I. SỰ PHỤC SINH

A. Tầm Quan Trọng Trong Sự Phục Sinh Của Đấng Christ.

1. Đối với thân vị của Ngài.

Nếu Đấng Christ không sống lại từ kẻ chết thì Ngài là kẻ nói dối, vì Ngài đã báo trước Ngài sẽ sống lại (Mat 20:19). Với những phụ nữ đến thăm mộ Chúa đang thắc mắc không biết Ngài ở đâu, thiên sứ đã phán cho họ: “Ngài không ở đây đâu, Ngài đã sống lại rồi,như lời Ngài đã phán” (28:6). Sự Phục Sinh chứng thực Chúa chúng ta là Đấng Tiên Tri thật. Nếu không có Sự Phục Sinh đó, mọi điều Ngài đã phán sẽ bị nghi ngờ.

2. Đối với công việc của Ngài.

Nếu Đấng Christ không sống lại từ kẻ chết thì dĩ nhiên, Ngài sẽ không còn sống để làm mọi chức vụ sau phục sinh của Ngài. Chức vụ của Đấng Christ sẽ phải chấm dứt tại thời điểm Ngài chết. Vì vậy chúng ta sẽ không có Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm hiện nay, Đấng Cầu Thay, Đấng Biện Hộ, hoặc Đấng Làm Đầu Hội Thánh. Hơn nữa, sẽ không có Thân Vị sống động nào để ở trong chúng ta và ban năng quyền cho chúng ta (Ro 6:1-10;Ga 2:20).

3. Đối với Phúc Âm.

Trong phân đoạn Kinh Thánh kinh điển ICo 15:3-8, sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ được gọi là “có tầm quan trọng hàng đầu” (Bản Việt Ngữ ghi là “trước hết”). Phúc Âm đặt nền tảng trên hai sự kiện quan trọng: Cứu Chúa đã chịu chết và Ngài hằng sống. Sự chôn cất đã xác chứng sự thật Ngài đã chết. Không phải Ngài lịm đi để rồi sau đó hồi sức. Ngài đã chết. Danh sách những nhân chứng đã chứng minh thực tế sự phục sinh của Ngài. Ngài đã chết và đã chịu chôn; Ngài sống lại và được nhiều người trông thấy. Phaolô viết về chính điểm nhấn mạnh kép này trong Ro 4:25:Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta. Nếu không có Sự Phục Sinh thì không có Phúc Âm.

4. Đối với chúng ta.

Nếu Đấng Christ không sống lại thì lời chứng của chúng ta là sai lầm, đức tin của chúng ta không có nội dung có ý nghĩa, và viễn ảnh tương lai của chúng ta là vô vọng (ICo 15:13-19).Nếu Đấng Christ không sống lại thì những tín hữu đã chết sẽ phải chết theo ý nghĩa tuyệt đối mà không có chút hy vọng phục sinh. Và chúng ta là những kẻ sống chỉ là những kẻ đáng thương vì đã bị lừa đảo để nghĩ còn có tương lai phục sinh cho những kẻ đã chết.

B. Những Bằng Chứng Phục Sinh Của Đấng Christ

1. Những lần hiện ra của Ngài sau khi Phục Sinh.

Số lượng những người khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau đã trông thấy Chúa sau khi Ngài phục sinh cung cấp bằng chứng dư dật cho sự kiện Ngài đã sống lại từ kẻ chết. Ví dụ như trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Phierơ nêu sự kiện họ chứng kiến Đấng Christ phục sinh để làm bằng chứng cho sứ điệp của ông, ông đã nêu bằng chứng tại chính thành phố mà Sự Phục Sinh diễn ra chưa đầy hai tháng trước, và ông nói với cử tọa gồm những kẻ có thể chất vấn đây đó để kiểm tra những lời tuyên bố của Phierơ (Cong 2:32).

Thứ tự những lần hiện ra giữa khoảng thời gian Chúa Jesus Christ phục sinh và thăng thiên dường như sau: (a) Hiện ra cho Mari Mađơlen và những phụ nữ khác (Mat 28:8-10; Mac 16:9-10; Gi 20:11-18); (b)hiện ra cho Phierơ, có lẽ vào buổi chiều (Lu 24:34; ICo 15:5); (c) cho các môn đồ trên đường Emaút lúc xế chiều (Mac 16:12; Lu 24:13-32; (d) cho các môn đồ,trừ Thôma, trên Phòng Cao (Lu 24:36-43; Gi 20:19-25); (e) cho các môn đồ gồm cả Thôma, trong tối Chúa Nhật kế tiếp (Mac 16:14; Gi 20:26-29; (f) cho bảy môn đồ bên bờ biển Galilê (Gi 21:1-24); (g) cho các sứ đồ và hơn năm trăm anh em và Giacơ, em cùng mẹ khác cha của Chúa (ICo 15:6-7); (h) cho những người chứng kiến Sự Thăng Thiên (Mat 28:18-20; Mac 16:19; Lu 24:44-53; Cong 1:3-12).

2. Những ảnh hưởng mà chắc hẳn phải có nguyên nhân (Sự Phục Sinh).

Một số sự kiện đáng ngạc nhiên cần phải có lời giải thích. Không thể nghĩ ra lời giải thích nào thỏa đáng hơn cho chung ngoại trừ nguyên nhân sự phục sinh của Đấng Christ.

Điều gì đã khiến cho ngôi mộ trống? Các môn đồ đã thấy ngôi mộ trống không. Các lính gác báo cáo cho những thầy tế lễ cả rằng ngôi mộ trống không và lãnh tiền hối lộ để giữ kín chuyện đó (Mat 28:11-15). Nếu câu chuyện họ buộc phải kể (rằng các môn đồ đến đánh cắp xác Ngài) là đúng thì dĩ nhiên họ ắt phải bị trừng phạt hoặc xử trảm vì để điều đó xảy ra trong khi họ lãnh trách nhiệm canh gác. Có người nói các môn đồ đến nhầm mộ khác, nhưng một lần nữa, hiện diện của lính gác khiến không thể nghĩ đến điều này được. Ngôi mộ trống không (kết quả) vì Đấng Christ đã sống lại (nguyên nhân).

Điều gì khiến cho có những biến cố trong Ngày Lễ Ngũ Tuần? Lễ Ngũ Tuần hằng năm đến rồi đi, nhưng trong năm ấy khi Đấng Christ sống lại, nó được chứng kiến sự giáng lâm của Đức Thánh Linh như lời Ngài đã hứa (Cong 1:5). Trong bài giảng, Phierơ xem sự kiện Thánh Linh giáng lâm liên quan đến sự kiện Đấng Christ Phục Sinh đã sai Thánh Linh đến (2:33).Thánh Linh giáng lâm (là kết quả) phải có một nguyên nhân thỏa đáng (sự phục sinh của Đấng Christ).

Điều gì đã khiến ngày thờ phượng phải thay đổi?Toàn bộ Cơ đốc nhân đầu tiên là người Dothái, đã quen thờ phượng ngày Sabát.Tuy nhiên, đột ngột, họ đồng loạt bắt đầu thờ phượng trong ngày Chúa Nhật, dầu đó là ngày làm việc bình thường (Cong 20:7). Tại sao? Vì muốn kỷ niệm sự sống lại của Chúa, là sự kiện diễn ra trong ngày Chúa Nhật nên họ thay đổi ngày thờ phượng.Thờ phượng ngày Chúa Nhật là kết quả; sự phục sinh của Đấng Christ là nguyên nhân.

C. Những Kết Quả Bởi Sự Phục Sinh Của Đấng Christ.

1. Một thân thể nguyên mẫu mới:

với sự phục sinh của Đấng Christ, lần đầu tiên trong lịch sử đã có một loại thân thể phục sinh mới, bởi vì Ngài đã sống lại với một thân thể đời đời, không hề chết nữa.Trước biến cố đó, mọi sự phục sinh đều là sự phục hồi thân thể thuộc về đất trước đó.

Thân thể phục sinh của Đấng Christ có nhiều mối liên hệ với thân thể chưa phục sinh thuộc về đất này của Ngài. Người ta đã nhận ra Ngài (Gi 20:20), những vết thương do bị đóng đinh còn lưu lại (20:25-29; Kh 5:6), Ngài có thể ăn, dù Ngài không cần phải ăn (Lu 24:30-33,41-43),Ngài hà hơi trên các môn đồ (Gi 20:22), và thân thể có thịt và xương đó chứng minh Ngài không chỉ là một thần linh hiển thị (Lu 24:39-40).

Nhưng thân thể phục sinh của Ngài đã khác hẳn.Ngài có thể đi vào những phòng đóng kín mà không cần mở cửa ra (Lu 24:36; Gi 20:19), Ngài đã có thể xuất hiện và biến mất tùy ý Ngài (Lu 24:15; Gi 20:19),và hiển nhiên Ngài không còn bị giới hạn bởi những nhu cầu vật lý chẳng hạn như cần phải ngủ hoặc cần phải ăn.

Lời mô tả chi tiết nhất về sự sống lại và thăng thiên của Đấng Christ được chép trong Kh 1:12-16. Tại đây, Giăng ghi lại khải tượng ông thấy Đấng Christ được vinh hiển. Ngài giống như Con loài người,là điều kết nối Ngài với dáng vẻ trên đất của Ngài trước đó, nhưng Ngài cũng chiếu rọi vinh hiển từ đôi mắt, đôi chân, giọng nói và gương mặt của Ngài. Đây là cách chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài một ngày gần đây.

Sự phục sinh của Ngài cũng là nguyên mẫu cho sự phục sinh của tín hữu. Đấng Christ được nhắc đến hai lần như người được sinh ra đầu hết từ trong kẻ chết (Co 1:18; Kh 1:5). Điều đó có nghĩa Ngài là nhân vật đầu tiên có thân thể phục sinh đời đời. Thân thể phục sinh của chúng ta, giống như thân thể của Chúa, sẽ khác thân thể thuộc về đất của chúng ta. Khi trả lời câu hỏi thân thể phục sinh của tín hữu sẽ như thế nào, Phaolô nói chúng sẽ không phải chính thân xác được đặt trong mồ mả rồi chỉ được phục hồi lại; nhưng sẽ là thân xác mới nhưng có liên quan với thân thể trước đó (ICo 15:35-41).

Tín hữu trong trạng thái vĩnh hằng sẽ hoàn toàn trở nên “giống Ngài” (IGi 3:2). Điều này có nghĩa gì? Giăng giải thích trong những câu Kinh Thánh tiếp theo. Trở nên giống như Ngài có nghĩa trở nên trong sạch (c.3), trở nên không có tội lỗi (c.5), và trở nên công chính (c.7).Toàn bộ hữu thể của chúng ta, gồm cả thân thể chúng ta, sẽ được mô tả tiêu biểu theo những cách nầy.

2. Bằng chứng cho những lời tuyên bố của Ngài:

Chúng ta đã nói sự phục sinh chứng tỏ tính chân thật của Ngài trong cương vị một Đấng Tiên Tri (Mat 28:6). Nó cũng xác chứng lời Ngài tuyên bố là Đấng Mêsia và là Chúa, một ý được Phierơ làm sáng tỏ trong bài giảng Lễ Ngũ Tuần của ông (Cong 2:36). Phaolô nói Sự Phục Sinh đã chứng minh Ngài là Con của Đức Chúa Trời (Ro 1:4).

3. Một điều kiện tiên quyết cho mọi chức vụ tiếp theo của Ngài:

Nếu Đấng Christ không sống lại thì đời sống và chức vụ của Ngài đã kết thúc trên thập tự giá, và Ngài không làm được việc gì từ thời điểm đó trở đi. Thông qua Sự Phục Sinh và Thăng Thiên, Chúa chúng ta đã bước vào những chức vụ hiện tại và tương lai của Ngài, là điều sẽ bàn đến trong chương tiếp theo.

Sự Phục Sinh của Đấng Christ vẫn luôn luôn là một chân lý vui mừng, đầy sức hấp dẫn và thôi thúc cho Hội Thánh. Một trong những lời cầu nguyện đơn giản nhất và những tín điều xưa nhất của Hội Thánh đó là: “Maranatha,” “Lạy Chúa, xin hãy đến ” (ICo 16:22). Không ai có thể nói điều đó mà lại chối bỏ sự phục sinh của Chúa mình. Câu ấy xác quyết cách rõ ràng nhất rằng Chúa Jesus là Chúa, Đấng sống và là Đấng sẽ trở lại.

Maranatha! Lạy Chúa Jesus, xin hãy đến !

II. SỰ THĂNG THIÊN

A. Những Tuyên Bố Về Sự Thăng Thiên

1. Trong Cựu Ước:

Hai câu Kinh Thánh báo trước sự thăng thiên của Đấng Mêsia (Thi 68:18, được trưng dẫn trong Eph 4:8 và Thi 100:1 được trích dẫn trong Cong 2:34).

2. Trong những lời phán của Đấng Christ:

Chúa chúng ta đã nói Ngài sẽ đi đến với Đức Chúa Cha (Gi 7:33; 14:12,28; 16:5,10,28)và nói cụ thể về sự Thăng Thiên (6:62; 20:17).

3. Trong các tác phẩm Tân Ước:

Kết thúc gây tranh luận của Mác đã ghi lại Sự Thăng Thiên (16:19); Luca nói về Sự Thăng Thiên hai lần (Lu 9:51; 24:51); nhưng chủ yếu là Cong 1:6-11. Các phân đoạn Kinh Thánh Tân Ước khác nữa nói đến Sự Thăng Thiên (Eph 4:10; ITi 3:16; He 4:14; IPhi 3:22), và nhiều phân đoạn khác nữa nói về sự tôn cao Đấng Christ hiện nay bao hàm Sự Thăng Thiên (như Co 3:1).

B. Mô Tả Sự Thăng Thiên

1. Nơi chốn:

Sự Thăng Thiên diễn ra “xung quanh làng Bêthani” (Lu 24:50), tức trên sườn Bêthani của Núi Ôlive (Cong 1:12).

2. Diễn trình:

Đấng Christ thật sự đi lên như thể được đám mây đỡ lên (c.9). Sự cất lên không phải là sự biến mất thình lình mà đã là một sự đi lên dần dần, dù vậy kéo dài không lâu.

3. Lời hứa:

Khi các môn đồ đang đứng ngóng thì có hai thiên sứ xuất hiện và hứa rằng Đấng đã được cất lên khỏi họ cũng sẽ trở lại “như cách” họ thấy Ngài được cất lên vậy.

C. Những Vấn Nạn Nảy Sinh Liên Quan Đến Sự Thăng Thiên

1. Nó trái ngược với những định luật thiên nhiên.

Đúng như thế, nhưng thân thể phục sinh của Đấng Christ không nhất thiết phải phục dưới các định luật thiên nhiên, và Đấng Christ, là Đức Chúa Trời, có thể không dùng những quy luật Ngài đã lập.

2. Có phải Chúa đã về thiên đàng trước lần thăng thiên công khai này không?

Có người nghĩ Gi 20:17 nêu lên một hoặc nhiều lần về trời trước lần thăng thiên được nêu chi tiết ở Công Vụ 1. Tuy nhiên, động từ “ta lên” có lẽ lắm là thì hiện tại để diễn tả tương lai nhằm nói đến sự thăng thiên công khai sắp đến của Công Vụ 1 và nói đến với sự biết chắc chắn.Dường như thể Chúa đang nói với Mari: “Đừng chạm đến ta. Không cần phải làm như vậy, vì ta chưa đến thời điểm thăng thiên vĩnh viễn. Các ngươi sẽ còn nhiều cơ hội thấy ta. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì chuyện ta chắc chắn sẽ đến với Cha Ta.” (Xem Leon Morris, The Gospel of John (Grand Rapids: 1971, trang 840-1).

D. Tầm Quan Trọng Của Sự Thăng Thiên

Sự Thăng Thiên đánh dấu kết thúc thời kỳ hạ mình của Đấng Christ và bước vào giai đoạn được tôn cao của Ngài. Ngay cả trong bốn mươi ngày giữa khoảng Sự Phục Sinh và Thăng Thiên của Ngài vẫn có một số giới hạn, ví dụ như sự bày tỏ vinh hiển của Ngài. Hãy chú ý rằng những lần hiện ra của Ngài sau khi phục sinh và trước khi thăng thiên đã không làm cho các môn đồ ngạc nhiên xét về sự hiện ra của thân thể phục sinh Ngài. Nhưng lần hiện ra sau thăng thiên của Đấng Christ cho Giăng như được mô tả trong Khải Huyền 1 chắc chắn phải chiếu rọi vinh hiển Ngài sống động hơn bội phần.

Sự Thăng Thiên đã diễn ra rồi, giờ đây Đấng Christ đã sẵn sàng bắt đầu những chức vụ khác cho chính mình Ngài và cho cả thế gian.