách tử hình. Người Lamã đã dùng cách hành hình nầy đến độ vượt ngoài sức tưởng tượng.

Sau khi bị kết án, tử tội bị quất bằng roi da đầu có đính sắt hoặc xương. Kế đó, tử tội bị bắt phải vác thanh ngang của cây thập tự lên vai đi đến nơi hành hình. Thanh ngang nầy dài khoảng sáu feet (cỡ hai thước) và nặng khoảng ba mươi pounds (khoảng 14 kg). Thanh ngang sẽ được buộc vào thanh đứng đã ở sẵn tại tại địa điểm hành hình. Những cây đinh dài cỡ bảy inches (cỡ 17 cm) loại có đầu (để giữ cho thân người khỏi tuột ra) được đóng xuyên qua bàn tay và bàn chân của nạn nhân. Đôi khi người ta còn cột dây thừng để giữ cho thân người ở trên thập tự.

Người Lamã đã biết cách đẩy bàn chân lên phía trên khi đóng đinh đôi chân vào cây thập hình, để nạn nhân có thể tựa vào đinh và rướn người tạm thời lên phía trên cho dễ thở hơn. Hiếm khi tử tội chết trước ba mươi sáu tiếng đồng hồ, nhưng hầu hết còn sống sót hai hoặc ba ngày rồi mới chết. Cơn khát không thể chịu nổi, đau đớn nhức nhối từ những vết đòn, những cơn chuột rút, choáng ngất, nhục nhã trước đám đông, và nỗi kinh khiếp vì biết những gì đang chờ mình trước cái chết, hết thảy những thứ đó kết hợp lại khiến cho sự đóng đinh trở nên một phương tiện tử hình khủng khiếp.

Đây chính là điều con người đã làm cho Chúa chúng ta. Và Đức Chúa Trời đã đặt hết thảy gian ác của chúng ta trên Đấng Christ. Đấng Christ đã chết để trả xong án phạt tội lỗi, và Ngài chết thay bạn và tôi.