I. Ý NGHĨA TÌNH TRẠNG VÔ TỘI CỦA ĐẤNGCHRIST

Tình trạng vô tội nơi Chúa chúng ta có nghĩa là Ngài không bao giờ làm điều không đẹp lòng Đức Chúa Trời, không hề vi phạm luật pháp Môise khi Ngài sống dưới luật pháp ấy ở trần gian, Ngài cũng không hề thất bại trong việc luôn luôn bày tỏ vinh hiển Đức Chúa Trời trong nếp sống Ngài (Gi 8:29). Điều đó không miễn cho Ngài từng trải những sự giới hạn vô tội cặp theo nhân tánh; ví dụ như Ngài đã từng mệt mỏi (4:6); Ngài đã từng đói (Mat 4:2; 21:18); Ngài đã từng khát (Gi 19:28); Ngài đã ngủ (Mat 8:24). Nhưng trong mọi giai đoạn của đời sống Ngài như thời thơ ấu, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, hay khi thành nhân, Ngài đều thánh khiết và vô tội.

II. LỜI CHỨNG CHO TÌNH TRẠNG VÔ TỘI CỦA ĐẤNG CHRIST

A. Chứng cứ.

Thánh Kinh khẳng định rõ ràng tình trạng vô tội của Đấng Christ.

Chúa chúng ta đã được công bố là Con thánh (Lu 1:35). Ngài thách thức kẻ thù Ngài chứng minh Ngài có tội, và họ đã không thể chứng minh được (Gi 8:46). Họ đã thất bại trong nỗ lực gài bẫy Ngài bằng cách lợi dụng những điều Ngài đã phán (Mat 22:15). Ngài đã tuyên bố Ngài luôn luôn làm những điều đẹp lòng Đức Chúa Cha (Gi 8:29). Ngài nói Ngài tuân giữ những điều răn của Cha Ngài (Gi 15:10). Trong những phiên tòa và khi chịu đóng đinh trên thập tự, Ngài đã được công nhận là vô tội đến mười một lần (bởi Giuđa, Mat 27:4; bởi Philát sáu lần, 27:24; Lu 23:14,22; Gi 18:38; 19:4,6; bởi Hêrốt Antipa, Lu 23:15; bởi vợ của Philát, Mat 27:19; bởi tên trộm biết ăn năn, Lu 23:41; và bởi thầy đội Lamã Mat 27:54). Hơn nữa, không có chỗ nào chép Chúa chúng ta từng dâng một sinh tế nào, dù Ngài rất thường đi lên đền thờ. Sự yên lặng này nói lên sự kiện Ngài không cần phải làm điều đó, bởi vì Ngài không hề phạm tội.

Phaolô nói Chúa chúng ta “chẳng biết tội lỗi”(IICo 5:21).

Phierơ cũng tuyên bố Đấng Christ đã không phạm bất cứ tội lỗi nào, cũng không hề tìm thấy được lời dối trá nào trên miệng Ngài (IPhi 2:22). Ngài đã là Chiên Con không lỗi không vít (1:19).

Giăng đã khẳng định cùng một chân lý này khi bảo rằng trong Đấng Christ không có tội lỗi nào (IGi 3:5).

Trước giả thư Hêbơrơ đã chứng thực tình trạng vô tội của Chúa chúng ta bằng nhiều cụm từ: Ngài chẳng phạm tội (4:15); Ngài là thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội (7:26), và không cần phải có sinh tế chuộc tội cho Ngài (c. 27).

Như vậy lời chứng của chính Đấng Christ và của những trước giả Tân Ước đều thống nhất với nhau – Ngài là vô tội.

B. Vấn Đề Bàn Cãi

Dù phái bảo thủ đồng ý rằng Đấng Christ vô tội,nhưng họ không thống nhất ý với nhau về vấn đề Ngài có thể phạm tội hay không thể phạm tội được. Họ khẳng định Ngài đã không phạm tội; nhưng còn tranh cãi vấn đề Ngài đã có thể phạm tội hay không thể phạm được.

Quan điểm cho rằng Ngài đã không có khả năng phạm tội được gọi là tính không thể phạm tội được (non posse peccare). Quan điểm cho rằng Ngài đã có khả năng phạm tội được, bất luận Ngài có thực sự phạm tội hay không, được gọi là tính có thể phạm tội (posse non peccare). Đương nhiên,phái thần học tự do nghĩ rằng không những Ngài đã có thể phạm tội nhưng Ngài cũng đã thực sự phạm tội nữa. Đó là tính có thể phạm tội kết hợp với tính có tội.Khái niệm về tính có thể phạm tội này không cần phải bao gồm tình trạng có tội,và phái bảo thủ không đưa tính có tội vào khái niệm này.

III. SỰ THỬ NGHIỆM TÍNH VÔ TỘI CỦA ĐẤNG CHRIST

A. Mối Liên Hệ Của Thử Nghiệm Đối Với Tính Có Thể Phạm Tội / Tính Không Thể Phạm Tội

Cuộc bàn cãi liệu Đấng Christ có hay không có khả năng phạm tội có liên hệ gần gũi với sự cám dỗ Đấng Christ. Người hậu thuẫn tính có thể phạm tội lập luận nếu Ngài không thể phạm tội thì những cám dỗ Ngài chịu là không thật và Ngài không thể làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm biết cảm thông thật. Nói cách khác, tính có thể phạm tội đòi hỏi phải có tính dễ bị ảnh hưởng thuộc thể chất đối với tội lỗi. Người hậu thuẫn tính không thể phạm tội nói rằng tính không thể phạm tội liên quan tới sự hiệp nhất thần tánh và nhân tánh trong một Thân Vị để ngay cả khi nhân tánh có khả năng phạm tội được, thì Thân Vị này vẫn không thể phạm tội được. Không thể khác hơn thế cho một Thân Vị có toàn bộ năng quyền và một ý chí thiên thượng.

Hodge đại diện quan điểm có thể phạm tội được.“Sự cám dỗ hàm ý khả năng phạm tội. Nếu từ trong sự cấu thành thể trạng của thân vị Đấng Christ mà Đấng Christ không thể phạm tội được, thì sự cám dỗ của Ngài là không thật và không có hiệu quả gì, và Ngài không thể cảm thông với dân sự Ngài. (Systematic Theology (Grand Rapids: Eerdmans, 1960,2:457).

Mặt khác, Shedd viết:

“Người ta phản đối rằng giáo lý về tính không thể phạm tội được của Đấng Christ không nhất quán với tình trạng có thể bị cám dỗ của Ngài. Họ bảo: Người không cókhả năng phạm tội thì không cách nào cám dỗ để họ phạm tội được. Nói vậy không đúng; chẳng khác gì cũng không đúng khi bảo:vì một đội quân không thể bị chinh phục, nên không thể bị tấn công. Khả năng có thể bị cám dỗ tùy thuộc vào tính dễ bị ảnh hưởng thuộc thể trạng, còn tính không thể phạm tội được tùy thuộc vào ý chí .... Những cám dỗ đó rất mạnh mẽ,nhưng nếu sự tự quyết định của ý chí thánh khiết Ngài là mạnh hơn những cám dỗ đó, thì chúng không thể nào xui khiến Ngài phạm tội, và Ngài sẽ là không thể phạm tội được. Thế nhưng rõ ràng Ngài sẽ có thể bị cám dỗ.” (Dogmatic Theology (New York: Scribner, 1891,2:336).

B. Bản Chất Những Sự Thử Nghiệm Đấng Christ

Hiển nhiên, những sự thử nghiệm Ngài là thật.Chúng đã diễn ra, nên hiển nhiên chúng là thật. Thật ra những sự thử nghiệm đặc biệt mà Đấng Christ đã trải qua là phù hợp với một Đấng Thần-Nhân. Không một con người thường nào lại bị cám dỗ để khiến đá thành ra bánh, nhưng Đấng Thần-Nhân này ắt đã có thể làm việc đó. Không một người tỉnh táo nào sẽ bị cám dỗ cách nghiêm túc để chứng minh tư cách Đấng Mêsia của mình bằng hành động nhảy từ nơi cao xuống mong rằng đáp xuống đất không hề hấn gì. Không con người nào sẽ thật sự xem trọng lời Satan đề nghị cho mình tất cả những vương quốc của trần gian này – có lẽ chỉ là một góc của một vương quốc nào đó, chứ không phải tất cả. Vì vậy đây là những thử nghiệm đã được nhằm cám dỗ Đấng-Thần-Nhân theo một phương cách mà không ai khác từng bị cám dỗ như vậy.

Dầu những thử thách cụ thể ấy vượt quá kinh nghiệm tầm thường của con người, nhưng những lĩnh vực thử nghiệm mà chúng đại diện là thông thường cho mọi người. Có thể xếp mọi ham muốn tội lỗi vào những thể loại như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt hoặc sự khoe khoang của cải (hoặc là phối hợp những phần đó, IGi 2:16). Những thử nghiệm mà Satan đã cám dỗ Chúa cũng thuộc vào ba phạm trù tương tự đó (Mat 4:1-11).

Khi trước giả thư Hêbơrơ nói Chúa chúng ta đã chịu thử thách trong mọi sự (kata panta), ông không thể có ý bảo Ngài đã từng trải mọi thử thách mà con người đã kinh nghiệm (He 4:15). Ví dụ như Ngài chưa từng bị cám dỗ để lạm dụng truyền hình. Nhưng Ngài đã từng trải những sự thử nghiệm hoàn toàn thích hợp cho một Đấng Thần-Nhân, mà chúng thuộc vào cùng những phạm trù cho mọi cám dỗ, kể cả những sự cám dỗ cho chúng ta. Và lý do khiến Ngài có thể bị cám dỗ chính là Ngài đã có nhân tánh, bởi vì Đức Chúa Trời không bị điều ác cám dỗ (Gia 1:13). Trước giả này tiếp tục: Ngài đã bị thử thách “cũng như chúng ta.” Nói cách khác, sự kiện Ngài đã được khiến nên giống như thân thể xác thịt tội lỗi đã cho phép Ngài có thể chịu thử thách. Tuy nhiên có sự khác biệt lớn giữa nhân tánh của Ngài và nhân tánh của chúng ta. Ngài đã “chẳng phạm tội.”Ngài không hề có bản chất tội lỗi và Ngài chưa hề phạm một tội lỗi nhỏ nào. Điều này vẫn không có nghĩa nhân tánh của Ngài có tính không thể phạm tội được. Nó có thể phạm tội, dầu vậy chưa từng biết tội lỗi. Nhưng thân vị của Đấng Thần-Nhân là không thể phạm tội được.

Shedd nhận định chính xác: “Do đó, tuy Đấng Christ có nhân tánh có thể phạm tội được trong cấu thành thể trạng của Ngài,nhưng Ngài là một Thân Vị không thể phạm tội được. Tính không thể phạm tội mô tả đặc điểm Đấng Thần-Nhân như một tổng thể, còn tính có thể phạm tội được là một thuộc tính của nhân tánh Ngài.” (2:333).

C. Những Kết Quả Trong Những Sự Thử Nghiệm Đấng Christ.

1. Tính nhạy bén: Ngài trở nên nhạy bén đối với áp lực của thử thách. Ngài đã kinh nghiệm nó với những cảm xúc và những sức mạnh mà chúng ta không hiểu nổi.

2. Gương mẫu: Ngài để cho chúng ta một gương mẫu đắc thắng những loại thử thách khốc liệt nhất.

3. Sự cảm thông: Ngài có thể hiểu biết chúng ta cách đầy cảm thông khi chúng ta bị thử thách.

4. Ân điển và năng quyền: Ngài cũng có thể cung ứng ân điển và năng quyền mà chúng ta cần có trong những giờ thử thách. Những người nào kinh nghiệm cùng những nan đề mà chúng ta có lẽ đã đối diện thì họ thường nhạy cảm và đầy cảm thông, nhưng thông thường họ chỉ có thể giải quyết rất ít hoặc không thể giải quyết những nan đề của chúng ta. Chúa có thể giải quyết và ban cho chúng ta ân điển để giúp trong những lúc có cần (He 4:16). Duy chỉ một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Thần-Nhân mới có thể làm cả hai – cảm thông vì Ngài đã thật sự chịu thử thách và ban năng quyền vì Ngài là Đức Chúa Trời.

D. Minh Họa

Lúc mới bắt đầu dạy tại chủng viện, tôi sửng sốt vô cùng khi thấy hàng loạt lỗi chính tả trong bài thi của sinh viên. Hồi mới vào nghề, tôi có ra bài thi cho một lớp có lẽ chưa tới hai mươi sinh viên, và một trong những câu phải trả lời là chữ Ghếtsêmanê. Có tin nổi không, lớp đó viết sai chính tả một chữ này theo tám cách khác nhau! Thậm chí cố ý cũng không dễ viết sai đến thế được. Thần Tánh và thiên hy niên cũng là những từ ngữ khác nữa thường bị viết sai chính tả. Và nên nhớ, những sinh viên này đều đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học.

Khi về thăm gia đình trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh đầu tiên, tôi được dự buổi tối gặp gỡ trò chuyện với một nhóm giáo viên của trường công. Họ là thành viên của một lớp Kinh Thánh do cha tôi dạy suốt nhiều năm, và nhiều người trong số đó đã là thầy cô giáo của tôi hồi tôi còn nhỏ. Dĩ nhiên họ rất thích thú khi biết tôi cũng rất yêu nghề giáo. Khi tôi bắt đầu phàn nàn việc viết sai lỗi chính tả, hầu như mọi người đều đồng cảm. Tôi phàn nàn về chữ Ghếtsêmanê. Họ phàn nàn về chữ cũng không hoặc chữ mèo hoặc những từ ngữ đơn giản hơn mà các sinh viên chủng viện không bao giờ bị cám dỗ viết sai.Những cám dỗ viết sai chính tả của sinh viên tôi đặc biệt liên quan đến những từ ngữ thần học. Những cám dỗ viết sai chính tả cho các học sinh của họ liên quan đến những từ ngữ khá phổ thông. Những từ ngữ cụ thể ấy phù hợp với những trình độ khác nhau của học sinh. Nhưng lãnh vực thì như nhau – những từ ngữ sai chính tả mà mỗi nhóm đáng ra phải biết rồi. Bởi vì chúng tôi có chung một lĩnh vực nan đề,chúng tôi có thể thực sự thông cảm với nhau.

Dĩ nhiên cũng đúng khi bảo mỗi học sinh trong lớp tôi đã thực sự bị thử thách về việc viết đúng chính tả chữ Ghếtsêmanê.Sinh viên nào biết chữ đó thì thi đậu bài thi ấy, nhưng bài thi có sẵn đó cho tất cả mọi người. Chúng ta có một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm có thể cảm thông thật vì Ngài đã thực sự chịu những thử thách đặc biệt dành cho một Đấng Thần-Nhân. Ngài đã không phạm tội và đã không thể phạm tội. Ngài đã và luôn thánh khiết, vô tội và không bị ô uế, là Chiên Con không lỗi không vít của Đức Chúa Trời.